Phân Loại Bố Thí
Do những nhân duyên: tác ý thiện tâm bố thí, người thọ thí và vật bố thí khác nhau, nên phân loại ra thành nhiều nhóm, mỗi nhóm có 2 – 3 … loại phước thiện bố thí.
Nhóm bố thí có hai loại:
Ví dụ:
* Āmisadāna – Dhammadāna
– Āmisadāna: vật thí là những vật như: y phục, vật thực, đồ uống, đồ dùng, chỗ ở, thuốc trị bệnh…
– Dhammadāna: pháp thí là thuyết giảng chánh pháp, dạy đạo, chỉ dẫn hành thiền…
Trong hai loại bố thí này, pháp thí là cao thượng hơn cả.
Cũng như vậy, trong hai loại cúng dường:
– Āmisapūjā: cúng dường bằng những vật như: hoa, quả, vật thơm…
* Dhammapūjā: cúng dường bằng cách thực hành theo chánh pháp.
Trong hai cách cúng dường này, cúng dường bằng cách hành theo chánh pháp là cao thượng hơn cả.
* Vaṭṭanissitadāna – Vivaṭṭanissitādāna
– Vaṭṭanissitadāna: bố thí cầu mong hưởng sự an lạc đời đời, kiếp kiếp trong vòng tử sanh luân hồi trong tam giới.
– Vivaṭṭanissitadāna: bố thí chỉ cầu mong chứng ngộ Niết Bàn, giải thoát khổ trong vòng tử sanh luân hồi trong tam giới.
Thật ra, sự bố thí cầu mong hưởng sự an lạc trong kiếp tử sinh luân hồi trong tam giới, thí chủ được thành tựu quả báu trong cõi người (manussa- sampatti), như giàu sang phú quý, có quyền cao chức trọng, được hưởng sự an lạc cõi người; và được thành tựu quả báu trong cõi trời (devasampatti), được hưởng sự an lạc cõi trời. Dầu ở cõi nào thí chủ cũng hài lòng, say đắm trong cõi ấy, không muốn từ bỏ. Nhưng đến khi hết tuổi thọ, phải từ bỏ cõi ấy, tâm thường bị ô nhiễm, luyến tiếc của cải và những người thân yêu.
Còn bố thí cầu mong chứng ngộ Niết Bàn giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong tam giới, khi thí chủ chưa chứng đạt đến mục đích cứu cánh Niết Bàn, vẫn còn trong vòng tử sanh luân hồi, thì vẫn được giàu sang phú quý, quyền cao chức trọng; và vẫn hưởng được sự an lạc cõi người, cõi trời. Song tâm không dính mắc nơi của cải, tài sản, sự nghiệp ấy; sẵn sàng sử dụng của cải, tài sản bố thí đến người khác một cách dễ dàng; thậm chí dễ dàng từ bỏ nhà, đi xuất gia hành phạm hạnh, để mong chứng ngộ Niết Bàn, theo năng lực lời phát nguyện trong kiếp quá khứ.
Như vậy, đối với hạng người bố thí cầu mong chứng ngộ Niết Bàn họ sẽ được thành tựu: quả báu cõi người (manussasampatti), quả báu cõi trời (devasampatti), và còn kết quả chứng ngộ Niết Bàn (Nibbānasampatti) nữa.
Thí chủ cầu mong chứng ngộ Niết Bàn, cần phải phát nguyện rằng:
“Idaṃ me dānaṃ āsavakkhayāvahaṃ hotu”.
“Cầu mong phước thiện bố thí của con, làm duyên lành dẫn dắt con đến sự chứng ngộ Niết Bàn, chứng đắc A-ra-hán Thánh Ðạo, A-ra-hán Thánh Quả, diệt đoạn tuyệt tất cả mọi phiền não trầm luân”.
* Sāhatthikadāna – āṇattikadāna
– Sāhatthikadāna: tự thí: Tự tay mình đem những vật thí dâng cúng, ban bố, phân phát đến người khác.
– Aṇattikadāna: sai khiến người thí: Không tự tay mình bố thí, mà sai khiến người đem những vật thí của mình ban bố, phân phát đến người khác.
Tự thí có quả báu giàu sang phú quý, có nhiều người thân yêu quý mến, giúp đỡ, hầu hạ. Sai khiến người thí có quả báu giàu có, song sống cô đơn, ít người thân yêu, hầu hạ.
Như trường hợp cậu Uttara là nô bộc của ông Tỉnh trưởng Pāyāsi, được ông sai bảo hằng ngày phân phát bố thí của cải của ông đến người khác. Cậu Uttara sau khi chết, do phước thiện bố thí cho quả tái sanh làm chư thiên cõi Tam thập tam thiên, có lâu đài nguy nga tráng lệ, có nhiều thiên nam, thiên nữ, bạn thân, hầu hạ…; còn ông Tỉnh trưởng Pāyāsi sau khi chết, được tái sanh làm chư thiên cô đơn nơi cõi trời Tứ đại thiên vương, trong một lâu đài hoang vắng, không có thiên nam, thiên nữ hầu hạ.
* Sakkaccadāna – Asakkaccadāna
– Sakkaccadāna: cung kính thí: Tự mình đem những đồ vật bố thí, cúng dường đến Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng, Tam bảo, hoặc đến người khác một cách cung kính.
– Asakkaccadāna: bất kính thí: Tự mình đem những đồ vật bố thí, cúng dường đến Tam bảo, hoặc đến người khác một cách không cung kính, xem thường.
* Ñāṇasampāyuttadāna–Ñāṇavippāyuttadāna
– Ñāṇasampāyuttadāna: bố thí hợp với trí: Thí chủ có trí tuệ hiểu biết rõ nghiệp và quả của nghiệp trong khi đang đem vật thí bố thí, cúng dường đến người khác.
– Ñāṇavippāyuttadāna: bố thí không hợp với trí: Thí chủ không có trí tuệ hiểu biết về nghiệp và quả của nghiệp trong khi đang đem vật thí bố thí, cúng dường đến người khác.
* Sasaṅkhārikadāna – Asaṅkhārikadāna
– Sasaṅkhārikadāna: bố thí do người khác động viên khuyến khích: Còn tự mình không nghĩ đến việc bố thí. Người khác đến động viên khuyến khích mình bố thí, khi ấy mới phát sanh đức tin làm phước thiện bố thí.
– Asaṅkhārikadāna:bố thí do tự mình nghĩ: Không có người nào động viên, khuyến khích. Tự mình nghĩ đến việc bố thí, rồi phát sanh đức tin trong sạch làm phước thiện bố thí.
Trong hai loại phước thiện bố thí này Asaṅkārikadāna có năng lực phước thiện bố thí mạnh hơn Sasaṅkhārikadāna.
* Somanassadāna – Upekkhādāna:
– Somanassadāna: bố thí đồng sanh với hỉ: Bố thí bằng đức tin trong sạch, nên đại thiện tâm đồng sanh với tâm hoan hỉ trong việc phước thiện bố thí ấy, vì cảm thấy hài lòng nơi người thọ thí và vật thí của mình.
– Upekkhādāna: bố thí đồng sanh với xả: Bố thí bằng đức tin, song đại thiện tâm đồng sanh với xả, vì không cảm thấy hài lòng nơi người thọ thí, hoặc vật thí của mình.
Trong hai loại bố thí này, nếu dục giới thiện nghiệp, thì somanassadāna có năng lực phước thiện bố thí mạnh hơn upekkhādāna; còn trong sắc giới thiện nghiệp thì upekkhādāna có năng lực phước thiện bố thí mạnh hơn somanassadāna.
* Dhammiyadāna – Adhammiyadāna.
– Dhammiyadāna: bố thí những vật thí hợp pháp: của cải phát sanh một cách hợp pháp, đem làm phước thiện bố thí, phước thiện này trong sạch, không bị ô nhiễm bởi ác pháp.
– Adhammiyadāna: bố thí những vật thí phi pháp: của cải phát sanh một cách phi pháp, như trộm cắp, lường gạt… đem làm phước thiện bố thí, phước thiện này không hoàn toàn trong sạch, bị ô nhiễm bởi ác pháp.
* Kāladāna – Akāladāna.
– Kāladāna: bố thí đúng thời, đúng lúc, đúng thời gian quy định như:
+ Vassikasātikadāna: bố thí dâng y tắm mưa: Ðức Phật cho phép Tỳ khưu nhận y tắm mưa kể từ ngày 01 tháng 6 đến ngày 15 tháng 6 (AL) là hết hạn. Trong khoảng thời gian 15 ngày ấy, chư Tỳ khưu chỉ có thể nhận y tắm mưa 1 lần trong một ngày nào đó mà thôi. Vì vậy, thí chủ cũng chỉ có thể bố thí dâng y tắm mưa trong khoảng thời gian 15 ngày.
+ Kathinadāna: bố thí dâng y kathina: Ðức Phật cho phép Tỳ khưu Tăng sau khi đã an cư suốt ba tháng mùa mưa, tại một nơi nào rồi, được phép nhận lãnh y kathina, kể từ ngày 16 tháng 9 đến ngày 15 tháng 10 (AL). Trong khoảng thời gian một tháng ấy, chư Tỳ khưu Tăng chỉ có thể thọ lãnh y kathina 1 lần trong một ngày nào đó mà thôi, còn lại các ngày khác, không thể thọ lãnh y kathina được nữa.
+ Gilānabhatta: bố thí vật thực đến Tỳ khưu trong thời gian đang lâm bệnh.
+ Āgantukabhatta: bố thí vật thực đến Tỳ khưu khách từ xa mới đến.
+ Gamikabhatta: bố thí vật thực đến Tỳ khưu sắp đi xa….
Những sự bố thí này đúng thời đúng lúc.
– Akāladāna: bố thí không quy định thời gian.
Thí chủ bố thí bất cứ lúc nào, đến bất cứ người nào khi muốn bố thí. Trong hai loại phước thiện bố thí này, kaladāna có quả báu của phước thiện bố thí rất đặc biệt hơn akāladāna như: cho quả báu tốt lành từ thuở ấu niên, được giàu sang phú quý, có những gì mà người khác khó có, được những gì mà người khác khó được, khi cần thứ nào có ngay thứ ấy, đúng lúc đúng thời.
Trong phần kāladāna, kathinadāna: bố thí dâng y kathina có quả báu đặc biệt. Thông thường, các loại phước thiện bố thí, quả báu chỉ có thể phát sanh đến thí chủ mà thôi. Song kathinadāna: phước thiện bố thí dâng y kathina, quả báu đặc biệt phát sanh không những cho thí chủ, mà còn có quả báu đặc biệt phát sanh đến cho chư Tỳ khưu Tăng thọ thí nữa.
Ðức Phật cho phép chư Tỳ khưu Tăng, sau khi đã an cư nhập hạ một nơi suốt 3 tháng mùa mưa, không bị đứt hạ, chư Tỳ khưu Tăng có thể thọ nhận y kathina, trong thời gian hạn định chỉ một tháng kể từ ngày 16 tháng 9 đến 15 tháng 10 âm lịch.
Như vậy, trong một năm có 12 tháng, chỉ có 1 tháng (kể từ ngày 16 tháng 9 đến 15 tháng 10 âm lịch) làm lễ dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng; còn 11 tháng khác không làm lễ dâng y kathina được. Trong 1 tháng có 30 ngày, chư Tỳ khưu Tăng ở trong một ngôi chùa (hoặc một nơi nào) chỉ có thể thọ nhận y kathina một lần trong một ngày nào đó mà thôi, còn lại 29 ngày khác không thể thọ nhận y kathina được.
Cho nên, thí chủ có cơ hội làm phước dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng có được nhiều phước thiện, có nhiều quả báu đặc biệt hơn các sự bố thí khác.
Nhóm bố thí có ba loại:
Ví dụ:
* Hīnadāna – Majjhimadāna – Paṇītadāna
– Hīnadāna: bố thí bậc thấp: Trong khi bố thí thiện tâm hợp với 4 pháp là:
+ Chanda: tâm hài lòng trong việc bố thí,
+ Vīriya: tinh tấn trong việc bố thí,
+ Citta: quyết tâm trong việc bố thí,
+ Vimanisa: trí tuệ hiểu biết rõ nghiệp và quả của nghiệp,
Có tính chất thấp kém, nên gọi bố thí bậc thấp, có quả báu bậc thấp.
– Majjhimadāna: bố thí bậc trung: Trong khi bố thí, thiện tâm hợp với 4 pháp: hài lòng, tinh tấn, quyết tâm, trí tuệ, có tính chất trung bình, nên gọi bố thí bậc trung, có quả báu bậc trung.
– Paṇītadāna: bố thí bậc cao quý: Trong khi bố thí, thiện tâm hợp với 4 pháp: hài lòng, tinh tấn, quyết tâm, trí tuệ có tính chất cao quý, nên gọi bố thí bậc cao quý, có quả báu bậc cao quý.
* Dānadāsi – Dānasahāya – Dānasāmi
– Dānadāsi: bố thí như cho đến kẻ tôi tớ: Thí chủ thường dùng những đồ tốt, còn đem những đồ xấu bố thí đến người khác. Ví như người chủ dùng đồ tốt, còn cho đồ xấu đến kẻ tôi tớ.
– Dānasahāya: bố thí như tặng đến bạn thân: Thí chủ dùng những đồ vật như thế nào, bố thí đến người khác những đồ vật như thế ấy. Ví như thí chủ dùng những đồ vật như thế nào, tặng cho bạn thân những đồ vật cũng như thế ấy.
– Dānasāmi: bố thí như biếu đến người chủ: Thí chủ thường dùng những đồ vật xấu, còn đem những đồ vật tốt, quý giá bố thí cúng dường đến người khác. Ví như người nhỏ kính biếu những đồ vật quý giá đến người lớn, bậc đáng kính trọng.
Mỗi loại phước thiện bố thí đều có quả báu thấp, trung, cao khác nhau. v.v…