PHỤ CHÚ GIẢI CHƯƠNG 4: SỰ XUẤT GIA CỦA SUMEDHA

Năm Khuyết Điểm Của Con Đường Kinh Hành:

  1.   Đường gồ ghề lởm chởm đá làm đau chân những người đi trên đó. Kết quả là người đi hành thiền trên đó khó an trú vào đề mục. Ngược lại, con đường bằng phẳng và có đất mịn ở trên mặt sẽ tiện lợi và dễ dàng cho việc hành thiền. Do đó, gồ ghề là khuyết điểm thứ nhất của con đường kinh hành.
  2.   Nếu có cây cối ở bên trong hoặc ở giữa hoặc ở ven đường kinh hành, người đi trên đó nếu lỡ hôn trầm hoặc thiếu cẩn thận sẽ va đầu vào cây. Do đó, cây mọc trong lối đi là khuyết điểm thứ hai.
  3.   Nếu đường kinh hành có nhiều bụi rậm, lúc tối trời người đi trên đó sẽ giẫm lên những côn trùng và làm chết chúng (dầu không cố ý). Do đó, bụi rậm là khuyết điểm thứ ba của con đường kinh hành.
  4.   Khi làm con đường kinh hành, điều quan trọng là nó phải có ba lối, lối chính nằm giữa phải thẳng và dài 60 hắc tay, bề rộng một hắc tay rưỡi; hai lối nhỏ hơn ở hai bên mỗi lối rộng một hắc tay. Nếu lối đi giữa quá hẹp, nghĩa là rộng một hoặc nửa hắc tay, có thể gây ra thương tích ở chân hoặc tay do tai hạn. Do đó, quá hẹp là khuyết điểm thứ tư của con đường kinh hành.
  5.   Nếu bước đi trên con đường quá rộng, ta dễ bị phân tâm: Tâm trí không tập trung được. Do đó, quá rộng là khuyết điểm thứ năm của con đường kinh hành.

Tám điều lợi ích của vị Sa-môn

Tám điều lợi ích của vị Sa-môn (samanasukha) hay tám phước lành của vị Sa-môn (samanabhadra) được nêu ra trong bổn sanh Sonaka của bộ Satthi Nipāta. Câu chuyện được kể tóm tắt như sau:

Một thuở nọ Bồ-tát sanh làm thái tử Arindama, con trai của vua Magadha, nước Rājagaha. Sonaka, con trai của vị quốc sư, cũng sanh cùng ngày hôm ấy.

Hai đứa bé được nuôi dưỡng chung và khi lớn khôn, cùng nhau đến học tại Taxila. Sau khi học xong, họ rời khỏi Taxila và tiếp tục chuyến hành trình dài để thâu thập kiến thức, thực nghiệm sâu rộng hơn về các ngành nghệ thuật và các phong tục của địa phương. Một hôm nọ, họ đến vườn ngự uyển của vua nước Bārāṇasi (Ba-la-nại) và vào thành phố ngày hôm sau.

Trong ngày hôm ấy có tổ chức lễ hội tụng kinh Phệ Đà gọi là Brahmaṇavācaka. Cơm sữa đã được chuẩn bị và các chỗ ngồi được sắp xếp cho lễ hội. Vào thành phố, hoàng tử Arindama và bạn của vị ấy được mời vào một nhà nọ và ngồi vào chỗ đã sắp sẵn. Thấy rằng chỗ ngồi dành cho hoàng tử được trải bằng tấm vải màu trắng, trong khi đó tấm vải màu đỏ dành cho chỗ của mình, Sonaka biết được qua điềm tướng ấy rằng: “Ngày hôm nay bạn Arindama của ta sẽ được lên làm vua nước Bārāṇasi và ta sẽ được phong làm tướng quân.”

Sau bữa ăn, đôi bạn trở về vườn ngự uyển. Đó là ngày thứ bảy sau khi đức vua băng hà và triều thần đang tìm kiếm một người xứng đáng để tôn vương, bằng cách để chiếc long xa có ngựa kéo chạy đi tự do tìm người như thế. Chiếc xe rời khỏi kinh đô, hướng đến vườn ngự uyển và dừng lại ở lối vào. Lúc đó hoàng tử Arindama đang nằm ngủ trên chiếc trường kỷ kiết tường bằng đá, đầu đắp kín và Sonaka thì ngồi bên cạnh. Vừa nghe tiếng nhạc, Sonaka tự nghĩ “Chiếc long xa đến rước Arindama. Ngày hôm nay vị ấy sẽ lên ngôi vua và sẽ phong cho ta làm quan tể tướng. Ta thực sự không muốn địa vị ấy. Khi Arindama rời khỏi khu vườn, ta sẽ xuất gia làm đạo sĩ.” Vị ấy đi đến góc vườn và ẩn mình ở đó.

Vị quốc sư và triều thần nước Bārāṇasi làm lễ tôn vương cho hoàng tử Arindama ngay trên chiếc trường kỷ bằng đá, và với lễ nghi long trọng rước vị ấy vào kinh đô. Như vậy hoàng tử Arindama đã trở thành vua của nước Bārāṇasi. Được lên làm vua một cách đột ngột như vậy với đông đảo quần thần và tùy tùng vây quanh hầu hạ, vị ấy quên mất Sonaka.

Khi vua Arindama đã vào kinh đô, Sonaka ra khỏi nơi ẩn núp và ngồi trên chiếc trường kỷ bằng đá. Sonaka trông thấy một chiếc lá sālā đã khô đang rơi xuống trước mặt, Sonaka quán rằng: “Giống như chiếc lá sālā này, thân của ta chắc chắn sẽ già lão, bị tuổi già bức bách, chắc chắn ta sẽ chết và cũng rơi xuống đất.” Đầy kinh cảm với suy nghĩ như vậy, vị ấy khai triển tuệ quán và ngay trên chính chỗ ngồi này, Tuệ giác của vị Độc giác Phật đã khởi sanh trong tâm của vị ấy và vị ấy trở thành một vị Độc giác Phật. Tức thì, tướng mạo cư sĩ trên người của vị ấy biến mất và thay vào đó là tướng mạo của một vị Sa- môn. Sau khi thốt lên câu kệ hoan hỷ: “Giờ đây ta không còn tái sanh nữa!” Vị ấy đi đến hang núi Nandamūlaka.

Ngược lại, đức vua Arindama vẫn còn say mê trong khoái lạc vương giả. Sau một thời gian khoảng bốn mươi năm, vị ấy chợt nhớ lại người bạn thời thơ ấu của mình. Rồi vị ấy tha thiết muốn gặp người bạn cũ, lòng mãi băn khoăn, tự hỏi không biết người bạn ấy giờ này đang ở đâu. Sau khi truyền lịnh tìm kiếm khắp nơi mà chẳng nhận được tin tức hay một manh mối nhỏ nào về dấu vết của người bạn chí thân chí thiết, đức vua bèn đọc lên câu kệ sau:

“Trăm đồng tiền vàng sẽ được ban đến cho người nào nghe và đem đến cho ta tin mừng về Sonaka. Ai đích thân thấy Sonaka và nói cho  ta biết đã gặp vị ấy như thế nào thì ta sẽ thưởng một ngàn đồng tiền vàng. Ôi! Có ai đây, trẻ cũng được, già cũng được, đến báo tin về người bạn Sonaka của ta, người bạn đã từng chơi với ta suốt thời thơ ấu?”

Bài kệ ấy đã biến thành bài hát trong dân gian và mọi người đều hát nó, tin rằng nó sẽ đem đến vận may cho họ.

Sau 50 năm, đức vua có nhiều người con, người con lớn nhất là Dīghāvu. Lúc bấy giờ Đức Phật Độc Giác Sonaka suy nghĩ: “Vua Arindama đang mong mỏi gặp ta. Ta sẽ đến gặp vị ấy và đem cho vị ấy một món quà bằng những bài pháp khích lệ tâm, nói về những nguy hại của dục lạc và những lợi ích của sự xuất ly để vị ấy chuyên tâm hướng về cuộc đời của một vị Sa-môn. Do đó, Đức Phật Độc Giác vận thần thông bay đến vườn ngự uyển. Sau khi nghe cậu bé vừa đốn củi vừa hát bài kệ của đức vua, Ngài bèn dạy cho nó một bài kệ phúc đáp.

Cậu bé đi đến đức vua và đọc bài kệ phúc đáp tiết lộ về chỗ ngụ người bạn Sonaka của vua. Đức vua khởi giá đi đến vườn ngự uyển và làm lễ Đức Phật Độc Giác. Nhưng vì bị dục lạc của thế gian che mờ, đức vua tỏ thái độ xem thường vị Phật Độc giác và nói rằng: “Ôi, bạn thật là kẻ bần cùng, sống cuộc đời đơn độc thảm hại.” Đức Phật Độc Giác bác bỏ lời phê phán của đức vua bằng cách đáp lại rằng: “Người nào có thân lẫn tâm thấm nhuần an lạc của Pháp trong chánh đạo không bao giờ là người bần cùng! Chỉ có những ai sống ngoài Pháp và không thực hành chánh đạo mới là người bần cùng! Ngoài ra người ấy còn là kẻ ác và làm nơi nương tựa cho những kẻ ác khác.”

Rồi đức vua báo cho Đức Phật Độc Giác biết tên của mình là Arindama và được tất cả mọi người biết đến là một vị vua xứ Kāsī và hỏi Đức Phật Sonaka sống có được hạnh phúc không. Đức Phật Độc Giác nói lên tám câu kệ tán dương tám điều hạnh phúc của vị Sa-môn:

  1.   Tâu đại vương, một vị Sa-môn đã từ bỏ đời sống gia đình, sống không gia đình, thoát khỏi sự bận tâm về của cải sẽ cảm thấy hạnh phúc bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu. Tâu đại vương, vị Sa-môn như vậy không biết giữ ngũ cốc trong kho hoặc trong các thùng chứa. Vị Sa-môn sống bằng vật thực bố thí của mọi nhà với hạnh khất thực. Vị ấy độ thực trong chánh niệm (đây là hạnh phúc do không cất giữ của cải và ngũ cốc).
  2.   (Có hai loại vật thực đáng chê trách (savajjapinda) như đã đề cập trong tạng Luật. Loại thứ nhất là vật thực kiếm được bằng phương tiện bất chánh như chữa bệnh, v.v… hoặc bằng một trong năm pháp tà mạng. Loại thứ hai là vật thực dùng mà không quán tưởng dù kiếm được một cách chân chánh). “Tâu đại vương, vị thánh Sa-môn chánh niệm trong khi độ vật thực kiếm được một cách trong sạch. Nhờ chánh niệm trong khi thọ thực, vị ấy không bị tham luyến trong bất cứ hình thức ngũ dục nào. Không tham luyến trong ngũ dục là loại hạnh phúc thứ hai của vị Sa-môn.”
  1.   (Vật thực kiếm về một cách chân chánh và dùng nó trong chánh niệm do một vị phàm Sa-môn có thể được xem là “Tịnh thực” – Nibbutapinda), nghĩa là vật thực không làm khởi sanh ái dục. Tuy nhiên trên thực tế, chỉ có vật thực của vị A-la-hán mới “Tịnh” mà thôi, tức là nó không làm khởi sanh ái dục. “Tâu đại vương, vị thánh Sa-môn chỉ thọ tịnh thực. Nhờ vậy vị ấy không bị tham nhiễm bởi bất cứ hình thức dục lạc nào. Thoát khỏi dục nhiễm là hạnh phúc thứ ba của vị Sa-môn không có ham muốn hoặc lo âu.”
  1.   Tâu đại vương, vị thánh Sa-môn đi khất thực trong làng mạc hay phố phường mà không luyến ái các thí chủ thì không chấp trước tham sân. Thóat khỏi sự chấp thủ như vậy là hạnh phúc thứ tư của vị Sa- môn không có sự tham muốn hoặc lo âu.
  2.   Tâu đại vương, vị Sa-môn mà có vật dụng thừa, chưa dùng tới, bèn gửi chúng cho một thí chủ nào đó. Về sau, nghe tin nhà của người thí chủ ấy bị cháy thì vị ấy rất phiền não, tâm bất an. Ngược lại, một vị Sa-môn khác chỉ có những vật dụng ở bên mình, đi đâu mang theo như con chim bay đi luôn luôn mang theo đôi cánh bên mình. Vị ấy chẳng bao giờ bị mất mát gì dầu làng mạc hay phố phường bị cháy rụi. Không bị mất mát vật dụng do lửa là hạnh phúc thứ năm của vị Sa- môn.
  3.   Tâu đại vương, khi làng mạc hay phố phường bị bọn cướp tấn công, một vị Sa-môn như tôi, luôn luôn mang theo những vật dụng bên mình sẽ không bị mất gì cả (Trong khi những vị Sa-môn khác có vật dụng dư thừa bị mất mát do bọn cướp và tâm không được an tịnh). Thóat khỏi phiền não do phải chăm nom các vật sở hữu là hạnh phúc thứ sáu của vị Sa-môn.
  4.   Tâu đại vương, vị Sa-môn chỉ có tám món vật dụng là vật sở hữu của mình thì đi đâu cũng tự do, không bị ngăn chặn, tra hỏi hay bắt giữ trên đường đi có bọn cướp mai phục hay quan binh tuần tra. Đây là hạnh phúc thứ tám của vị Sa-môn – đi tự do trên mọi nẻo đường.
  5.   Tâu đại vương, một vị Sa-môn chỉ có tám món vật dụng là những vật sở hữu của mình, có thể đi đâu tùy thích mà chẳng lưu luyến nhìn lại (chỗ cũ của mình). Khả năng đi lại như vậy là hạnh phúc của vị Sa-môn vô sản – đi tự do mà không lưu luyến chỗ cũ.

Vua Arindama cắt ngang thời pháp của Đức Phật Độc giác Sonaka về các điều hạnh phúc của một vị Sa-môn và hỏi rằng: “Tuy Ngài nói những lời tán dương về những điều hạnh phúc của một vị Sa-môn, trẫm không thể thưởng thức chúng được vì trẫm luôn nắm giữ dục lạc. Dục lạc ở trong cõi nhân loại và chư thiên trẫm đều yêu thích. Bằng cách nào để trẫm đạt được các kiếp sống của nhân loại và chư thiên?” Đức Phật Độc giác đáp lại rằng những ai mê say dục lạc sẽ bị tái sanh vào các khổ cảnh, chỉ những người từ bỏ nó mới thoát khỏi khổ cảnh. Để chứng minh, Đức Phật Độc Giác kể lại câu chuyện về con quạ bám vào xác chết của một con voi đang trôi vào đại dương và cuối cùng bị mất mạng. Sau đó, Đức Phật Độc Giác nói về tội lỗi của dục lạc, rồi Ngài bay đi qua hư không.

Kinh cảm trước những lời cảnh huấn của Phật Độc Giác, vua Arindama bèn trao vương quyền cho người con trai trưởng Dīghāvu và ra đi hướng về Hy-mã-lạp-sơn. Sau khi trở thành một vị Sa-môn sống bằng trái cây, tu tập và đắc định nhờ pháp thiền Tứ vô lượng tâm. Khi thân hoại mạng chung, đạo sĩ Arindama được sanh về Phạm thiên giới.

Chín điều bất lợi trong y phục của cư sĩ

  1. Đắt giá.
  2. Phải có người khác may mới dùng được.
  3. Khi mặc vào dễ bị dơ.
  4. Mau cũ rách vì hay giặt, nhuộm.
  5. Khó kiếm cái mới để thay thế cái cũ.
  6. Không thích hợp cho vị Sa-môn.
  7.  Phải đề phòng trộm cắp.
  8. Có vẻ phô trương khi mặc vào.
  9. Mang theo mà không mặc thì phiền toái, và khiến người ta trở nên tham đắm.

12 điều lợi ích của chiếc y vỏ cây

  1. Không đắt giá, lại tốt.
  2. Có thể tự mình làm ra nó.
  3. Khó bị dơ, dễ làm sạch.
  4. Dễ dàng vứt bỏ, khi bị cũ rách không cần khâu vá.
  5. Tìm cái mới để thay cái cũ không khó.
  6. Thích hợp cho vị Sa-môn.
  7. Không phải canh chừng kẻ cắp.
  8. Không có tính cách phô trương khi mặc vào.
  9. Không phiền toái khi mang theo hoặc mặc nó.
  10. Không dính mắc với y phục.
  11. Chỉ cần đập vỏ cây để làm nó, như vậy nó kiếm được một cách đúng pháp, trong sạch.
  12.  Không tiếc khi nó bị mất hoặc bị tiêu hoại.

Y vỏ cây

Y vỏ cây là y làm bằng những sợi lấy từ một loại cỏ và được bện lại với nhau (mô tả trong bộ Aṭṭhasālinī).

Theo bộ Hsutaunggan Pyo (Miến Điện), những sợi bện nối lại nhau vẫn chưa thành tấm y hoàn hảo. Nó phải được đập cho mềm và nhẵn.

Y vỏ cây có cái tên Pāḷi là vākacīra, vakkala, và tirīṭaka.

Vākacīra nghĩa là chiếc y làm bằng cỏ. Do đó nó phải được dịch đúng là “y cỏ”, nhưng các vị A-xà-lê xưa đã dịch chữ ấy là “y vỏ cây”.

Hai tên còn lại của nó, vakkala tirīṭaka chỉ về chiếc y làm bằng những sợi lấy từ “vỏ cây”. Nó không có nghĩa là cái vỏ cứng dày ở bên ngoài cây mà là những lớp bên trong, tạo thành những sợi thớ bao bọc lõi cây. Nên lưu ý rằng, vì những sợi như vậy được bóc ra rồi bện và đập cho mềm nhẵn, nên tấm y như vậy được gọi là y vỏ cây. Tuy vākacīra có nghĩa là “y cỏ” nhưng quá trình làm y từ thứ cây thông dụng hơn cỏ và tên “y vỏ cây” đúng hơn cách gọi “y cỏ”.

Cái giá ba chân bằng gỗ

Giá ba chân bằng gỗ (tidaṇda hay tayosūlī) là vật dụng của vị ẩn sĩ. Nó là vật đứng có 3 chân, dùng để đặt chậu nước hay bình nước lên đó.

Bình nước và đòn gánh

Bình nước là một loại vật dụng khác của vị ẩn sĩ. Khārikāja nghĩa là cái đòn gánh. Các vị thầy xưa cho rằng chữ ấy được kết hợp bởi hai chữ khāri kāja, cả hai đều có nghĩa như nhau: cái sào cong. Một cách giải thích khác: khāri là bộ vật dụng của vị ẩn sĩ gồm có đá lửa, kim, quạt, v.v… Dịch tổng hợp lại thì khārikāja được xem là cái đòn gánh để gánh những vật dụng của vị ẩn sĩ.

Tấm da của con sơn dương đen (ajinacamma)

Tấm da của con sơn dương đen có đầy đủ móng được gọi là ajina camma, cũng là một trong những vật dụng của vị ẩn sĩ, có thể giải rõ như sau:

Chữ Pāḷi ajinacamma đã được các vị học giả xưa nhất trí dịch ra là “Tấm da của con sơn dương đen”. Trong bộ Amarakosa Abhidhāna, chữ ajina được giải thích là “tấm da”, đồng nghĩa với chữ camma. Cách giải thích của bộ Amarakosa là đáng lưu ý.

Trong bộ Aṭṭhasālinī và những bộ Chú giải khác có một sự diễn đạt mang ý nghĩa là “Tấm da đủ các móng của con sơn dương đen” trông như luống hoa punnāga.

Câu nói “đủ các móng” (sakhuraṃ) cho thấy rằng đó là tấm da của con vật có móng. Còn câu nói “như luống hoa punnāga”, chúng ta có thể đoán ra rằng nó ám chỉ màu sắc hoặc tính chất mềm mại của tấm da. Hoa punnāga đặc biệt không mềm mượt như các loại hoa khác. Nếu chỉ xác định là tấm da giống hoa punnāga đặc biệt không mềm mượt hơn các loại hoa khác. Nếu chỉ xác định là tấm da giống hoa punnāga về màu sắc thì này tấm da không phải của con sơn dương đen.

Một số học giả xưa đã dịch chữ ajina là “con báo đen”, nghĩa đích thực của nó là “chiếc áo khoác của con thú” và đồng nghĩa với chữ camma như trong câu ajinamhi haññate dīpi”(con báo được giết để  lấy chiếc áo khoác của nó) từ hai câu chuyện bổn sanh Janaka Suvaṇṇasāma. Chú giải của bổn sanh cũng giải thích ajina là đồng nghĩa với camma do câu nói “ajinamhīti cammaṭṭhāya cammakaranā” (để lấy chiếc áo khoác của nó, nghĩa là để lấy tấm da của nó). Trong tiếng Pāḷi, chỉ có hai  chữ  dīpi saddūla  mang ý nghĩa  là con báo; ajina không được tìm thấy trong nghĩa này.

Bộ kinh Buddhavaṃsa cũng nói rằng: “Kese muñcitvā  haṃ taṭṭha vākacīrañ ca cammakaṃ.” Khi Sumedha nằm sấp trước Đức Phật Nhiên Đăng cúng dường thân mạng của mình để làm chiếc cầu, vị ấy buông xõa búi tóc của mình, trải chiếc y vỏ cây và tấm da thú trên vũng lầy. Chữ Pāḷi được dùng ở đây là cammaka, giống như chữ ajina camma đã được nói ở trên.

Tất cả điều này cho thấy rằng ajina camma không phải là chiếc áo khoác của con thú có vuốt như cọp, báo hoặc mèo và nhóm tính từ “đủ các móng vuốt” cho thấy rằng đó là chiếc áo khoác của con thú có móng như nai… Chiếc áo khoác có màu của luống hoa punnāga như đã nêu ra trong bộ Aṭṭhasālinī. Nó cũng rất mềm. Những con vật như loài nai được tìm thấy ở những vùng quanh Hy-mã-lạp-sơn, da của nó nhẵn mịn, rất đẹp và hiếm, nên người ta quý và xem nó như một vật may mắn.

Khi Bồ tát Siddhattha ra đời thì Tứ đại thiên vương ở bốn góc đỡ lấy Ngài từ tay của các vị Phạm thiên của cõi Tịnh cư thiên (suddhāvāsa) bằng tấm da thú đặc biệt này, có lông mịn và thường được xem là biểu tượng may mắn. Phần này được nói đến trong bài giới thiệu của Chú giải bổn sanh cũng như trong Chú giải của bộ Buddhavaṃsa.

Tóc búi (jatā) và vòng đội đầu bằng tóc (jatāmaṇḍala)

Cần hiểu rõ sự khác biệt giữa tóc búi và vòng đội đầu bằng tóc. Tóc búi là một phần trên người vị ẩn sĩ. Để khỏi gặp vấn đề trong việc giữ cho tóc gọn gàng và sạch sẽ, vị ẩn sĩ búi mái tóc của mình thật chắc.

Một trong những vật dụng được tạo ra và để lại trong thảo am do vị chư thiên Vissukamma như đã nêu ra trong bộ Atthasālinī, là vòng đội đầu bằng tóc có tên jātamaṇḍala. Đây là vật ở ngoài thân của vị ẩn sĩ. Từ câu nói “Vị ấy đội cái khăn trùm đầu trên búi tóc và cài nó lại bằng cái trâm ngà voi,” điều rõ ràng là cái khăn trùm đầu là một vật tách biệt với búi tóc của vị ẩn sĩ Sumedha, khăn trùm đầu giữ cho búi tóc khỏi bị bụi và rác rưởi bám vào.

Tám loại đạo sĩ

Chữ “đạo sĩ” ám chỉ những người ở ngoài giáo pháp của Đức Phật.

Tuy nhiên, họ nên được xem là những bậc phạm hạnh của thời ấy.

Chú giải của bài kinh Ambattha trong phẩm Sīlakkhandha Vagga có kể ra tám loại đạo sĩ như sau:

  1. Saputtabhariya.
  2.     Uñchācariya.
  3.     Anaggipakkika.
  4.     Asāmapāka.
  5.     Ayamuṭṭhika (Asamuṭṭhika).
  6.     Dantavakkalika.
  7. Pavattaphalabhojana
  8. Paṇḍupalāsika.

 

  1.     Supattabhanga là vị đạo sĩ tích lũy của cải và sống cuộc đời của một gia chủ (ở đây tác giả đưa ra ví dụ về ông Keniya thời Đức Phật).
  2.     Uñchācariya là vị đạo sĩ không tích lũy của cải và không sống cuộc đời của gia chủ, nhưng quyên góp lúa nơi người tại gia ở những chỗ đập lúa và đem về nấu thành vật thực cho mình.
  3.     Anaggipakkhika là vị đạo sĩ quyên góp gạo từ những người tại gia ở trong các làng mạc và đem về nấu thành vật thực cho mình. Vị ấy nghĩ rằng làm công việc giã gạo thì không xứng đáng là vị đạo sĩ.
  4.     Asamapāka là vị đạo sĩ đi vào làng và xin cơm. Vị ấy cho rằng nấu ăn không phải là công việc của vị đạo sĩ.
  5.     Ayamuṭṭhika (hay Asamuṭṭhika) là vị đạo sĩ dùng dụng cụ bằng đá hoặc bằng kim loại để bóc vỏ cây làm vật thực. Vị ấy cho rằng đi xin vật thực mỗi ngày sẽ mệt sức.
  6.     Dantavakkalika là vị đạo sĩ bóc vỏ cây bằng răng của mình để làm vật thực. Vị ấy cho rằng mang theo dụng cụ bằng đá hoặc bằng kim loại sẽ mất công phí sức.
  7.     Pavattaphalabhajana là vị đạo sĩ sống bằng trái cây rơi xuống bằng cách ném đá hoặc dùng cây sào . Vị ấy cho rằng đi lấy vỏ cây sẽ mất công.
  8. Paṇḍupalāsika là vị đạo sĩ chỉ sống bằng lá, hoa và trái cây đã rụng tự nhiên.

Hạng đạo sĩ Paṇḍupalāsika được phân thành ba loại:

  1. Ukkaṭṭha-paṇḍupalāsika: người chỉ ngồi mà không đứng dậy và sống bằng lá, hoa và trái cây rụng trong tầm với.
  2. Majjhuṃ-paṇḍupalāsika: người không di chuyển từ cây này đến cây khác và sống lây lất bằng lá, hoa và trái cây rụng từ một cây duy nhất.
  3.   Muduṃ-paṇḍulāsika: người di chuyển từ cây này đến cây khác để kiếm lá, hoa và trái cây rụng tự nhiên để duy trì mạng sống.

Ngoài ra tác giả cũng đưa ra một cách liệt kê mới khác từ Chú giải của bài kinh Hiri của bộ Sutta Nipāta.

  1.  Saputtabhariya
  2.   Uñchācariya.
  3.  Sampaṭṭakālika.
  4.  Anaggipakkika.
  5.   Ayamuṭṭhika.
  6.   Dantaluyyaka.
  7.  Pavattaphalika
  8.  Vaṇṭamuttika.

 

  1.   Saputtabhiya là vị đạo sĩ sống đời gia chủ, kiếm sống bằng nghề

nông, buôn bán, v.v… như Keniya và những người khác.

  1. Uñchācariya là vị đạo sĩ sống gần cổng thành, dạy học cho trẻ con dòng Khattiya (Sát-đế-lỵ) và các gia đình Bà-la-môn, chỉ nhận gạo và nông sản, không nhận vàng bạc
  2. Sampattakālika là vị đạo sĩ chỉ sống bằng vật thực kiếm được trong giờ thọ thực.
  3.   Anaggipakka là vị đạo sĩ chỉ sống bằng rau quả tươi sống.
  4. Ayamuṭṭhika là vị đạo sĩ đi ta bà chỗ này đến chỗ khác, mang theo dụng cụ bằng đá hoặc kim loại để bóc vỏ cây làm vật thực khi nào thấy đói, và cũng thọ trì các giới cấm, tu thiền Tứ-vô- lượng-tâm.
  5.   Dantahuyyaka là vị đạo sĩ đi ta bà chỗ này chỗ kia, dùng răng để bóc vỏ cây khi nào thấy đói và cũng thọ trì các giới cấm, tu thiền Tứ vô lượng tâm.
  6.   Pavattaphalika là vị đạo sĩ sống dựa vào hồ thiên nhiên hoặc rừng cây, không đi đâu khác, sống lây lất bằng ngó sen và rau củ trong hồ hoặc bằng hoa và trái cây trong rừng hoặc ngay cả vỏ cây, thọ trì các giới cấm và tu thiền Tứ-vô-lượng-tâm.
  7. Vaṇṭamuttika là vị đạo sĩ sống bằng lá rụng tự nhiên, thọ trì các giới cấm, tu thiền Tứ vô lượng tâm.

Sumedha thuộc loại đạo sĩ thứ tư (theo bảng liệt kê nêu ra trong bộ Chú giải Sīlakkhandha), tức là loại đạo sĩ đi khất thực và sống chỉ bằng vật thực nấu chín. Qua những ngày sau trở đi, vị ấy là vị đạo sĩ thuộc loại thứ tám, tức là Paṇḍupalāsika, người sống chỉ bằng lá, hoa và trái cây rụng tự nhiên. Theo bảng liệt kê nêu ra trong Chú giải của bộ Sutta Nipata, vị ấy thuộc loại thứ tám – Vaṇṭamuttika, là đạo sĩ chỉ sống bằng lá rụng tự nhiên, thọ trì các giới cấm và tu thiền Tứ-vô- lượng-tâm.

Ba hạng người được gọi là bậc xuất gia (theo Myanmar)

Chữ “Pabbajjā” đã được các vị A-xà-lê xưa dịch ra “ra đi làm vị Sa-môn” tức là “từ bỏ cuộc đời thế tục”, có ba hạng xuất gia:

  1. Isi-pabbajjā: Từ bỏ cuộc đời thế tục và trở thành một vị ẩn sĩ.
  2. Sāmana-pabbajjā: Từ bỏ cuộc đời thế tục và trở thành một vị Sa-môn (samaṇa).
  3. Sāmaṇera-pabbajjā: Từ bỏ cuộc đời thế tục và trở thành một vị Sa-di.

Do đó, có ba hạng người đáng kính trọng và được gọi là bậc xuất gia: ẩn sĩ (isi), Sa-môn (samana) và Sa-di (sāmaṇera).

Tám điều bất lợi của thảo am (chòi lá)

  1. Thảo am đòi hỏi người trú ngụ phải ra sức kiếm cây và những vật liệu khác để xây dựng nó.
  2. Người trú ngụ phải thường xuyên chăm sóc, bảo trì và tu sửa khi mái lá và vách bị mục nát, xiêu vẹo.
  3. Người trú ngụ phải dành chỗ thích hợp cho các vị lớn hơn khi họ viếng thăm bất cứ lúc nào, nên vị ấy không nhập định được.
  4. Vì được che mưa che nắng nên người trú ngụ trở nên yếu ớt.
  5. Nhờ có mái che và vách ngăn củng cố địa vị của người chủ. Nó giúp người trú ngụ có chỗ kín đáo để làm điều ác, đáng chê trách.
  6. Nó làm cho người trú ngụ có tâm bám chấp rằng: “Đây là chỗ ngụ của ta.”
  7. Quen sống thoải mái trong đó khiến người trú ngụ có vẻ như đang sống cuộc đời gia chủ chung với gia đình.
  8. Người trú ngụ phải đối diện với những sinh vật gây phiền phức như rệp, thằn lằn, v.v…

Đây là những điều bất lợi của thảo am mà đạo sĩ Sumedha đã quán thấy và khiến vị ấy từ bỏ thảo am.

Mười lợi ích của cội cây

  1. Cội cây không bắt buộc người trú ngụ phải kiếm về vật liệu xây dựng, đã có sẵn chỗ do thiên nhiên cung cấp.
  2. Nó không đòi hỏi người trú ngụ phải thường xuyên chăm sóc và bảo trì.
  3. Nó không đòi hỏi người trú ngụ phảỉ dành chỗ cho những đạo sĩ trưởng lão viếng thăm.
  4. Nó chẳng đem lại địa vị trưởng chủ cũng không cho người trú ngụ chỗ kín đáo để làm điều tội lỗi.
  5. Người trú ngụ ở đó không bị tê cứng chân tay vì không gian rộng rải.
  6. Người trú ngụ không sở hữu cội cây ấy làm của riêng.
  7. Người trú ngụ có thể từ bỏ cội cây không chút cảm nghĩ bám víu như “Đây là chỗ ngụ của ta”.
  8. Người trú ngụ không phải yêu cầu kẻ khác đi ra khỏi chỗ ngụ để quét dọn.
  9. Nó là chỗ ở thoải mái.
  10. Vì người trú ngụ dễ dàng tìm thấy những chỗ ngụ giống như vậy, bất cứ chỗ nào người ấy đi đến, nên không bám chấp nó như “Chỗ ngụ của ta.”

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app