2. Phận sự của vị Bồ tát (Bodhisatta-kicca)

Muốn giàu sang mà không làm việc thì không thể được. Người ta hy vọng có được cái mong muốn chỉ khi nào làm việc siêng năng. Tương tự, 3 hạng Bồ-tát muốn thành đạt sự Giác ngộ tối thượng, chư vị chỉ có thể đạt được khi thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật (pāramī), sự bố thí mạng sống và các chi trong người (cāga) và sự tu tập các hạnh đức.

Trong hoạt động kinh doanh, mức lợi tức đạt được tùy thuộc vào tiền vốn và công sức bỏ vào. Tiền vốn lớn và công sức lớn thì lợi tức cũng lớn. Tiền vốn vừa phải thì lợi tức vừa phải. Tiền vốn và công  đức ít thì lợi tức thâu được cũng ít. Dường thế ấy, pháp giác ngộ mà các vị Bồ-tát sẽ thành đạt cũng khác nhau, tùy thuộc vào pháp hành dẫn đến sự sanh khởi pháp Giác ngộ (Bodhiparipācaka), tức là sự đầu tư dưới hình thức thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật, sự bố thí mạng sống và các chi trong người và sự tu tập các hạnh đức.

Những khác biệt ấy có thể được giải thích như sau:

(1) Samma-Sambodhisatta: những vị đương lai Toàn giác Phật ngay trước khi được Đức Phật thọ ký (lời tiên tri của Đức Phật: “Người này sẽ thành Phật với danh hiệu như vậy, ở thế giới như vậy. ” đã từng gieo tạo nhiều phước lành và đã lập nguyện thành Phật như trong đoạn kinh:

Ahaṃ pi pubbabuddhesu, buddhattaṃ abhipatthayiṃ

Manasā yeva hutvāna, dhammarajā asaṅkhiyā.

Trong bài kinh Phật Tỷ dụ (Buddhāpadāna) của bộ Apadāna, phẩm Buddhavagga, một vị Bồ-tát phát nguyện thành Phật trước mặt vô số chư Phật trải qua hằng A-tăng-kỳ kiếp.

Sau khi phát nguyện thành Phật như vậy và đã thực hành những phước lành đặc biệt trong thời gian rất dài, đến khi đầy đủ trong người tám yếu tố (như đạo sĩ Sumedha), vị Bồ-tát ấy mới được Đức Phật hiện tiền thọ ký.

Điều cần lưu ý là hành động phát nguyện (abhinīhāra) thành Phật được thực hiện qua hai thời kỳ:

1)   Sự phát nguyện ngay trước khi thiện nhân ấy có đủ tám yếu tố, phần chính là ở tâm.

2)   Hành động phát nguyện ấy được thực hiện trước chư Phật, trải qua từ vị này đến vị khác. Hành động này chưa trọn vẹn thì vị ấy chưa được gọi là Bồ-tát.

Nhưng khi vị ấy đã có trong người tám yếu tố giống như đạo sĩ Sumedha, chính lý do ấy, lúc bấy giờ vị ấy phát nguyện rằng:

“Iminā me adhikārena, katena purisuttame.

Sabbaññutaṃ pāpuṇitvā, tāremi janataṃ bahuṃ.”

Nghĩa là:

“Do quả phước to lớn (không màng đến mạng sống) mà tôi đã gieo tạo đến Đức Phật Toàn giác (tức Phật Nhiên Đăng), cầu xin cho tôi sau khi chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác có thể cứu độ vạn loại chúng sanh.”

Hành động phát nguyện của vị ấy được tròn đủ ngay lúc ấy và ngay nơi đó và chính điều này làm cho vị ấy xứng đáng được thọ ký.

Cần lưu ý rằng hành động phát nguyện được tròn đủ này là đại thiện tâm (mahākusala-citt’uppāda) khởi sanh do kết quả quán niệm của vị ấy về những ân đức của Đức Phật và lòng bi mẫn của vị ấy vì lợi ích của chúng sanh trong toàn thể thế gian. Tâm đại thiện này có năng lực phi thường là thúc đẩy sự thực hành các pháp Ba-la-mật đến chỗ viên mãn – sự bố thí mạng sống và các chi trong người, và sự tu tập các hạnh đức.

Vào lúc đại thiện tâm sanh khởi trong vị Bồ-tát, vị ấy tự đặt mình vào con đường Đạo dẫn đến Nhất thiết trí. Vì vị ấy đã chính thức đi vào con đường dẫn đến đạo quả Phật, nên vị ấy được danh hiệu Bồ-tát (Bodhisatta). Vì sự phát nguyện tròn đủ và to lớn này là đại thiện tâm khởi sanh, nên thiện nguyện thành đạt Chánh đẳng giác và khả năng vô song thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật được an trú trong vị ấy, cộng thêm sự bố thí mạng sống và các chi thể trong người và sự tu tập các hạnh đức, hình thành những nhân tố cần thiết cho sự chứng đắc Nhất thiết trí.

Và cũng do đại thiện tâm, mà vị ấy suy xét các pháp Ba-la-mật cần được hoàn thành và quyết định thứ tự của các pháp Ba-la-mật để thực hành. Vị ấy làm như vậy bằng trí tra xét các pháp Ba-la-mật (Ba-la- mật Tư trạch trí – paramī-pavicaya-ñāṇa), loại trí này giúp vị ấy có thể thâm nhập các pháp mà không cần sự chỉ dạy của ông thầy. Đây là loại trí báo trước sự chứng đắc Nhất thiết trí, theo sau nó là sự thực hành viên mãn lần lượt các pháp Ba-la-mật.

Theo bộ Nhân Duyên Luận (Nidāna-kathā) của Hạnh tạng Chú giải (Cariyā-Piṭaka Commentary), sau khi được chính thức thọ ký, vị Bồ- tát cố gắng vượt bậc và không ngừng để thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật (pāramī), các pháp Xả thí (cāga) và Hạnh đức (cariya), là những pháp cần thiết để thành đạt A-la-hán Đạo Tuệ (arahatta-magga ñāṇa) và Nhất thiết trí (sabbaññuta-ñāṇa) bằng bốn pháp tu tập, đó là:

  1. Sabbasambhāra-bhāvanā.(1)
  2. Nirantara-bhāvanā.(2)
  3. Cirakāla-bhāvanā.(3)
  4. Sakkacca-bhāvanā.(4)

Xả thí (cāga) chỉ về 5 pháp đại thí: thí của cải, thí vợ, thí con, thí tứ chi và thí mạng sống.

Hạnh (cariya) là sự thực hành đem lại lợi ích cho mình và kẻ khác.

Có 3 loại:

Trong 4 pháp tu tập này:

(1) Sabbasambhāra-bhāvanā: sự tu tập đầy đủ hết thảy các pháp Ba-la- mật.

(2) Nirantara-bhāvanā: sự tu tập không gián đoạn. Sự tu tập các pháp Ba-la-mật thời gian ngắn nhất là 4 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp, hoặc thời gian trung bình là 8 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp, hoặc thời gian dài nhất là 16 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp, không có sự gián đoạn dầu chỉ một kiếp.

(3) Cirakāla-bhāvanā: sự tu tập trong thời gian lâu dài. Sự tu tập các pháp Ba-la-mật trong thời gian không ngắn hơn 4 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp.

(4) Sakkacca bhāvanā: sự thực hành các pháp Ba-la-mật một cách cẩn trọng và đầy tôn kính.

  1. Lokattha-cariya: Thế gian lợi ích hạnh, tức là sự thực hành vì lợi ích của tất cả chúng sanh.
  2. Ñātattha-cariya: Thân thích lợi ích hạnh, tức là sự thực hành vì lợi ích cho thân bằng quyến thuộc.
  3. Buddhattha-cariya: Giác ngộ lợi ích hạnh, tức là sự thực hành và tinh tấn để mưu cầu sự giác ngộ.

Những đức tánh của vị Bồ tát

Vị Bồ tát đã được thọ ký rồi thường khởi tâm bi mẫn rộng lớn đối với chúng sanh khi thấy họ không nơi nương tựa trong dòng đời cay nghiệt, chịu nhiều đau khổ cùng cực từ sự sanh, già, bịnh và chết. Từ những cuộc chèn ép tương hại, những trói trăn ngục tù, chúng sanh bị tàn tật, bại liệt, v.v… những gian nan, vất vả trong việc kiếm sống, những đau đớn của chúng sanh trong địa ngục và những cảnh khổ khác. Do tâm bi mẫn rộng lớn, vị Bồ-tát cam tâm chịu đựng đau khổ để cho những kẻ ngu si, mù quáng cắt tay, cắt chân, xẻo mũi, xẻo tai, v.v… và lòng bi mẫn của Ngài đối với họ thật là lâu dài và bền bỉ.

Ngài chịu đựng những đau khổ ấy với tâm bi mẫn như vầy: “Ta sẽ cư xử như thế nào với những kẻ xử tệ với ta? Ta là người có chân lý, người đang cố gắng thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật để giải thoát chúng sanh ra khỏi cái khổ luân hồi. Ôi, vô minh dày đặc! Ôi, ái dục ngất trời! Thật buồn thay cho những chúng sanh ấy. Bị vô minh che mờ và ái dục ngự trị, họ đã phạm những lỗi lầm to lớn đối với người đang cố gắng tìm cách giải thoát họ. Vì họ đã mù quáng gây nên những hành động cực kỳ độc ác, nên những quả khổ đang đón chờ họ.”

Sau khi đã khởi tâm đại bi như vậy đối với chúng sanh, vị ấy cố gắng tìm nhiều phương sách để cứu độ họ và quán xét như vầy: “Bị chìm đắm trong vô minh và ái dục dày đặc, chúng sanh lầm lạc cho rằng cái vô thường là thường tồn, đau khổ là hạnh phúc, vô ngã là hữu ngã và bất lạc là lạc. Ta dùng cách nào để giải thoát cho họ và đưa họ ra khỏi biển khổ mà khởi sanh do một nguyên nhân?”

Trong khi suy xét như vậy, vị Bồ-tát thấy đích thực rằng nhẫn nại (khanti) là phương tiện duy nhất để giải thoát chúng sanh ra khỏi kiếp sống trầm luân. Ngài chẳng hề khởi lên chút sân hận nào đối với những kẻ làm khổ Ngài bằng nhiều cách như chặt tay, xẻo mũi, móc mắt, v.v… Ngài tự nghĩ: “Do quả của những ác nghiệp mà ta đã làm trong quá khứ, bây giờ ta đáng phải lãnh chịu đau khổ. Vì chính ta đã gây nên tội lỗi trong quá khứ nên khổ đau này xứng đáng với ta. Ta là người đã từng phạm sai lầm.” Như vậy vị ấy đã rước tội của kẻ khác lên người của mình.

Vị ấy còn suy nghĩ như vầy: “Chỉ có nhẫn nại, ta mới có thể cứu vớt họ. Nếu ta cư xử quấy với kẻ làm quấy thì ta cũng chẳng khác gì họ. Như thế ta làm sao có thể giải thoát họ ra khỏi những nổi thống khổ của vòng luân hồi? Không bao giờ được. Do đó, dựa vào sức mạnh của pháp Nhẫn nại, là nền tảng của tất cả mọi sức mạnh và bằng pháp Nhẫn nại, ta sẽ tiếp nhận những hành động sái quấy của chúng sanh. Và với pháp Từ bi làm hướng đạo, ta sẽ thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật. Chỉ bằng cách như vậy ta mới có thể chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác. Và sau khi ta chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác, ta mới có thể cứu độ tất cả chúng sanh ra khỏi đau khổ mà khởi sanh do một nhân.” Vị ấy đã thấy đúng pháp như thật.

Sau khi đã quan sát như vậy, Bồ-tát thực hành các pháp Ba-la-mật một cách phi thường. Ba-la-mật gồm có 10 pháp căn bản, 10 pháp bậc cao và 10 pháp tối cao, tổng cộng là 30 pháp Ba-la-mật, được gọi chung là những pháp cần thiết cho sự Giác ngộ (Giác ngộ Tư lương – Bodhisambhāra). Sự thực hành các pháp Ba-la-mật xảy ra theo 4 cách tu tập đã được nêu ra ở trên rồi.

Không ở lâu tại các cõi trời trong khi thực hành Ba-la-mật

Trước khi đạt đến chỗ viên thành các pháp Ba-la-mật, như kiếp của Bồ-tát Vessantara. Trong khi vẫn còn đang thực hành các pháp Ba-la- mật, đã bố thí sanh mạng và tứ chi, tu tập các pháp hành, vị Bồ-tát có thể thường xuyên tái sanh làm vị thiên có thọ mạng lâu dài do những quả phước to lớn mà vị ấy đã tích tạo. Nhưng vị ấy chọn cách rút ngắn thọ mạng của mình ở cõi chư thiên bằng cái chết do nguyện lực (Thắng giải tử – adhimutti maraṇa) vì khó thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật ở trong các cõi chư thiên. Do đó, vị ấy tái sanh nhiều lần trong cõi nhân loại, là nơi mà vị ấy có thể tiếp tục hành trì các pháp Ba-la-mật

Sự so sánh giữa Ba-la-mật và đại dương

Đại dương dầu mênh mông đến đâu, nó vẫn hữu hạn vì nó có đáy, có bề mặt và bị những dãy núi Cakkavāla bao bọc chung quanh. Nói cách khác, đại dương của pháp Bố thí Ba-la-mật mà vị Bồ tát đã tích tạo và thực hành viên mãn thì rộng lớn vô lường. Tầm cỡ của nó thật vô hạn. Nói về pháp Bố thí Ba-la-mật, người ta không thể xác định giới hạn những tài sản của cải đã được cho đi, cũng như máu, thịt trong thân, mắt, đầu mà vị Bồ tát đã thí xả đến chúng sanh. Cũng thế người ta không thể nói được giới hạn của những pháp Ba-la-mật khác như Giới Ba-la-mật (sīla-pāramī) chẳng hạn. Như vậy, qua sự so sánh giữa đại dương và các pháp Ba-la-mật, cần lưu ý rằng đại dương có giới hạn về sức chứa dù nó rộng lớn mênh mông, nhưng các pháp Ba- la-mật thì to lớn vô lường.

Chư Bồ tát không cảm thấy đau đớn

Vào lúc trưa hè nóng nực, người ta có thể đi xuống hồ nước sâu và trầm mình ở trong đó, thế nên, người kia không bị sức nóng từ trên phủ xuống. Cũng vậy, vị Bồ-tát thấm nhuần trạng thái đại từ bi, trong lúc mưu cầu lợi lạc cho chúng sanh, đi vào đại dương của các pháp Ba-la-mật và trầm mình ở trong đó. Nhờ thấm nhuần trạng thái đại bi, vị Bồ-tát không cảm thấy đau đớn khi bị những kẻ ác xẻo thịt, móc mắt, chặt tay, v.v…

Thời gian cần thiết để thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật

Một vị Bồ-tát phải thực hành các pháp Ba-la-mật trong thời gian tối thiểu là 4 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp kể từ khi được thọ ký cho đến kiếp cuối cùng, là kiếp đánh dấu sự viên thành các pháp Ba-la-mật (như ở kiếp của Bồ-tát Vessantara). Theo kinh Tương Ưng, một đại kiếp được ví dụ như vầy, nếu xương của một chúng sanh đem chất đống cho đến khi lớn bằng ngọn núi thì thời gian như vậy là một đại kiếp. Do đó số kiếp sanh tử của một vị Bồ-tát trong thời gian 4 A- tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp sẽ nhiều hơn những giọt nước trong đại dương. Trong những kiếp này, không có kiếp nào vắng mặt sự thực hành Ba-la-mật và không có kiếp nào trôi qua một cách uổng phí.

Những bài viết về sự thực hành pháp độ của Bồ-tát như 550 câu chuyện Bổn sanh (Jātaka) và những câu chuyện trong Hạnh tạng, chỉ là một số ít những ví dụ điển hình của vô số kinh nghiệm mà Ngài đã trải qua suốt 4 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp. Giống như bát nước lấy ra từ đại dương to lớn để cho thấy vị mặn của nó. Đức Phật kể lại những câu chuyện này như những minh chứng cho những trường hợp đã khởi sanh và trong những hoàn cảnh thích hợp. Số câu chuyện mà Đức Phật đã kể và số câu chuyện mà Ngài chưa kể ví như nước trong cái bát và nước trong đại dương vậy.

Pháp bố thí Ba-la-mật mà Đức Phật đã thực hành viên mãn được ca ngợi, tán tụng ở trong bài Jinālaṇkāra như sau:

So sāgare jaladhikam rudiraṃ adāsi

Bhumiṃ parājiya samaṃsam adāsi dānaṃ Meruppamāṇam adhikañ ca samoḷisīsaṃ

Khe tārakādhikataraṃ nayanaṃ adāsi.

“Hướng về Trí tuệ vô biên, tràn trề niềm tin và nhiệt huyết, vị Bồ- tát ấy đã bố thí máu của mình nhiều hơn những giọt nước trong bốn biển.

Hướng về Trí tuệ vô biên, tràn trề niềm tin và nhiệt huyết, vị ấy đã bố thí thịt mềm trong thân, số lượng nhiều hơn đất trên quả địa cầu rộng 240.000 do-tuần.

Hướng về Trí tuệ vô biên, tràn trề niềm tin và nhiệt huyết, vị ấy đã nhiều lần bố thí đầu của mình kèm theo vương miện lấp lánh chín viên ngọc nếu số đầu chất đống sẽ cao hơn núi Tu-di .

Hướng về Trí tuệ vô biên, tràn trề niềm tin và nhiệt huyết, vị ấy đã nhiều lần bố thí đôi mắt sáng rực, màu đen tuyền như cánh con bọ cứng, số mắt nhiều hơn các vì sao trong vũ trụ bao la.”

(2) Pacceka-Bodhisattas: Đương lai Độc giác Phật được gọi là Bích chi Bồ-tát phải thực hành Ba-la-mật trong thời gian 2 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp. Chư vị không thể thành Phật Độc giác nếu thời thực hành Ba-la-mật của họ ngắn hơn số đại kiếp ấy. Căn cứ vào chương nói về các vị Bồ-tát quá khứ, sự giác ngộ Phật Độc giác không thể chín muồi trước khi các vị ấy thực hành viên mãn các pháp Ba-la- mật.

(3) Sāvaka-Bodhisatta: các vị Thinh văn Bồ-tát là:

– Tối thắng Thinh văn Bồ-tát (Agga-sāvaka): một cặp Thinh văn như đại đức Xá-lợi-phất (Sāriputta) và đại đức Mục-kiền-liên (Moggallāna).

– Đại Thinh văn Bồ-tát (Mahā-sāvaka): như tám mươi đại đệ tử trong thời Đức Phật Gotama còn tại tiền.

– Phổ thông Thinh văn Bồ-tát (Pakati-sāvaka): tất cả các vị Thinh văn ngoại trừ những vị Bồ-tát được đề cập ở trên. Như vậy có 3 loại đương lai Thinh văn đệ tử.

Trong 3 loại này:

  • Tối thắng Thinh văn Bồ-tát phải thực hành các pháp Ba-la-mật trong thời gian một A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp.
  • Đại Thinh văn Bồ-tát: một trăm ngàn đại kiếp.
  • Phổ thông Thinh văn Bồ-tát không được nói trực tiếp trong các bộ kinh. Tuy nhiên, theo Chú giải và Phụ chú giải của bộ Pubbenivāsakathā (Túc mạng luận), ở bài kinh Mahāpadāna, thì các vị Đại thinh văn có thể nhớ lại tiền thân của họ trong một trăm ngàn đại kiếp và các vị Phổ thông thinh văn thì nhớ lại tiền kiếp của mình ít hơn con số đó. Vì trong mỗi kiếp sống, các vị đều thực hành các pháp Ba-la-mật, nên có thể suy ra rằng các vị đương lai Phổ thông Thinh văn phải thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật trong thời gian không lâu hơn một trăm ngàn đại kiếp. Thời gian để họ thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật thì bất định như vầy: có thể là một trăm đại kiếp hoặc một ngàn đại kiếp v.v… Tuỳ theo một số chúng sanh, có thể chỉ một hoặc hai, được chứng minh trong câu chuyện về con ếch (chuyện Maṇḍuka trong Thiên cung sự).

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app