Nội Dung Chính
- LỜI GIỚI THIỆU CỦA TÁC GIẢ
- Chú giải về Phật chủng tánh kinh
- Lịch sử bộ Mahā Buddhavaṁsa
- Sudhammavatī Buddhavaṁsa
- Bản dịch bộ Buddhavaṁmsa của Hội Phật giáo Quốc gia
- Các nhà biên soạn của bộ Buddhavaṁsa
- Công việc biên soạn lại trở về với tôi
- Sự thỉnh cầu của Hội đồng Phật giáo Quốc gia
- Lời thỉnh cầu của Thủ tướng về việc biên soạn
- Kiến thức rộng lớn của Sayagyi U Lin
- Phương án mới về việc biên soạn bộ Buddhavaṁsa
- Sự khích lệ đến các độc giả
LỜI GIỚI THIỆU CỦA TÁC GIẢ
NAMO BUDDHĀYA SIDDHAṂ
Kīdiso te Mahavīra
Abhinīhāro Naruttama
Kamhi kāle tayā Dhīra
Patthitā Bodhim uttamā
“Đức Phật, Bậc có đủ bốn pháp tinh tấn, Bậc tối thượng trong nhân loại, vượt trên tất cả chư thiên và Phạm thiên, là chúa tể của chúng sanh trong ba cõi! Làm sao chúng con biết được lúc nào Ngài phát nguyện thành một vị Phật, có đại oai lực tỏa khắp cõi Ta bà – từ cõi thấp nhất đến cõi cao nhất là cõi Phạm thiên. Sự giác ngộ của Ngài vượt qua chư Phật Độc giác và chư Thanh văn giác.”
Sự đồng thanh nhiệt liệt muốn biết điều này đã vang dội trên không trung khắp thành Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ) vào đêm trăng tròn tháng Kason. Cốt lõi câu chuyện này được kể lại tóm tắt dưới đây.
Đức Phật, Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, Chúa tể của ba cõi, đã suy xét về sự an cư kiết hạ đầu tiên tại vườn Lộc Giả trong thành Isipatana (Ba-la-nại). Suốt mùa an cư, Ngài tiếp độ cho năm anh em Kiều Trần Như và nhóm bạn hữu gồm 54 người, dẫn đầu là Yasa, con trai của vị thương buôn, khai ngộ cho họ đạt đến đạo quả A-la-hán. Khi mùa an cư đã qua, Ngài bảo tất cả chúng đệ tử ấy hãy ra đi truyền bá Chánh Pháp, là pháp vi diệu trong tất cả phương diện – chặn đầu, chặn giữa và chặn cuối – từng người một không có hai người đi cùng một hướng. Riêng Đức Phật, Ngài đi đến khu rừng Uruvela (Trúc lâm) để hóa độ cho ba anh em đạo sĩ Kassapa và một ngàn đệ tử của họ.
Trên đường đi đến Uruvela, Ngài vào nghỉ chân ở trong rừng Kappāsika. Ở đây, Ngài gặp nhóm thanh niên Bhaddavaggiya gồm 30 người khi họ đang tìm kiếm một người đàn bà bỏ trốn. Ngài an trú cho họ trong các tầng Thánh bậc thấp và truyền phép xuất gia cho họ bằng câu “Ehi-Bhikkhu”. Rồi Ngài một mình đi tiếp đến Uruvela, nơi đó Ngài giải thoát cho vị đạo sĩ lớn nhất – Uruvela Kassapa cùng với 500 đệ tử của vị ấy khỏi các tà kiến. Tiếp đến là Nadī Kassapa với 300 đệ tử và Gayā Kassapa với 200 đệ tử. Cuối cùng khi ngồi trên tảng đá ở Gayāsīsa, Ngài thuyết giảng bài kinh Ādittapariyāya đến tất cả một ngàn đạo sĩ ấy và an trú họ trong thánh quả A-la-hán. Và dẫn đầu một ngàn Thanh văn đệ tử ấy, Đức Phật lên đường đi đến Rājagaha (Vương xá).
Vào ngày Đức Phật đến tại Rājagaha, Ngài thuyết pháp tế độ vua Bimbisāra (Bình-sa-vương) và các gia chủ Bà-la-môn, tất cả một trăm mười ngàn người, an trú họ trong tầng thánh Nhập lưu và mười ngàn gia chủ Bà-la-môn khác trở thành những thiện nam quy y Tam bảo. Ngày hôm sau, Đức Phật tiếp nhận Veḷuvana (Trúc Lâm tự) do vua Bimbisāra cúng dường. Đó là ngôi tịnh xá đầu tiên mà Đức Phật tiếp nhận và trong lễ dâng cúng tịnh xá ấy, đại địa đã rung chuyển. Từ đó, Đức Phật hằng thuyết pháp tế độ cho những ai hữu duyên tế độ, gồm cả những người mà về sau trở thành các Đại đệ tử Thượng thủ Thinh văn và Thanh văn đệ tử. Ngài tế độ chúng sanh tựa như cho họ liều thuốc bất tử.
Trong khi Đức Phật lo tiếp độ chúng sanh thì phụ vương của Ngài, vua Suddhodāna (Tịnh Phạn), cử chín vị quan, mỗi vị dẫn theo một ngàn tùy tùng, lần lượt ra đi để thỉnh cầu Đức Phật trở về Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ). Tất cả chín ngàn sứ giả ấy đều trở thành những vị A-la- hán và không ai trở về báo tin với đức vua. Cuối cùng, Kāḷudāyī (Ca- lưu-đà-di), vị quan thứ mười được đức vua phái đi dẫn theo một ngàn tùy tùng. Kāḷudāyī và 1000 tùy tùng của vị ấy cũng trở thành những vị A-la-hán và thọ hưởng sự an lạc của pháp giải thoát.
Khi mùa đông trôi qua và mùa xuân đến Kāḷudāyī dùng 64 câu kệ bóng bẩy để thỉnh cầu Đức Phật trở về với quyến thuộc của Ngài. Đức Phật hoan hỷ nhận lời lên đường đi đến Kapilavatthu, mỗi ngày đi một do-tuần (Yojana: do-tuần là đơn vị đo chiều dài của Ấn Độ cổ đại).
Đức Phật và chúng Tăng được hoàng thân quốc thích của dòng Thích ca đón tiếp nồng hậu bằng lễ nghi trọng đại, cung nghinh đến tịnh xá Nigrodhārāma (Ni-câu-luật), một tịnh xá được các vị Thích cảnh dựng lên dành sẵn cho Đức Phật. Đến tịnh xá, Đức Phật ngồi trên chỗ ngồi đặc biệt và mặc tĩnh giữa hai chục ngàn Thánh Tăng A-la- hán. Những vị Thích cảnh mà ngã mạn vì cấp bậc, vai vế cao của họ thì nghĩ rằng: “Vị Thái tử Siddhattha này có vai vế nhỏ hơn chúng ta. Vị ấy chỉ là em, cháu của chúng ta mà thôi.” Đầy ngã mạn như vậy, họ bảo với những người thân tộc nhỏ hơn rằng: “Các ngươi hãy cúi đầu xá chào Đức Phật đi. Còn chúng ta sẽ đứng đằng sau các ngươi.”
Đức Phật biết trước nội tâm của những vị Thích cảnh đang ngã mạn về dòng tộc của họ, Ngài tự nghĩ: “Những quyến thuộc đầy ngã mạn của ta không biết rằng họ đã già đi mà chưa thành tựu điều gì hữu ích cho chính họ. Họ chẳng biết gì về oai lực của một vị Phật. Họ cũng chẳng biết gì về bản tánh của một vị Phật. Ta sẽ cho họ thấy sức mạnh vô song của một vị Phật bằng cách thị hiện Song thông về nước và lửa. Ta sẽ tạo ra một con đường châu báu giữa hư không, một cái nền rộng đến mười ngàn thế giới. Rồi ta sẽ đi trên đó và rưới xuống cơn mưa thích hợp với căn tánh của từng người”. Đức Phật vừa quyết định như vậy thì chư thiên và Phạm thiên đồng thanh tán dương.
Rồi Đức Phật dùng đề mục màu trắng nhập vào tứ thiền. Sau khi xuất khỏi tứ thiền, Ngài chú nguyện cho ánh sáng tỏa khắp mười ngàn thế giới. Ngay tức thì, toàn cõi sa-bà đều ngập tràn ánh sáng rực rỡ trước sự vui mừng của nhân loại, chư thiên và Phạm thiên. Rồi Đức Phật dùng thần thông bay vào không trung và thị hiện Song thông (Yamakapāṭihāriya) khiến cho lửa và nước đồng tóe ra khắp thân của Ngài, (1) từ trên đầu và dưới chân, (2) phía trước và phía sau, (3) từ hai con mắt, (4) từ hai tai, (5) từ mũi, (6) từ hai vai, (7) từ hai bàn tay, (8) từ hai bên thân, (9) từ hai bàn chân, (10) từ các ngón tay, ngón chân và từ giữa các ngón tay cũng như từ giữa các ngón chân, (11) từ mỗi sợi lông trên thân và (12) từ mỗi lỗ chân lông trên thân. Những tia lửa và nước ấy tỏa xuống từng đám người, từng nhóm chư thiên tựa như Đức Phật đang rải bụi từ dưới hai bàn chân của Ngài xuống đầu của họ. Sự thị hiện Song thông về nước và lửa của Đức Phật đã tạo ra một sự mầu nhiệm về oai lực vĩ đại của Ngài, khiến tất cả các vị Thích cảnh đều kinh cảm và kính nể, reo hò tán dương không ngớt lời.
Sau khi thị hiện Song thông, Đức Phật tạo ra một con đường châu báu rực rỡ, từ đông sang tây, tiến xa đến mười ngàn thế giới, Ngài đi lại trên con đường châu báu ấy và thuyết pháp đến chư thiên và nhân loại, phù hợp với căn tánh của họ.
Lúc bấy giờ, trưởng lão Sariputta (Xá-lợi-phất) đang ngụ tại Gijjakutapabbata (Linh thứu sơn) bằng thần thông của mình đã trông thấy toàn bộ biến cố xảy ra ở Kapilavatthu và tự nhủ: “Giờ đây ta sẽ đi đến Đức Phật và thỉnh Ngài kể lại tiền thân của Ngài, tiền thân của chư vị Bồ-tát và các pháp Ba-la-mật mà các Ngài đã thực hành viên mãn.”
Do đó, trưởng lão nhanh chóng triệu tập năm trăm vị A-la-hán đồng cư và nói với họ như vầy: “Nào, chúng ta hãy đi yết kiến Đức Phật và hỏi Ngài về những câu chuyện quá khứ của chư Phật.” Sau khi hối thúc họ cùng đi, trưởng lão Sariputta và năm trăm vị A-la-hán đã dùng thần thông bay xuyên qua hư không, nhanh hơn gió bão. Trong chốc lát, trưởng lão Sariputta và hội chúng tỳ khưu đã đến bên Đức Phật và đảnh lễ Ngài. Rồi trưởng lão nói lên câu kệ này:
Kīdiso te Mahāvīra.
Abhinīhāro nar’uttama, v.v…
Và qua đó, thỉnh Đức Phật kể lại chi tiết quá trình mà Ngài được Chư Phật quá khứ thọ ký và sự thực hành của Ngài về ba mươi pháp Ba-la-mật dành cho chư vị Bồ-tát.
Khi ấy, Đức Phật đang ở trên con đường châu báu, Ngài đáp lại bằng hai câu kệ:
Pītipāmojja janānaṁ, Sokasallavinodanaṁ, v.v…
Nghĩa là: “Hãy lắng nghe Phật chủng tánh kinh này, là bài pháp sẽ đem lại hoan hỷ và hạnh phúc cho các ngươi, có khả năng diệt trừ phiền não chướng và đem lại ba loại hạnh phúc: hạnh phúc ở cõi người, hạnh phúc của chư thiên và hạnh phúc của Niết bàn vô sanh. Sau khi đã nghe thời pháp ấy rồi, hãy tinh tấn thực hành theo con đường đã được chỉ rõ trong bài pháp này để tiêu trừ ngã mạn, đoạn diệt phiền não, thoát khỏi luân hồi và chấm dứt khổ đau.” Như vậy Đức Phật, do lòng bi mẫn, đã đọc lên bài kệ gồm bốn bhāṇavāra (1080 câu) để sách tấn nhân loại, chư thiên và Phạm thiên.
Chú giải về Phật chủng tánh kinh
Phật chủng tánh kinh nằm trong Tiểu bộ kinh (Khuddakanikāya), được các vị A-la-hán tụng đọc trong các kỳ Kiết tập lần thứ nhất, thứ hai và thứ ba. Chú giải của kinh này có nhan đề là Madhuratthavisālinī, gồm có 26 tụng phẩm (bhāṇavāra), tác giả là Đại đức Buddhadatta, một vị tỳ khưu của thiền viện ở Kāvīrapaṭṭana, nước Cola thuộc miền nam Ấn Độ.
Lịch sử bộ Mahā Buddhavaṁsa
Dưới triều đại của vua Bagyidaw (từ 1819 đến 1937 trước Công nguyên), người thứ tư thành lập nên thành phố Ratanāpūra, có vị Ngakhon Sayadaw đầu tiên nhận danh hiệu Ādiccavaṁsābhidaja Mahādhammarājādhirājaguru, đã viết câu chuyện Buddhavaṁsa bằng văn xuôi gồm cả chánh văn và Chú giải, có xen kẽ những câu kệ Pāḷi và phần dịch từng chữ một của những câu chuyện ấy.
Bộ Buddhavaṁsa bằng văn xuôi tiếng Miến Điện ấy được nhà xuất bản Zabumeitswe Pitaka, Yangon, ấn hành năm 1935, gồm có 3 cuốn, nhan đề là “Đại Phật Chủng Tánh Sự” (Mahā Buddhavaṁsa).
Sudhammavatī Buddhavaṁsa
Khi bộ Đại Phật Chủng tánh được xuất bản không bao lâu thì bộ Suddhammavatī Buddhavaṁsa xuất hiện trong một cuốn sách bằng văn vần do U Htun Sein biên soạn.
Bản dịch bộ Buddhavaṁmsa của Hội Phật giáo Quốc gia
Sau khi nước Miến Điện độc lập, người dân cả Tăng lẫn tục đều rất bận rộn lo sửa soạn cho Đại hội Phật giáo lần thứ sáu. Thủ tướng U Nu trông thấy mọi người sốt sắng với công việc phục vụ giáo pháp của họ như vậy, bèn khởi lên cao kiến là xuất bản một bản dịch mới của bộ Buddhavaṁsa và Chú giải của bộ ấy. Đó là bản dịch về một sự kiện liên quan đến Đức Phật. Do vậy, nhân buổi lễ Anekaja và lễ khánh thành phòng thờ tại nhà của Thủ tướng, ông đã yêu cầu tôi biên soạn một bộ sử như vậy về chư Phật để kỷ niệm một biến cố lớn là Đại hội kiết tập Tam Tạng lần thứ sáu.
Khi ấy tôi nói với Thủ tướng rằng: “Tôi đã được chỉ định vào vai trò Tipiṭakadhara (Tam tạng trí giả) trong cuộc kiết tập Tam tạng lần thứ sáu sắp được tổ chức và tôi cần phải cố gắng nhiều để xứng đáng với danh hiệu ấy.” Với lý do như vậy, tôi đã từ chối yêu cầu của Thủ tướng. Quả thật lúc ấy tôi vừa mới vượt qua kỳ thi viết về Tạng Luật và sắp vào khóa thi về Tạng Abhidhammā-piṭaka.
Các nhà biên soạn của bộ Buddhavaṁsa
Dù bị từ chối như vậy, Thủ tướng vẫn kiên trì thực hiện ý nguyện của mình bằng cách đến nhờ các học giả khác. Và công việc biên soạn được khởi sự lần đầu tiên dưới sự giám sát của ông Medhāvī Sayagyi U Saing. Vài tháng sau khi công việc đã tiến hành được một phần thì bị gián đoạn và công việc được chuyển giao cho Mahāpaññābala, Pathamagyaw Sayagyi U Kyee Pe, cứ như thế, công việc lại được chuyển giao đến Aggamāpaṇḍita Sayagyi U Lin, M.A. Sau một năm rưỡi, vị ấy chỉ hoàn tất được cuốn một (từ câu chuyên đạo sĩ Sumedha đến hết câu chuyện về Đức Phật Kassapa). Rồi U Lin qua đời trước sự thương tiếc to lớn của chúng ta, chỉ còn lại danh tiếng sáng chói về sở học uyên bác của vị ấy.
Công việc biên soạn lại trở về với tôi
Vào ngày 6 tháng 12 năm 1954, Sayagyi U Lin qua đời. Bốn ngày sau, vị thí chủ trong buổi lễ thọ đại giới của tôi và cũng là người cha tinh thần của tôi, Ngài U Thwin, Thadosirī Sudhamma, chủ tịch hội đồng Phật giáo và cũng là mạnh thường quân cho đại hội Kiết tập lần thứ sáu, đã đích thân đến gặp tôi theo yêu cầu của Thủ tướng và bảo tôi không nên khước từ khi Thủ tướng thỉnh cầu biên soạn bộ Buddhavaṃsa. Vào ngày 8 tháng 1 năm 1955, Thủ tướng đến thăm tôi nơi tạm trú tại thiền đường Saṅgha Yeiktha và trân trọng thỉnh cầu như sau:
(1) Xin Ngài hoan hỷ thực hiện công việc biên soạn về những kiếp sống của chư Phật. Trong đó xin Ngài đừng bỏ sót bất cứ chi tiết nhỏ nào. Nếu một cuốn không đủ thì làm hai cuốn. Hai cuốn không đủ thì làm bốn, tám, v.v… Điều quan trọng là công việc phải được hoàn hảo.
(2) Bài viết cần dễ hiểu và thu hút sự ham thích của tất cả mọi người, cả già lẫn trẻ, ngay những người không phải là Phật tử, những người muốn tìm hiểu về các kiếp sống của chư Phật.
(3) Nếu Ngài biên soạn bộ Buddhavaṁsa bằng tiếng Miến Điện, tôi tin rằng tất cả mọi người, xuất gia cũng như tại gia, đều sẽ rất hoan nghinh.
Sau khi Thủ tướng ra về, tôi nhẩm lại câu châm ngôn sau đây:
Yaṃ hi kariyā taṃ hi vade yaṃ
na kariyā na taṃ vade.
Akarontaṃ bhasamānaṃ
Parijananti paṇḍita.
Nên nói điều gì có thể làm được,
không nói điều gì mình không thể làm được.
Người nói mà không làm được
Thì bị bậc trí chê cười.
Sự thỉnh cầu của Hội đồng Phật giáo Quốc gia
Chẳng bao lâu sau tôi đã hứa khả với Thủ tướng. Hội Đồng Phật Giáo Quốc Gia cũng có lời thỉnh cầu. Để đáp lại, tôi cũng có 3 yêu cầu:
(1) Không nhận thù lao.
(2) Không tham gia công việc điều hành
(3) Chỉ làm công việc về văn hóa theo khả năng của mình.
Tôi thêm rằng nếu Hội Đồng Phật Giáo Quốc Gia chuẩn phê 3 điều kiện của tôi, thì xem như tôi đã nhận lời mời của Hội Đồng.
Vài ngày sau, ba nhân vật trong Hội Đồng Phật Giáo Quốc Gia, đó là chủ biên U Ba Hmi và hai biên tập viên Saya Htun và U Ba Than, đã đi đến tôi và hoan hỷ báo tin rằng Hội Đồng Phật Giáo Quốc Gia đã đồng ý với 3 điều kiện của tôi. Sau đó để chấp nhận công việc biên soạn, tôi nói với Saya Htun và Saya U Ba Than rằng: “Công việc biên soạn mà không có người lãnh đạo thì sẽ bị thất bại, nếu có quá nhiều người lãnh đạo cũng thất bại.” Tôi sẽ đứng ra làm giám thị để công việc biên soạn bộ Buddhavaṁsa không bị thất bại. Hai vị sẽ tiếp tục công việc của Sayagyi U Lin. Tôi sẽ tham dự công việc biên soạn khi nào công việc của hội kiết tập kết thúc.”
Lời thỉnh cầu của Thủ tướng về việc biên soạn
Tựa như “Một vật đã chắc chắn còn được đóng thêm đinh hoặc một vật ở chỗ kiên cố lại được ràng thêm dây sắt,” lời thỉnh cầu viết tay của Thủ tướng đã được gởi đến tôi ngày 28 tháng 12 năm 1955.
Kiến thức rộng lớn của Sayagyi U Lin
Khi hội Kiết tập lần thứ sáu và lễ kỷ niệm năm thứ 2500 của Phật Giáo (1956) kết thúc, để đáp ứng sự thỉnh cầu của Thủ tướng và thực hiện lời hứa của tôi, tôi khởi sự biên soạn bản thảo của bộ Mahā Buddhavaṁsa mà đã được biên soạn cho đến nay. Tôi thấy rằng bộ sách ấy đã được viết đến 700 trang khi Sayagyi còn sống, đầy đủ những điểm ghi chú với ý nghĩa thâm sâu mà người thường không thể hiểu nổi, toát lên kiến thức vĩ đại của Sayagyi.
Khi Sayagyi U Lin lên kế họach biên soạn bộ Mahā Buddhavaṁsa, vị ấy dự tính chỉ viết tóm tắt và đã làm như thế. Nhưng Thủ tướng U Nu đã tha thiết yêu cầu vị ấy rằng: “Làm thế nào càng nhiều chi tiết càng tốt, thưa Ngài Sayagyi. Hãy viết tất cả những gì biết được về Đức Phật. Dù có những điểm rất ít ý nghĩa cũng không nên bỏ sót. Cầu mong Ngài hãy viết bằng hết khả năng của mình vì lợi ích của nhiều thế hệ tương lai”. Rồi Sayagyi đem cất những gì đã viết tóm tắt và bắt đầu viết lại với tâm luôn vững chắc trong đề tài Buddhavaṃsa. Vừa đến văn phòng, ngài bắt tay ngay vào công việc, hai tay để trên bàn và bắt đầu đọc để người tốc ký viên chép chẳng chút thời giờ ngừng nghỉ. Thỉnh thoảng phát ra một âm thanh từ lưỡi, lúc thì nắm bàn tay lại, lúc khác thì nhấp nháy mắt và nghiến răng để tập trung nghị lực. Tất cả những điều này do Saya Htun kể lại.
Phương án mới về việc biên soạn bộ Buddhavaṁsa
Một tác phẩm văn chương rất hứa hẹn như vậy, đầy đủ những điểm ghi chú về giáo lý, ý nghĩa thâm sâu. giống như một kho kiến thức do Sayagyi trình bày tựa như vị ấy đã trương lên lá cờ trí tuệ trong cuộc đời vị ấy, không nên cho xuất bản ngay vì tôi e rằng độc giả sẽ lúng túng khó đọc và khó hiểu. Do đó việc biên soạn bộ Mahā Buddhavaṃsa được dự tính lại như sau:
(1) Chủ đề chính của bộ Buddhavaṁsa nên được làm riêng.
(2) Chương về “Sự xuất hiện hy hữu của một vị Phật” nên được viết lại với sự đóng góp của các vị Sayadaw rành mạch giáo pháp.
(1) Một chương mới về những vấn đề nhỏ liên quan đến các phận sự, nên được thêm vào để cho những người có chí nguyện thành Phật hiểu rõ và thực hành theo.
(2) Những điểm giải thích và diễn nghĩa nên được cho đầy đủ vào một chương riêng, lấy nhan đề là Anudīpanī để làm phần bổ túc cho phần đầu của cuốn một.
(3) Những câu văn khó hiểu sẽ được làm cho dễ hiểu bằng cách thay thế những câu đơn giản bằng tiếng Miến Điện.
Khi bản thảo của bộ Mahā Budddhavaṁsa cuối cùng được đem đến nhà xuất bản của Hội Đồng Phật Giáo Quốc gia thì Sayagyi Saya Nyan, Mahā Paññābala, giáo sư môn Pāli, làm chánh chủ duyệt.
Sự khích lệ đến các độc giả
Bản dịch của bộ Buddhavaṃsa này hàm chứa nội dung và ý nghĩa giống như bộ gốc, Chú giải của nó, v.v… Điểm khác biệt duy nhất giữa tác phẩm và dịch phẩm là ngôn ngữ bộ gốc bằng tiếng Pāḷi và dịch phẩm bằng tiếng Miến Điện.
Bởi vì bộ Buddhavaṃsa này có thể đem đến cho các độc giả xứng đáng của nó nhiều lợi ích như: (1) niềm hỷ lạc, (2) sự đoạn tận khổ ưu,
(3) ba quả phước thù thắng: Cõi người, cõi chư thiên và Niết bàn theo đúng như lời dạy của Đức Phật, bài giới thiệu này xin được kết thúc bằng câu kệ sách tấn như sau:
Pātubhuto Mahābuddhavaṃso Buddhatthadīpako Buddhavādīnaṃ atthāyataṃ nisāmetha sādhavo.
Thưa quý thiện hữu, những người đang tầm cầu lợi ích cho chính mình và người khác, bộ sách Mahā Budddhavaṁsa này, một bản dịch của Hội Phật Giáo Quốc Gia ra đời để kỷ niệm sự hội họp của hội Kiết tập lần thứ sáu, giống như một mảnh đất màu mỡ cho các hàng Phật tử mộ đạo gieo xuống hạt giống chánh pháp. Vì lợi ích cho những người tha thiết với chánh pháp, bộ sách này được mô tả một cách sống động về Đức Phật – Người Bạn của chúng sanh trong tam giới, đã thực hành những việc phước thù thắng, vô song kể từ lúc là một vị đạo sĩ tên Sumedha. Do vậy, tất cả quý vị nào có ước nguyện thành tựu bốn Tuệ phân tích, sự Giác ngộ thực sự thì nên học hỏi nơi bộ sách này một cách cẩn trọng bằng con mắt trí tuệ, nên tin tưởng tuyệt đối rằng quý vị sẽ gặt hái những kết quả hạnh phúc và an vui, chấm dứt sầu khổ, được sanh làm người, chư thiên và chứng ngộ Niết bàn giải thoát.
U Vicittasarābhivaṃsa
Tipitakadhara Dhammabhaṇḍagārika
Ngày mồng 7 tháng Waso 1399 (lịch Miến Điện)