10. Giải về mười tám yếu tố căn, trần, thức
Nếu chỉ có vật chất và tâm hay danh và sắc, tại sao Đức Phật dạy chúng ta Ngũ uẩn, Mười hai xứ và Mười tám yếu tố căn, trần, thức?
Có ba loại người đến gặp Đức Phật.
– Loại thứ nhất có trí tuệ cao siêu, họ muốn nghe các bài pháp ngắn và hiểu nhiều về sắc, nhưng không hiểu danh hay tâm. Đối với hạng người này Đức Phật dạy cho họ danh và sắc, nhưng lại chia ra làm năm nhóm là Ngũ uẩn. Ngũ uẩn có bốn yếu tố thuộc về tâm là: thọ, tưởng, hành, thức; và một yếu tố thuộc về vật chất hay sắc đó là sắc.
– Loại thứ hai có trí tuệ trung bình, họ muốn nghe những bài pháp không dài hay ngắn quá, họ hiểu tâm nhưng chẳng hiểu sắc, đối với hạng người này Đức Phật dạy danh sắcnhưng chia ra làm Mười hai xứ. Có mười rưỡi yếu tố sắc mà chỉ có một rưỡi yếu tố tâm.
– Loại thứ ba có trí tuệ kém, họ muốn nghe những bài pháp dài, họ không biết đến sắc và danh gì cả. Đối với hạng người này Đức Phật dạy họ danh sắc bằng cách chia ra làm Mười tám yếu tố là căn, trần và thức.
Như chúng ta biết, khi học hỏi Mười tám yếu tố căn, trần, thức thì Năm uẩn và Mười hai xứ cũng bao gồm trong đó. Trước tiên, chúng ta chia Mười tám yếu tố căn, trần, thức ra làm ba nhóm.
Căn là cửa của giác quan, trần là đối tượng của giác quan, thức là sự nhận biết. Căn hay cửa của giác quan gồm có sáu: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm. Có thể gọi sáu căn này là cơ quan thâu nhận.
Trần hay đối tượng của giác quan, gồm có sáu: màu sắc, âm thanh, mùi, vị, vật hữu hình và đối tượng của tâm. Có thể gọi sáu trần là cơ quan kích động.
Thức là sự nhận biết, có sáu thức: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức hay: sự biết của mắt, sự biết của tai, sự biết của mũi, sự biết của lưỡi, sự biết của thân, sự biết của tâm. Có thể gọi sáu thức là cơ quan biểu hiện.
Một cách tổng quát chỉ có yếu tố kích động, yếu tố thâu nhận và yếu tố biểu hiện.
Chúng ta hãy lấy ví dụ về một hộp diêm quẹt để dễ hiểu căn, trần, thức.
Đây là que diêm và đây là hộp diêm. Khi quẹt diêm vào hộp quẹt thì lửa sinh ra. Không thể nói lửa sinh ra từ đâu, không thể nói lửa đi đâu. Chúng ta có thể nghĩ rằng lửa ở sẵn trong que diêm. Nếu vậy thì que diêm có thể bùng cháy bất kỳ lúc nào mà không cần có sự cọ xát. Nếu chúng ta nghĩ rằng lửa nằm trong hộp diêm, thì khi làm rơi hộp diêm xuống đất có thể phát lửa. Lửa không nằm trước trong que diêm, cũng không nằm trong hộp diêm. Khi que diêm quẹt vào hộp diêm thì lửa phát sinh. Cũng vậy, khi trần tiếp xúc với căn tương hợp thì thức phát sinh. Sáu trần chẳng khác nào que diêm, sáu căn chẳng khác nào hộp diêm và sáu thức chẳng khác nào lửa phát sinh ra vậy.
___________________