ĐỨC PHẬT Ở ĐÂU?

 

(Đây là cuốn sách cuối cùng của cố Trưởng lão Dr. K. Sri Dhammananda Nayaka MahāTherā)

 

  

Lời dẫn

 

Đạo Phật sẵn sàng tiếp nhận mọi truyền thống và tục lệ miễn rằng những tục lệ và truyền thống ấy không phương hại đến sự an sinh của người khác. Thiên đàng không chỉ mở ra cho những người theo một tôn giáo đặc biệt nào mà mở ra cho những ai biết sống một cuộc sống chánh trực và thánh thiệnĐạo Phật đủ mạnh để đương đầu với bất kỳ quan kiến hiện đại nào đặt ra một thách thức đối với tôn giáoCon người đã quên rằng họ có một trái tim. Họ quên rằng nếu họ đối xử với thế gian một cách thân áithế gian sẽ đối xử thân ái lại với họ như vậy. Lòng nhân từ và sát hại không bao giờ đi chung với nhauChịu khócần cù là ngôi sao may mắn nhất. Người đệ tử Phật chân chính có thể hành theo lời dạy của Ngài mà không chấp trước vào một trường phái hay bộ phái nào cả.

 

Đức Phật ở đâu?

 

Người ta luôn luôn đặt ra câu hỏi này, Đức Phật đã đi về đâu hay hiện Ngài đang sống ở đâu. Đây là một câu hỏi rất khó trả lời đối với những ai chưa từng tu tập một đời sống tâm linhLý do là vì họ thường nghĩ về cuộc đời theo cách trần tục, một điều rất khó để cho họ có thể hiểu được khái niệm về một vị Phật. Có một số nhà truyền giáo (Cơ đốc) đến gặp các Phật tử và nói rằng Đức Phật không phải là một vị thượng đế, Ngài là một con người. Ngài đã chết và lìa bỏ thế gian này rồi. Thờ cúng một người đã chết như vậy phỏng có được lợi ích gì? Tuy nhiênchúng ta phải hiểu rằng Đức Phật được gọi là Đấng Thiên Nhân Sư – Satthā Devamanussānam – tức Ngài là bậc Thầy của chư Thiên và nhân loại. Bất cứ khi nào các vị chư Thiên có những vấn đề gì họ liền đến gặp Đức Phật để xin lời khuyên của Ngài. Sau đó họ công bố Thiên chủ của họ vẫn còn sống và đó là lý do tại sao mọi người nên cầu xin Ngài (thay vì họ).

 

Theo các nhà khoa học thì phải mất hàng triệu năm chúng ta mới phát triển được tâm trí và sự hiểu biết của chúng ta. Khi tâm trí chưa phát triển đầy đủ, con người tin rằng có một số quyền năng nào đó điều hành mọi hoạt động của thiên nhiên. Bởi vì con người không hiểu đích xác làm thế nào thiên nhiên lại hoạt động nên họ bắt đầu nghĩ rằng chắc phải có một đấng nào đó sáng tạo ra và duy trì những sự kiện này. Và để giúp những người khác hiểu được khái niệm (về một đấng sáng tạo và bảo trì) ấy, họ liền biến năng lực này thành một hình thức và thể hiện nó ra trên phương diện vật lý như những hình tượng, tranh ảnh. Những vị “thần linh” hay những quyền lực này dĩ nhiên rất quan trọng trong việc giúp cho con người làm lành tránh dữ, cũng như để ban thưởng cho họ nếu họ biết sống lương thiệnChúng ta luôn luôn có những nỗi sợ hãilo lắnghoài nghibất an, vì thế chúng ta cần phải có một đấng nào đó để dựa vào nhằm bảo vệ cho chúng taCuối cùng năng lực này được người ta biến thành một đấng Thượng Đế duy nhất.

 

Giờ đây người ta nương tựa vào Thượng Đế cho các vấn đề của họ. Đó là lý do vì sao họ lại cố gắng để giới thiệu ý niệm về một linh hồn bất tử rời khỏi thế gian này và sống đời đời trên thiên giới. Điều đó đã làm thoả mãn khát vọng được sống đời đời của con ngườiĐức Phật dạy rằng bất cứ điều gì đã đi vào hiện hữu đều phải chịu sự biến đổisuy tàn và hoại diệt. Khi phân tích cuộc đời của Đức Phậtchúng ta thấy rằng Ngài không bao giờ tự giới thiệu mình như là con của Thượng Đế hay sứ giả của Thượng Đế, mà chỉ như một bậc đạo sư đã giác ngộĐồng thời, Ngài cũng không giới thiệu mình là hoá thân của một vị Phật khác. Đức Phật không do một vị Phật khác sáng tạo ra, do đó Đức Phật không phải là hiện thân của một vị Phật khác. Ngài là một con người và do đã thực hành trong một thời gian dài, hết kiếp này đến kiếp khác, tu tập, trau dồi những phẩm hạnh cao quý mà chúng ta gọi là các ba-la-mật (pāramī). Khi đã hoàn tất những phẩm hạnh giới đức và trí tuệ gọi là ba-la-mật ấy, Ngài đạt đến giác ngộ vốn là sự hiểu biết toàn diện về cách vận hành của vũ trụ. Ngài khám phá ra là không có một đấng Thượng Đế nào sáng tạo ra thế gian. Tất nhiên người ta sẽ hỏi làm sao Ngài có thể đạt đến giác ngộ mà không có sự hỗ trợ của một đấng Thượng Đế nào được.

 

Đạo Phật xác nhận rằng mỗi cá nhân đều có thể phát triển tâm để hiểu rõ mọi sự mọi vật (các pháp). Ý nghĩa của chữ manussa, trong nhiều ngôn ngữ là “con người”. Song, nghĩa của chữ mana lại là tâm. Do đó manussa là một con người có thể phát triển và trau dồi tâm đến chỗ hoàn thiện. Ngoài con người ra, không chúng sinh nào khác trong vũ trụ này có thể phát triển được tâm cho đến mức đó, để đạt sự giác ngộ. Ngay cả các vị chư Thiên (chúng sinh trên cõi trời) cũng không thành Phật được vì họ không thể phát triển tâm cho đến mức độ như vậy. Họ có cuộc sống thịnh vượng, bình yên và đầy đủ dục lạc trần gian. Song năng lực tư duy của họ rất nghèo nàn. Chỉ có con người (manussa) mới có thể thành Phật hay thành bậc Giác Ngộ.

 

Khi người ta nói Đức Phật không phải là một vị chư Thiênchúng ta cũng không nên cố gắng chứng minh rằng Ngài là một vị chư Thiên. Nếu chúng ta cố gắng chứng minh điều này, chúng ta thực sự đã hạ thấp khái niệm về sự giác ngộ. Có những người công bố rằng Thượng Đế của họ đã truyền trao một bức thông điệp cho con người. Nếu bức thông điệp ấy là dành cho tất cả mọi người trên thế gian này, tại sao Thượng Đế không công bố thông điệp của Ngài giữa công chúng, thay vì chỉ tiết lộ đến một người như vậy. Đức Phật không khuyến khích ai tin vào bất cứ điều gì hay tuyên bố rằng họ đã được một quyền năng siêu nhiên nào đó mặc khải phải làm như thế cả. Có lần, một vị tu sĩ Thiên Chúa Giáo cùng với một số môn đồ của ông đến gặp tôi để thảo luận về đạo Phật và ông đã hỏi: “Thực sự Ngài có thể nói cho chúng tôi biết người Phật tử tin vào điều gì được không?” Lúc đó tôi đã nói với ông ta một cách rất thẳng thắn rằng người Phật tử không “tin” vào điều gì cả. Ông liền chỉ vào cuốn sách tôi viết “Người Phật tử tin gì?” (What the Buddhists Believe?) và hỏi: “Thế sao Ngài lại viết cuốn sách này?” Tôi nói: “Đó là lý do tại sao tôi lại viết cuốn sách ấy cho mọi người đọc để họ ngẫm xem có điều gì đáng cho họ tin hay không”. “Nếu vậy”, ông hỏi, “Ngài có thể nói cho chúng tôi biết người Phật tử phải làm gì được không?” Tôi nói với ông, Đức Phật đã đưa ra câu trả lời cho câu hỏi này rồi, Đức Phật đã khuyên chúng ta phải làm gì. Thay vì tin, mọi người cần phải thực hành.

 

Có ba phương diện thực hành. Đó là, học pháp (pariyatti), hành pháp (patipatti) và thể nhập hay chứng đắc pháp (pativedhana). Trước tiên chúng ta phải cố gắng hiểu pháp vì chúng ta không được tin một cách mù quáng những gì chúng ta không hiểu. Đức Phật dạy mọi người trước tiên phải cố gắng để hiểu biết đã. Trong giáo lý về Bát Thánh Đạo của Ngài, yếu tố đầu tiên là chánh kiến (sammāditthi), tức là sự hiểu biết đúng đắn, chân chánh. Đức Phật khởi sự sứ mạng của Ngài bằng cách đòi hỏi những người theo Ngài phải phát triển chánh kiến thay vì tin một cách mù quáng.

 

Sau khi học hỏi xong, bạn có được kiến thức lạ thường về Đức Phật và về giáo pháp của Ngài. Từ đó, bạn ra sức thực hành những điều đã học. Nếu không hiểu điều này, bạn sẽ tạo ra những ý niệm theo sự tưởng tượng riêng của bạn. Lời khuyên của Đức Phật là hãy thực hành những gì bạn đã học với sự hiểu biết. Sau khi hành xong bạn sẽ kinh nghiệm kết quả hay tính hiệu quả của giáo phápLúc ấy bạn mới biết rằng điều Đức Phật dạy là chân thật.

 

Như vậy, học, hiểu và hành, ba phương pháp mà Đức Phật dạy là lối sống trong thế gian này để loại trừ khổ đau. Bây giờ bạn đã hiểu rằng cách giới thiệu tôn giáo của Đức Phật không phải là yêu cầu chúng ta tin bất cứ điều gì mà yêu cầu chúng ta học, hành và kinh nghiệm những kết quả. Chẳng hạn, Đức Phật dạy bạn phải nhân từ, phải sống lương thiệnchánh trực. Sau khi hiểu lời Ngài dạy, bạn cố gắng thực hành theo và sau đó mọi người kính trọng bạn khi họ biết rằng bạn là người rất nhân từ, rất lương thiện. Không người nào muốn quấy phá bạn hay xem thường bạn, mà họ chỉ có lòng kính trọng bạn mà thôi. Đó là kết quả tốt đẹp bạn sẽ gặp. Đồng thời Đức Phật còn dạy bạn phải cố gắng hiểu mọi việc theo mức kinh nghiệm riêng của bạn. Bạn có thể tự mình kiểm chứng những kết quả của việc thực hành. Bạn hiểu tại sao một số điều là sai và tại sao một số điều là đúng, dĩ nhiên bạn không làm những điều này vì mệnh lệnh của ai hay vì lời răn ở đâu trên trời truyền xuống. Bạn có một cái tâm biết suy nghĩ và một lương tri để hiểu biết. Sự hiểu biết của chúng ta và kinh nghiệm riêng của chúng ta đủ để phân biệt một điều gì là sai hoặc đúng. Chẳng hạn, Đức Phật dạy chúng ta không nên hủy diệt các chúng sanh khác. Ngài không giới thiệu điều này như một giáo luật bởi vì một người có trí sẽ biết rằng sát sanh là một tội ác.

 

Thực sự không có gì khó đối với chúng ta để hiểu vì sao điều đó là bất thiện, vì khi một người nào đó đi đến và cố gắng giết chúng tachắc chắn chúng ta không muốn chuyện ấy. Lại nữa, Ngài nói rằng, khi bạn có những vật quý giá bị người khác lấy trộm, bạn sẽ cảm thấy như thế nào? Tương tự, người khác cũng không bao giờ thích chúng ta lấy cắp tài sản của họ. Không nhất thiết cho chúng ta phải nhận những mệnh lệnh nơi một vị Thượng Đế hay Đức Phật hay Chúa Jesus mới hiểu được khái niệm đơn giản ấy. Các vị đạo sư xuất hiện trên thế gian là để nhắc nhở chúng ta những điều chúng ta đã xao lãng hay đã quên. Kinh nghiệm riêng và sự hiểu biết của bạn là quá đủ để biết vì sao một số điều là đúng hoặc sai rồi.

 

Đức Phật khuyên chúng ta nên tư duy và hiểu biếtChúng ta có khả năng suy luậnChúng ta có lương tri và không giống như những con vật khác dù có tâm nhưng chúng không thể tư duy một cách hợp lý. Tâm của chúng bị giới hạn vào việc tìm kiếm thức ăn, nơi ẩn náu, sự bảo vệ và dục lạc. Chúng không thể mở rộng tâm thêm được nữa. Ngược lại, con người chúng ta có một cái tâm biết suy nghĩ và hiểu biết đến mức tối đa. Đây là lý do vì sao các nhà khoa học đã thăm dò và khám phá ra nhiều điều mà chúng ta chưa hề nghe nói đến trước đây. Không có sinh vật nào trong thế gian này có thể phát triển tâm tới mức đó, Và đó cũng là lý do vì sao chỉ con người mới có thể thành Phật. Chỉ bằng cách phát triển tâm con người mới có thể đạt đến sự giác ngộ.

 

Đức Phật dạy chúng ta hãy hành theo kinh nghiệm riêng của mình, nhờ đó chúng ta sẽ gặt hái được những kết quả. Tín đồ của các tôn giáo khác khi chào nhau thường nói: “Xin Thượng Đế phù hộ cho bạn”. Ngược lại người Phật tử rất hiếm khi chào nhau bằng cách nói xin Đức Phật phù hộ cho bạn. Mà họ chỉ đọc: “Buddham saranam gacchāmi”, tức là: “Con xin quy y Phật”. Vấn đề ở đây là, nếu chúng ta tin rằng chúng ta có thể quy y hay nương tựa vào Đức Phật, tại sao chúng ta lại không chào nhau: “Xin Đức Phật phù hộ cho bạn”. Hơn nũa, Đức Phật cũng khuyên người ta hãy niệm tưởng ân Đức Phật mỗi khi họ có sự sợ hãi đấy thôi. Do đó “Đức Phật ở đâu?” sẽ là đề tài bàn luận ở đây. Chúng ta có thể nói Đức Phật hiện đang ở trên cõi trời hay đang sống trong Niết-bàn hoặc Ngài đang sống ở một nơi nào khác được chăng? Ngài đã đi đâu? Chúng ta phải nhớ rằng những điều chúng ta vừa hỏi đều xuất phát từ quan niệm thế gian. Sau khi chứng ngộ giải thoátĐức Phật nói: “Ayam – antimājāti, natthi dāni punabbhavoti – đây là kiếp chót của Ta,Ta không còn phải tái sinh lại nữa. Ta đã ngừng luân chuyển trong thế gian, hết đời này đến đời khác, và cảm thọ khổ đau không ngừng”.

 

Thực sự ra khoái lạc hay thú vị mà người ta thụ hưởng trong cuộc đời chỉ là những thoả mãn cảm xúc nhất thời chẳng mấy chốc sẽ mất đi. Điều này tạo ra những bất toại nguyện hay khổ đau. Trong một đời người chúng ta nếm trải không biết bao nhiêu là khổ đau, lo lắng, những vấn đề phải giải quyếtđau đớn, khó khăn, tai ương và những điều bất như ý cả trên phương diện thể xác lẫn tinh thần. Không ai trong cuộc sống này có thể nói rằng họ được thoả mãn với cuộc sống cả. Mọi người đều than vãn, rên rỉ về những vấn đề thể xác hoặc tinh thần. Do hiểu được tình trạng này, Đức Phật đã chấm dứt tái sinh. Sự chấm dứt ấy gọi là giải thoátGiải thoát ở đây có nghĩa là không còn cái khổ về thể xác và tinh thần nữa. Do hiện hữu trong một hình thức này hay hình thức khác mà chúng ta không thể vượt qua được cái khổ thân và khổ tâm của chúng ta. Do đó, nếu chúng ta không thích khổ, cách tốt nhất là phải chấm dứt sanh. Chúng ta khát khao hiện hữu. Lòng tham ái này rất mãnh liệt trong tâm chúng ta. Chính do tham ái và vô minh mà bất chấp mọi khổ đau và phiền muộn, già yếu và bệnh hoạn cùng nhiều vấn đề khác nữa, chúng ta vẫn muốn được tồn tại.

 

Thử nhìn vào những gì đang xảy ra trong thế gian này xem. Toàn thế gian là một bãi chiến trường. Khắp mọi nơi trên thế giới, người ta tạo ra bạo loạn, giết chóc, chiến tranh và huỷ diệt. Trong khi loài thú sống không tạo ra những vấn đề không cần thiết như thế để phải khổ đau. Khi chúng đói, chúng đi ra ngoài và vồ một con thú khác. Thoả mãn cơn đói xong chúng đi ngủ. Ngược lại con người không thể thoả mãn nếu không khát khao thêm nhiều thứ khác nữa. Tham ái và chấp thủ rất mãnh liệt trong tâm con người chúng ta. Do tham ái và chấp thủ này, ganh tỵ, thù hận, nóng giận, ác ý, tàn nhẫn và hiểm độc phát sinh. Những chúng sanh khác không phát triển tính tàn bạo của chúng đến mức đó.

 

Con người chúng ta ai cũng có một tôn giáoTôn giáo không chỉ để thờ phụng và cầu nguyện mà còn để thực hiện sứ mệnh phục vụ các chúng sanh khác bằng cách tránh điều ác, làm điều lành. Thực sự, tránh những tư tưởng xấu là chúng ta có thể phục vụ tha nhân được rồi. Những phương diện sùng kính của tôn giáo là quan trọng. Nhưng chỉ một điều đó thôi thì không thể phát triển được tâm để có được sự hiểu biết đúng đắn hay trí tuệ. Trước khi Đức Phật nhập Niết-bàn, rất nhiều người đã tụ tập mang theo hương hoa để cúng dường và tỏ lòng tôn kính Ngài. Đức Phật yêu cầu họ lui ra. Ngài nói nếu họ thực sự muốn tôn kính Ngài, thay vì cúng dường hương hoa và sùng bái như vậy, họ nên thực hành ít nhất một trong những lời khuyên của Ngài. Có như thế mới chứng tỏ là họ thực lòng tôn kính Ngài.

 

Bây giờ bạn đã hiểu những gì Đức Phật muốn những người theo Ngài phải làm rồi chứ. Một lối sống tôn giáo không chỉ có cầu nguyện mà phải làm theo những lời khuyên của Ngài. Thời Đức Phật có một vị sư tên Vakkali. Hàng ngày vị này thường đến và ngồi trước mặt Đức Phật để chiêm ngưỡng Ngài. Một hôm, Đức Phật hỏi: “Này, Vakkali, ông đang làm gì ở đây thế?”. Ông nói: “Bạch Đức Thế Tôn, khi con ngắm nhìn sắc thân Ngài, lòng con thật vô cùng hạnh phúc.” Khi ấy Đức Phật nói: “Này Vakkali, ông được gì khi nhìn vào sắc thân ô trượcbất tịnh và vô thường này của Như Lai? Ông chỉ thoả mãn những cảm xúc của ông. Ông sẽ chẳng có được trí tuệ ngoại trừ việc thoả mãn những cảm xúc của ông mà thôi. Làm sao ông có thể thấy được Đức Phật thực sự qua sắc thân vật lýĐức Phật không phải là thân tướng này đâu.” Rồi Ngài nói: “Chỉ ai hiểu Pháp (Dhamma) Như Lai giảng mới thấy được Đức Phật thực.” Đức Phật thực sẽ xuất hiện trong tâm khi chúng ta hiểu rõ những gì Ngài dạy. Từ đây chúng ta có thể hiểu Đức Phật đặc biệt không phải qua sắc thân vật lý.

 

Khi nghiên cứu lịch sử Ấn Độchúng ta thấy sau khi Đức Phật nhập diệt, cả gần năm trăm năm sau vẫn không có một hình tượng Đức Phật nào bởi vì Đức Phật không khuyến khích bất kỳ ai xây dựng hình tượng của Ngài. Có thể nói chính những người Hy Lạp đã sáng tạo ra hình tượng Đức Phật và những biểu tượng tôn giáo khác. Tất nhiên ngày nay rất nhiều hình thức khác nhau của hình tượng Phật đã lan tràn khắp nơi trên thế giới. Điều này đã khiến những tín đồ của một số tôn giáo khác chỉ trích chúng ta là những người sùng bái ngẫu tượng. Thực sự ra họ không biết những gì người Phật tử đang làm.

 

Vài trăm năm sau Đức Phật nhập diệt, có một vị sư danh tiếng tên là Upagutha (Ưu-ba-cúc-đa). Ngài là một vị pháp sư rất nổi tiếng. Khi Ngài đăng dàn thuyết pháp, cả ngàn người hội tụ lắng nghe. Ác ma (Mara) cảm thấy rất khó chịu vì càng ngày người ta càng trở nên sùng đạo. Ác ma ở đây không phải là những chúng sinh mà là những chướng ngại và những triền cái ngăn không cho người ta sống đời sống thánh thiệnMa vương khi đó hiện thân làm Ác ma và bắt đầu thực hiện những trò tiêu khiển rất hấp dẫn như nhảy múa, ca hát và chơi đùa ăn uống trước cửa chùa. Một số tín đồ lần hồi xoay qua xem Ma vương biểu diễn. Và cuối cùng chẳng còn người nào đến nghe pháp nữa. Upagutha quyết định dạy cho Ma vương một bài học thích đáng. Ngài nhập cùng mọi người đi xem buổi biểu diễn.

 

Khi màn trình diễn chấm dứt, Upagutha nói Ngài rất thích màn trình diễn đó và “để tỏ lòng biết ơn màn trình diễn của ông, tôi xin được choàng lên cổ ông một vòng hoa.” Ma vương cảm thấy rất hãnh diện. Khi Upagutha choàng vòng hoa lên thì Ma vương cảm thấy vòng hoa ấy siết chặt quanh cổ ông giống như một con trăn vậy. Ông cố sức kéo vòng hoa ra nhưng không được. Ông liền đi gặp Sakka – vua Trời Đế Thích – để nhờ Ngài giúp kéo vòng hoa ra. Vua Trời Đế Thích cũng cố hết sức nhưng không thể kéo ra được. Ma vương bèn đi gặp Phạm Thiên (Brahma), vị được xem như đấng sáng tạo vào thời đó, để nhờ Ngài tháo vòng hoa ra giùm. Phạm Thiên cũng cố gắng kéo nhưng không làm cách nào mà kéo ra được. Lúc đó Brahma nói với Ma vương rằng, chỉ người nào choàng nó vào mới có thể tháo nó ra. Vì thế Ma vương đành phải quay về với Tôn giả Upagutha để xin Ngài tháo ra giùm, nếu không ông sẽ chết.

 

Tôn giả Upagutha nói: “Tháo ra thì không khó, nhưng tôi chỉ có thể làm điều đó với hai điều kiện. Thứ nhất, ông phải hứa sẽ không quấy phá những hoạt động tôn giáo của chúng tôi trong tương lai.” Ma vương đồng ý“Thứ hai, ông đã được nhìn thấy Đức Phật vì ông đã từng quấy phá Ngài. Hơn nữa, ông còn sống sau Đức Phật cả mấy trăm năm. Ông có năng lực thần thông có thể hoá hiện ra thân tướng của Ngài.” Ma vương nói: “Đúng vậy, tôi có thể làm điều đó nếu Ngài hứa sẽ không đảnh lễ tôi khi tôi xuất hiện dưới hình tướng Đức Phật vì tôi không phải là một bậc Thánh.” Tôn giả Upagutha nói: “Tôi sẽ không đảnh lễ ông đâu.” Tuy nhiên, khi Ma vương hiện thân như một vị Phật, tôn giả Upagutha đã đảnh lễ hình tướng đó. Ma vương liền la lên: “Ngài đã hứa sẽ không đảnh lễ cơ mà!” Tôn giả Upagutha nói: “Tôi đâu có đảnh lễ Ma vương, tôi đảnh lễ Đức Phật đấy chứ.” Có thể xem đây là một ví dụ rất hay cho chúng ta để giúp những người khác hiểu biết ý nghĩa của việc thờ phụng hay đảnh lễ hình tượng của Đức Phật. Khi bạn trân trọnggiữ gìn và đảnh lễ một bức tượng Phật, bạn cũng có thể lấy hình ảnh ấy như một đề mục thiền. Đó không phải là sự sùng bái ngẫu tượng. Bạn mời Đức Phật vào tâm bạn qua biểu tượng này, một biểu tượng của niềm tin kính.

 

Hình tượng Đức Phật có sức lôi cuốn tâm con người như thế nào có thể hiểu được qua những sự kiện sau. Trong thế chiến thứ hai ở Miến Điện, vị tổng tư lệnh quân đội lúc ấy nhặt được một bức tượng Phật nhỏ rất đẹp. Hình ảnh Đức Phật vô cùng hấp dẫn đối với tâm ông. Ông gởi bức tượng này đến Ngài Winston Churchill – thủ tướng nước Anh thời bấy giờ – với một lời ghi chú: “Xin Ngài hãy để bức tượng này trên bàn làm việc của Ngài. Bất cứ khi nào Ngài có điều gì lo lắng hay phiền muộn, cứ nhìn vào khuôn mặt của bức tượng này. Tôi tin rằng Ngài sẽ có cơ hội trấn tĩnh lại tâm.”

 

Ông Nehru, thủ tướng Ấn Độ trước đây đã bị chính phủ Anh bắt. Khi bị giam trong tù, ông có một bức tượng Phật nhỏ trong túi áo. Ông luôn lấy bức tượng ấy ra đặt trên bàn rồi nhìn vào đó và suy nghĩ“Có biết bao là phiền muộnrắc rối và khó khăn trên cuộc đời này. Dẫu vậy, Đức Phật vẫn có thể giữ được một khuôn mặt tươi vui. Tại sao ta lại không noi theo con người vĩ đại này?” Anatole France, một học giả người Pháp, đến thăm viện bảo tàng Luân Đôn và ở đây, lần đầu tiên trong đời ông nhìn thấy một bức tượng Phật. Sau khi nhìn bức tượng xong, ông nói: “Nếu có Thượng Đế từ trên trời giáng xuống trần gian này thì Ngài cũng không hơn gì hình ảnh này.” Tuy nhiên một bức tượng không phải là điều thiết yếu. Nhiều người vẫn có thể thực hành theo lời dạy của Đức Phật mà không cần phải có một bức tượng nào. Không ai bắt buộc bạn phải có một bức tượng PhậtChúng ta không sùng báichúng ta không cầu xinchúng ta không đòi hỏi bất cứ điều gì từ nơi hình tượng của Đức Phật, mà chúng ta chỉ tỏ lòng tôn kínhchúng ta kính trọng hình ảnh của một con người thánh thiện vĩ đại đã tìm ra con đường giải thoát cho thế gian.

 

Một người Phật tử nọ đã thờ một bức tượng Phật trong nhà suốt 45 năm. Một hôm có mấy nhà truyền giáo Cơ đốc đến và bảo rằng ông đã sùng bái quỷ Sa tăng. Ông không biết trả lời như thế nào với họ. Đây là điều đáng ngạc nhiên bởi vì suốt 45 năm thờ Phật trong nhà mà ông vẫn không biết phải nói gì khi người ta kết tội việc ấy. Có thể nói đây là một điểm yếu của một số Phật tử chúng ta. Họ chỉ biết theo truyền thống – lễ báicầu nguyệncúng dườngtụng kinh chứ họ không cố gắng hiểu những lời dạy của Đức Phật. Bây giờ bạn có thể hiểu là có hay không có tượng Phật bạn vẫn hành theo lời dạy của Đức Phật được, bởi vì sắc tướng không phải là Đức Phật. Theo truyền thống Phật Giáo Đại Thừa (Mahāyāna) Đức Phật có ba thân hay kāya – đó là Báo thân (sambhogakayā), Hoá thân hay Ứng thân (nirmanakayā) và Pháp thân (dhammakayā). Ngài sử dụng Báo thân và Hoá thân để ăn uống, ngủ nghỉ, nói năng, thuyết pháp.

 

Nói cách khác mọi hoạt động thường ngày được Ngài làm với thân vật lý. Nhưng Pháp thân của Đức Phật thì không bao giờ diệt mất. Theo Phái Phật Giáo Đại ThừaĐức Phật A-d-iđà (Amitabba) hiện đang sống ở cõi cực lạc hay tịnh độ (sukhavati). Những ai cung kính niệm danh hiệu Ngài và những ai thờ phụng Ngài sẽ được siêu sinh tịnh độ và sau đó còn có cơ hội để đạt đến Niết-bàn. Theo cách nghĩ và niềm tin của họ thì khái niệm (siêu sinh tịnh độ) này sẽ cho người ta thật nhiều hy vọng và sự tin tưởng rằng Đức Phật vẫn còn đang sống và sẽ sống cho đến khi mọi hữu tình chúng sinh đạt đến sự giải thoát cuối cùng.

 

Chúng ta biết Đức Phật đã từng nói là: “Dù Đức Phật có xuất hiện hay không xuất hiện thì Pháp vẫn mãi mãi hiện hữu trong thế gian này”. Khi một vị Phật xuất hiện Ngài thấy rõ rằng con người đã quên mất Pháp chơn thực. “Pháp mà ta liễu tri không phải là pháp mới do ta tạo ra”, Ngài nói như vậy. Pháp này luôn luôn hiện hữu nhưng người ta đã giải thích sai, đã tạo ra những khái niệm mê lầm theo tư kiến của họ và làm ô nhiễm hoàn toàn sự thanh tịnh của Pháp. Điều đó ngay cả ngày nay, 2500 năm sau khi Đức Phật phát hiện ra sự thực là Pháp, cũng vẫn xảy ra. Người ta đang làm những điều sai trái ở nhiều quốc gia nhân danh Đức Phật. Thực sự là họ không phải theo lời khuyên dạy của Ngài. Mà họ chỉ muốn truyền bá những pháp hành theo văn hoá truyền thống của họ pha trộn với Đạo Phật và giới thiệu đó như là Đạo Phật. Là những người Phật tửchúng ta phải cố gắng học hỏi những gì Đức Phật dạy để tầm cầu sự giải thoát cho chúng ta.

 

Người ta thích hỏi Đức Phật ở đâu. Nếu như người ta thực sự muốn thực hành Đạo Phật thì không cần thiết cho họ phải biết Đức Phật hiện ở đâu, hay Ngài đã đi đâu. Lấy trường hợp chúng ta có điện do một người nào đó khám phá ra. Liệu có cần thiết cho chúng ta để phải biết người đã khám phá ra điện, ông ta ở đâu, từ xứ sở nào đến và tên ông ta là gì không? Bổn phận của chúng ta là làm sao sử dụng điện cho đúng vậy thôi. Lại nữa, những người khám phá ra các nguyên tử và năng lượng nguyên tử có thể dùng năng lượng ấy vào những mục đích xây dựng hoặc huỷ diệt.

 

Vì thế bổn phận của chúng ta là sử dụng năng lượng này theo cách đúng đắn nhất. Không nhất thiết phải biết đích xác ai là người đã khám phá ra năng lượng nguyên tử này. Hoặc người ta đã khám và chế tạo ra máy tính và vô tuyến truyền hình nhưng chúng ta cũng không cần phải biết tên tuổi và lý lịch của họ làm gì, phận sự của chúng ta là dùng những thứ ấy. Theo cách tương tự như thế, đừng hỏi Đức Phật ở đâu, hay Ngài đã đi đâu. Nếu Pháp, những gì Ngài dạy, là chân thực, có thể áp dụng được và đem lại hiệu quả tại sao lại cần phải biết Đức Phật ở đâu. Đức Phật không bao giờ nói rằng Ngài sẽ đưa chúng ta lên thiên đàng hay xuống địa ngụcĐức Phật có thể bảo bạn điều gì nên làm và điều gì nên tránh để có được sự giải thoát. Đó là điều duy nhất Đức Phật có thể làm. Ngài không thể làm bất cứ điều gì khác cho bạn ngoài việc chỉ đường. Bổn phận của bạn là thực hành những gì Đức Phật dạy.

 

Các tôn giáo khác nói rằng Thượng đế của họ có thể rửa sạch mọi tội lỗi mà con người đã làm. Đức Phật không bao giờ nói rằng tội do một người làm, và có thể được rửa sạch bởi một người khác. Thực sự cả Đức Phật lẫn Thượng Đế đều không thể làm được điều đó. Khi một người sắp chết và nói rằng ông ta tin vào Thượng Đế, suy cho cùng những điều tội lỗi ông đã phạm ấy thử hỏi Thượng Đế có thể làm cho hết đi được không? Chẳng hạn bạn là người rất nóng tính và bạn biết điều đó là sai nhưng bạn lại không biết làm cách nào để loại trừ tính xấu ấy. Vì thế bạn đi đến Thượng Đế để cầu nguyện và xin Ngài làm ơn lấy thói xấu ấy ra khỏi tâm cho bạn, bạn nghĩ có vị Thượng Đế nào làm được điều đó không? Bạn có thể đi đến Đức Phật và cầu xin Ngài. Nhưng Đức Phật cũng không thể lấy cái xấu đó ra khỏi tâm bạn. Đức Phật chỉ có thể bảo cho bạn biết cách làm thế nào để loại trừ sân hận ấy với nỗ lực của bạn mà thôi.

 

Không ai có thể giúp bạn ngoại trừ bản thân bạn qua sự hiểu biết. Chính bạn là người phải nhận ra“Sân hận này thật nguy hiểm, nó có thể tạo ra nhiều điều phiền muộnrắc rối và khó khăn, làm hại bản thân ta và người khác. Ta phải cố gắng giảm sân hận này bằng cách dùng nghị lực của ta và sự quyết tâm mạnh mẽ sáng tạo của ta để nhổ bật sân hận ra khỏi tâm”.

 

Như vậy, dù cho là Đức Phật hay Thượng Đế thì cũng không thể rửa sạch những tội lỗi do chúng ta tạo ra mà chỉ có một mình chúng ta làm được điều đó. Đức Phật có đưa ra một lời khuyên, nếu một người phạm phải một ác nghiệp (kamma) họ không thể loại trừ được quả báo bằng cách cầu nguyện Thượng Đế hay Đức PhậtTuy nhiên khi họ biết mình đã phạm ác nghiệp, họ phải dừng lại không tạo ác nghiệp thêm nữa. Họ phải quyết tâm mạnh mẽ tạo thật nhiều thiện nghiệp hay những việc phước đức. Khi họ tạo được nhiều thiện nghiệp như vậy, quả của ác nghiệp họ đã làm trước đây có thể nhờ thiện nghiệp này mà bị triệt tiêu hay giảm nhẹ.

 

Lấy trường hợp của Angulimala, tướng cướp sát nhân đã giết gần một ngàn người, làm ví dụ. Khi Đức Phật biết được điều ấy Ngài đã đi đến để gặp ông. Thấy Đức Phật, Angulimala muốn giết Ngài vì ông đã hoàn tất 999 vụ sát nhân rồi. Lời thề của ông là sẽ giết cho đủ số một ngàn, vì thế ông rất sung sướng khi nhìn thấy Đức Phật và cố sức để bắt kịp Ngài. Đôi lúc Đức Phật cũng thực hiện một chút thần thông. Biết là khó điều phục con người này bằng cách thuyết phápĐức Phật đã đi theo cách bình thường về để cho Angulimala đuổi theo. Mặc dù ông chạy gần cả bốn dặm đường, ông cũng không thể nào đến gần Đức Phật.

 

Lúc đó ông mới yêu cầu Đức Phật dừng lại và Đức Phật biết đã tới lúc cho Ngài nói chuyện với ông ta. Đức Phật nói: “Như Lai dừng, chỉ có ông là người đang chạy.” Angulimala nói: “Sao Ngài nói Ngài đã dừng, tôi thấy Ngài đang đi cơ mà.” Đức Phật trả lời“Như Lai đã dừng tức là Như Lai đã dừng lại việc sát hại các chúng sinh khác. Ông là người đang chạy nghĩa là ông vẫn còn đang phạm vào ác nghiệp. Nếu ông ngừng chạy ông có thể bắt kịp Như Lai”. Nghe thế Angulimala hỏi: “Tôi thực sự không hiểu được những gì Ngài nói”. Đức Phật bảo “Như Lai đã chấm dứt sát sinh còn ông lại đang làm điều đó, đấy là ý nghĩa của chạy. Ông đang chạy trong vòng luân hồi (saṃsāra)”. Lúc này Angulimala mới biết rằng ông đã sai và quyết định theo Đức Phật để trở thành một nhà sư và bắt đầu hành thiền. Sau đó ông đạt đến Alahán thánh quả và thọ hưởng an lạc của Niết-bàn. Nghiệp xấu không có cơ hội đến để bắt kịp ông. Ông tiếp tục tu tập thiện nghiệp và ác nghiệp không có cơ hội nào để cho quả. Đó là những gì Đức Phật đã nói. Đức Phật dạy phương pháp này để vượt qua quả của ác nghiệp, không phải bằng cầu xin mà bằng cách tích cực làm thật nhiều điều thiện.

 

Trở lại vấn đề Đức Phật ở đâu? Nếu tôi nói rằng Đức Phật đang sống ở một nơi nào đó trong vũ trụ với thân tướng vật lý này thì điều đó trái với những lời dạy của Đức Phật. Ngược lại, nếu tôi nói rằng Đức Phật không sống ở đâu trong vũ trụ với thân tướng vật lý này thì nhiều người sẽ không vui vì điều đó không thoả mãn được nỗi khát khao hiện hữu của họ. Bởi thế họ nói Niết-bàn là hư vô. Thật sự Niết-bàn không phải hư vô; nó là sự chấm dứt của khổ, cả khổ thân lẫn khổ tâm, và cảm nghiệm sự an lạc của Niết-bàn hay giải thoát. Mặt khác cũng có một số người thực sự cần đến hình tướng của Đức Phật để ổn định tâm trí của họ, giảm bớt những căng thẳngsợ hãi và lo lắng của họ.

 

Tuy nhiên, sẽ không đúng cho chúng ta khi nói Đức Phật đang còn sống hay không còn sống. Nếu giáo lý hay lời dạy của Đức Phật có thể áp dụng được đối với chúng ta để kinh nghiệm sự an lạc, và cảm thấy mãn nguyện trong cuộc sống của mình thì điều đó thôi cũng đã quá đủ rồi. Chúng ta hãy giả sử một vị bác sĩ nọ đã khám phá ra một phương thuốc rất hiệu nghiệm. Nếu có thuốc, và thuốc ấy có thể chữa khỏi bệnh, liệu chúng ta có cần phải biết vị bác sĩ này ở đâu và ông ta hiện còn sống hay không còn sống không? Điều quan trọng là hãy uống thuốc để loại trừ bệnh. Cũng vậy, những lời dạy của Đức Phật thôi là quá đủ để chúng ta loại trừ những khổ đau của chúng ta rồi.

 

Đức Phật cho phép chúng ta tự do suy xét để hiểu xem tại sao một điều gì đó là đúng hay là sai. Chúng ta có thể dùng lý trí và sự suy luận của chúng ta để hiểu một số điều hiện hữu trong thế gian. Mặt khác Đức Phật cũng xác nhận không có gì trong vũ trụ này hiện hữu mà không thay đổi, không biến hoại, và không diệt vong, bởi vì tất cả những pháp ấy chỉ là sự kết hợp của những yếu tố, của các năng lực – tâm lực và nghiệp lực.

 

Do đó, không thể có vấn đề các pháp tồn tại mãi mãi mà không thay đổi được. Nếu bạn có thể hiểu điều này thời những lời dạy của Đức Phật sẽ giúp bạn tìm ra cách làm thế nào để đương đầu với những vấn đề của bạn và những khó khăn của bạn, để vượt qua những bất toại nguyện của chúng ta. Bằng không chúng ta sẽ phải đương đầu với khổ đau cả về thể xác lẫn tinh thần, sẽ phải đối diện với những bất toại nguyện và thất vọng não nề.

 

Chúng ta phải hành động một cách trí tuệ để loại trừ những vấn đề của chúng ta. Thật khó mà có thể đoạn trừ khổ đau đơn giản bằng cách cầu nguyệnsùng bái một đấng nào được, chỉ có qua sự hiểu biết về bản chất của những vẫn đề và khó khăn của chúng, qua sự hiểu biết về nguyên nhân của những vấn đề và khó khăn ấy, chúng ta mới có thể loại trừ được chúng vậy.

 

Tóm lại, đối với những người hỏi Đức Phật đã đi về đâu? Nếu nói Ngài đã đi về cõi Niết-bàn thì họ nghĩ Niết-bàn là một nơi. Thực sự Niết-bàn không phải là một nơi, Niết-bàn là một trạng thái tâm cho chúng ta thành tựu và cảm nghiệm sự giải thoát cuối cùng của chúng ta mà thôi. Chúng ta không thể nói Đức Phật đã đi về nơi đâu hoặc Đức Phật còn tồn tại nhưng Ngài đang thụ hưởng hạnh phúc của Niết-bàn – mục tiêu cuối cùng trong cuộc đời. Vì thế câu trả lời tốt nhất cho câu hỏi “Đức Phật ở đâu?” là Đức Phật ở trong tâm đã chứng ngộ sự thực tối hậu hay chân lý của bạn.

 

____________________

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app