4. NGŨ GIỚI
VẤN: Các tôn giáo khác có những điều răn cấm do vị thần linh hay chư vị thần linh của họ ban hành, để nhận định điều phải lẽ trái. Quý vị, những người Phật tử, không tin nơi thần linh, như vậy làm sao quý vị có thể phân biệt điều nào là phải và điều nào là trái?
ĐÁP: Bất luận tư tưởng, lời nói hay hành động nào bắt nguồn từ tham, sân, si, và dẫn dắt ta xa dần Niết bàn, đều là sai quấy. Và bất luận tư tưởng, lời nói hay hành động nào bắt nguồn từ tâm quảng đại bố thí, từ bi và trí tuệ, và giúp ta mạnh tiến trên con đường hướng về Niết bàn, đều là tốt lành.
Trong các tôn giáo lấy thần linh làm trụ cốt, điều trọng yếu là cố gắng làm những điều ta được dạy bảo phải làm theo. Nhưng trong tôn giáo lấy con người làm trung tâm điểm như Phật giáo, ta phải khai triển tình trạng tự nhận thức và tự hiểu biết sâu xa về chính mình. Tâm trạng luân lý đạo đức căn cứ trên hiểu biết lúc nào cũng dũng mãnh hơn là sự tuân hành theo một mệnh lệnh.
Như vậy, hiểu biết điều chánh lẽ tà, điều nào là đúng và điều nào là sai quấy, người Phật tử nhìn vào ba khía cạnh: ý định, hậu quả mà hành động sẽ tạo nên cho mình, và hậu quả mà hành động sẽ tạo nên cho người khác. Nếu ý định là tốt (tức bắt nguồn từ lòng quảng đại bố thí, tâm từ bi, và trí tuệ), nếu khi thực hành ý định, hành động ấy sẽ tạo lợi ích cho mình (tức giúp mình ngày càng tăng trưởng lòng quảng đại bố thí, tâm từ bi, và trí tuệ), và tạo lợi ích cho kẻ khác (tức giúp họ tăng trưởng lòng quảng đại bố thí, tâm từ bi, và trí tuệ), nếu như thế, hành động của ta là thiện, trong sạch, tốt và đạo đức.
Lẽ dĩ nhiên, có rất nhiều mức độ tốt hay xấu. Đôi khi ta làm việc gì với ý định tốt vô cùng, nhưng có thể việc làm ấy không mang lại hậu quả tốt đẹp cho ta hay cho người khác. Đôi khi ta làm với ý định không mấy tốt, nhưng rồi hành động ấy lại giúp ích cho người khác. Đôi khi ta hành động với ý định không tốt và hành động ấy tạo lợi ích cho ta, nhưng có thể gây tai hại cho người khác. Trong những trường hợp tương tự, hành động của ta lẫn lộn tốt và không mấy tốt. Khi ý định là xấu, không tạo lợi ích cho ta hay cho người khác, thì đó là bất thiện. Khi làm điều gì với ý định tốt và hành động ấy nếu được thực hiện sẽ tạo lợi ích cho ta và cho người khác, thì hành động ấy hoàn toàn là thiện.
VẤN: Như vậy, Phật giáo có một hệ thống luân lý?
ĐÁP: Đúng. Đúng vậy. Ngũ giới là nền tảng của luân lý Phật giáo. Trong năm giới, giới đầu tiên là tránh sát sinh, hay làm tổn hại chúng sinh. Giới thứ nhì là tránh không trộm cắp, thứ ba là tránh tà dâm, thứ tư là tránh vọng ngữ và thứ năm là tránh dùng rượu và các chất say.
VẤN: Nhưng sát sinh đôi khi là tốt. Thí dụ như giết những loại côn trùng như ruồi, muỗi, vì chúng có thể truyền bệnh lan tràn, hay giết một người muốn sát hại mình?
ĐÁP: Nó có thể tốt cho ta. Nhưng còn những sinh vật hay người kia thì sao? Họ cũng muốn sống như ta. Khi ta quyết định xịt thuốc để giết côn trùng, ý định của ta có lẽ bao gồm lẫn lộn những tư tưởng lo lắng cho mình (tốt, vì nó trừ nguyên nhân tạo phiền toái cho mình) và muốn trừ hậu hoạn (xấu, vì phải sát sinh). Hành động này sẽ có lợi cho ta (tốt) nhưng rõ ràng sẽ không có lợi cho chúng sinh khác (xấu). Như vậy, đôi khi có thể cần phải sát sinh, nhưng không bao giờ hoàn toàn là tốt.
VẤN: Quý vị, những người Phật tử, quá lo lắng cho các loài kiến và sâu bọ?
ĐÁP: Người Phật tử cố gắng trau giồi lòng từ bi vô lượng, bao trùm tất cả mà không có sự phân biệt nào. Họ nhìn thế gian như một toàn thể hợp nhất, trong đó mỗi vật, mỗi sinh vật đều có chỗ đứng và có bổn phận hay chức năng của nó. Họ tin rằng ta phải hết sức thận trọng trước khi tiêu diệt hay làm xáo trộn thế quân bình tế nhị của thiên nhiên. Hãy thử nhìn những nền văn hóa chỉ chú trọng đến việc khai thác thiên nhiên, khai thác đến mức tận cùng, vắt ép đến giọt cuối cùng, mà không trả lại gì, chỉ xâm lăng và chinh phục. Thiên nhiên đã nổi loạn. Chính cái không khí mà ta đang thở bị đầu độc, sông ngòi bị ô nhiễm, nhiều loại thú bị tuyệt giống, núi đồi trọc lóc trơ trọi và bị soi mòn. Cho đến khí hậu cũng đổi thay. Nếu con người giảm nóng nảy tham lam, tiêu diệt và sát hại, tình trạng khủng khiếp này có thể đã không xảy ra. Tất cả chúng ta nên tận lực trau giồi lòng tôn kính sinh mạng. Và đó là giới thứ nhất.
VẤN: Giới thứ ba nói chúng ta nên tránh việc tà dâm. Vậy, tà dâm là gì?
ĐÁP: Nếu chúng ta dùng thủ đoạn lừa gạt, đe dọa, hay ép buộc người khác để có quan hệ tình dục với mình, hành vi ấy gọi là tà dâm. Ngoại tình cũng là một hình thức tà dâm, vì khi chúng ta kết hôn, ta có hứa sẽ chung thủy với người phối ngẫu. Khi ta ngoại tình thì ta đã phá bỏ lời cam kết, cũng như phản bội lại lòng tin của người kia. Tình dục nên được xem như là một biểu lộ của tình yêu và quan hệ mật thiết giữa hai người, và nếu được như thế, nó sẽ góp phần duy trì tinh thần và tình cảm trong đời sống lứa đôi.
VẤN: Quan hệ tình dục trước hôn nhân có phải là tà dâm không?
ĐÁP: Không hẳn như thế, nếu cả hai người đều đồng ý và yêu thương nhau. Tuy nhiên, không nên quên rằng chức năng sinh học của tình dục là để tạo sinh sản, và nếu một phụ nữ chưa lập gia đình mà lại mang thai thì có thể sẽ tạo ra nhiều vấn đề rắc rối. Nhiều người biết suy nghĩ và chững chạc cho rằng tốt hơn hết, nên hoãn việc ấy cho đến sau khi làm lễ cưới.
VẤN: Còn giới nói dối thì sao? Có thể nào sống mà không nói dối?
ĐÁP: Nếu thật sự không thể tránh nói dối, trong xã hội hay trong công cuộc làm ăn sinh sống, thì nên thay đổi tình trạng phiền phức và hư hỏng kia. Phật tử là người quyết tâm làm việc gì thực dụng nhằm giải quyết vấn đề bằng cách cố gắng thành thật và ngay thẳng hơn.
VẤN: Rồi còn vấn đề uống rượu thì sao? Uống một ít rượu chắc không hại gì?
ĐÁP: Thông thường người ta không uống rượu để thưởng thức mùi vị. Khi ngồi uống một mình, thì đó là để làm dịu bớt tinh thần căng thẳng. Uống rượu chung với đông người, là để làm như mọi người khác. Dùng chút ít, rượu cũng làm hư hoại tâm trí và trở ngại sự hay biết chính mình. Dùng nhiều, ảnh hưởng của nó có thể gây tai hại nặng nề.
VẤN: Nhưng uống một chút rượu không phải thật sự là phạm giới, phải không? Đó chỉ là một chuyện nhỏ?
ĐÁP: Đúng, chỉ là một chuyện nhỏ. Nếu ta không thể thực hành một chuyện nhỏ nhen như vậy thì ý chí của ta quả thật là không dũng mãnh, có phải vậy không?
VẤN: Năm giới là tiêu cực, dạy ta những gì không nên làm, mà không dạy những gì nên làm?
ĐÁP: Năm giới là nền tảng luân lý của Phật giáo, không phải là toàn thể giáo lý. Ta bắt đầu nhận ra những gì xấu và cố gắng ngưng nó lại. Đó là tác dụng của năm giới. Sau khi ngưng làm điều xấu xa tội lỗi, ta bắt đầu làm điều tốt.
Như giới vọng ngữ chẳng hạn. Đức Phật dạy ta ngưng nói dối. Sau đó ta phải nói chân thật, nói dịu hiền và lễ độ và nói đúng lúc. Ngài dạy:
“Từ bỏ lời nói dối, người ấy trở nên chân thật, đáng tín nhiệm, ngay thẳng, chắc chắn, không lừa phỉnh thế gian. Từ bỏ lời nói đâm thọc, người ấy không đem chuyện đầu này lặp lại đầu kia, cũng không đem chuyện đầu kia lặp lại đầu này, nhằm gây chia rẽ. Người ấy hòa giải những người bất đồng ý kiến và giúp những người bạn thân ngày càng thân thiết hơn. Đem lại tình trạng hài hòa, là niềm hoan hỷ, thích thú, là tình thương, là động cơ thúc đẩy, đưa đến lời nói của người ấy. Từ bỏ lời thô lỗ cộc cằn, người ấy ăn nói thanh tao nhã nhặn, không đáng bị khiển trách, dịu ngọt êm tai, dễ mến, đi thẳng vào tâm, lịch sự, được cảm tình nồng hậu của nhiều người. Từ bỏ thói ngồi lê đôi mách, nói lời nhảm nhí vô ích, người ấy nói đúng lúc, nói lời chân chính, có lợi ích, nói về Giáo Pháp và Giới Luật. Người ấy nói những lời quý báu, đáng được kính cẩn tàng trữ như một bảo vật, hợp thời, hợp lý, chính xác rõ ràng và đúng chỗ” (Trung bộ).
VẤN: Có người cho rằng ta chỉ có cách nương tựa nơi quyền lực của một hay nhiều vị thần linh mới có thể tốt?
ĐÁP: Điều này hiển nhiên là sai sự thật. Có hằng triệu tư tưởng gia tự do và Phật tử không nương tực vào uy lực thần linh mà tác phong đạo đức vẫn cao quý và tốt đẹp, không phải từng cơn từng lúc mà đều đặn bền bĩ, cũng như những người tin tưởng nơi một thần linh tối thượng.
Với kiên trì cố gắng, ta có thể làm trong sạch tác phong của mình. Nếu không thể thanh lọc hoàn toàn tác phong của mình, chắc chắn ta cũng có thể cố gắng để nó trở nên tốt hơn.
*