12. TRỞ THÀNH PHẬT TỬ

VẤN: Đến đây, những lời Sư nói làm cho tôi rất thích thú. Làm thế nào tôi có thể trở thành một Phật tử?

ĐÁP: Vào thời Đức Phật còn tại thế, có một người tên là Upāli. Ông ấy là tín đồ của một tôn giáo nọ, đến gặp Đức Phật để tranh luận và cố gắng thuyết phục Ngài. Nhưng sau khi đàm thoại, ông ấy rất cảm kích và quyết định xin làm tín đồ Phật giáo. Nhưng Đức Phật bảo ông:

Trước tiên hãy suy xét tận tường. Một người nổi tiếng như Ông cần nên tìm hiểu kỹ lưỡng”.

Ông Upāli đáp:

Giờ đây, tôi càng thỏa thích hơn và mãn nguyện khi Ngài bảo tôi: ‘Trước tiên hãy tìm hiểu kỹ lưỡng’. Bởi vì nếu những người ở một tôn giáo khác được tôi xin làm đệ tử thì họ sẽ diễn hành khắp phố phường với biểu ngữ, ‘Upāli đã theo về tôn giáo chúng ta’. Nhưng Đức Tôn Sư nói với tôi: ‘Trước tiên hãy suy xét tận tường. Một người nổi tiếng như Ông cần nên tìm hiểu kỹ lưỡng’!”.

Trong Phật giáo, hiểu biết chân chánh là quan trọng, và hiểu biết chân chánh cần phải dành nhiều thì giờ. Vậy, không nên vội vã hấp tấp. Hãy đợi chờ, nêu lên những vấn đề thắc mắc, thận trọng suy xét, và chừng đó sẽ quyết định. Đức Phật không quan tâm nhiều đến việc có đông tín đồ. Ngài chú trọng hơn đến việc người ta thực hành đúng theo lời dạy, sau khi thận trọng khảo sát và suy xét tận tường.

VẤN: Nếu tôi làm y như vậy, và thấy giáo huấn của Đức Phật là thích hợp, tôi phải làm sao nếu muốn trở thành Phật tử?

ĐÁP: Tốt hơn hết là nên tham gia sinh hoạt trong một ngôi chùa hay một nhóm Phật tử tốt, hỗ trợ họ và được họ hỗ trợ, và tiếp tục học hỏi Phật Pháp, tức những lời dạy của Đức Phật. Đến lúc đó, được chuẩn bị đầy đủ, bạn sẽ chánh thức trở thành Phật tử bằng cách quy y Tam Bảo.

VẤN: Quy y Tam Bảo là thế nào?

ĐÁP: Quy y là trở về nương tựa. Chỗ nương tựa là nơi chốn mà người ta vào ẩn náu trong cơn sầu muộn hoặc khi cần được an toàn.

Có nhiều loại nương tựa. Khi con người cảm thấy bất hạnh, họ tìm bạn bè; khi lo âu kinh sợ hãi hùng, họ có thể tìm nương tựa trong những niềm hy vọng ảo huyền, những niềm tin vô căn cứ. Khi lâm chung, họ có thể tìm nương tựa trong sự tin tưởng vào một cảnh trời vĩnh cữu. Nhưng Đức Phật dạy, không chỗ nào trong những nơi ấy là chỗ nương tựa thật sự, vì không nơi nào thật sự cung ứng cho ta trạng thái thoải mái và chu toàn. Ngài nói:

Đúng vậy, những nơi ấy không phải là nơi nương tựa chu toàn, không phải là nơi nương tựa tối thượng.

Không phải là nương tựa mà từ đó
Ta có thể vượt ra khỏi mọi sầu muộn.
Nhưng về nương tựa nơi
Phật, Pháp Tăng,
Và chân chánh thấu triệt
Tứ Diệu Đế.
Khổ, nhân sinh khổ,
Vượt thoát ra khỏi đau khổ, và
Bát Chánh Đạo, dẫn thoát
Ra khỏi mọi đau khổ.
Đó quả thật là nương tựa chu toàn,
Quả thật là nương tựa tối thượng,
Đó là nương tựa mà từ đó
Ta có thể vượt thoát ra khỏi mọi sầu muộn”.

(Pháp cú, 189-192)

Trở về nương tựa nơi Phật bảo là vững lòng tin tưởng và chấp nhận là ta có thể trở nên hoàn toàn giác ngộ và tuyệt hảo trong sạch như Đức Phật. Nương tựa nơi Pháp bảo có nghĩa là hiểu biết Tứ Diệu Đế và sẵn sàng đặt trọn cuộc sống của mình trên con đường Bát Chánh Đạo. Nương tựa nơi Tăng bảo là tìm sự hỗ trợ, nguồn cảm hứng và sự hướng dẫn của những vị đang đi trên con đường Bát Chánh Đạo. Làm như thế, ta trở thành Phật tử và đặt bước chân đầu tiên trên con đường dẫn đến Niết bàn.

VẤN: Từ ngày Sư quy y Tam Bảo, có gì thay đổi trong đời Sư?

ĐÁP: Cũng như vô số triệu người khác trong suốt 2.500 năm qua, tôi nhận thức rằng trong thế gian đầy khó khăn này, giáo huấn của Đức Phật rõ ràng là rất hữu lý, nó đem lại ý nghĩa cho một đời sống vô nghĩa lý, nó cho tôi một nền luân lý nhân đạo và từ ái, bi mẫn, để hướng dẫn cuộc sống của tôi, và rọi sáng, chỉ đường dẫn lối cho tôi tiến đến trạng thái trong sạch và toàn hảo trong kiếp sống tới.

Một thi hào người Ấn vào thời xưa có viết về Đức Phật như sau: “Đến tìm nương tựa nơi Ngài, hát lên để tán dương công đức Ngài, lễ bái và ẩn náu trong Giáo Pháp là hành động với sự hiểu biết”. Tôi hoàn toàn đồng ý với những lời ấy.

VẤN: Tôi cũng hoàn toàn đồng ý như vậy. Bạch Sư, tôi có một người bạn luôn cố gắng thuyết phục tôi theo đạo anh ta. Tôi thật sự không thích đạo ấy, tôi đã nói cho anh ta biết, nhưng anh ta vẫn không để tôi yên. Tôi có thể làm gì đây?

ĐÁP: Trước tiên bạn phải hiểu rằng người ấy thật sự không phải là một người bạn hữu. Một người bạn chân thành là người phải biết chấp nhận bạn mình và tôn trọng nguyện vọng của bạn mình. Tôi cho là người này chỉ giả vờ làm bạn để có thể cải đạo bạn mà thôi. Người nào muốn áp đặt ý muốn của họ vào bạn, thì chắc chắn người ấy không phải là một thân hữu.

VẤN: Nhưng anh ta nói là muốn chia sẻ đạo của mình với tôi.

ĐÁP: Chia sẻ tín ngưỡng của mình với người khác là một điều tốt. Nhưng tôi thấy người bạn đó không nhận ra được sự khác biệt giữa việc chia sẻ và áp đặt. Nếu tôi có một trái táo, tôi tặng bạn một nửa và bạn chấp nhận, đó là tôi đã chia sẻ với bạn. Nhưng nếu bạn nói với tôi “Cám ơn, tôi đã ăn rồi”, mà tôi vẫn tiếp tục ép bạn lấy nửa trái táo đến khi bạn chịu thua trước áp lực của tôi, điều này khó có thể gọi là chia sẻ.

Những người giống như “người bạn” ấy, cố che dấu hành vi xấu bằng cách gọi đó là “chia sẻ”, “thương yêu” hay “rộng lượng”; nhưng cho dù tên gọi của nó là gì, hành vi của họ vẫn là khiếm nhã, thô lỗ, và ích kỷ.

VẤN: Làm sao tôi có thể ngăn cản anh ta?

ĐÁP: Cũng đơn giản thôi. Trước hết, bạn phải tự biết rõ là bạn muốn gì. Thứ hai là nói rõ ràng, ngắn gọn với người ấy. Cuối cùng, khi người ấy hỏi bạn những câu hỏi như: “Niềm tin của anh là về vấn đề này là gì? Tại sao anh không muốn đến cuộc họp với tôi?”, bạn phải rõ ràng, lịch sự và nhắc lại một cách kiên định câu nói đầu tiên của bạn:

– “Niềm tin của tôi là dựa theo những lời dạy của Đức Phật. Cám ơn lời mời của anh, nhưng tôi không đến thì hơn”.

– “Tại sao không?”

– “Ðó là chuyện riêng của tôi. Tôi không đến thì tốt hơn.”

– “Nhưng có nhiều người đáng quen biết ở đó mà!”

– “Tôi chắc là có, nhưng tôi không muốn đến.”

– “Tôi mời anh vì tôi quan tâm đến anh!”

– “Tôi hoan hỷ khi biết anh quan tâm đến tôi, nhưng tôi vẫn không muốn đến đó.”

Nếu bạn lập lại lời mình một cách rõ ràng, kiên nhẫn, cương quyết, và từ chối, không để anh ta lôi kéo bạn vào cuộc tranh luận, cuối cùng anh ta sẽ bỏ cuộc. Thật là phiền toái khi bạn phải làm như thế, nhưng lại rất quan trọng để người ta hiểu rằng họ không thể áp đặt lòng tin hay ý muốn của họ lên người khác.

VẤN: Người Phật tử có cố gắng chia sẻ giáo pháp với người khác không?

ĐÁP: Vâng, người Phật tử nên làm điều đó; và tôi nghĩ hầu hết các Phật tử đều hiểu sự khác biệt giữa việc chia sẻ và việc áp đặt. Nếu người ta hỏi bạn về Ðạo Phật, hãy nói cho họ biết. Thậm chí bạn có thể nói cho họ biết về các lời dạy của Đức Phật, mà không cần họ hỏi. Nhưng nếu họ có lời nói hay hành động cho thấy họ không quan tâm, không muốn nghe, thì bạn nên tôn trọng ý muốn của họ.

Ðiều quan trọng khác cần nên nhớ là bạn chia sẻ với họ về Phật Pháp một cách có hiệu quả qua các hành động của mình, hơn là chỉ thuyết giảng suông. Xiển dương Phật Pháp bằng sự quan tâm, lòng từ ái, khoan dung, chánh trực và chân thành. Hãy để Phật Pháp tỏa sáng qua lời nói và hành động của bạn.

Nếu mỗi người chúng ta, bạn và tôi, thông hiểu Phật Pháp rốt ráo, thực hành Pháp một cách toàn vẹn và chia sẻ rộng rãi với người khác, chúng ta sẽ là nguồn lợi ích to lớn cho chính mình và cho người khác.

*

 

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app