Phần III. PHÁP TRÍCH LỤC
Trong kinh có chép lời ông A-Nan nói: Ta thiệt có nghe như vầy: Có một lúc kia Phật ngự nơi tịnh xá, trong đám cây ông Kỳ Đà thái tử, trong vườn ông Cấp Cô Độc, tại thành Xá Vệ, có một người thiếu niên tên Subha, con của ông Todeyya đi đến chỗ Phật ngự, vào làm lễ và bạch rằng:
‒ Bạch Đức Thế Tôn, tại duyên cớ nào mà con người sanh ra, có kẻ chết sớm, người lại sống dai; có kẻ bịnh nhiều, người lại bịnh ít; có kẻ vô duyên, người lại hữu duyên; có kẻ thế cô, người lại quyền lớn; có kẻ bần cùng, người lại phú túc; có kẻ thấp hèn, người lại cao sang; có kẻ bất tài, người lại tri thức. Bạch Đức Thế Tôn, tại duyên cớ nào mà con người sanh ra, lại có bực sang hèn khác nhau như vậy?
‒ Người thiếu niên này! Ấy cũng bởi nhân quả mà ra, cái nhân lành mà con người đã tạo, thì con người hưởng lấy, cái nhân dữ mà con người đã gây, thì con người mang lấy. Cái nhân là mẹ sanh ra con người cao sang hay là hèn hạ vậy.
‒ Bạch Đức Thế Tôn, Ngài nói vắn tắt thế ấy tôi chưa được trọn hiểu cái lý nhân quả cao siêu; cúi xin Đức Thế Tôn giảng giải rộng thêm cho tôi được tột rõ lý nhân quả, bằng một cách dễ dàng hơn.
‒ Người thiếu niên này! Vậy ngươi ráng láng nghe Như Lai nói.
‒ Bạch Ngài, tôi hết lòng xin nghe.
Phật bèn giải rằng:
1) Người yểu tử. Đây, người thiếu niên này, kẻ nào trai hay gái, ham sự chém giết, quen thói sát sanh, không lòng nhơn từ cùng loài động vật, bởi cách hành động chẳng lành ấy, sau khi thác, do cái nhân dữ đã gieo, nên phải đọa vào địa ngục. Nhưng nếu sau khi thác, không sa địa ngục, mà tái sanh lại làm người thì phải bị yểu tử.
2) Người trường thọ. Đây, người thiếu niên này! Trái lại kẻ nào trai hay gái, không lòng chém giết, giữ giới sát sanh, tay không cầm khí giới, hằng sợ tội lỗi, có lòng nhơn từ cùng loài động vật, người đó, bởi cách hành động lành ấy, sau khi thác, do cái nhân lành đã gieo, nên được sanh trong thượng giới, nếu tái sanh lại làm người thì được trường thọ.
3) Người nhiều tật. Đây, người thiếu niên này, kẻ nào trai hay gái tánh tình hung dữ, thường đánh đập những loài động vật bằng tay hoặc bằng cây, hoặc bằng khí giới, người đó, bởi cách hành động chẳng lành ấy, sau khi thác, do cái nhân dữ đã gieo, nên phải đọa vào địa ngục, nhưng nếu sau khi thác không sa địa ngục mà tái sanh lại làm người, thì thường hay đau ốm.
4) Người thường mạnh khỏe. Đây, người thiếu niên này! Trái lại kẻ nào trai hay gái, tâm tánh hiền từ, không hay đánh đập những loài động vật bằng tay, hoặc bằng cây, hoặc bằng khí giới, người đó bởi cách hành động lành ấy, sau khi thác, do cái nhân lành đã gieo, được sanh trong thượng giới. Nhưng nếu sau khi thác, không sanh trong thượng giới, mà tái sanh lại làm người, thì thường được mạnh khỏe.
5) Người vô duyên. Đây, người thiếu niên này, kẻ nào trai hay gái, lòng hay nóng giận, bất bình, hét la, mỗi chút mỗi gắt gỏng, người đó bởi cách hành động chẳng lành ấy, sau khi thác, do cái nhân dữ đã gieo, phải đọa vào địa ngục, nhưng nếu sau khi thác, không đọa vào địa ngục, mà tái sanh lại làm người, thì thường hay buồn bực, mặt mày xấu xa.
6) Người hữu duyên. Đây, người thiếu niên này! Trái lại kẻ nào trai hay gái, không lòng nóng giận, chẳng dạ bất bình, hét la, cằn nhằn, người đó bởi cách hành động lành ấy, sau khi thác, do cái nhân lành đã gieo, được sanh trong thượng giới, nhưng nếu sau khi thác, không phi thăng thượng giới, mà tái sanh lại làm người, thì sắc mặt thường hay vui vẻ xinh đẹp.
7) Người thế cô. Đây, người thiếu niên này, kẻ nào trai hay gái thấy người khác giàu sang, danh tiếng, được thiên hạ kiên vì, yêu mến, tùng phục, mà sanh lòng ao ước ganh gổ, người đó bởi cách hành động không lành ấy, sau khi thác, do cái nhân dữ đã gieo, phải đọa vào địa ngục; nhưng nếu sau khi thác không đọa vào địa ngục, mà tái sanh lại làm người, thì phải chịu thế cô quyền yếu.
8) Người quyền lớn. Đây, người thiếu niên này! Trái lại kẻ nào trai hay gái, không lòng ganh gổ, thấy người khác giàu sang, danh tiếng, được thiên hạ kính vì, yêu mến, tùng phục mà không ao ước, ghét ghen, người đó bởi cách hành động lành ấy, sau khi thác, do cái nhân lành đã gieo, được sanh trong thượng giới, nhưng nếu sau khi thác không sanh trong thượng giới, mà tái sanh lại làm người thì được quyền cao thế trọng.
9) Người bần cùng. Đây, người thiếu niên này, kẻ nào trai hay gái, không lòng bố thí vật ăn, nước uống, thuốc men, y phục, giường nằm, chỗ ở, dầu đèn cho các bậc Sa-môn hay Bà-la-môn, người đó bởi cách hành động chẳng lành ấy, sau khi thác, do cái nhân dữ đã gieo, phải đọa vào địa ngục. Nhưng nếu sau khi thác, không đọa vào địa ngục, mà tái sanh lại làm người, thì phải bị bần cùng khổ não.
10) Người phú túc. Đây, người thiếu niên này, kẻ nào trai hay gái, thường hay bố thí vật ăn, nước uống, thuốc men, y phục, nơi nằm, chỗ ở cho các bậc Sa-môn hay Bà-la-môn, người đó bởi cách hành động lành ấy, sau khi thác, do cái nhân lành đã gieo, được sanh trong thượng giới. Nhưng nếu sau khi thác không sanh trong thượng giới, mà tái sanh lại làm người thì được giàu có.
11) Người hèn hạ. Đây, người thiếu niên này, kẻ nào trai hay gái có lòng khinh rẻ, không chào hỏi những người đáng chào, không nhường chỗ ngồi cho những người đáng nhường, không nhường đàng đi cho những người đáng nhường, không kính trọng những người đáng kính trọng, người đó bởi cách hành động chẳng lành ấy, sau khi thác do cái nhân dữ đã gieo, phải đọa vào địa ngục. Nhưng nếu sau khi thác không đọa vào địa ngục, mà tái sanh lại làm người thì phải chịu bề hèn hạ.
12) Người cao sang. Đây, người thiếu niên này, kẻ nào trai hay gái, không lòng khinh rẻ, hay chào hỏi những người đáng chào, tiếp rước những người đáng tiếp rước, nhường chỗ ngồi cho những người đáng nhường, nhường đàng đi cho những người đáng nhường, kính trọng những người đáng kính trọng, người đó, bởi cách hành động lành ấy, sau khi thác, do cái nhân lành đã gieo, được sanh trong thượng giới. Nhưng nếu sau khi thác không sanh trong thượng giới, mà tái sanh lại làm người thì được sang cả.
13) Người bất tài. Đây, người thiếu niên này, kẻ nào trai hay gái, không tìm kiếm các thầy Sa-môn hay là Bà-la-môn để học hỏi như vầy: Bạch thầy, đạo đức là thế nào? Lành là thế nào? Dữ là thế nào? Điều nào đáng chê? Điều nào đáng khen? Điều nào nên làm? Điều nào không nên làm? Điều nào cho tôi được trong sạch và yên vui? Người đó, bởi cách hành động chẳng lành ấy, sau khi thác, do cái nhân dữ đã gieo, phải đọa vào địa ngục. Nhưng nếu sau khi thác, không đọa vào địa ngục, mà tái sanh lại làm người, thì phải chịu bề dốt nát.
14) Người trí hóa. Đây, người thiếu niên này, trái lại, kẻ nào trai hay gái, có lòng tìm kiếm học hỏi với các bậc Sa-môn hay Bà-la-môn như vầy: Đạo đức là thế nào? Lành là thế nào? Dữ là thế nào? Điều nào đáng khen? Điều nào đáng chê? Điều nào nên làm? Điều nào làm cho tôi trong sạch và được yên vui? Người đó, bởi cách hành động lành ấy, sau khi thác, do cái nhân lành đã gieo, được thăng thượng giới. Nhưng nếu sau khi thác, không thăng thượng giới, mà tái sanh lại làm người thì được thông minh trí huệ.
Người thiếu niên này, chúng sanh tạo nhân lành thì được hưởng quả lành; bằng tạo nhân dữ thì phải mang quả khổ, cái nhân là mẹ của chúng sanh. Chúng sanh được cao thăng hay bị sa đọa cũng do nơi cái nhân mà ra vậy.
Nghe Đức Thế Tôn giải xong rồi, người thiếu niến Subha, con của ông Todeyya, bèn bạch cùng Phật rằng: “Hoàn toàn thay, Đức Thế Tôn, cũng như kẻ bị trói mà được mở, như kẻ lầm đàng mà được thấy nẻo chánh, như kẻ mù mà được sáng, như nơi tối mà được đèn. Bạch Đức Thế Tôn, nhờ Ngài chỉ dạy cái lý nhân quả rất phân minh nên tôi mới được rõ thông đàng ngay nẻo vạy, tôi tình nguyện qui y Phật, qui y Pháp, qui y Tăng, xin Đức Thế Tôn nhận chịu cho tôi là kẻ thiện nam kể từ nay cho đến ngày cùng của tôi”.
Lấy đó mà xét, thời chúng ta phải tin chắc rằng có nhân tức là có quả, làm lành ắt gặp lành, làm dữ ắt gặp dữ, một mảy chẳng sai.
Vậy nếu đã có tin nhân quả báo ứng thì chúng ta nên mau mau hồi tâm hướng thiện qui y Tam bảo cho kịp thời.
‒Dứt tích nhân quả tóm tắt‒
Đức Phật có giải trong kinh Saṃyutta nikāya rằng: Nathi attasamaṃ pemaṃ. Nghĩa là: Không thương cái chi cho bằng thương cái ta. Tiếng gọi là ‘ta’ ấy, phạm ngữ gọi là ‘atta’ hay là ‘atmaṃ’ là để chỉ về cái tâm vậy. Bởi tâm nương theo thân, nên mới có suy nghĩ đến điều quấy sự phải, biết lẽ tà điều chánh. Thân và tâm nương lẫn nhau mới hay cử động được, nhơn đó mới hiệp thân và tâm lại gọi là ‘ta’ vậy.
Lẽ thường, thiên hạ thường thương cái ta hơn cả mọi vật, chẳng có một ai là người mến yêu nhân vật nào khác cho bằng hoặc hơn cái ta. Chẳng cần nói đến người có nhan sắc xinh đẹp, dầu là kẻ tàn tật (cùi, phun, mù, điếc) họ cũng vẫn thương cái ta hơn hết; cho đến chồng vợ, con cháu, vàng bạc, châu báu, đều là cái đáng thân thiết lắm, mà họ cũng chẳng thương hơn cái ta của họ vậy.
Tất cả mọi người trên thế gian đều làm đủ các công nghệ, là họ chỉ để mong được lợi ích cho cái ta. Như kẻ làm mướn, thầy thuốc chữa bịnh, thông ngôn, ký lục, làm việc cho nhà nước, trong các ty, các sở, thì họ cũng đều trông được sự ích lợi cho cái ta trước.
Cho nên Đức Phật Thích Ca có giải rằng: Không thương vật chi cho bằng thương cái ta, là lẽ như vậy.
Con người làm những việc gì, là chỉ mong mỏi được sự hạnh phúc cho cái ta. Nhưng phần đông hằng để ý chuyên những điều danh lợi nhãn tiền, không lòng lo xét đến sự lợi ích hậu lai. Có kẻ đã chẳng tìm làm việc phước đức, nhứt là không bố thí, trì giới, mà lại còn để cho thân khẩu ý xu hướng theo nghiệp dữ, nên phải chịu mang quả khổ tự đời này, qua đến kiếp sau, mà cũng vẫn chưa tự tỉnh. Cách hành động như thế ấy, thì sao gọi là thương cái ta cho được. Dường ấy Đức Phật gọi là ghét cái ta vậy.
Cho nên các bậc thiện trí thức, khi đã rõ rằng: Nếu ta thật thương ta, thì ta phải sớm mau hồi đầu hướng thiện, bỏ dữ về lành, tránh xa tam độc là tham, sân, si không nên để cho lấm nhơ đến tâm trí ta vậy. Vả lại sanh mạng của con người và súc sanh vẫn không bền vững lâu dài; cái đau, cái già, cái chết hằng ở trước mắt. Nếu ta dể duôi hoặc tà kiến lầm tưởng rằng: Ta chưa chết sớm, thì làm cho ta lại càng chiều theo cái vọng tâm, thi hành những nghiệp dữ chẳng sai. Nếu trong lúc ta dể duôi lầm lạc ấy mà nhằm ngày mạng chung, dầu ta có muốn tạo việc lành đi nữa, cũng khó làm cho kịp được (bởi cái tâm chưa quen tạo nghiệp lành). Lại nữa cái chết là một cái khổ lớn nhứt. Bởi trước khi chết hằng có sự đau nhức quá lắm, rồi mới chết. Như vậy lẽ nào ta còn dể duôi, không lo tìm con đàng để tránh trước, là không bố thí, trì giới, tham thiền, hoặc niệm Phật cho tinh tấn, trong lúc hiện thời đây, đến khi cái chết nó đến, thì ta ắt phải loạn động, vì sự đau nhức; mà nếu loạn động thì cái thân người ắt mất, phải bị đọa trong một con đường dữ (súc sanh, a-tu-la, ngạ quỉ, địa ngục) chẳng sai, khó trở lại làm người lần nữa được. (Hiệp theo trong nho có câu: Nhứt thất nhơn thân, vạn kiếp nan tái phục). Lẽ ấy ta phải nên hết lòng thương tiếc đến ta cho lắm, phải nhớ đến câu: Vạn kiếp nan sanh đắc cá nhơn (muôn kiếp khó sanh đặng làm người). Cho nên Đức Phật có giải trong kinh Khuddanikāya rằng: Kicchomanussa paṭilābho, kicchaṃ maccānajīvitaṃ, kicchaṃ saddhammassavanaṃ, kiccho buddhānamuppādo, nghĩa là: được luân hồi lại làm người là sự khó, được nghe Phật Pháp là sự khó, được sanh ra gặp Đức Phật là sự khó.
Về bốn điều khó trên đây Đức Phật có giải rằng: Khó được sanh ra làm người; Sanh ra làm người rồi khó được sống lâu; Được sống lâu rồi, khó được nghe Phật Pháp; Khó được gặp Đức Phật.
Chỗ nói khó được sanh ra làm người ấy có giải rằng: Chúng sanh được đầu thai làm người, thật là chẳng dễ, thật là rất khó. Chỉ phải một lòng tinh tấn làm việc phước đức cho nhiều, thì mới có thể trở lại làm người nữa được. Đã sanh ra làm người rồi, mà cũng khó được toàn vẹn, bởi con người có bốn hạng: manussanerayiko là người như kẻ địa ngục; manussapeto là người như ngạ quỉ; manussatiracchāno là người như súc sanh; manussabbhūto hay manusso là người thật.
Người như kẻ địa ngục là bởi kiếp trước làm việc chẳng lành, nhứt là phạm tội sát sanh bị cắt tay hoặc cụt chơn, phải chịu điều khổ não hằng ngày. Hạng người như đây, gọi là như chúng sanh trong địa ngục, là người cũng có thân thể như ai, nhưng phải chịu lao khổ như kẻ ở địa ngục.
Hạng người không thể hưởng vật thực ngon ngọt được, là do kiếp trước đã có làm nhiều nghiệp dữ, nên hay bị đói khát khó khăn, cùng cực, không nơi nương dựa. Hạng người như đây gọi là như ngạ quỉ, là người cũng có thân thể như ai, nhưng hằng bị đói khát, khổ cực như quỉ đói.
Lại có người để dùng về việc khiêng, gánh, kéo, vác nặng nề cho kẻ khác, làm những điều tội lỗi, hằng bị người nạt nộ, đánh chửi, bị sự mệt nhọc, buồn lo, không phân biệt phải quấy, không lòng hổ thẹn, lánh dữ làm lành. Hạng người như đây gọi là như súc sanh, là người cũng có thân thể như ai, nhưng phải làm những việc tội lỗi không lòng hổ thẹn ăn năn, chẳng khác nào súc vật.
Hạng người thông rõ gốc ngọn, điều tội việc phước, tin lý nhân quả, vì hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi, có lòng từ bi, tránh xa nghiệp dữ, một lòng tinh tấn tu theo thập thiện. Người mà hành động như đã nói đây, mới gọi là người thật, đã có thân hình đều đủ, mà lại còn biết bố thí trì giới v.v…
Bởi có nhiều duyên cớ khó sanh ra đặng làm người cho vẹn toàn, nên Đức Phật có nói: Kicchomanussapaṭilābho. Nghĩa là: Được sanh ra làm người là một sự rất khó, dầu là sanh ra làm người trọng hạng nào, cũng đều phải chịu khổ cực để nuôi sống, vì sanh mạng của người và cầm thú rất là mỏng manh, thân mình rất mau hư hoại, tuy cố gắng làm việc siêng năng, tiết kiệm, thì cái sống ấy cũng chẳng đặng lâu dài.
Lại nữa, dầu có sống lâu cũng khó mà nghe được giáo pháp của bậc thiện trí thức giảng giải lẽ chánh lời ngay. Rất khó được dịp may mà gặp Phật ra đời, chẳng có cái khó nào sánh bằng. Vì người tu hành cho đến bậc Chánh giác, phải chí công chí đức, tu tròn đủ 10 pháp thập độ.
Phương pháp chứng đắc bậc Phật Toàn giác có ba hạng: Paññādhika, do nhiều trí huệ, tu 4 a-tăng-kỳ và 100.000 kiếp mới chứng quả; Saddhādhika, do nhiều đức tin, tu 8 a-tăng-kỳ và 100.000 kiếp mới chứng quả; Viriyādhika, do nhiều tinh tấn, tu 16 a-tăng-kỳ và 100.000 kiếp mới chứng quả.
Chỗ nói kiếp là chỉ về cái hiệu tuổi của trái đất. Phật có giải cho các thầy tỳ khưu rằng: Các thầy tỳ khưu này! Tiếng nói kiếp ấy chẳng phải đếm trăm hoặc ngàn năm mà được đâu, chỉ phải hiểu bằng cách thí dụ mới đặng. Các thầy tỳ khưu này! Ví như một đống hột cải cao lớn một do tuần, vuông vức bốn góc bằng nhau, đến 1.000 năm mới có một người đến lấy một hột cải trong đống ấy ra, như vậy cho đến hết, mới gọi là một kiếp. Bốn a-tăng-kỳ = một đại a-tăng-kỳ.
Trong kinh Paramatthadīpani atthakathācariyā piṭaka có giải phân minh. Đây chỉ nói tóm tắt cho biết thời kỳ có một vị Phật tổ ra đời chẳng phải là dễ, thật là vô lượng vô biên kiếp mới có. Chỉ phải cố gắng tu hành cho tinh tấn, trọn đủ phép thập độ, mới có thể chứng quả Phật được, bằng tu còn thiếu sót một chút xíu cũng khó thành bậc Chánh đẳng Chánh giác. Như lúa trong ruộng, nếu chưa đến kỳ thì cũng chưa có thể trổ bông, sanh hột được. Cho nên Đức Thế Tôn có thuyết rằng: Kiccho buddhānamuppādo, nghĩa là cách ra đời của vị Phật tổ là một sự khó.
Nay chúng ta sanh ra làm người, đã được mạnh khỏe, còn thêm gặp Phật Pháp (Tam Tạng), là Phật ngôn rất quí báu nữa, ví như mình gặp được Đức Phật vậy, tức là mình đã khỏi 4 điều khó đã kể trên, là mình rất hữu phước. Đó là một thời kỳ rất cao quí cho chúng ta sớm mau hướng thiện: bố thí, trì giới, tham thiền, niệm Phật, học hỏi chơn lý cho chu đáo, hầu trau dồi thân tâm trong lúc hiện thời, cho kịp kỳ, chớ nên say mê theo lục dục làm cho mất cái thân người đi, thì ắt khó kiếm lại được. Ví như người có thuyền bè xe cộ, không lẽ để cho nó hư mục, tan rã, phải nên dùng nó chở chuyên hàng hóa đi buôn lấy lời, cũng như chúng ta có cái thân người không lẽ để cho nó già, để chết vô ích, cần phải dùng nó làm việc lợi ích, nghĩa là chúng ta phải sớm mau tỉnh ngộ, hồi đầu hướng thiện, lánh dữ làm lành, bố thí, trì giới, hầu hưởng cái quả vui cho đời này và kiếp sau.
Lại nữa, những người có làm việc lành như là bố thí, trì giới mới đáng gọi là người biết thương ta.
Đức Phật có giải rằng: Attānañce piyaṃ jaññā rakkheyyanaṃ surakkhitaṃ tiṇṇamaññtaraṃ yāmaṃ paṭijaggaeyya paṇdito. Nghĩa là: Nếu bậc thiện hữu trí thức đã biết thương cái ta, thì phải gìn giữ cái ta cho được trong sạch.
Hỏi: Nếu muốn cho cái ta được trong sạch phải làm thế nào? Đáp: Người tại gia phải tu hạnh bố thí, trì ngũ giới, bát giới, tùy theo sức mình. Bậc xuất gia phải hành trọn phận sự, là học kinh luật cho nhuần nhã và vâng giữ làm theo, mới gọi là trau dồi thân tâm trong sạch.
Kinh Saṃyuttanikāya có nói lúc Đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Xá Vệ, có đức vua Pasenadikosala ngự đến làm lễ Phật và bạch rằng: “Tôi có suy nghĩ rằng, những người hành theo tam nghiệp tội (thân, khẩu, ý ác) thì không gọi là thương cái ta đâu, dầu họ có nói thương cái ta, thì cũng gọi là ghét cái ta. Trừ ra những người hành theo thập thiện, thì mới đáng gọi là thương cái ta cho”. Đức Thế Tôn đáp: “Phải rồi, đại vương ôi! Phải như vậy rồi, chúng sanh nào hành theo thân, khẩu, ý ác thì chúng sanh đó đều là người chẳng phải thương cái ta, phải gọi là ghét cái ta vậy. Dầu là họ nói là thương cái ta, thì cũng gọi là ghét cái ta thật. Những chúng sanh nào hành theo thập thiện, mới nên gọi là thương cái ta thật”.
Cớ ấy, những bậc thiện hữu trí thức, nếu đã biết thương cái ta, thì phải tránh xa nghiệp dữ, tu theo thiện nghiệp cho tinh tấn, hầu hưởng sự hạnh phúc trong đời này và đời sau.
Kinh Khuddakanikāya có nói: Nagaraṃ yathā paccantaṃ guttaṃ santarabāhiraṃ evaṃ gopetha attānaṃ khanomāvoupaccagā khanātitā hi socanti nirayamhi samappitā. Nghĩa là: Con người phải trau dồi thân tâm cho được trọn lành, cũng như nhà vua cai trị cả nội địa và ngoại biên chí, giải bày cho nghiêm nhặt.
Giải rằng: Chỗ nói trau dồi thân tâm cho lành, như nhà vua sửa trị trong nước ấy, có so sánh và thí dụ như sau này:
Lẽ thường nhà vua (lúc xưa) ngăn ngừa đạo tặc trong nước do theo 7 cách: esikā: đống cột cừ cho sâu, cho thật chắc; parikkhāro: đào hào chung quanh cho sâu; anupariyāyapatho: làm tường theo trong lũy cho dày và cao, cho binh núp để cự giặc; bahuṃāvudhaṃ: tích trữ khí giới cho nhiều; bahubalakāyo: mộ binh cho đông; dovāriko: cơ lính canh gác cửa thành luôn khi; pākāro: đắp lũy chung quanh. Xứ nào mà nhà nước cai trị theo 7 điều ấy, thì nhơn dân sẽ được an cư, không bị giặc giã khuấy rối, lại thêm đầy đủ bốn món vật thực như sau này: có cây trái nhiều; có lúa nếp nhiều; có mè đậu nhiều; có sữa đặc, sữa tươi, dầu, mật ong, nước mía nhiều. Ví như các bậc tu Phật, nên trau dồi thân tâm theo 7 phép là: saddho: đức tin Tam bảo; hirimā: hổ thẹn nghiệp dữ; ottappī: ghê sợ nghiệp dữ; bahussuto: học hỏi và rõ thông Phật pháp cho nhiều; āraddhavīriyo: tinh tấn trong việc lành; satimā: ghi nhớ việc lành để trau dồi thân tâm cho thanh tịnh; paññavā: trí huệ xem thấy lẽ hiệp tan của ngũ uẩn. Nếu bậc tu Phật hành theo 7 phép ấy thì sẽ được an vui, không bị phiền não khuấy loạn hằng đắc tứ định (sơ định, nhị định, tam định, tứ định).
Chỗ nói không nên bỏ qua khỏi thời kỳ ấy, là chỉ về 4 thời kỳ quí báu là: thời kỳ Đức Phật chứng quả; thời kỳ mình được sanh nơi trung ương Ấn Độ; thời kỳ có chánh kiến; thời kỳ mình có đủ lục căn.
Nay hai thời kỳ trên đã qua rồi, nhưng chúng ta cũng còn hữu duyên lắm, là chúng ta gặp được Phật Pháp, mà gặp Phật Pháp tức là gặp Phật vậy. Tuy Phật đã nhập Niết-bàn, nhưng Ngài còn để giáo pháp lại. Pháp là lời Phật ngôn đã giáo truyền trong khi Ngài còn tại thế, cho nên nói ‘Pháp’ tức là Phật vậy. Dầu chúng ta không được sanh nơi Trung Ấn Độ, thì cũng ví như được sanh trong xứ ấy, vì xứ ta nay có đủ Tam Tạng (Kinh, Luật, Luận).
Phần đông chúng ta đều tín ngưỡng nơi Phật pháp, ấy gọi là chúng ta có chánh kiến, thêm có lục căn tròn đủ, thì chúng ta đều là người rất hữu phước. Vậy phải nên trau dồi thân tâm cho trong sạch, chẳng nên dể duôi bỏ qua việc lành. Phải tu thân, khẩu, ý cho thanh tịnh, cũng như nhà vua sửa trị nhân dân, được an cư, có đào hầm đắp lũy, tích trữ khí giới, v.v…
Lại nữa, nếu chúng ta là người biết thương cái ta, và muốn được hưởng quả Niết-bàn, là nơi cực lạc trong đời vị lai, thì phải trau dồi thân tâm, là phải dứt bỏ việc dữ, hành theo điều lành mới có thể hưởng an vui cho, y theo lời Phật có dạy rằng: Dunniggahassa lahuno yattha kāmanipātino cittassa damatho sadhu cittaṃ dantaṃ sukhāvahaṃ. Nghĩa là: Pháp tu cái tà tâm, là cái tâm rất khó sửa dạy, là cái tâm hay sa mê sắc dục, cho trở nên chơn tâm, là cái tâm đã trau dồi thì hằng được an vui đời đời, kiếp kiếp.
Giải rằng: Cái tâm của chúng ta vẫn trong sạch, nhưng nếu có ô nhiễm phát khởi lên, nhứt là điều ham muốn thì nó trở nên bất tịnh. Ví như miếng vải trắng còn mới mà nếu để cho lấm nhơ (than bụi), thì vải ấy ắt mất sự tinh anh. Tâm mà bị sự chẳng lành, nhứt là điều thương mến đã phát khởi lên, thì nghiệp dữ ắt sanh, nhứt là phạm sát sanh, nói dối, hành ác, hoặc nói dữ, ắt bị mang quả khổ trong đời này và đời sau. Dầu quả báo chưa đến kịp trong kiếp hiện tại, nó cũng sẽ đến trong kiếp vị lai chẳng sai. Ví như con chó săn đuổi theo kịp con thịt rừng giờ nào, nó sẽ ăn tươi giờ ấy; ví như bánh xe lăn theo chân con bò kéo xe vậy, y như Đức Phật có giải trong kinh Khuddhakanikaya rằng: Manopubbaṇgamā dhammā manosetthā manomāyā manasā ce paduṭṭhena bhāsati vā karoti vā tato naṃ dukkhamanveti cakkaṃ va vahato padaṃ. Nghĩa là: Tâm là chủ, tâm là lớn, tâm làm nên mọi việc, thân, khẩu, ý làm những việc gì đều do nơi tâm đã nhứt định trước, nếu con người đã có tâm ác, thì ắt làm hoặc nói lời ác chẳng sai. Những hạng này hằng phải mang quả khổ, cũng như bánh xe lăn theo chân bò kéo xe vậy. Người nào được học hỏi, thông rõ nghĩa lý Phật Pháp và đã thọ trì theo, thì việc làm hoặc lời nói của người ấy đều là lành cả. Người ấy hằng được quả vui chẳng dứt, y theo lời Phật ngôn rằng: Manopubbaṇgamā dhammā manoseṭṭhā manomayā manasā ce pasannena bhāsati vā karoti vā tato naṃ sukhamanveti chāyava anupāyinī. Nghĩa là: Tâm là chủ, tâm là lớn, tâm làm nên mọi việc, thân, khẩu, ý làm những việc gì đều do nơi tâm đã nhứt định trước, nếu con người đã có tâm lành, thì ắt làm được hoặc nói việc lành chẳng sai. Những người hạng này hằng được những quả vui cũng như bóng tùy hình vậy. Cho nên những bậc thiện hữu trí thức hằng chuyên cần trau dồi tánh nết ở theo chánh pháp, cho thân, khẩu, ý thường được trong sạch, nếu tâm đã trong sạch thì thân và khẩu cũng đều trong sạch, ví như người cầm lái thuyền sáng trí lẹ làng thì có thể làm cho thuyền được đi ngay thẳng và mau đến bến, bằng một cách dễ dàng không sợ lầm lạc. Nhưng sửa trị cái tâm cho ngay lành là một sự rất khó. Bởi cái tâm hằng vay trở xao động bề này thế kia, cho nên nói sự tu tâm chẳng dễ vậy. Y theo lời Phật dạy rằng: Phandanaṃ capalaṃ cittaṃ durakkhaṃ dunnivārayaṃ ujuṃ karoti medhāvī usukākova tejanaṃ. Nghĩa là: Các bậc thiện hữu trí thức hằng tu cái vọng tâm, là cái tâm khó gìn giữ, khó ngăn cấm, khó sửa trị cho trở nên chơn tâm được. Ví như anh thợ làm tên, khó uốn sửa cây tên cho ngay thẳng được.
Giải rằng: Đức Thế Tôn có giảng giải về cái tâm rằng: Thật là rất khó trị cái tâm của chúng sanh, bởi cái tâm hằng xao động, tráo trở, quyến luyến theo lục trần cho nên khó gìn giữ, ngăn ngừa làm cho nó yên lặng được. Dầu muốn cho nó ở yên trong một nháy mắt cũng khó đặng. Ví như đứa trẻ em vừa mới biết ngồi, vừa biết đi, biết chạy, thì khó mà gìn giữ cho nó ở yên trong một oai nghi được lâu dài, hoặc ví như con bò không thuần, hay ăn lúa mạ nơi đàng chật hẹp, thì khó cho người chủ ngăn ngừa, chăn giữ không cho nó ăn lúa mạ được.
Tuy rằng cái tâm rất khó sửa trị, như đã nói trên, nhưng các bậc thiện hữu trí thức tu cái tâm ấy được trở nên ngay lành, do nhiều phương pháp khác nhau. Ví như anh thợ làm cung tên, đi vào rừng đốn cây, lột vỏ xong đem về ngâm nước cơm, hoặc cho cây ăn dầu rồi đem hơ lửa cho cây ấy mềm mại mới đi đóng nọc, để uốn sửa cây ấy trở nên ngay thẳng được, làm thành cây cung xinh đẹp, bắn đâu trúng đó, làm cho tiếng đồn thấu đến tai nhà vua, nghe danh anh thợ ấy có tài, làm cung tên rất khéo, bắn rất hay. Nhà vua bèn ngợi khen và trọng dụng anh thợ ấy và phong cho quờn cao tước cả. Việc này cũng giống như bậc thiện hữu trí thức có tài trí thông rõ Phật Pháp để sửa trị cái vọng tâm, bỏ dữ về lành, dứt lòng phiền não, nương theo phép đầu đà, ẩn tu nơi rừng núi, thanh vắng, dùng đức tin, lòng từ bi và sự tinh tấn mà tu phép thiền định và trí tuệ để sửa trị cái tâm trở nên ngay lành, cùng suy cứu cho thấu rõ các sắc tướng đều là vô thường, khổ não, vô ngã, để vét sạch cái màn vô minh, tà kiến, đoạt ba cái giác (đắc lục thông) chứng quả bồ đề, là bậc đáng cho tất cả chúng sanh, trời, người v.v… lễ bái cúng dường, ấy mới đáng là nhà tu Phật vậy. Phương pháp tu cái tâm cho trở nên trong sạch, thật là quí báu. Bởi cái tâm của con người hằng quyến luyến theo năm phép cái (nivaranadhamma): tham dục, ngũ trần (kāmachanda), oán hận (byāpāda), giải đãi (thīnamiddha), phóng túng (uddhaccakukkucca), hoài nghi (vicikicchā).
Lẽ thường vàng y, nếu có 1 trong 5 vật: sắt, đồng, kẽm, chì, và bạc lộn vào rồi, thì làm cho mất sự tinh anh của chất vàng đi. Cũng ví như cái tâm con người trước kia đủ sáng láng, thanh tịnh, đến khi bị 1 trong 5 phép cái mới giải trên nhiễm vào thì cái tâm bất tịnh, làm những việc gì đều chẳng được chơn chánh, hiền lành. Tuy vậy, các bậc thiện hữu trí thức, chẳng khi nào mỏi lòng về việc sửa trị cái tâm theo 40 phép thiền định.
Các bậc hành giả muốn tu phép ấy, trước hết phải chọn 1 trong 40 phép, cho hạp đặc tính của mình mà tham cứu, ví như người có bịnh nếu muốn uống thuốc cho lành, trước phải nên chọn lựa vị thuốc cho nhằm chứng bịnh rồi mới nên uống thì ắt sẽ được mau lành mạnh.
Lại nữa, chẳng phải một vị thuốc mà cứu chữa cả thứ bịnh, cũng như một pháp thiền định chẳng phải hạp với đặc tính của người. Cớ ấy, bậc hành giả cần phải học cho thông suốt 40 đề mục thiền định cho rõ đề mục nào hạp với đặc tính mình, hầu chọn lấy 1 đề mục, để quán tưởng mới có thể sửa trị cái tâm mau được trở nên trong sạch.
Tiếc vì phạm vi quyển sách này không thể chứa đủ sự giải thích 40 phép thiền định, mặc dầu là giải tóm tắt cho vừa đủ chi tiết để giúp ích về việc suy cứu của chư thiện tín. Nếu muốn tu thiền định nên xem Pháp chánh định đã xuất bản rồi.
Dānaṃ nāma tīni lakkhaṇāni cāgacetanānañca viratidānañca deyyadhammadānañcātīti.
Giải rằng: Sự cho có ba tướng là: tác ý dứt bỏ đem cho (cāgacetanādāna), rứt của ra đem cho (viratidāna), vật cho (deyyadhammadāna). Tác ý dứt bỏ đem cho là nói về những người có đức tin trong sạch, tính đem của ra cho rồi, cho. Rứt của đem cho là nói về người có đức tin trong sạch, có sự hổ thẹn (hiri) và ghê sợ tội lỗi (ottappa), tránh xa 5 điều oan nghiệt (pancavera) tức là không sát sanh, không trộm cắp v.v… Vật cho, là nói về cơm, nước, y phục v.v… Cả ba phép cho ấy phát sanh trong tâm người, đều nhờ nương theo trí tuệ chơn chánh và tâm không xan tham (alobha).
Giải rằng: Người có trí tuệ xét thấy tội phước, lợi ích, vô ích, nghĩa là hiểu rằng: bố thí, trì giới, tham thiền, v.v… được phước hằng đem sự yên vui đến cho, như thế gọi là trí tuệ chơn chánh. Người mà rõ ràng có tội, nghĩa là: sát sanh, trộm cướp v.v… thì phải mang quả khổ, như vậy, gọi là trí tuệ chánh kiến. Nhờ có trí tuệ chánh kiến và tác ý không tham xan (alobhacetanā) đều đủ cả hai nhân đó rồi mới tính bỏ của ra đem cho.
Cho mà được phước nhiều là do ba tác ý là: tác ý trong sạch đầu tiên, tính cho các vật dụng nhứt là cơm, nước (pubbacetanā); tác ý trong sạch trong khi đương cho (muñcanacetanā); tác ý trong sạch sau khi đã cho rồi (aparāparacetanā) tâm thường vui thích. Cả ba tác ý đó gọi là đều đủ tác ý (cetanāsampadā). Đều đủ vật dụng (vatthusampadā) là nói về cơm, nước, thuốc men, chỗ ngủ mà thí chủ đã tìm được theo lẽ đạo, nghĩa là: không vì sát sanh, không vì trộm cắp được mà cho.
Thí chủ, người cho, có hai chi: đều đủ tác ý, đều đủ vật dụng. Thọ chủ, người lãnh, có hai chi: quả đều đủ (phalasampadā) tức là bậc A-la-hán, đức dư đều đủ (guṇātirekasampadā) tức là bậc mới xuất định. Sự cho đều đủ cả bốn chi là: người cho hai chi, người thọ hai chi, thì được quả phước trong kiếp hiện tại; không đều đủ bốn chi, thì sẽ được quả vui trong kiếp sau.
Lại nữa, sự cho đều đủ theo 6 chi, sẽ được nhiều phước là: tác ý về cá thể (puggalika: riêng một thể) có 3 chi, tác ý cho về đoàn thể (saṇgha: nhiều người kết hợp thành đoàn) có 3 chi. Cá thể thí là (paṭipuggalikatadāna) cho theo ý muốn mình. Đoàn thể thí (saṅghadāna) là dâng cúng đến tăng.
Cá thể thí có 14 cách: 1) Cho đến loài cầm thú; 2) Cho đến người không có giới hoặc phá giới; 3)Cho đến người có giới (cư sĩ); 4) Cho đến đạo sĩ (vị chán nản cuộc đời giả tạm mà tu)[41]; 5) Dâng cúng đến 10 bậc Thánh nhân (từ bậc Tu-đà-huờn đạo đến Đức Phật Toàn giác). Cá thể thì được nhiều phước, cần phải có đủ 6 chi là: thí chủ, người cho, có đủ 3 tác ý. Thọ chủ, người lãnh có tâm không tham, không sân, không si, hoặc có sự tinh tấn tu hành để dứt tham, sân, si.
Đoàn thể thí là dâng cúng đến 7 bậc Tăng: 1) dâng cúng đến tỳ khưu tăng, tỳ khưu ni tăng, có đức Phật tọa chủ; 2) dâng cúng đến tỳ khưu tăng và tỳ khưu ni tăng; 3) dâng cúng đến tỳ khưu tăng; 4)dâng cúng đến tỳ khưu ni tăng; 5) xin thỉnh 1, 2, 3 vị tỳ khưu tăng và tỳ khưu ni tăng; 6) xin thỉnh 1, 2, 3 vị tỳ khưu tăng; 7) xỉn thỉnh 1, 2, 3 vị tỳ khưu ni tăng. Lại nữa, người dâng đến tăng đó, cần phải chủ tâm hướng ngay đến bậc Thánh nhơn, đừng tưởng đến phàm tỳ khưu. Khi đã thỉnh Tăng rồi, dầu được vị cao hạ hoặc thấp hạ, hoặc sa di, cũng đừng bất bình buồn trách, phải giữ tâm bình đẳng, bực trung. Nếu bất bình buồn trách, thì không gọi là tăng thí. Đoàn thể thí là phép tăng thí được nhiều phước báu hơn.
Đức Phật có giảng thuyết đến Đại Đức Ananda thong kinh Dakkhināvibhagasūtra, trong dịp bà Kīsāgodamī có tâm trong sạch, đem một cặp y dâng đến Đức Phật, Ngài không thọ lãnh, mà có tâm thương xót dạy bảo dâng cúng đến tăng. Bà Kīsāgodamī than khóc, đi tìm Đại Đức Ananda. Ananda mới mới vào bạch cầu xin Phật thọ cấp y. Đức giáo chủ bèn giải rằng: Này Ananda! Tăng thí có phước nhiều hơn các sự thí, dầu là đến thời mạt pháp, chỉ còn có Gotrabhū Tăng, là tăng chỉ có mang y theo tay hoặc buộc cổ làm nghề ruộng rẫy, mua bán, có vợ con. Song, các thí chủ có đức tin làm việc tăng thí, đến thỉnh từ 4 vị trở lên, chủ tâm hồi hướng đến Thánh tăng, thì cũng gọi là tăng thí, được nhiều phước báu, kể a-tăng-kỳ Asankheyyakappa khó tưởng tượng được. Này Ananda! Ngươi cho 100 lần đến loài cầm thú cũng không bằng quả phước 1 lần cho đến người phá giới; cho 100 lần đến người phá giới cũng không bằng quả phước cho 1 lần đến người có giới; cho 100 lần đến người có giới cũng không bằng quả phước cho 1 lần đến bậc xuất gia trong sạch; cho 100 lần đến bậc xuất gia trong sạch cũng không bằng quả phước cúng 1 lần đến bậc Tu-đà-huờn (Sotā); cúng 100 lần đến bậc Tu-đà-huờn cũng không bằng quả phước cúng 1 lần đến bậc Tư-đà-hàm (Sakidāgā); cúng 100 lần đến bậc Tư-đà-hàm cũng không bằng quả phước cúng 1 lần đến bậc A-na-hàm (Anāgā); cúng 100 lần đến bậc A-na-hàm cũng không bằng quả phước cúng 1 lần đến bậc A-la-hán (Arahanta); cúng 100 lần đến bậc A-la-hán cũng không bằng quả phước cúng 1 lần đến bậc Độc giác Phật (Paccekabuddha); cúng 100 lần đến bậc Độc giác Phật cũng không bằng quả phước cúng 1 lần đến Đức Phật Toàn giác (Sabbaññūbuddha); cúng 100 lần đến Đức Phật Toàn giác cũng không bằng quả phước cúng 1 lần đến chư tăng. Tăng thì có rất nhiều phước báu như thế ấy.
Có lời hỏi rằng: Vì sao tăng thí được phước nhiều hơn hết? Đáp: Đức Thế Tôn xét thấy rằng, tăng học hành tiếp nối nhau thọ trì Phật Pháp đến 5000 năm. Cớ ấy, Ngài mới giảng tăng thí có nhiều phước báu.
Lại nữa, dâng đến tăng thì hằng phổ thông đến tất cả tỳ khưu tăng, từ Đức Phật cho đến vị tỳ khưu và sa di mới xuất gia.
Pháp thí lại chia ra nữa có nhiều cách là: 1) tài thí (āmisadāna) là cho của cải; 2) pháp thí (dhammadāna) là nói pháp cho người nghe; thí theo thời là: dâng y tắm, y tắm mưa, y ca-sa sau khi chư tăng ra hạ, thí của trong cơn đói kém, thí cơm gạo, trái cây mới có đầu mùa, thí thực phẩm đến người từ nơi xa mới đến, đến người đi đường xa, đến tỳ khưu, sa di bịnh.
Về người thí, có chia ra làm ba hạng: 1) nô bộc thí (dānadāso), là hạng người tự mình dùng vật quí, đẹp, mà đem những vật hèn mọn ra cho (nô bộc thí thì kiếp sau được vật hèn mọn); 2) bằng hữu thí (dānasahāyo), là hạng người tự mình dùng vật thế nào, thì đem vật thế ấy ra cho (bằng hữu thí thì kiếp sau được vật bực trung); 3) chủ thí (dānapati, dānasāmīci, dānajeṭṭhaka), là hạng người tự mình dùng vật hèn mà đem vật quí ra cho (chủ thí thì kiếp sau được vật quí trọng).
Vấn: Cho được phước nhiều do cái chi? Đáp: Do có giới trong sạch, thí chủ là người cho có giới trong sạch, thọ chủ là người lãnh cũng có giới trong sạch. Sự thí mà được phước nhiều là nhờ thế lực của quả báo, nghĩa là: dâng cúng đến tăng, cần phải chủ tâm hướng đến 8 bậc Thánh.
Chư Phật thường giảng thuyết về phép bố thí, trì giới, tham thiền vì sự bố thí là nhân dứt lòng tham, trì giới là nhân trừ giận, tham thiền là nhân diệt si mê. Lại nữa, người bố thí, trì giới, tham thiền hãy nên mong mỏi thiêu hủy cái lòng tham, sân, si để chứng Niết-bàn dập tắt điều thống khổ, nếu cầu được làm người, hoặc trời thì hằng bị cái khổ sanh, già, đau, chết trong vòng luân hồi, hết kiếp này sang kiếp khác, vô cùng vô tận.
Sự bố thí hằng đem quả vui trong cõi người là: 1) được làm bậc Chuyển luân vương (Paramacakra Batrādhirāja) có 7 vật báu: voi báu, ngựa báu, xe báu, ngọc báu, nữ báu, tướng soái báu và tổng tài chánh báu; 2) được làm vị hoàng đế; 3) được làm bậc triệu phú gia; 4) được làm bậc nhà giàu; 5)được làm người no đủ.
Đức giáo chủ có giải về 5 quả báo của sự bố thí cho quan Thủ tướng Siṇha nghe rằng, thí chủ: thường được quần chúng thương yêu, thường được nhiều người thân cận, thường được người và Chư thiên khen ngợi, thường được quyền thế và nhiều kẻ tùy tùng, thường không e sợ, có sự dạn dĩ trong chỗ hội hợp. Năm quả báo trên đây, hằng được thành tựu đến thí chủ trong đời này, do dứt lòng bỏn xẻn đem của ra cho.
Lại nữa, những người mong tìm điều yên vui trong cõi người, trời và Niết-bàn hãy nên làm việc bố thí, sau khi mạng chung sẽ được thọ sanh trong nhàn cảnh, như tích đức hoành đế Asoka sau này:
- Tích giải về tiền kiếp của hoàng đế Asoka
Trong thời quá khứ, tại thành Bārāṇasī, có người bán mật ong nơi chợ. Thuở đó, có một vị Độc giác Phật (Paccekabuddha) mang bịnh ghẻ. Đức Độc giác Phật khác đi tìm mật ong để làm thuốc trị bịnh, Ngài bèn từ núi Gandhamādana đi đến thành Bārānasī. Có một cô tớ gái đi xuống bờ sông gánh nước, thấy đức Độc giác Phật đi đến, bèn hỏi thăm, rồi đưa tay chỉ quán bán mật ong rằng: người bán mật ong ở trong chỗ kia, xin Ngài đến đó đi. Cô lại suy nghĩ: Nếu người bán không chịu cúng, ta sẽ đi đến lấy mật ong dâng cho được, sau sẽ tìm của trả cho họ, rồi cô vẫn đứng chờ, Đức Phật Độc giác đi đến trong chợ, người bán mật xem thấy liền tỏ lòng hoan hỉ, dâng mật ong cho đến đầy bát, rồi chú tâm nguyện rằng: Bạch Ngài, do sự phước thí này, xin cho tôi sẽ được làm một vị hoàng đế, có thế lực cao đến một do tuần (yojana) thấu trên hư không, một do tuần thấu dưới đất. Đức Phật Độc giác đáp: Này người thiện nam! Cái quả nguyện vọng của người hãy được thành tựu như thế đi; xong rồi trở về núi Gandhamādana. Về phần cô tớ gái gánh nước, thấy vị Độc giác trở về, bèn bạch hỏi: Ngài được mật ong chăng? Đức Phật Độc giác đáp: Ātmā được mật ong rồi, người bán mật có dâng đến Ātmā rồi, họ nguyện sẽ thành một vị hoàng đế trong Nam Thiện bộ châu (Jambūdvīpa). Cô tớ gái nghe nói như thế, bèn đem cái khăn dâng đến Đức Phật Độc giác, để lược mật ong, rồi nguyện cầu sẽ thành vị chánh hậu của hoàng đế đó.
Do sự phước thí và lời nguyện vọng của người bán mật và cô tớ gái đó, sau khi mạng chung rồi, cả hai đều được sanh trong cõi trời Đạo Lợi, ngự trong điện toàn bằng bảy báu, có ngọc nữ hầu hạ rất đông. Hưởng phước rất lâu, qua đến giáo pháp Đức Phật Thích Ca chúng ta đây, người bán mật giáng sanh làm vị đông cung tên Asokakumāra trong số 101 vị hoàng tử của đức vua Bindusāra tại kinh đô Pātaliputra. Sau khi vua cha thăng hà, đức đông cung lên làm hoàng đế trong châu Nam Diêm Phù Đề. Thưở Phật lịch được 218 năm, đức hoàng đế Asoka (A-dục vương) có thế lực rất lớn (do cái nghiệp lành bố thí của ngài đã tạo từ kiếp trước) thấu trên hư không một do tuần, dưới đất một do tuần, có Chư thiên từ núi Tuyết Sơn đem 16 thùng nước cùng các thứ trái cây quí, đến dâng mỗi ngày, đem y ngũ sắc, y màu vàng, vải để lau tay, cùng nước tự nhiên trên thiên cung, các vật thơm để tắm, dồi, thoa và thuốc để trị bịnh quí giá, từ cõi Long vương đến dâng; loài két tha lúa mọc tự nhiên trong ao Chadda 3.000 cỗ xe đến dâng mỗi ngày, v.v…
Về phần cô tớ gái, cũng giáng sanh làm vị chánh hậu của hoàng đế Asoka, tên là Asandhimittā, mấy chỗ khớp xương tay và chơn của bà bằng thẳng trong sạch, không rõ rệt như thường nhơn (trừ ra khi bà co vô), đó là nhờ việc phước mà bà đã tạo trong kiếp làm cô tớ gái gánh nước, chưn đi, tay chỉ người bán mật ong cho Đức Phật Độc giác.
Trong thuở bà hưởng ngôi chánh hậu, đức hoàng đế Asoka vào cung thấy bà đương dùng mía của Chư thiên đem dâng, miệng nhai mía mà vẻ mặt càng thêm tươi tốt, đức hoàng đế Asoka phán hỏi rằng: Hậu có biết mía của ai mà hậu dùng đó chăng? Bà tâu mía của hạ thần. Đức hoàng đế Asoka nghe rồi phán: Nhờ trẫm có nhiều phước báu, nên Chư thiên mới đem đến dâng cho. Chánh hậu tâu: Đó là phước của hạ thần, nào phải của hoàng thượng. Đức hoàng đế bất bình mà rằng: Nếu hậu nói là phước của hậu, vậy ngày mai này trẫm sẽ dâng phẩm thực đến 500 vị tỳ khưu tăng, hậu phải có đủ 500 bộ tam y cho trẫm dâng cúng, bằng không sẽ bị trẫm hành hình. Bà nghe đức hoàng đế phán như vậy bèn kinh hãi, vì đức vua không bao giờ nói chơi, nếu lo không đủ ngày mai ắt bị tội không sai. Tối đêm đó bà trằn trọc không an giấc, đến khuya nghe Chư thiên mách rằng: Bà đừng lo, sự bố thí cái khăn đến Đức Độc giác Phật để lược mật ong trong tiền kiếp của bà, nó sẽ đem sự an vui đến cho bà, bà hãy an giấc, sáng ra gần bên mình bà sẽ có cái hộp đựng y, trong đó bà muốn bao nhiêu cũng có đủ. Bà chánh hậu nghe Chư thiên mách bảo, bèn an giấc, sáng thức dậy thấy có cái hộp gần bên, kéo cái y này rồi, thì ra cái khác, bà biết rằng sẽ được như ý muốn. Đến giờ đức hoàng đế thỉnh 500 vị tỳ khưu tăng ngọ thực, bèn bảo chánh hậu đem y dâng cúng, bà bèn rút y trong hộp ra, hết cái này đến cái khác, dâng đều đủ mà cũng vẫn còn hoài không hết y. Đức hoàng đế thấy vậy mới rõ rằng bà là người đại phước, bèn gia tăng quyền tước thêm cho bà, rất yêu chuộng bà hơn khi trước.
Cả hai vị đức hoàng đế Asoka và bà chánh hậu Asandhimittā nhớ trong tiền kiếp đã có tâm tín thành, trong sạch làm việc bố thí, nên mới được thọ quả vui trong cõi trời và cõi người như đã giải.
(Giải thích này cho thiện tín dùng trí tuệ suy xét và ghi nhớ rằng: sự bố thí không luận là ít hay nhiều, chỉ vì tâm trong sạch hoan hỉ, thành kính cúng dâng, thì chắc được phước báu khó tưởng tượng được).
- Tích Jāṇusoṇi Brāhmaṇa
Bhante bho gotama kira: Đã có nghe như vầy:
Có một người Bà-la-môn tên là Jānusoṇi đến bạch hỏi Đức Phật như vầy: Chúng tôi lo làm các việc lành, nhứt là bố thí, trì giới rồi hồi hướng đến những quyến thuộc (cha mẹ, ông bà, v.v…) đã quá vãng, các quyến thuộc chúng tôi đó, đến thọ lãnh quả phước đó được chăng? Đức Phật đáp: Thāne kho athāne kho brāhmaṇa ‒ này người Bà-la-môn đáng được cũng có, không đáng được cũng có:
- Chúng sanh đã làm nghiệp dữ do thân, khẩu, ý, đến khi tan rã ngũ uẩn, thì phải đi thọ sanh trong địa ngục, chịu nhiều điều khổ não nặng nề, vì ác quả đó, nên không có thể đến thọ lãnh được phước của thân quyến hồi hướng cho.
- Chúng sanh đã làm tội do thân, khẩu, ý, sau khi mạng chung phải bị luân hồi làm cầm thú, có thực phẩm riêng theo loài của chúng nó, chúng nó cũng không thọ hưởng được phước của thân quyến hồi hướng cho.
- Chúng sanh không làm tội do thân, khẩu, ý, sau khi thác được sanh trong cõi trời, sẵn có thực phẩm tự nhiên, không cần thọ phần phước, thân quyến bố thí hồi hướng cho cũng không thành tựu.
- Chúng sanh đã làm tội bằng thân, khẩu, ý, sau khi quá vãng đầu thai trong loài ngạ quỉ, hằng chịu đói cơm, khát nước, phải đi lãnh phần phước, khi có thân quyến bố thí hiệp theo lẽ đạo, rồi hồi hướng cho, ngạ quỉ hoan hỉ thọ lãnh, vật thí đó biến thành thực phẩm, hưởng rồi được sự an vui, dứt khỏi đường ngạ quỉ, đi thọ sanh trong nhàn cảnh (cõi người và cõi trời).
Đức Phật vừa thuyết xong về cách đáng thọ lãnh cùng không đáng thọ lãnh, người Bà-la-môn bèn bạch hỏi thêm rằng: Nếu người đã làm phước hồi hướng mà các ngạ quỉ không được lãnh, cái phước đó trú nơi nào? Là của ai? Ai đem đi?
Đức Phật đáp rằng: Này người Bà-la-môn Ye sattā, chúng sanh nào còn bị xoay vần trong vòng luân hồi, thì không khỏi sa đọa trong đường ngạ quỉ, chúng sanh đó sẵn lòng hoan hỉ thọ lãnh phần phước, vì còn phải chuyển sanh nhiều đời nhiều kiếp, thì hằng luân hồi làm thân quyến cùng nhau, vô cùng vô tận kiếp… Nếu quả bố thí không thấu đến hạng ngạ quỉ, thì về phần thí chủ, vì thí chủ đã có tác ý trong sạch khi cho. Cớ ấy, thí chủ là người được hưởng quả lành trước hết tất cả ngạ quỉ. Lại nữa, những ngạ quỉ thọ lãnh phần phước là hàng ngạ quỉ Tubajivi, có tâm hoan hỉ trong việc phước, các hàng khác không có thể thọ lãnh được.
Về phần ngạ quỉ Paradattūpajīvī đáng thọ lãnh cũng phải hiệp theo 3 chi: 1) thí chủ phải dâng cúng đến tăng hoặc bậc tu hành trong sạch; 2) khi đã thí vừa rồi, cần phải chú tâm hồi hướng phần phước đến hàng ngạ quỉ; 3) ngạ quỉ phải hoan hỉ thọ lãnh phần phước đó.
Vấn: Phải hồi hướng trong lúc nào? Đáp: Ngay trong khi dâng cúng vừa rồi, nếu hồi hướng trong thời khác, không được kết quả, vì trong lúc đó hàng ngạ quỉ sẵn chờ để thọ lãnh, ví như những người nghèo đói đến xin ăn mà chủ không cho, khi họ bỏ ra đi khỏi, dầu có cho cũng không có người lãnh.
Lại nữa, bố thí đến người phá giới, giới không trong sạch, hoặc không giữ giới, cũng không được thành tựu đến ngạ quỉ. Vả lại, đã dâng cúng đến bậc có phẩm hạnh, có ngạ quỉ đến chờ, mà thí chủ không hồi hướng, thì hàng ngạ quỉ cũng không có thể thọ được, như trong tích ngạ quỉ quyến thuộc của đức vua Bimbisāra (Tần-Bà-Sa), ngài đã dâng cúng đến chư tăng. Trong ngày đầu mà quên hồi hướng, quả phước cũng không thành tựu đến ngạ quỉ được. Qua ngày thứ nhì, được nghe Đức Phật giảng thuyết xong, bố thí thêm, rồi hồi hướng, các hàng ngạ quỉ mới hoan hỉ thọ lãnh được.
Trích dịch trên đây cho thiện tín suy xét để làm phước đến những quyến thuộc đã quá vãng, cho đúng theo lời Phật dạy, hầu được thành tựu đến hàng ngạ quỉ.
Sự bố thí có hai phép nữa là: cho bằng cách tế độ (saṅgahavasena), cho bằng cách cúng dường (pūjāvasena).
Cho bằng cách tế độ, là cho đến kẻ nghèo hèn, đói khát, không nơi nương tựa, hoặc người mang bịnh tật, hoặc loài cầm thú, do lòng thương xót, mong giúp người trong cơn tai nạn. Người cho đến cầm thú hằng được quả báo 100 kiếp nghĩa là: được sống lâu, có sắc đẹp, được sự yên vui, có sức mạnh, có trí tuệ. Năm quả báo đó hằng phát sanh đến thí chủ trong mỗi kiếp. Cho đến người phá giới, không có giới được quả báo đó trong 10.000 kiếp. Cho đến người có giới được quả báo 1.000.000 v.v…
Cho bằng cách cúng dường, nghĩa là cung cấp, phụng dưỡng mẹ cha, ông bà, ông thầy có thi ân đức đến mình, hoặc dâng cúng đến các bậc sa-môn, bà-la-môn tu hành chơn chánh, đến người trì giới trong sạch, đều gọi là cúng dường cả.
Vấn: Cho bằng cách cúng dường và tế độ cách nào phước nhiều hơn? Đáp: Cách cúng dường được phước nhiều hơn vô số kể.
Vấn: Cái chi là vật thí? Đáp: Của cải, nhứt là cơm, nước, y phục là vật thí, tác ý tính dứt của ra (cāga) là nhân, đem cho (dāna) là quả.
Vấn: Bố thí được quả báo thế nào? Đáp: Được hai quả báo, trong kiếp này và trong đời sau.
Phật có giải cho đức Đế Thích (Kosiya amarindrādhirāja) nghe rằng: Sabbadānaṃ dhammadānaṃ jināti sabbarasaṃ dhammaraso jināti sabbaratiṃ dhammarati jināti taṇhakkhayo sabbadukkhaṃ jināti. Nghĩa: Pháp thí thắng tất cả sự thí, vị của pháp thắng tất cả vị, ưa thích pháp thắng tất cả sự ưa thích, dứt lòng tham muốn thắng tất cả thống khổ.
Lời chú giải: Nếu người dâng cúng y quí giá, đến Đức Phật Toàn giác, đức Độc giác Phật và chư A-la-hán, hội họp nhau đông đúc, ngồi kề nhau đầy đủ trong khắp cả thế giới, cho đến cõi trời Phạm thiên, quả báu của sự bố thí đó, cũng không sánh bằng pháp sư thuyết 4 câu kệ. Sự thí y đó không bằng một phần kệ ngôn mà người chia ra 16 phần, rồi lấy mỗi phần chia ra 16 phần nữa. Sự thuyết pháp hoặc dạy pháp hoặc nghe pháp là điều cao thượng như thế. Người nào làm đầu dắt dẫn trong sự nghe pháp, thì được quả báu rất nhiều, vô số kể, không sai. Pháp thí, dầu chỉ có tâm hoan hỉ theo 4 câu kệ cũng còn quí trọng hơn tài thí mà người đem thực phẩm quí giá để đầy trong bát dâng đến bậc A-la-hán, hơn thí thuốc (sữa, dầu…), hơn thí chỗ ngụ (nhà, tịnh thất, chùa…) như ông triệu phú gia Cấp Cô Độc, đã tạo Bố Kim tự dâng đến chư tăng có Đức Phật tọa chủ. Cớ sao? Vì người làm phước như thế, chỉ mong được nghe pháp, nếu không, cũng không làm. Lẽ thật là, nếu chúng sanh không được nghe pháp, dầu là một muỗng cháo, một giá cơm cũng không có thể thí được, cho nên gọi pháp thí là cao thượng hơn tất cả sự thí.
Lại nữa, trừ ra Đức Phật Toàn giác và Độc giác, tất cả chư tỳ khưu, nhứt là Đại đức Xá-Lợi-Phất (Sārīputta) có nhiều trí tuệ, có thể đếm giọt mưa từ trên hư không rớt xuống trong một kiếp, mà cũng không chứng đạo quả được; nhờ nghe pháp của Đại đức Assaji rồi mới đắc Tu-đà-huờn quả, sau khi nghe thêm pháp của Đức Phật mới chứng đắc A-la-hán quả. Cớ ấy, Đức Thế Tôn giải rằng: Pháp thí thắng tất cả sự thí.
Lại nữa, dầu là những vị thực phẩm rất quí của Chư thiên, cũng đều là cái duyên dắt dẫn chúng sanh say đắm trong đường sanh tử, phải chịu nhiều điều khổ não thôi.
Về phần vị của pháp, như 37 pháp bồ đề (Bodhipakkhīyadharma) hoặc 9 pháp thánh đều là quí trọng hơn cả. Nhơn đó Đức Thế Tôn thuyết rằng: Vị của pháp thắng tất cả vị.
Sự ưa thích nhiều lẽ, như ưa thích vợ con, ưa thích gái đẹp, trai xinh, ưa thích đờn kèn, uyển sáo v.v… Các sự ưa thích đó đều là cái duyên níu kéo chúng sanh trong nẻo luân hồi, phải mang quả khổ vô cùng vô tận. Trái lại, sự ưa thích phát sanh trong tâm của pháp sư, hoặc trong người nghe pháp, làm cho thân tâm bay bổng, cả châu thân nhẹ nhàng, mát mẻ, cả mình mọc óc cũng có, sự ưa thích đó tức là điều phỉ lạc, có thể đem người ra khỏi vòng sanh tử được; ưa thích như thế gọi là quí trọng hơn tất cả sự ưa thích, cho nên Đức Phật giải rằng: Sự ưa thích trong pháp, thắng tất cả sự ưa thích.
Lại nữa, chư vị A-la-hán gọi là cao quí hơn cả, vì không còn phải chịu mang khổ luân hồi nữa, lẽ đó Đức Thế Tôn mới thuyết: Sự dứt bỏ lòng ham muốn, thắng tất cả khổ não.
Thí pháp chia ra có hai phần nữa là:
- Thí pháp ở trong đời (Lokiya dhammadāna), là thuyết pháp chỉ dạy con đường người và trời thì được phước ít, vì là pháp dắt dẫn chúng sanh xoay vần trong biển khổ.
- Thí pháp ra khỏi đời (Lokuttaradhammadāna) là thuyết về ba cái tướng (Trayalakkhaṇa) cho chúng sanh thấy rõ đời là vô thường (aniccaṃ), khổ não (dukkhaṃ), vô ngã (anattā), nhứt là cái thân ngũ uẩn, sanh ra rồi phải già, bịnh, chết, chẳng có một ai tránh khỏi cái khổ ấy được, hoặc giảng về pháp Tứ diệu đế: khổ đế (có cái thân này là khổ), tập đế (tâm ham muốn là nguyên nhân sanh ra các sự khổ), diệt đế (dứt cái lòng ham muốn để đến Niết-bàn là nơi hết khổ), đạo đế (là con đường đi đến nơi hết khổ, tức là Bát chánh đạo). Thí pháp như thế, được vô lượng vô biên.
Giải rằng: Người nghe cần phải hết lòng thành kính mà nghe, nghe rồi phải tìm hiểu bằng trí tuệ chơn chánh để thật hành theo, như thế mới gọi là hữu ích.
Vấn: Cái chi gọi là pháp? Đáp: Trí tuệ chánh kiến gọi là pháp.
Vấn: Trí tuệ chánh kiến nói về cái chi? Đáp: Là trí tuệ hiểu biết đúng đắn, tin chắc rằng cái nghiệp lành hoặc dữ mà mình đã tạo, nó là của mình, mình phải chịu ảnh hưởng của các nghiệp đó. Nghĩa là: Nếu đã làm lành thì sẽ hưởng quả vui, làm dữ thì sẽ mang quả khổ, vui hoặc khổ cũng do nơi mình, chẳng có một ai xuống phước hay là cho tội được cả.
Lại nữa, thí chủ đừng vì lòng ham muốn mà cho, nghĩa là đừng mong sẽ được tái sanh làm người cao sang quyền thế hoặc được thọ sanh trong cõi trời, chỉ phải cầu nguyện ra khỏi vô minh, ái dục là điều ô nhiễm buộc trói chúng sanh dính mắc trong sông mê biển khổ, vô cùng vô tận. Cho nên trong khi bố thí, hãy nên chú tâm nguyện rằng: Idaṃ vata me dānaṃ āsavakkhayāvahaṃ hotu anāgate.
Xin cho phước thí mà tôi đã trong sạch làm đây, hãy là món duyên lành, để dứt khỏi điều ô nhiễm ngủ ngầm trong tâm, trong ngày vị lai.
(Chư thiện tín nên suy xét theo chơn lý để tìm làm việc thí pháp cho thường và nhớ câu phát nguyện giải thoát trên đây, ngõ hầu mau được dứt khỏi các điều thống khổ).
Sambahulā kira samuddavānijā nāvāya samuddaṃ pakkhandiṃsu.
Được nghe rằng: Có đoàn người buôn biển đem nhau xuống thuyền đi ra biển, buồm gặp gió, ghe lướt tới, mau như tên bắn. Được 7 ngày bị trận bão ở giữa biển, gió to song lớn, thuyền hư, nước vào gần đầy. Khi chiếc thuyền gần chìm, phần đông người đều khấn vái Chư thiên, mong cầu cứu vớt, rồi chỉ la khóc mà chịu. Có một người suy nghĩ: Trong lúc kinh hãi này, ta có nơi nào nương tựa chăng? Liền nhớ đến trước khi ra đi, ta đã có thọ qui giới trong sạch, bèn ngồi bán già ở giữa đám đông người đó, ví như hành giả ngồi công phu thiền định, kẻ khác trông thấy tìm hỏi cái nhân không lo sợ đó. Người nọ đáp: Này các anh! Trong ngày xuống thuyền đi đây, tôi được dâng cúng đến chư tăng, đã có thọ giới hoàn toàn, nên tôi mới không lo sợ. Các người kia bèn hỏi: Thưa ông qui và giới đó dâng đến người khác được chăng? Đáp: Cũng đáng vậy.
‒ Vậy xin ông từ bi cho đến chúng tôi với.
Người đó bèn chia ra làm 7 đoàn, mỗi đoàn 100 người, rồi đọc qui giới cho tất cả người đó thọ trì. Đoàn thứ nhứt thọ trì qui giới trong khi nước ngập đến chưn; đoàn thứ nhì nước đến đầu gối; đoàn thứ ba nước đến háng; đoàn thứ tư nước đến rún; đoàn thứ năm nước đến ngực; đoàn thứ sáu nước đến vai; đoàn thứ bảy nước sắp vào miệng. Khi cho qui giới đều đủ rồi, người đó bố cáo lên rằng: Ngoài qui giới ra các anh chẳng có cái chi làm nơi nương dựa đâu, chỉ phải nên niệm tưởng đến qui giới đi. Cả thảy 700 người phải thác trong nơi giữa biển, đều được thọ sanh trong cõi trời Đạo Lợi, vì nhờ được thọ trì qui giới trong lúc sắp mạng chung, các cung điện liền phát sanh lên cho Chư thiên đó. Điện cao 100 do tuần cho vị trời Acarya ở chính giữa, các điện Chư thiên kia, thấp hơn hết bề cao 12 do tuần. Tất cả Chư thiên, đều nhớ tưởng tìm xét về nguyên nhân đi thọ sanh, liền hiểu rằng: Cái phước mà ta được đây, đều nhờ nơi ông thầy dắt dẫn, rồi đồng nhau xuống đảnh lễ Phật, để tỏ lời ngợi khen công đức của ông thầy, tích này có giải trong kinh Devāsaṃyutta.
Tiếp theo tích trên đây, trong quyển Pāli sabbhisūtra devatāsaṃyutta, rút trong kinh Saṃyuttaṇikāyā có giải rằng: Chư thiên đó có hào quang chói lòa, làm cho trọn cả Kỳ Viên sáng ngời, rực rỡ, trong giữa đêm vào đảnh lễ Phật, rồi đứng nơi phải lẽ. Vị trời thứ nhứt bạch với Đức Phật bằng kệ ngôn rằng: Sabbhireva samāsetha sabbhi kubbetha santhavaṃ sataṃ saddhammamaññāya seyyo hoti na pāpiyo ‒ Người nên ngồi chung với bực thiện trí thức, nên có sự ưa thích chung với các bậc thiện thí thức, sự tốt lành tiến hóa sẽ đến người đó, không có sự xấu xa xảy đến đâu, vì người đó được biết rõ các pháp, tức là ngũ giới của các bậc thiện trí thức.
Vị trời thứ nhì đọc tiếp bài kệ này trước Đức Phật: Sabbhireva samāsetha sabbhi kubbetha santhavaṃ sataṃ saddhammamaññāya paññaṃ labhati nāññato ‒ Người nên ngồi chung với bậc thiện trí thức, nên có sự ưa thích chung với bậc thiện trí thức, người đó hằng có trí tuệ, vì được rõ các pháp, tức là ngũ giới của các bậc thiện trí thức, chẳng phải được nơi người khác đâu.
Vì trời thứ ba đọc bài kệ này: Sabbhireva samāsetha sabbhi kubbetha santhavaṃ sataṃ saddhammamaññāya sokamajjhe na socati ‒ Người nên ngồi chung với các bậc thiện trí thức, nên có sự ưa thích chung với bậc thiện trí thức người đó hằng không buồn rầu, trong giữa hạng người có sự buồn rầu, vì được biết rõ các pháp, tức là ngũ giới của các bậc thiện trí thức.
Vị trời thứ tư có đọc bài kệ này: Sabbhireva samāsetha sabbhi kubbetha santhavaṃ sataṃ saddhammamaññāya ñātimajjhe virocati ‒ Người nên ngồi chung với bậc thiện trí thức, nên có sự ưa thích chung với bậc thiện trí thức, người đó hằng có sự phát đạt trong giữa hàng quyến thuộc vì được biết rõ các pháp, tức là ngũ giới của bậc thiện trí thức.
Vị trời thứ năm có đọc bài kệ này: Sabbhireva samāsetha sabbhi kubbetha santhavaṃ sataṃ saddhammamaññāya sattā gachanti sugatiṃ ‒ Người nên ngồi chung với bậc thiện trí thức, nên có sự ưa thích chung với bậc thiện trí thức, chúng sanh được biết rõ các pháp tức là ngũ giới của các bậc thiện trí thức, thì hằng đi đến nơi nhàn cảnh.
Vị trời thứ sáu có đọc bài kệ này: Sabbhireva samāsetha sabbhi kubbetha santhavaṃ sataṃ saddhammamaññāya sattā tiṭṭhanti sātataṃ ‒ Người nên ngồi chung với bậc thiện trí thức, nên có sự ưa thích chung với bậc thiện trí thức, chúng sanh được biết rõ các pháp, tức là ngũ giới của các bậc thiện trí thức, rồi hằng được yên vui lâu dài.
Kế tiếp có vị trời khác bạch hỏi Đức Thế Tôn, cầu Ngài từ bi giải rõ trong các lời chúng tôi đó, lời nào thanh nhã hơn.
Phật đáp: Tất cả lời của các ngươi đều là lời thanh nhã hết, tùy theo cách điệu, nhưng các ngươi chờ nghe, xem lời Như Lai một lần, rồi Ngài ngâm kệ rằng: Sabbhireva samāsetha sabbhi kubbetha santhavaṃ sataṃ saddhammamaññāya sabbadukkhā pamuñcati ‒ Người nên ngồi chung với bậc thiện trí thức, nên ưa thích chung với bậc thiện trí thức, người được biết rõ các pháp tức là ngũ giới của các bậc thiện trí thức rồi hằng được thoát khỏi tất cả thống khổ.
Lại, trong trung giác thời (majjhimabodhikāla), Đức Phật ngự tại quận Pātali, Ngài có giải về 5 quả báo của ngũ giới, ở giữa phần đông thiện tín trong quận Pātali đó (kinh Mahāparinibbānasūtra dīghanikāya mahāvagga) rằng: Pañcime gahapatayo ānisañsā sīlavato sīlasampadāya ‒ Này các ông trưởng giả! Quả báo của người trì giới, có giới đều đủ có 5 là: 1) hằng được nhiều của cải, vì nguyên nhân không dể duôi; 2) hằng có danh thơm tiếng tốt đồn đến khắp nơi; 3) dầu là đến nơi hội hợp, có vua hoặc bà-la-môn, hoặc phú trưởng giả, hoặc sa-môn, cũng hằng được dạn dĩ, tươi tỉnh, không e sợ chút nào; 4) không lầm lạc, mê loạn trong giờ mạng chung; 5) khi tan rã ngũ uẩn, hằng đi thọ sanh trong cõi vui.
(Chư thiện tín nên suy xét về quả phước của sự trì giới trên đây, hầu thành tâm hoan hỉ trong phép thọ trì giới cho trong sạch để hưởng quả vui trong kiếp này và trong đời vị lai).
Niệm Phật là để lòng ghi nhớ danh hiệu Phật[42], không tưởng nghĩ đến sự chi khác, chỉ thâu nhiếp cái vọng tâm đừng cho năm phép cái[43] ám muội, mà đèn tâm phải lu mờ, không nảy sanh cái thắng lực của chánh định được.
Bởi chưng cái tâm hằng bị năm phép cái làm cho nó phải lay động, khó nổi an trú trong cảnh giới thiền định, nên không nhớ việc nào được đúng đắn, không thấu việc chi được rõ rệt, ví như nước hằng xao động vì gió, nên xem chẳng bao giờ thấy được tỏ rõ.
Phép niệm Phật là phép thâu tâm, gom ý cho yên lặng, vững vàng không cho duyên theo ngũ trần, lục dục, để lần lần bước vào con đường chánh định, là đường sẽ dắt dẫn ta ra khỏi vòng sanh tử luân hồi.
Niệm Phật giờ khắc nào cũng được, song ở chốn đô hội, ban ngày không yên tịnh, khó cho tâm an trú, chỉ có ban đêm thanh vắng mới tiện bề cho hành giả công phu. Ban đêm lúc nào niệm Phật cũng được, nhứt là mấy giờ sau đây: đầu hôm, sau thời tụng kinh tối. như trong mình mệt mỏi thì ngồi niệm 5, 10 phút đồng hồ, rồi nằm niệm cho đến khi ngủ quên; lúc canh tư, canh năm, khoảng 3, 4, 5 giờ sáng (sau khi nghỉ một giấc đã khỏe).
Khi ngồi niệm Phật, trước hết:
- Phải suy xét 10 tội ngũ trần như lời Phật giải sau đây:
- Ngũ trần ví như khúc xương bỏ rơi trên đất. Người sa mê ngũ trần cũng như con chó gặm khúc xương ấy, nó chỉ liếm lấy nước miếng nó, đã chẳng được sự lợi ích mà còn thêm mệt sức.
- Ngũ trần ví như miếng thịt thúi, người sa mê ngũ trần cũng như bầy quạ đậu trên thây ma trôi từ trong sông ra biển khơi. Bầy quạ đậu trên thây ma, có thịt ăn, nước uống; mải mê theo sự ăn uống không quan tâm sự hại sẽ tới, khi cái thây ma bên dưới bị nước biển đánh rã, trên thì quạ ăn hết thịt chỉ còn lại bộ xương. Bộ xương nặng chìm xuống đáy biển, bầy quạ bây giờ giựt mình dòm lại thì ô hô! Nào thấy bờ bực là đâu, chỉ bay chơi vơi chốc lát, rồi cũng phải theo số phận bộ xương mà sa xuống biển làm mồi cho con cá.
- Ngũ trần ví như cây đuốc rơm, người sa mê ngũ trần cũng như kẻ cầm cây đuốc rơm đang cháy mà đi ngược gió, bị lửa táp cháy tay mà không chịu rời cây đuốc ra, thật rất khổ sở.
- Ngũ trần ví như lò lửa đang cháy, người sa mê ngũ trần cũng như kẻ bị té vào lò lửa, phải bị phỏng mình, cháy da đau đơn vô cùng.
- Ngũ trần ví như giấc mộng bởi nó hằng biến đổi vô thường.
- Ngũ trần ví như vật mượn của người, bởi vật mượn của người nên không dùng được lâu dài.
- Ngũ trần ví như trái cây có chất độc, người sa mê ngũ trần cũng như kẻ ăn lầm trái độc phải bị chất độc hành đau đớn vô cùng.
- Ngũ trần ví như dao với thớt, bởi dao bằm xuống thớt lâu ngày, cả dao và thớt đều bị mòn và sứt mẻ. Người sa mê ngũ trần cũng như kẻ bị phạm khí giới, mỗi ngày đau đớn không xiết kể.
- Ngũ trần ví như kim và lao, bởi dùng nó có ngày phải lụy vì nó. Người sa mê ngũ trần như kẻ bị thương tích nặng, nếu không đến nỗi thác thì cũng đau khổ, rên xiết như trong cơn hấp hối.
- Ngũ trần ví như đầu con rắn độc, người sa mê ngũ trần cũng như kẻ bị rắn cắn, nếu không thiệt mạng thì cũng bị nọc hành nhức nhối không xiết kể.
Người sa mê ngũ trần hằng chịu tiếng xấu xa là kẻ thấp hèn. Ngũ trần là phép để cho kẻ thấp hèn lợi dụng. Ngũ trần ví như phẩn để cho dòi đục, như nước thúi để cho heo tẩm. Suy xét như vậy thì thấy rõ ngũ uẩn chỉ có lợi rất ít, mà điều khổ lại nhiều. Chẳng nên quyến luyến và phải đem cả tinh thần nghị lực để đạt đến bực nhập định.
- Phải tham cứu ba đề mục thiền định là:
- Niệm tâm đại từ: nguyện cho Chư thiên, các gia quyến và tất cả chúng sanh ở chung quanh ta đều được an vui, chẳng có sự chi khổ não cả.
- Niệm sự tử: “ta sẽ chết, chắc như vậy, hoặc là sự chết sẽ đến cho ta chẳng sai”.
- Niệm sự dơ nhớp: tử thi (xác chết).
Niệm tâm đại từ để trừ lòng sân hận, niệm sự tử để tránh khỏi tà mạng và tu hành được tinh tấn, niệm sự dơ nhớp để trừ xan tham.
Trong ba đề mục trên đây, ta nên lựa một đề mục nào tùy sở thích đặng niệm mỗi ngày (độ 10 phút đồng hồ) trước khi niệm Phật, hầu cho nó thâm nhập vô tâm, cho ta lần lần có đức từ bi, cùng cho ta thấy rõ lý vô thường và lần lần hết ưa mến và tưng trọng cái thân tứ đại giả hiệp mà phải bị ngũ trần lôi cuốn.
- Cách niệm phật
Niệm Phật phải lựa 1 trong 10 hiệu Phật (coi nơi chỗ kinh tụng) mà niệm trong tâm, niệm hiệu nào phải hiểu nghĩa nấy cho rõ rệt. Muốn niệm cả 10 hiệu Phật liên tiếp nhau cũng tốt vậy. Thí dụ: “Á-rá-hăn”… Tâm niệm, trí phải nhớ nghĩa hiệu ấy như vầy: “Đức Thế Tôn hiệu Á-rá-hăn vì Ngài đã xa lìa các tội lỗi, và tiền khiên tật rồi nên thân và khẩu của Ngài đều được trọn lành. Ngài đáng cho chúng sanh lễ bái cúng dường và Ngài không khuất lấp làm việc tội lỗi”. Hành giả nhớ niệm đức của Phật, tâm sẽ dần dần xa lìa phiền não, an trú theo đức của Phật và luôn cả năm phép cái là: tham sắc, oán giận, hôn trầm, phóng tâm, hoài nghi, cũng do đó mà êm lặng. Trước hết tập niệm độ nửa giờ rồi lần lần tăng lên một, hai giờ (lâu chừng nào càng tốt).
Hành giả chánh niệm[44] được tinh tấn thì triệu chứng ‘tầm, sát, hỉ’ sẽ lần lần phát sanh, làm cho thân tâm không còn quyến luyến theo thế sự, tâm của hành giả sẽ khắng khít theo hiệu Phật mà vào bậc ‘gần nhập định’.
Triệu chứng tức là năm cách vui vẻ phát sanh ra trong mình sau này: cách no vui: da thịt đều nổi óc, như thấy trời chớp hoặc ánh sáng, như sóng tát vào mình, rất khoái lạc trong tâm thân có thể bay bổng trên hư không, Mát lạnh và nhẹ nhàng cả thân tâm. Nếu có năm cách no vui nói trên đây, thì hành giả được gần vào bậc sơ định.
- Chỗ ngồi niệm Phật
Hoặc trước bàn Phật, hoặc dưới cội cây, hoặc trong một căn phòng vắng vẻ và có thanh khí, hoặc tại nơi chỗ nghỉ riêng của hành giả.
- Cách ngồi niệm Phật
Cách nào cũng được, cốt yếu là ngồi sao cho thong thả thân mình và tay chơn. Trong các cách ngồi, chỉ có ngồi bán già và kiết già là được bền lâu hơn hết.
Ngồi bán già thì chơn mặt để trên chơn trái, bàn tay mặt lật ngửa để trên bàn tay trái. Thân mình cho ngay thẳng tự nhiên, đừng cho sụm xuống, để cho hơi thở điều hòa. Đầu đừng ngước lên cùng dòm xuống quá, thì khỏi mỏi cổ. Ngồi niệm Phật phải nhắm mắt cho khỏi hao thần và phải tắt đèn. Như không ngồi trước bàn Phật thì nên day mặt về hướng đông là hướng có sanh khí.
Khi mỏi, có thể nằm mà niệm Phật, nằm nghiêng phía tay mặt thì tốt. Đầu gác trên tay mặt cho lỗ tai khỏi bị gối bít thì không mê. Mình cho ngay thẳng, tay trái để xuôi theo hông, hai chơn cũng phải cho ngay thẳng, chơn trái trên chơn mặt.
Ngồi kiết già thì chơn mặt gác trên chơn trái, rồi kéo chơn trái để tréo trên chơn mặt cho hai bàn chơn lật ngửa lên. Tay và thân mình giữ y như cách ngồi bán già.
- Tóm tắt về cách niệm Phật
Sau khi tụng kinh buổi tối rồi, hoặc khi thức giấc đặng niệm Phật tham thiền, phải chõi hỏi, súc miệng rửa mặt rồi đi ngay lại chỗ mình định trước đặng ngồi niệm Phật. (Trước khi niệm Phật nên đốt ba cây hương, lạy Phật ba lạy càng tốt).
- Ngồi bán già hay kiết già cho ngay thẳng tự nhiên chắp tay lạy xá một xá, niệm “nam mô Phật”; một xá thứ hai niệm “nam mô Pháp”; một xá thứ ba niệm “nam mô Tăng”.
- Xong rồi sửa mình và tay lại cho thong thả, rồi suy xét về 10 tội ngũ trần.
- Kế đó lựa một trong ba đề mục thiền định mà niệm. Thí dụ: Tôi cầu cho Chư thiên cùng gia quyến và tất cả chúng sanh ở chung quanh tôi đều được sự an vui, chẳng có sự khổ não chi cả.
Đồng thời lấy ý tưởng rải đều đủ 10 hướng theo kinh từ bi cho đến khi thấy tất cả chúng sanh đều được yên vui, không có khổ rồi sẽ niệm Phật.
Trong khi niệm, như có thấy triệu chứng phát hiện thì hành giả chớ nên sợ hoặc vui mừng cùng để ý xem triệu chứng ấy, chỉ phải chủ tâm niệm hiệu Phật cho khắng khít đừng cho gián đoạn. Hành giả cũng chẳng nên để ý trông cho triệu chứng phát sanh. Nếu để ý trông thì làm cho triệu chứng tiêu tan hoặc trở thành tà niệm.
Nếu có cảnh nào phát sanh ra khác hẳn với năm cách no vui đã giải nơi trương trước thì phải biết ấy là Ma vương. Như ai lâm vào cảnh ấy thì cũng chẳng nên sợ sệt, phải lấy ý tưởng quyết định cho cảnh ấy là giả, là tà, thì tự nhiên cảnh ấy biến mất.
Nếu ai chánh niệm được tinh tấn thì triệu chứng mau phát sanh, và khi có triệu chứng phát sanh, hành giả ngồi bao lâu cũng không mỏi mệt; trái lại cả tinh thần và thân thể đều được thơ thới, khỏe khoắn tươi tỉnh khác thường, trí tuệ sẽ do đó mà phát sanh.
Chánh định là phương pháp tối cao để thâu nhiếp cái vọng tâm an trú vào một cảnh giới lành, dẹp vọng tưởng, gom cả lục căn cho yên lặng, ấy là nguyên nhân phát sanh trí tuệ.
Sự thâu nhiếp cái tâm buộc vào một chỗ, cần phải nương theo phép chỉ quán[45] và phép minh sát[46]. Nhưng buộc vào hai phép ấy thì cái tâm thường hay loạn động, vọng chuyền. Tuy nhiên, hành giả chẳng nên vì đó mà thối chí, ngã lòng; chỉ phải nhứt tâm tinh tấn, buộc chặt nó vào đề mục chánh định cho đến khi nó an trú, thì sự giải thoát ở ngay trước mắt.
Chỉ vì năm pháp cái ngăn trở một cách mãnh liệt, nên cái thắng lực của thiền định không phát triển ra được, nếu hành giả không trì chí thì công phu phải dở dang, đạo tâm phải thối chuyển đến đổi bán đồ nhi phế và xu hướng theo thiên ma ngoại đạo mà tự mình không ngờ.
Năm pháp cái ấy là một sự trở ngại rất lớn lao cho bước đường xu hướng bồ đề. Năm pháp cái là: 1)tham muốn (kāmācchanda) là lòng ưa thích, quyến luyến, ngũ dục (sắc, thinh, hương, vị, xúc); 2)oán giận (byāpāda) là lòng hờn giận muốn làm hại người; 3) hôn trầm (thīnamiddha) làm sự tối tăm trầm trệ, biếng nhác, buồn ngủ; 4) phóng tâm (uddhaca kukkucca) là cái tâm hay vọng tưởng, không yên tịnh; 5) hoài nghi (vicikicchā) lòng không tin chắc, dụ dự không quyết định.
Nếu biết năm pháp cái ấy mà không rõ nguyên nhân của nó cũng khó diệt trừ được, không khác nào muốn phá giặc mà chẳng biết chỗ đồn binh của giặc, thì chẳng bao giờ đánh tan quân nghịch đặng.
Nguyên nhân năm pháp cái là: 1) sự thấy sắc mà cho là xinh đẹp, là nhân sanh tham dục; 2) sự thấy cảnh nghịch mà cố giận, là nhân sanh oán hận; 3) sự không vui, lười biếng, không thay đổi oai nghi, ham ăn và giải đãi là nhân sanh hôn trầm; 4) lòng không an tịnh, là nhân sanh phóng tâm; 5)sự không xem xét và ghi nhớ, là nhân sanh hoài nghi.
- Đối trị
– Trừ tham dục có sáu phép: 1) phải học phép thiền định về vật bất tịnh[47]; 2) phải chăm chỉ tưởng nhớ vật bất tịnh; 3) phải thu thúc lục căn; 4) phải tiết chế sự ăn uống; 5) phải năng thân cận cùng bậc thiện trí thức; 6) phải hằng nói lời dịu ngọt.
– Trừ oán hận có sáu phép: 1) phải học đề mục thiền định về lòng bác ái[48]; 2) phải cố gắng niệm đề mục thiền định bác ái; 3) phải xem cho thấy rõ tất cả chúng sanh đều có nghiệp báo riêng[49]; 4) phải tinh tấn xem xét cho thường mấy điều kể trên; 5) phải năng thân cận cùng bậc thiện trí thức; 6) phải hằng nói lời dịu ngọt.
– Trừ hôn trầm có sáu phép: 1) phải ghi nhớ và xem xét sự ăn uống không cho quá độ; 2) phải thay đổi oai nghi cho vừa được an vui; 3) phải ghi nhớ tìm xem ánh sáng; 4) phải ở nơi khoảng khoát; 5)phải năng thân cận cùng bậc thiện trí thức; 6) phải hằng nói lời dịu ngọt.
– Trừ phóng tâm có sáu phép: 1) phải thông hiểu kinh luật cho nhiều; 2) phải siêng năng học hỏi điều phải, lẽ quấy; 3) phải thuộc nằm lòng giới luật; 4) phải xu hướng theo bực lão thành, nhứt là đại đức tỳ khưu; 5) phải năng thân cận cùng bậc thiện trí thức; 6) phải hằng nói lời dịu ngọt.
– Trừ hoài nghi có sáu phép: 1) Phải thông hiểu kinh luật cho nhiều; 2) Phải siêng năng học hỏi điều phải, lẽ quấy; 3) Phải học thuộc nằm lòng giới luật; 4) Phải có đức tin cho nhiều; 5) Phải năng thân cận cùng bậc thiện trí thức; 6) Phải hằng nói lời dịu ngọt.
Thiền định là cái thể trạng của tâm lành an trú trong một cảnh giới, nếu cảnh giới tham luyến trong ba cõi (cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc) thì gọi là phàm định. Nếu cảnh giới ấy nương theo thánh đạo thì gọi là thánh định.
Còn nhiều thứ thiền định, nhưng đây không thể giải ra cho hết vì phạm vi sách này eo hẹp, xin xem Pháp chánh định.
Những hành giả muốn học phép thiền định trước hết phải nghiêm trì giới luật, bởi ‘giới năng sanh định, định năng phát tuệ’. Phải tìm một vị thiền sư là một bậc thiện trí thức để học hỏi cho thông thuộc 40 đề mục thiền định, rồi lựa lấy một đề mục cho hạp theo tính nết mình mà hành. Phải lánh xa chỗ nghịch, tìm ở cảnh thuận, xong rồi chủ tâm niệm tưởng đề mục thiền định, y theo chánh pháp[50].
- Giải về tích niệm Phật, tham thiền (Parinibbute Bhagavati)
Giải rằng: Sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn (Parinibbute Bhagavati) đức hoàng đế Ajātasastrū (A-Xà-Thế vương) thỉnh xá lỵ được rồi, tạo thánh tháp, hành đại lễ mai táng, để sùng bái cúng dường.
“Ekā upasikā”. Thuở ấy, có cô tín nữ ở trong kinh đô Rajariha (Vương Xá thành) tính đến lễ bái xá lỵ; sáng sớm tắm rửa sạch sẽ, cầm 4 cành hoa mướp đi cúng thánh tháp thành tâm tưởng Phật, không để ý xem chừng điều rủi ro theo đường đi. Lúc đó có bò cái dắt con kiếm ăn bên đường, vụt chạy báng nhằm cô tín nữ cách mau lẹ, cô bất ngờ nên phải bị hại. Nhờ cô không xao lãng, nhứt tâm niệm tưởng đến Đức Phật, nên mới được sanh trong cõi trời Đạo Lợi.
Trong khi đó, Đức Đế Thích ngự đi giải muộn đến vườn hoa, có các ngọc nữ tùy tùng, Ngài bèn phán hỏi: Này nàng thiên nữ có sắc đẹp và y phục sáng rỡ như vàng ròng, nét mặt tròn, tươi ánh như trăng rằm, có đủ sự trang sức chói lọi, khắp cả châu thân, cho đến cung điện, chỗ nằm, nơi ngồi cũng đều có sắc vàng rực rỡ. Này cô thiên nữ, sắc mặt nghiêm trang trong sạch, trong kiếp nàng ở cõi người, nàng đã tạo nghiệp lành chi, mà nay được lên cõi này hưởng đều đủ sự cao sang như vậy? Cái quả lành đó do đâu mà có? Trẫm mong mỏi được biết phần phước của nàng, vậy nàng hãy tỏ cho trẫm nghe? Vị thiên nữ đó, bèn tâu bày tất cả nghiệp lành mà mình đã tạo trong cõi người cho Đức Đế Thích nghe rằng: Tâu hoàng thượng, tôi chỉ có đem 4 cành hoa mướp đi cúng dường thánh tháp có táng xá lỵ Đức Thế Tôn, tâm tôi trong sạch, thành kính niệm tưởng Đức Phật, không dè bị bò cái báng nhầm, phải thác nơi giữa đường, nên mới được sanh trong đền của Bệ hạ, nhờ tôi chú tâm niệm Phật, song cũng chưa đi đến tận nơi, mà cũng được quả báo như vầy; nếu tôi đi đến tận nơi cúng dường thánh tháp, ắt sẽ được hạnh phúc quí trọng hơn đầy đủ hơn. Tâu Hoàng thượng, tôi được làm bạn với các thiên nữ, trong đền của Hoàng thượng đây là do cái nghiệp lành đem hoa mướp cúng thánh tháp, chiêm ngưỡng Đức Phật mà chưa đi đến nơi, chỉ có thành tâm niệm Phật mà được phước báu như vậy, nếu được đến tận nơi cúng dường rồi, thì sẽ được quả báo cao thượng hơn nữa không sai.
Đức Đế Thích nghe vị thiên nữ bày tỏ đều đủ cái nghiệp lành của nàng đã tạo, bèn phán rằng: Passa mātali accheraṃ cittaṃ kammaphalaṃ idaṃ. Nghĩa là: Này Mātāli! Người nên tin cái quả phước cao thượng của sự bố thí, trì giới, tham thiền mà người có tâm trong sạch đã làm. Vật thí đem cho, chẳng lựa là nhiều hay ít (puññaṃ mahapphalaṃ hoti) hằng được quả nhiều, (citte pasannamhi) khi có đức tin trong sạch, sự bố thí đó chẳng ít phước đâu, (Sambuddhe ca satthā gati). Lại nữa, người có tâm trong sạch, cúng dường đến các bậc giáo chủ hoặc các vị thinh văn thì được phước báu vô lượng, dầu là khi Đức Phật còn tại thế hoặc Ngài đã nhập Niết-bàn rồi cũng vậy, hễ người có tâm bình đẳng trong sạch đồng nhau, thì phước báu cũng đồng nhau, không ít cũng không giảm hơn đâu. Thật vậy, người được thọ sanh trong nhàn cảnh, cũng do sự chủ tâm trong sạch trong điều phước thì được hạnh phúc vô lượng vô biên.
Uppajjanti tatthā gate: Chư Phật ra đời, ban điều lợi ích an vui, cho sự thạnh lợi rất nhiều, đều đủ đến tất cả chúng sanh. Saggam gacchanti dāyakā: Chúng sanh đi thọ sanh trong cõi trời, được khỏi khổ cũng do cái tâm trong sạch. Đức Thế Tôn giải xong bèn lui ra khỏi nơi đó, ngự đến tháp Cūlāmanī[51] để làm lễ cúng dường trọn 7 ngày. Khi đã làm đại lễ xong, có Đại đức Nāradamahathera nhập thiền bay đến lễ bái tháp Cūlāmanī, Đức Đế Thích bèn bạch cho ngài rõ cuộc đại lễ từ đầu đến cuối, rồi Đại đức Nārada từ giã về cõi người.
Đến khi chư đại A-la-hán kết tập Tam tạng kỳ nhứt mới đem tích này ghi vào Tạng Kinh.
Các bậc trí tuệ nên ghi nhớ cho thấy rõ rằng, người có tâm chăm chỉ, vững chắc trong điều phước (bố thí, trì giới, tham thiền) thì hằng được thọ sanh trong cõi trời, như vị thiên nữ Kosātakī đó, đến khi có thiện duyên đầy đủ, sẽ chứng đạo quả Niết-bàn. Cho nên Đức Giáo chủ mới giảng giải về phép thiền định, là cái pháp thanh cao, quí trọng hơn hết. Ngài khép vào phần pháp bồ đề (Bodhi pakkhiyadharma) là cái pháp làm cho giác ngộ Niết-bàn, dập tắt cả điều thống khổ.
- Pháp của đức Đế Thích giải cho Chư thiên nghe
Đã có nghe như vầy: Một thuở nọ có đức Đế Thích[52] ngự ra khỏi thiên cung, đưa tay lên bái đủ 10 hướng. Vị trời hộ giá tên Mātalīdevaputta thấy, bèn quì tâu rằng: Lịnh Hoàng thượng lễ bái 10 hướng là cớ sao?
Sakko devarājā: Đức Đế Thích phán rằng: Này Mātalī, đó là ta lễ bái 10 hạng người: 1) hạng người có đức tin làm phước bố thí, để bát và dâng 4 vật dụng đến bậc có giới trong sạch; 2) hạng người tu thập thiện (thân, khẩu, ý lành); 3) hạng người kính trọng cha; 4) hạng người kính trọng mẹ; 5)hạng người có qui y Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng) là nơi đáng cúng dường; 6) hạng người thọ trì 5 giới, 8 giới hoặc 10 giới; 7) hạng người đã làm việc lành, rồi hồi hướng đến chư thiên và những quyến thuộc đã quá vãng; 8) hạng người tôn kính ông thầy, bậc trưởng thượng và các vị có giới hạnh trang nghiêm; 9) hạng người biết tế độ vợ con bằng tâm thương xót; 10) hạng phụ nữ không dể duôi, ngày đêm hằng kính trọng chồng. Mười hạng người đó có nhiều ân đức, thường đem điều yên vui và sự tiến hóa đến mình cùng đến kẻ khác, cho nên ta mới lễ bái.
Khi được nghe đức Đế Thích giảng thuyết, như thể “Taṃ sutvā mātalī”. Vị trời Mātalī bèn phát tâm ưa thích, tâu rằng: Ngài là chúa tất cả Chư thiên, Ngài tôn kính hạng người nào, tôi cũng tôn kính hạng người đó. “Tato patthāya”, từ đây tất cả Chư thiên, đồng nhau hằng bảo hộ, che chở và đem điều yên vui, đến 10 hạng người đó, cho đến ngày nay.
Những người mong lánh khổ tìm vui, cần phải phát tâm hoan hỉ thật hành theo lời giảng giải của Đức Đế Thích trên đây, cho Chư thiên ủng hộ, mới chắc được hưởng điều hạnh phúc thanh cao, y như ý nguyện.
Toát yếu
Chư thiện tín đã làm phước để trong tâm, khi được nghĩ xét đến sự hành vi lành thân, khẩu, ý rồi thấy toàn là điều lành thì sẽ phát tâm vui thích rằng: “Ta đã có làm việc chơn chánh rồi”, lúc nào nhờ đến thì có lòng hoan hỉ. Trong giờ hấp hối mà nhớ thấy như vậy, thỏa thích vừa lòng, dạn dĩ, không kinh sợ đối với cái chết đến rõ rệt trước mắt, vì tin chắc rằng: nhờ ảnh hưởng của cái phước mà ta đã tạo để dành ấy, dầu có chết ta cũng được thọ sanh trong cõi vui chẳng sai. Nếu có đức tin chắc như thế, thì có trí nhớ không mê loạn quên mình, đến giờ lâm chung, có tâm yên lặng, thì sẽ hưởng quả vui chẳng sai.
Cái phước là món phù phép hay đặc biệt
Bậc thiện trí thức đã tu tập việc phước trong tâm, được gọi là người biết phù phép giỏi nhứt. Vì những người vừa lòng trong sự tu tập điều lành hằng là nơi thương yêu của Chư thiên và nhơn loại.
Thật vậy, kẻ nào mong được phần đông công chúng hoan nghinh, ở bên cạnh mà làm việc sai lầm, không tạo nghiệp lành, chỉ gây việc dữ, trái với chơn lý, thì không đáng cho kẻ khác yêu vì, dầu là có học phù phép, hoặc đi cầu thầy biết bùa chú giỏi đến yếm đổi, cũng chẳng có ảnh hưởng chi.
Những bậc thiện trí thức không cần học phù phép chi, hoặc nương dựa nơi ông thầy cao đệ, các ngài chỉ tinh tấn làm các phước đức, là bố thí, trì giới, niệm Phật, hối nhiên được quần chúng tùy tùng giao thiệp, mong được biết, được thấy mặt. Cho nên gọi phước là món phù phép hay đặc biệt.
Những lẽ đã giải trên, vạch cho thấy rằng: Các phước mà người đã làm rồi gọi là cái đức, nó hằng đem sự vui đến cho, từ kiếp này tới các đời sau, nó đưa điều hạnh phúc đến trong giờ hấp hối, đem chúng sanh thọ sanh trong nhàn cảnh.
Trong nơi cuối cùng, xin hồi hướng quả phước phát sanh do sự soạn dịch quyển kinh này, đến tất cả Chư thiên và nhơn loại, đồng hoan hỉ thọ lãnh, cho được sự tấn hóa sự lợi ích và sự yên vui lâu dài, đến Niết-bàn thoát khỏi cái khổ sanh tử luân hồi.
Mong thay!
Tỳ khưu Hộ Tông ‒ Bhikkhu Vaṅsarakkhita
—