Niết Bàn
(Phần I)
oo0oo
Những hiểu lầm về Niết Bàn
Vấn đề Niết Bàn đã có nhiều tranh cãi. Biết bao nhiêu sách vở đã nói về vấn đề này. Một số người nghĩ rằng hạnh phúc của Niết Bàn liên quan đến một loại thân tâm đặc biệt. Nhiều người tin rằng Niết Bàn nằm ngay trong thân thể. Một số khác lại cho rằng khi thân tâm bị hủy diệt hoàn toàn, cái gì còn lại sau đó là những cốt tủy tinh túy của một hạnh phúc miên viễn.
Nhiều người đầy dẫy sự nghi ngờ khi bàn về Niết Bàn, và cho rằng nếu Niết Bàn là sự hủy diệt của danh sắc hay thân tâm, thì lấy cái gì để cảm nhận Niết Bàn? Thật khó mà hiểu được có một hạnh phúc đi ra ngoài sự hiểu biết của giác quan. Nghĩa là cái hạnh phúc mà ta không thể thấy được, không thể nghe được, không thể ngửi được, không thể nếm được, không thể sờ được, không thể nghĩ bàn được. Ðây là chuyện bất khả tư nghì. Những người không có kinh nghiệm về những hạnh phúc trong việc hành thiền thì không thể nào hiểu được.
Thật vậy, chỉ những người nào tự thân thưởng thức được hương vị của Niết Bàn mới có thể nói đến Niết Bàn một cách xác tín. Tuy nhiên, cũng có những cách suy đoán, diễn dịch về vấn đề Niết Bàn một cách rõ ràng đối với những người đã đạt được nhiều kinh nghiệm sâu xa trong việc hành thiền và đang vững tiến trên con đường đi đến Niết Bàn.
Những người nghĩ rằng Niết Bàn là một loại thân và tâm đặc biệt, sự suy nghĩ này cũng không vững và vô căn cứ. Có bốn loại chân đế mà chúng ta có thể kinh nghiệm một cách trực tiếp, không qua khái niệm, suy nghĩ, lý luận. Bốn loại chân đế này là: Sắc pháp, tâm vương, tâm sở và Niết Bàn . Như vậy, Niết Bàn không phải là danh, không phải là sắc, không phải vừa danh vừa sắc.
Ý niệm sai lầm thứ hai cho rằng Niết Bàn là phần còn lại sau khi thân tâm bị hủy diệt. Ðiều này cũng không đúng. Niết Bàn là chân đế, và được xếp loại là hiện tượng bên ngoài danh sắc chớ không phải là hiện tượng bên trong danh sắc. Như vậy, không có gì tồn tại trong cơ thể sau khi thân và tâm đã bị hủy diệt.
Niết Bàn cũng không thể kinh nghiệm qua các giác quan. Không thể dùng mắt để thấy, dùng tai để nghe, dùng mũi để ngửi, dùng thân để xúc chạm. Niết Bàn không phải là đối tượng của giác quan. Thế nên, không thể ghép vào một trong những lạc thú do giác quan đem lại dầu cho những lạc thú này có đặc biệt đến đâu chăng nữa. Niết Bàn là một hạnh phúc không liên quan gì đến ngũ căn, ngũ trần.
Ngay từ thời Ðức Phật đã có nhiều bàn cãi về bản chất của Niết Bàn. Một lần nọ một vị trưởng lão bàn cãi về hạnh phúc của Niết Bàn với một số các tỳ kheo khác trong chùa. Một thầy tỳ kheo đứng dậy thưa: “Bạch hòa thượng, nếu Niết Bàn không thể dùng ngũ quan để nhận biết thì có gì là hạnh phúc?”
Vị trưởng lão trả lời: “Chính vì không có cảm giác trong Niết Bàn cho nên nó mới là hạnh phúc thật sự.” Câu trả lời này chẳng khác nào một câu đố. Tôi không biết có ai trong các bạn trả lời được câu đố này không. Nếu bạn không tìm được câu trả lời, tôi sẽ lấy làm hoan hỉ trả lời cho bạn điều này.
Các Tai Hại Của Dục Lạc Ngũ Trần
Trước tiên, chúng ta hãy nói về dục lạc ngũ trần. Dục lạc ngũ trần thật là phù du và hư ảo, chợt đến rồi chợt đi. Phải chăng đó là hạnh phúc thật sự khi cứ mải săn đuổi một cái gì mong manh, chóng tàn, thay đổi luôn luôn.
Hãy nhìn xem biết bao nhiêu phiền toái khó khăn mà bạn gặp phải khi bạn cứ mãi đi tìm những cảm giác mới mẻ, lạ lùng mà bạn nghĩ rằng sẽ đem lại hạnh phúc cho bạn. Nhiều người quá ham muốn hưởng lạc thú nên đã có những hành vi phạm pháp, gây ra những tội ác tày trời khiến người khác phải đau khổ. Họ chỉ nghĩ đến lạc thú tạm bợ của giác quan mà quên đi sự đau khổ của người khác. Họ không hiểu được những hậu quả tai hại, những kết quả thảm khốc họ phải gặt hái sau này do những tội ác họ đã gây ra. Một số khác, khôn ngoan hơn, biết so sánh giữa những lạc thú phù du thoáng qua trong chốc lát với những hậu quả tai hại phải gặt hái sau này nên không chạy theo những cái tạm bợ hư ảo như thế.
Một người tinh tấn hành thiền sẽ thực sự nếm được hương vị của một thứ hạnh phúc ngọt ngào hơn hẳn mọi lạc thú do ngũ dục đem lại. Như chúng ta đã biết, mỗi tầng Thiền Minh Sát đều có sự an lạc hạnh phúc riêng. Tầng Thiền Minh Sát thứ nhất đem lại hạnh phúc của sự ẩn cư. Tầng thiền thứ hai đem lại hạnh phúc của sự định tâm. ở tầng thiền này, thiền sinh có nhiều hỉ. Tầng thiền thứ ba đem lại một sự vừa lòng, vi tế, nhẹ nhàng, tâm không còn dính mắc nhiều vào hỉ mà có lạc, đạt được sự an lạc, nhẹ nhàng, êm dịu hơn. Tầng thiền thứ tư là tầng thiền thâm sâu nhất. Ðó là hạnh phúc xả thọ. Bản chất của tầng thiền này là sự bình an tĩnh lặng. Tất cả bốn loại hạnh phúc này được gọi là hạnh phúc khước từ. Hạnh phúc trong sự xa rời các pháp bất thiện và phiền não.
Tuy nhiên, hạnh phúc bình an tĩnh lặng của Niết Bàn còn cao hơn hai loại hạnh phúc khước từ và hạnh phúc do ngũ dục đem lại. Bản chất của Niết Bàn hoàn toàn khác hẳn với hai loại hạnh phúc trên. Hạnh phúc của Niết Bàn chỉ thật sự đến khi thân tâm dừng nghỉ hoạt động. Ðó là hạnh phúc của sự diệt tắt đau khổ. Ðây cũng là một hạnh phúc độc lập không liên quan gì đến các đối tượng của giác quan. Thật vậy, Niết Bàn chỉ đến khi không còn sự tiếp xúc với mọi đối tượng của giác quan.
Nhiều người nghĩ rằng hạnh phúc là sự hưởng thụ những cái gì về vật chất chẳng hạn như: vào những dịp nghỉ, tổ chức một bữa ăn ngoài trời, hoặc đi tắm hồ, hay đi dự tiệc, dự những buổi khiêu vũ, những buổi hoà nhạc. Họ làm sao hiểu được những hạnh phúc phi vật chất, những hạnh phúc vượt lên trên các loại hạnh phúc tầm thường cảm nhận từ giác quan. Ðối với họ, sự đẹp đẽ chỉ có ý nghĩa thật sự khi có mắt, có vật đẹp để ngắm. Họ cũng có thể nghĩ rằng nếu có mùi thơm mà không có mũi, không có thức nhận biết mùi, làm sao có thể hưởng được hương vị đó? Họ có thể băn khoăn, thắc mắc tại sao có người bày đặt ra cảnh Niết Bàn kỳ dị đến thế! Họ có thể lý luận rằng Niết Bàn là một cái chết thật kỳ bí, một điều thật kinh khủng. Con người rất sợ viễn ảnh về sự trống rỗng hư vô.
Một số khác nghi ngờ sự hiện hữu của Niết Bàn. Họ cho rằng Niết Bàn chỉ là giấc mơ của chàng thi sĩ, hoặc Niết Bàn chẳng là gì cả thì làm sao có thể tốt đẹp hơn những hạnh phúc của trần gian.
Niềm vui khó tả – Giấc ngủ của nhà triệu phú
Chúng ta hãy tưởng tượng rằng có một nhà triệu phú. Ông ta có thể hưởng được mọi lạc thú trần gian mà ông ta muốn. Một hôm, vị triệu phú đang ngủ say. Trong khi đó, người đầu bếp nấu xong thức ăn ngon lành và bày biện trên bàn. Thức ăn đã dọn sẵn và đã đến giờ ăn, nhưng vị chủ nhân còn ngủ say. E rằng đồ ăn sẽ nguội lạnh mất ngon nên người đầu bếp nhờ một người giúp việc vào đánh thức nhà triệu phú dậy. Bạn hãy thử đoán xem chuyện gì sẽ xảy ra? Liệu rằng nhà triệu phú vui vẻ bước xuống giường để ngồi vào bàn ăn, hay người giúp việc vắt giò lên cổ chạy để tránh cơn thịnh nộ của ông chủ sắp giáng xuống đầu?
Khi người triệu phú đang say giấc nồng thì chẳng còn biết gì đến hoàn cảnh chung quanh. Dầu cho phòng ngủ có được trang hoàng đẹp đẽ và nên thơ đến đâu thì ông ta cũng chẳng thấy được gì. Dầu tiếng nhạc lời ca có vang lừng đến tậng tầng mây; ông ta cũng như người điếc. Dầu hương thơm có ngào ngạt đến đâu chăng nữa thì ông ta cũng chẳng nhận ngửi thấy gì. Rõ ràng là khi ngủ ngon, thì dầu cho chiếc giường có êm ấm đẹp đẽ đến đâu, ông ta cũng chẳng hề biết đến. Khi ngủ ngon ông ta cũng chẳng có cảm giác hay biết mình nằm ở đâu.
Qua thí dụ trên, bạn có thể thấy rằng hạnh phúc của sự ngủ say chẳng liên quan gì đến các đối tượng của giác quan, hay pháp trần. Mọi người dù giàu hay nghèo đều cảm thấy thích thú sau khi thức dậy từ một giấc ngủ say. Chúng ta, ai cũng có thể có một số hạnh phúc an lạc nào đó khi ngủ ngon. Mặc dầu hạnh phúc an lạc này thật khó có thể diễn tả hay so sánh; tuy vậy, chúng ta cũng không thể nào phủ nhận cái hạnh phúc an lạc trong giấc ngủ say này. Cũng vậy, Ðức Phật hay những vị Thánh đã thấy rõ giáo pháp thì họ sẽ hiểu rõ một loại hạnh phúc khó diễn tả nhưng không thể phủ nhận được, và chúng ta có thể đoán chắc rằng nó có thật.
Nếu có được một giấc ngủ say, ngon triền miên, bạn có thích không? Những ai không thích một loại hạnh phúc đến từ giấc ngủ say như vậy thì khó có thể có gì để so sánh với Niết Bàn. Những ai không muốn cái hạnh phúc vượt ngoài kinh nghiệm của giác quan thì họ sẽ bị dính mắc vào lạc thú của ngũ trần. Sự dính mắc này do ở lòng tham ái, mà lòng tham ái là cội rễ của các đối tượng giác quan.
Gốc rễ của mọi rắc rối
Nếu chúng ta chịu khó để ý xem xét những điều xảy ra trên hành tinh này thì chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra rằng mọi vấn đề trên thế gian có gốc rễ từ những ham muốn dục lạc ngũ trần. Vì con người muốn tiếp tục hưởng thụ hạnh phúc của dục lạc ngũ trần lâu dài nên gia đình thành hình. Gia đình thành hình thì mọi thành viên trong gia đình phải ra ngoài xã hội và phải làm quần quật suốt ngày để kiếm ăn chớ không thể ngồi uống nước lã nhìn nhau. Cũng vì nhu cầu hưởng thụ dục lạc mà gây ra những mối bất hoà trong gia đình. Cũng vì nhu cầu hưởng thụ dục lạc mà bạn bè hàng xóm không thể cư xử tốt đẹp, hoà thuận với nhau. Cũng vì dục lạc ngũ trần mà thị trấn này, thành phố nọ bất đồng ý kiến với nhau. Cũng vì dục lạc ngũ trần mà xứ này chống lại xứ kia, quốc gia này gây hấn, tranh chấp, tương tàn với quốc gia khác. Cũng vì dục lạc ngũ trần mà biết bao nhiêu điều khó khăn, đau khổ, xáo trộn, rối rắm, phiền toái xảy ra trên thế giới, rồi con người trở nên dã man, tàn ác, độc dữ và mất hẳn nhân tính.
Hát lên bài ca tán dương sự không cảm thọ
Nhiều người nói chúng ta được sanh làm người, những gì chúng ta có được là những lạc thú trên thế gian. Tại sao chúng ta đi hành thiền rồi đạt đến chỗ hư vô, chẳng có chút lạc thú trần gian nào cả? Ðối với những người như vậy, bạn có thể đặt cho họ một câu hỏi đơn giản: Anh hay chị có thể ngồi, ngồi hoài, ngồi mãi để xem một cuốn phim chiếu đi chiếu lại suốt ngày không? Anh hay chị có thể nghe hoài, nghe mãi giọng nói của người mình thương không? Nếu bạn nghe mãi cái giọng nói du dương êm ái đó, thì điều gì sẽ xảy ra? Bộ anh chị không chán sao? Dục lạc ngũ trần không phải là một cái gì đặc biệt đến nỗi bạn say mê hưởng thụ mà không cần một chút nghỉ ngơi, cứ tận hưởng, tận hưởng mãi không thôi?
Hạnh phúc vượt ra ngoài kinh nghiệm, vượt ra ngoài dục lạc vật chất thì cao thượng, tốt đẹp, êm đềm, tinh tế hơn mọi dục lạc ngũ trần khác. Trên đây, ta đã so sánh hạnh phúc của giấc ngủ ngon với hạnh phúc của Niết Bàn. Giấc ngủ chỉ là trạng thái tâm tiềm thức, hay luồng hộ kiếp. Lúc ngủ tâm rất nhẹ nhàng, vi tế. Bởi vì đối tượng của tâm lúc ngủ cũng nhỏ xíu, vi tế, nên khi ngủ dường như chúng ta không nhận biết được gì cả. Nhưng thật ra, hạnh phúc của Niết Bàn, hạnh phúc không tùy thuộc vào ngũ dục còn trăm ngàn lần tuyệt diệu hơn hạnh phúc có được trong lúc ngủ say.
Ðối với những vị A Na Hàm và A La Hán, những vị đã có kinh nghiệm thâm sâu về Niết Bàn, khi nhập vào diệt thọ tưởng định, họ đạt được sự dừng nghỉ lớn lao. ở đó không có thân hay tâm; không có tâm vương cũng không có tâm sở. Những hình thức vi tế nhất của thân cũng không hiện khởi. Khi vị A Na Hàm hay vị A La Hán bước ra khỏi trạng thái này, họ sẽ tán thán những hạnh phúc vượt ngoài kinh nghiệm giác quan.
Ðây là một phần của lời tán thán, “Kỳ diệu thay, Niết Bàn, nơi mà mọi đau khổ của thân tâm này hoàn toàn diệt hẳn. Khi mọi đau khổ vắng bóng, tâm ta an lạc thanh tịnh làm sao.”
Niết Bàn của chư Phật
Ðức Phật đã chỉ cho chúng ta con đường đến nơi hạnh phúc tối thượng. Hạnh phúc tối thượng này là Niết Bàn. Tất cả Chư Phật đã và sẽ xuất hiện trên thế gian này đều nhằm mục đích chỉ cho chúng ta thấy rõ con đường đến Niết Bàn. Một trong những danh hiệu của Ðức Phật là Chánh Biến Tri (Samma sambuddha) Samma có nghĩa là hoàn hảo, đúng đắn, và Ðức Phật là kẻ độc nhất hiểu được bản chất thật sự của mọi vật, nghĩa là hiểu rõ thực tướng của tất cả mọi vật. Chân lý luôn luôn đúng. Con người không hiểu chân lý hay hiểu sai về chân lý, nhưng Ðức Phật không bao giờ sai lầm. Tiếp vĩ ngữ sam- có nghĩa là cá nhân, tự thân hay bởi chính mình, và buddha có nghĩa là giác ngộ. Ðức Phật giác ngộ bằng sự cố gắng của chính mình. Ngài không nhận lãnh sự giác ngộ từ một đấng quyền uy nào, và cũng không lệ thuộc vào bất kỳ một ai. Bởi thế, Niết Bàn mà chúng ta nói đến là Niết Bàn đã được Ðấng Chánh Biến Tri, Ðấng Ðại Giác công bố.
Thoát Khỏi Lo Âu Phiền Muộn
Một đặc tính khác của Niết Bàn là thoát khỏi lo âu phiền muộn. Phần lớn con người thường lo âu phiền muộn. Hãy tưởng tượng xem nếu không có phiền muộn lo âu thì tuyệt diệu biết mấy. Niết Bàn còn được gọi là viraga. Viraga có nghĩa là thoát khỏi bụi bặm và ô nhiễm. Như chúng ta biết, bụi bặm khiến mọi vật dơ bẩn và làm hại sức khỏe của chúng ta. Mối nguy hại lớn lao hơn nữa, đó chính là sự ô nhiễm của phiền não. Tâm ta luôn luôn bị đủ các loại phiền não quấy nhiễu. Tham lam, sân hận, si mê, tà kiến, ngã mạn, tật đố, bỏn xẻn… Bị tràn ngập bởi những bụi bặm ô nhiễm như vậy thì tâm ta làm sao trong sạch thanh tịnh? Chỉ có Niết Bàn mới thật sự thoát khỏi mọi phiền não ô nhiễm.
An toàn tuyệt đối
Một đặc tính khác của Niết Bàn là khema hay an toàn, an ninh. Chúng ta phải luôn luôn đối đầu với muôn ngàn nguy hiểm. Tai nạn thảm khốc, kẻ thù chực chờ cơ hội làm hại, thuốc độc nguy hiểm, v.v… Trong thời đại khoa học siêu tối tân hiện nay, chúng ta luôn luôn sống trong nỗi lo âu sợ hãi về những mối hiểm nguy do các phát minh mới, những vũ khí hiện đại, tối tân đem lại. Nếu chẳng may chiến tranh xảy ra và vũ khí nguyên tử được đem ra xử dụng thì chúng ta sẽ chẳng có cơ hội sống còn. Không nơi nào chúng ta có thể trốn khỏi mọi hiểm nguy và bất an. Chỉ có Niết Bàn là nơi hoàn toàn thoát khỏi mọi mối hiểm nguy, nơi an toàn duy nhất.
Theo kinh điển, hạnh phúc của Niết Bàn là một loại hạnh phúc không pha lẫn phiền não. Trong hạnh phúc của ngũ dục luôn luôn chất chứa tham ái. Giống như khi nấu một món ăn, bạn phải nêm thêm gia vị, không có gia vị thì món ăn sẽ nhạt nhẽo vô duyên. Cũng vậy, hạnh phúc ngũ dục nếu không có tham ái, ước muốn, mong mỏi thì chẳng có ý nghĩa gì. Dầu có thức ăn ngon, có áo quần đẹp và có mọi khoái lạc trần gian khác, nhưng ta không muốn ăn, không muốn mặc, không muốn thưởng thức, thì những cái đó cũng trở thành vô dụng mà thôi. Tóm lại, chỉ có Niết Bàn là nơi hạnh phúc tuyệt diệu. Vì không còn trộn lẫn với các loại tạp nham khác nên Niết Bàn được gọi là parisuddhi sukha, có nghĩa là hạnh phúc trong sạch, tinh khiết.
Muốn có được hạnh phúc trong sạch tinh khiết này, chúng ta phải tu trì giới, định, huệ. Liên tục cố gắng giữ thân, khẩu, ý trong sạch, chúng ta sẽ đạt được hạnh phúc Niết Bàn .
Mong rằng các bạn sẽ luôn luôn nỗ lực tinh tấn hành thiền để đạt đến Niết Bàn, một hạnh phúc thanh khiết, trong sáng, an toàn, thoát khỏi mọi lo âu phiền muộn.
Một lần nọ Ðức Thế Tôn ngự tại chùa Kỳ Viên gần thành Xá Vệ. Vào lúc nửa đêm, một vị trời và đoàn tùy tùng vào khoảng một ngàn vị đến gặp Ðức Phật.Mặc dầu ánh sáng của chư thiên tràn ngập chùa Kỳ Viên, nhưng những người thường không thấy được họ. Sau khi đảnh lễ Ðức Thế Tôn, vị trời khóc lóc bạch: “Bạch Ðức Thế Tôn, cõi trời thật ồn ào. Các vị tiên nữ luôn luôn huyên náo ầm ĩ. Họ nhảy tung tăng đùa cỡn chẳng khác nào lũ ngạ quỷ. Thật là khổ sở và phiền não khi phải sống một nơi như vậy. Xin Ngài chỉ cho con cách thoát ly.”
Ðó là một lời nói bất thường phát ra từ một vị trời. Cõi trời được xem là một nơi đầy vui vẻ thích thú. Các vị trời chỉ ăn chơi đàn hát, chẳng biết đau khổ là gì. Làm sao lại có thể so sánh cõi an vui này với cõi ngạ quỷ, nơi đó chúng sanh sống trong đau khổ, lầm than. Nhiều con ngạ quỷ có bụng to như cái trống nhưng miệng nhỏ như cây kim nên bị đói khát triền miên.
Ðức Phật dùng huệ nhãn xem xét kiếp quá khứ của vị trời. Ngài biết rằng vừa mới đây, vị trời này là một thanh niên trẻ tuổi, một người thực hành giáo pháp. Thanh niên trẻ tuổi này có nhiều đức tin nơi những lời dạy dỗ của Ðức Phật nên chàng ta đã trở thành một vị sư. Sau thời gian ở cùng thầy trong năm năm, học xong giới luật và kinh điển, hiểu rõ cách hành thiền, vị Sư trẻ vào rừng sống độc cư để thực hành giáo pháp. Với nhiệt tâm trở thành một vị A La Hán nên Sư tận lực hành thiền. Sư nỗ lực thực hành suốt ngày đêm, bỏ cả ngủ và không còn thiết tha gì đến việc ăn uống. Vì thế mà sức khỏe của vị Sư trẻ suy yếu. Hơi tích tụ trong bụng nhà Sư làm nhà Sư đau nhức như dao cắt. Thế nhưng vị Sư vẫn bền chí thực hành không thay đổi. Bịnh ngày một trầm trọng cho đến nỗi một ngày nọ, trong lúc đang kinh hành, vị Sư ngã ra chết.
Vị Sư tức khắc tái sinh vào cõi trời Tam Thập Tam Thiên. Thình lình như tỉnh từ một giấc mộng, vị Sư trong một bộ áo quần đẹp đẽ đang đứng trước cổng một dinh thự lộng lẫy. Bên trong tòa lâu đài, một ngàn tiên nữ dung nhan diễm lệ đang đón chờ. Các nàng tiên vui vẻ khi thấy chủ mình xuất hiện ở cổng. Họ reo to và đem nhạc cụ ra đón mừng. Trong khi đó, vị Sư không biết rằng mình đã chết và đã tái sinh. Nghĩ rằng tất cả các vị trời chỉ là thiện tín đến thăm viếng, nhà Sư cúi đầu nhìn xuống đất, và trong một cử chỉ khiêm cung, kéo vạt áo che vai.
Thấy cử chỉ của vị chủ nhân mới, các cô tiên nữ hiểu ra mọi lẽ và nói lớn: “Bây giờ ngài đang ở cõi trời rồi, không phải là lúc tham thiền nữa. Hãy vui chơi, đàn hát, nhảy múa đi thôi”. Vị trời mới nghe mà không để tâm gì đến ý nghĩa của lời nói vì ông ta đang Chánh Niệm trong sự thu thúc lục căn. Ông ta chỉ biết có âm thanh đến rồi đi mà chẳng biết âm thanh gì. Một nàng tiên bèn đi vào trong tòa lâu đài, mang ra một tấm gương lớn. Vị trời mới hoảng kinh khi thấy mình không còn là một vị Sư nữa. Không một nơi nào trên cõi trời có đủ yên tĩnh để hành thiền. Vị trời mới tự nhủ: “Ta bị mắc bẫy rồi. Lúc ta rời xa gia đình, đắp y mang bát là mong đạt được sự an lạc cao thượng, A La Hán. Bây giờ ta ở chốn này. Ta chẳng khác nào một võ sĩ thượng đài mong được huy chương vàng mà cuối cùng chỉ nhận được một bó rau muống. Vị cựu tỳ khưu sợ hãi đến nỗi không dám bước chân vào cổng lâu đài vì ông ta biết rằng tâm mình không đủ mạnh để thắng các lạc thú ở cõi trời. Các lạc thú ở cõi trời có sức hấp dẫn gấp trăm ngàn lần cõi người. Bỗng nhiên vị trời mới nghĩ ra rằng, là một vị trời thì ông ta có đủ năng lực để thăm viếng cõi người, nơi Ðức Phật đang giảng dạy. Ý nghĩ này khiến vị trời mới vui mừng và nghĩ: “Ta có thể sinh lên cõi trời một cách dễ dàng, nhưng cơ hội để gặp được Ðức Phật thật hiếm hoi”.
Ý nghĩ vừa mới thoáng qua, vị trời mới và cả ngàn tiên nữ đã có mặt tại nơi Ðức Phật ngự. Vị trời đến gần Ðức Phật cầu xin Ngài giúp đỡ. Ðức Phật biết vị trời mới thiết tha với việc hành thiền nên Ngài dạy như sau: “Này vị trời, hãy đi thẳng trên con đường mà ngươi đã bước. Con đường này sẽ dẫn ngươi đến chỗ an toàn, thoát khỏi mọi sợ hãi. Ðó là mục tiêu của ngươi. Ngươi sẽ ngồi trên một chiếc xe hoàn toàn yên tịnh. Hai bánh xe là Tinh tấn thể chất và Tinh tấn tinh thần. Hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi là chỗ tựa lưng. Chánh Niệm là vỏ xe bọc sắt. Chánh Kiến là người đánh xe. Bất kỳ người nào, nam hay nữ, có được chiếc xe như vậy và khéo điều khiển chắc chắn sẽ đến Niết Bàn “.
Sinh về cõi Trời có gì là sai?
Câu chuyện của thầy tỳ khưu chư thiên được rút ra từ Samyutta Nikaya, một bộ kinh đề cập nhiều đến việc hành thiền. Chúng ta sẽ nghiên cứu từng bước một. Câu thắc mắc đầu tiên của bạn là tại sao người ta than phiền về việc tái sanh ở cõi trời? Dù sao cõi trời cũng là nơi mà tiệc vui không tàn, đời sống hoan lạc, tuổi thọ lâu dài, cơ thể tuyệt hảo và bao quanh là các dục lạc tràn đầy.
Chẳng cần phải chết và tái sanh để hiểu rõ cõi trời. Cõi trời nằm ngay ở thế gian này. Ðâu phải cõi trời là nơi có hạnh phúc vĩnh viễn! Hoa Kỳ chẳng hạn. Là một nước tiên tiến, các phương tiện vật chất đầy đủ, bạn có thể hưởng thụ đầy đủ các dục lạc tại đó. Bạn có thể thấy những người đang say sưa và chết chìm trong xa hoa và dục lạc, bạn tự hỏi xem những người như thế có bao giờ nghĩ đến việc tìm kiếm cái gì sâu xa hơn không? Có bao giờ cố gắng tìm kiếm chân lý của cuộc sống này không? Họ có thật sự hạnh phúc chăng?
Khi còn là một con người, vị trời mới này có đức tin trọn vẹn vào những lời dạy của Ðức Phật, và biết rằng hạnh phúc cao nhất là hạnh phúc giải thoát do sự thực hành giáo pháp đem lại, thế nên vị trời này đã từ bỏ những lạc thú tạm bợ của thế gian để trở thành vị tỳ khưu. Ông ta đã tận lực cố gắng để trở thành một vị A La Hán. Thật vậy, ông ta đã nỗ lực cố gắng đến nỗi phải bỏ thân mạng vào lúc tuổi còn trẻ trung. Bỗng nhiên ông thấy mình lại trở về nơi tràn đầy dục lạc mà mình đã cố gắng tránh xa. Bạn có thể thông cảm được nỗi thất vọng của ông chăng?
Chết thì chẳng có gì lạ. Ðó chỉ là sự thay đổi của thức. Không có một thức nào giữa hai thức tử và sinh. Không phải như ở cõi người, sự sinh ở cõi trời xảy ra tức thời và không đau đớn gì cả. Bởi thế, thiền sinh không bị mất sự liên tục thiền, không mất đà khi từ một đời sống này chuyển sang một đời sống khác, và do đó, chúng ta cũng không ngạc nhiên khi thấy vị trời mới than phiền về sự ồn ào của cõi trời. Khi bạn đang hành thiền và tâm đang tập trung vào đề mục một cách sâu xa, bạn sẽ khổ sở biết bao khi tiếng động phát sinh. Thử tưởng tượng xem, bạn đang ngồi thiền và đang đạt đến tình trạng thật bình an tĩnh lặng, bỗng nhiên điện thoại reo vang. Ngay lúc đó, toàn giờ định tâm của bạn bị tan tành. Nếu bạn đã từng trải qua điều này, bạn sẽ hiểu rõ nỗi khổ tâm của vị trời mới. Thảo nào, vị trời mới so sánh cõi trời với chốn ngạ quỷ. Khi điện thoại reo, dầu đó là điện thoại của một người bạn thân, không biết bạn có bực mình và nguyền rủa không. Dĩ nhiên, khi bạn tiến bộ đến một mức cao hơn, bạn sẽ không còn bị quấy động bởi những đối tượng bên ngoài như tiếng động chẳng hạn.
Trong bản kinh Pali, có một sự lý thú trong việc dùng chữ. Vị trời mới của chúng ta đang ở trong một khu vườn đặc biệt tại cung trời có tên là Nandana Vana, nơi nổi tiếng vui và đẹp. Nhưng khi hầu Phật, vị trời của chúng ta lại đặt cho nó một tên mới là mohana. Chữ mohana rút ra từ chữ moha là si mê, một nơi làm cho tâm bị hỗn loạn và bối rối.
Đường lối khước từ
Là một thiền sinh, chắc các bạn hiểu rõ rằng càng nhiều dục lạc bao nhiêu càng khiến bạn khó tập trung tâm ý bấy nhiêu. Dĩ nhiên, không phải mục đích của tất cả thiền sinh đều giống nhau. Có thể bạn muốn trở thành một vị A La Hán, cũng có thể bạn muốn các mục tiêu thấp hơn. Dầu cho mục tiêu hướng đến của bạn là gì, bạn cũng đánh giá cao sự định tâm và sự bình an tĩnh lặng do việc hành thiền đem lại. Ðể đạt được những thành quả này, bạn cần phải có một số khước từ. Mỗi giờ ngồi thiền là bạn đã khước từ một giờ truy tầm lạc thú trần gian. Nhưng bạn dám làm như vậy vì bạn thấy rõ giá trị của sự khước từ, cũng như thấy rõ nỗi đau khổ trong việc truy tầm lạc thú thế gian. Nếu tham dự những khóa thiền lâu hơn, bạn đã bỏ lại sau lưng nhà cửa, tài sản, những người thương yêu và thì giờ nhàn rỗi. Thật vậy, bạn đã hy sinh tất cả cho việc hành thiền.
Mặc dầu vị trời mới của chúng ta than phiền về những điều kiện ở cõi trời, nhưng vị trời này không đánh giá thấp đời sống ở cõi trời. Ông ta chỉ thất vọng vì không đạt được mục tiêu mong muốn, giống như một người làm một công việc với kỳ vọng thâu được một ngàn đồng. Người này tận lực cố gắng bỏ ăn quên ngủ để làm nhưng cuối cùng chỉ thâu về năm mươi đồng. Không phải người này xem nhẹ năm mươi đồng, nhưng ông ta thất vọng vì mục đích lớn lao của mình không đạt được.
Cũng vậy, người thiền sinh này tự giận mình và so sánh mình với một võ sĩ, sau khi thượng đài mong nhận được huy chương vàng nhưng chẳng nhận được gì. Những nàng tiên trong lâu đài của vị trời mới cũng cảm thông với hoàn cảnh của chủ mình, và họ cũng cảm thấy ích lợi lớn lao khi theo vị trời mới xuống trần gian. Và khi gặp Ðức Phật, nghe những lời giáo huấn của Ngài, tất cả đều đã được hưởng lợi lạc.
Khi bạn vững chãi trên giáo pháp của Ðức Phật, thì sự ưa thích hành thiền sẽ theo bạn tới bất cứ nơi nào bạn đến, ngay cả cõi trời. Nếu bạn không có đức tin vững chãi vào Giáo Pháp thì chẳng bao lâu sau những lạc thú của những nơi bạn mới đến sẽ trói buộc bạn. Và như thế là sự nghiệp hành thiền của bạn chấm dứt.
Vững chãi trong việc hành thiền
Chúng ta thử tìm hiểu tại sao vị thiền sinh này trở nên vững chải trong việc hành thiền. Trước khi sống độc cư trong rừng, thầy tỳ khưu này đã ở với thầy trong năm năm và sống trong cộng đồng tăng chúng. Nhà Sư đã làm tròn phận sự của mình trong các công việc nhỏ lớn đối với thầy; đã được chỉ dẫn cách hành thiền và giữ gìn trọn vẹn giới luật. Mỗi năm nhà Sư nhập hạ ba tháng và sau đó đã dự một buổi họp mặt truyền thống, trong đó các nhà Sư nêu lên và sửa chữa cho nhau các khuyết điểm đã phạm trong tinh thần từ bi để mỗi người có thể thấy được lỗi lầm của mình hầu bổ khuyết để trở thành một nhà Sư hoàn hảo trong tư cách và phẩm hạnh.
Quãng đời quá khứ của nhà Sư là một gương sáng cho các thiền sinh. Mọi thiền sinh phải cố gắng theo gương nhà Sư này để giữ giới luật cho đến khi giới hạnh hoàn toàn trong sạch và trở thành một phần của đời sống mình. Chúng ta cũng phải biết trách nhiệm của cá nhân đối với mọi người khi chúng ta sống chung đụng trong xã hội này. Chúng ta phải biết làm thế nào để giao tiếp với người khác trong tinh thần hòa ái và hỗ trợ. Là một thiền sinh, chúng ta phải nương vào thiền Sư cho đến khi hoàn toàn đạt được các tuệ minh sát.
Phân biệt cốt tủy và sự hời hợt bề mặt
Vị tỳ khưu này có đức hạnh cao quí: Hoàn toàn nhiệt thành và ủy thác mình cho giáo pháp, nỗ lực để đạt cho kỳ được chân lý tối hậu. Các chuyện khác đối với thầy đều là thứ yếu. Hiểu rõ những gì là tinh túy và những gì là giả tạo, hời hợt bề ngoài nên thầy tránh những hoạt động bên ngoài và dành thật nhiều thời giờ để Chánh Niệm.
Ðể có nhiều thời giờ hành thiền, ta nên hạn chế bớt trách nhiệm của mình. Vào những lúc phải đảm nhận các công việc khác, ta có thể nhớ đến chuyện Con Bò Mẹ sau đây. Như ta biết, bò luôn luôn bận rộn nhai cỏ. Chúng ăn suốt ngày. Một con bò mẹ có một con bê thật dễ thương. Bò con hay nhảy nhót tinh nghịch. Nếu bò mẹ nhai cỏ mà không nghĩ đến bê con, bê con sẽ chạy đi xa và gặp nhiều rắc rối. Nhưng nếu bò mẹ bỏ việc nhai cỏ mà chỉ lo chăm sóc bê con thì bò mẹ phải nhai cỏ suốt đêm. Thế nên bò mẹ vừa nhai cỏ vừa để ý đến con. Một thiền sinh khi phải làm một việc gì thì nên bắt chước thái độ của bò mẹ. Hãy làm việc nhưng lưu ý đến giáo pháp một chút, đừng để tâm chạy đi quá xa.
Bạn biết rằng thầy tỳ khưu này là thiền sinh chăm chỉ và tinh cần. Trừ giờ ngủ ra, lúc nào thầy cũng cố gắng Chánh Niệm. Ðức Phật cho phép các thầy tỳ khưu ngủ bốn tiếng vào canh hai mỗi đêm, nghĩa là được ngủ từ mười giờ tối đến hai giờ sáng. Nhưng thầy tỳ khưu của chúng ta không nghĩ gì đến chuyện ngủ. Thêm vào đó, thầy bỏ ăn uống, nỗ lực hành thiền ngày đêm không thối chuyển.
Tôi không đề nghị các bạn nên bỏ ăn, bỏ ngủ. Tôi chỉ muốn các bạn học hỏi đức nhiệt thành Tinh tấn của thầy tỳ khưu. Trong lúc hành thiền tích cực, nếu có thể, bạn nên ngủ bốn tiếng theo lời dạy của Ðức Phật. Ngủ nhiều sẽ làm bạn mụ người đi. Về thực phẩm, bạn phải ăn đầy đủ để có sức khỏe làm việc hằng ngày và hành thiền, nhưng đừng ăn quá nhiều đến nỗi sanh ra buồn ngủ. Câu chuyện của thầy tỳ khưu này cho ta thấy cần phải ăn uống đầy đủ để có sức khỏe.
Một người chết trong lúc hành thiền hay trong lúc đang thuyết pháp có thể xem như một vị anh hùng, chết dũng cảm ngoài chiến địa. Thầy tỳ khưu của chúng ta đã chết trong lúc đang Tinh tấn kinh hành. Lúc tỉnh dậy thì thầy đang ở cõi trời. Cũng vậy, bạn sẽ sanh về cõi trời nếu chết trong lúc đang hành thiền dầu bạn chưa đắc quả.
Ngay cả khi được tái sanh một cách thuận lợi, bạn vẫn ước muốn một con đường thoát ly, con đường hoàn toàn giải thoát và an toàn. Thấy mình đang ở cõi trời, thầy tỳ khưu lo sợ vì biết mình khó có thể thắng được các dục lạc ở đây. Nếu thầy bước chân vào cổng lâu đài, giới luật của thầy có thể sẽ bắt đầu rạn nứt. Giác ngộ đạo quả vẫn là mục đích ưu tiên nên thầy vẫn giữ gìn giới luật và đến chùa Kỳ Viên để gặp Phật và nghe lời chỉ giáo của Ngài.
Những lời dạy thiết thực và hữu ích của Đức Phật
Ðức Phật trả lời câu hỏi của vị trời mới một cách ngắn gọn hơn bình thường. Mỗi lần Ðức Phật dạy cho ai, Ngài thường dạy từng bước một. Bắt đầu với Giới, sau đó là Ðịnh và Chánh Kiến về nghiệp quả trước khi nói đến Thiền Minh Sát. Ngài rất khéo léo và thiện xảo trong việc giảng dạy. Như một họa sĩ dạy cho người học trò mới, vị thầy không thể bảo người học trò cầm bút lên vẽ ngay. Bài học đầu tiên mà người học trò phải học là cách căng khung vải để vẽ vì không thể vẽ vào khoảng trống không. Cũng như trước khi hành Thiền Minh Sát phải hiểu giới luật và giáo lý, đặc biệt là luật nhân quả. Một vài trường thiền không chú trọng đến giới luật và giáo lý căn bản, nhất là luật nhân quả, nên chỉ một số ít, đã có căn bản trước, đạt được kết quả.
Ðức Phật cũng đưa ra lời chỉ dẫn tùy theo xu hướng, nghề nghiệp và quá khứ của thiền sinh. Ngài biết rằng vị trời mới này đã là một nhà Sư thuần thục và là một thiền sinh trước đây đã giữ gìn giới luật tinh nghiêm. Ngay cả lúc sinh về cõi trời Tam Thập Tam Thiên, vị trời mới vẫn giữ gìn giới luật tỳ khưu một cách chặt chẽ.
Tiếng Pali gọi những người lo tròn bổn phận và chăm chỉ là karaka. Thầy tỳ khưu của chúng ta cũng là một karaka đúng nghĩa. Thầy không phải là một thiền sinh theo danh hiệu mà thôi, cũng không phải là một học giả hay một người mơ mộng và đầy tưởng tượng, một người lười biếng, ngơ ngáo trước những gì đang diễn ra. Thầy là một người đầy đủ sự tinh cần và nghiêm túc, đi trên đường giải thoát với lòng nhiệt thành. Ðức tin sâu xa và sự nhiệt thành tin tưởng vào việc thực hành đã hỗ trợ cho khả năng kiên trì Tinh tấn của thầy. Từng sát na một, thầy cố gắng thực hành những gì thầy đã được thụ huấn từ trước. Ta có thể xem thầy là một cựu chiến binh.
Con đường trực tiếp giải thoát
Ðức Phật đã dạy cho thầy tỳ khưu nhiệt thành này một lời nhắn nhủ cho cựu chiến binh: “Hãy thẳng tiến trên con đường ngươi đã bước. Con đường này sẽ dẫn ngươi đến chốn an vui, thoát khỏi mọi sợ hãi. Ðó mục tiêu của ngươi.” Con đường ở đây chính là Bát Chánh Ðạo. Vị trời mới này đã bắt đầu đi trên đó, và Ðức Phật chỉ khuyên thầy tiếp tục tiến bước. Nên nhớ là thầy tỳ khưu của chúng ta muốn trở thành một vị A La Hán ngay trong kiếp sống này.
Ðức Phật đã chỉ cho thầy con đường thẳng, trực tiếp hành Thiền Minh Sát. Bát Chánh Ðạo là một con đường rất thẳng, không có lối rẽ, không cong quẹo, không uốn khúc, dẫn thẳng chúng ta đến Niết Bàn.
Mười pháp bất thiện
Chúng ta có thể hiểu được thế nào là một thiện pháp khi tìm hiểu bất thiện pháp. Có mười bất thiện pháp. Người không được đào luyện theo thập thiện sẽ bị các bậc thiện trí xem là người bất thiện: Không thành thật, không thẳng thắn, thiếu giới hạnh và tư cách.
Có ba bất thiện pháp về thân . Bất thiện pháp đầu tiên liên quan đến sân hận, bất bình. Một người thiếu lòng từ ái và bi mẫn sẽ dễ dàng nỗi tâm sân hận và chuyển sang hành động. Họ có thể hiếp đáp, làm hại hoặc giết chết người và chúng sanh khác. Bất thiện pháp thứ hai phát xuất từ tham lam. Nếu không được kiểm soát sẽ dẫn đến cướp đoạt, bội tín, lường gạt để làm chủ tài sản của người khác. Tà hạnh là một hành động bất thiện thứ ba thuộc về thân. Một người bị tham dục chi phối chỉ nghĩ đến việc thỏa mãn dục vọng của mình, không nghĩ đến người khác sẽ dễ dàng phạm tội tà dâm.
Có bốn bất thiện pháp về khẩu . Thứ nhất là nói lời không thật. Chuyện không nói có, chuyện có nói không. Thứ hai là lời nói đâm thọc. Ðó là những lời nói gây ra sự bất hòa, làm gẫy đổ tình thân thiện của bạn bè hay đoàn thể. Thứ ba là nói lời độc ác, thô lỗ, mắng nhiếc, chửi rủa, hạ nhục người khác. Thứ tư là nói lời vô ích, tầm phào, ngồi lê đôi mách.
Có ba bất thiện pháp về tâm . Thứ nhất là suy nghĩ đến cách làm hại người khác. Tâm giận dữ, hung bạo. Thứ hai là suy nghĩ, âm mưu chiếm đoạt sở hữu của người khác. Thứ ba là hiểu sai lầm luật nhân quả, không chấp nhận luật nhân quả, không tin rằng hành động tốt hay xấu sẽ trả quả tương ứng. Trong Phật giáo, tư tưởng hay suy nghĩ được xem là một hình thức của phạm hạnh. Tư tưởng hay sự suy nghĩ đóng vai trò quan trọng vì hành động phát xuất từ suy nghĩ. Không tin tưởng vào nghiệp báo nhân quả sẽ khiến ta có những hành vi thiếu trách nhiệm, tạo điều kiện để gây ra đau khổ cho mình và người khác. Cũng có những loại tâm bất thiện khác, mặc dầu không được xếp loại vào thập ác. Ðó là dã dượi buồn ngủ, bất an, và vô số các phiền não vi tế khác. Người bị các bất thiện tâm này chi phối cũng bị xem là người có tâm bất thiện.
Mối hiểm nguy khi đi trên đường bất thiện
Người nào không thoát khỏi mười bất thiện pháp thể hiện qua thân, khẩu, ý thì không thể đến nơi an toàn và sẽ gặp phải nhiều loại đau khổ phiền lụy.
Tự đánh giá, hối hận, đau khổ, nuối tiếc cũng là những điều nguy hiểm. Nhiều bất thiện pháp được ta đánh giá là thiện pháp. Hoặc vào lúc đầu ta tưởng đó là điều thiện. Về sau mới biết đó là điều ác. Sự sai lầm này khiến ta ân hận. Thế là ta tự trách mình: “Thiệt là ngu, tại sao ta có thể làm như vậy.” Ân hận, hối hận là một đau khổ. Ðau khổ này không phải do ai gây ra cho ta. Vì đi sai đường nên ta tự mang lấy đau khổ vào mình. Những sự kiện này chỉ là những nỗi lo sợ trong một khoảng thời gian nào đó, nhưng nó sẽ trở nên hãi hùng trước lúc ta lâm chung. Ngay trước lúc chết, một luồng tâm thức không thể kiểm soát được sẽ phát sanh. Tâm sẽ hồi tưởng lại những hành động đã làm trong cuộc sống. Nếu nhớ được những đức hạnh và điều thiện đã làm trước đây, thì lúc bấy giờ, tâm ta sẽ tràn đầy sự ấm áp và an tịnh, và ta sẽ chết trong bình an. Nếu ta không thận trọng giữ giới luật, hối hận và tiếc nuối sẽ tràn ngập tâm ta. Lúc ấy ta sẽ nghĩ: “Ðời sống thật ngắn ngủi. Ta đã xử dụng sai lầm cuộc sống của ta. Ta đã bỏ mất cơ hội để làm cho mình lên đến điểm cao tột, tốt đẹp của kiếp người. Nhưng đã quá trễ để sửa chữa. Cái chết của ta sẽ đau đớn”. Nhiều người trước lúc chết đau khổ tận cùng đến nỗi rơi nước mắt hay khóc òa trước khi từ giã cõi đời.
Tự đánh giá mình cũng không phải là sự nguy hiểm độc nhất mà người chọn lầm đường bất thiện phải chịu. Thêm vào đó, họ bị các bậc thiện trí thức khiển trách. Những người có thiện tâm sẽ không chịu làm bạn với những người không đáng tin cậy hay người hung bạo, và cũng không xem trọng họ. Người bất thiện, cuối cùng, sẽ trở thành người không thích hợp để sống trong xã hội này.
Nếu bạn đi trên đường bất thiện, bạn sẽ phạm pháp. Nếu phạm pháp, bạn sẽ bị trừng trị tùy theo mức độ nặng nhẹ. Tội nhẹ có thể bị phạt vi cảnh, phạt tiền hay bị giam một thời gian ngắn. Tội nặng sẽ bị trừng phạt nặng hơn. ở thời đại này có thật nhiều vụ phạm pháp trầm trọng. Nhiều người phạm pháp vì quá tham lam, sân hận hay si mê. Không phải chỉ phạm pháp một lần, mà họ tái phạm nhiều lần. Hố sâu tội lỗi dường như không có đáy. Hàng ngày có biết bao nhiêu vụ giết người cuồng bạo xảy ra và những hung thủ cuối cùng đã trả giá bằng cái chết. Ði trên đường bất thiện thật đầy nguy hiểm. Trước sau cũng sẽ bị trừng phạt đích đáng.
Dĩ nhiên, có những vụ phạm pháp không tìm ra thủ phạm. Có những kẻ thông minh tìm cách trốn tránh luật pháp. Họ có thể thoát khỏi sự trừng trị của luật pháp bên ngoài, nhưng họ không tránh được sự trừng phạt bên trong. Sự trừng phạt bên trong thật nặng nề và đau đớn. Bạn luôn luôn là nhân chứng chính xác của chính mình. Bạn không thể nào dấu diếm được chính bạn. Bạn cũng không thể thoát khỏi tái sinh vào bốn cảnh khổ: Súc sanh, Ngạ Quỷ, A-Tu-La, Ðịa Ngục. Mỗi khi làm một hành động gì, nghiệp sẽ trổ quả. Nếu nghiệp không trả ngay trong kiếp này thì nó sẽ theo bạn trong các kiếp vị lai. Con đường bất thiện đưa đến những loại nguy hiểm này.
Bát Chánh Đạo
Không có bất thiện trên Bát Chánh Ðạo. Với nhóm Giới-Ðịnh-Huệ, Bát Chánh Ðạo mang lại cho cuộc sống chúng ta sự hoàn chỉnh và chính trực.
Nhóm Giới trong Bát Chánh Ðạo
Nhóm Giới trong Bát Chánh Ðạo gồm có Chánh Ngữ, Chánh nghiệp, Chánh Mạng.
Chánh ngữ (Sammavaca) là lời nói thật, lời nói hoàn hảo, đầy đủ. Chánh Ngữ còn mang các đặc tính khác: đem đến sự hoà hợp; êm dịu, vui vẻ, không khiến người nghe khó chịu; đem lại lợi ích và không nhảm nhí, vô bổ. Thực hành Chánh Ngữ, chúng ta sẽ thoát khỏi bốn tà ngữ là nói láo, nói đâm thọc, nói lời hung dữ, nói lời vô ích.
Chánh Nghiệp (Samma kammanta) bao gồm việc thu thúc hay giữ gìn giới luật. Chúng ta phải tránh ba loại hành động bất thiện là sát sanh, trộm cắp và tà hạnh.
Chánh Mạng (Samma-ajiva), sự nuôi mạng chơn chánh, hợp pháp, không bị chê trách. Tránh xa các tà mạng: Không buôn bán rượu, không buôn bán thuốc độc, không buôn bán khí giới, không buôn bán thịt, không buôn bán người.
Loại bỏ được các bất thiện pháp trong ba lãnh vực trên thì ta sẽ tránh được các phiền não thô tướng. Phiền não là kẻ thù của chúng ta. Chúng phải được xem là kẻ thù nguy hiểm và được nhận diện ra như vậy. Thoát khỏi kẻ thù là thoát khỏi nguy hiểm.
Nhóm Ðịnh trong Bát Chánh Ðạo
Nhóm Ðịnh trong Bát Chánh Ðạo bao gồm: Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Ðịnh. Bạn sẽ quen thuộc với nhóm này nếu bạn theo lời chỉ dẫn hành thiền. Khi bạn cố gắng chú tâm vào bụng, đó gọi là Chánh Tinh Tấn. Chánh Tinh Tấn có năng lực gạt các loại phiền não sang một bên. Khi Chánh Tinh Tấn được đẩy mạnh, Chánh Niệm sẽ hoạt động hữu hiệu để quán sát đối tượng. Chánh Niệm lại hoạt động như một người bảo vệ. Tinh Tấn gạt phiền não ra khỏi đường và Chánh Niệm đóng cửa không cho chúng vào. Bây giờ tâm có thể tập trung sâu xa hơn từ sát na này sang sát na khác. Tâm nằm trên đề mục, tập trung, không tản mạn, an tịnh. Ðó là chánh định. Khi ba yếu tố này hiện diện thì nhóm định phát triển tốt đẹp. Vào lúc này, tâm phiền não và tâm bất thiện bị đẩy ra xa. Nhóm định trực tiếp đàn áp tâm bất thiện.
Nhóm Huệ trong Bát Chánh Ðạo
Từ sát na này sang sát na khác, tâm bạn trở nên trong sáng và an tịnh nhờ sự Tinh Tấn ở chính bạn. Trong một phút bạn có sáu mươi lần tâm thoát khỏi sự bất thiện. Trong hai phút bạn sẽ có một trăm hai mươi lần. Hãy nghĩ xem bao nhiêu lần an tịnh bạn sẽ có được trong một giờ hay trong một ngày. ( Ðó là chỉ tính mỗi giây một lần an tịnh thôi). Bởi vậy, hãy Tinh Tấn từng phút, từng giây.
Trong mỗi giây đó, bạn sẽ thấy tâm nằm ngay trên đối tượng. Ðó là Chánh Tư Duy (Samma sankappa) hay Chánh Hướng Tâm, một yếu tố của nhóm Huệ trong Bát Chánh Ðạo. Khi tâm đã hướng vào đề mục một cách chính xác, tâm sẽ thấy đề mục rõ ràng và Trí tuệ sẽ phát sinh. Trí tuệ thấy rõ hay biết rõ các hiện tượng đúng theo chân tướng của nó tạo nên Chánh Kiến (Samma ditthi), một yếu tố của nhóm Huệ trong Bát Chánh Ðạo. Nếu tâm rơi chính xác trên đối tượng, trí tuệ sẽ nẩy sinh, thấy rõ bộ máy nhân duyên, nhân quả tương quan, nối hiện tượng thân và tâm vào với nhau. Nếu tâm rơi trên Vô Thường, tâm sẽ thấy rõ ràng và hiểu rõ Vô Thường là thế nào. Như vậy, Chánh Tư Duy và Chánh Kiến liên kết với nhau.
Chánh Kiến này kết quả từ Chánh Tư Duy có năng lực hủy diệt hạt giống bất thiện tâm. Hạt giống bất thiện tâm là những phiền não cực kỳ vi tế và tiềm ẩn bên trong. Chúng chỉ bị hủy diệt khi trí tuệ có mặt. Và trí tuệ chỉ phát sinh do sự thực hành, không phải do tưởng tượng.
Có lẽ bây giờ bạn đã hiểu rõ tại sao Ðức Phật bảo rằng Bát Chánh Ðạo là con đường thẳng, con đường chân chánh. Những lời nói, hành động và việc làm bất thiện sẽ bị Giới, Ðịnh, Huệ trong Bát Chánh Ðạo chế ngự. Ði thẳng trên đường này, thiền sinh sẽ vượt qua mọi bất thiện pháp và thoát khỏi mọi hiểm nguy.
Niết Bàn là nơi An Trú và Đạo là nơi An Trú
Ðức Phật đoan chắc với vị trời mới rằng chánh đạo sẽ dẫn đến một nơi an trú. Chữ “nơi an trú” ở đây được giải thích rất dài trong chú giải, có nghĩa là Niết Bàn, nơi không còn một chút nguy hiểm, sợ hãi, già và chết được chế ngự, gánh nặng đau khổ được bỏ xuống. Một người đạt được Niết Bàn sẽ được bảo vệ hoàn toàn. Bởi thế được gọi là “người vô úy”, người thoát khỏi mọi sự sợ hãi, mọi hiểm nguy.
Muốn đến được nơi An Trú Niết Bàn này phải đi trên phần siêu thế của Bát Chánh Ðạo. Siêu thế ở đây có nghĩa là vượt ra ngoài thế giới này. Bạn không thể đạt đến Niết Bàn mà không đi trên đường này. Niết Bàn là nơi an trú cao tột.
Chúng ta đã tìm hiểu giới, định, huệ. Khi giới được trong sạch, chúng ta không bị hối hận dày vò, không bị các bậc thiện trí chê trách, không bị luật pháp trừng phạt và không bị tái sanh vào các cảnh khổ. Khi định được hoàn thành, ta không còn bị các phiền não tư tưởng chi phối. Phiền não tư tưởng là phiền não nằm trong tâm và đàn áp tâm ta. Phiền não này nếu có dịp sẽ chuyển sang hành động và lời nói bất thiện. Trí tuệ nội quán khởi sinh do Chánh Niệm và Chánh Ðịnh có năng lực chế ngự các phiền não vi tế ngủ ngầm. Bởi thế, dầu chưa đạt được sự an toàn vĩnh viễn của Niết Bàn, người hành thiền cũng được bảo vệ, tránh khỏi mọi điều sợ hãi khi đi trên Bát Chánh Ðạo. Con đường này, chính nó là nơi trú ẩn an toàn.
Phiền não, nghiệp và quả: Vòng luân hồi
Phiền não chịu trách nhiệm về những mối hiểm nguy trên thế gian này. Mê muội, tham ái và dính mắc là phiền não. Do vô minh và tham ái, con người tạo nghiệp rồi nhận quả. Do tác động tạo nghiệp trong quá khứ, chúng ta tái sanh vào cõi đời này với thân và tâm như bây giờ. Nghĩa là đời sống hiện tại của chúng ta là kết quả của những nguyên nhân trước đây. Thân tâm này đến lượt lại trở thành đối tượng của tham ái và dính mắc. Tham ái và dính mắc tạo nên nghiệp. Nghiệp là điều kiện hay nhân để tái sinh lần nữa. Thế rồi, lại tham ái và dính mắc vào thân tâm rồi lại tái sanh. Cứ thế, chúng ta bị quay tròn mãi mãi. Phiền não, nghiệp và quả là ba yếu tố của vòng luân hồi. Ðó là luân hồi trong tam giới, không có điểm khởi đầu; và nếu không tham thiền thì cũng không có điểm chấm dứt.
Nếu không có vô minh thì vòng luân hồi này cũng không có. Chúng ta đau khổ trước kia từ sự si mê, không biết, không thấy rõ. Trên sự si mê này là tà kiến, ảo tưởng, thấy sai sự thật. Nếu không hành thiền một cách sâu xa, chúng ta không thấy được chân tướng của sự vật là Vô Thường , Khổ và Vô Ngã. Bản chất của thân và tâm chỉ là hiện tượng sanh diệt từ sát na này đến sát na khác, nhưng vì si mê nên chúng ta không thấy được điều này. Chúng ta cũng không biết rằng sự sinh diệt áp chế khiến ta phải đau khổ. Chúng ta không thấy rõ rằng chẳng có ai kiểm soát, điều khiển tiến trình này. Chẳng ai ở đằng sau nó. Nếu chúng ta hiểu một cách sâu xa ba đặc tính của thân và tâm này, chúng ta sẽ không tham ái hay dính mắc.
Rồi, bởi vì si mê, chúng ta thêm ảo tưởng vào thực tế. Chúng ta lại cho rằng thân và tâm là trường tồn, không thay đổi. Chúng ta sung sướng, vui vẻ khi có thân và tâm này, và chúng ta lại cho rằng có một tự ngã, hay “tôi” vĩnh viễn chịu trách nhiệm tiến trình thân tâm.
Hai loại si mê này, (không thấy rõ hay thấy sai) là nguyên nhân phát sanh tham ái và dính mắc. Dính mắc (upadana), chỉ là một hình thức kiên cố hơn của tham ái. Sự ham thích sắc tốt, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, nơi đụng chạm vừa lòng và sự suy nghĩ thích thú khiến ta tham luyến vào những đối tượng mới đến với chúng ta. Nếu chúng ta đạt được những gì chúng ta muốn, chúng ta sẽ dính mắc vào chúng và không muốn mất chúng. Ðiều này tạo nên nghiệp khiến ta bị luân hồi trong vòng tái sanh.
Phá vỡ vòng luân hồi
Dĩ nhiên, có nhiều loại nghiệp. Nghiệp ác đem lại quả ác và khiến ta luân lưu trong vòng tam giới. Trong khi đi trên phần tiên khởi của Bát Chánh Ðạo, chúng ta không cần phải lo lắng phải trả quả của các nghiệp bất thiện vì chúng ta đã tránh xa các hành động ác. Giới bảo vệ thiền sinh khỏi đau khổ trong tương lai. Nghiệp thiện mang lại kết quả hạnh phúc, tuy nhiên, cũng thúc đẩy ta luân lưu trong vòng luân hồi. Nhưng khi hành thiền, nghiệp trường tồn không còn phát sanh nữa. Ðơn thuần quán sát những gì đến và đi là thiện nghiệp và nó không khiến ta tiếp tục ở trong vòng luân hồi. Trong ý nghĩa tinh túy, thì việc hành thiền không tạo ra quả (Vipaka). Khi Chánh Niệm đủ chính xác, sẽ có khả năng ngăn cản tham ái phát sinh, do đó cũng ngăn cản sự phát sinh chuỗi hậu quả tiếp theo liên quan đến sự sanh tồn là nghiệp, sanh, già, đau và chết.
Từ sát na này sang sát na khác, Thiền Minh Sát phá vỡ vòng luân hồi của phiền não, nghiệp và quả. Khi Tinh tấn, Chánh Niệm và Chánh Ðịnh hoạt động thì Chánh Hướng Tâm sẽ khiến tâm xuyên thấu bản chất của các pháp, và ta sẽ thấy sự vật đúng theo thực trạng của chúng. Ánh sáng trí tuệ xoá tan sự tăm tối của si mê. Khi không còn si mê thì ái dục không sinh khởi. Nếu ta thấy một cách rõ ràng Vô Thường , Khổ và Vô Ngã thì tham ái sẽ không phát sinh, và sự dính mắc sẽ không nối chân theo được. Như vậy, ta có thể nói vì không biết nên dính mắc, nắm giữ. Khi biết rồi thì không còn dính mắc, nắm giữ nữa. Không dính mắc, nắm giữ thì không tạo nghiệp, và do đó, sẽ không gặt quả.
Vô minh dẫn đến tham ái, dính mắc và nắm giữ vào sự sinh tồn và tà kiến tự ngã. Ði trên Bát Chánh Ðạo, bạn sẽ giết chết nguyên nhân của vô minh. Nếu chúng vắng mặt dầu trong một sát na thì sẽ có giải thoát; vòng luân hồi bị phá tan. Ðó là nơi an trú mà Ðức Phật đã nói đến. Trong lúc giữ tâm Chánh Niệm, bạn được thoát khỏi vô minh, thoát khỏi các hiểm nguy của phiền não, thoát khỏi tác động của các nghiệp dẫn đến đau khổ trong tương lai, và vui hưởng sự an toàn bảo đảm.
Có lẽ bạn nghĩ rằng thân và tâm này thật đáng sợ, và bạn muốn loại bỏ nó. Ðược. Nhưng như vậy không có nghĩa là tự tử. Nếu muốn giải thoát, bạn phải thông minh hơn. Khi hậu quả được quán sát thì nguyên nhân sẽ bị tiêu diệt. Ðó không phải là sự hủy diệt trong nghĩa tích cực, mà nghĩa là sự vắng bóng của luật trường tồn. Chánh Niệm hủy diệt phiền não, nguyên nhân đem đến một thân tâm tương tự trong tương lai. Ðiều này có nghĩa là khi có Chánh Niệm, Chánh định và có sự Hướng Tâm đúng đắn để quán sát các đối tượng ngay khi chúng phát sinh tại sáu cửa giác quan, thì vào lúc ấy, phiền não không thể xâm nhập vào được. Bởi vì phiền não là nguyên nhân của nghiệp và tái sinh, nên khi phiền não không thể chỗi dậy được thì chuỗi tiếp nối sinh tồn trong tam giới bị đoạn tuyệt. Sẽ không có hậu quả trong tương lai nếu không có nhân trong hiện tại.
Hành theo Bát Chánh Ðạo, đạt các tuệ minh sát, cuối cùng, thiền sinh sẽ an trú Niết Bàn, thoát khỏi mọi đau khổ. Có bốn tầng Niết Bàn. Mỗi tầng, một số phiền não được tận diệt. Nơi an trú cao tột là tầng Niết Bàn cuối cùng, đó là A La Hán. Tâm vị A La Hán hoàn toàn thanh tịnh, trong sạch.
——————–
Link nội dung cuốn Ngay Trong Kiếp Sống Này
Link ebook Ngay Trong Kiếp Sống Này
Link video cuốn Ngay Trong Kiếp Sống Này
Link audio cuốn Ngay Trong Kiếp Sống Này
Link thư mục tác giả U Pandita Tỳ Khưu
Link thư mục ebook U Pandita Tỳ Khưu
Link giới thiệu tác giả U Pandita Tỳ Khưu
Link tải app mobile Phật Giáo Theravāda
Video Ngay Trong Kiếp Sống Này – Niết Bàn | Thiền Sư U Pandita