Chương Thứ Mười
Giảng Giải về Lợi Ích của việc Sao Chép Tam Tạng
Tiếp đến, việc giảng giải về lợi ích của vấn đề sao chép Tam Tạng cần được đề cập. Hơn nữa, khi nằm xuống trên chiếc giường Vô Dư Niết Bàn, đức Thế Tôn đã dặn dò trưởng lão Ānanda rằng:
– Này Ānanda, Pháp và Luật nào đã được ta giảng giải và quy định cho các ngươi, Pháp và Luật ấy sẽ là thầy của các ngươi khi ta không còn nữa. Kể từ khi đắc chứng quả vị giác ngộ tối thượng cho đến lúc Vô Dư Niết Bàn là bốn mươi lăm năm, tồn tại có tám mươi bốn ngàn Pháp Uẩn đã được giảng dạy, ta sẽ đơn độc Vô Dư Niết Bàn. Hơn nữa, trong lúc này đây ta còn đơn độc giáo huấn và giảng dạy, nhưng khi ta Vô Dư Niết Bàn rồi, tám mươi bốn ngàn Pháp Uẩn này là tám mươi bốn ngàn vị Phật sẽ giáo huấn và giảng dạy các ngươi.
Ngài đã thực hiện và xác định tám mươi bốn ngàn Pháp Uẩn cao quý là vị thầy của chính bản thân, tương đương với Pháp Thân của Ngài, tức là tám mươi bốn ngàn vị Phật cao quý được sanh ra từ Ngài.
Bởi vì, việc này đã được đức Thế Tôn giảng rằng:
1. Mỗi một mẫu tự được xem là tương đương với sắc thân của đức Phật. Chính vì thế, người trí hãy nên sao chép Tam Tạng.
2. Khi Tam Tạng tồn tại thì số lượng tám mươi bốn ngàn bậc Toàn Giác cũng sẽ được tồn tại.
3. Mỗi một mẫu tự trong Pháp Học của bậc Đạo Sư được xem là một quả báu tương đương với một sắc thân của đức Phật.
4. Chính vì thế, người trí mong mỏi sự thành tựu về cả ba phương diện thì vị ấy nên sao chép, hoặc khuyến khích người khác sao chép vào sách tức là tháp thờ Pháp Bảo.
5. Người viết lại Pháp Bảo tức là Tam Tạng được tròn đủ về nền tảng của mười thiện hạnh và sở hành tốt đẹp về ba phương diện.
6. Vị ấy tròn đủ Chánh Pháp một cách tốt đẹp về cả ba phương diện trong Phật Pháp là Pháp Học, Pháp Hành, và Pháp Thành.
7. Mỗi một mẫu tự trong lời giáo huấn của đấng Cứu Độ chúng sanh được xem như là một quả báu tương đương với một sắc thân của đức Phật.
8. Chính vì thế, người trí mong mỏi sự thành tựu về cả ba phương diện thì vị ấy nên sao chép, hoặc khuyến khích người khác sao chép mẫu tự trong Tam Tạng.
9. Toàn bộ Tam Tạng có số lượng mẫu tự hơn bốn ngàn triệu và bảy mươi hai mẫu tự.
10. Những ai sao chép Tam Tạng giống như đang thực hiện bốn ngàn triệu và bảy mươi hai tượng (Phật).
Khi nói về lợi ích của việc sao chép Tam Tạng thì cũng nên nhắc lại ở đây là lợi ích của hình tượng đã được đức Thế Tôn giảng giải chi tiết khi Ngài khen ngợi hình tượng ở xứ Kosala:
11. Những người ghi lại một mẫu tự của Tam Tạng tương tợ như đang làm tượng của bậc Đạo Sư sẽ có được hào quang như mặt trời và thân hình xinh đẹp ở tất cả các cõi.
12. Những người tạo điều kiện cho mẫu tự của Tam Tạng được ghi lại sẽ không bị sanh lên trong trạng thái của người nữ, hoặc người vô căn, hoặc người lưỡng căn; họ sẽ sanh lên với một thân thể vẹn toàn, lành lặn.
13. Những người tạo điều kiện cho mẫu tự của Tam Tạng được ghi lại là những người sống theo hạnh từ bi, sẽ không bị chết vì tai nạn, vì thuốc độc, vì vũ khí, vì bùa chú, vì các vị vua thù nghịch v.v…
14. Những người tạo điều kiện cho mẫu tự của Tam Tạng được ghi lại sẽ sanh lên trong một thân hình đẹp tuyệt vời, trong gia tộc bà-la-môn cao quý, trong gia tộc sát-đế-lỵ hạng nhất, và không bị sanh trong gia đình hạ tiện hoặc gia tộc thấp kém.
15. Những người tạo điều kiện cho mẫu tự của Tam Tạng được ghi lại sẽ không sanh vào trạng thái ngạ quỷ ở tận cùng của thế gian, sẽ không sanh làm kẻ ngu khờ, què quặt, mù lòa, hoặc điếc; họ là những người được thoát khỏi bốn cõi khổ.
16. Những người tạo điều kiện cho mẫu tự của Tam Tạng được ghi lại sẽ không phải chịu khổ sở ở trong bào thai, sẽ không phải chịu khổ sở lúc chào đời, và người mẹ sanh ra họ cũng không bị khổ sở.
17. Những người tạo điều kiện cho mẫu tự của Tam Tạng được ghi lại luôn luôn được tăng trưởng về hạnh phúc, tài sản, giàu sang, danh vọng, v.v… Tất cả đều được tăng trưởng cho họ.
18. Những người tạo điều kiện cho mẫu tự của Tam Tạng được ghi lại khi tái sanh vào trong bào thai không bị lem lấm bởi đồ dơ, nước giải, v.v… và luôn được sạch sẽ như là ngọc quý nằm trên tấm vải sạch vậy.
19. Những người tạo điều kiện cho mẫu tự của Tam Tạng được ghi lại phát triển bình yên trong bào thai. Khi được sanh ra từ trong bụng mẹ, họ như người bước xuống từ Pháp tọa vậy.
20. Những người tạo điều kiện cho mẫu tự của Tam Tạng được ghi lại được vị trời ngàn mắt (Sakka) dâng nước thánh; giống như vị Vua Chuyển Luân được các vị vua hùng mạnh tôn vinh vậy.
21. Những nam nhân tạo điều kiện cho mẫu tự của Giáo Pháp được ghi lại đến khi từ bỏ thân phận làm người, nếu được sanh làm trời thì những người ấy sẽ đạt đến những cõi trời cao quý và xinh đẹp.
22. Những người sao chép mẫu tự của Tam Tạng liên tục hưởng sự cao sang, có các nữ nhân quý phái với nhạc khí tuyệt vời vây quanh; họ được hưởng sự an lạc tột cùng một cách lâu dài.
23. Những người tạo điều kiện cho mẫu tự của Tam Tạng được ghi lại mong mỏi thân phận cao quý, đến khi chấm dứt cuộc sống và từ trần ở thế gian, sẽ sanh về cõi trời cao quý.
24. Khi đã thành tựu trạng thái vĩ đại là phẩm vị Toàn Giác, Độc Giác, và bản thể Thinh Văn là ba mục tiêu chính yếu ở thế gian, các vị đã thành tựu điều cao quý tột cùng là an lạc Niết Bàn.
25. Những người cúng dường sách vở, sự đóng sách, phòng ốc, bình lọ, viết, ghế ngồi, kéo cắt, hoặc là mực viết đều trở nên trí tuệ vô cùng.
26. Những người đích thân sao chép, hoặc bảo những người khác sao chép, hoặc chỉ tùy hỷ theo sẽ trở thành các đệ tử trí tuệ của bậc Chiến Thắng Mettyya (Phật Di Lặc) trong ngày vị lai.
27. Những người sao chép hoặc thuê kẻ khác làm, những người ấy sẽ đạt được toàn bộ điều họ mong ước, khát khao, hay thích thú một cách rất dễ dàng trong ngày vị lai.
Phần Giảng Giải về
Lợi Ích của việc Sao Chép Tam Tạng
trong cuốn “Diệu Pháp Yếu Lược” được thực hiện
nhằm đáp ứng niềm tin của các thiện trí thức
được chấm dứt.
-ooOoo-
TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)