Chương Mười Một
Giảng Giải về Lợi Ích của việc Lắng Nghe Chánh Pháp
Tiếp đến, việc giảng giải về lợi ích của vấn đề lắng nghe Chánh Pháp cần được đề cập. Bởi vì điều này đã được đức Thế Tôn nói đến:
1. “Này Vakkali, người nào thấy Chánh Pháp của ta, người ấy thấy ta. Người không thấy Chánh Pháp, dầu có thấy ta cũng như không thấy.”
Đức Thế Tôn đã xác định vị thế tương đương của Giáo Pháp nói về Pháp Học khi so sánh với bản thân Ngài. Hơn nữa, Chánh Pháp này được tất cả chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai cung kỉnh, tôn vinh, sùng kính, cúng dường. Cho nên, người nào cung kỉnh, tôn vinh, sùng kính, cúng dường Chánh Pháp, người ấy được gọi là tôn vinh, cung kỉnh, sùng kính, cúng dường đấng Như Lai. Và việc này đã được đức Thế Tôn giảng rằng:
2. Chư Phật quá khứ, chư Phật vị lai, và chư Phật thời hiện tại là những vị đã diệt tan sầu khổ cho nhiều người.
3. Theo thông lệ của chư Phật thì chư Phật hiện hữu trong ba thời quá khứ, hiện tại, và vị lai đều là những vị cung kỉnh Chánh Pháp.
4. Cho nên, người nào mong mỏi sự lợi ích và ước ao điều cao cả thì nên cung kỉnh Chánh Pháp và ghi nhớ lời giáo huấn của chư Phật.
5. Chư Phật Toàn Giác có hai thân là Nhục Thân với nét huy hoàng và Pháp Thân tức là Giáo Pháp đã được các vị ấy giảng dạy.
6. Khi biết rõ rằng Chân Lý đã hiển hiện và thấu triệt được danh xưng, ý nghĩa, luôn cả các mẫu tự, và từ ngữ, người ấy đã đạt đến hạt giống giác ngộ.
7. Bậc trí tuệ tầm cầu lợi ích trong Chánh Pháp thanh tịnh và nhiều đức hạnh hãy an trú niềm tin vào Giáo Pháp và bày tỏ sự tôn vinh cung kỉnh.
8. Khi đã hoãn lại công việc của bản thân để đi đến đây nghe Pháp, vị ấy nên chăm chú lắng nghe Giáo Pháp đã được giảng dạy bởi bậc Toàn Giác.
Nghe rằng vào thuở ấy, đức Thế Tôn ngự tại Jetavana (Kỳ Viên), kế cận thành Sāvatthi. Vào lúc bấy giờ, ở trong giảng đường đại đức Nanda đang chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi đến các vị tỳ khưu bằng bài thuyết Pháp với lời nói tao nhã, dễ hiểu, rõ ràng, đem lại lợi ích. Các vị tỳ khưu ấy thấy được sự lợi ích, nên tập trung toàn bộ tâm ý, chăm chú, và lắng tai để nghe bài Pháp.
Lúc bấy giờ, bậc Đạo Sư sau khi chấm dứt bài giảng pháp cho đám đông người sau thời thọ thực, đã nghỉ ngơi cơ thể trong chốc lát rồi tắm rửa kỹ lưỡng với nước đã được các vị thị giả chuẩn bị sẵn, rồi Ngài đã mặc y tươm tất và khoác y tề chỉnh đi đến cửa giảng đường nhằm mục đích lắng nghe bài giảng Pháp của đại đức Nanda. Ngài đã nắm lấy sợi giây buộc ở cửa và đứng nghe bài thuyết Pháp trọn cả ba canh của đêm. Khi bài thuyết giảng chấm dứt, Ngài đã ban lời khen ngợi rằng:
– Này Nanda, bài giảng Pháp được thuyết hay lắm!
Ngay khi bậc Đạo Sư vừa ban lời khen ngợi, các loài rồng, kim-xỉ-điểu, dạ-xoa, và chư thiên ở trái đất đã ban lời tán thán, đến tận cõi Phạm Thiên cũng có vang lên lời khen ngợi.
Vị trưởng lão nghe được lời khen ấy, biết rằng: “Âm thanh ấy là lời khen ngợi của bậc Đạo Sư,” ngay lập tức đã vội vàng leo xuống Pháp tọa đi đến quỳ xuống đê đầu ở chân đấng Thập Lực đảnh lễ đức Thế Tôn:
– Bạch đức Thế Tôn, ngài đã đến đây từ lúc nào vậy?
– Này Nanda, ta đến đây từ lúc ngươi mới bắt đầu giảng bài kinh.
Vị trưởng lão đã trở nên sửng sốt, nói rằng:
– Bạch đức Phật, ngài đã quá gắng sức, ngài lại không được khỏe. Nếu con biết là đấng Như Lai đến thì con đã không thuyết nhiều như thế.
– Này Nanda, khi ta bồi đắp hạnh nguyện ba-la-mật trong thời gian hơn bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn kiếp chỉ nhằm một mục đích là thấu hiểu cho được Chánh Pháp này; tương tợ như thế, trong những kiếp tái sanh làm Vidhura, Mahāgovinda, Khuddālaka, Araka, Jotipāla, du sĩ Bodhi, và bậc trí Mahosadha, v.v… không thể ước lượng được những lần bản thân ta đã thuyết giảng Giáo Pháp này cho những người khác để thực hành cho tròn đủ trí tuệ ba-la-mật. Bởi vì vào lúc ấy, ta đã không thấy chán ngán trong khi thuyết giảng Giáo Pháp đến người khác hay lắng nghe Giáo Pháp được người khác thuyết giảng.
Trong khi giải thích điều ấy, bậc Đạo Sư đã nói rằng:
9. Bởi vì trong khi ta luân hồi vô số kiếp ở các cõi tái sanh khác nhau, ta không thấy chán ngán khi thuyết giảng và lắng nghe Giáo Pháp.
10. Trong thời hiện tại, ta là bậc Toàn Giác, Toàn Tri, là hiện thân của từ bi, tại sao ta lại chán ngán khi thuyết giảng Giáo Pháp cho thế gian?
11. Vì đã phát nguyện rằng: “Thành Phật, ta sẽ giúp kẻ khác giác ngộ;” do đó, giờ đây ta đã là bậc Toàn Giác nên ta sẽ giúp cho chúng sanh giác ngộ.
12. Vì đã phát nguyện rằng: “Đạt đến bờ kia, ta sẽ giúp kẻ khác vượt đến bờ kia;” do đó, giờ ta đã vượt khỏi khổ đau, nên ta sẽ giúp cho chúng sanh vượt đến bờ kia.
13. Vì đã phát nguyện rằng: “Được giải thoát, ta sẽ giúp kẻ khác được giải thoát.” Do đó, giờ ta đã được giải thoát khỏi khổ đau nên ta sẽ giúp cho chúng sanh giải thoát.
14. Giáo Pháp này đã được các vị Toàn Giác vĩ đại khai thị, cần phải có niềm tin nơi Giáo Pháp và nên lắng nghe Chánh Pháp cao quý này.
Bởi vì Giáo Pháp này khó mà gặp được. Đức Thế Tôn đã nói rằng:
– Này Nanda, trong thế giới chúng sanh này, nếu ngươi có thể thuyết giảng một kiếp thì ta cũng có thể đứng và lắng nghe trong suốt một kiếp.
Nghe vậy, đại đức Nanda thưa rằng:
– Bạch ngài, thật kỳ diệu thay! Bạch ngài, thật phi thường thay! Đấng Như Lai đã hiểu biết tất cả các pháp cần được chứng ngộ, đã khai sáng đạo lộ chưa được khai sáng, đã biết được đạo lộ chưa được biết đến, đã thuyết về đạo lộ chưa được đề cập đến, là người biết và rành rẽ về đạo lộ ấy; như thế mà vẫn không chán ngán hoặc mệt mỏi khi đích thân thuyết giảng về Chánh Pháp này hoặc lắng nghe sự thuyết giảng của những người khác.
Sau khi đã biết như thế thì nên lắng nghe Chánh Pháp này một cách nghiêm trang.
Bài thuyết giảng của Nanda là phần thứ nhất.
*
Vô số người từ khắp các nơi đi đến đây để lắng nghe Chánh Pháp, đã tụ họp lại, ngồi xuống trong giảng đường của Pháp hội; những người ấy và tất cả những ai có sự tôn kính hãy nên lắng nghe Chánh Pháp này một cách nghiêm trang. Ở đây, có vị Pháp sư (nghĩ rằng): “Người ta sẽ biết rằng: Ta là vị Pháp sư;” vị ấy thuyết giảng vì sự thôi thúc của lòng tham muốn và bị nung nấu bởi lợi lộc và cung kính. Việc ấy không có quả báu lớn lao. Có vị thuyết giảng Giáo Pháp cho người khác, mong muốn rằng bản thân hiểu rõ hơn về Giáo Pháp. Việc ấy có quả báu lớn lao. Vị ấy đạt được mục đích của sự thuyết giảng và nền tảng của việc hành thiện. Tương tợ như thế, có người khi nghe Pháp (nghĩ rằng): “Người ta sẽ biết: Ta là kẻ có đức tin;” người ấy nghe vì sự thôi thúc của lòng tham muốn và bị nung nấu bởi lợi lộc và cung kính. Việc ấy không có quả báu lớn lao. Lại có người khác (nghĩ rằng): “Việc nghe Pháp này sẽ đem lại cho ta quả báu lớn lao;” là người mong mỏi điều lợi ích, có đức tin khi nghe Pháp, người ấy lắng nghe Giáo Pháp với tâm tư vô cùng nhạy bén. Việc ấy có quả báu lớn lao. Người này đạt được mục đích của sự nghe Pháp và nền tảng của việc hành thiện trong sự nghe (Pháp). Ở đây, trong việc nghe Pháp có câu chuyện này để chỉ rõ lợi ích của việc nghe Pháp nghiêm trang và sự bày tỏ hành động tán thán trong việc nghe Pháp:
Nghe rằng ở thành Sāvatthi, người chồng của một cô con gái thuộc gia đình giàu có sau khi nghe bài giảng Pháp của bậc Đạo Sư (nghĩ rằng): “Ta không thể thực hành trọn vẹn Giáo Pháp này trong cương vị tại gia, vậy ta sẽ xuất gia,” rồi đã đi đến tu viện và xuất gia với vị trưởng lão chuyên hành hạnh khất thực. Khi ấy, vua Pasenadi của xứ Kosala biết rằng: “Đây là người thiếu phụ không chồng,” nên đã cho đem về hậu cung.
Một ngày nọ, có một người đàn ông vì công việc cần thiết nào đó đã mang theo một bó hoa sen xanh đi vào hậu cung và đã dâng vật ấy lên đức vua. Khi ấy, đức vua sau khi nhận bó hoa sen xanh đã cho mỗi một người trong đám nữ nhân ấy một đóa hoa sen xanh. Trong khi các đóa hoa được phân phát, người đàn bà ấy đã vươn hai tay ra lộ vẻ mừng rỡ, nhưng khi ngửi được mùi hương đã òa lên khóc. Đức vua đã nhận thấy cả hai trạng thái của cô ta nên cho truyền lệnh đến hỏi. Khi giải thích về nguyên nhân của trạng thái vui vẻ và nguyên nhân về hành động khóc lóc của bản thân, cô ta nói rằng:
15. Tâu chúa thượng, có mùi hương được tỏa ra từ miệng của vị trưởng lão chồng của thiếp, chính đóa hoa sen làm thiếp nhớ đến nên òa khóc.
16. Tâu bệ hạ, hơi thở ra thở vào của vị ấy được tỏa ra có mùi thơm. Giờ vị ấy đã bỏ đi rồi, do nhớ đến chồng nên thiếp khóc.
Mặc dầu được giải thích đến lần thứ ba, nhà vua cũng vẫn không tin. Cho đến ngày hôm sau, nhà vua đã ra lệnh đem ra khỏi hoàng cung tất cả các thứ có mùi hương như các tràng hoa, son phấn, v.v…, rồi ra lệnh chuẩn bị chỗ ngồi cho hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu, rồi đã thỉnh mời hội chúng tỳ khưu có đức Phật dẫn đầu. Sau khi đã an vị chỗ ngồi cho các vị và dâng cúng cuộc đại thí, đến khi bữa ăn được chấm dứt, nhà vua đã nói với người đàn bà ấy như vầy:
– Vị trưởng lão ấy là vị nào?
– Tâu bệ hạ, vị trưởng lão kia.
Sau đó, đức vua đã đảnh lễ bậc Đạo Sư và nói rằng:
– Bạch ngài, xin thỉnh ngài và hội chúng tỳ khưu về trước và giao cho vị tỳ khưu tên này của ngài tùy hỷ phước báu.
Khi ấy, đức Thế Tôn đã để vị tỳ khưu ấy lại và đi về tu viện. Sau đó, khi vị trưởng lão vừa mới bắt đầu việc tùy hỷ phước báu, khắp cả hoàng cung dường như được tràn ngập bởi hương thơm của long não, trầm hương, và dầu mè. Nhà vua đã tin rằng: “Nàng ta đã nói sự thật,” và ngày hôm sau đã hỏi bậc Đạo Sư nguyên nhân của sự việc. Khi ấy, đức Thế Tôn đã phân tích rằng:
– Tâu đại vương, vào thời quá khứ người này trong khi lắng nghe bài thuyết Pháp, có cơ thể đã sanh khởi năm hiện tướng của pháp hỷ, lông dựng đứng lên, và cơ thể được tràn ngập bởi pháp hỷ ấy. Vị ấy đã chính miệng nói lên rằng: “Lành thay, lành thay!” và trong khi bày tỏ hành động cổ vũ, vị ấy vẫn lắng nghe Giáo Pháp. Tâu đại vương, do nguyên nhân ấy mà vị ấy đã đạt được điều lợi ích trên.
Về việc này, có lời nói rằng:
17. Trong thời gian của buổi thuyết giảng Chánh Pháp, nhờ câu nói: “Lành thay, lành thay!” nên có hương thơm tỏa ra từ miệng như là hương của hoa sen ở trong hồ nước vậy.
18. Lời giảng của đấng Toàn Giác là lời nói ngọt ngào. Người nhiệt tình khen ngợi Giáo Pháp cao quý này là người có được trí tuệ, có lời nói ngọt ngào, miệng có mùi thơm, và giọng nói thanh tao.
Đây là lợi ích của việc nghe Pháp một cách nghiêm trang và sự bày tỏ hành động tán thán. Với người đã biết được điều ấy thì nên lắng nghe Chánh Pháp này một cách nghiêm trang.
Sự bày tỏ hành động tán thán là phần thứ hai.
*
19. Những người đã đi đến đây và cùng nhau ngồi xuống để nghe Chánh Pháp, xin hãy lắng tâm thanh tịnh và lắng nghe Giáo Pháp này.
Vào một thuở nọ, bậc Đạo Sư ngự tại Jetavana (Kỳ Viên) ở gần thành Sāvatthi.
20. Trong lúc đấng Như Lai cùng với hội chúng cao quý đang được các vị trời ở cõi Phạm Thiên cúng dường, khi ấy đức Phật bậc Chiến Thắng đã khởi tâm thương xót chúng sanh và thuyết lên bài kinh này:
– Này các tỳ khưu, đây là hai loại bố thí. Hai loại ấy là gì? Bố thí tài vật và bố thí Giáo Pháp. Này các tỳ khưu, đây là hai loại bố thí. Này các tỳ khưu, loại cao thượng trong hai loại bố thí này chính là bố thí Giáo Pháp.
Giáo Pháp này chính là Niệm Xứ, Chánh Tinh Tấn, Như Ý Túc, Căn, Lực, Giác Chi, Tám Chi Đạo, Minh Sát Chân Lý Cao Thượng, Quả Vị cao quý, hải đảo Niết Bàn, điều ấy được gọi là Giáo Pháp.
Hơn nữa, nơi đây người nào mong mỏi phước thiện lắng nghe Giáo Pháp với tâm ý tập trung và bản tánh tán dương, hoặc người nào thuyết giảng Giáo Pháp dầu là thể Kinh (Sutta), …, hay thể Vedalla sau khi đã bày tỏ sự kính trọng đến bất cứ phần nào trong chín thể loại của Chánh Pháp như là Sutta, Geyya, v.v…mà không nghĩ đến tài vật; sự bố thí Giáo Pháp này được gọi là sự bố thí tối thượng.
Nếu có người bố thí các bộ y mịn màng loại vô cùng giá trị (rất mảnh mai) tương tợ như thân cây kadaliđến chư Phật Toàn Giác và Độc Giác đã đoạn tận các điều ô nhiễm ngồi kiết già chật hết bầu trời của thế giới này, sự tùy hỷ phước báu được thực hiện bằng lời kệ ngôn chỉ có hai câu (gồm bốn phân đoạn) để khen ngợi sự bố thí ở nơi hội chúng ấy lại thù thắng hơn. Điều ấy có nguyên do thế nào? Bởi vì sự bố thí ấy không giá trị bằng một phần mười sáu của câu kệ ngôn ấy.
Đức Phật nói như vầy: Có sự lợi ích lớn cho vị thuyết giảng Giáo Pháp, hoặc là cũng có sự lợi ích lớn cho người lắng nghe. Với người khiến cho người khác lắng nghe Giáo Pháp, lợi ích cho chính người ấy cũng lớn lao. Hơn nữa, so sánh với sự bố thí được thực hiện bằng cách đặt đầy bình bát đồ khất thực thượng hạng gồm có cơm gạo mới sāli và thịt với nhiều loại canh và xúp đến hội chúng có hình thức như thế này; hay so với sự bố thí thuốc chữa bệnh được thực hiện bằng cách để đầy bình bát với các vật giá trị như sữa chua, sữa đông, dầu, mật ong, đường mía, v.v…; hay so sánh với việc bố thí chỗ ngụ được thực hiện sau khi đã xây dựng hàng trăm ngàn tu viện như là Mahāvihāra (Đại Tự) và đại sảnh như là Lohapasāda; sự bố thí Giáo Pháp vẫn thù thắng hơn.
Thậm chí so sánh với sự xả tài được thực hiện với năm mươi bốn koṭi như sau: Bởi vì mục đích xây dựng tu viện Jetavana (Kỳ Viên), gia chủ Anāthapiṇḍika đã mua sau khi trải ra trên mặt đất mười tám ngàn koṭi, cho xây dựng tòa nhà hết mười tám ngàn koṭi, thực hiện lễ khánh thành tu viện hết mười tám ngàn koṭi; hay so sánh với sự xả tài hết hai mươi bảy koṭi như sau: Sảnh đường được vị đại tín nữ Visākhā xây dựng ở Pubbārāma cũng tương tự, mua đất hết chín koṭi, xây dựng sảnh đường hết chín koṭi, thực hiện lễ khánh thành hết chín koṭi; thậm chí sự bố thí Giáo Pháp được thực hiện ở nơi đây dầu chỉ là sự tùy hỷ phước báu bằng lời kệ ngôn chỉ có hai câu (gồm bốn phân đoạn) ở nơi hội chúng ấy lại thù thắng hơn.
Lý do như thế nào? Bởi vì, những người giàu có như sát-đế-lỵ, bà-la-môn, và gia chủ thực hiện những phước thiện như thế ấy sau khi đã lắng nghe Giáo Pháp, họ sẽ không thực hiệu nếu không có lắng nghe Giáo Pháp. Nếu những chúng sanh này không lắng nghe Giáo Pháp thì họ sẽ không bố thí thức ăn cho dù một vá cháo hoặc một muỗng cơm. Chính vì lý do này, việc bố thí Giáo Pháp là thù thắng hơn tất cả các loại bố thí.
Hơn nữa, ngoại trừ Phật Toàn Giác và Phật Độc Giác, còn các vị khác như ngài Sāriputta, v.v…dầu có đạt được trí tuệ đầy đủ để đếm các giọt nước mưa trong khi trời mưa cả kiếp, cũng không thể chứng đạt các quả vị như là Nhập Lưu, v.v… nhờ vào bản thể của chính bản thân họ; các vị ấy chứng được quả vị Nhập Lưu nhờ nghe Giáo Pháp được thuyết giảng bởi các vị như là trưởng lão Assaji, v.v… rồi nhờ sự giảng giải Giáo Pháp của bậc Đạo Sư mới chứng ngộ được Trí Tuệ ba-la-mật của vị Thinh Văn.
Ngay cả trưởng lão Sāriputta, sau khi nghe sự giảng giải Giáo Pháp của đức Thế Tôn đã giác ngộ được A-la-hán đạo cùng với mười sáu tuệ giác: tuệ thành tựu, tuệ quả tăng trưởng, tuệ tròn đủ, tuệ lớn lao, tuệ rộng lớn, tuệ bao quát, tuệ sâu sắc, tuệ chuyên chú, tuệ đầy đủ, tuệ phong phú, tuệ nhạy bén, tuệ thư thái, tuệ hoan hỷ, tuệ cảnh giác, tuệ sắc sảo, tuệ minh mẫn, sau đó sự thành tựu Trí Tuệ ba-la-mật của vị Thinh Văn đã được sanh khởi.
Chính vì lý do này, việc bố thí Giáo Pháp được tuyên bố là thù thắng, tối thượng, cao quý, đứng đầu tất cả các loại bố thí.
Điều này có liên hệ đến sự bố thí Giáo Pháp: Chúa trời Sakka dẫn đầu chư thiên trong mười ngàn thế giới đã đi đến gặp bậc Đạo Sư, đảnh lễ đức Thế Tôn, và hỏi rằng:
– Bạch ngài, sự bố thí nào là hạng nhất trong các sự bố thí, mùi vị nào là hạng nhất trong các mùi vị, lạc thú nào là hạng nhất trong các lạc thú, sự đoạn tận ái dục đứng đầu trong trường hợp nào?
Khi ấy, bậc Đạo Sư đã nói lên câu kệ này để trả lời bốn câu hỏi của vị trời ấy:
21. Sự bố thí Giáo Pháp thắng tất cả các sự bố thí.
Mùi vị của Giáo Pháp thắng tất cả các mùi vị.
Lạc thú trong Giáo Pháp thắng tất cả các lạc thú.
Sự đoạn tận ái dục thắng tất cả các khổ đau.
Chính trong lúc bậc Đạo Sư thuyết giảng về ý nghĩa của bốn câu hỏi bằng lời kệ ngôn này như thế, tám mươi bốn ngàn vị trời đã thể nhập Giáo Pháp. Sau khi lắng nghe bài thuyết Pháp của bậc Đạo Sư, vị trời Sakka đã đảnh lễ bậc Đạo Sư và nói rằng:
– Bạch ngài, trong sự bố thí Giáo Pháp được gọi là hạng nhất như vậy, sao ngài lại không bảo mọi người san sẻ sự thành tựu (phước báu) cho chúng tôi? Bạch ngài, thật là tốt đẹp nếu từ nay sau khi thuyết giảng đến hội chúng tỳ khưu, ngài bảo mọi người san sẻ sự thành tựu (phước báu) cho chúng tôi.
Nói xong, vị trời ấy đảnh lễ đấng Như Lai, nhiễu quanh ba vòng rồi cùng với hội chúng trở về lại thiên giới. Sau đó, khi đêm đã tàn bậc Đạo Sư đã bảo hội chúng tỳ khưu tụ hội lại rồi đã nói như vầy:
– Này các tỳ khưu, kể từ nay khi thực hiện cuộc thính Pháp lớn lao, hoặc cuộc thính Pháp bình thường, hoặc ngồi bàn luận, hoặc ngay cả sự tùy hỷ phước báu, sau khi thuyết giảng các ngươi hãy bảo mọi người san sẽ sự thành tựu (phước báu) đến tất cả chúng sanh.
Hội chúng tỳ khưu đồng ghi nhận:
– Bạch ngài, xin vâng.
Kể từ khi ấy cho đến tận ngày hôm nay, các vị đều san sẻ sự thành tựu (phước báu) đến cho tất cả chúng sanh. Như vậy, sau khi hiểu được đức hạnh của Phật và đã an trú tâm tín thành vào đức Phật Thế Tôn, mọi người nên nghiêm trang thuyết giảng và lắng nghe Chánh Pháp này.
Bố thí Giáo Pháp là phần thứ ba.
*
22. Khi đã hoãn lại công việc của bản thân để đi đến đây nghe Pháp, các vị ấy nên chăm chú lắng nghe Giáo Pháp đã được giảng dạy bởi bậc Toàn Giác.
23. Những người có trí tuệ lắng nghe các phụ nữ ca hát hoặc nói về sự già nua, bệnh tật, và chết chóc vẫn thành tựu được quả báu tối thượng.
Thế nào? Trong thời quá khứ, vào thời điểm giữa hai vị Phật, nghe rằng có người đàn ông nọ đi vào rừng cùng với bảy người con trai. Sau khi đã trải qua cả ngày hôm ấy cho công việc cần phải làm, đến chiều tối từ rừng đi trở về, họ đã đứng nghe người đàn bà nọ, ở trước cửa nhà của cô ta, đổ đầy thóc vào cối rồi dùng chày giã, và trong lúc đang dùng cái trẹt để sàng sẩy đã ngâm nga bài hát này:
24. Hạt thóc này bị vỡ đôi vì cái chày, hết trấu rồi thì còn gạo ở đây. Chính cái thân xác này bị tàn tạ bởi tuổi già, hãy nhìn xem chỉ còn có bộ xương thôi.
25. Thân này được bao phủ bởi lớp da nhăn nheo và bị dày xéo bởi tuổi già. Thân này bị tiêu diệt bởi sự chết và là mồi ngon của Ma Vương.
26. Thân này là chỗ trú ngụ của các loài giun sán và được chứa đầy vô số trùng bọ. Thân này là hũ chứa các sự bất tịnh và yếu đuối giống như thân cây kadali.
27. Hạt thóc này bị vỡ đôi vì cái chày, thân thể này bị tan nát bởi sự chết. Hãy nhìn xem kỹ thân xác này tiêu hoại; thân này bị tiêu hoại bởi sanh, lão, và tử.
Sau khi nghe được bài ca ấy, trong lúc đang suy xét và liên tưởng đến ba hiện tướng “vô thường, khổ não, vô ngã,” người ấy cùng với những người con trai đã chứng đạt phẩm vị Độc Giác Phật ngay tại chỗ ấy.
Sau đó đến giờ ăn tối, mọi người đã mời họ dùng cơm:
– Các người hãy ăn món này.
– Chúng tôi không ăn vào lúc sái giờ, chúng tôi được gọi là Độc Giác Phật.
– Trời ơi, các người không có giống các vị Độc Giác Phật.
– Vậy thì họ giống thế nào?
– Họ cạo bỏ râu tóc, khoác y ca-sa, không bận bịu với gia đình hoặc hội chúng giống như đám mây được phân chia bởi làn gió, giống như ánh trăng tròn đã qua khỏi giờ nguyệt thực, và sống trong hang động ở chân núi Nanda của Hy Mã Lạp Sơn; các ngài như thế ấy mới là Độc Giác Phật.
Vào giây phút ấy, tất cả bọn họ đều đã giơ tay lên sờ đầu. Tức thời, hình tướng tại gia biến mất và hình tướng sa-môn đã hiện ra; tất cả bọn họ đều có mang tám món vật dụng và giây buộc thân. Họ đã đứng trên hư không ban lời giáo huấn đến đám đông dân chúng rồi theo đường không trung bay về hang động ở chân núi Nanda thuộc phía bắc của Hy Mã Lạp Sơn.
Như thế, những bậc trí tuệ sau khi nghe được Giáo Pháp là vô thường, khổ não, vô ngã ở trong bài ca rồi nương vào điều ấy cũng đạt đến sự an lạc và giải thoát cho bản thân.
Vì thế, các tài liệu cổ (porāṇā) đã nói rằng:
28. Các bậc trí tuệ, bất luận xuất thân, dòng dõi, gia tộc, diện mạo sau khi làm cho Giáo Pháp được vững bền rồi lắng nghe Giáo Pháp tối thượng.
29. Không cần quan tâm màu sắc của con bò cái, người trí nên xem xét (phẩm chất) sữa bởi vì sữa được sản xuất từ bò cái và có hương vị hạng nhất trong các hương vị.
30. Tương tợ như thế, đây chính là Chánh Pháp cho dù được thuyết giảng bởi bất cứ ai. Vì thế, hãy chăm chú lắng nghe Giáo Pháp đã được thuyết giảng bởi đấng Toàn Giác.
31. Sau khi được nghe Giáo Pháp từ đức Phật Toàn Giác, hãy thuyết giảng lại cho những người khác và cho họ biết rằng tất cả điều ấy đã được đức Phật thuyết giảng.
Sau khi đã hiểu rõ ý nghĩa trên, nên lắng nghe Chánh Pháp này với sự chăm chú.
Lúa được giã là phần thứ tư.
*
32. Khi đã hoãn lại công việc của bản thân để đi đến đây nghe Pháp, các vị ấy nên chăm chú lắng nghe Giáo Pháp đã được giảng dạy bởi bậc Toàn Giác.
33. Những người vận dụng trí tuệ để lắng nghe bài ca về sự già nua, bệnh tật, và chết chóc do các phụ nữ ca hát vẫn thành đạt quả báu tối thượng.
Thế nào? Câu chuyện này có mục đích khẳng định về sự lợi ích ấy:
Nghe rằng ở trên đảo Tích Lan có một ngôi làng là chỗ cư ngụ của nhiều người đã được xây dựng. Không xa lắm từ ngôi làng ấy có một cái hồ lớn mọc đầy sen và súng. Nương tựa vào nơi ấy, dân chúng làm ruộng rẫy. Lúc bấy giờ, có một cô tớ gái thường đi tới lui nơi ấy để canh giữ. Khi trông thấy bông sen ở trong hồ ấy được nở rộ, nàng đã lội xuống vò nát đóa hoa sen và hát lên bài ca như thế này:
34. Hãy nhìn đóa hoa sen xinh đẹp này có các cánh sen và tua nhụy bao phủ bảo vệ; khi nào nó chưa héo tàn và chưa bị dày xéo thì chừng ấy còn xinh xắn và tỏa ngát hương thơm.
Khi nghe tiếng hát của nàng, một cô gái hái lá gia vị ở nơi một sườn núi cũng đã hát theo bài ca trong khi đang hái hoa ở cành cây Kalambaka:
35. Ở nơi đây, hãy nhìn xem cái thân xinh đẹp với dáng vóc trẻ trung này; cho đến khi nào tuổi già còn chưa phá hại thì chừng ấy nó còn xinh xắn và còn đùa giỡn.
Nghe được điều ấy, cô gái ở hồ sen đã suy nghĩ: “Cô ta nói có lý, khi ta đã nói về bản thể thật của những đóa sen này thì ta cũng phải nói đến bản thể thật của cái thân này nữa,” rồi nói rằng:
36. Thân thể khi được trang điểm bởi vải vóc mịn màng thì yêu kiều, đáng được nâng niu, và rực rỡ; cho đến khi nào sự tàn tạ chưa phá hại thì chừng ấy thân này còn xinh xắn và phảng phất hương thơm.
Cô gái hái lá đã đáp lại rằng:
37. Nàng say sưa mê mẫn với sự tự hào về sắc đẹp và không để tâm đến các điều tốt đẹp ở thế gian; cho đến khi nào tuổi già chưa phá hại thì chừng ấy thân này còn xinh xắn và còn đùa giỡn.
Cô gái ở hồ sen nói:
38. Khi hoa còn tươi mát, xinh xắn, có phấn hoa, nở rộ, và đem lại niềm khoái lạc thì còn được loài ong đậu lại; cho đến khi nào sự tàn tạ chưa phá hại thì chừng ấy nó còn xinh xắn và tỏa ngát hương thơm.
Đáp lại lời của cô gái ở hồ sen, cô gái hái lá đã nói như vầy:
39. Đóa sen hồng phát triển và nở rộ dưới tác động của ánh sáng mặt trời; cũng thế chúng sanh được sanh ra với hình tướng nhân loại bị quay cuồng dưới sự thống trị của già nua.
Lúc bấy giờ, có sáu mươi vị tỳ khưu hòa hợp đã cư trú mùa mưa tại một khu vực thuận tiện kế cận chính ngôi làng ấy. Tất cả các vị ấy đều chuyên chú ngày đêm nỗ lực thiền quán một cách liên tục và im lặng, với tâm niệm rằng: “Ngay chính ngày hôm nay, chúng ta sẽ đạt đến và chứng ngộ phẩm vị A-la-hán;” họ sống luôn có tác ý đến đề mục trong tất cả các oai nghi: ngay cả khi đang đi, ngay cả khi đứng, ngay cả khi ngồi.
Sau đó, vào buổi sáng một ngày nọ các vị tỳ khưu ấy đã mặc y, cầm y bát (nghĩ rằng): “Chúng ta sẽ vào làng để khất thực,” và khi đang đi trên đường đã nghe tiếng hát của hai cô gái ấy. Khi ấy, vị trưởng lão đã gọi tất cả các vị tỳ khưu và bảo rằng:
– Này các sư đệ, điều các cô ấy nói là chân lý. Bởi vì thân xác của tất cả chúng sanh giống như đóa sen nở rộ chỉ đáng yêu trong một chốc lát.
Trong khi cảnh tỉnh các vị kia, vị trưởng lão đã đứng ngay tại nơi ấy nói rằng:
40. Đóa sen kia mọc từ bùn vào buổi sáng với cánh sen và nhụy nở đều đặn, khi ấy vẫn còn rực rỡ và tỏa ngát hương thơm.
41. Giống như đóa hoa đã bị già cỗi rồi thì trở nên héo úa, cánh hoa tơi tả, Điều hiển nhiên là sắc đẹp trong bản chất của thân này chỉ có tính cách tạm thời.
42. Cũng như thế ấy, cái thân thể tốt đẹp như vầy cũng chỉ rực rỡ lúc ban đầu, đến khi trở thành già nua thì cũng giống như đóa sen bị héo tàn vậy.
Nói xong, vị ấy đã nói thêm như vầy:
– Này các sư đệ, tất cả pháp hữu vi đều có bản chất hoại diệt, không trường tồn; khổ nhọc với tất cả các pháp hữu vi cũng đủ rồi, chán ghét chúng là điều đúng đắn, và giải thoát khỏi chúng là điều cần thiết.
Các vị ấy sau khi phục hồi lại sự nhạy bén liền an trú vào đề mục đã được tu tập, phát triển thiền minh sát, và đã chứng đạt A-la-hán cùng với các tuệ phân tích ngay tại chỗ ấy.
Khi biết được bản thân và các vị tỳ khưu đã chứng đạt A-la-hán, vị trưởng lão đã nói như vầy:
43. Thân tập hợp này là pháp hữu vi, là vô thường, và vô ngã, có nhiều sự đau khổ là bản chất, và là nơi chứa chấp sanh lão bệnh tử; chúng ta hãy từ bỏ nó đi và thành đạt hạnh phúc.
Nói xong, vị trưởng lão và các vị ấy đã ra đi.
Như thế, Chánh Pháp của đấng Như Lai dù được thuyết bởi bất cứ người nào, thậm chí chỉ được kết hợp trong bài ca của cô tớ gái vẫn đưa đến giải thoát và an lạc cho các thiện trí thức đang lắng nghe Giáo Pháp ấy. Vì thế, Giáo Pháp này nên được lắng nghe với sự chăm chú.
Bài hát của cô gái hái lá cây là phần thứ năm.
*
44. Khi đã hoãn lại công việc của bản thân để đi đến đây nghe Pháp, vị ấy nên chăm chú lắng nghe Giáo Pháp đã được giảng dạy bởi bậc Toàn Giác.
Sao chỉ có những lời giải thích về nhân loại là hạng chúng sanh biết phân biệt điều lợi và hại, thiện và bất thiện, đúng pháp và phi pháp? Thậm chí các chúng sanh là loài thú như nhái, cú mèo, dơi, nai, cá, trăn, chuột, rắn, v.v… dầu là loài súc sanh không hiểu biết được gì, nhưng chỉ cần chăm chú lắng nghe âm thanh trong việc thính Pháp khi Giáo Pháp được đọc tụng bởi những người khác và hoan hỷ với âm thanh ấy, với sự ghi nhớ đặc điểm ở giọng nói ấy khi chết đi cũng được thành tựu sự an lạc tối thắng cho bản thân trong kiếp kế tiếp.
Về vấn đề này, trước tiên nên nói về câu chuyện của con nhái. Sau đây là bài pháp thoại liên quan đến câu chuyện của con nhái: Vào một thuở nọ, nghe rằng đức Thế Tôn ngự tại thành phố Campā, ở bờ hồ Gaggarā. Lúc bấy giờ vào buổi tối, đức Thế Tôn đang thuyết giảng Giáo Pháp cho cư dân của thành phố Campā. Khi ấy, có một con nhái đã đến nơi ấy và chú ý vào đặc điểm ở giọng nói của đức Thế Tôn. Lúc bấy giờ, có người chăn bò trong khi đứng tỳ người vào cây gậy đã đè (cây gậy) lên trên đầu của con nhái. Con nhái ngay sau khi chết đi liền sanh lên nơi cung điện bằng vàng rộng mười hai do tuần ở cõi trời Tāvatiṃsa và được hội chúng tiên nữ hầu cận như là vừa thúc dậy sau giấc ngủ. Khi nhận ra tình trạng ấy của bản thân, vị ấy đã ngạc nhiên: “Ngay cả ta cũng được sanh lên nơi này, ta đã tạo nghiệp gì vậy?” nhưng vẫn không tìm ra được điều gì khác ngoại trừ việc chú ý vào đặc điểm ở giọng nói của đức Thế Tôn.
Ngay sau đó, vị ấy đã cùng với cung điện đi đến đảnh lễ ở chân của đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dầu biết nhưng vẫn hỏi và ngay vào thời điểm ấy đã nói lên bài kệ này:
45. Ai đang chiếu sáng khắp các phương với dung nhan thù thắng, rực rỡ với thần thông và sự vinh quang, lại đảnh lễ hai bàn chân của ta vậy?
Vị thiên tử đã đáp lại đức Thế Tôn bằng bài kệ:
46. Con trước đây là con nhái, là loài vật ở dưới nước, là loài di chuyển ở trong nước, đã bị người chăn bò giết chết trong lúc đang lắng nghe Giáo Pháp của Ngài.
Đức Thế Tôn đã thuyết giảng Giáo Pháp cho vị ấy. Khi chấm dứt bài thuyết giảng, tám mươi bốn ngàn chúng sanh đã thấu hiểu được Giáo Pháp. Và vị thiên tử ấy sau khi đã an trú vào quả vị Nhập Lưu đã nhiễu quanh đức Thế Tôn rồi trở về lại thiên giới. Khi đã biết được ý nghĩa này, bậc trí tuệ tầm cầu lợi ích nên chăm chú lắng nghe Chánh Pháp.
Câu chuyện con nhái là phần thứ sáu.
*
47. Khi đã hoãn lại công việc của bản thân đi đến đây để nghe Pháp, vị ấy nên chăm chú lắng nghe Giáo Pháp đã được giảng dạy bởi bậc Toàn Giác.
Đây là bài pháp thoại liên quan đến câu chuyện của các con dơi: Vào thuở ấy, nghe rằng đức Thế Tôn đang thuyết giảng về Vi Diệu Pháp ở cõi trời. Mỗi khi Ngài trở về cõi nhân loại, Ngài đã dùng thần thông tạo ra hình tượng Phật giống như bậc Chánh Đẳng Giác để thuyết giảng Giáo Pháp cho hội chúng chư thiên, rồi từ cõi trời Ngài đã đi đến và trú vào thiền tịnh ở hồ Anotatta.
Vào thời bấy giờ, ngài Sāriputta trong lúc phục vụ đức Thế Tôn cũng đã được Ngài dạy lại cho những Pháp Uẩn đã được Ngài thuyết giảng ở cõi trời. Chính vị Sāriputta ấy, sau khi học toàn bộ Tạng Vi Diệu Pháp được giảng dạy từ chính miệng của đức Phật, đã đọc tụng để ôn lại ở trong một hang động. Có bầy dơi số lượng năm trăm con đang sống ở trong hang đó ghi nhận âm điệu của giọng đọc và đã lấy làm đối tượng cho tâm thức. Tuy không hiểu được ý nghĩa của Pháp (đang được tụng đọc) nhưng chúng lại suy nghĩ như vầy: “Âm thanh này không làm chúng ta khó chịu, nhưng chúng ta cũng không hiểu được ý nghĩa. Cho nên, những âm thanh nào có dục vọng là bản chất, hãm hại mạng sống, lại còn có sự chia rẽ, tất cả những âm thanh ấy thô thiển, vô cùng tội lỗi, không có gì thích thú; còn đây là đức Phật, có sự thu hút, cần phải lắng nghe, cần được quý trọng.” Nghĩ thế, chúng đã an trú vào đối tượng âm thanh ấy và không đi kiếm thức ăn nên đã chết tại chỗ đó.
Chính nhờ vào năng lực của sự lắng nghe Giáo Pháp, những con dơi ấy đã được tái sanh trong một cung điện bằng vàng ở cõi trời rộng mười hai do tuần và có tùy tùng là năm trăm ngàn người cho mỗi một vị, lại còn được náo nhiệt bởi vô số các thứ ca vũ nhạc của các nàng tiên nữ. Vào thời điểm của sự tái sanh, Chúa Trời cùng với hội chúng chư thiên đã chào đón bằng nhang, hương thơm, tràng hoa của cõi trời nhằm bày tỏ lòng tôn kính và đã nói như vầy:
48. Thật hạnh phúc thay khi chúng tôi có được bạn đồng hành như thế này ở cõi trời! Hơn nữa, quý vị đã sanh lên và tồn tại cũng đã lâu ở cõi người.
49. Quý vị sẽ là đệ tử của đức Phật thanh tịnh, sau khi lắng nghe Giáo Pháp từ ngài Sāriputta sẽ đạt đến sự tịch tịnh.
Nói xong lại cúi chào lần nữa. Tất cả các thiên tử (từ dơi tái sanh) đã thọ hưởng lạc thú ở cõi trời một thời gian dài, sau khi từ trần tại đó đã tái sanh trong các gia tộc bà-la-môn và gia chủ. Họ đều là bạn bè với nhau, đến khi lớn lên đã lắng nghe Giáo Pháp, đã xuất gia, đã học Tạng Vi Diệu Pháp cùng với Chú Giải với giọng đọc lớn. Không bao lâu sau, tất cả các vị ấy sau khi khai triển thiền quán đã đạt được sự đoạn tận các lậu hoặc và được giải thoát khỏi các khổ đau của sự luân hồi. Ngoại trừ ngài Sāriputta, các vị nào là đệ tử của đức Phật đã học Tạng Vi Diệu Pháp trước tiên cùng với Chú Giải bằng giọng đọc lớn, tất cả các vị ấy đều là bạn đồng hành với nhau tương tợ như lúc làm các vị thiên tử (từ dơi tái sanh) và đã trở nên danh tiếng trong thế gian này.
Như vậy, chỉ lắng nghe âm điệu của lời thuyết giảng với sự tràn đầy niềm tin vào Giáo Pháp, các vị ấy đã hưởng được an lạc trong cõi trời cho đến khi chứng đạt Niết Bàn.
Vì thế, có lời nói rằng:
50. Lời giảng nào mà vị ấy sau khi học toàn bộ ý nghĩa rồi đã đọc tụng lại, còn tên và sở hành của vị ấy khi đề cập đến lại được kính trọng với niềm tịnh tín?
51. Chính nhờ vào nghiệp đã làm ấy mà thành tựu trí tuệ trong ngày vị lai ở kiếp tái sanh kế; ở đây, việc vị ấy đã làm chỉ là đọc lớn tiếng một đoạn kinh.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
52. Người biết được ý nghĩa của các mẫu tự và các câu văn thì an trú ở đó, biết được danh xưng và ý nghĩa thì đạt được hạt giống giác ngộ.
53. Ngay cả các con dơi khi được hài lòng và hoan hỷ trong giọng đọc tụng của các vị tỳ khưu đang tụng đọc Vi Diệu Pháp đã sanh về cõi trời.
54. Những người thuyết giảng, cung kính, và đảnh lễ Pháp Vi Diệu đạt được sự may mắn và an lạc ở thế gian, sau đó sẽ tầm cầu Niết Bàn.
55. Và những ai đã nương tựa vào lời Giáo Huấn của vị chúa tể của dòng Thích Ca (Sākya) sau khi lắng nghe Giáo Pháp của vị hiền triết vĩ đại cũng đạt được kết quả như thế ấy.
56. Người có đức tin, có tâm hoan hỷ, không hoài nghi lấy Giáo Pháp làm đối tượng của tâm thức sẽ hưởng được lợi ích của việc lắng nghe Giáo Pháp.
Khi đã biết được ý nghĩa này, bậc trí tuệ tầm cầu lợi ích nên chăm chú lắng nghe Chánh Pháp.
Câu chuyện về các con dơi là phần thứ bảy.
*
Đây là bài pháp thoại liên quan đến câu chuyện con nai tơ: Nghe rằng ở trên đảo Tích Lan có một tu viện xinh đẹp tên là Tu Viện Uddalolaka. Lúc bấy giờ, trong khu rừng lân cận tu viện có nhiều nai và heo rừng sinh sống. Con trai của người thợ săn ở trong một ngôi làng nọ đã nhìn thấy nhiều nai và heo rừng ở nơi ấy. Một ngày nọ, sau khi thực hiện một chỗ nấp ở ven rừng và buộc lá bao quanh khu rừng ấy, người thợ săn đã cầm lấy cung tên đứng trong chỗ nấp theo dõi sự đi lại của bầy nai. Khi ấy, có một con nai sau khi đã gặm cỏ đó đây đã đi đến bến cạn trong khu vực của tu viện để uống nước và đã nghe tiếng giảng dạy về lợi ích của việc nghe Pháp. Nó đã đứng lại, vươn cổ ra, dỏng tai lên, mở mắt to, co một chân lên, và an trú vào âm điệu ở giọng nói của vị Pháp sư. Vào thời điểm ấy, người thợ săn đã bắn ra một mũi tên và đoạt lấy mạng sống (con nai).
Sau khi chết đi, con nai liền tái sanh vào trong bụng người em gái của vị đại trưởng lão Abhaya cư ngụ ngay tại tu viện ấy và sau mười tháng đã được sanh ra khỏi bụng mẹ. Thời gian trôi qua, nó đã lớn được bảy tuổi. Khi ấy, cha mẹ đã đưa nó đến gặp vị trưởng lão Abhaya. Không bao lâu sau, vị trưởng lão đã cho nó xuất gia. Đứa trẻ ấy nhờ vào năng lực của việc lắng nghe Giáo Pháp trước đây lúc bản thân còn là con nai đã thành tựu phẩm vị A-la-hán ngay trong lúc cạo đầu. Vị trưởng lão cậu của đứa bé chỉ thành đạt được ngũ thông chứ chưa vào được A-la-hán Đạo.
Rồi vào một ngày nọ, vị sa di ấy đã đi đến bên cạnh vị thầy tế độ. Lúc bấy giờ, vị thầy tế độ đang đứng gương tay lên và dùng ngón tay để chà xát vào mặt trăng. Vị sa di thấy thế liền nói với vị thầy rằng:
– Bạch ngài, cái này cần phải bảo vệ.
Vị trưởng lão trong khi không biết rằng bản thể đã được thành tựu của vị sa di trong phẩm chất A-la-hán là quả vị cao quý nhất nên đã không suy xét chính chắn lời nói của mình.
Khi ấy, vị sa di đã dùng thần thông đem lại một ngàn mặt trăng cho vị trưởng lão thấy và nói rằng:
– Bạch ngài, việc đem lại một trăm, một ngàn, hoặc một trăm ngàn mặt trăng không có khó nhọc; vị nào từ bỏ được ái dục thì vị ấy mới là tối thượng, đó mới là điều khó khọc.
Rồi vị ấy đã nói thêm như vầy:
57. Sau khi đi đến và đứng ở trên bờ nhìn đại dương, người nào không có trí tuệ mới nói rằng: “Ta đã thấy được biển này.”
58. Tương tợ như vậy, nơi đây vị tỳ khưu chỉ diệt trừ được một vài phiền não nào đó trong nội tâm và đạt được năng lực của thần thông một cách tạm thời.
59. Sau khi diệt được một ít phiền não lại nghĩ rằng: “Ta đã đạt được mục đích,” chính vị ấy là nô lệ của ái dục, chưa được giải thoát, và phải chịu luân hồi.
60. Vị tỳ khưu nào từ bỏ lòng ái dục, sự suy vong, xui xẻo, nỗi sợ hãi, sự không may mắn, không lợi ích, vị ấy được giải thoát khỏi sự trói buộc của Ma Vương.
Nghe vậy, vị trưởng lão đã quán xét và đạt được phẩm vị A-la-hán trong ngày hôm ấy.
Vào ngày kế đó, cô em gái của vị trưởng lão đã thỉnh mời vị trưởng lão cùng với vị sa di. Vị trưởng lão đã nói với cô em gái như vầy:
– Này nữ cư sĩ, hôm nay cô đã thấy nhiều vị tỳ khưu, tâm nên hoan hỷ, hãy chuẩn bị phần cho hai người.
Vào buổi sáng, sau khi cho người báo tin, vị trưởng lão đã mặc y cầm y bát đi đến cùng với ba mươi ngàn vị tỳ khưu. Cô em gái khi nhìn thấy vị ấy đã chuẩn bị chỗ ngồi cho hai cậu cháu. Do thần thông của hai vị, hai chỗ ngồi đã biến thành số lượng ba mươi ngàn. Cũng do thần thông của chính họ, ngôi nhà của cô ta cũng đã lớn lên, và các vị tỳ khưu đã ngồi xuống chỗ ngồi theo thứ tự. Xúp và các thức ăn được cô ta chuẩn bị chỉ cho hai người đã trở thành đầy đủ cho yêu cầu của tất cả số lượng ba mươi ngàn vị tỳ khưu.
Khi bữa ăn hoàn tất, người nữ cư sĩ đã nhận lấy bát của vị sa di để được lợi ích của sự tùy hỷ phước báu về bữa ăn. Vị sa di ấy, trong khi làm tăng trưởng phước lành ở giữa hội chúng, đã thuyết giảng Giáo Pháp với âm thanh được phát ra êm dịu. Lúc chấm dứt bài Pháp, người cha, người mẹ, v.v… và năm trăm gia đình đã an trú vào quả vị Nhập Lưu; bài thuyết giảng ấy đã có được sự lợi ích cho nhiều người.
61. Trong khi Giáo Pháp đang được thuyết giảng như thế, những con nai sanh ra ở rừng chỉ trú vào đặc điểm của âm thanh còn đạt được sự hưng thịnh trong kiếp người và sự giải thoát. Lẽ đương nhiên, người có trí tuệ đặt trọn niềm tin vào đức Phật sau khi lắng nghe Giáo Pháp một cách tốt đẹp được hưởng lạc ở cõi trời trong cung điện đã được bậc hiền triết giảng giải.
Câu chuyện con nai tơ là phần thứ tám.
*
62. Khi đã hoãn lại công việc của bản thân đi đến đây để nghe Pháp, vị ấy nên chăm chú lắng nghe Giáo Pháp đã được giảng dạy bởi bậc Toàn Giác.
Đây là bài pháp thoại liên quan đến câu chuyện của con cá: Vào lúc bấy giờ, nhiều người thương buôn muốn đi đến hòn đảo Laṅkā nên đã chọn lựa một chiếc thuyền đi biển, chất lên nhiều loại hàng hóa, và trữ đầy tàu các vật khác như là mè, gạo, v.v… là vật dự phòng cho cuộc hành trình rồi đã khởi hành lúc thời tiết tốt đẹp.
Khi ấy, có một vị tỳ khưu muốn đi cùng với họ đến bờ bên kia nên đã yêu cầu các người thương buôn dành một chỗ cho bản thân. Vị ấy đã được họ xếp cho một chỗ nên đã đi vào và ngồi xuống. Lúc bấy giờ, con thuyền ấy di chuyển tốt đẹp nhờ gió êm ả. Vào thời gian ngồi một mình, vị tỳ khưu ấy trong lúc đọc tụng thuộc lòng đã đề cập đến phần nói về sự sanh khởi của tâm: “Các pháp thiện, các pháp bất thiện, các pháp vô ký, các pháp tương ưng với thọ lạc, các pháp tương ưng với thọ khổ, các pháp tương ưng với thọ không khổ không lạc.” Có một con cá to trong lúc bơi bên cạnh chiếc thuyền dầu chỉ lắng nghe âm thanh giọng nói của vị tỳ khưu đang đọc tụng ấy đã sanh tâm hoan hỷ với âm thanh ấy và không có ý định bơi đi nơi khác. Khi đã chú tâm vào điều ấy, con cá không còn cử động hai lỗ tai nữa và chỉ có mỗi một ý định là bơi ở phía sau chiếc thuyền không chịu bỏ đi. Nó đã theo sau chiếc thuyền cho đến lúc cập bến, tâm thức đã cuốn hút vào sự lắng nghe tiếng đọc tụng ấy.
Sau đó, con cá ấy đã bị những người đứng trên bờ nơi bến tàu đâm trúng và chết ngay tại chỗ ấy.
Ở trên đảo Sīhala (Tích Lan) có một khu vực tên là Rohaṇa. Con cá ấy đã được tái sanh trong một gia đình giàu sang ở khu vực ấy và đã lớn lên cùng với đám hầu cận đông đảo có quyền thế. Kể từ lúc cậu bé ấy được sanh ra, các thân quyến luôn được hoan hỷ vừa lòng nên đã đặt tên là Sumanatissa.
Trong ngôi nhà ấy, các vị tỳ khưu được hộ độ bởi cha mẹ cậu bé nên thường xuyên đến thọ thực. Với cảnh tượng được lập lại như thế nên cậu bé đã sanh tâm hoan hỷ với sở hành và lối sinh hoạt của các vị tỳ khưu. Đến tuổi trưởng thành, vị ấy đã từ bỏ của cải như thế ấy và có ý muốn xuất gia. Mặc dầu cha mẹ đã năn nỉ bằng nhiều cách khác nhau, cậu vẫn không để tâm đến lời nói của họ cho dù họ khóc lóc than vãn. Giống như công tử Raṭṭhapāla, v.v… cậu đã khiến cho họ phải chấp thuận sự xuất gia của cậu.
Kể từ lúc được xuất gia ở cương vị sa di, cậu đã thuộc lòng toàn bộ Tạng Kinh và toàn bộ Tạng Vi Diệu Pháp. Đến lúc tu lên bậc trên, vị ấy đã học thông Tạng Luật và trở thành vị thông thạo Tam Tạng. Do bản thân xuất gia vì niềm tin nên vị ấy có tên là trưởng lão Saddhāsumana. Giống như mặt trăng tròn ngự trên khoảng không của bầu trời, vị ấy trở nên nổi tiếng khắp nơi và có được hội chúng đông đảo.
Vị ấy đã đi đến hòn đảo Nāga với mục đích đảnh lễ bảo tháp Mahācetiya; và ở nơi ấy trong vùng núi Mūlagiri có khu vườn của vua Duṭṭhagāmaṇi. Khu vườn ấy xinh đẹp, là chỗ cư ngụ của các vị tỳ khưu yêu thích sự độc cư, gắn bó với thiền định, và sống không dễ duôi.
Vị trưởng lão thấy vậy đã sanh tâm hoan hỷ. Sau khi rửa sạch sẽ tay chân, vị trưởng lão đi đến gần một cây cổ thụ, ngồi xuống xếp kiết già, và hướng đến đối tượng là đức Phật. Tương tợ như việc chỉ có đối tượng duy nhất là âm thanh, vị trưởng lão ngay khi tâm được an trú đã thành tựu phẩm vị A-la-hán là quả báu tột cùng và trở thành bậc đáng được cúng dường hạng nhất trên thế gian.
Nhờ vào điều gì mà phẩm vị A-la-hán này đã được ban cho?
Chính nhờ vào sự chăm chú lắng nghe.
Về điều này, các tài liệu cổ (porāṇā) đã nói rằng:
63. Ngay cả những con cá đang bơi lội trong nước lắng nghe sự đọc tụng Giáo Pháp và hoan hỷ với giọng đọc ấy, khi chết đi chúng đạt đến sự giải thoát.
Do đó, nên chăm chú lắng nghe Chánh Pháp này.
Câu chuyện trưởng lão Saddhāsumana là phần thứ chín.
*
64. Khi đã hoãn lại công việc của bản thân đi đến đây để nghe Pháp, vị ấy nên chăm chú lắng nghe Giáo Pháp đã được giảng dạy bởi bậc Toàn Giác.
Đây là bài pháp thoại liên quan đến câu chuyện của con trăn: Vào thời của đấng Chánh Đẳng Giác Kassapa, nghe nói rằng có một con trăn đã bò đến gần các vị tỳ khưu chuyên về Vi Diệu Pháp rồi nằm đó. Trong khi các vị ấy đọc tụng phần nói về xứ (āyatana), con trăn đã an trú vào đặc điểm của giọng đọc, đến khi chết được sanh về cõi trời và đã thọ hưởng sự sung sướng ở cõi trời cho đến khi bậc Đạo Sư của chúng ta Vô Dư Niết Bàn. Khi bậc Đạo Sư đã Vô Dư Niết Bàn, vị trời ấy hạ sanh vào trong một gia đình bà-la-môn; đến khi lớn lên đã xuất gia làm đạo sĩ lõa thể và trở thành viên tế tự thân tín của chánh cung hoàng hậu của vua Bindusāra.
Lúc bấy giờ, vị hoàng hậu ấy trong khi mang thai đã có bốn điều khao khát. Bốn điều ấy là gì? Khao khát được ăn các ngôi tinh tú sau khi đã bước đi ở trên mặt trăng và mặt trời, khao khát được ăn các đám mây, khao khát được ăn các con giun ở trong đất, khao khát được ăn một loại cây uống bằng chân và thở bằng lá. Vì thế, vị đạo sĩ lõa thể ấy đã chỉ bảo cho đức vua phương pháp để làm giảm bớt sự khao khát của hoàng hậu. Tại nơi ấy, có sáng kiến đã khởi lên cho nhà vua rằng:
– Này đạo sư, vì sao các sự khao khát lại xảy ra cho hoàng hậu?
Và được trả lời rằng:
– Tâu đại vương, hoàng hậu này sẽ hạ sanh một vương tử quý báu hoàn hảo về mọi phương diện.
Vì muốn giải thích một cách rõ ràng kết quả sự khao khát của hoàng hậu, viên tế tự đã đi đến gặp hoàng hậu và đã ngồi xuống ở chỗ ngồi xứng đáng do hoàng hậu sắp xếp. Hoàng hậu đã hỏi rằng:
– Có chuyện gì vậy?
– Thần có chuyện cần tâu. Thần không thể nói điều ấy giữa triều đình có kẻ nghịch với hoàng hậu, bây giờ thần đi đến để tâu với hoàng hậu điều ấy. Vị ấy trả lời.
Hoàng hậu đã đáp rằng:
– Đạo sư hãy nói ra điều ấy, chúng tôi sẽ lắng nghe.
Vị ấy nói rằng:
– Tâu hoàng hậu, thần chỉ nói về việc hoàng hậu có một người con trai, không nói chuyện khác; giờ xin hoàng hậu lắng nghe việc ấy. Tâu hoàng hậu, con trai của hoàng hậu sẽ là một vị vua. Bởi vì sự khao khát được bước đi trên mặt trăng và mặt trời của hoàng hậu là điềm báo trước việc vị ấy sẽ có được một trăm vị vua trong toàn bộ Jambudīpa (Ấn Độ) quy phục dưới chân; sự khao khát được ăn các hình thể tinh tú của hoàng hậu là điềm báo trước nguyên nhân vị ấy sẽ giết hại người anh là người thừa kế thù nghịch; sự khao khát được ăn các đám mây của hoàng hậu là điềm báo trước vị ấy sẽ tranh luận và trục xuất chín mươi sáu giáo phái rồi phục hưng lại Giáo Pháp vô cùng quý báu của đấng Toàn Giác; sự khao khát được ăn các con giun ở trong đất là điềm báo trước uy quyền của vị ấy có hiệu lực xuống sâu trong đại địa cầu một do tuần; sự khao khát được ăn một loại cây uống bằng chân và thở bằng lá là điềm báo trước uy quyền của vị ấy có hiệu lực lên đến không trung một do tuần.
Sau khi nói về các điềm báo và kết quả của tất cả các điều khao khát, vị ấy nói tiếp:
– Hoàng hậu hãy ghi nhớ như vậy: “Sự khao khát của hoàng hậu được sanh lên có liên quan đến chính người con trai của hoàng hậu.”
Hoàng hậu vô cùng phấn khởi nói rằng:
– Khi nào tất cả ý nghĩa này được thành tựu, ta sẽ cho lệnh rước người bằng kiệu vàng từ chỗ cư ngụ của người.
Nói xong, hoàng hậu đã bày tỏ sự tôn kính đến vị ấy. Trong khi tiễn đưa, hoàng hậu đã hỏi tên của vị ấy, đã bảo khắc lên tấm bảng vàng, rồi đã tiễn vị ấy đi. Sau đó, hoàng hậu với bào thai đã được chăm sóc kỹ lưỡng, đến khi bào thai đủ tuổi đã hạ sanh và có được đứa bé trai ấy.
Cho đến một hôm, đức vua đã cho đặt đứa bé trai ấy ngồi một bên, và trong lúc chơi đùa đức vua đã ngồi xuống (với nó). Các người khác đã đem lại và dâng tận tay đức vua vỏ ốc có vòng xoắn theo hướng phải. Đứa bé đã tiểu tiện và đức vua đã dùng vỏ ốc ấy hứng lấy rồi rắc lên đầu của đứa bé.
Hoàng hậu thấy thế đã nổi giận và đã bế lấy đứa bé từ tay nhà vua rồi kể lại sự kiện ấy cho vị đạo sĩ tư tế của mình. Vị ấy nói rằng:
– Bẩm hoàng hậu, chắc chắn rằng người con trai này của hoàng hậu sẽ là vị vua tối cao của toàn bộ Jambudīpa.
Sau khi đã được hoàng hậu bày tỏ sự tôn kính, vị ấy đã đi xa một trăm do tuần và cư ngụ tại khu vực nọ.
Một thời gian sau, khi vua cha đã băng hà, Dhammāsoka đã khuất phục được các kẻ thù và đoạt lấy ngôi vua. Đến một ngày kia, đức vua đã hỏi mẫu hậu rằng:
– Thưa mẹ, trước đây, sự thành công này của mẹ con ta có được báo trước hay không được báo trước?
Bà ta trả lời rằng:
– Này con, có đạo sĩ tư tế của chúng ta đã báo trước như thế.
– Thưa mẹ, ông ấy hiện đang ở đâu? Vị vua hỏi
– Cách đây một trăm do tuần. Bà mẹ trả lời.
Vua Dhammāsoka (nghĩ rằng): “Ta sẽ tỏ lòng tôn kính đến vị đạo sư ấy” rồi đã phái nhiều người cùng với kiệu vàng đi đến rước vị ấy.
Đạo sĩ lõa thể ấy, trong khi được các người ấy rước đi, trên đường đã nhìn thấy chỗ trú ngụ tên Vattaniya của trưởng lão Assagutta (suy nghĩ rằng): “Đây là khuôn viên chỗ ở của các vị xuất gia” nên đã bước xuống kiệu và đi bộ đến chỗ ấy. Các loài thú rừng như sư tử, cọp, chó rừng, nai, heo rừng, v.v… trước đây sống đối nghịch lẫn nhau, bây giờ nhờ năng lực tâm từ của vị trưởng lão, chúng cảm nhận được tâm từ ấy nên đã tụ họp thành bầy đoàn sống hòa hợp. Đạo sĩ ấy đã chứng kiến cảnh vị trưởng lão ban phát nước uống cho chúng nên đã hỏi vị trưởng lão rằng:
– Chúng tên là gì vậy?
Vị trưởng lão trong lúc xem xét sự thành tựu nhân duyên thời quá khứ đã nhìn thấy được người này trước đây có lần lắng nghe lời giảng giải về xứ (āyatana) nên đã suy nghĩ: “Hãy để cho ông ta nương tựa vào chính điều ấy,” rồi nói rằng:
– Này ông bạn, chúng tên là Xứ (Āyatana).
Đạo sĩ ấy lại hỏi rằng:
– Nhiệm vụ của chúng là gì vậy?
– Ở đây, Xứ (Āyatana) chính là nhiệm vụ của chúng. Vị trưởng lão trả lời.
Ngay khi nghe được từ “Āyatana,” đạo sĩ lõa thể ấy đã sanh khởi sự hổ thẹn và sợ hãi tội lỗi nên đã ngồi hụp xuống trên hai gót chân. Vị trưởng lão đã cho đạo sĩ ấy tấm vải choàng tắm. Sau đó, đạo sĩ ấy đã cầu xin sự xuất gia và đã được xuất gia với vị trưởng lão. Sau khi nắm được đề mục thiền, vị ấy đã phát triển thiền minh sát, đã dứt bỏ được mọi khổ đau của sự luân hồi, và đã đạt được phẩm vị A-la-hán là quả báu tột cùng.
Ai đã ban cho phẩm vị A-la-hán này? Chẳng phải đã được ban cho do sự chăm chú lắng nghe Giáo Pháp hay sao?
Về điều này, các tài liệu cổ (porāṇā) đã nói rằng:
65. Ngay cả con trăn, sau khi lắng nghe sự đọc tụng Giáo Pháp, đã hoan hỷ với giọng đọc ấy. Đến khi chết đi, nó đạt đến sự giải thoát.
Do đó, Chánh Pháp này nên được lắng nghe với sự chăm chú.
Câu chuyện của con trăn là phần thứ mười.
*
66. Khi đã hoãn lại công việc của bản thân đi đến đây để nghe Pháp, vị ấy nên chăm chú lắng nghe Giáo Pháp đã được giảng dạy bởi bậc Toàn Giác.
Đây là bài pháp thoại liên quan đến câu chuyện của con rắn mối: Vào thời đại vương Kākavaṇṇatissa trị vì quốc độ ở xứ Mahāgāma thuộc khu vực Rohaṇa trên đảo Laṅkā, có vị đại trưởng lão tên là Dhammadinna trú ở núi Talaṅgaratissa và sống trong hang động Devarakkhita.
Lúc bấy giờ, kề cận hang động có một tổ kiến mối lớn. Ở đó, có một con rắn mối (có tập quán) cư trú tại khu vực săn mồi và nó đã sống ngay tại tổ kiến mối ấy. Thế rồi thời gian trôi qua, vào một ngày nọ trong khi bắt mồi, hai con mắt của nó đã bị đâm thủng. Nó chịu đựng đau đớn nằm yên ở bên ngoài tổ kiến mối và không thể đi kiếm thức ăn được.
Sau đó, khi nhìn thấy con rắn mối bị khổ sở nằm như thế, vị trưởng lão khởi tâm thương xót đã đứng lại ở trong tầm thính giác của nó và thuyết giảng Giáo Pháp với bài kinh Đại Niệm Xứ. Con rắn mối trong khi lắng nghe bài Pháp ấy đã an trú vào đặc điểm của giọng nói và đã sanh khởi niềm tin. Vào chính thời điểm ấy, có một con kỳ nhông đã giết chết nó và ăn thịt.
Với kết quả của việc ấy, nó đã chết ngay tại chỗ và tái sanh trong gia tộc vị quan cận thần của vua Duṭṭhagāmaṇi ở thành Anurādhapura. Đến khi lớn lên, được gọi tên là Tissāmacco và được thừa hưởng nhiều loại của cải như là tiền bạc, vàng, trâu, bò, tôi trai, tớ gái, v.v…
Do việc an trú vào đặc điểm của giọng nói mà Giáo Pháp đã đem lại một sự thành tựu to lớn như thế. Ôi năng lực của Chánh Pháp! Và trong trường hợp này còn có:
67. Ôi! Năng lực của Giáo Pháp thuộc về đấng Thiện Thệ là vị đại ẩn sĩ đã khiến cho sự việc bị sanh trở thành vô sanh. Vị ấy đã được thế gian tôn vinh.
68. Giáo Pháp luôn luôn làm cho kẻ nghèo khổ thành giàu có, dòng dõi bần tiện trở thành cao sang, và kẻ ngu si có được trí tuệ.
69. Trên con đường dẫn đến khổ đau, Giáo Pháp là hàng rào đầy gai nhọn, và Giáo Pháp khéo được nắm giữ là đại lộ đưa đến cõi trời.
70. Trong việc từ bỏ sự già và bệnh tật, Chánh Pháp này đưa đến sự bất tử; do vậy Giáo Pháp này nên được thực hành với sự cung kỉnh bởi số đông người.
71. Người lắng nghe điều tương tợ Giáo Pháp này vẫn đạt được sự thịnh vượng thuộc về nhân loại, ai là người mong mỏi điều tốt đẹp mà lại không thực hành Giáo Pháp ích lợi này?
Sau đó, Tissāmacco đã làm vô số phước thiện rồi khi chết đi được tái sanh vào cung điện bằng vàng trong thành phố cao quý ở cõi Tusitā giống như vừa thức dậy sau giấc ngủ.
72. Hãy giữ tâm an tịnh lắng nghe (Giáo Pháp) bất tử ấy đã được bậc Chiến Thắng thuyết ra; hãy thực hành, hãy tôn vinh, hãy cung kính trong khi đi, khi đứng, khi nằm và khi ngồi; hãy luôn suy niệm về Giáo Pháp vì đó là nơi nương tựa.
Câu chuyện con rắn mối là phần thứ mười một.
*
Phần Giải Thích về Lợi Ích
của việc Lắng Nghe Giáo Pháp
trong cuốn “Diệu Pháp Yếu Lược” được thực hiện
nhằm đáp ứng niềm tin của các thiện trí thức
được chấm dứt
-ooOoo-
TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)