Trên đường về
Trên con đường về ga Shorasgarh, chúng tôi bùi ngùi cho cảnh suy tàn của thành Ca-tỳ-la-vệ và lưu luyến các bà con huynh đệ trong dòng họ Thích. Nghĩ đến cuộc thịnh suy của đời và chứng kiến cảnh kẻ ở người đi, lòng chúng tôi như vương nặng một nỗi buồn man mác.
“Thương hải biến vi tang điền” thật là rõ rệt. Thành Ca-tỳ-la-vệ trước đây khi vua Tịnh Phạn đang trị vì, có biết bao cung điện, lâu đài đồ sộ nguy nga, biết bao kỳ hoa dị thảo, cảnh đẹp nên thơ, biết bao xe cộ tấp nập quanh thành, biết bao phố phường nhà cửa bao bọc. Nhưng thời hưng thịnh này còn đâu! Chỉ còn ít khóm cây xơ xác, những mái tranh im lìm, dân chúng thì lưa thưa nghèo khổ. Trong khi bùi ngùi cám cảnh, tôi liền nhớ đến lời Phật dạy: “Có sanh tất có diệt, có hiệp phải có ly, thịnh suy là lẽ thường của sự vật”. Sự thật là thế, mặc dù thành Ca-tỳ-la-vệ không còn như xưa, nhưng tinh thần cao quý của vị Thái Tử thành này đã lan rộng và trở nên bất diệt. Ca-tỳ-la-vệ vẫn còn mãi mãi. Xe đến lúc nửa đêm, chúng tôi phải ngủ tại ga, đợi đến sáng mới đi Xá vệ được. Câu “Nhất thời Phật tại Xá-vệ quốc kỳ thọ Cấp cô độc viên” mà chúng tôi thuộc lòng từ tấm bé hôm nay có ý nghĩa làm sao! Nó được lập đi lập lại nhiều lần với những cảnh sắc trang nghiêm, kỳ diệu trong trí trước khi chúng tôi thiếp ngủ. Mặc dù đi ngủ trễ, nhưng chúng tôi dậy sớm hơn thường lệ, sau một giấc ngủ lạ khoan khoái. Lúc mới tỉnh giấc, chúng tôi cứ ngỡ là mình đang ở tại Kỳ viên.
Chuyến xe buýt sớm nhất đưa chúng tôi đến Xá-vệ sau gần một tiếng đồng hồ lướt qua các phố phường, làng mạc. Tất cả chúng tôi tự mang hành lý vào Ðại Các tự, ngôi chùa Trung Hoa nằm bên cạnh Kỳ viên, Ðại đức trụ trì ở đây đi vắng. Chúng tôi nhận được sự tiếp đãi nồng hậu của một vị nữ sĩ ở Calcutta lên đây để chép kinh. Món quà quí báu đầu tiên mà mỗi người chúng tôi nhận được là một quyển kinh Kim Cang do chính tay vị này viết tại nơi Phật thuyết kinh này.
Chiêm bái Kỳ viên
Thu dọn nơi tạm trú, tắm rửa và dùng sáng xong thì trời đã nắng. Chúng tôi muốn dành trọn một buổi cho việc đi chiêm bái Kỳ viên. Tuy chỉ ở ngoại giới của Ðại Tòng lâm, nhưng chúng tôi cũng đã hưởng được nhiều hương vị thanh tịnh giải thoát. Có thể nói rằng ngôi Ðại Giác tự này là một Tiểu Tòng lâm, được xây dựng với ý nguyện phục hưng Phật giáo tại đây của vị Ðại đức người Trung Hoa này. Cây cối xinh tươi chen chúc nhau trên mười mẫu đất bao phủ lấy ngôi chánh điện kiến trúc theo lối tổng hợp nửa Ấn nửa Hoa. Khách xá, trai đường và lầu duyệt kinh rộng rãi ngăn nắp. Cảnh sắc của toàn chùa đượm vẻ u tịch, thanh thoát làm sao. Không có gì làm cho chúng tôi sung sướng hơn là được ở vào một nơi cách xa phố phường huyên náo không có lấy một tiếng động của cơ khí sau những lúc phải chung đụng với cảnh ồn ào của ga xe hỏa, sự tranh giành ở bến xe buýt, sự hỗn loạn của xã hội loài người quên đạo đức! Khách xá của chùa hôm nay như vui hẳn lên vì được chứng kiến sự sinh hoạt ý nghĩa và nhịp nhàng của những người khách phương xa đến. Góc này Thượng tọa Minh Châu đang tiếp tục viết tập “Hsuan-tsang, the torch-bearer of the Dharma” (Huyền Trang, người làm sáng Chánh pháp). Chúng tôi đang sửa lại bản thảo đầu tiên về cuộc chiêm bái để gửi cho tạp chí Liên Hoa. Ðằng kia, thầy Pasadika xem lại lịch sử Kỳ viên để giảng giải ngay những nơi mà chúng tôi sẽ đến viếng. Cạnh đó là thầy Huyền Vi đang đánh máy tài liệu quyển “Ðường về xứ Phật”. Tiếng lắc tắc của máy đánh chữ làm chúng tôi nhớ lại lời giáo sư Thạch Trung Giả, tác giả những vần thơ huyền bí nhưng đầy ý nghĩa đã nói với chúng tôi trên đồi Hải Ðức – Nha Trang: “Thầy ạ, tôi yêu thích làm sao hình ảnh một vị sư ngồi trước máy đánh chữ”. Khi mới nghe, chúng tôi tưởng Giáo sư muốn phê bình sự sinh hoạt đổi mới của một số chư Tăng ngày nay. Nhưng với những lời giải thích của Giáo sư và đến nay sau khi chứng kiến đầy đủ hòa hợp giữa tĩnh và động, động trong tĩnh và tĩnh để mà động ấy, chúng tôi thấy giáo sư Thạch Trung Giả có lý. Thật vậy, không gì đẹp hơn hình ảnh một nhà tu trong cảnh thiền môn thanh tịnh đang ghi lại – bằng máy móc mà khoa học đã sáng chế nhưng loài ngưòi chưa biết dùng nó đúng mức với việc đạo đức tốt đẹp – những chơn lý hữu ích sau khi chín chắn suy tư để phổ biến cho cuộc đời hỗn loạn.
Chúng tôi khởi hành cuộc chiêm bái vào 2 giờ 35 phút, lúc trời đang nắng. Ðường đi đến Kỳ viên tuy không xa nhưng cái nắng khô gắt hôm nay thúc giục khách hành hương rảo bước để được sớm đến chỗ. Kỳ viên nay là một khu rừng rộng độ 50 mẫu tây, nổi lên giữa cánh đồng lúa xanh vàng bát ngát, cách kinh thành Xá-vệ cũ độ hai cây số. Càng đến gần, chúng tôi như được cây lá tươi mát ở đây đón mời nghỉ nắng. Chúng tôi đến ngồi dưới một tàn cây, bên cạnh những khóm hoa rừng đua nở. Thỉnh thoảng hương thơm theo gió đem đến những khoái cảm nhẹ nhàng dịu ngọt. Ðàn chim trên cây tiếp tục hòa tấu bản nhạc “Ca-lăng-tần-già” mà chúng bỏ dở khi chúng tôi mới đến.
Chúng tôi đang miên man với điệu nhạc, hồn thơ thanh thoát thì tiếng nói trong êm của thầy Pasadika vang lên, thầy xin thi hành bổn phận là kể lại lịch sử của Ðại Tòng lâm:
“Lúc bấy giờ Thế Tôn ở tại Vương xá, ông Cấp-cô-độc (Anàthapindika), người hay giúp đỡ cho kẻ nghèo khổ, một triệu phú và đã có Tôn giáo, nghe danh Ngài, từ Xá-vệ lặn lội đến xin bái yết đức Thế Tôn. Ông vào Trúc lâm đảnh lễ Phật và cúng dường chư Tăng. Ðức Thế Tôn hứa sẽ đến thăm ông tại Xá vệ.
Về đến nhà, ông Cấp-Cô-độc liền tìm một nơi xứng đáng để đón rước đức Phật. Vườn ông rộng nhưng không đẹp. Trong thành chỉ có một hoa viên rộng và đẹp nhất nhưng lại là sở hữu của Thái tử Kỳ đà (Jita). Ông đánh liều đến hỏi mua. Thái tử không bán. Ông nài nỉ mãi, Thái tử cười và trả lời:
— Tôi sẽ bán nếu ông lót vàng khắp khu vườn.
Ông Cấp cô độc bằng lòng mua một cách sung sướng và trở về cho người đem vàng đến lót. Còn một khoảng đất chưa được lót xong, nhưng vì cảm mến đạo tâm quí báu của ông Cấp-cô-độc nên Thái tử bảo:
— Thôi đừng lót nữa, tôi chỉ lấy một nửa số vàng và xin cúng tất cả cây cối trong vườn cho đức Phật.
Tìm được nơi rồi, ông Cấp-cô-độc cho người thân tín sang Vương xá thỉnh Phật. Vài ngày sau, ông cùng gia đình và rất nhiều người tai mắt trong thành ra đón rước và thỉnh Phật về Kỳ viên. Ông dâng cúng khu vườn cho Phật và chư tăng làm nơi thường trú. Ðể kỷ niệm đạo tâm của hai đại thí chủ, đức Phật đặt tên hoa viên này là “Kỳ thọ Cấp-cô-độc viên” (Jetavana Anàthapindikàràma. Sự tích này được khắc vào Bharhut trong thế kỷ thứ hai sau T.L.). Và Ðức Phật đã nói cảm tưởng của Ngài đối với Ðại Tòng lâm này:
“Hoa viên này là nơi thường trú tốt nhất của Như Lai và chư Tăng. Chúng tôi được sống yên ổn nơi đây vì khí hậu không nóng quá và lạnh quá. Thú dữ không vào đây được. Muỗi mòng không có, nên sự tĩnh lặng được hoàn toàn. Hoa viên này chế ngự được mưa to gió mạnh và nắng khô. Nó gây hứng cho nguồn đạo niệm và chúng tôi có thể thiền định từ giờ này qua giờ khác một cách dễ dàng. Nó thật xứng đáng làm lễ vật cúng dường cho Giáo hội. Người cư sĩ tận tâm cúng dường chư Tăng phòng xá, y thực. Bổn phận chư Tăng phải dạy bảo cư sĩ chánh pháp và người nào thông ngộ chánh pháp sẽ được giải thoát ác đạo và chững chạc đại Niết bàn”.
Từ đó, đức Phật và chư Tăng thường trú tại hoa viên này. Gia đình ông Cấp-cô-độc hằng ngày hoan hỷ cúng dường tứ sự cho Giáo hội. Nhưng một hôm ý nghĩ tốt đẹp và rộng rãi sau đây đã đến với ông:
“Ta sung sướng lắm vì ta đã có thiện duyên được cúng dường Phật và chư Tăng. Ta sẽ được gặt hái phước quả trong đời này và đời sau. Nhưng tại sao chỉ có một mình ta và gia đình ta được hưởng công đức ấy? Không được! Ta phải chia xẻ công đức cho kẻ khác. Ta sẽ kêu gọi đạo tâm của nhiều người, để họ cũng hướng được công đức như ta”.
Ông bèn vào yết kiến vua Ba Tư Nặc (Prasenajit) và trình bày những điều ông nghĩ. Vốn là một vị minh quân, hơn nữa vì kiêng nể ông Cấp-cô-độc, một ân nhân đã ủng hộ nhiều cho ngân quĩ quốc gia, vua liền chấp thuận. Trong bảy ngày liên tiếp, ông đi khắp các nẻo đường bắn tin cho dân chúng biết hiện có đức Phật và chư Tăng đang ở tại Kỳ viên và kêu gọi họ đến nghe Pháp và cúng dường để góp phần công đức. Trong vô số người hưởng ứng, có hai tín nữ đáng ghi nhớ hơn hết là một cô gái nghèo nhất Xá vệ và bà Visakha (Tỳ-xá-khư) giàu không kém gì ông Cấp-cô-độc.
Cô gái nghèo này vì kính mộ đức Phật mà mến trọng cử chỉ khiêm nhường chơn thành của ông Cấp cô Ðộc, đã dâng cúng chiếc áo duy nhất của mình. Sau khi biết được đạo tâm cuả cô này, ông Cấp-cô-độc cho người đem đến biếu cô rất nhiều chiếc áo đẹp khác. Nhưng qua hôm sau, cô từ trần và được sanh lên cõi trời Ðế Thích. Nhớ lại tiền kiếp, cô đã xuống nghe đức Phật thuyết pháp tại Kỳ-viên.
Bà Visakha là người giàu có và đông con cháu, cũng đã trở nên một Phật tử biết hộ pháp. Một hôm sau khi đức Phật và chư Tăng thọ trai tại nhà bà, bà xin đức Phật cho phép bà được toại nguyện trong tám điều:
“Trọn đời cúng dường:
1. Y trong mùa mưa (ngoài ba y) cho các thầy Tỳ-kheo.
2. Thực phẩm cho các thầy Tỳ-kheo mới đến.
3. Thực phẩm cho các thầy Tỳ-kheo đi xa.
4. Thực phẩm cho các thầy Tỳ-kheo bệnh.
5. Thực phẩm cho những người nuôi các thầy Tỳ-kheo bệnh.
6. Thuốc men cho các thầy Tỳ-kheo bệnh.
7. Cháo sữa buổi mai cho chư Tăng.
8. Y tắm cho các Tỳ-kheo ni.
Ðức Phật hứa cho sau khi nghe bà giải thích đầy đủ lý do về sự cúng dường âý. Ngài dạy: “Lành thay! Lành thay! Visakha! Người đã khéo xin Như lai tám điều trên với những lý do rất xác đáng và lợi ích. Cúng dường cho những người đáng cúng dường chẳng khác nào gieo giống trên đất tốt và như vậy sẽ gặt hai được nhiều kết quả. Trái lại cúng dường những kẻ thiếu đạo đức, còn mang nặng dục vọng chẳng khác gì gieo giống trên đất xấu. Nắng dục vọng của người thọ lãnh làm khô chết giống công đức của người cúng dường”.
Chính đức Phât đã tán thành công đức của bà Visakha:
“Người đệ tử chơn thành của Như Lai luôn luôn hoan hỉ và không chút hối tiếc trong lúc cúng dường bất cứ một phẩm vật nào. Do đó, u sầu tiêu sạch, công đức phát sanh. Ðời sống phước lạc này giúp người bước lên con đường giải thoát những sự triều phược và bất tịnh của con người. Sự hướng thiện ấy sẽ làm cho người có hạnh phúc và an lạc trong công việc từ thiện”.
Ngôi Tịnh xá Pùràràma ở về phía đông Kỳ viên là của bà Visakha dâng cúng. Và bà là người lãnh đạo những tín nữ ở Xá lợi.”
Thượng tọa Minh Châu tiếp thêm: “Chính nhờ ngoại duyên đầy đủ mà đức Phật đã thường trú tại đây gần 25 năm. Phần lớn các kinh điển quan trọng đều được đức Phật thuyết tại đây. Chính từ nơi đây, các thầy Tỳ-kheo tài đức đã đi khắp các xứ lân cận để truyền bá Chánh pháp”.
Cây Bồ đề: Ðến đây, sau một lúc nghỉ nắng, chúng tôi bắt đầu đi thăm từng cảnh một. Ði về phía đông, nơi chúng tôi đến đầu tiên là cây Bồ đề này chính do ông Cấp-cô-độc thỉnh một nhánh từ cây Bồ đề Phật Thành Ðạo đem về trồng tại đây. Tuy không được xanh tốt như cây Bồ đề Bồ đề Ðạo-tràng nhưng nó vẫn giữ sắc thái hùng vĩ, oai nghiêm, vượt cao lên trên những cây xung quanh nó. Mỗi khi nhìn thấy cây, lá Bồ đề là lòng chúng tôi ngập tràn niềm vui tin tưởng. Bởi nó là một vật kỷ niệm quí báu và cũng là biểu trưng cho nền đạo giác ngộ. Ánh nắng chiếu vào những lá Bồ đề xanh láng làm cho toàn cây như tỏa ra một vòng hào quang mát dịu.
Chúng tôi dành thời gian rất ngắn cho những nơi ít quan trọng, có nhiều nơi chỉ lướt qua. Chùa và tịnh xá ở đây không biết bao nhiêu mà kể, tuy chỉ còn lại những nền gạch. Chúng tôi chỉ đến chiêm bái và nghiên cứu tỉ mỉ những cảnh sau đây:
Chùa số 3: Chùa này là thánh tích thiêng liêng nhất ở Kỳ viên do ông Cấp-cô-độc dựng lên làm nơi thường trú cho Phật. Trước mặt chùa có hai bệ gạch xây trên con đường kinh hành cũ của đức Phật. Trên tượng của một vị Bồ Tát được tìm thấy gần chỗ này, có một bia ký thuộc thế kỷ thứ nhất sau T.L., chép rằng tượng này được dựng lên tại chỗ đức Phật đi kinh hành (Kosambakuti) bởi ông Bala trong triều đại của một vị vua Kushan, Ngài Huyền Trang có thấy tượng này.
Chúng tôi đảnh lễ và tưởng niệm tại đây, trên một nền gạch đầy sỏi đá. Ðầu phơi nắng, trán chạm đất cát nhưng chúng tôi cảm thấy sung sướng và mát dịu làm sao! Vì chúng tôi quán tưởng rằng đức Phật đang an tọa chính nơi đây. Hai bàn tay và trán chúng tôi chạm đến đôi bàn chân của Ngài. Nhưng đó chỉ là một sự ước mơ. Dầu sao sự ước mơ này cũng đã cho chúng tôi một niềm an lạc.
Tinh xá số 19: Tịnh xá số 19 này nằm về phía tây xây mặt về phía đông. Ðây là tịnh xá lớn nhất ở Kỳ viên, gồm có một điện Phật, một cái giếng giữa sân, 22 tịnh thất nhỏ vây xung quanh và một số trụ lớn chạy theo hành lang phía trong. Hình như tịnh xá này được xây đi dựng lại đến 3 lần trên một nền móng. Ngôi xưa nhất này chỉ còn thấy một phần tường thuộc về thế kỷ thứ sáu sau T. L., ngôi thứ hai có lẽ thuộc thế kỷ thứ 10. Trên đây người ta có tìm được một số tượng Phật trong đó có một tượng trong cử chỉ bắt ấn Bhumisparsamudra, có đức Quan Thế Âm và đức Di Lặc hầu hai bên, một bức chạm tích con vượn dâng mật cúng Phật; hai bức chạm có bia ký chép thuộc thế kỷ thứ 9, thứ 10. Ngôi tịnh xá được dựng lên cuối cùng thuộc thế kỷ 11, 12 này nền móng vẫn còn. Nền móng hình vuông, mỗi bề độ 36 thước tây, một sân không lợp ở chính giữa, xung quanh là tịnh thất của chư Tăng, có hành lang chạy dài phía trong. Phòng chính xây mặt về phía các cửa là một điện Phật nên bất cứ ai bước ra cũng đều thấy tượng Phật trước hết. Tịnh xá này có tất cả 24 phòng. Trong mỗi phòng có một giường nhỏ bằng gạch. Trong một tịnh thất ở tịnh xá này có đào lên được một tấm đồng khắc rằng Thái tử Govindachandra xứ Kanauj năm 1130 sau T.L. có để dành lợi tức của một vài chùa xung quanh thành Xá-vệ để cung cấp cho các vị Tỳ-kheo ở Kỳ viên. Nhờ tấm đồng này mà người ta biết đích xác chỗ Saheth này là Kỳ viên và chứng tỏ rằng đạo Phật ít nhất là đến thế kỷ thứ 12 vẫn còn thịnh hành ở Ấn độ.
Chúng tôi nghĩ rằng lối kiến trúc tinh xá ở đây thật đúng với giới luật và thích hợp cho việc thiền quán của chư Tăng. Sự chung đụng quá nhiều giữa người và người thường gây ra những sự bất lợi cho người tu hanh về thời giờ và tâm niệm. Sự tĩnh lặng cho người tu hành đủ sáng suốt để biết rõ mình hơn và không bị lôi cuốn bởi ảnh hưởng xấu của kẻ khác. Tuy nhiên nếu sống tách rời nhau quá cũng dễ sinh ra chia rẽ, đố kỵ và nhất là không huởng được sự dắt díu và kiểm soát của thiện tri thức. Do đó, theo thiển ý của chúng tôi, mỗi người một phòng và sống gần nhau trong một tịnh xá là sự cư trú tốt nhất cuả Tăng già. Lối kiến trúc chùa chiền theo kiểu chữ Khẩu hay chữ Môn bên ta quá chú trọng đến việc thờ phượng và chỉ tiện lợi cho sự công phu bái sám tập thể. Chúng tôi chưa được thấy Tòng lâm nào có những tinh xá thuận lợi cho việc thiền quán của chư Tăng như ở đây.
Sau gần hai tiếng đồng hồ chiêm bái, viếng thăm, tìm hiểu tất cả chùa chiền, tinh xá khắp nơi trong Kỳ viên, chúng tôi đến viếng một cái hồ rộng nằm giữa những vòm cây được xem là hồ tắm của chư Tăng rồi đến một cái giếng lớn và nền của một phòng tắm được xem là nơi tắm của đức Phật. Qua những cái giếng còn lại chúng ta cũng biết được số đông đảo chư Tăng trong lú Phật còn tại thế và những thế kỷ tiếp theo.
Trời đã dịu nắng. Cây lá đổi màu. Chúng tôi đồng leo lên một ngọn đồi không cao lắm gần bên hồ để được nhìn thấy toàn cảnh Kỳ viên. Có lẽ vì muốn được yên tịnh để suy tư những lời Phật dạy ngay trong cảnh mà ngày xưa Ðức Phật đã thường trú nhiều năm, nên Thượng tọa Minh Châu đề nghị mỗi người nên tìm một chỗ để tĩnh tâm độ 30 phút trước khi ra về. Thầy Pasadika không để mất cơ hội thuận tiện nên xin tất cả ngồi lại trên đồi này độ 10 phút nữa để thầy kế tiếp lịch sử của Kỳ-viên.
— “Kỳ viên này, thầy Pasadika nói, như chúng ta đã thấy qua những di tích còn lại, không phải chỉ xây dựng trong thời Phật còn tại thế mà được tiếp tục xây dựng trong nhiều thế kỷ sau. Chính vua Asoka sau khi lên ngôi có đến thăm Kỳ-viên này. Ðể kỷ niệm cuộc viếng thăm, vua cho dựng hai trụ đá cao độ 22 thước ở cửa hướng đông. Một cột có Pháp luân trên đỉnh và một cột có con bò. Theo ngài Huyền Trang, vua Asoka còn cho xây gần đó một ngôi tháp thờ Xá Lợi của Phật nữa.
Trong những thế kỷ đầu tiên sau T.L., dưới triều đại Kushans, Phật giáo được hưng thịnh thì ở đây chùa chiền và tinh xá được trùng tu và xây dựng thêm. Nhất thế hữu bộ (Sarvastivada, mầm mống cuả Bắc tông) cũng được thịnh hành tại chỗ này.
Dưới thời đại Guptas đầu, đạo Bà-la-môn có mạnh và muốn phá hoại Phật giáo nhưng cảnh Kỳ-viên này vẫn được duy trì như trước. Ngài Pháp Hiển đến thăm Kỳ-viên vào đầu thế kỷ thứ năm được các thầy ở đây tiếp đón, và họ rất ngạc nhiên không hiểu tại sao có người ở rất xa lại đến đây được, vì từ trước họ chưa bao giờ thấy người Hán cả. Ngài Pháp Hiển cũng thấy hai trụ đá cùng một số tháp và điện dựng lên giữa hồ nước. Cây cỏ tươi tốt và hoa lá rất nhiều, ngài cũng thấy cái lầu hai tầng, chỗ đức Phật ở 25 năm, và theo Ngài, trước kia nó có đến 7 tầng, nhưng sau khi bị cháy chỉ làm lại được hai tầng. Phần lớn những di tích mà chúng ta thấy đều được xây dựng dưới thời đại Guptas.
Ngài Huyền Trang đến thăm vào thời đại vua Harsha (606-647) thấy Kỳ-viên lúc ấy đã bị phế tàn, tuy các ngôi chùa và tượng Phật vẫn còn, nhưng không có một vị Tỳ-kheo nào ở tại đây cả.
Sau thời gian Huyền Trang đến thăm, Phật giáo được phục hưng tại chỗ này. Vì có nhiều tượng và bia ký được tìm thấy tại chỗ như tượng Lokanàtha Trailokyavijiya, Avalokitesvara (Quán tự tại), Simhanàda, Lokésvara Jambhala (Quán tự tại), thuộc về những thời đại sau ngài Huyền Trang đến và cho đến nửa thế kỷ thứ 12, nhiều chùa và tịnh xá vẫn còn tồn tại ở đây. Ðó là nhờ sự hổ trợ của vua Gàhadavàla ở Kanauj tên là Madanapàla và Thái tử Govindachandra. Bia ký của thời đại các vị này đều được tìm thấy tại đây. Sau đó, Xá-vệ bị vua Hồi giáo đô hộ. Một vài di tích Hồi giáo vẫn còn ở Xá-vệ. Và Kỳ viên này cũng bị tàn phá và bỏ quên cho đến khi ông Cunningham tìm ra được chỗ này vào năm 1863.”
Thầy Pasadika chấm dứt sau hai tiếng cám ơn nhè nhẹ với vẻ mặt buồn chán.
Sau đó Thượng tọa Minh Châu, Thầy Huyền Vi và Thầy Pasadika tan ra đi tìm chỗ để thiền định. Trên đồi chỉ còn một mình chúng tôi. Như thế chúng tôi khỏi cần phải đi tìm một chỗ yên tịnh nào nữa. Ngồi dựa vào một gốc cây định sau vài phút nghỉ cho khoẻ rồi tĩnh tâm thiền quán. Nhưng một nỗi buồn đến xâm chiếm tâm tư sau khi nhìn lại cảnh hoang phế trong lúc ngày sắp tàn làm cho chúng tôi không đủ sức để tập trung tư tưởng vào một mối.
Tiếng gọi nhau ra về của những công nhân sửa sang cây cối đường sá ở đây vọng lại, gợi lên trong trí tôi câu hỏi:
— “Tại sao một Tòng lâm vĩ đại tồn tại suốt gần 16 thế kỷ này trở nên một nơi hoang phế và hàng ngàn chư Tăng trong các tinh xá bây giờ chẳng có bóng nào? Câu trả lời của vị giáo sư Hindi ở Nalanda có thể giải đáp đầy đủ cho mỗi thắc mắc trên được chăng? Giáo sư ấy đã nói với chúng tôi: “Suốt thế kỷ 11 và 12, giặc Hồi giáo chiếm cứ nước tôi, đập phá tất cả chùa chiền và tàn sát chư Tăng. Rồi tiếp đó là cuộc đô hộ gần 300 năm của người Anh là những nguyên nhân làm cho Phật giáo ở đây mất hình thức. Những người Ấn chúng tôi hiện nay xem đạo Phật là một chi phái của Ấn Ðộ và họ vẫn thực hành lời dạy của đức Phật, nhất là hạnh từ bi bất bạo động”.
Vâng, trong lịch sử Ấn Ðộ có những sự kiện ấy, song sự suy tàn của Phật giáo ở đây còn do nhiều nguyên nhân khác nữa mà sự “trả thù” của Bà-la-môn giáo là một. Chính chúng tôi đã có dịp thảo luận về nguyên nhân trên với ông Prasad, một học giả đang nghiên cứu về vấn đề “Kinh tế và tôn giáo” ở Nalanda. Ông ta đồng ý với chúng tôi: “Ðạo Phật vốn là đạo cách mạng triệt để. Giáo lý cao rộng sáng sủa của đức Phật đã làm lu mờ hệ thống triết lý của Bà-la-môn giáo, một tôn giáo đầy cả nghi lễ. Phật giáo đã cải hóa rất nhiều vị Vua và nhiều người trí thức, chính nhiều tu sĩ Bà-la-môn cũng quay về với Phật giáo. Sự việc này làm cho các vị lãnh tụ Bà-la-môn giáo căm tức và đợi dịp tốt để trả thù. Thừa dịp Phật nhập Niết Bàn, đệ tử của Ngài thiếu người tài đức và nhất là nhân lúc Phật giáo bị Hồi giáo phá hoại, họ hùa theo làm cho Phật giáo tiêu diệt”.
Một câu hỏi nữa được chúng tôi đặt ra: “Nói đến sự thạnh suy thì bất cứ Phật giáo nước nào cũng có lúc thạnh lúc suy. Dầu suy biến đến đâu đi nữa cũng có lúc phục hưng được; Phật giáo Trung Hoa ba lần bị tiêu diệt nhưng đến nay vẫn còn. Phật giáo Việt Nam suy biến nhiều trong thời kỳ nội loạn và Pháp thuộc nhưng không đến nỗi điêu tàn như Ấn Ðộ, nơi Phật giáo phát xuất và có nhiều chùa chiền, tịnh xá, hang động vĩ đại”.
Chúng tôi muốn nói đến một nguyên nhân nội tại quan trọng đã làm cho Phật giáo suy tàn một cách mau chóng và hiện nay phục hưng một cách chập chạp. Nguyên ấy là sự thiếu chư Tăng. Có lẽ sau sự giết hại chư Tăng của giặc Hồi giáo, không còn ai dám xuất gia để tu học và hướng dẫn cho tín đồ nữa; rồi tín đồ vì thiếu người hướng dẫn lần lần đã bằng lòng hoặc bị áp bức phải sống với tập quán phong tục của Bà-la-môn giáo, tôn giáo của Ấn Ðộ, tôn giáo mà hàng Tăng sĩ có thể ở chung lộn với người trong làng xóm. Cho đến ngày nay mặc dầu mặc dù Phật giáo ở Ấn được chính phủ để ý nâng đỡ và nhiều người trí thức ca ngợi, nhưng sự phục hưng cũng chỉ nằm trong sự sửa sang các thánh tích, ấn loát lại Tam tạng kinh điển, sự khuyến khích sinh viên, học giả nghiên cứu Phật giáo. Riêng hội Maha Bồ đề thành lập cũng đã lâu nhưng thành quả thâu hoạch về sự tổ chức và giác ngộ quần chúng cũng không nhiều cho lắm, tuy so với các tôn giáo khác ở đây về số tín đồ tăng thêm, thì Phật giáo đứng hàng đầu.
Nguyên nhân cũng chỉ là sự thiếu bóng Tăng ni. Với dân số gần 400 triệu mà chư Tăng tài đức Ấn Ðộ không quá 115 vị, phần lớn lại ở tại Assam, một ít ở Calcuta nên chẳng thấm thía vào đâu. Chư Tăng ngoại quốc, phần lớn là Tích Lan tích cực giúp đỡ Phật giáo Ấn Ðộ, nhưng vì ngôn ngữ và tập tục bất đồng nên rất khó thu hoạch kết quả. Gần đây, hàng triệu người theo gương Bác sĩ Ambedkar qui ngưỡng Tam bảo nhưng họ phải tự nâng đỡ dắt díu nhau chứ không được sự dạy dỗ của chư Tăng. Một thanh niên Ấn Ðộ ngày nay muốn được xuất gia khó hơn một thanh niên Âu Mỹ, vì không có hoàn cảnh thuận tiện như ngày xưa – Ngay ở Nalanda không kể sinh viên thường, chư Tăng Ấn chỉ có 6 vị, còn bao nhiêu là chư Tăng ngoại quốc. Hội Maha Bồ đề đang tìm cách khuyến khích giúp đỡ thanh niên Ấn xuất gia để công việc phục hưng Phật giáo ở đây được dễ dàng và mau chóng hơn.
Ðang lo buồn cho nền Phật giáo tại nơi phát sinh ra nó thì bóng khoan thai của thầy Pasadika đi kinh hành trên một nền gạch cũ làm chúng tôi nhớ rằng Phật giáo là chân lý của muôn phương muôn thuở. Trong khi ở đây không đủ điều kiện tốt đẹp để phát triển thì chân lý ấy sống vững sống mạnh khắp các nước Á Châu và đang sanh lá, đơm hoa ở Âu Mỹ. Niềm tin tưởng vào sự sáng mạnh của Phật giáo trong tương lai ngự trị trong lòng chúng tôi. Tiếp theo đó, bóng của Thượng tọa Minh Châu và Huyền Vi ở đàng xa đi lại gợi lên trong tâm trí chúng tôi bản đồ Ðại Tòng Lâm Phật giáo Việt Nam mà chúng tôi được Thượng tọa Thiện Hòa cho xem. Trước khi xuất dương, chúng tôi ước nguyện một ngày gần đây sẽ được vui sống và phục vụ trong một Tòng lâm quy cũ như Kỳ viên trong quá khứ để luôn luôn được sự an ủi, dắt díu của mình sự thiện hữu. Ðó là ý nghĩ cuối cùng trước khi chúng tôi rời khỏi ngọn đồi để cùng trở về Ðại Giác tự.
Ngày đã tan nhưng trời không tối lắm vì trăng đã lên. Ðể kỷ niệm nơi chính Ðức Phật đã thuyết kinh A Di Ðà, tối hôm ấy tất cả chúng tôi và Ðại đức trụ trì ở đây cùng đi Tịnh độ. Lâu lắm rồi không tụng kinh A Di Ðà, tưởng đã quên hết, nhưng lạ thay, sau vài câu mở đầu là chúng tôi tụng lâu không cần xem kinh nữa. Hình ảnh 7 hàng lan can, bảy hàng lưới giăng, bảy hàng cây báu, hồ sen thất bảo v.v.. của cảnh Cực lạc trang nghiêm lần lượt hiện rõ lên trong trí chúng tôi. Có lẽ Ðại Tòng Lâm Kỳ viên đã giúp chúng tôi tưởng tượng cảnh Cực lạc một cách dễ dàng. Những nhạc khí ở đây tuy không được “Vi diệu” như ở nhà nhưng cũng giúp chúng tôi có một buổi tụng niệm hoàn toàn Việt Nam. Lối tụng kinh theo nghi thức các nước Phật giáo Nam Tông không phải không hay, nhưng với chúng tôi lối tụng kinh Việt Nam lai Trung Hoa, đậm đà êm ái và thiền vị làm sao! Chúng tôi không có ý phân biệt tôn giáo, và đây chỉ là vấn đề tình cảm. Có lần đạo hữu Chánh Trí nhắc lại với tôi câu nói mà đạo hữu đã nói với một người bạn Nguyên thủy: “Tôi thích tụng kinh chữ Hán và đánh chuông mõ, vì có lẽ kiếp trước tôi là người Tàu”. Câu nói này cũng chính là tiếng nói của tâm linh chúng tôi trong lúc ấy. Buổi tụng kinh tuy dứt nhưng lời kinh, tiếng mõ như còn văng vẳng bên tai. Một niềm luyến nhớ quê hương qua những mái chùa cong cong ẩn dưới tàn cây cổ thụ, và những hồi chuông tiếng mõ nhịp nhàng thanh thoát vang dội sáng chiều.
Dưới ánh trang vàng, trong cảnh an bình của Ðại giác tự đêm hôm ấy, chúng tôi không thể nào vào phòng tiếp tục công việc được. Tất cả chúng tôi ngồi lại dưới hiên chánh điện để bàn về chương trình ngày mai. Vừa ngồi yên thì Ðại đức trụ trì đem một quyển kinh ra và nói gì với Thượng tọa Minh Châu chúng tôi không được hiểu. Sau đó Thượng tọa Minh Châu cho biết Ðại đức trụ trì hỏi: “Phải chăng vừa rồi chúng tôi đã tụng kinh A Di Ðà?”. Tôi liền hiểu ra rằng: Vì thượng tọa Minh Châu nói được tiếng Trung Hoa và khi chiều chúng tôi có hỏi mượn kinh A Di Ðà nên Ðại đức tưởng là chúng tôi sẽ tụng tiếng Trung Hoa nên đã cùng đi Tịnh độ với chúng tôi. Té ra chúng tôi xem kinh chữ Trung Hoa nhưng tụng theo lối phát âm Việt Nam!
Tôi trình bày ý kiến của tôi về cách thức học chữ Hán với Thượng tọa Minh Châu và thầy Huyền Vi. Sau một hồi thảo luận, tất cả chúng tôi đều đồng ý là lối học chữ Hán của người Việt Nam nói chung, của chư Tăng ni nói riêng chỉ có lợi trong địa hạt quốc gia nhưng không lợi trong địa hạt quốc tế. Muốn thâu hoạch được công dụng rộng rãi của sự học chữ Hán, chúng ta cần sửa đổi cách dạy và học, nghĩa là học chữ Hán như học sinh ngữ Anh, Pháp v.v… Phải học cho viết được và nói được. Hiện nay Trung Hoa là một thứ tiếng được nhiều người nói và viết trên thế giới. Học theo lối Việt Nam ta xưa nay chỉ để dùng trong nước và chỉ để đọc sách. Do đó, người dạy và người học cũng thiếu hào hứng. Thượng tọa Minh Châu nhờ biết phát âm theo người Trung Hoa, nên đã có thêm một lợi khí quí báu của ngôn ngữ. Thượng tọa giao thiệp được với người Trung Hoa bằng tiếng Trung Hoa, viết sách, và giảng dạy được cho người Trung Hoa và ngoại quốc biết tiếng Trung Hoa. Sau khi bàn thêm một vài chi tiết trong chương trình giáo dục của các Phật học viện Việt Nam, chúng tôi đi ngay vào việc chính: vạch chương trình chiêm bái và công việc cho ngày mai.
Ðêm về khuya. Trăng càng sáng. Tiếng hát của dân làng từ xa vọng lại gợi lên trong chúng tôi một điều ước nguyện: Cầu cho chúng sanh an lành và dân tộc Việt Nam sớm ra khỏi cơn binh lửa.
“Cầu cho chúng sanh an lành
Ðồng nguỵện suôt đời theo gót người xưa
Và nguyện cho cuộc đời hết khổ đau”.(Về dưới Phật đài)
Thành Xá-Vệ
Sáng ra, sau khi điểm tâm xong, chúng tôi lên đường đi đến thành Xá-vệ. Thành này cách Kỳ viên độ hai cây số nay chỉ còn những lũy đất bọc chung quanh một vùng đất hoang dại rộng độ 200 mẫu tây. Trèo lên một mô đất cao có lẽ là một pháo đài cũ, chúng tôi thấy rõ sông Aciravati, con sông được nhắc đến nhiều lần trong kinh điển. Bắt nguồn từ dãy Hy-mã-lạp-sơn cao khiết, vượt qua đồi núi đồi thơ mộng và những ruộng đồng xanh tươi, sông Aciravati bọc quanh một phần nửa chu vi thành Xá-vệ. Lòng sông xanh lơ, nước sông chảy từ từ. Cái vẻ thanh lịch của nó không kém gì sông Hương chảy ngang qua cố đô Phú Xuân. Ngoài thành xa xa rải rác những xóm nhà lá. Trong thành tuyệt nhiên không còn lấy một mái ngói hay một vách tường. Theo tài liệu được ghi chép trong kinh điển thì Xá vệ là kinh đô cuả nước Kosala. Ðô thành này đông đúc và giàu có nhất đối với những nước lâng bang lúc bấy giờ. Trên vọng lâu này, chúng tôi được Thượng tọa Minh Châu kể sự bái yết của vua Ba-tư-nặc và đọc lại bài thuyết pháp của Phật thuyết cho nhà vua. Lúc bấy giờ vua Ba-tư-nặc nghe đức Phật đến và thường trú lại Kỳ viên liền cùng với đoàn tùy tùng đến bái yết Ngài. Nhà vua chấp tay và nói:
“Hạnh phúc thay cho đất nước hèn mọn của con được đức Thế Tôn quan tâm và thường trú. Tai biến và hoạn nạn sẽ không có cơ hội xảy ra trong lúc Ðấng Giác Ngộ có mặt tại đây. Hôm nay con rất sung sướng được chiêm ngưỡng dung mạo của Ðấng Thế Tôn. Xin Thế Tôn rưới cho nước cam lồ và ban Chánh Pháp dịu mát. Dục lạc là những gì mau hoại diệt. Còn pháp lạc là nguồn vui vô tận. Thế nhân, dầu là vua hay bá ánh vẫn đầy dẫy những phiền muộn. Chỉ có những bậc đức hạnh mới có sự tịnh lạc”.
Biết được lòng dạ nhà vua trước kia nghiêng nặng về dục lạc nhưng nay biết hướng thiện, không bỏ lỡ cơ hội tốt, đức Phật dạy:
“Ngay những kẻ tầm thường vẫn có những đạo niệm cao khiết khi gặp được những bậc đức hạnh, phương chi một vị Quốc vương, người có quả báo tốt đẹp, lẽ dĩ nhiên người sẽ dễ dàng trong việc hướng thiện.
“Như Lai sẽ vắn tắt một vài điều Chánh pháp. Người hãy lắng nghe:
“Những hành động thiện hay ác của chúng ta mãi theo chúng ta như bóng theo hình. Ðiều cần thiết mà chúng ta phải có là tình thương. Hãy xem thần dân như con ruột con mình, đừng áp bức họ, đừng tổn hại họ, trái lại hãy bảo vệ họ như gìn giữ tay chân của người. Hãy sống với Chánh Pháp và đi mãi trên con đường lành. Ðừng nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống. Hãy gần gũi và thương yêu những kẻ nghèo khổ.
“Ðừng nghĩ nhiều đến địa vị quốc vương và đừng nghe những lời nịnh họt. Không có một sự an lạc nào trong sự làm khổ mình bằng cách ép xác. Nên chú tâm vào Chánh pháp và áp dụng Chánh pháp trong cuộc sống. Chúng sanh đang bị bao quanh bởi những núi thành sầu khổ và chỉ có thể giải thoát bằng cách sống thật với chân lý. Tất cả những bậc trí giả đều ghê tởm những thú vui thấp hèn của xác thịt và trọn sống cho trí tuệ. Thử hỏi: làm sao chim chóc có thể đậu được trên một cây đang bốc cháy dữ dội? Chơn lý cũng vậy, không thể tìm thấy nó trong cuộc sống đầy dục vọng. Không nhận thức được như thế, dầu được xưng tụng là Thánh nhân cũng chỉ là kẻ dốt nát. Nhận thức được như thế là người thật có trí tuệ. Hãy dành nhiều thời giờ cho việc khai sáng tâm trí. Thiếu trí tuệ, cuộc đời trở nên vô nghĩa. Tất cả giáo nghĩa của các tôn giáo phải phụng sự cho trí tuệ loài người. Nếu không chúng không có lý do để tồn tại.
“Chơn lý không phải là của riêng của Tu sĩ mà là của chung của nhân loại. Không có sự phân biệt giữa nhà tu và kẻ thế trong vấn đề tìm chơn lý vì rằng có nhiều nhà tu phải sa đọa trong khi đó có những kẻ thế lại lên cao. Làn sóng tham dục là tai nạn hiểm nghèo cho tất cả: nó nhận chìm tất cả, không ai tránh khỏi. Chỉ có nương thuyền trí tuệ mới có thể vượt qua nó được. Và tôn giáo chơn chánh là tôn giáo thức tỉnh người tự cứu mình ra khỏi cạm bẫy của Ma vương.
“Vì không thể trốn thoát được quả báo của hành động do chúng ta gây ra nên chúng ta gây ra nên chúng ta hãy thực hành điều thiện, hãy kiểm soát tư tưởng đừng để suy nghĩ điều ác. Vì chúng ta sẽ gặt những gì chúng ta gieo.
“Có những con đường từ nơi sáng đến chỗ tối và từ chỗ tối đến nơi sáng. Cũng có những con đường đưa từ nơi mờ mờ đến nơi tối thẳm và từ chỗ sáng ít đến nơi sáng chiều. Người có trí luôn luôn mở mắt để đón nhận ánh sáng càng nhiều càng tốt. Họ luôn luôn tiến mạnh trên con đường sáng để được đến gần với chân lý.
“Hãy tỏ ra cao khiết bằng cách sống với đức hạnh, và trau đổi trí huệ. Hãy nhận chân và suy tư nhiều về sự thấp kém của vật dục và sự phiền nhiễu của cuộc đời ô trược.
“Hãy nâng cao trí sáng và trung kiên với lý tưởng. Ðừng xem thường những đức hạnh cần phải có của một đấng Quân vương. Hãy tìm hạnh phúc chính trong lòng người, đừng chạy theo những vật chất bên ngoài và như vậy là người xây dựng uy danh một cách vững chắc”.
Sau khi trang tiếp những lời vàng ngọc cuả Ðức Thế Tôn, Vua Ba-Tư-nặc hứa nguyện sẽ là một đệ tử chân thành của đức Phật.”
Thượng tọa Minh Châu nói thêm:
— “Chính nhờ sự quy ngưỡng của Vua Ba-tư-nặc mà Chán pháp được phổ cập một cách mau chóng, khắp lãnh thổ nước Kosala lúc bấy giờ”.
Mặt trời lên cao. Chúng tôi phải rời vọng lâu và tiếp tục đi. Câu chuyện quy ngưỡng của Vua Ba-tư-nặc và những lời thuyết pháp hợp cơ của đức Phật làm cho chúng tôi liên tưởng đến một vài trường hợp trong lịch sử Phật giáo Việt Nam và quốc gia Việt Nam.
Những thời kỳ quốc gia Việt Nam được an trị và hiển hách về chiến công cũng như văn học chính là những thời kỳ Phật giáo thạnh hành. Vua chúa biết tu tâm dưỡng tánh, có lòng thương dân. Dân chúng tôn trọng đạo đức, quên tình riêng, nghĩ đến nghĩa chung. Ấy là những triều đại Ðinh, Lê, Lý, Trần. Trái lại, những lúc vua chúa hoang dâm vô độ, tham quyền cố vị và nếu có nghĩ đến đạo giáo cũng chỉ tế tự để cầu phúc cho mình; những thời thần dân ham chuộng danh lợi, hiềm khích tư thù, nếu có học đòi văn chương đạo đức cũng chỉ để mưu lợi và tiến thân, thì chính là những lúc nước nhà phải gặp nhiều tai loạn. Ấy là những triều đại Long Ðĩnh, cuối Trần, Trịnh, Nguyễn v.v…
Chúng tôi nghĩ thêm: bổn phận đầu tiên của những người lãnh đạo là phải thật có đạo đức, thật tâm tìm hiểu những tôn giáo hiện hữu trong nước, khuyến khích dân chúng lựa chọn và thật sống theo những đạo giáo chơn chánh. Sự kỳ thị tôn giáo nơi những người nắm chính quyền là một nguyên nhân lớn lao của sự chia rẽ dân tộc. Chiến tranh tôn giáo hoặc nóng hoặc lạnh đều nguy hại cho đoàn kết dân tộc và chủ quyền quốc gia. Trái lại, sự thật sống theo tôn giáo của dân chúng giúp cho nhà cầm quyền một nửa công việc trị an, nhất là về sự kiện tụng. Sự khác nhau về tôn giáo của dân chúng không đáng lo ngại, mà nên sợ dân chúng không sống đúng theo lời dạy của giáo chủ họ. Vì không có một vị giáo chủ chơn chánh nào lại dạy tín đồ ghét bỏ tha nhân, mưu hại, chém giết đồng bào, vong ân, phản quốc. Các Ngài đều dạy: thương yêu giúp đỡ kẻ khác, quên thù trọng nghĩa v.v…
Ði đến đoạn đường hướng về phía Bắc, rẽ vào phía Ðông thì đến Pakki Kuti. Ðây là mô đất lớn và cao nhất trong thành. Theo ký sự của ngài Huyền Trang và ngài Nghĩa Tịnh thì đây là di tích của tháp kỷ niệm sự cải hóa cuả Angulimala. Sau khi quan sát toàn cảnh Pakki Kuti, tất cả chúng tôi đến nghỉ mát dưới một gốc cây. Thầy Pasadika tiếp tục thi hành bổn phận, kể lại câu chuyện cải hóa của Angulimala:
–“Lúc bấy giờ ngoài thành Xá-vệ này có một tướng cướp tên Angulimala. Tướng cướp này quấy phá làng nước đã lâu và mỗi khi giết được người thì chặt lấy một ngón tay xâu thêm vào cái vòng chuỗi ngón tay đeo nơi cổ. Quân lính triều đình chịu bó tay trước sức mạnh phi thường và tài biến hiện cuả tên sát nhân này.
Khi đến ở tại Kỳ-viên, nghe tin này đức Thế Tôn muốn cải hóa Angulimala. Một hôm Ngài đi tìm Angulimala. Nhiều người khuyên can không nên đi, nhưng Ngài vẫn làm công việc của Ngài.
Thấy được Ngài Angulimala rượt theo với niềm vui sướng là có người chết thay cho mẹ chàng và chàng sắp hoàn thành được vòng hoa gồm một ngàn ngón tay của một ngàn người. Và như vậy chàng sẽ được điểm đạo theo lời dạy của đấng Tôn sư. Với một tốc lực rất nhanh, nhưng không tài nào chạy kịp đức Phật. Angulimala tức giận tự nhủ: “Quái gở! Ta đã từng chạy mau hơn voi, ngựa xe, nhưng tại sao hôm nay ta bất lực thế này: không đuổi theo kịp người đạo sĩ đang đi một cách khoan thai đàng kia?” Chàng đứng lại thét lớn: – “Hãy dừng lại! Người đạo sĩ kia!”.
Ngài dừng lại. Ðợi Angulimala đến gần, đức Phật bảo: “Này Angulimala! Ta dừng lại để cho ngươi được việc. Nhưng ngươi có nên dừng lại cái nghề giết hại độc ác của ngươi không? Nếu được, Như Lai sẽ giúp ngươi trở về con đường chơn chánh. Như Lai tin rằng thiện tâm chưa chết trong lòng ngươi. Nêu ngươi ban cho nó một cơ hội thuận tiện, nó sẽ sống lại, thay đổi đổi đời ngươi và làm cho ngươi được an vui”.
Angulimala cảm động và thấy mình như bị đánh ngã bởi tiếng nói từ bi, chàng tự bảo: “Cuối cùng người Ðạo sĩ này thắng phục được ta”. Chàng kính cẩn bạch với Ðức Phật:
– “Bạch Ngài, hôm nay, tiếng nói nhiệm màu của Ngài đã thức tỉnh con. Từ nay con xin cương quyết từ bỏ tất cả những hành động tàn bạo. Xin Ngài từ bi dắt díu con trên con đường lành”. Liền khi ấy Angulimala quăng xuống hố sâu vòng ngón tay mà lâu nay chàng đã mang một cách hãnh diện, rồi hạ mình kính lạy đức Phật và xin Ngài thâu nhận làm đệ tử. Ðức Phật bảo:
– Người đã muốn, hãy theo Như Lai.
Từ lâu, quân lính của triều đình cũng như chính vua Ba-tư-nặc lấy làm tức giận và nhục nhã vì không trị nổi Angulimala. Vua mất mặt với thần dân và các nước láng giềng về vụ Angulimala. Một hôm Vua đến bái yết đức Phật, Ngài hỏi: – Ðại vương! Việc gì đã xảy ra? Có điều gì rắc rối với Vua Bimbisara ở Magadha với vua Licchavis nước Vesali hoặc một kẻ thù nào khác chăng?
– Bạch Thế Tôn! Chẳng có gì rắc rối với các nước ấy, duy có một điều đáng tủi hổ cho con là con đã không trị nổi Angulimala. Nó phá hại làng xóm và giết chóc dân chúng quá ghê rợn!
– Này Ðại vương! Nếu nay người thấy Angulimala râu tóc cạo sạch trong bộ cà sa vàng của một tu sĩ đức hạnh thì người đối với y như thế nào?
– Bạch Thế Tôn! Con sẽ vái chào và mời y ngồi. Con sẽ dâng cúng các phẩm vật như con đã dâng chư Ðại Ðức ở đây. Nhưng Bạch Thế Tôn! Bóng mát đức hạnh làm sao che đến con người hung bạo ấy được?
Ngay lúc ấy Ðức Phật đưa tay chỉ về phía bên phải nơi Angulimala ngồi và nói: – Này Ðại vương! Ðây là Angulimala.
Vua Ba-Tư-nặc vừa ngạc nhiên vừa run sợ. Thấy vậy, đức Phật dạy: – Không có gì đáng sợ ở nơi đây cả. Ðại vương!
Nhà vua lấy lại bình tĩnh đi thẳng đến nơi Angulimala đang ngồi và nói: – Có phải Ngài thật là Angulimala không?
– Tâu Ðại vương, tôi chính là Angulimala.
– Thân phụ và thân mẫu của Ngài thuộc dòng họ nào?
– Thân phụ cuả tôi thuộc về họ Gagga, tâu Ðại vương, và thân mẫu tôi là Mantani.
– Ðức hạnh thay người con của Gagga và Mantani. Tôi sẽ dâng hiến lên người tất cả những vật cần dùng.
Lúc bấy giờ Ðại đức Angulimala đã xin đức Phật được ở vào một nơi thanh tịnh để tiện bề thiền quán, và chỉ mặc ba y phấn tảo (loại y dùng giẻ rách xấu nhớp lượm ở những đống rác may lại) nên Ðại đức từ chối không nhận thêm phẩm vật của nhà vua.
Ðứng dậy hướng về Ðức Phât, Vua Ba-tư-nặc tán thán: “Bạch Ðức Thế Tôn! Mầu nhiệm thay! Kỳ diệu thay! Ngài là đấng đủ sức điều trị những kẻ khó điều trị, thắng phục những kẻ khó thắng phục, làm thanh tịnh những kẻ loạn động. Những kẻ mà con không chinh phục được bằng lưỡi gươm thì Ngài đã chinh phục được bằng lòng từ bi”.
Một ngày kia, đang đi khất thực trong thành. Ðại đức Angulimala bị dân chúng liệng đá, đánh đập đến phun cả máu đầu, bình bát bể nát, y áo tả tơi. Ðại đức đến trình diện trước đức Phật. Ngài dạy:
– Angulimala! Hãy can đảm và cố gắng chịu đựng tất cả khổ nhục nhỏ để được sự an lạc lớn!.
Ðại đức Angulimala hoan hỷ tiếp nhận lời dạy của đức Phật. Với một niềm an lạc phát ra từ tâm hồn giải thoát, Ðại đức nói:
– Ai tỏ ra tinh tấn tại chỗ không có tinh tấn, ai lấy đức hạnh bao trùm quá khứ của mình, ai trong tuổi trẻ bám víu vào đức Phật, người ấy như mặt trăng chiếu tỏa trần gian với ánh sáng. Hãy để cho kẻ thù của ta nghe thánh giáo này, tuân theo đức tin này và đi theo những người con của trí huệ. Hãy để cho kẻ thù của ta nghe đúng lúc lời kêu gọi tình thương này, một lời kêu gọi nhu mì nhẫn nại, và hãy sống đúng theo lời kêu gọi ấy. Ta, kẻ đạo tặc được gọi là “Vòng hoa ngón tay người” sống và bị trôi lăn xuống dòng cho đến khi “Người” đưa ta đến đất liền. Là “Vòng hoa ngón tay người”, ta tắm trong máu đào; nhưng nay ta đã được giải thoát!”
Câu chuyện trên chính chúng tôi được nghe và kể đi kể lại nhiều lần, nhưng hôm nay nó vẫn mang đến cho chúng tôi rất nhiều thú vị. Có lẽ vì chúng tôi đang được thấy tận mắt di tích lịch sử nên ý nghĩa câu chuyện vẫn còn sống động. Theo thiển ý, đức Phật và giáo pháp của Ngai đã cải hóa được nhiều Angulimala rồi. Nhưng hiện nay còn biết bao nhiêu Angulimala đang sống tung hoành khắp nơi trên mặt đất, đang gây tang tóc cho biết bao nhiêu người lương thiện cũng vì họ chưa gặp được Chánh pháp . Nguyện cầu cho những đệ tử của đức Phật đầy đủ đạo hạnh và oai đức để mang chánh pháp của đức Phật đến với những Angulimala hiện tại đó.
Chúng tôi đi viếng thêm một di tích lịch sử nữa là Kacchè Kutè. Cũng theo các nhà chiêm bái Trung Hoa, mô đất cao có hình 2 tháp tròn này là tháp cuả ông Sudatta (cũng gọi là Cấp-cô-độc), một Phật tử hộ pháp đắc lực lúc Phật còn tại thế như đã được nói ở trên.
Trở về đến Ðại Giác tự, vừa đúng giờ thọ trai Ðại đức trụ trì đang ngồi chờ chúng tôi. Dùng cơm xong chúng tôi trở về khách sạn nghỉ ngơi. Chiều hôm ấy, sau những giờ làm việc riêng, tất cả chúng tôi đều trở lại thăm Kỳ viên lần chót và tĩnh tọa ở đây cho đến hoàng hôn mới ra về.
Tối lại, chúng tôi tụng kinh Kim Cang. Có cả thầy Pasadika đi tụng nữa. Nhưng thầy ngồi im lặng thiền quán cho đến cùng. Sau buổi kinh, tất cả chúng tôi đều ra ngồi lại tại chỗ hôm qua để ngắm trăng và bàn bạc. Trong khi chờ Thượng tọa Minh Châu trở lại, thầy Pasadika hỏi chúng tôi vừa rồi đã tụng kinh gì. Chúng tôi trả lời là tụng kinh Kim Cang. Và luôn tiện chúng tôi đọc, dịch và giảng sơ những bài kệ mà chúng tôi nghĩ rằng có thể là đại ý của toàn bộ kinh cho Thầy nghe.
“Tất cả cho các pháp hữu vi,
Như chiêm bao, ảo thuật, bọt nước.
Như sương mai, như điện chớp
Cần phải quán tưởng như thế
Nếu thấy Như Lai qua sắc tướng
Nghe Như Lai qua âm thanh,
Người ấy đã tu theo tà đạo,
Không thể thấy được Như Lai”.
Thầy lấy làm hoan hỷ và nói với chúng tôi: “Hiện tại kinh điển Ðại Thừa bằng Phạn văn (Sanskrit) rất hiếm tại Ấn. Ở Nepal chỉ còn một ít nơi một vài nhà học giả uyên thâm. Gần đây các Ðại học đường Bombay, Poona, Santiniketan, Calcuta, Benarès v.v… có cho in lại một bản luận của ngài Thế Thân, Vô trước, Long Thọ v.v… nhưng chưa thấm vào đâu đối với kho tàng kinh điển chữ Phạn. Quí thầy biết được chữ Hán là có được cái chìa khóa để mở kho tàng giáo lý cao rộng của Ðại thừa. Tôi ao ước sẽ được học chữ Hán trong một ngày gần đây”.
Câu chuyện chúng tôi đang còn hào hứng thì Thượng tọa Minh Châu trở lại và sau đó chúng tôi bàn về công việc từ giã và hành trình ngày hôm sau.
Ðại Kỳ-viên Tòng lâm ở vào một nơi xa cách phố phường nên sự giao thông có bề trở ngại. Chúng tôi phải chờ ở ngã ba gần 2 tiếng đồng hồ mới đón được xe buýt. Trong thời gian đợi xe, một đoàn con nít độ chín, mười em, tuổi xấp xỉ nhau, thấy chúng tôi là người lạ, nên bu quanh để xem. Ðọc sách mãi cũng chán, chúng tôi đứng dậy chơi với chúng. Học Hindi hơn ba tháng trời nhưng chúng tôi chỉ nói được một ít tiếng một và vài câu giản dị như Namaste (chào em), Tumkomakan kuha hê? (Nhà em ở đâu?) Tumbarakyaman hô? (Em tên gì?), Bahút accha (tốt lắm) và Dannabat (cám ơn). Thế mới biết “trị dị hành nan”. Tuy chỉ dùng có mấy câu ấy, chúng tôi đã làm quen được với tất cả các đoàn. Nói rằng chơi chớ thật ra chúng tôi học với chúng. Mượn một quyển sách tập đọc, hình như của lớp tư thì phải, chúng tôi tập đọc Hindi, dưới sự hướng dẫn của chúng. Mỗi lần chúng tôi đọc sai là chúng cười ồ lên rồi sửa lại cho chúng tôi. Hết đọc, chúng tôi mượn bảng đen và xin chút phấn viết chánh tả bằng cách hỏi tên từng em một. Những lỗi chánh tả của chúng tôi được chúng sửa ngay sau khi viết. Một đôi khi chúng tôi làm bộ ngây ngô, ngớ ngẩn và như thế là tạo cho chúng một trận cười thích thú. Chúng tôi đã thực hành được một khẩu hiệu của Gia đình Phật tử: “chơi mà học”.
Mặt trời đã lên cao. Nắng mai. Nắng mai sưởi ấm chúng tôi. Vài người đi đường thấy đám đông xúm đến. Họ tỏ vẻ hoan hỉ và hãnh diện khi thấy chúng tôi là người ngoại quốc cố gắng học tiếng mẹ đẻ của họ. Lòng chúng tôi rộn lên một niềm vui tươi trẻ mãi để học cho bớt dốt.
Lớp học ngoài trời này bổ ích cho chúng tôi rất nhiều. Vì một mình chúng tôi là học trò mà có thể đến gần 10 giáo sư, em nào cũng làm thầy chúng tôi được vì chúng đều biết đọc và viết Hindi. Câu “Học bất cứ hạ vấn” trong trường hợp này đối với chúng tôi thật là chí lý.
Sang đây chúng tôi cảm thấy như nhỏ và trẻ lại. Ứ, không nhỏ sao được vì chúng tôi đang còn đi học kia mà! Một tấm quảng cáo bên đường là một bài học tập ngắn của chúng tôi. Một đám rước, những người đàn bà che mặt v.v… đều làm cho chúng tôi đặt thành những câu hỏi. Như một đứa bé nhà quê đi phố với mẹ, nhất nhất cái gì chúng tôi cũng hỏi Thượng tọa Minh Châu. Nhiều khi chúng tôi làm cho Thượng tọa bực mình vì những câu hỏi không đâu. Chúng tôi quả là đang đi học và vừa đi vừa học.
Xe buýt đến. Chúng tôi từ giã Xá-vệ, kinh thành vang bóng một thời khi Vua Ba-tư-nặc trị vì và đức Thế Tôn giáo hóa ở đây. Những tiếng Namasté thân ái và những cái vẫy tay hồn nhiên của những em bé Xá-vệ làm chúng tôi càng thêm bùi ngùi lưu luyến.
Ngài Pháp Hiển và ngài Huyền Trang đều có viếng thăm thành Xá-vệ, và thành này đã mất địa vị một đô thị lớn của thời xưa.
Ngài Pháp Hiển chép:
“Từ đây về phía nam độ 8 do tuần, chúng tôi đến nước Kiều-tất-la (Kosala) và thành Xá vệ (Sràvasti), dân số thành này rất thưa thớt khoảng độ 200 gia đình mà thôi. Vua Ba-tư-nặc (Prasenajit) trì vị tại nước này. Sau này các tháp được dựng lên tại di tích ngôi chùa của bà Mahaprajapati (Ma-ha-Bà-xà-ba-đề), tại ngôi nhà của Trưởng giả Tu-đạt (Sudatta), tại các chỗ Ương-quật-ma (Angulimàla) thành đạo và làm lễ trà tì sau khi nhập Niết bàn. Các ngoại đạo Bà-la-môn sanh tâm tật đố muốn hủy hoại các tháp ấy, nhưng trời bỗng nổi sấm chớp ầm ầm và việc ác của chúng không thành tựu.
Khoảng 1.200 bước ngoài cửa thành phía nam, về mặt phía tây con đường là một tinh xá do trưởng giả Tu-đạt dựng lên. Tinh xá này hướng về phía đông và trước hai phòng lớn của tinh xá co dựng hai cột trụ đá. Trên trụ đá, phía tả có tạc hình Pháp luân, phía hữu có tượng con trâu, nước hồ trong lặng, cây cỏ tốt tươi, các hoa trăm sắc, trông thật khả ái. Chỗ này tức là Kỳ-hoàn-tinh xá (Jetavana).
Khi Ðức Phật lên cõi trời Ðao-lợi (Trayastrimsas) để giảng pháp cho thân mẫu trong 90 ngày. Vua Ba-tư-nặc tưởng nhớ đến Phật và bảo khắc một tượng Phật bằng gỗ ngưu đầu chiên đàn (Gosirsha). Vua đặt tượng này chỗ đức Phật thường ngồi. Khi đức Phật về lại tinh xá, tượng này từ chỗ ngồi đứng dậy và nghinh tiếp Ðức Phật. Ðức Phật nói: “Ngươi hãy lui về chỗ ngồi cũ. Sau khi Ta nhập Niết Bàn, người hãy làm kiểu mẫu cho bốn chúng theo đó mà tạo tượng”. Tượng ấy nghe nói như vậy bèn về ngồi chỗ cũ. Pho tượng này là tượng Phật đầu tiên và người đời sau bắt chước kiểu mẫu này. Rồi đức Phật đến ở một tịnh xá nhỏ khác cách chỗ của tượng Phật 20 bước về phía nam.
Tịnh xá Kỳ hoàn trước có đến 7 tầng. Vua quan, nhân dân các nước tranh nhau cúng dường, treo các tràng phan, bảo cái, tán hoa, thắp hương, đốt đèn suốt cả ngày đêm không bao giờ dừng nghỉ. Một hôm có con chuột tha một tim đèn đương đỏ và đốt cháy tràng phan, bảo cái, cả tòa lầu 7 tầng đều bị thiêu sạch. Vua, quan, các nước cùng nhân dân than khóc rất ảo não, sợ rằng bức tượng chiên đàn cũng bị cháy mất. Nhưng năm sáu ngày sau, khi mở cửa một tinh xá nhỏ về phía đông, thình lình họ thấy tượng Phật còn nguyên vẹn và vô cùng vui mừng, họ liền dựng lại một tinh xá 2 tầng và thỉnh tượng Phật về chỗ cũ.
Khi mới đến tinh xá Kỳ-hoàn, ngài Pháp Hiển và Ðạo Chánh nghĩ đến đức Phật đã ở tại tinh xá này đến 25 năm, các ngài thương tâm hối tiếc đã phải sanh ở biên đại. Nghĩ đến các bạn đồng đi chiêm bái ở các nước, người thì trở về xứ sở, kẻ thì giữa đường mạng vong, ngày nay nhìn đến chỗ Phật vắng bóng từ nhau, tâm hồn hai nhà lữ hành không khỏi xao xuyến bi cảm!
Chư Tăng ở đây ra tiếp đón ngài Pháp Hiển và Ðạo Chánh. Họ hỏi: – Các ngài từ nước nào lại?
– Chúng tôi từ nước Hán đến đây, hai vị này trả lời.
Họ ngạc nhiên tán thán:
– Kỳ thay! Kỳ thay! Người ở nước xa đến tận đây cầu pháp.
Và họ nói với nhau rằng từ trước cho đến nay, chư tăng đại đức nối tiếp tương truyền, chưa ai thấy chư Tăng người Hán đến đây cả.
Bốn dặm về phía tây bắc của ngôi tịnh xá có một cánh rừng tên là “Mắt sáng trở lại”. Xưa kia có 500 người mù ở gần tinh xá này, đức Phật thuyết pháp cho họ và mắt họ được sáng trở lại. Họ hoan hỉ cắm các cây gậy xuống đất và đảnh lễ đức Phật. Các cây gậy mọc rễ và lớn lên. Dân chúng kính trọng chỗ này không dám chặt các cây ấy. Nhờ vậy cây lớn thành rừng, được gọi là rừng “Mắt sáng trở lại”. Sáu, bảy dặm phía đông bắc tinh xá Kỳ-hoàn là tinh xá của Tỳ-xá-khư dựng lên để cúng dường đức Phật và Chúng Tăng. Di tích hiện còn.
Kỳ hoàn tinh xá đại viện có hai cửa, một cửa hướng đông, một hướng bắc. Chính tại vườn này Trưởng giả Tu Ðạt trải vàng lót đất để mua vườn. Tinh xá được dựng tại Trung tâm của vườn và đức Phật ở tại chỗ này lâu hơn tất cả chỗ khác. Các tháp với nhiều tên khác nhau được dựng tại các chỗ đức Phật thuyết pháp độ sanh, kinh hành và ngồi thuyền. Chỗ này cũng là chỗ mà nữ ngoại đạo Tôn Ðà Lợi (Sundari) bị giết để vu oan giáng họa đức Phật.
Từ cửa phía đông của tinh xá Kỳ hoàn khaỏng 70 bước phía tây con đường là chỗ mà đức Phật biện luận với 96 ngoại đạo. Vua, quan, nhân dân, cư sĩ tụ họp đông đủ để dự thính. Lúc bấy giờ có một nữ ngoại đạo tên là Chiên-giá-ma-na (Chin Chimara) vì lòng tật đố độn một đống áo quần vào bụng làm như có thai vào giữa hội trường buộc tội đức Phật đã tư thông với nàng. Lúc ấy Thiên Ðế Thích (Sakra) liền hóa thành một con chuột trắng cắn đứt sợi dây khiến cho đống áo quần rơi xuống đất. Sau đó đất nứt ra và nàng Chiên-giá-ma-na rơi sống địa ngục. Cũng chính tại chỗ này Ðề Ba Ðạt Ða (Devadatta) dùng móng tay đã tẩm thuốc độc để hại đức Phật và cũng bị rơi ngay vào địa ngục. Tất cả những chỗ này đều được ngưòi đời sau ghi dấu. Tại chỗ đức Phật biện luận với ngoại đạo, một tinh xá cao khoảng 6 trượng được dựng lên. Trong tinh xá có tượng đức Phật đang ngồi. Phía đông con đường có một miếu thờ thần tên là “Anh Phủ” (bóng che) miếu này cao 6 trượng và do các ngoại đạo Bà-la-môn dựng lên trước một ngôi tịnh xá, tại chỗ biện luận. Miếu này có tên như vậy, vì khi mặt trời về phía Tây thì bóng của ngôi tinh xá Phật che cái miếu thần, nhưng khi mặt trời ở phía đông thì bóng của ngôi miếu thần ngã về phía bắc và không bao giờ che được ngôi tinh xá Phật.
Các ngoại đạo thường cử người săn sóc miếu, quét dọn, tưới nước, đốt hương, thắp đèn và cúng dường; nhưng đến sáng lại thì các ngọn đèn biến mất và được tìm thấy tại ngôi tinh xá Phật. Các vị Bà-la-môn tức giận nói rằng: “Bất chính! Các Sa môn lấy đèn để cúng dường Phật, chúng ta phải đón chúng lại”. Ðêm ấy họ canh gác và thấy các vị thần mà họ thờ lại lấy các cây đèn đi nhiễu tinh xá Phật ba vòng rồi đem cúng dường Ðức Phật, và thình lình biến mất. Khi ấy các vị Bà-la-môn mới nhận rằng đức Phật lớn hơn các vị thần mình thờ, bèn từ bỏ gia đình xuất gia nhập đạo. Tương truyền sự kiện ấy mới xảy ra gần đây.
Chung quanh tinh xá Kỳ hoàn có đến 98 ngôi chùa ngôi nào cũng có chư Tăng túc ngụ, chỉ trừ một ngôi là không có người.
Tại trung Ấn Ðộ có tất cả 96 phái ngoại đạo tự cho là biết tất cả việc hiện tại và tương lai. Mỗi phái đều có đồ chúng và theo hạnh khất thực, chỉ không dùng bình bát mà thôi. Họ cũng cầu phước, lập lại các “phước đức xá bên đường” có chỗ túc ngụ, giường ghế, ăn uống cung cấp cho các người chiêm bái, các bậc xuất gia, các khách qua lại nhưng mục đích của họ trong khi cầu phước không giống với các Phật tử.
Chính tại chỗ này các đệ tử của Ðề-bà-đạt-đa chỉ cúng dường ba đức Phật quá khứ mà không cúng dường đức Phật Thích Ca.
Bốn dặm phía đông nam thành phố Xá-vệ là chỗ mà đức Phật đứng bên vệ đường trong khi vua Lưu Ly (Virudhaka) đem lính đi sát hại dòng họ Thích Ca, một ngọn tháp được dựng lên tại chỗ này.
50 dặm phía Tây thành phố này, các nhà chiêm bái đến một ấp gọi là Ðô Duy (Tadwa). Chính tại chỗ này, đức Phật Ca Diếp đản sanh, gặp phụ thân và nhập Niết bàn, các tháp được dựng lên tại chỗ. Một tháp lớn cũng được xây trên Xá lợi của đức Phật Ca Diếp.
Ký sự của ngài Huyền Trang
Từ chỗ này đi đến phía đông bắc khoảng 500 dặm đến nước Thất La Phiệt Tất Ðể (Sràvasti, xưa gọi là Xá vệ là lầm vậy). Thành chu vi hơn 6.000 dặm có trăm ngôi già-làm và hàng ngàn đồ chúng. Chúng Tăng đều học Chánh lượng bộ (Sammitiya). Khi Ðức Phật tại thế, Ba-la-tư na-thị-đa (Tầu dịch là Thắng Quân, xưa gọi là Ba-tư-nặc) là kinh đô của Vua. Trong thành còn có nền móng cũ của cung điện nhà vua. Ði về phía Ðông không bao xa có nền móng cũ của một Ðại giảng đường mà Vua Thắng Quân đã dựng lên cúng dường Ðức Phật. Có ngôi tháp dựng tại tinh xa Tỳ-kheo-ni do Di mẫu đức Phật tên là Bát-la-xà-bát-đề (Prajapat) Tàu dịch là Sanh Chủ, xưa gọi Ba-xà-ba-đề là sai vậy) dựng lên phía đông lại có ngọn tháp dựng lên tại nhà của Tất đạt đa (Sudatta, Tàu dịch là Lạc Thí, xưa gọi là Tu Ðạt tức lầm vậy). Bên ngôi nhà này có ngọn tháp lớn là chỗ mà Ương-lư-lộc-ma-ha (Angulimala, xưa dịch Ương-quật-ma-la là lầm vậy) bỏ tà theo chánh.
Năm, sáu dặm phía nam thành này là ngôi rừng Thệ Ða (Jetavana, Tàu dịch là Thắng Lâm, xưa gọi là Kỳ Ðà tức lầm vậy). Ðây là ngôi vườn của Cấp-cô-độc (Anàthapindika), xưa có ngôi già-lam tại chỗ này, nay bị hủy hoại cả. Bên tay trái và bên tay phải của phía đông có dựng hai trụ đá cao hơn 70 thước, do vua Vô Ưu dựng lên. Các ngôi nhà đều hư nát, chỉ trừ một ngôi nhà gạch, trong ấy có ngôi tượng Phật bằng vàng. Khi đức Phật lên cõi trời Ðạo lợi thuyết pháp cho mẫu thân. Vua Thắng Quân (Ba Tư Nặc) khởi tâm luyến mộ. Vua Văn Xuất Ái (Udayara, tức Ưu Ðiền) bèn tạc tượng Phật trên gỗ chiên đàn và cũng tạc tượng vàng này.
Sau ngôi Già lam không xa là chỗ ngoại đạo Phạm Chí giết một kẻ kỹ nữ để hủy báng Phật. Hơn 100 thước phía đông ngôi già lam là một hố sâu, chính là chỗ Ðề Bà Ðạt đa dùng thuốc độc hại Phật nên bị rơi vào địa ngục. Về phía nam lại có một hố sâu lớn khác, chính là chỗ của Tỳ-kheo Cù Già Lê (Kokalika) hủy báng Phật, thân sống rơi vào địa ngục. Hơn 800 thước về phía Nam lại có một chỗ của Bà-la-môn tên là Chiếu Giá (Chandamana), vì hủy báng Phật, thân sống rơi vào địa ngục. Ba hố này rất sâu đến nỗi không thấy đáy.
Hơn 700 bước phía đông Già-lam có một tinh xá rất cao lớn. Trong tinh xá này có một tượng Phật ngồi xoay mặt về hướng Ðông. Ðây là chỗ xưa kia đức Như Lai biện luận với ngoại đạo. Một ngôi miếu thần về phía đông to lớn bằng ngôi tinh xá. Khi mặt trời di chuyển, bóng của ngôi miếu thần không che được ngôi tinh xá Phật, trái lại bóng tinh xá Phật che ngôi miếu thần. Ba bốn dặm về phía đông là một ngọn tháp. Chính là chỗ xưa kia ngài Xá Lợi Phất biện luận với ngoại đạo.
Hơn 600 dặm về phía Tây bắc kinh thành là di tích của một ngôi thành cũ. Ðây là kinh thành của phụ thân đức Phật Ca Diếp. Phía Nam là chỗ đức Phật gặp phụ thân lần đầu tiên sau khi thành đạo. Phía Bắc là ngôi tháp dựng lên bức tượng toàn thân của Phật.