Vương Xá (Ragir)

“Vui đẹp thay thành Vương Xá!.
Vui đẹp thay núi Linh Thứu!
Vui đẹp thay vườn Trúc Lâm!
Vui đẹp thay động Saptaparni!”
Lời đẹp thay động Saptaparni!”
(Lời Ðức Phật Thích Ca).

Ra đi

Sáng nay, ngày 11 tháng 10 năm 1962, chúng tôi thức dậy thật sớm sửa soạn hành lý cho cuộc chiêm bái mà chúng tôi đã lo liệu hơn một tháng trời.

Trận bão lớn vừa qua làm cho đường sá hư hỏng nhiều. Không có xe hỏa, xe hơi, nên chúng tôi phải dùng đến một phương tiện giao thông rất cổ kính: xe ngựa. Chiếc xe ngựa trên đó có thầy Minh Châu, thầy Thiện Châu và thầy Ghosananda người Cam Bốt, Thầy Pàsadika, người Ðức, vì bận chút việc nên không thể cùng đi một lần: thầy sẽ gặp chúng tôi tại Buddhagaya. Khởi hành vào lúc 8 giờ. Lướt qua những cánh đồng xanh rộng, những xóm làng yên tĩnh, chúng tôi thấy như đang đi trên một con đường quê nào ơ đất nước. Tiếng cọc cạch đều đều của chiếc xe làm chúng tôi liên tưởng đến vó ngựa đi ra của Thái Tử Tất-đạt-đa, Rồi một niềm vui tràn ngập trong lòng vì chúng tôi thấy mình làm một công việc đầy ý nghĩa và hứng thú.

Tìm dấu người xưa

“Ðây là ngã ba Silao”, thầy Ghosananda vừa đưa tay chỉ vừa nói:

– Tên “Silao” lấy từ “Silabhadra” (Giới Hiền) tên của ngài Viện trưởng Ðại học viện Nalandà cũ và cũng là thân giáo sư của ngài Huyền Trang. Xưa kia, đức Phật thường ghé lại đây để thuyết pháp cho dân chúng, trên đường đi thành Vương xá đến Nalandà. Lúc bấy giờ tại đây có một phái ngoại đạo. Ông thầy tên là Suppiya, vì thấy đức Phật được nhiều người cung kính cúng dường nên chê bai, phỉ báng. Trái lại, người học trò tên Brahmadatta thì ca ngợi, tán thán đức hạnh nghiêm tịnh của đức Phật. Khi nghe lời phỉ báng, một số thầy Tỳ-kheo đã buồn giận, và trái lại họ sung sướng khi được nghe những lời tán thánh đức Phật. Biết được việc ấy đức Phật bèn khuyên: “Này các Tỳ kheo! Nếu gặp người dùng cách này nọ phỉ báng, Như Lai, phỉ báng Chánh pháp và chư Tăng, các ông không nên vội sanh lòng oán giận hay có ác ý thì tự các ông đã gặp người dùng đủ cách khen ngợi Phật, Pháp và chúng Tăng, các ông cũng chớ vội lấy đó làm điều vui mừng, kiêu hãnh, vì nếu các ông sanh tâm vui mừng kiêu hãnh, thì tự các ông đã bị hãm hại rồi!”. (Kinh Trường A-hàm, bản dịch của Thượng tọa Trí Ðức).

Ðã chín giờ hơn nhưng trời vẫn còn mát mẻ. Nước trời, cây, cỏ đượm một màu tươi đẹp êm dịu. Xa xa dãy núi Vương Xá ẩn mình sau màn sương bạc như chứng kiến sự hướng về của đoàn người tin tưởng. Dọc đường thỉnh thoảng chúng tôi phải xuống xe và giúp sức cho ngựa vượt qua những đoạn đường khó. Từ Nalandà đến Vương Xá chỉ có 13 cây số, nhưng chúng tôi phải mất hai tiếng đồng hồ mới đến được.

Lịch sử thành Vương Xá

Vương Xá (tiếng Ấn là Ràjagriha) là thành cổ nhất ở Ấn Ðộ. Theo tập Ràmàyana, thành này do vua Vasu lập ra và đặt tên là Vasumati. Ðến đời đức Phật, được gọi là Vương xa, vì rất nhiều cung điện được xây dựng tại đây. Ràja nghĩa là Vương Griha nghĩa là Xá, gọi chung là Vương xá. Thành này nổi tiếng khắp Ấn Ðộ vì là kinh đô xứ Ma-kiệt-đà. Theo ngài Buddhaghosa (Phật Âm) thành này có đến 32 cửa chính và 64 cửa phụ. Sau khi Vua A-xà-thế (Ajatasatru) xây thành Pàtaliputra bên bờ sông Hằng (hiệ còn một vài di tích tại Patna, thủ đô của Bihar) thì thanh Vương xá mất dần địa vị quan trọng.

Ðức Phật đến thành Vương Xá nhiều lần. Trước khi Ðắc đạo, đức Phật có đến khất thực xung quanh thành. Ðược biết Ngài là Thái tử của dòng Thích Ca, Vua Tần-đà-ta-la (Bimbisara) mời Ngài bỏ đời sống tu hành để trị vì một phần đất của nước Ma-kiệt-đà. Ngài đã từ chối nhưng hứa sau khi đắc đạo sẽ trở về giáo hóa, như sự thỉnh cầu của nhà Vua. Ðức Phật thường ở nhiều nơi trong thành này. Chỗ Ngài thích nhất là núi Linh-Thứu (Gridharakuta) Ngài cũng thường ở Trúc Lâm tịnh xá (Veluvana).

Sau khi gởi hành lý trong chùa Miến Ðiện chúng tôi lần lượt thăm các thánh tích sau đây:

  1. Trúc Lâm tịnh xá (Veluvana).
    2. Ngôi nhà lá (Pippalaguha).
    3. Nơi kết tập kinh điển lần thứ nhất, động Saptaparni.
    4. Suối nước nóng.
    5. Núi Linh Thứu (Gridharakuta).

 

  1. Trúc Lâm tịnh xá

Trước hết chúng tôi đến Trúc-lâm, một khu tịnh xá rộng lớn gần thành Vương-Xá, do Vua Tần-bà-ta-la cúng hiến cho Phật và chúng Tăng. Hiện này cũng chưa biết chắc Trúc Lâm tịnh xá nằm vào chỗ nào. Trước đây, vùng này là một vùng hoang dại. Sau khi khảo cứu nhiều tài liệu, Chính phủ Ấn mới cho rào một khoảng đất khá rộng gần chùa Nhật Bổn và chỗ này được xem là Trúc Lâm tịnh xá. Trong khu vườn này cây cối được sửa sang ngay thẳng, hoa lá tươi xanh, có nhiều bụi tre già lớn ở phía trong. Có lẽ vì thế mà được gọi là Trúc Lâm tịnh xá. Một hồ nhỏ, nước trong xanh, nghiêng mình soi bóng những hàng cây, được xem là hồ Kalandaka, nơi Ðức Phật thường tắm. Ngài Huyền Trang có nói đến hồ này trong ký sự. Bên hồ có một tượng Phật đứng trong một ngôi tháp trống vuông do Chính phủ Ấn dựng lên để kỷ niệm. Ngài Huyền Trang còn cho biết thêm rằng Trúc Lâm tịnh xá cách cửa thành phía Bắc độ một dặm. Rất nhiều khóm tre mọc khắp vùng, đức Phật ở nhiều tháng tại tịnh xá này. Sau đây là một vài bộ kinh được Phật thuyết tại đây: Mahàkassapa, Mahamoggallana và Mahacun-dabhojihangasutta. Chính ngài Mục-kiền-liên thệ thế trước tinh xá sau khi bị ngoại đạo ám sát, và đặc biệt được đức Phật chỉ cho một chỗ để xây dựng một ngôi tháp thờ Ngài.

Sau khi lễ Phật và dạo quanh hồ, chúng tôi tất cả cùng đến nghỉ mát dưới một gốc cây. Ðã trưa nhưng chúng tôi chẳng muốn trở về vì không muốn rời bỏ cảnh sắc thanh tịnh và nhiều đạo vị này.

 

  1. Ngôi nhà đá Pippalaguha

Cơm nước và nghỉ ngơi xong, chúng tôi tiếp tục chương trình vào lúc 2 giờ 30 phút. Chúng tôi đi thẳng lên ngôi nhà đá. Nói rằng ngôi nhà, chứ thật ra chỉ là một cái nền chung quanh có lan can. Có lẽ trước kia chỉ là cái nhà gác, nhưng sau có các thầy tu thiền nên trở thành một Thánh tích. Dưới nền nhà là hang Pippala, mà kinh điển Pali có nói đến. Hang này nằm về phía Ðông ngọn đồi Vaibhàra. Hang đã mất vẻ thiên nhiên vì bị chất đá chung quanh, cao độ bốn thước, dài độ 26 thước. Tương truyền ngài Ca Diếp ở tại hang này và một hôm Ngài đau nặng được đức Phật đến đây thuyết pháp Thất Bồ Ðề phần. Sau khi nghe thuyết pháp Ngài liền lành bệnh. Chúng tôi nghỉ lại đây trong vài phút để ngắm toàn cảnh thành Vương Xá rồi lại tiếp tục leo cấp đê lên động Saptaparni, nơi 500 vị A-la-hán kết tập kinh điển lần thứ nhất.

 

  1. Nơi kết tập kinh điển

Ðường lên động Saptaparni cao thật là cao, cao và xa hơn đường lên động Huyền Không (Ngũ Hành Sơn, Ðà Nẵng). Chúng tôi nghỉ chân và uống nước đến hai lần để lấy thêm sức; thế mà thầy Ghosananda vẫn phải ở lại tại một ngôi đền Ấn giáo. Trời đã về chiều. Vài con vượn ngồi trên nóc đèn lặng nhìn cảnh vật trước khi màn đêm buông xuống. Một con lông trắng và lớn nhảy xuống dọa chúng tôi, những người đến khuấy động chúng.

Hiện nay, động Saptaparni chưa được biết đích xác ở chỗ nào. Vì có hai thuyết đều được xem là có lý: ông John Marshall cho là một chỗ xa hơn về phía Bắc; tại đó hiện có một ngôi nhà bằng đá bị đổ nát. Chỗ này xa và không có đường đi đến. Ông Aurel Stain cho là bốn động về phía ngoài đồi Vaibhàra, từ ngôi đền Thắng luận sư đi xuống. Cả hai đều là những nhà khảo cổ trứ danh. Thuyết sau được Viện Bác cổ thừa nhận. Chúng tôi chỉ đến chỗ sau. Ðây là một dãy rộng, gồm có bốn động nhỏ, không sâu lắm, đường vào trong gập ghềnh và tối đen. Mỗi động chứa được 40 người, nhưng phía ngoài có đá lơm chơom bô choài xuống. Vì thế, có người nói rằng động xưa kia rộng ra đến phía ngoài nhưng nay đã bị sập nên nhỏ như vậy.

Khi trở về, chúng tôi không quên vào xem các ngôi đền Thắng luận sư. Có một ngôi đền được dựng lên ngay trên nóc Saptaparni. Một vài ngôi khác được làm sát bên ngôi chùa cũ có những tượng Phật bằng đá vẫn còn gắn chặt trên tường, nhưng đã bị đập nát mũi, tai, chân, tay. Thật là đau đớn, buồn tủi cho Thánh địa hoang vắng này. Chúng tôi không hiểu tại sao người ta lại có thể nhẫn tâm lấn hại Phật giáo, một đạo rất giàu lòng từ bi.

 

  1. Suối nước nóng

Chúng tôi gấp gáp trở về vì trời đã gần tối, nhưng vì quá mệt mỏi nên chúng tôi ghé lại suối nước nóng để tắm cho khoẻ. Ðức Phật có nói nhiều lần về suối này trong khi thuyết pháp. Có lẽ thỉnh thoảng đức Phât cũng có đến tắm tại suối này. Xưa kia có một ngôi chùa gọi là Tapodàràma gần suối này. Nay không còn nữa mà chỉ thấy toàn là Ấn giáo, được lập ngay trên các vòi nước và hồ tắm. Nước vừa nóng chảy từ trong núi ra vừa được chuyển thành nhiều vòi để cung cấp cho nhiều hồ tắm. Trên mỗi vòi có mộ tượng thần Ấn giáo. Một hồ nước khá nóng để cho những người tắm có thể ngâm mình lâu hơn. Nhiều người mắc bệnh ngoài da hoặc bệnh tê thấp đều đến tắm để chữa bệnh. Mùa đông dân chúng đến tắm rất đông. Ðang mệt mà tắm thì thấy khoẻ liền. Dựng lên ngôi đền Ấn giáo trên suối nước này, ai đó đã biết lợi dụng thiên nhiên để lôi cuốn lòng tin của những người thiếu lý đoán.

Trên đường về chùa Miến Ðiện, chúng tôi định ghé lại thăm chùa Nhật Bản trong chốc lát thôi. Nhưng rồi hợp cảnh, vui tình, chúng tôi ở lại đây một đêm. Chùa ở vào một nơi rất thanh tịnh. Tiếng trống công phu hòa với giọng tụng kinh trầm bổng của các thầy Nhật Bản làm sống lại trong lòng chúng tôi hình ảnh, âm thanh của những buổi công phu mai chiều ở đất nước. Ðại đức trụ trì đón tiếp chúng tôi một cách niềm nở. Ở đây chỉ có hai thầy. Họ thuộc về tông Nhựt Liên. Câu tụng niệm thường xuyên của họ là câu “Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh”. Ðể kỷ niệm nơi đức Phật đã thuyết kinh Diệu Pháp Liên Hoa, họ làm Chùa tại đây. Hai thầy tu hành một cách khắc khổ. Trên hai cánh tay của mỗi vị đều có dấu đốt lớn để cúng dường kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Sau những câu chuyện viếng thăm qua lại, chúng tôi lên Chánh diện lễ Phật. Ở đây từ tượng Phật cho đến cách trang trí, cái gì cũng giống Việt Nam. Ðặc biệt là những bình hoa, lơ thơ đôi cọng hoa rừng xen lẫn trong những lá dâm bụt, nhưng nghệ thuật làm sao! Chúng tôi tưởng có lẽ tất cả nghệ thuật cắm hoa của Nhật Bản nằm trọn vẹn trong những bình hoa ấy.

Lễ Phật xong, chúng tôi tất cả đều ngồi nghỉ trên những ghế đá bên cạnh chùa. Tại đây, chúng tôi gặp một gia đình người Ấn từ Calcutta đến nghỉ mát đi viếng cảnh. Trong câu chuyện, chúng tôi có hỏi người gia trưởng tin theo tôn giáo nào. Ông ta trả lời là Ấn giáo. Rồi ông ta bảo Phật giáo và Ấn giáo không khác nhau. Thật vậy hầu hết người Ấn đều tin tưởng đức Phật làh hiện thân thứ 9 của thần Shiva. Các đạo sĩ Ấn giáo cũng thường bảo như vậy. Nhiều đến Ấn giáo có thờ cả tượng Phật chẳng khác gì những am điện đồng bóng ở nước ta. Ðó là sự “đánh lộn sòng” để làm thỏa mãn sự đòi hỏi của những người Ấn kính mến đức Phật. Sự việc này, một phần nào đã làm cho đạo Phật ở Ấn độ suy tàn mau chóng và phục hưng chậm chạp. Nhưng rồi vì có học thức và hiểu biết sự cao trọng của đức Phật, người gia trưởng này đã vui lòng để ba con của mình đọc theo ba câu quy y bằng tiếng Pàli và hứa sẽ dạy lịch sự đức Phật cho chúng.

Vì đi đường và leo núi quá mệt, chúng tôi đi nghỉ sớm hơn thường lệ. Sáng ra chúng tôi lên đường đi Linh Thứu vào lúc 5 giờ 30. Thời gian hội ngộ tuy ngắn ngủi. Nhưng tình tiễn biệt của khách và chủ rất đậm đà, thắm thiết. Nhờ đi xe ngựa nên chúng tôi có đủ thì giờ để hỏi và nghe giảng về những thành tích phụ:

  1. Cách chùa Nhật Bản độ 500 thước, nơi đường kẽ chỗ hai mỏm núi gần tiếp giáp nhau là nơi đức Phật hàng phục con voi say của vua A-xa-thế thả ra để hại Phật.
  2. Ði độ 300 thước nữa, có một nền đá rộng dài, nằm dưới chân núi về phía bên phải. Ðó là tiền tu viện của Ngài Long Thọ (Nagarjuna), một giáo sư của đại học viện Nalanda cũ và cũng là một luận sư nổi tiếng về Không tôn đã hoằng khai giáo lý Bắc tôn.
  3. Xa hơn nữa có một bức tranh cũ bằng đá dày độ 2 thước. Chỗ này được xem là nơi vua A-xà-thế, vì muốn được làm vua sớm đã giam vua cha là Tân-bà-ta-la cho đến chết. Trong khi bị giam tại nhà tù này, Vua Tân-Bà-ta-la thường thấy đức Phật đi đi lại lại trên núi Linh Thứu. Nhờ thế mà vua bớt được nhiều đau khổ. Người ta có đào được một vòng sắt để trói tù nhân tại đây. Do đó có thể tin rằng đây là nhà tù giam vua Tân-bà-ta-la.
  4. Gần núi Linh Thức, cách bức thành không xa, có một nền tinh xá rộng lớn. Ðó là tinh xá của một y sĩ nổi tiếng tên là Jivaka đã quy y với Phật và nguyện suốt đời chữa bệnh cho Giáo Hội lúc Phật còn tại thế.

 

  1. Núi Linh Thứu (Gridhrakùta)

Chiếc xe ngựa dừng ngay trước tam cấp đường lên núi Linh thứu sơn. Ðây là nơi quan trọng nhất trong các thánh tích ở thành Vương xá. Ðức Phật thường trú tại đây. Phần nhiều kinh điển Bắc tôn như kinh Pháp Hoa được đức Phật thuyết tại chỗ này. Vua Tần-bà-ta-la có xây một tam cấp bằng đá lên tận đỉnh đồi. Ði một chặn đến một tấm bảng đề: “Chỗ này vua Tần-bà-ta-la xuống kiệu, khi nhà vua lên yết kiến đức Phật”. Leo lên độ vài mươi tầng cấp nuữa, lại có tấm bảng đề: “Chỗ này vua Tần-bà-ta-la bảo các người hầu cận ở lại để một mình vua lên yết kiến đức Phật”. Qua một khe đá, gần dưới chân những tảng đá cao là nơi Ðề-bà-đạt-đa xô đá làm Phật bị thương ở chân. Ði lên nữa, rồi quanh qua động của đức A-nan thì đến ngôi chùa Phật ở. Ngôi chùa hiện đã đổ nát ở ngay trên đỉnh đồi. Trước đây toàn ngọn đồi đều bị cây cỏ che kín, nay được phá dỡ đi, và chính phủ Ấn đã sửa sang đường sá nên lên đến đỉnh một cách dễ dàng. Ngôi chùa chỉ có ba chân tường nhỏ hình vuông trong có một bệ đá nhỏ là chỗ xưa đức Phật nằm nghỉ, cỏ dại mọc đầy trên nền, nhưng xung quanh rất sạch sẽ.

Chúng tôi thắp đèn đốt hương, đảnh lễ và tụng kinh tại đây. Chúng tôi tưởng niệm đến ngài Ðại Thặng Ðăng, một trong những vị tăng sĩ Việt Nam sang Ấn độ vào thế kỷ thứ 7 đã bỏ mình vì bệnh tại Song lâm và Hòa thượng Huệ Quang, Phó Hội chủ Tổng Hội Phật giáo Việt Nam, đã nhập diệt trên đất Phật trong khi dự hội nghị Phật giáo thế giới lần thứ tư, và cầu nguyện cho Phật giáo nước nhà được hưng thịnh. Ðã ba tháng, tuy có tụng kinh bằng Pali nhưng hôm nay được chung hòa trong buổi tụng niệm theo nghi thức quê hương, chúng tôi vui sướng và cảm động khôn xiết. Tiếng kinh vang động cả mấy ngọn đồi. Mùi hương tỏa dần theo gió sớm. Ánh bạch lạp lung linh như muốn chan hòa với những tia nắng vàng vừa lên khỏi núi. Tất cả tạo thành một khung cảnh vừa trang nghiêm vừa mầu nhiệm!.

Khi tụng niệm câu Nam Mô Lin Sơn Hội Thượng Phật Bồ Tát, một luồng gì lạnh buốt phát ra từ đỉnh đầu rồi tỏa khắp châu thân làm cho chúng tôi khoan khoái nhẹ nhàng. Tiếp đến là hai hàng nước mắt tuôn trào không ngăn chặn được. Bây giờ nhớ lại mới nhận ra là lúc ấy bỗng nhiên một cảm giác hân hoan tràn ngập tâm hồn vì tự thấy mình như được nghe pháp trong hội Linh sơn, nhưng rồi sự tủi buồn tiếp đến vì không được thấy Phật và các vị Thánh hiền đâu nữa.

Lễ Phật xong chúng tôi cùng lùi ra ngồi trên tảng đá lớn nhìn xuống cảnh vật chung quanh. Càng nhìn càng nhớ lại tất cả công hạnh tu hành, độ sanh cuả Ðức Phật. Và chúng tôi hiểu rõ vì sao Ðức Phật lựa chỗ này làm nơi thường trú: hoàn cảnh và địa thế không phải là tất cả thì một phần nào có thể làm cho tâm tư con người trở nên thế này hay thế khác. Có lên cao mới thấy rộng, nó vượt ra ngoài những gì thấp kém, ở nơi thoáng đại hùng vĩ nảy sanh ra được tư tưởng cao siêu huyền diệu. Ðức Phật đã tỏ sự trùng điệp cũng như một vài cảnh khác trong thành Vương xá. “Vui đẹp thay thành Vương Xá!. Vui đẹp thay núi Linh Thứu! Vui đẹp thay Trúc Lâm! Vui đẹp thay Saptaparni! v.v…”.

Phải trở về cho kịp chuyến xe đi Bồ-đề Ðạo-tràng, nên chúng tôi từ giả Linh Thứu trong sự ngậm ngùi, lưu luyến vào lúc 8 giờ.

Trên đường về, chúng tôi thưa với Thượng tọa Minh Châu: “Nếu Phật giáo chúng ta không xây dựng trên Linh Thứu một ngôi chùa thì không khéo lại bị ngoại đạo xây đền trên ấy. Hơn nữa, cảnh trí ở đó mà không lập một thiền viện thì thật quá uổng!”.

Thượng tọa Minh Châu cho biết: “Trước đây Ðại đức Kashyap đã có ý định ấy nhưng chưa thực hiện được. Lý do thứ nhất là vùng Vương Xá không có nhiều chư Tăng và Phật tử bản xứ. Còn người ngoại quốc thì không đủ sức, hơn nữa phần nhiều các nước đã xây chùa ở Buddhagaya, Linh Thứu lại quá xa làng xóm nên chưa có ai đủ can đảm ở luôn trên ấy. Trước đây có một vị sư Trung Hoa tu thiền tại động đức A-nan hơn một tháng, sau bị đạo tặc cướp phá nên vị ấy không ở nữa. Tôi và vài thầy ở Nalanda thỉnh thoảng cũng có lên thiền định và ngủ lại trên ấy!”.

 

Ký sự của Ngài Pháp Hiển

“… Ði về phía Tây độ một do tuần_(1 yojama) sẽ đến thành phố mới của Vương xá. Thành này do vua A-xà-thế lập ra, giữa thành có hai ngôi chùa. Ra khỏi cửa thành phía tây sẽ đến một ngọn tháp, do vua A-xà-thế dựng lên để thờ Xá Lợi đức Phật mà xưa kia vua được chia một phần. Ngọn tháp này đồ sộ, đẹp đẽ và tôn nghiêm. Ra cửa thành phía nam, đi độ bốn dặm về phía nam, chúng tôi đến một thung lũng, thung lũng này đưa đến năm ngọn đồi, năm ngọn này như một bức thành bao bọc một vùng đất rộng, đó là thành Vương xá cũ của vua A-xà-thế. Thành này rộng từ đông sang tây độ 5, 6 dặm, từ bắc đến nam độ 7, 8 dặm. Chính tại chỗ này ngài Xá lợi Phất và ngài Mục kiền Liên lần đầu tiên nhận chân được diệu pháp, cũng là chỗ mà Ni-kiền-đà đào một hố sâu đầy lửa và dâng đồ ăn có thuốc độc cho đức Phật. Và cũng là chỗ mà con voi say cuồng của vua A-xà-thế chạy đến để hại đức Phật và được Ðức Phật hàng phục.

Tại góc đông bắc của thành Vương Xá có một ngôi chùa là chỗ Jivaka thỉnh đức Phật và 1.250 vị Tỳ-kheo đến để kính lễ. Ngôi chùa đó hiện vẫn còn. Thành phố hoàn toàn vắng, không có người ở. Ði vào trong thung lũng và đến gần dãy núi độ 15 dặm phía đông nam chúng ta đến núi Linh Thứu. Cách đỉnh núi độ 3 dặm có một bệ đá, giữa những tảng đá lớn. Ðó là chỗ đức A-nan ngồi thiền định, xây mặt về hướng nam. Ðộ 30 bước về phía đông bắc có một hang đá chỗ đức A-nan ngồi thiền định. Lúc bấy giờ có một con quỷ Pisuna ở cõi trời, biến hình thành con chim kên, đứng trước hang đá và dọa ngài A-nan. Ðức Phật dùng thần thông mở rộng động đá, cầm tay ngài A-nan và làm cho ngài A-nan hết sợ hãi. Ðầu con chim và lỗ hổng mà đức Phật đưa tay qua nắm ngài A-nan nay vẫn còn. Do đó, hòn núi ấy gọi là ngọn đồi của hang con chim kên. Trước hang này là chỗ ở của bốn đức Phật. Các vị A-la-hán, mỗi vị đều có một hang giống nhau khi các vị ngồi thiền định. Số động có đến 700.

Lúc đức Phật đang đi từ phía đông sang phía tây trước nhà đá, Ðề-bà-đạt-đa, đứng trên mỏm đá phía bắc, lăn một tảng đá xuống và làm ngón chân đức Phật bị thương, tảng đá ấy hiện còn. Phòng đức Phật giảng kinh đã đổ nát, chỉ còn lại chân tường gạch. Ðồi này bằng thăng và tôn nghiêm vì cao hơn tất cả 5 ngọn đồi xung quanh.

Ngài Pháp Hiển sau khi mua hương hoa và đèn dầu tại thành phố mới thuê hai người đưa đến hang động và núi Linh Thứu. Sau khi dâng hương và hoa các ngọn đèn tự nhiên sáng to. Pháp Hiển cảm động và buồn đến phát khóc rồi nói rằng: “Trước kia đức Phật ở tại chỗ này. Chính chỗ này Phật đã giảng kinh Thủ Lăng Nghiêm. Pháp Hiển tôi không được thân tiếp Phật trong khi còn sống, nay chỉ tìm được dấu vết về đời sống của Phật. Tuy vậy, tự thấy cũng được chút gì vì đã từng đọc kinh Thủ Lăng Nghiêm trước hang đá này và ở lại đó một đêm …” (Trích trong tập ký sự của ngài Pháp Hiển).

 

Ký sự của Ngài Huyền Trang

“… Ngoài cửa thành Vương xá về phía Bắc có một ngọn tháp. Chính chỗ này, Ðề-bà-đạt-đa và vua A-xà-thế, sau khi giao hữu với nhau đã đồng mưu thả con voi say để hại đức Phật. Nhưng Như Lai đã dùng thần thông hóa năm con sư tử chạy ra, từ năm ngón tay của Ngài; con voi say phải phủ phục chịu hàng. Phía đông bắc ngọn tháp này lại có một ngọn tháp khác. Chính là chỗ ngài Xá-lợi-phất nghe vị Tỳ-kheo Asvajit nói pháp và chứng được quả A-la-hán. Về phía Bắc tháp này có một hố rất sâu, bên cạnh có một ngọn tháp. Ðây là nơi Srigupta muốn hại Phật bằng cách giấu lửa trong hố ấy và dùng gạo có tẩm thuốc độc, vì Srigupta tôn sùng ngoại đạo và say mê theo tà giáo. Về phía đông bắc hố lửa của Srigupta và ở phía vòng cung của thành phố là một ngọn tháp. Chính tại chỗ này, Jivaka, vị thầy thuốc trứ danh, đã lập một giảng đường dâng lên đức Phật. Xung quanh có trồng hoa và vài cây trà. Dấu vết nền tường và rễ cây thối nát vẫn còn thấy. Ðức Phật khi còn tại thế thường dừng lại đây. Gần giảng đường này, nhà của Jivaka bị đổ nát và một lỗ giếng cũ vẫn còn.

Phía đông bắc thành Vương xá độ 14, 15 dặm là núi Linh Thứu, trên sườn núi phía Nam của ngọn núi phương Bắc, có một đỉnh núi rất cao, chim kêu làm tổ tại đây. Ðỉnh núi này hình dáng nhưi một vọng lâu, màu xanh của da trời phản chiếu xuống đỉnh núi tạo thành một cảnh sắc tươi hòa êm dịu.

Trong khoảng 50 năm hoằng dương Chánh pháp đức Như Lai thường ở tại ngọn núi này và diễn giảng kinh điển thậm thâm vi diệu. Vua Tân-bà-ta-la vì muốn nghe pháp, thường lên núi với một số tùy tùng. Số người này san bằng các thung lũng, bắc cầu sang các thác nước và dựng đá làm các bậc cấp rộng độ 10 bước và dài độ 5, 6 dặm. Nửa đường có hai ngọn tháp nhỏ, một ngọn gọi là “xuống xe” vì khi vua đến chỗ này thì đi bộ lên núi; ngọn kia “bảo tùy tùng đi lui”, vì vua tách riêng tùy tùng, không cho họ theo mình. Ngọn núi này dài từ đông qua tây và hẹp từ bắc đến nam. Có một ngôi chùa bằng gạch, một bên là thung lũng rất sâu về phía tây ngọn núi. Cửa chùa này hướng về phía đông. Chỗ nay đức Như Lai thường dừng nghỉ và thuyết pháp. Ngôi chùa cao rộng và rất đẹp. Hiện còn một tượng Phật tạc Ngài đang thuyết pháp to lớn bằng hình dung thật của Ngài.

Phía đông ngôi chùa là một tảng đá dài, đức Phật thường đi kinh hành trên ấy để dưỡng sức. Bên cạnh là một hòn đá rất to cao độ 15,15 feet và độ 30 feet vòng tròn. Chính là chỗ Ðề-bà-đạt-đa xô đá hại Phật.

Về phía nam dưới hang thẳm có một ngọn tháp. Khi đức Như Lai còn tại thế, Ngài thuyết kinh Saddharma-pundarika (Diệu Pháp Liên Hoa Kinh). Cũng tại đó phía năm ngôi chùa trên sườn núi có một cái nhà bằng đá: chính tại chỗ này đức Như Lai thường thiền định. Trước mặt nhà đá về phía tây bắc có một hòn đá rất lớn hình thù kỳ lạ. Tôn giả A Nan bị quỷ sứ dọa nạt tại đây. Bên cạnh chùa ấy có nhiều nhà đá khác, đó là chỗ của ngài Xá Lợi Phất cùng các vị đại A-la-hán nhập định.

Phía đông bắc ngôi chùa, giữa dòng suối chảy trên đá, nổi lên một tảng đá lớn. Ðó là chỗ đức Như Lai phơi áo Cà sa. Gần đó trên một tảng đá có dấu chân đức Phật. Dấu hình bánh xe ở ngoài đã lu mờ, như vẫn còn nhận được. Trên đỉnh dãy núi phía bắc có một ngôi tháp. Từ chỗ đó đức Như Lai nhìn thấy thành Ma-kiệt-đà; ngài đã thuyết pháp liên tiếp trong 7 ngày tại đây. Về phía Tây, ở cửa thành phía Bắc có một ngọn núi gọi là Vipulagiri. Theo tục truyền của dân trong làng thì phía bắc của những kẽ núi về phía tây nam trước kia có đến 500 suối nước nóng. Nay chỉ còn độ 10 suối, vài suối ấm, vài suối lạnh, nhưng không có suối nào nóng sôi. Tại miệng các suối nước nóng, có đặt những tảng đá chạm hình sư tử, hoặc đầu đàn voi trắng. Nhiều chỗ có đặt những ống dẫn nước, nước chảy trong các ống dẫn nước về phía trên, phía dưới có những hồ nước bằng đá, nước chảy vào như hồ tắm. Dân chúng các nơi thường đến tắm ở các hồ ấy. Những ai có bệnh, sau khi tắm có thể lành. Hai bên những suối nước nónt, có nhiều tháp hoặc chùa đổ nát, không cách xa nhau lắm. Tại những chỗ ấy, bốn đức Phật quá khứ đều đến tọa thiền hoặc đi kinh hành, và còn để lại những dấu tích. Những địa điểm này đều được bao bọc bởi những dãy núi, và có đầy đủ nước dùng, nên những nhà trí thức đến ở, có nhiều vị tu sĩ Ấn cũng sống trông cảnh thanh tịnh này.

Về phía tây các suối nước nóng là nhà đá Pipala. Trên đỉnh Vipula có một ngọn tháp. Ðó là chỗ khi xưa đức Phật giảng Chánh pháp. Hiện những người theo đạo “ở trần” (Nigranthas) thường đến tại chỗ ấy rất đông. Họ tu khổ hạnh ngày đêm không dừng nghỉ, từ sáng đến chiều tối, họ đi vòng quanh các ngọn tháp, chiêm ngưỡng rất thành kính.

Phía trái của thành bắc, đi về phương đông, về phía bắc của vực núi phía nam độ 2, 3 dặm, chúng tôi đến một nhà đá lớn, chính là chỗ xưa kia Ðề-bà-đạt-đa thiền định.

Từ cửa thành phía bắc đi độ một dặm, chúng tôi đến chùa Karandaveluvana. Tại đây, nay chỉ còn một nền đá và thành bằng gạch của ngôi chùa xưa.

Phía đông chùa Karandaveluvana có một ngọn tháp. Ngọn tháp này do vua A-xà-thế lập nên. Sau khi đức Như Lai nhập Niết bàn, các vua chúa phân chia Xá Lợi. Vua A-xà-thế đem phần của mình về và xây dựng tháp để cúng dường chiêm bái. Khi Vua A Dục trở thành Phật tử, ngài mở ngọn tháp ấy lấy Xá Lợi và tự mình dựng lên một ngọn tháp khác. Ngôi tháp này luôn luôn tỏa ánh sáng rất kỳ diệu. Một bên ngọn tháp của vua A-xà-thế có một ngọn tháp khác dựng nửa phần Xá lợi của đức A-nan.

Về phía tây nam Trúc-lâm tinh xá độ 5, 6 dặm về phía Bắc của ngọn núi phía nam có một rừng trúc. Giữa rừng trúc ấy, có một nhà đá rất lớn. Tại đây, đại đức Ca Diếp với 499 vị A-la-hán, sau khi Ðức Phật nhập Niết Bàn đã triệu tập một Hội nghị để kết tập Tam tạng.

Phía Tây Bắc chỗ đại đức Ca Diếp triệu tập Hội nghị có một ngọn tháp. Ðó là chỗ đức A-nan, sau khi bị các đại đức khác không cho dự Hội nghị đến ngồi một mình im lặng Thiền định và chứng quả A-la-hán. Sau đó Ngài được mời dự hội nghị.

Từ đó đi về phía Tây độ 20 dặm, có một ngọn tháp do vua A Dục dựng lên. Ðó là chỗ mà Giáo hội Tăng già họp để kết tập kinh điển. Phía bắc Trúc Lâm tinh xá đi bộ 200 bước, chúng tôi đến hồ Karanda. Phía tây bắc hồ ấh độ 2, 3 dặm có một ngọn tháp do vua A Dục dựng lên. Ngọn tháp ấh cao độ 60 feet và trên đỉnh có hình một con voi.

Ði về phía Ðông bắc trụ đá không xa lắm, chúng tôi đến thành Vương xá. Bức thành ngoài đã bị phá hủy không còn dấu tích gì. Bức thành trong, mặc dầu bị đổ nát vẫn còn có những chỗ cao hơn đất bằng và độ 20 dặm vòng tròn.

Tương truyền vua A-xà-thế trước tiên lập thành này, và vị vua kế vị khi lên ngôi, cũng xem thành ấy là kinh đô, mãi cho đến đời vua A Dục. Vua này dời đô ra Pataliputra và giao thành Vương xá cho hàng Bà-la-môn. Vì vây thành Vương xá không còn thấy dân chúng ở, mà chỉ có các nhà Bà-la-môn ước độ 1000 gia đình …”

Tập ký sự của ngài Pháp Hiển và ngài Huyền Trang tả rất rõ ràng những thành tích còn lại ở thành Vương xá. Và sở Bác cổ hiện tại cũng nương theo hai tập ký sự trên để tìm những chỗ đã được tả một cách kỹ càng như vậy. Chỉ tiếc hiện nay không còn tất cả những ngôi tháp mà ngài Huyền Trang đã thuật. Do đó khó tìm ra tất cả những thành tích được tả trong tập ký sự của hai Ngài.

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app