Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa.
Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức-Thế-Tôn ấy, Đức A-ra-hán, Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.
PHÁP NHẪN-NẠI
(Khantidhamma)
Đêm rằm tháng giêng PL. 2562 (19-02-2019) tại ngôi chùa Tổ Bửu-Long, làm lễ kỷ niệm ngày “Đại-Hội Thánh-Tăng” lần đầu tiên gồm có 1.250 bậc Thánh A-ra-hán hợp đủ 4 chi-pháp tại ngôi chùa Veḷuvana, gần kinh-thành Rājagaha, nước Magadha.
Đức-Phật thuyết dạy Ovādapātimokkha.
Pháp nhẫn-nại là pháp đầu trong bài Ovāda-pātimokkha.
Trong Phật-giáo có 3 ngày trọng đại đáng ghi nhớ là:
1- Ngày rằm tháng 4 là ngày Đức-Bồ-tát Thái-tử Siddhattha kiếp chót đản sinh, tại khu vườn Lumbinī (nước Nepal).
– 35 năm sau, cũng vào ngày rằm tháng 4, Đức-Bồ-tát Siddhattha trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama, tại khu rừng Uruvelā, nay gọi là Buddhagayā (nước Ấn-độ).
– Đức-Phật Gotama thuyết-pháp tế độ chúng-sinh suốt 45 năm, cũng vào ngày rằm tháng 4, Đức-Phật Gotama tịch diệt Niết-bàn, tại khu rừng sāla xứ Kusinārā. Đức-Phật Gotama thọ 80 tuổi.
2- Ngày rằm tháng 6, sau khi trở thành Đức-Phật Gotama được 2 tháng, Đức-Phật thuyết-giảng bài kinh Dhammacakkappavattanasutta: kinh Chuyển-Pháp-Luân lần đầu tiên tế độ nhóm 5 tỳ-khưu (Ngài Đại-Trưởng-lão Koṇḍañña, Ngài Vappa, Ngài Bhaddiya, Ngài Mahānāma, Ngài Assaji) tại vườn phóng sinh nai gọi là Isipatana, gần kinh-thành Bārāṇasī.
Sau khi nghe bài kinh Chuyển-Pháp-Luân xong, chỉ có Ngài Đại-Trưởng-lão Koṇḍañña là người chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế đầu tiên y theo Đức-Phật, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu đầu tiên trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama, nên Đức-Phật gọi Ngài với tên mới là Aññāsikoṇḍañña (nghĩa là Koṇḍañña đã chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế). Khi ấy, Ngài Đại-Trưởng-lão Aññāsikoṇḍañña kính xin Đức-Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ-khưu.
Đức-Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ-khưu theo cách gọi Ehibhikkhu. Ngài Đại-Trưởng-lão Aññāsikoṇḍañña là vị tỳ-khưu đầu tiên trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama. Ngay khi ấy, Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo lần đầu tiện xuất hiện trên thế gian, vào ngày rằm tháng sáu ấy.
Về sau, Đức-Phật truyền dạy chư Thánh A-ra-hán mỗi vị một đường đi thuyết-pháp tế độ chúng-sinh.
3- Ngày rằm tháng giêng, sau khi thuyết giảng bài kinh Chuyển-Pháp-luân được 7 tháng, Đức-Phật đang ngự tại ngôi chùa Veḷuvana gần kinh-thành Rājagaha, đất nước Magadha. Khi ấy, 1.250 bậc Thánh A-ra-hán hợp đủ 4 chi-pháp, mỗi Ngài tự động đến hầu Đức-Phật, gọi là ngày “đại-hội chư Thánh-Tăng” lần đầu tiên tại ngôi chùa Veḷuvana, gần kinh-thành Rājagaha, đất nước Magadha.
Bốn chi-pháp là:
1- Ngày rằm tháng giêng.
2- 1.250 bậc Thánh A-ra-hán tự động đến hầu Đức-Phật.
3- 1.250 bậc Thánh A-ra-hán đều xuất gia theo cách Đức-Phật đưa bàn tay phải, chỉ bằng ngón trỏ truyền dạy rằng:
“Ehi bhikkhu. Svākkhāto dhammo, cara brahmacariyaṃ sammā dukkhassa antakiriyāya.”
– (Này con hãy đến với Như-lai! Con trở thành tỳ-khưu theo ý nguyện. Chánh-pháp mà Như-lai đã thuyết giảng hoàn hảo ở phần đầu, phần giữa, phần cuối. Con hãy nên tinh-tấn thực-hành phạm-hạnh cao thượng, để chấm dứt tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
Đức-Phật truyền dạy vừa dứt lời, ngay tức thì người nam ấy dù có hình tướng thế nào hình tướng ấy cũng đều biến mất, thay thế bằng hình tướng của vị tỳ-khưu có đầy đủ 8 thứ vật dụng được thành-tựu do quả báu của phước-thiện như thần thông. Vị tỳ-khưu ấy có tăng tướng trang nghiêm, thân, khẩu, ý thanh-tịnh như Ngài Đại-đức có 60 hạ.
4- 1.250 bậc Thánh A-ra-hán đắc lục-thông:
– Đa-dạng-thông (Iddhividhañāṇa).
– Tiền-kiếp-thông (Pubbenivāsanussatiñāṇa).
– Thiên-nhãn-thông (Dibbacakkhuñāṇa).
– Thiên-nhĩ-thông (Dibbasotañāṇa).
– Tha-tâm-thông (Cetopariyañāṇa).
– Trầm-luân-tận-thông (Āsavakkhayañāṇa).
Đại-hội chư Thánh-Tăng gồm có 1.250 bậc Thánh A-ra-hán hợp đủ 4 chi-pháp, Đức-Phật thuyết dạy Ovādapātimokkha.
Ngày rằm tháng giêng Đại-hội Thánh-Tăng tại ngôi chùa Veḷuvana đến ngày rằm tháng giêng PL. 2562 năm có khoảng cách thời gian bao lâu?
Cách tính thời gian như sau: Rằm tháng 4 là ngày tịch diệt Niết-bàn của Đức-Phật Gotama cách nay 2562 năm. Đức-Phật Gotama thọ đúng 80 tuổi. 2562+80 =2642 năm, đó là năm đản sinh của Đức-Bồ-tát Thái-tử Siddhattha.
Đúng 35 năm sau, Đức-Bồ-tát Siddhattha trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama. 2642-35=2607 năm, đó là năm Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian.
– Vào ngày rằm tháng 6, sau 2 tháng, Đức-Phật Gotama thuyết giảng bài kinh Chuyển-pháp-luân. (2607 năm trừ 2 tháng).
– Vào ngày rằm tháng giêng, sau 7 tháng, đại-hội Thánh-Tăng (2607 năm trừ 2 tháng và trừ 7 tháng) còn lại 2606 năm 3 tháng đó là khoảng thời gian từ ngày rằm tháng giêng đại-hội Thánh-Tăng tại ngôi chùa Veḷuvana đến ngày rằm tháng giêng PL. 2562. Đức-Phật Gotama thuyết dạy Ovādapātimokkha như sau:
“Khantī paramaṃ tapo titikkhā,
Nibbānaṃ paramaṃ vadanti Buddhā.
Na hi pabbajito parūpaghātī,
na samaṇo hoti paraṃ viheṭhayanto.
Sabbapāpassa akaraṇaṃ,
kusalassa upasampadā.
Sacittapariyodapanaṃ,
etaṃ Buddhānasāsanaṃ.
Anupavādo anūpaghāto,
pātimokkhe ca saṃvaro.
Mattaññutā ca bhattasmiṃ,
Pantañca sayanāsanaṃ.
Adhicitte ca āyogo,
etaṃ Buddhānasāsanaṃ.”
(Nhẫn-nại là đức-hạnh cao thượng,
chư Phật dạy Niết-bàn là cao thượng.
Bậc xuất-gia không sát hại chúng-sinh,
bậc sa-môn không làm khổ chúng-sinh.
Không tạo mọi ác-nghiệp,
hoàn thành 4 loại thiện-nghiệp.
Tâm trong sạch thanh-tịnh,
đó là lời giáo huấn của chư Phật.
Không vu oan người khác,
không làm hại chúng-sinh.
giữ gìn cẩn trọng giới bổn trong sạch.
Biết tri túc trong vật thực,
nằm ngồi nơi thanh vắng,
Tinh-tấn trong pháp-hành nhập định,
đó là lời giáo huấn của chư Phật).
Lời giáo huấn của Đức-Phật Gotama trong ngày đại-hội Thánh-Tăng gồm có 1.250 bậc Thánh A-ra-hán lần đầu tiên tại ngôi chùa Veḷuvana, gần kinh-thành Rājagaha, nước Magadha, có 3 bài kệ.
Từ ngày đại-hội Thánh-Tăng đầu tiên cho đến ngày rằm tháng giêng PL. 2562 có khoảng cách thời gian tròn đúng 2.606 năm 3 tháng.
Pháp Nhẫn-Nại (Khantidhama)
Pháp nhẫn-nại là pháp đầu trong bài giáo huấn Ovādapātimokkha của Đức-Phật Gotama.
Đức-Phật dạy rằng:
“Khantī paramaṃ tapo titikkhā”
Nhẫn-nại là đức-hạnh cao-thượng.
Trong Chi-bộ-kinh, phần 5 chi, bài kinh Akkhantisutta Đức-Phật dạy bài kinh này có 2 phần: phần đầu là Người không có pháp nhẫn-nại và phần sau là Người có pháp nhẫn-nại.
* Phần đầu: Người không có pháp nhẫn-nại, Đức-Phật dạy rằng:
– Này chư tỳ-khưu! Người không có pháp nhẫn-nại có 5 quả xấu trong kiếp hiện-tại và kiếp vị-lai:
1- Người không có pháp nhẫn-nại bị phần đông mọi người không ưa thích.
2- Người không có pháp nhẫn-nại thường hay gây oan trái với người khác.
3- Người không có pháp nhẫn-nại hay tạo ác-nghiệp tự làm khổ mình, làm khổ nhiều người.
4- Người không có pháp nhẫn-nại có ác-tâm mê muội lúc lâm chung.
5- Sau khi người không có pháp nhẫn-nại chết, ác-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau trong 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh).
* Phần sau: Người có pháp nhẫn-nại, Đức-Phật dạy rằng:
– Này chư tỳ-khưu! Người có pháp nhẫn-nại có 5 quả báu trong kiếp hiện-tại và kiếp vị-lai:
1- Người có pháp nhẫn-nại được phần đông mọi người thương yêu quý mến.
2- Người có pháp nhẫn-nại không gây oan trái với người khác.
3- Người có pháp nhẫn-nại hay tạo đại-thiện-nghiệp đem lại an-lạc cho mình, cho người.
4- Người có pháp nhẫn-nại có đại-thiện-tâm tỉnh táo sáng suốt lúc lâm chung.
5- Sau khi người có pháp nhẫn-nại chết, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau trong 7 cõi thiện-giới (cõi người và 6 cõi trời dục-giới).
Phần giảng giải
– Pháp không nhẫn-nại đó là tâm nào?
– Pháp không nhẫn-nại đó là sân tâm-sở (dosacetasika) đồng sinh với 2 sân-tâm.
* Người không có pháp nhẫn-nại có sân-tâm có 5 quả xấu bất lợi trong kiếp hiện-tại và kiếp vị-lai như sau:
1- Người không có pháp nhẫn-nại có sân-tâm bị phần đông mọi người không ưa thích.
2- Người không có pháp nhẫn-nại có sân-tâm thường hay gây oan trái với người khác.
3- Người không có pháp nhẫn-nại có sân-tâm tạo ác-nghiệp tự làm khổ mình, làm khổ nhiều người.
4- Người không có pháp nhẫn-nại có ác-tâm mê muội lúc lâm chung.
5- Sau khi người không có pháp nhẫn-nại có sân-tâm chết, ác-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau phần nhiều trong cõi địa-ngục, chịu khổ cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp, mới thoát ra khỏi cõi địa-ngục ấy. Nếu đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau trở lại làm người thì người ấy là người rất xấu xí đáng kinh sợ.
Ví dụ: Tích cô gái Pañcapāpī có 5 bộ phận xấu trong thân thể là 2 tay, 2 chân, miệng, 2 con mắt, 2 lỗ mũi xấu xí, đó là quả của ác-nghiệp trước khi tạo phước-thiện bố-thí.
Và tích Kusajātaka Đức-vua Kusa có gương mặt xấu xí đáng ghê sợ, đó là quả của ác-nghiệp trước khi tạo phước-thiện bố-thí. Khi Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī nhìn thấy gương mặt của Đức-vua Kusa, hoảng sợ té ngã xuống nước chết giấc, một lát sau mới tỉnh lại.
– Pháp nhẫn-nại đó là tâm nào?
– Pháp nhẫn-nại đó là vô-sân tâm-sở (adosa-cetasika), có tâm-từ đồng sinh với đại-thiện-tâm, v.v…
* Người có pháp nhẫn-nại vô-sân có tâm-từ có 5 quả báu thuận lợi trong kiếp hiện-tại và kiếp vị-lai như sau:
1- Người có pháp nhẫn-nại vô-sân có tâm-từ được phần đông mọi người thương yêu quý mến.
2- Người có pháp nhẫn-nại vô-sân có tâm-từ tha lỗi người khác, nên không gây oan trái với mọi người.
3- Người có pháp nhẫn-nại vô-sân có tâm-từ tạo đại-thiện-nghiệp đem lại sự an-lạc cho mình và mọi người.
4- Người có pháp nhẫn-nại vô-sân có tâm-từ có đại-thiện-tâm tỉnh táo sáng suốt lúc lâm chung.
5- Sau khi người có pháp nhẫn-nại vô-sân có tâm-từ chết, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh làm người xinh đẹp đáng ngưỡng mộ, hoặc hóa-sinh làm thiên-nam hoặc thiên-nữ có hào quang sáng ngời, có nhiều oai lực, được chư-thiên quý mến.
* Sân tâm-sở (dosacetasika) có 4 tính chất:
1- Tính hung ác là trạng-thái của sân tâm-sở.
2- Tính nóng nảy tự làm khổ mình và làm khổ người là phận-sự của sân tâm-sở.
3- Gây tai hại đến đối-tượng không vừa lòng là quả hiện hữu của sân tâm-sở.
4- Có đối-tượng hận thù là nguyên-nhân gần phát sinh sân tâm-sở.
Đối-tượng hận thù (aghātavatthu) có 10 loại:
– Hận thù do nghĩ rằng: Người ấy đã từng gây tai hại cho ta.
– Hận thù do nghĩ rằng: Người ấy đang gây tai hại cho ta.
– Hận thù do nghĩ rằng: Người ấy sẽ gây tai hại cho ta.
– Hận thù do nghĩ rằng: Người ấy đã từng gây tai hại đến người thân của ta.
– Hận thù do nghĩ rằng: Người ấy đang gây tai hại đến người thân của ta.
– Hận thù do nghĩ rằng: Người ấy sẽ gây tai hại đến người thân của ta.
– Hận thù do nghĩ rằng: Người ấy đã từng giúp đỡ kẻ thù của ta.
– Hận thù do nghĩ rằng: Người ấy đang giúp đỡ kẻ thù của ta.
– Hận thù do nghĩ rằng: Người ấy sẽ giúp đỡ kẻ thù của ta.
– Hận thù do gặp phải rủi ro bị vấp ngã đau, bị lửa nóng, v.v…
Đối-tượng hận thù là nguyên-nhân gần phát sinh sân tâm-sở đồng sinh với 2 sân-tâm không hài lòng trong đối-tượng, nên phát sinh khổ tâm như nóng nảy, bực tức, buồn rầu, sầu não, khóc than, chán nản, ghét bỏ, sợ hãi, v.v… tự làm khổ mình, làm khổ người.
* Vô-sân tâm-sở (adosacetasika) có 4 tính chất:
1- Tính hiền hòa là trạng-thái của vô-sân tâm-sở.
2- Diệt tâm hận thù là phận-sự của vô-sân tâm-sở.
3- Mát mẻ trong sáng là quả hiện hữu của vô-sân tâm-sở.
4- Yonisomanasikāra: Trí-tuệ hiểu biết trong tâm đúng theo thật-tánh của các pháp là nguyên-nhân gần phát sinh vô-sân tâm-sở.
Mỗi tâm với tâm-sở nào phát sinh đều hợp đủ nhân, nhất là nguyên-nhân gần phát sinh tâm ấy.
* Sân tâm-sở đồng sinh với sân-tâm phát sinh có đối-tượng hận thù là nguyên-nhân gần, nên người ác ấy không có pháp nhẫn-nại, gây oan trái, tạo mọi ác-nghiệp tự làm khổ mình, làm khổ nhiều người.
* Vô-sân tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm có tâm-từ phát sinh, có đối-tượng chúng-sinh đáng yêu đáng kính, nên người thiện ấy có pháp nhẫn-nại, không có oan trái với mọi chúng-sinh, tạo đại-thiện-nghiệp đem lại sự an-lạc cho mình và cho mọi chúng-sinh.