Toát Yếu A Tỳ Đàm – Biên soạn Bhik. Bodhisīla – Tỳ-kheo Giác Giới
LỜI NÓI ĐẦU
Abhidhamma – Vi diệu pháp hay Thắng pháp, là giáo pháp vi diệu, thù thắng, cao siêu. Abhidhamma là một ba tạng kinh điển của Phật giáo (Tam tạng: Tạng kinh, Tạng luật, Tạng vi diệu pháp).
Vi diệu pháp là phần giáo lý quan trọng và thâm sâu, khó học, khó hiểu hơn Kinh và Luật.
Tạng Vi diệu pháp gồm 07 bộ:
- Bộ Pháp tụ (Dhammasaṅgaṇī). Bộ này giải thích tâm sanh, sắc pháp và các câu đầu đề pháp (mātikā).
- Bộ Phân tích (Vibhaṅga). Bộ này trình bày 18 mục như uẩn, xứ, giới, đế, quyền, duyên khởi, niệm xứ, chánh cần, như ý túc, giác chi, thiền-na, vô lượng tâm, đạo lộ, học giới, đạt thông, trí tuệ, tiểu đề, pháp tâm. Mười tám mục ấy được phân tích theo kinh và phân tích theo Vi diệu pháp.
- Bộ Chất ngữ (Dhātukathā). Bộ này luận giải các pháp đề yếu hiệp bao nhiêu uẩn? xứ? giới? đế?, bất yếu hiệp bao nhiêu uẩn? xứ? giới? đế? v.v…
- Bộ Nhân chế định (Puggalapaññatti). Thật ra bộ này trình bày sáu pháp chế định là uẩn chế định, xứ chế định, giới chế định, đế chế định, quyền chế định và nhân chế định, nhưng phần lớn nội dung là trình bày đề tài nhân chế định (puggalapaññatti) do đó bộ này được đặt tên là bộ Nhân chế định.
- Bộ Ngữ tông (Kathāvatthu). Bộ sách trình bày “Những điểm tranh luận” của các nhánh Phật giáo tách ra khỏi Phật giáo nguyên thủy. Chính do trưởng lão Moggallīputtatissa cùng với 1000 vị thánh tang A-la-hán khác hội nghị để chỉnh đốn quan điểm sai lạc chánh pháp.
- Bộ Song đối (Yamaka). Bộ này luận giải 10 đề tài: căn, uẩn, xứ, giới, đế, hành, tiềm miên, tâm, pháp, và quyền song. Các đề tài được luận giải theo hình thức vấn đáp, hỏi xuôi hỏi ngược và đáp nhận hay bác, hay phân tích. Thí dụ: hỏi rằng “Sắc là sắc uẩn phải chăng?” hay “Sắc uẩn là sắc phải chăng?”. Luôn luôn có hai câu hỏi “mệnh đề hoán vị” như vậy nên gọi là Song đối hay Song luận.
- Bộ Vị trí (Paṭṭhāna). Đây là bộ luận giải quan trọng nhất trong bảy bộ Vi diệu pháp. Bộ này giải về 24 duyên hệ (paccaya) là những định lý cấu tạo các pháp hữu vi; trình bày duyên hệ qua pháp đầu đề tam (tikamātikā), đầu đề nhị (dukamātikā). Các đầu đề (mātikā) đã nói trong bộ Pháp tụ…
Vi diệu pháp được thuyết bởi bậc Chánh đẳng giác có nhứt thiết chủng trí. Người học hiểu Vi diệu pháp sẽ phát sanh trí về pháp học và pháp hành.
Người chỉ học Kinh tạng mà không học Luật tạng và Vi diệu pháp, là thiếu sót, bởi họ chỉ quan tâm tạo phước vật phát sanh quả hưởng lạc cõi trời cõi người mà thiếu sự chế ngự thân hành, khẩu hành, và không thành tựu niềm tin tam bảo vững chắc do không có trí tuệ nên dễ sanh ái chấp, mạn chấp và kiến chấp.
Người chỉ học Kinh và Luật mà không học Vi diệu pháp, cũng còn thiếu sót, bởi họ chỉ có quan tâm trong việc bố thí, trì giới thôi, mà không có lòng tịnh tín bất động trong giáo pháp và tà kiến, ngã mạn dễ xô đẩy họ vào tội lỗi.
Người có học cả tam tạng đầy đủ, mới đủ sáng suốt để củng cố niềm tin trong giáo pháp, không thể xu hướng theo tà kiến ngoại giáo; biết bố thí, giữ giới, tu thiền, tạo phước vật, phước đức, phước trí.
Hơn nữa, phải hiểu rằng thân hành, khẩu hành sinh khởi từ tham, sân, si có tà kiến xui khiến sẽ có quả báo khác hơn thân hành, khẩu hành xuất phát từ tham, sân, si không có tà kiến xúi giục. Do đó để dẹp bỏ tà kiến cần phải học hiểu Vi diệu pháp.
Nhưng không phải dễ học hiểu tạng Vi diệu pháp khi chưa có khái niệm gì về nội dung Vi diệu pháp. Bởi thế phải học toát yếu trước, sau khi thông thạo ngữ nghĩa Vi diệu pháp như tâm, tâm sở, sắc pháp, uẩn, xứ, giới, đế,… rồi mới đọc vào bảy bộ chánh tạng Vi diệu pháp hiểu được.
Tác phẩm Abhidhammatthasaṅgaha của giáo thọ sư Anuruddha, được khởi soạn vào khoảng cuối thế kỷ XI. Đây là quyển sách toát yếu nội dung Vi diệu pháp, như là giáo trình dạy vỡ lòng cho người bắt đầu học Vi diệu pháp.
Sách được ngài Anuruddha biên soạn chín chương, từ thấp đến cao; khởi đầu là chương toát yếu tâm (cittasaṅgaha), cuối cùng là chương toát yếu các đề mục tu thiền (kammaṭṭhānasaṅgaha).
Ngài trưởng lão Tịnh Sự đã biên soạn giáo trình Vi diệu pháp tiểu học dựa vào sách Abhidhammatthasaṅgaha, giáo trình văn xuôi gọi là Nội dung Vô tỷ pháp, giáo trình văn vần gọi là Diệu pháp lý hợp.
Trong quá trình giảng dạy Abhidhamma cho chư tăng tám khoá học, từ năm 1980 đến năm 2004, chúng tôi dạy theo giáo tài của ngài trưởng lão Tịnh Sự, với sự nghiên cứu thêm các tài liệu khác. Bài học của tăng sinh Khoá VIII được thu thập và đánh vi tính thành văn bản, đặt tên là Vi diệu pháp sơ cấp để lưu hành nội bộ. Đến bây giờ chúng tôi mới quyết định soạn lại giáo trình và cho in ấn sau 17 năm bản thảo.
Việc làm của chúng tôi chỉ mong góp sức để duy trì tạng Vi diệu pháp trong thời kỳ sắp bị mai một. Một mục đích nữa là chúng tôi muốn tạo trí tuệ ba-la-mật đưa đến chứng đắc tuệ đạt thông (paṭisambhidāñāṇa) trong ngày vị lai.
Tỳ-kheo Giác Giới