Nội Dung Chính
- 11 Cách Ðể Phát Sanh Tinh Tấn
- 1. Suy nghĩ đến sự khổ ở bốn ác đạo
- 2. Suy nghĩ đến những lợi ích của tinh tấn
- 3. Suy Nghĩ Ðến Những Bậc Giác Ngộ Ðã Ði Trên Con Ðường Này
- 4. Nhớ Ơn Người Khác Ðã Giúp Ðỡ Ta
- 5. Suy Tư Ðến Việc Nhận Lãnh Di Sản Cao Thượng
- 6. Suy Tưởng Ðến Ân Ðức và Năng Lực của Ðức Phật
- 7. Suy Nghĩ Ðến Sự Vĩ Ðại Của Giòng Dõi Chúng Ta
- 8. Suy Tưởng Ðến Sự Cao Quí Của Bạn Ðạo
- 9. Tránh Xa Người Biếng Nhác
- 10. Làm Bạn Với Người Siêng Năng Tinh Tấn
- 11. Kiên Trì Hướng Tâm Vào Việc Phát Triển Ðức Tinh Tấn
11 Cách Ðể Phát Sanh Tinh Tấn
[lwptoc]
1. Suy nghĩ đến sự khổ ở bốn ác đạo
Khi bạn rơi vào sự lười biếng, hãy suy tư đến những cảnh đáng sợ ở bốn ác đạo (địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, a tu la), hay apaya. Apa- có nghĩa là thiếu, hay không có, Aya, có nghĩa là nghiệp tốt dẫn đến an vui hạnh phúc, đặc biệt chỉ những hạnh phúc an vui ở cõi người, cõi trời, cõi phạm thiên và Niết Bàn. Như vậy, apaya có nghĩa là nơi thiếu hạnh phúc, thiếu an vui.
Thế nên, nếu bạn không hành thiền, bạn sẽ rơi vào khổ cảnh. Nơi đó, bạn sẽ không có cơ hội để làm điều thiện. Có bốn cảnh khổ, nhưng cảnh dễ quán sát nhất và hiện rõ nhất trước mắt bạn là cảnh súc sanh.
Súc sanh có thể làm việc nghĩa không? Chúng có thể giữ giới được không? Chúng có thể sống đời sống đạo đức không? Nói chi đến việc hành thiền, làm sao chúng có thể làm được? Làm thế nào chúng hiểu cách kiểm soát và phát triển tâm cho đến lúc thuần thục? Thật là hãi hùng, thật là đáng sợ, khi nghĩ đến một đời sống trong đó chỉ chứa toàn là sự bất thiện.
Suy tưởng như thế sẽ giúp cho bạn tinh tấn: “Bây giờ ta là một thiền sinh. Ðây là cơ hội tốt. Tại sao ta lại phí thời giờ để lười biếng chế ngự? hãy tưởng tượng kiếp sau ta làm một con thú, ta sẽ không bao giờ phát triển được những yếu tố giác ngộ. Ta không được phung phí thì giờ. Ðây là lúc ta phải cố gắng”.
2. Suy nghĩ đến những lợi ích của tinh tấn
Một số lợi ích của sự tinh tấn đã được nói đến ở phần trên. Bạn có được cơ hội quí báu để gặp Giáo Pháp, những lời dạy của Ðức Phật. Ðã có Pháp bảo, một bảo vật quí giá không gì sánh kịp thì bạn không nên bỏ lỡ cơ hội để tiến bước trên con đường giúp bạn thâu nhận được phần tinh túy của Giáo Pháp. Bạn có thể tự mình chứng ngộ bốn thánh đạo, thánh quả và Niết Bàn.
Nhờ thực hành, bạn có thể chiến thắng khổ đau. Dầu bạn chưa hoàn toàn thoát khỏi mọi đau khổ trong kiếp sống này đi nữa, bạn cũng phải tận lực để đạt được quả nhập lưu để khỏi tái sanh vào bốn cảnh khổ. Bạn đã có duyên may gặp được Phật pháp, không phải người nào cũng có được cơ hội này. Người gặp được Phật Pháp là người có sự may mắn đặc biệt. Nếu không tận dụng cuộc sống này để thành tựu đạo quả, bạn đã đánh mất một cơ hội lớn lao. Bởi thế, bạn phải dũng cảm tinh tấn, vì không phải dễ dàng đi trên đường giải thoát này. Nếu nỗ lực kiên trì, bạn sẽ đạt được thành quả lớn lao. Ðừng bỏ lỡ cơ hội hiếm hoi này.
Nếu bạn suy tư theo cách này, tinh tấn sẽ phát sinh và bạn sẽ nỗ lực cố gắng hành trì để đạt đến mục tiêu thấy rõ chân lý.
3. Suy Nghĩ Ðến Những Bậc Giác Ngộ Ðã Ði Trên Con Ðường Này
Ðây là con đường trong sáng tốt đẹp. Chư Phật quá khứ và môn đệ của các Ngài, những vị A la hán và các vị thánh nhân tiếp theo đã đi trên con đường này. Nếu bạn muốn cùng đi trên con đường thánh thiện này thì hãy kiên trì tinh tấn với phẩm hạnh trang nghiêm và quyết tâm mạnh mẽ. Ðây là đường đi của những vị anh hùng, những bậc vĩ nhân, không phải là của những tên vô lại, những kẻ biếng nhác, những kẻ trốn tránh thế gian để khỏi bị nợ nần lôi kéo, những kẻ thất tình thất chí.
Bạn hãy nhắc nhở mình: “Những bậc thanh cao lỗi lạc đã đi trên con đường này. Ta phải cố gắng theo chân các ngài. Ta không thể đờ đẫn, lười biếng chảy thây đứng ì một chỗ ở đây. Ta sẽ đi với tinh thần hết sức cẩn trọng và vô úy. Ðây là cơ hội để ta trở thành người của một gia đình cao thượng, bao gồm những thành viên xuất chúng, đi trên con đường quí báu thanh cao. Ta nên tự chúc mừng mình vì đã có cơ hội làm việc này. Những người như ta đã đi trên con đường này đã giải thoát. Ta cũng vậy. Ta sẽ giải thoát, giác ngộ như họ”.
Nhờ suy tư như trên, tinh tấn sẽ phát sinh và đưa bạn đến mục đích Niết Bàn.
4. Nhớ Ơn Người Khác Ðã Giúp Ðỡ Ta
Phương tiện thứ tư giúp phát sinh tinh tấn là tôn trọng và biết ơn những kẻ đã để bát và những người đã ủng hộ tứ vật dụng cần thiết để ta có thể sống một đời sống thánh thiện.
Bạn có thể tự nhủ: “Ta nên hành thiền thật tinh tấn để đền ơn những người có thiện tâm đã hỗ trợ cho ta. Ðây là cách đền đáp lòng tốt của những vị có đức tin nhiệt thành đã tận tâm giúp đỡ ta. Ðể những nghĩa cử của họ không bị phí phạm, ta sẽ xử dụng những gì ta được cung ứng một cách chánh niệm để phiền não của ta bị cắt đứt bớt dần và tận diệt hầu phước báu của những kẻ đã hỗ trợ ta mang lại kết quả tốt đẹp tương xứng”.
Bạn có thể suy tư rằng: “Chỉ có thể hành thiền tinh tấn ta mới có thể đền đáp lòng tốt của các vị hỗ trợ. Tích cực chánh niệm là cách thể hiện sự biết ơn của ta đối với tất cả những người đã giúp đỡ ta có đủ phương tiện để hành thiền.”
5. Suy Tư Ðến Việc Nhận Lãnh Di Sản Cao Thượng
Di sản cao thượng gồm có bảy đức tính tinh thần sau đây: đức tin, giới luật, hổ thẹn tội lỗi, ghê sợ tội lỗi, hiểu biết giáo pháp, có sự dứt bỏ và trí tuệ. Có sự dứt bỏ bao gồm dứt bỏ phiền não và bố thí. Trí tuệ ám chỉ những tuệ minh sát và trí tuệ chứng ngộ Niết Bàn.
Tinh tấn chỉ được phát triển trọn vẹn khi ta đã xuyên thấu các tuệ giác nội quán và đạt đến thánh đạo tâm. Năng lực đã được phát triển hay đức tinh tấn hoàn hảo này là điều kiện tất yếu để được nhận lãnh thất bảo di sản, hay gia tài cao thượng, gồm bảy món bảo vật tinh thần quí báu này.
Nếu bạn tiếp tục kiện toàn đức tinh tấn trong khi thực hành, bảy đức tánh thanh cao trên luôn luôn có mặt trong bạn. Suy tư như vầy, bạn sẽ có nhiều hứng khởi để tinh tấn hành thiền.
6. Suy Tưởng Ðến Ân Ðức và Năng Lực của Ðức Phật
Sự suy tưởng thứ sáu giúp phát triển tinh tấn, đó là nghĩ đến ân đức và năng lực lớn lao của Ðức Phật, người đã khám phá và dạy cho chúng ta con đường giải thoát. Ðức tính vĩ đại của Ðức Phật được biểu thị qua bảy lần quả đất rung chuyển.
Quả đất rung chuyển lần đầu tiên khi Bồ tát giáng sanh vào lòng Phật mẫu. Quả đất rung chuyển lần thứ hai khi thái tử Tất Ðạt Ða rời bỏ cung điện tìm đường cứu khổ. Quả đất rung động lần thứ ba khi Bồ tát cảm thắng ma vương. Quả đất rung động lần thứ tư khi Bồ tát chứng quả vô thượng chánh đẳng chánh giác. Quả đất rung động lần thứ năm khi Ðức Phật chuyển pháp luân lần đầu tiên. Quả đất rung chuyển lần thứ sáu khi Ðức Phật trở về trái đất sau ba tháng giảng dạy vi diệu pháp cho Phật mẫu tại cung trời Ðao lợi. Quả đất rung chuyển lần thứ bảy khi Ðức Phật Niết Bàn.
Hãy suy nghĩ đến trí tuệ thâm sâu và lòng từ bi vô lượng của Ðức Phật. Biết bao nhiêu chuyện tiền thân nói đến ba la mật hoàn hảo của Ngài. Một vị Bồ tát phải trải qua biết bao thời gian để hoàn thành mục tiêu của mình. Biết bao ba la mật Ngài đã thực hiện. Biết bao tình thương Ngài đã ban trải để phục vụ nhân loại và chúng sanh.
Phải biết rằng nếu bạn tiếp tục cố gắng, bạn có thể thọ hưởng được những đức tánh cao quí của Ðức Phật.
Trước khi Ðức Phật thành đạo, chúng sinh bị mê mờ trong đám mây đen tối của si mê lầm lạc. Khi ánh sáng giải thoát chưa được tỏ rạng, chúng sanh mò mẫm trong bóng đêm. Trên thế gian này, người ta đã tìm đủ mọi cách để mong đạt được an vui hạnh phúc, từ ép xác khổ hạnh cho đến tận hưởng những lạc thú ngũ dục, nhưng không có con đường nào dẫn con người đi đến nơi an vui hạnh phúc thật sự. Chỉ có Ðức Phật mới tìm ra con đường giải thoát khổ đau, đến nơi an lạc hạnh phúc trường cửu. Chúng ta là những kẻ đại phúc được đi trên con đường giải thoát của Ngài. Vậy thì chúng ta còn chần chờ gì nữa mà không tiến bước!
Cầu mong các bạn đầy hứng khởi, đầy can đảm, mạnh mẽ và kiên trì, và mong các bạn tiếp tục đi trên con đường này cho đến đích cuối cùng.
7. Suy Nghĩ Ðến Sự Vĩ Ðại Của Giòng Dõi Chúng Ta
Chúng ta hành thiền theo kinh Tứ Niệm Xứ (Satipatthana sutta), bởi vậy chúng ta được coi như là người thuộc dòng dõi cao thượng của Ðức Phật. Bạn có thể tự hào gọi mình là con trai hay con gái của Ðức Phật.
Khi hành Thiền Minh Sát là bạn đã được tiếp huyết pháp bảo. Dù bạn có sanh sau thời kỳ Ðức Phật bao lâu đi nữa, dù bạn có thuộc chủng tộc, tín ngưỡng, hay phong tục nào đi nữa, nếu thực hành giới, định, huệ, thì bạn là những thành viên của gia đình pháp bảo. Giáo pháp là máu huyết của chúng ta. Chúng ta có chung dòng máu với những kẻ cao thượng đã được đào luyện cùng một phương cách vào thời kỳ Ðức Phật. Chúng ta hãy tinh tấn thực hành, biết vâng lời và tôn kính, sống theo lý tưởng cao cả và vĩ đại của dòng dõi này.
Anh chị của chúng ta trong thời kỳ Phật còn tại thế là những người có sự chăm chỉ và can đảm lớn lao. Họ không bao giờ thối bước hay đầu hàng. Họ luôn luôn cố gắng cho đến khi hoàn toàn thoát khỏi mọi đau khổ. Vì chúng ta là con cháu của giòng dõi vĩ đại cao quí này, nên chúng ta phải luôn luôn tận lực cố gắng hoàn thành lý tưởng, không chùn bước hay đầu hàng.
8. Suy Tưởng Ðến Sự Cao Quí Của Bạn Ðạo
Ðiều thứ tám làm gia tăng tinh tấn là sự suy tưởng đến sự cao quí của những người bạn đạo của chúng ta. Tiếng Pali gọi những pháp hữu cao quí này là brahmacariya, có nghĩa là những người sống một đời sống thánh thiện.
Ðầu tiên, những người bạn đạo cao quí này là các vị tỳ kheo, tỳ kheo ni, sa di, sa di ni. Tỳ kheo ni đoàn của Phật Giáo Nguyên Thủy nay đã mất. Có thể nói vào thời đại của chúng ta chỉ có tỳ kheo và sa di thực hành theo giới luật của Ðức Phật. Còn thiện nam tín nữ, tu nữ (silashin), dù giữ ít giới luật hơn, nhưng sống đời sống thánh thiện.
Dầu tại gia hay xuất gia, mọi thiền sinh đều thực hành giới, định, huệ. Là một thiền sinh, bạn giữ giới hạnh của những vị học trò của Ðức Phật lúc Ngài còn tại tiền, đó là các Ngài Sariputta (Xá Lợi Phất), Ngài Moggallana (Mục Kiền Liên), hai vị thượng thủ thinh văn của Phật, cũng như Ngài Ca Diếp. Về phía tỳ khưu ni, có trưởng lão ni Gotami và môn đệ, cùng rất nhiều vị tỳ kheo ni cao quí và dũng cảm, kiên trì để thành tựu giáo pháp. Tất cả những người cao quí ấy là bạn của chúng ta trong đời sống thánh thiện. Chúng ta có thể đọc tiểu sử của những vị này để chiêm nghiệm đức thanh cao, tính can đảm và lòng nhiệt thành của các ngài.
Khi suy tưởng đến điều này, chúng ta có thể tự hỏi: “Liệu chúng ta có thể sống một đời sống lý tưởng và tiêu chuẩn thanh cao như các ngài không?” Chúng ta cũng có thể lấy làm hãnh diện và đầy hứng khởi để nghĩ rằng chúng ta đang có được sự hỗ trợ của tất cả các bằng hữu cao thượng trên trong khi nỗ lực tinh tấn hằng ngày.
9. Tránh Xa Người Biếng Nhác
Cách thứ chín làm phát sanh tinh tấn là tránh xa người biếng nhác. Có những người không thích mở mang tâm trí. Họ chẳng muốn tự thanh lọc tâm mình. Họ chỉ muốn ăn, ngủ và vui chơi theo ý họ. Họ chẳng khác nào con trăn sau khi nuốt mồi nằm bất động hằng giờ. Làm sao bạn có hứng khởi đẩy mạnh tinh tấn khi thân cận với những hạng người này? Bạn cần phải tránh xa việc nhập bọn với những kẻ biếng nhác chảy thây này. Có tránh xa hạng người này thì bạn mới có thể bước được một bước tích cực để triển khai hạnh tinh tấn.
10. Làm Bạn Với Người Siêng Năng Tinh Tấn
Bây giờ, bạn hãy bước thêm một bước nữa để thân cận với các thiền sinh tinh tấn kiên trì trong việc đào luyện tinh thần qua việc nỗ lực hành thiền. Ðây là cách thứ mười để làm phát sanh tinh tấn.
Người bạn siêng năng tinh tấn ở đây đặc biệt được đề cập đến là những thiền sinh trong khóa thiền, nhưng thực ra, bạn có thể thân cận với những người có nhiệt tâm với giáo pháp, kiên nhẫn, chịu đựng và quyết tâm tinh cần chánh niệm từng giây phút một và kiên trì tinh tấn ở mức độ cao. Một người để hết tâm trí vào việc phát triển tinh thần, chú trọng đến sức khỏe của tâm, là người bạn tốt nhất của thiền sinh.
Trong khóa thiền, bạn có thể noi theo gương của những thiền sinh gương mẫu. Bạn có thể nhìn cung cách và việc thực hành của họ mà cố bắt chước theo cho bằng hay vượt hơn họ. Ðiều này sẽ giúp bạn phát triển chính mình. Bạn sẽ tập nhiễm theo thói quen tinh cần của họ. Hãy theo gương các người siêng năng tinh tấn để tạo sự siêng năng tinh tấn cho chính mình.
11. Kiên Trì Hướng Tâm Vào Việc Phát Triển Ðức Tinh Tấn
Cách cuối cùng và tốt nhất để làm phát sanh tinh tấn là kiên trì hướng tâm vào việc phát triển đức tinh tấn. Chìa khoá của việc thực hành này là phải đề ra một quyết tâm. “Tôi sẽ cố gắng chánh niệm trong từng giây từng phút. Tôi không để tâm phiêu bồng trượt khỏi đề mục trong khi ngồi, đứng, đi, di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Tôi không để một phút giây chánh niệm nào bị vất bỏ”. Nếu bạn không tinh cần mà lại bất cẩn, thiếu thận trọng, hoặc có tinh thần chủ bại, thì việc hành thiền của bạn sẽ bị tan rã ngay từ phút đầu.
Mỗi phút giây phải được vun bồi bằng sự dũng cảm tinh tấn này. Phải có nỗ lực tinh cần bền bỉ. Mỗi khi lười biếng lẻn vào, dù chỉ trong phút giây, bạn phải chụp lấy ngay và đẩy ra ngoài. “Kosajja”, hay lười biếng, là một trong những yếu tố phá hoại lớn lao nhất trong việc hành thiền. Bạn có thể loại trừ nó bằng đức tinh tấn bao gồm can đảm, bền chí, kiên nhẫn, chịu đựng.
Hy vọng tinh tấn sẽ phát sinh trong bạn qua mỗi một hay toàn thể mười một cách trên, để bạn có thể tiến nhanh trên đạo giải thoát và cuối cùng nhổ tận gốc rễ mọi phiền não trói buộc.
Lược trích từ: “Ngay Trong Kiếp Sống Này”, Thiền sư U Pandita, Tỳ kheo Khánh Hỷ dịch