Tránh Dẽo Cày Ở Ngã Tư Dường

Tránh Đẽo Cày Ở Ngã Tư Đường

Đối với hành giả đang trong giai đoạn hành thiền Minh Sát Vipassana Tứ Niệm Xứ tích cực thì “Khẩu quyết” để hạ thủ công phu là “Liên tục Quán sát với ① Nhiệt tâm + ② Tỉnh Giác + ③ Chánh Niệm mọi sự sinh-diệt trên Thân, Thọ, Tâm, Pháp – nội phần cũng như ngoại phần”, như lời Đức Phật đã hướng dẫn:

“… Này các Tỷ kheo, ở đây vị Tỷ kheo

1. sống quán thân trên thân, ① nhiệt tâm, ② tỉnh giác, ③ chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời;

2. sống quán thọ trên các thọ, ① nhiệt tâm, ② tỉnh giác, ③ chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời;

3. sống quán tâm trên tâm, ① nhiệt tâm, ② tỉnh giác, ③ chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời;

4. sống quán pháp trên các pháp, ① nhiệt tâm, ② tỉnh giác, ③ chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời.”…

“… Như vậy, vị ấy

⑴ sống quán thân [thọ/tâm/pháp] trên NỘI thân [thọ/tâm/pháp] hay

⑵ sống quán thân [thọ/tâm/pháp] trên NGOẠI thân [thọ/tâm/pháp] ; hay

⑶ sống quán thân [thọ/tâm/pháp] trên cả NỘI thân [thọ/tâm/pháp], NGOẠI thân [thọ/tâm/pháp] ;

hay vị ấy

⑴ sống quán tánh SANH KHỞI trên thân [thọ/tâm/pháp]; hay

⑵ sống quán tánh DIỆT TẬN trên thân [thọ/tâm/pháp]; hay

⑶ sống quán tánh SANH DIỆT trên thân [thọ/tâm/pháp].

“Có thân [thọ/tâm/pháp] đây”, vị ấy an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước vật gì ở trên đời. Này các Tỷ kheo, như vậy Tỷ kheo sống quán thân [thọ/tâm/pháp] trên thân [thọ/tâm/pháp].” (Trường Bộ Kinh, Đại kinh Tứ Niệm Xứ).

Chú thích:

* ① NHIỆT TÂM có 4 là: đối với thiện pháp phải ⒈ Phát khởi & ⒉ Phát triển; đối với bất thiện pháp phải ⒊ Ngăn chặn & ⒋ Đoạn trừ. Nhiệt tâm ở đây có nghĩa là “vun bồi thiện pháp” và “thiêu đốt bất thiện pháp”.

“… ở đây Tỷ kheo, đối với các ác, bất thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn không cho sanh khởi; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Ðối với các ác, bất thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn trừ diệt, vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Ðối với các thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn khiến cho sanh khởi; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Ðối với các thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn khiến cho an trú, không cho băng hoại, khiến cho tăng trưởng, phát triển, viên mãn. Vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí.” (Đại kinh Tứ Niệm Xứ)

* ② TỈNH GIÁC có 4 là: trong mọi hoạt động sinh hoạt hàng ngày khi ngó tới, ngó lui; khi co tay, duỗi tay; khi mang áo sanghati, mang bát, mang y; khi ăn, khi uống, khi nhai, khi nếm; khi đại tiện, tiểu tiện; khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, khi thức, khi nói, khi im lặng; khi có bất kỳ cảm thọ nào; khi có bất kỳ tưởng nào đều tỉnh giác hiểu biết rõ ràng về việc mình đang làm trên các phương diện

⒈ Mục đích tỉnh giác: thấy biết rõ thiện hay bất thiện,

⒉ Thích hợp tỉnh giác: thấy biết rõ thích hợp hay không thích hợp,

⒊ Hành xứ tỉnh giác: thấy biết rõ đề mục Chỉ samatha (khái niệm – tục đế) hay đề mục Quán Vipassnā (thực tại – chân đế), và đặc biệt quan trọng là

⒋ Vô si tỉnh giác: thấy biết rõ tam tướng vô thường, khổ, vô ngã thông qua thấy biết rõ sự khởi lên, an trú, hoại diệt của mọi hiện tượng đang xảy ra liên tục trên Thân, Thọ, Tâm, Pháp.

* ③ CHÁNH NIỆM có 4 là: chú tâm chìm sâu, không hời hợt vào sự sinh, vào sự diệt, vào sự sinh & diệt của mọi hiện tượng xảy ra trên ⒈ Thân ⒉ Thọ ⒊ Tâm ⒋ Pháp.

* Chữ “LIÊN TỤC LẶP ĐI LẶP LẠI QUÁN SÁT” ít khi được các dịch giả sử dụng (vì hơi bị dài dòng) để dịch cho thật sát nghĩa chữ anu-passī: trong đó “anu là liên tục lặp đi lặp lại”, còn “passī là quán sát thấy”. Ở đây trong bản dịch của HT TMC chỉ dùng chữ “quán” để dịch.

* “SINH-DIỆT TRÊN NỘI, NGOẠI THÂN, THỌ, TÂM, PHÁP” cần phải quán sát liên tục lặp đi lặp lại được Đức Phật nhắc nhở tới 16 lần trong bài Đại kinh Tứ Niệm Xứ.

– Hết chú thích –

???? Một trong ba khẩu quyết nêu trên là cần phải “Nhiệt tâm” (Chánh cần hay Chánh tinh tấn), nghĩa là:

⑴ “Vun bồi Thiện pháp” – tinh tấn chánh niệm tỉnh giác liên tục trên Thân và Tâm của mình, không bám víu chấp thủ vào bất kỳ điều gì đã đạt được hay chưa đạt được trong quá trình hành thiền: mọi hiện tượng, mọi cảm thọ, mọi tâm tư tình cảm, mọi cái thấy cái biết … v.v… dù thế nào đi chăng nữa cũng chỉ là cái sinh lên rồi diệt đi, chẳng có gì là quan trọng cả, chẳng có gì đáng phải bám chấp vào đó cả;

⑵ “Thiêu đốt bất thiện pháp” – tránh lười biếng, dễ duôi, lãng phí phí thời gian để tâm chạy lăng xăng ra bên ngoài, nhất là việc chia sẻ, hỏi han, kể lể, khoe khoang, la cà trên facebook,… v.v… vì khi đó sẽ gặp nhiều ý kiến của những người tu tập ở các mức độ khác nhau hoặc của người tu tập sai gây nhiễu loạn – chẳng khác gì đẽo cày ở ngã tư đường: có người đem khúc gỗ ra ngã tư đường đông đúc người qua lại, hỏi mọi người cách đẽo cày, mỗi người cho một ý kiến khuyên dạy, anh ta nghe và làm theo ý kiến của mỗi người, cuối cùng chả thành cái gì cả ngoài một đống gỗ vụn vứt đi không ai lấy.

Hãy nhớ lấy câu chuyện “Đẽo cày ở ngã tư đường” này.

Nếu cần hỏi gì để gỡ nút đang mắc kẹt thì hãy hỏi trực tiếp vị thầy hướng dẫn của mình, vị chân nhân thiện tri thức có đầy đủ thẩm quyền và năng lực đáng tin cậy, và cần đối chiếu với lời Phật dạy ghi trong Tam Tạng kinh điển Pali, chớ có bạ ai cũng hỏi – “lắm thầy thì chỉ tổ nhiều ma”, hãy nhớ cho kỹ lời này của cổ đức.

???? Đối với hành giả tu tập theo phương pháp hướng dẫn bởi Trưởng Lão Thiền Sư Mahasi thì vô cùng hữu ích khi học thuộc lòng và thực hành các chỉ dẫn trong bài giảng: “Hướng dẫn thiền sinh trình pháp” của Ngài Trưởng Lão Thiền Sư U Pandita, một thiền sư lỗi lạc tiếp nối Ngài Trưởng Lão Thiền Sư Mahasi, trong đó đã chỉ ra rằng hành giả sẽ trình pháp đúng với Thiền sư khi tuân thủ thực hành nghiêm mật các hướng dẫn chi tiết thực hành đúng đắn Minh sát Tứ niệm xứ, cũng như không bị hoài nghi, bất tín, ảo tưởng chi phối, ám ảnh, chế ngự và hủy hoại công phu hành thiền:

http://phatphapchanthat.blogspot.com/…/huong-dan-thien..

Audio: https://youtu.be

Có thuộc lòng Hướng dẫn thì mới thường xuyên tu tập đúng đắn theo Hướng dẫn.Tinh tấn thuộc lòng Hướng dẫn còn chẳng có, thì nói chi đến việc tinh tấn thực hành đúng đắn để gặt hái thành quả Niết bàn. Hãy nhớ cho kỹ điều này.

Nguyện cho oai đức Tam Bảo hộ trì cho quí vị luôn có được trí tuệ, tinh tấn, kham nhẫn, từ, bi, hỷ, xả trên con đường dẫn đến giác ngộ giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não đạt được hạnh phúc thật, sự tự do thật sự – Niết bàn.

Trong tâm từ,

Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala

CHUYỆN NGỤ NGÔN: ĐẼO CÀY Ở NGÃ TƯ ĐƯỜNG

Chuyện kể rằng có một anh nông dân rất nghèo, cả đời sống bằng nghề đồng áng, anh ta muốn làm một cái cày thật tốt để làm công việc đồng áng năng suất và đỡ vất vả hơn. Một hôm, anh rất vui vì đã khó nhọc kiếm được một cây gỗ tốt nhưng anh chưa làm cái cày bao giờ, anh bèn mang khúc gỗ ra cạnh ngã tư đường, nơi có người thập phương đông đúc qua lại ngồi đẽo với hy vọng sẽ nghe được ý kiến mọi người góp ý để có thể làm được cái cày như mong ước.

Anh đẽo được một lúc thì một người đi qua chê “anh đẽo thế không phải rồi, anh đẽo to quá”, anh nông dân nghe thấy có lý bèn làm theo. Anh làm được một lúc lại có một người đi qua bảo “anh đẽo thế này không cày được đâu, cái đầu cày anh làm to quá….”. Anh nông dân nghe có lý hơn, anh lại chỉnh sửa theo lời khuyên, anh đẽo được một lúc lại một người đi qua nói “anh đẽo thế không ổn rồi, cái cày bác làm dài quá không thuận tay”. Anh nông dân nghe lại có lý hơn, lại chỉnh sửa theo.

Và cuối cùng, hết ngày hôm đấy anh nông dân chỉ còn một khúc gỗ nhỏ, anh không còn cơ hội để đẽo cái cày theo ý mình nữa, cây gỗ quý đã thành một đống củi vụn. Anh buồn lắm nhưng cuối cùng anh đã hiểu: “Đẽo cày giữa ngã tư đường là điều ngu ngốc không nên làm.”

*** Bài học rút ra từ câu chuyện này đối với thiền sinh: Nếu cần hỏi gì để gỡ nút đang mắc kẹt thì hãy hỏi trực tiếp vị thầy hướng dẫn của mình, vị chân nhân thiện tri thức có đầy đủ thẩm quyền và năng lực đáng tin cậy, và cần đối chiếu với lời Phật dạy ghi trong Tam Tạng kinh điển Pali, chớ có bạ ai cũng hỏi – “lắm thầy thì chỉ tổ nhiều ma”, hãy nhớ cho kỹ lời này của cổ đức, cũng như câu chuyện “đẽo cày ở ngã tư đường” này.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app