Chương 20
Cõi giới
-ooOoo-
Chúng ta sanh tử và sau đó chúng ta lại tái sanh. Cõi nào chúng sẽ tái sanh, điều đó vượt ngoài sự hiểu biết của chúng ta; nó tùy thuộc vào nghiệp báo mà nó cho tâm tái tục sau khi tâm tử đã chấm dứt.
Lúc này chúng ta đang sống trong cõi nhân loại. Tuy nhiên, kiếp sống con người thì rất ngắn ngủi. Khi đời sống này chấm dứt, chúng ta không biết cõi nào chúng ta sẽ tái sanh. Ða số người ta không thích suy nghĩ về sự ngắn ngủi của kiếp người; họ bị đam mê vào những gì họ biết qua căn môn và vì thế họ hạnh phúc hoặc đau khổ. Tuy nhiên chúng ta nên ý thức rằng hạnh phúc và đau khổ chỉ là hiện tượng tâm lý phát sanh vì do nhân duyên rồi lại diệt. Cả kiếp sống của chúng ta là một tiến trình sanh và diệt.
Có nhiều tôn giáo giảng về thiên đàng và địa ngục. Có khía cạnh nào khác biệt với đạo Phật? Chúng ta nên tin vào thiên đàng và địa ngục không? Qua lời dạy của Ðức Phật, chúng ta học để hiểu biết sự thật, hiểu nhân quả trong đời sống. Mỗi nhân mang lại những kết quả tương xứng của nó. Người ta thực hiện những hành động thiện ác và những hành động này mang lại những kết quả khác nhau; chúng có thể là nhân tái sanh vào những cõi khác nhau. Cõi là nơi mà người ta tái sanh. Tái sanh trong cõi khổ là kết quả của hành động bất thiện và tái sanh trong cõi an vui là kết quả của hành động thiện. Vì những hành động của chúng sanh có nhiều mức độ thiện ác khác nhau nên những kết quả cũng khác nhau. Có những cõi khổ và những cõi an vui khác nhau.
Bàng sanh là một cõi khổ. Chúng ta có thể thấy, tại sao loài thú cấu xé lẫn nhau và chúng ta cũng thấy rằng bản chất của nó luôn thô bạo. Không chỉ có bàng sanh là cõi khổ mà còn có những cõi địa ngục khác nữa. Trong địa ngục, quả bất thiện dữ dội hơn sự đau khổ trong cõi người mà chúng ta thấy. Sự giải thích về địa ngục trong Phật giáo không chỉ đơn thuần là những biểu tượng; việc cảm nhận về những điều bất lạc qua mắt, tai, mũi, lưỡi và thân căn. Quả bất thiện và quả thiện là sự thật. Ðời sống trong cõi địa ngục thì không có thường hằng; khi kiếp sống của con người trong cõi địa ngục chấm dứt lúc đó, có thể tái sanh trong cõi khác.
Ngoài cõi thú và cõi địa ngục còn có những cảnh khổ nữa. Tái sanh trong cõi ngạ quĩ là do những kết quả của nghiệp bất thiện do tham làm duyên. Những chúng sanh trong cõi này có hình dáng dị thường và chúng luôn đói và khát.
Xa hơn nữa, có cõi A tu la. Những cảnh trần được cảm nhận trong cõi A tu la thì không có thích thú như những cảnh trần được cảm nhận trong cõi người. Như vậy có tất cả 4 cõi khổ.
Tái sanh làm người là một điều hạnh phúc. Trong cõi người có cơ hội để thực hiện thiện pháp. Người ta có thể học pháp và tu tập để đoạn trừ phiền não, chấm dứt sanh tử luân hồi. Tái sanh trong cõi người là kết quả cũa thiện pháp, nhưng trong kiếp sống của con người có cả hai kết quả thiện và bất thiện. Trong đời sống mỗi người, luôn gặp phải cảnh được và thua, tán thán và không tán thán, khen và chê, hạnh phúc và đau khổ. Tất cả những điều này là vì nghiệp, dù người tái sanh trong hoàn cảnh thuận lợi hay không thuận lợi, hoặc gia đình giàu hay nghèo. Việc cảm nhận những điều thuận lợi hay không thu?n lợi qua mắt, tai, mũi, lưỡi và thân căn là những kết quả của nghiệp.
Những cõi an vui khác, ngoại trừ cõi người và những cõi trời. Trong những cõi Trời, có nhiều quả thiện hơn trong cõi người và ít quả bất thiện. Có nhiều cõi Trời, và mặc dù đời sống trong cõi trời có tuổi thọ rất dài, nhưng không có thường hằng. Những cõi khổ, cõi người và 6 cõi trời được gọi là cõi dục giới. Cõi dục giới là cõi có thấy, nghe, ngửi, nếm và đụng qua thân căn và những tâm dục giới khác. Có tất cả 11 cõi dục giới.
Người thấy được sự nguy hiểm do cảm xúc giác quan, họ có thể họ tu tập thiền; có thể tái sanh trong những cõi trời cao hơn mà những cõi đó không phải là cõi dục giới. Người chứng được thiền sắc giới có thể tái sanh trong cõi Phạm thiên sắc giới, ở cõi này ít có những cảm xúc giác quan. Có tất cả 16 cõi Phạm thiên sắc giới. Một trong những cõi này là cõi chúng sanh vô tưởng (Asannàsatta). Ở cõi này chỉ có sắc mà không có danh. Người đạt được những giai đoạn cao nhất của thiền sắc giới và họ không muốn có tâm cho nên họ tái sanh không có tâm, đối với họ thì chỉ có thân. Những chúng sanh này đã thấy những sự nguy hiểm của tâm; thậm chí hạnh phúc thì cũng là sự nguy hiểm bởi vì nó không có tồn tại.
Người thấy được sự nguy hiểm của sắc pháp họ có thể tu tập thiền vô sắc giơí. Nếu họ chứng đắc thiền vô sắc giới họ có thể tái sanh trong cõi Phạm thiên vô sắc giới, ở cõi này không có sắc. Có 4 cõi Phạm thiên vô sắc giới. Những chúng sanh tái sanh trong những cõi này chỉ có danh mà không có sắc. Người ta có thể tự hỏi, làm thế nào những chúng sanh chỉ có thể có sắc hoặc những chúng sanh chỉ có danh. Khi hiểu biết đúng đắn về danh và sắc chúng ta đã tu tập được những pháp chân đế, chúng ta sẽ thấy chúng như là tứ đại phát sanh vì những nhân duyên không có chúng sanh, con người và bản ngã. Do đó chúng ta sẽ không còn hoài nghi nữa, qua những điều kiện thích hợp trình bày ở trên chúng ta thấy rằng có thể có sắc mà không có danh và có danh mà không có sắc.
Có tất cả 31 cõi:
4 cõi khổ 1 cõi người 6 cõi chư thiên |
11cõi dục giới |
16 cõi phạm thiên sắc giới 4 cõi phạm thiên vô sắc giới |
Chúng ta xem trong Tăng Chi Bộ Kinh (pháp 7 chi, chương VI, 9a, ngũ dục) về giá trị của những hành động thiện. Chúng có thể mang lại những kết quả an lạc trong thời gian rất dài và là nguyên nhân tái sanh trong những cõi an vui khác nhau. Chúng ta thấy rằng Ðức Phật dạy cho chư Tỳ khưu về những tiền kiếp của Ngài trong những cõi an vui khác nhau. Ðức Phật dạy:
Này chư Tỳ khưu, chớ có sợ hãi các công đức, đồng nghĩa với an lạc chính là các công đức. Này các Tỳ khưu, ta thắng trí rằng, các công đức được làm lâu ngày có quả dị thục, có sự hình thành khả ái, khả hỷ, khả ý lâu dài.
Trong bảy năm Ta tu tập từ tâm, sau khi tu tập từ tâm, trong bảy thành kiếp, hoại kiếp, Ta không trở lui lại thế giới này. Khi thế giới ở trong kiếp thành, Ta đi đến thế giới Quang lâm thiên, khi thế giới ở trong kiếp hoại, Ta sanh trong Phạm cung trống không. Này các Tỳ khưu, ở đấy Ta là Phạm thiên, đại Phạm thiên, vị Chiến thắng, vị Vô năng thắng, vị Biến tri, vị Tự tại. Ba mươi sáu lần Ta là thiên chủ Sakka. Nhiều hơn bảy lần, Ta là vị Chuyển luân vương theo chánh pháp, là vị Pháp vương, Bậc Chiến thắng bốn phương, đạt được sự thanh bình cho quốc độ đầy đủ bảy báu…
Như chúng ta thấy, thực tế là những chúng sanh tái sanh trong những cõi khác nhau là do nghiệp của họ. Cõi là nơi mà con người tái sanh. Cõi thì không giống như cảnh giới của tâm. Có những cảnh giới của tâm tùy thuộc vào cảnh mà tâm biết. Có bốn cảnh giới cuả tâm là:
1/- Tâm dục giới
2/- Tâm sắc giới
3/- Tâm vô sắc giới
4/- Tâm siêu thế
Tâm dục giới có thể được phân tích như là những tâm vô tịnh hảo và tâm dục giới tịnh hảo. Chúng phát sanh trong cõi nào?
Những tâm dục giới phát sanh trong ba mươi cõi, chúng không phát sanh trong cõi vô tưởng, nơi đó không có danh, ch? có sắc. Mặc dù trong những cõi Phạm thiên vô sắc giới vẫn có những tâm dục giới.
Ðối với những tâm dục giới tịnh, chúng có thể phát sanh trong những cõi khổ. Xa hơn, chúng có thể phát sanh trong cõi người, cõi Chư Thiên, cõi Phạm thiên sắc giới và cõi Phạm thiên vô sắc giới. Chúng phát sanh trong ba mươi cõi ngoài trừ cõi vô tưởng. Tuy nhiên tất cả những loại này không phát sanh trong tất cả cõi.
Ðối với những tâm vô tịnh hảo, chúng có thể phát sanh trong ba mươi cõi, nhưng không phải những loại tâm này phát sanh trong tất cả cõi. Tâm tham căn có thể phát sanh trong ba mươi cõi; cho dù cõi Phạm thiên sắc giới và cõi Phạm thiên vô sắc giới tâm tham căn cũng có thể phát sanh. Tâm sân căn phát sanh trong mười một cõi dục giới. Nó dính mắc vào trần cảnh mà nó thì làm duyên cho sân hận; khi người ta không đạt được điều mình mong muốn thì họ sân hận. Những tâm sân căn không phát sanh trong cõi phạm thiên sắc giới và những cõi phạm thiên vô sắc giới. Cho đến chừng nào những chúng sanh sống trong cõi Phạm thiên sắc giới và Phạm thiên vô sắc giới không có những nhân duyên cho sự sân hận. Tâm si căn có thể phát sanh trong ba mươi cõi; những người không phải là bậc A La Hán vẫn có tâm si và do đó tâm si căn phát sanh trong tất cả cõi, ngoại trừ trong cõi vô tưởng.
Như chúng ta đã biết, không những tâm bất thiện mà còn có những tâm vô nhân là những tâm vô tịnh hảo. Ðối với những tâm vô tịnh hảo chúng là vô nhân, tâm vô nhân phát sanh trong tiến trình tâm biết cảnh qua một trong những căn môn, chúng có thể chỉ phát sanh trong những cõi mà ở đó có những cảm xúc giác quan. Nhãn thức và nhĩ thức phát sanh trong 11 cõi và chúng cũng phát sanh trong 15 cõi phạm thiên thiên sắc giới, do đó chúng phát sanh trong 26 cõi. Chúng không phát sanh trong cõi Phạm thiên vô sắc giới vì ở cõi đó không có sắc pháp.
Tỷ thức, thiệt thức và thân thức chỉ phát sanh trong 12 cõi dục giới. Cho nên chúng không phát sanh trong cõi Phạm thiên sắc giới và Phạm thiên vô sắc giới.
Tâm khán ngũ môn, tâm tiếp thu và tâm quan sát phát sanh trong tất cả những cõi có cảm xúc giác quan, như vậy chúng phát sanh trong 26 cõi: 11 cõi dục giới, và 15 cõi Phạm thiên sắc giới ngoại trừ cõi vô tưởng.
Tâm khán ý môn phát sanh trong tất cả những cõi có danh pháp, do đó nó phát sanh trong 30 cõi.
Người ta muốn tìm hiểu về nơi mà người ta sẽ tái sanh. Chúng ta muốn tái sanh trong cõi người hay không? Chúng ta dính mắc đời sống trong cõi người và thường thường chúng ta không quan tâm nhiều về những quả bất thiện mà chúng ta đã tạo trong cõi này: chúng ta bị đe dọa bởi những tai họa như chiến tranh và đói khát, già, bịnh và chết. Một số người muốn tái sanh trong cõi Trời họ thích biết những điều lạc thú qua các căn. Người ta muốn tái sanh trong cõi Trời, nhưng được hay không điều này sẽ tùy thuộc vào nghiệp lực của chúng ta. Tái sanh là quả của nghiệp không có điều gì xảy ra mà không có nguyên nhân. Nếu người ta thực hiện những hành động thiện và tu tập những nhân lành điều đó sẽ mang lại những kết quả tốt đẹp nhưng không có phương pháp nào để nhận biết lúc nào những kết quả sẽ xảy ra, điều này vượt ra ngoài sự hiểu biết của chúng ta.
Chúng ta có sợ chết hay không? Ða số người ta muốn kéo dài đời sống của họ. Họ sợ chết bởi vì họ cảm thấy tương lai không chắc chắn. Người phàm phu có thể tái sanh trong cõi địa ngục. Chúng ta không thích tái sanh trong cõi khổ, nhưng có thể những hành động bất thiện đã làm trong quá khứ có thể làm nhân cho sự tái sanh trong địa ngục. Thậm chí ngay cả Ðức Phật lúc ngài còn Bồ tát ngài vẫn tái sanh trong cõi địa ngục [1]. Suy nghĩ về địa ngục với tâm bực bội và lo sợ thì thật là vô ích, nhưng suy nghĩ về địa ngục để nhắc nhở chúng ta làm điều thiện thì thật là hữu dụng.
Chúng ta xem trong Tương Ưng Bộ Kinh (V, Mahàvagga, Tương Ưng Dự Lưu, chương VI,§4, việc viếng thăm người bịnh) lúc Ðức Phật ngự ở dòng họ Thích Ca ở Kapilavatthu, trong vườn tre, Mahànàma hỏi Ðức Phật làm cách nào người cư sĩ có trí bị bịnh cần phải được an ủi bởi người cư sĩ có trí khác. Ðức Phật dạy:
Này Mahànàma, một người cư sĩ có trí bị bệnh…phải được an ủi bởi người cư sĩ có trí khác bằng bốn pháp an ủi như sau: “Bạn hữu hãy an tâm, với lòng tịnh tín bất động của bạn đối với Ðức Phật: Ngài là Thế Tôn, bậc A La hán, Chánh Ðẳng Chánh Giác … thầy của Chư Thiên và nhân loại, Phật và Thế Tôn. Bạn hữu hãy an tâm, với lòng tịnh tín bất động của bạn đối với giáo pháp… Bạn hữu hãy an tâm, với lòng tịnh tín bất động của bạn đối với chúng Tăng…Bạn hữu hãy an tâm với các giới của bạn đã được các bậc thánh trao truyền. . .Này Mahànàma, người cư sĩ có trí bị bệnh… phải được an ủi do người cư sĩ có trí khác với 4 pháp an ủi cần phải được nói như sau.
Bạn hữu có lòng thương nhớ cha mẹ không? Nếu vị ấy nói: “-Tôi còn có lòng thương nhớ cha mẹ thời nên nói với vị ấy như sau: “-Thưa bạn hữu, bạn hữu làm thế nào, làm thế nào rồi cũng phải chết. Dầu bạn hữu có lòng thương nhớ cha mẹ, rồi bạn hữu sẽ cũng phải chết. Dầu bạn hữu không có lòng thương nhớ cha mẹ, bạn hữu cũng sẽ chết. Vậy tốt hơn là bạn hữu hãy từ bỏ lòng thương nhớ đối với cha mẹ của bạn hữu.”
Nếu vị ấy nói: “Lòng thương nhớ của tôi đối với cha mẹ, lòng thương nhớ ấy đã được đoạn tận”, vị ấy cần phải nói như sau: “Bạn hữu có lòng thương nhớ vợ con hay không, dầu bạn hữu có lòng thương nhớ vợ và con rồi cũng phải chết. Vậy tốt hơn là bạn hữu hãy từ bỏ lòng thương nhớ đối với vợ và con của bạn hữu.”
Nếu vị ấy nói như sau: “Lòng thương nhớ của tôi đối với vợ con, lòng thương nhớ ấy đã được đoạn tận”, vị ấy cần phải được nói như sau: “Bạn hữu có lòng thương tiếc năm dục của loài người không?”
Vị ấy nói như sau: “Tôi có lòng thương nhớ 5 dục công đức của loài người”, vị ấy cần phải được nói như sau: “Các thiên dục đối với nhân dục còn tốt hơn, còn thù diệu hơn. Vậy tốt hơn bạn hữu hãy từ bỏ tâm khỏi nhân dục và hướng tâm đến Tứ đại thiên vương.”
Vị ấy nói như sau: “Tâm tôi đã từ bỏ nhân dục và hướng tâm đến Tứ đại thiên vương”, vị ấy cần được nói như sau: “Chư thiên ở cõi 33 còn thấp hơn, còn thù diệu hơn Tứ đại thiên vương… và hướng tâm đến cõi Trời 33… Chư Thiên Dạ ma… Chư Thiên hóa lạc… Chư Thiên tha hóa tự tại… còn tốt hơn, còn thù diệu hơn Chư Thiên cõi trời 33. Tốt hơn bạn hữu hãy thích nghi tâm của mình vào cõi Phạm thiên.”
Như vậy tâm của người bịnh thích nghi như vậy thời vị ấy nói: “Này bạn hữu, ngay cả cõi Phạm thiên thì cũng vô thường, không trường tồn, bị thân kiến giới hạn. Tốt hơn này bạn hữu, nếu bạn khởi tâm của bạn từ bỏ cõi Phạm thiên và hướng tâm đến đoạn diệt thân kiến.”
Nếu vị ấy nói như sau: “Tâm tôi đã từ bỏ Phạm thiên giới và hướng đến đoạn diệt thân kiến”, người cư sĩ nói như vậy, này Mahànàma, và vị Tỳ khưu có tâm giải thoát khỏi các lậu hoặc. Ta nói rằng không có gì sai biệt tức là về phương diện giải thoát.”
Cảnh tượng tái sanh thì thật là khủng kiếp. Không tái sanh trong tất cả các cõi thì hạnh phúc biết bao. Nếu ai không muốn tái sanh thì phải phát huy những sự hiểu biết đúng đắn về những pháp chân đế để nhận chân được Tứ diệu đế, làm như vậy, người đó mới thực sự đi trên con đường dẫn đến chấm dứt tái sanh.
Chân lý đầu tiên là khổ đế. Ví dụ, nếu chúng ta biết rằng thấy ở khoảnh khắc này, nghe, tham đắm hay là bất cứ danh pháp và sắc pháp khác, chúng xuất hiện bây giờ chỉ là giới thôi, mà nó thì sanh và diệt, chúng ta phải hiểu biết nhiều hơn về khổ đế. Ðiều gì sanh và diệt thì chúng không thể nào hạnh phúc được. Chân lý thứ hai là nguồn gốc của đau khổ. Nguồn gốc của đau khổ chính là ái dục. Nhờ tu tập Bát chánh đạo nên chúng ta giảm bớt ái dục, ít dính mắc vào danh và sắc. Cuối cùng thì không còn ái dục, chấm dứt tái sanh và như vậy khổ đau không còn nữa. Chân lý thứ ba là diệt đế, diệt đế tức là Níp bàn và chân lý thứ tư là con đường dẫn đến chấm dứt đau khổ, mà con đường này gọi là Bát chánh đạo.
Chúng ta xem trong Kinh Ðại Bát Níp bàn (Trường bộ II, số 16, chương II, 1-4)
… Thế Tôn cùng với đại chúng Tỳ khưu đi đến Kotigàma. Tại đấy, Thế Tôn ở tại Kotigàma.
Thế Tôn nói với các vị Tỳ khưu: “Này các Tỳ khưu, chính vì không giác ngộ, không thông hiểu Bốn thánh đế mà chúng ta phải lưu chuyển luân hồi lâu năm, ta và các ngươi!”
Bốn Thánh đế ấy là gì?
“Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Ðạo đế. Nhưng khi những Thánh đế này được giác ngộ, được thông hiểu, thời Hữu ái được diệt trừ, sự dẫn dắt đến một đời sống được đoạn tuyệt, nay không còn tái sanh nữa.”
CÂU HỎI:
1/- Tại sao Giáo pháp của Ðức Phật đề cập về địa ngục?
2/- Cõi là gì?
3/- Sự khác nhau giữa cảnh giới của tâm và cõi là gì?
4/- Cõi người là cõi dục giới. Trong cõi người chỉ có tâm dục giới phải không?
5/- Cõi Phạm thiên sắc giới không phải là cõi dục giới. Có thể có những tâm dục giới trong cõi Phạm thiên sắc giới không? Nếu phải, tất cả những loại đó là gì?
Chú thích:
[] Ðiều này xem trong câu chuyện tiền thân Mùgapakkha,VI, số 538.
-ooOoo-