Chương 5
Những mức độ khác nhau của Tâm Tham
-ooOoo-
Tham dẫn đến đau khổ. Nếu chúng ta thật sự hiểu biết điều này, chúng ta muốn đoạn trừ tham. Tuy nhiên đoạn trừ tham không thể thực hiện ngay được. Chúng ta có thể đè nén tham trong chốc lát, nhưng nó có thể xuất hiên trở lại khi có những điều kiện thích nghi cho sự phát sinh của nó. Mặc dù chúng ta biết rằng tham dẫn đến đau khổ, nó sẽ phát sinh nhiều lần. Nhưng có một phương pháp để đoạn trừ nó: có thể đoạn trừ bằng trí tuệ, thấy những điều gì khi tham phát sinh.
Khi chúng ta nghiên cứu những tâm tham chi tiết hơn, nó sẽ giúp chúng ta biết về bản ngã. Chúng ta không những biết về tâm tham thô thiển mà còn những mức độ tâm tham vi tế. Chúng ta xem Tương Ưng Bộ Kinh (I, Sagàthà-vagga IX, kinh khu rừng, 14):
Một thời, có một vị Tỳ khưu trú trong nhóm dân xứ Kosala ở một khu rừng. Lúc bấy giờ vị Tỳ khưu ấy sau khi dùng ngọ trên con đường đi khất thực trở về, vị ấy xuống ao sen, ngửi hương của hồng sen. Lúc ấy có một vị trời cư ngụ tại khu rừng đó, vì thương xót vị Tỳ khưu, muốn hạnh phúc, và muốn cảnh giác vị ấy, liền đi đến gần và nói lên bài kệ:
“Hoa sen sinh ra từ nước
Không cho sao ngài ngửi trộm
Ðây là hình thức trộm cắp
Dạ thưa ngài tôi sẽ gọi
Ngài là người trộm hương sen”.
(Vị Tỳ khưu đáp:)
Tôi không lấy và không bẻ
Chỉ đứng xa ngửi hương thôi
Vậy do duyên nào gọi tôi
Là kẻ trộm hương hồng sen?
Người nào đào rể củ sen
Sử dụng các hình thức sen
Do những hành vi làm vậy
Sao không gọi họ trộm hương?
(Vị trời nói:)
“Người tàn bạo và hung ác
Giống như những vật ô uế
Với người hành động như vậy
Lời ta nói không ảnh hưởng.
Nhưng chính ngài là Sa môn
Lời ta nói lại thích hợp
Với ngài là bậc thanh tịnh
Thường mong cầu việc thiện sự:
Với người làm việc bất lương
Trông nhỏ như đầu sợi lông
Vì ngài là đại Sa môn
Giống như trời cao biển rộng ……”
Chúng ta cũng nên biết tâm tham vi tế hơn phát sinh, khi chúng ta thích ngửi hương thơm hoặc nghe những bài nhạc hay. Ðiều này dường như không phải là tâm bất thiện khi chúng ta không hãm hại người khác, nhưng đó là tâm tham vi tế nên cũng là tâm bất thiện; điều này khác với việc làm bố thí là hành động thiện. Chúng ta không thể cho rằng là mình không có tham, nhưng chúng ta có thể nhận thức tướng trạng của tham khi nó xuất hiện.
Không những kinh điển mà còn cả luật tạng dẫn chứng những ví dụ về tâm tham vi tế hơn. Mỗi lời dạy của Tam tạng có thể giúp chúng ta hiểu rõ mình hơn. Khi chúng ta xem Giới luật chúng ta thấy rằng, thậm chí những vị Tỳ khưu có đời sống tri túc nhưng tâm tham vẫn còn. Mỗi lần chư Tỳ khưu phẩm hạnh không thanh tịnh, giới luật được ban hành để giúp chư vị gìn giữ tốt hơn. Như vậy chúng ta có thể hiểu lợi ích của giới luật, mà ngay cả giới luật cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng những chi tiết nhỏ nhất về phẩm hạnh của Tỳ khưu. Giới luật giúp cho chư Tỳ khưu có chánh niệm ngay khi thực hiện những hành động thông thường trong đời sống hằng ngày như ăn, uống, mặc y, mang bát. Có những giới luật dường như cấm những việc làm vô tội như đùa giởn với nước (phạm ưng đối trị 53) hoặc chọc ghẹo những vị Tỳ khưu khác. Những hành động được làm như vậy không phải là tâm thiện mà là tâm bất thiện.
Chúng ta xem trong Luật tạng (III, Suttavibhanga, Ưng đối trị, 85) những vị Tỳ khưu không nên đi vào trong làng phi thời. Ðó là lý do khiến cho chư vị dễ nói chuyện phàm tục. Chúng ta xem:
Lúc bấy giờ có sáu vị Tỳ khưu, sau khi đi vào làng phi thời, ngồi xuống trong phòng, nói nhiều chuyện phàm tục, chư vị nói chuyện về vua chúa, trộm cướp, thừa tướng, quân đội, sợ hãi, chiến tranh, thức ăn, thức uống, quần áo, chỗ ngủ, vòng hoa, hương thơm, thân tộc, xe cộ, làng mạc, thành thị, thôn quê, quốc độ, phụ nữ, rượu chè, đường xá, giếng nước, chuyên đề, tiên đoán về thế gian, về biển cả, hiện hữu và không hiện hữu như vậy…
Ðoạn luật trên cũng rất hữu ích cho người đời. Chúng ta không thể nào tránh khỏi việc nói chuyện về những vấn đề thế tục, nhưng chúng ta nên biết rằng, những chuyện của chúng ta nói, thậm chí nó dường như vô tội, thường được thúc đẩy do tâm tham căn hoặc tâm sân căn. Ðể biết chính mình, chúng ta nên khám phá những loại tâm gì thúc đẩy chúng ta nói chuyện.
Mỗi khi tâm tham căn phát sinh, tham được tích lũy. Khi có những điều kiện, tham tạo tác hành động do thân, khẩu, ý. Khi chúng ta thấy tâm tham thì chúng ta có ý định phát huy trí tuệ và cuối cùng sẽ dẫn đến đoạn trừ tâm tham.
Những việc làm ác, tiếng Pàli gọi là Bất thiện nghiệp (Akusala-kamma). Nghiệp là sở hữu tâm mà nó cũng là Tác ý (Cetanà). Tuy nhiên, danh từ nghiệp cũng được sử dụng trong ý nghĩa phổ thông cho những hành động có tác ý. Thuật ngữ nghiệp đạo (Kammapatha) theo nghĩa đen “tiến trình của hành động” cũng được sử dụng trong ý nghĩa nầy. Có nghiệp bất thiện và nghiệp thiện do thân khẩu ý tạo tác. Có 10 loại nghiệp bất thiện và những nghiệp do tham, sân, si làm nhân. Sở hữu si câu sinh với tất cả tâm, nó là nguồn gốc của tất cả ác nghiệp. Như vậy bất cứ khi nào nghiệp bất thiện phát sinh thì phải có si. Ðôi khi một số bất thiện nghiệp có thể thực hiện với tâm tham căn, đôi khi với tâm sân căn. Do đó khi chúng ta thấy người khác tạo ác nghiệp, chúng ta không biết chắc đó là là loại tâm nào thúc đẩy làm như vậy.
Có 10 loại bất thiện nghiệp là:
Sát sinh
Trộm cắp
Tà dâm
Nói dối
Nói đâm thọc
Nói lời thô lỗ
Nói nhảm nhí
Tham ác
Sân ác
Tà kiến
Sát sinh, trộm cắp, tà dâm, ba loại nghiệp bất thiện này do thân tạo tác. Nói dối, nói đâm thọc, nói lời thô lỗ, nói nhảm nhí là 4 loại nghiệp bất thiện do khẩu tạo tác. Tham ác, sân ác và tà kiến là 3 loại nghiệp bất thiện do ý tạo tác. Ðối với bất thiện nghiệp do thân như sát sinh là do tâm sân căn. Trộm cắp đôi khi có thể tạo do tâm tham căn và đôi khi do tâm sân căn. Người ta làm với tâm tham căn, nếu ai muốn lấy của không cho để thụ hưởng. Người ta làm với tâm sân căn là người ấy muốn cho người khác bị thiệt hại. Tà dâm là do tâm tham căn sai khiến.
Ðối với nghiệp bất thiện do khẩu tạo tác liên quan với nói dối, nói đâm thọc và nói nhảm nhí là do tâm tham căn sai khiến, nếu ai muốn đạt được điều gì cho mình, hoặc ai muốn làm thõa mãn người khác. Ðối với việc nói dối chúng ta có thể nghĩ nói dối không làm thiệt hại ai gọi là nói dối vô tội hoặc lời nói đùa. Tuy nhiên tất cả những loại nói dối đều do tâm bất thiện sai khiến. Chúng ta xem Kinh Giáo Giới Ràhulà tại làng Ambalatthikà(Trung Bộ Kinh, tập 2, số 61, Phẩm Tỳ khưu), Ðức Phật dạy cho Ràhulàvề sự nói dối như sau:
Cũng vậy, này Ràhulà, đối với ai cố ý nói dối mà không có tàm úy, ta nói rằng không có hành động ác nào mà người đó không làm. Do vậy này Ràhulà “con sẽ không nói dối dầu chỉ nói chơi” – này Ràhulà đây là điều con phải học tập.
Nói dối cũng có thể được làm do tâm sân căn và đây là trường hợp khi ai muốn hãm hại người khác.
Ðối với lời nói đâm thọc, chúng ta có ý định nói về những người khác. Khi không có ý định làm mất uy tín của người khác, đó không phải là nghiệp bất thiện. Tuy nhiên, khi nói về người khác trở thành một thói quen thì dễ có thể trở thành một cơ hội cho nghiệp bất thiện. Loại bất thiện nghiệp này do tâm tham căn thực hiện. Nếu một người nói đâm thọc để thành đạt điều gì cho mình hoặc làm vui lòng người khác. Nếu ai muốn hãm hại người khác thì việc làm đó do tâm sân căn thực hiện. Chúng ta không quen nói về những người khác và phê bình họ, vì chúng ta thấy chính mình và những người khác giống như hiện tượng sinh diệt. Lúc chúng ta nói về việc làm của những người khác, những hành động này đã diệt rồi; những gì họ nói hay làm không còn tồn tại nữa.
Lời nói thô lỗ được nói do tâm sân căn. Nói lời nhảm nhí là nói về những điều vô ích và vô nghĩa. Những loại ngôn từ này có thể được nói do tâm tham căn hoặc do tâm sân căn. Nói lời nhảm nhí thường không phải là nghiệp bất thiện. Nó có thể tạo tác với tâm bất thiện mà không có sức mạnh của nghiệp bất thiện.
Ðối với nghiệp do ý, sân ác thì do tâm sân căn sai khiến (cố ý làm hại người khác); tham và tà kiến là do tâm tham căn sai khiến [1]. Nghiệp bất thiện thì tham khi lấy của không cho. Ðối với tà kiến thì có nhiều loại. Một là Vô nhân kiến (Ahetuka-ditthi), tin rằng không có nhân quả trong đời sống của chúng sinh và không có nhân làm thanh tịnh hoặc ô nhiễm. Hai là Vô hành kiến (Akiriyàditthi), tin rằng không có hành động thiện và bất thiện để trổ quả. Ba là Vô hữu kiến (Natthikaditthi), tin rằng không có quả của nghiệp và không có sinh tử luân hồi.
Những mức độ tham thì dù thô hay vi tế tất cả đều dẫn đến đau khổ. Chừng nào chúng ta còn tham đắm và dính mắc vào cảnh hiện tại như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm thì lúc đó chúng ta giống như những kẻ nô lệ. Chúng ta chưa giải thoát nếu hạnh phúc còn lệ thuộc vào hoàn cảnh mà chúng ta bị tham đắm và dính mắc vào việc cư xử. Có lúc người ta tử tế với mình nhưng lúc khác họ không vui vẻ với mình. Nếu chúng ta xem quá trọng tình cảm của người, tâm ta dễ bị phiền nhiễu và như vậy chúng ta sẽ trở thành những kẻ nô lệ cho phiền não.
Chúng ta có thể trở nên tự do và thoải mái hơn nếu chúng ta nhận thức rằng, cả chúng ta lẫn người khác chỉ là danh và sắc, chúng sinh rồi lại diệt. Khi người khác nói điều không vui với chúng ta, đó là điều kiện khiến họ nói như vậy và đó cũng điều kiện khiến chúng ta nghe những lời nói đó. Những hành vi của người khác và những phản ứng của chúng ta là pháp hữu vi mà chúng thì không tồn tại. Lúc chúng ta suy nghĩ về những hiện tượng nầy thì chúng đã diệt rồi. Sự phát huy của tuệ quán là con đường trở nên ít lệ thuộc vào sự thăng trầm của cuộc đời. Khi chúng ta nhận thức nhiều về giây phút hiện tiền, chúng ta ít quan tâm đến cách cư xử của người khác.
Vì tham đã ăn sâu vào tâm thức của chúng ta, nên chỉ có thể đoạn trừ bằng những giai đoạn khác nhau. Tà kiến phải đoạn trừ trước tiên. Bậc thánh Tu đà huờn đã đoạn trừ tà kiến. Vị ấy đã tu tập trí tuệ và nhận thức rằng vạn pháp chỉ là danh và sắc – vô ngã. Vì vị ấy đã đoạn trừ tà kiến, tâm tham căn tương ưng tà kiến không phát sinh nữa. Như chúng ta biết có 4 loại tâm tương ưng tà kiến (Ditthigatasampayutta) và 4 loại tâm bất tương ưng tà kiến (Ditthigatavippayutta). Ðối với bậc thánh Tu đà huờn, 4 loại tâm tham căn bất tương ưng tà kiến vẫn còn phát sinh; vị ấy chưa diệt các loại tham ái ấy. Bậc thánh Tu đà huờn vẫn còn ngã mạn. Ngã mạn có thể phát sinh với 4 loại tâm tham căn bất tương ưng tà kiến. Ngã mạn là chấp chặt định kiến hơn thua với người khác, ví dụ khi người ta chấp chặt định kiến có trí tuệ hơn người. Ðó là ngã mạn. Khi chúng ta chấp chặt định kiến mình kém hơn người, đó không phải là điều thiện; đó là tâm ngã mạn. Ngã mạn đã ăn sâu vào tâm thức, đoạn trừ nó chỉ có bậc thánh A la hán.
Bậc thánh Tư đà hàm, tham nhẹ đi. Bậc thánh A na hàm không còn tham ái ngũ trần, nhưng các ngài vẫn còn ngã mạn và tái sinh. Bậc thánh A la hán đã đoạn tận hoàn toàn mọi hình thức tham ái.
Bậc thánh A la hán đã giải thoát hoàn toàn bởi vì các ngài đã đoạn tận tất cả phiền não. Chúng ta xem trong Tương Ưng Bộ Kinh (IV, Phẩm sáu xứ, 50 kinh thứ ba, chương IV, 136, Không thâu nhiếp). Ðức Phật dạy cho chư Tỳ khưu, trong khi ngài ngụ giữa dân chúng Sakkas ở tại Devadaha:
Này chư Tỳ khưu, chư thiên và nhân loại thích thú trong sắc và bị sắc lôi kéo. Khi sắc thay đổi, đi đến đoạn tận, tiêu diệt, này chư Tỳ khưu, lúc đó chư thiên và nhân loại đau khổ. Họ thích thú trong thinh, hương, vị, xúc, pháp và những thứ đó lôi kéo họ. Khi nó đổi thay, đi đến đoạn tận, tiêu diệt, này chư Tỳ khưu, lúc đó chư thiên và nhân loại sống đau khổ.
Nhưng này chư Tỳ khưu, Như Lai, bậc A la hán, Chánh đẳng giác, thấy chúng như thật, cả sự sinh lẫn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của cảnh sắc – Ngài không thích thú, không hoan hỷ, không bị sắc lôi cuốn. Khi sắc thay đổi, đi đến đoạn tận, tiêu diệt, llúc đó Như Lai sống an lạc …
Ðức Phật và chư vị A la hán đã đoạn tận tất cả tham ái đối với cảnh trần. Các ngài đã thể nhập vào bản chất thực của các pháp hữu vi mà pháp hữu vi thì vô thường sinh diệt. Bậc thánh A la hán không còn sinh tử luân hồi và do đó các ngài sống an lạc.
CÂU HỎI:
1/- Khi tác ý không bố thí, trì giới hoặc tu tiến người ta có thể thực hiện việc làm bằng tâm thiện không?
2/- Sở hữu nào là nghiệp?
3/- Mười bất thiện nghiệp là gì?
4/- Các loại tà kiến là nghiệp bất thiện chăng?
5/- Tại sao tham ái luôn luôn dẫn đến đau khổ?
6/- Ai đã đoạn tận tất cả các loại tham ái?
Chú thích:
[] Như chúng ta thấy (trong chương 4) tà kiến câu sinh với tâm tham căn. Bất cứ khi nào có tà kiến là có tham.
-ooOoo-