Tâm(1) đi trước(2) các pháp(3),
Tâm chủ (4) duy tâm tác(5)
Nếu bằng tâm nhơ đục(6)
Nói năng hoặc hành vi(7)
Khổ sẽ theo người (8) như,
Bánh xe chân bò giật (9)
Dịch:
“Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.”
CHÚ GIẢI.
(1) Tâm hay ý (mano) trong kệ ngôn nầy chính là tâm (citta) trong Thắng Pháp tập yếu (Abhidhammatthasaṅgaha), theo đó phân loại thì có Tứ địa tâm (Catubbhūmikacitta), là tâm trong bốn giới, nhất là Dục giới bất thiện tâm (Kāmāvacara-akusalacitta) nếu y cứ theo tâm của vị y sĩ, phát sanh lên trong lúc tạo nghiệp ác mà định nghĩa cho phân minh chính xác, thì chữ tâm trong câu Pháp Cú nầy là tâm Câu hữu ưu tương ưng hận (domanassasahagataṃ paṭighasampayuttacittaṃ).
(2) Đi trước (pubbaṅgamā), nghĩa là dẫn đầu và đi chung một thể.
(3) Các pháp (Dhammā), căn cứ trên đặc tánh không phải là chúng sanh (Nissatta) không có mạng sống (Nijjīva). Theo nghĩa tổng quát trong Kinh Tạng thì có bốn pháp tất cả là: Pháp (Dhamma – thiện tâm), phi pháp (Adhamma – bất thiện tâm) và hai Dị thục quả tâm (Vipākacitta). Có Phật ngôn giải về đặc tính các pháp như sau:
“Na hi dhammo adhammo ca,
Ubho samavipākino;
Adhammo nirayaṃ neti,
Dhammo pāpeti sugatin’ ti’’.
“Pháp cùng phi pháp chẳng đồng,
Thì Tâm dị thục cũng không ngang hàng.
Pháp đưa lên cõi thiên đàng,
Phi pháp dắt xuống suối vàng âm ti”.
Ngoài ra chữ Pháp có nhiều nghĩa khác nhau nữa, chẳng hạn như: Trong kinh có chỗ Đức Phật nói: “Nầy chư Tỳ khưu, Như Lai sắp thuyết cho các ông nghe thời pháp tuyệt diệu cả đoạn đầu…”. Thì chữ Pháp chỗ đó có nghĩa là bài thuyết pháp. Ở một chỗ khác Đức Phật nói: “Nầy các Tỳ khưu, nơi đây có một số con nhà gia giáo (kulaputta) đã học thuộc lòng pháp…”. Thì chữ Pháp ở đây có nghĩa là Phật ngôn, Kinh kệ, gọi chung là Pháp bảo vậy.
Cũng có chỗ Đức Phật nói: “Có những Pháp, có những uẩn…”. Thì những pháp ấy gọi là phi chúng sanh Pháp (Nissattadhammo). Những pháp vô sanh mạng (Nijjīvadhammo) cũng đồng một nghĩa lí như thế. Giải rộng ra thêm nữa, thì những pháp có hai đặc tính trên đây gồm có ba Vô sắc uẩn là: Thọ uẩn, tưởng uẩn và hành uẩn.
Tâm (tức là thức uẩn) dẫn đầu tất cả những Tâm sở kia, cho nên có tiếng nói là tâm đi trước các pháp. Chú giải KINH PHÁP CÚ – Quyển 1 Trang 19
Vì sao đồng đi chung với các sỡ hữu tâm (Cetasika), đồng một vật (Vatthu), đồng một cảnh (Ārammaṇa), đồng sanh lên trong một sát na (Ekakhaṇa) mà gọi là tâm đi trước. Vì do tâm làm chuyên sanh khởi các pháp vậy, cũng ví như có nhiều kẻ cướp đồng một lượt xông vào giết hại cướp bóc trong làng xã chẳng hạn, thì thử hỏi: “Ai là kẻ cầm đầu bọn cướp lúc đó?”. Cố nhiên kẻ làm duyên khởi cho chúng nương theo mà tạo nghiệp cướp bóc ấy, kẻ ấy dù là bạn hay cái chi cũng có thể gọi là kẻ cầu đầu. Ta nên trả lời câu hỏi trên đây một cách đầy đủ như vậy. Do lẽ làm duyên khởi cho các Pháp sanh lên mà gọi là tâm đi trước các Pháp. Quả thật không bao giờ có pháp sanh lên khi tâm chưa sanh, nhưng trái lại tâm vẫn sanh lên được mặt dù có một vài nhóm sỡ hữu tâm chưa sanh.
(4) Tâm chủ (Manoseṭṭhā): Do vì tâm làm chúa các pháp Vô sắc nên nói là tâm chủ. Theo ví dụ trên, tên đầu đảng của bọn cướp là chúa tướng, là chủ của bọn chúng như thế nào, thì nơi đây là tâm ác chỉ các pháp (ác) cũng như thế.
(5) Duy tâm tác (Manomayā): Khi ta dùng gỗ chẳng hạn, để sản xuất các thứ đồ mộc khác nhau, nhưng tựu trung cũng chỉ là của gỗ là bản chất, ta quen nói các món đồ gỗ ấy làm bằng gỗ (dārumayā) cũng đồng một cách như thế, các pháp Vô sắc đều do tâm mà sanh ra, có tâm là bản thể, ta cũng gọi là pháp làm bằng tâm hay duy tâm tác.
(6) Nếu bằng tâm nhơ đục (Manasā ce paduṭṭhena): là tâm vừa mới bị những sở hữu tâm khác như tham, sân chẳng hạn xâm nhập, làm cho nhiều chỗ nhiễm ô, nhơ đục. Quả nhiên, tâm bình thường (Pakatimano) tức là Hữu phần tâm (Bhavṅngacitta), tự tánh vốn trong sạch chưa bị nhiễm ô (tánh bổn thiện), nhưng một khi đã sân hận (Dosa), nhứt là tham lam (Abhijjhā) gia nhập làm cho trở nên nhơ đục, không còn là tâm bình tịnh, nhứt là Hữu phần như trước, chẳng khác nào là một dòng nước trong bị những màu bất khiết, nhứt là màu chàm mới vừa lẫn vào làm cho biến sắc, thành ra nước xanh chàm (Nīlodaka) không còn là nước thuần chất, cũng không còn trong sạch như thưở ban đầu vậy. Đức Thế Tôn có dạy rằng:
“Pabhassaramidaṃ, bhikkhave, cittaṃ, tañca kho āgantukehi upakkilesehi upakkilitthanti”.
“Này các Tỳ khưu! Tâm này bản chất tịnh quang sáng suốt, nhưng bị các pháp mới ô nhiễm xâm nhập, làm cho trở nên nhơ đục”. Từ ngữ “bằng tâm nhơ đục” có ý nghĩa như thế.
(7) Nói năng hoặc hành vi (Bhāsati vā karoti vā) kẻ có sẵn tâm ác, hễ mở miệng nói ra lời là phạm nhằm bốn tội về khẩu ác hạnh (Vacīduccarita), bằng như ra tay hành động thì phạm nhằm ba tội về thân ác hạnh (Kāyaduccarita) nhược bằng làm thinh không nói, không làm đi nữa cũng phạm ba tội về ác ý ác hạnh (Manoduccarita), tất cả các tội ác chung quy cũng đều do nơi tâm đã bị tham lam, oán thù, tà kiến làm cho nhơ đục mà ra. Lộ trình của mười nghiệp bất thiện (Dasa akusalakammapathā) trải đi tròn đủ ba cửa thân, khẩu, ý là như thế. Chú giải KINH PHÁP CÚ – Quyển 1 Trang 20
(8) Khổ sẽ theo người: (Tato naṃ, dukkhamanveti), kẻ thủ phạm tạo ba ác hạnh từ lúc nào thì sự khổ bắt đầu theo dõi kẻ ấy từ lúc đó, do năng lực của ác hạnh, kẻ ấy sẽ sa xuống bốn ác đạo (Apāya), hoặc trở lại làm người thế gian, nhưng trong đời kiếp nào, thân căn và cả các căn khác tức là những sở hữu tâm liên hệ với thân căn đã giải rành mạch trên đây của kẻ ấy cũng bị quả khổ theo sát một bên.
(9) Như bánh xe theo chân bò giật (Cakkaṃ vā vahato padaṃ). Thường thường bò tơ mới tập giật (kéo xe), thì thay tháo trút, tánh còn hung hăng, khi bị mắc cổ vào ách thì chạy vụt đi, lôi cả chiếc xe chở đồ nặng, ý muốn tự do như trước, nhưng nào có được, con bò ấy dầu cho kéo một ngày, hai ngày, năm ngày, mười ngày hay nữa tháng cũng không thể nào tách rời ra chiếc bánh xe đang lăn phía sau, mỗi khi con bò muốn vươn mình tới trước thì bị cái ách đè nặng trên cổ, không cho vượt qua, còn muốn thụt về phía sau thì bị bánh xe đụng cọ vào thịt đùi không cho lùi lại, thành thử ra do hai lẽ ấy mà con bò đành chịu để cho hai bánh xe cứ mãi theo sát hai bên chân của nó vậy.
Con người có tâm nhơ đục, đã làm tất cả ba ác hạnh rồi, nhứt định phải sa vào ác đạo như địa ngục chẳng hạn, là nơi mà vì gốc ác hạnh, cả thân tâm của người ấy đều bị tội khổ đuổi theo.