Bài 25

LINH TINH VẤN ĐÁP
(Pucchaka pakiṇṇaka)

1- HỎI: Hãy dịch câu kệ Pāli sau đây:

Kāme Javanasattālam-
banānaṃ niyame sati
vibhūte – timahante ca
Tadārammaṇamīritam

ĐÁP: Kệ môn này có nghĩa là: “Khi hội đủ 3 pháp: Đổng lực, chúng sanh và cảnh rất rõ hay rất lớn liên hệ với Dục giới (kāmabhūmi), Na cảnh mới hiện khởi được”.

2- HỎI: Có bao nhiêu tâm khách quan (vīthicitta) và tâm chủ quan (vīthimuttacitta)? Hãy phân định chúng theo người và cõi?

ĐÁP: Tâm khách quan (tính hẹp) có 80 tâm (t), đó là: 54 tâm Dục giới (kāmāvacaracitta), 9 tâm thiện Đáo đại, 9 tâm Hạnh Đáo đại và 8 tâm Siêu thế.

Tâm chủ quan có 19 tâm đó là: 2 tâm Quan sát (suy đạc) xả thọ, 8 tâm Đại quả và 9 tâm quả Đáo đại.

Thuần tâm chủ là 9 tâm quả Đáo Đại còn 2 tâm Quan sát xả thọ và 8 tâm đại Quả đôi khi trở thành tâm khách.

* Tâm khách quan phân bố theo 12 hạng người như sau:

– Người Khổ có được 37 tâm là: 12 tâm bất thiện, 8 tâm đại thiện và 17 tâm Vô nhân (trừ tâm Sinh tiếu).

– Người Lạc vô nhân và người Nhị nhân có 41 tâm: có 37 tâm như người Khổ và thêm 4 tâm đại quả không có trí.

– Người Tam nhân không chứng thiền có được 45 tâm: có 41 tâm như người nhị nhân thêm 4 tâm đại quả có trí. Nếu đắc thiền thì tính thêm.

Người Tam nhân nếu đắc thiền có thể được 54 tâm là: 45 tâm cơ bản cộng với 9 tâm thiện Đáo đại.

– Người Sơ quả và Nhị quả (không đắc thiền) có được 41 tâm là: 45 tâm cơ bản của người phàm Tam nhân trừ đi 4 tâm tham hợp tà kiến và tâm Si hợp hoài nghi. Cộng thêm tâm Sơ quả hoặc Nhị quả tùy bậc, nếu đắc thiền có thể được 50 tâm là thêm 9 tâm thiện Đáo Đại.

– Bậc Tam Quả không chứng thiền, có được 39 tâm là: 41 tâm cơ bản cũa bậc Nhị quả trừ đi hai tâm sân và tâm Nhị quả, thêm vào tâm Tam Quả.

Nếu đắc thiền có thể có được 48 tâm, tức là cộng thêm 9 tâm thiện Đáo Đại.

– Bậc Tứ Quả không đắc thiền có được 35 tâm là: 18 tâm Vô nhân, 8 tâm đại Hạnh, 8 tâm đại quả, và tâm Tứ Quả. Nếu đắc thiền có thể được 44 tâm, là cộng thêm 9 tâm thiền Hạnh.

– 4 người Đạo, mỗi người chỉ có một tâm khách quan duy nhất, đó là tâm Đạo. Nói cách khác, người Đạo là tính theo sát-na Đạo và người Đạo chỉ tồn tại 1 sát-na mà thôi.

* Tâm chủ quan phân bố theo người.

– Người Khổ chỉ có một tâm chủ quan là tâm Quan sát xả thọ quả bất thiện.

– Người Lạc vô nhân có một tâm chủ quan là tâm Quan sát xả thọ quả thiện.

– Người Nhị nhân có 4 tâm chủ quan là 4 t.đại quả không có trí, nhưng nên nhớ mỗi người chỉ có một tâm chủ quan mà thôi.

– Người Tam nhân và 4 bậc Thánh Quả trong cõi Dục có được 4 tâm chủ quan là 4 tâm đại quả có trí (mỗi người chỉ có 1 tâm chủ quan thôi).

– Người Tam nhân và 4 Thánh Quả trong 15 cõi Sắc giới có 5 tâm chủ quan là 5 tâm quả Sắc giới, tức là mỗi người chỉ có một tâm quả Sắc giới ứng với cõi mà vị ấy sanh vào.

– Người Tam nhân và 4 Thánh Quả ở cõi Vô sắc có được 4 tâm chủ quan là 4 tâm quả Vô sắc giới, mỗi người chỉ có 1 tâm ứng theo cõi đã sanh vào.

* Tâm phân bố theo cõi

Tâm khách quan:

– Ở 11 cõi dục có đủ 80 tâm khách quan.

– Ở 15 cõi Sằc giới (trừ cõi Vô tưởng) có được 64 tâm khách quan là: 38 tâm Dục giới (54 tâm Dục giới trừ đi 2 tâm Sân, ba đôi thức Tỷ, Thiệt, Thân thức và 8 tâm đại quả), 9 t.thiện Đáo đại, 9 tâm Tố Đáo đại, 8 tâm Siêu thế.

– Ở cõi Vô sắc giới có được 42 tâm khách quan là: 10 tâm bất thiện (trừ 2 tâm Sân), tâm Hướng ý môn, 8 tâm đại thiện, 8 tâm đại Hạnh, 4 tâm thiện Vô sắc, 4 tâm Hạnh Vô sắc giới và 7 tâm Siêu thế (trừ tâm Sơ đạo).

Tâm chủ quan:

– 4 cõi đọa xứ (apāyabhūmi) có 1 tâm chủ quan là tâm Quan sát xả thọ quả bất thiện.

– Cõi người và cõi Tứ Đại vương có 9 tâm chủ quan là: 8 tâm đại quả và tâm Quan sát xả thọ quả thiện.

– 5 cõi Dục giới thiên (trừ cõi Tứ Đại vương) có 8 tâm chủ quan là 8 t.đại quả.

– 3 tầng Sơ thiền có 1 tâm chủ quan là tâm quả Sơ thiền.

– 3 tầng Nhị thiền có 2 tâm chủ quan là: tâm quả Nhị thiền và tâm quả Tam thiền.

– 3 tầng Tam thiền có 1 tâm chủ quan là tâm quả Tứ thiền.

– Cõi Quảng quả và 5 cõi Tịnh cư có một tâm chủ quan là tâm quả Ngũ thiền.

– 4 Cõi Vô Sắc, mỗi cõi có một tâm chủ quan tương ứng với cõi ấy.

Có kệ ngôn Pāli như sau:

Asekkhānaṃ catucattā
Ḷīse sekkhānamudise
Cha pannāsāvasesānaṃ
Catupaññāsa sambhavā.

Bậc Thánh Vô học có tối đa là 44 tâm khách quan, chư Thánh Hữu học có tối đa là 50 tâm khách quan, tất cả phàm phu có tối đa là 54 tâm khách quan”.

và:

” Asīti vīthīcittāni
Kāme rūpe yathārahaṃ
Catusaṭṭhi tathārūpe
Dvecattāḷīsa labbhare”.

“Ở 11 cõi Dục có 80 tâm khách, ở 15 cõi Sắc giới hữu tưởng có 64 tâm khách. Ở cõi Vô sắc giới có 42 tâm khách (dĩ nhiên tất cả phải được phân bố theo hạng người)“.

3- HỎI: 64 tâm khách quan cõi Sắc giới phân bố ra sao? 42 tâm khách quan cõi Vô sắc giới phân bố ra sao?

ĐÁP:

  1. a) 64 tâm khách quan cõi Sắc giới phân bố trong 15 cõi S8ác hữu tưởng như sau:

– 10 cõi sắc giới phàm hữu tưởng có cả 64 t.

– 5 cõi Tịnh cư có 54 tâm khách quan là trừ đi 10 tâm: 4 tâm tham có tà kiến, tâm si có hoài nghi, 3 tâm Đạo hữu học, tâm Sơ Quả, tâm Nhị quả.

  1. b) 42 tâm khách cõi Vô sắc phân bố như sau:

– Cõi Không vô biên xứ có đủ 42 tâm khách.

– Cõi Thức vô biên xứ có 40 tâm khách, là trừ đi tâm thiện và tâm Hạnh Không vô biên xứ.

– Cõi Vô sở hữu xứ có 38 tâm khách, là trừ thêm tâm thiện và tâm Hạnh Thức vô biên xứ.

– Cõi Phi tưởng phi phi tưởng xứ có 36 tâm khách, là trừ thêm tâm thiện và tâm Hạnh Vô sở hũu xứ.

4- HỎI: Tâm nào có ở cõi Sắc giới mà không có ở cõi Vô sắc? Tâm nào có ở cõi Vô sắc giới mà không không có ở cõi Sắc? Tâm nào có cả ở hai cõi ấy? Tâm nào không có ở cả hai cõi ấy?

ĐÁP: Có 27 tâm chỉ có ở cõi Sắc giới mà không có trong cõi Vô sắc, đó là: 11 tâm vô nhân (là 18 tâm vô nhân trừ đi 3 đôi Tỷ, Thiệt, Thân thức và tâm Sinh tiếu), 15 tâm Sắc giới và tâm Sơ đạo.

Có 4 tâm chỉ có ở cõi Vô sắc giới, không có ở cõi Sắc, đó là 4 tâm quả Vô sắc giới.

Có 42 tâm sanh khởi trong cả 2 cõi ấy là: 10 tâm bất thiện (trừ 2 tâm sân), tâm Hướng ý môn, 8 tâm đại thiện, 8 tâm đại Hạnh, 8 tâm đổng lực Vô sắc giới và 7 tâm Siêu thế (trừ tâm Sơ đạo).

Có 16 tâm không có ở cả 2 cõi là: 2 tâm Sân, 3 đôi thức (Tỷ, Thiệt và Thân thức) và 8 tâm đại quả.

5- HỎI: – Có bao nhiêu tâm lộ Ngũ môn chỉ sanh ở cõi Dục? Có bao nhiêu tâm lộ Ý môn chỉ sanh ở cõi Dục?

ĐÁP:

  1. a) Có tất cả 68 tâm lộ Ngũ môn chỉ sanh ở cõi Dục là:

– 20 tâm lộ Tỷ môn: 3 lộ biết cảnh rất lớn, 4 lộ biết cảnh lớn, 6 lộ biết cảnh nhỏ và 7 lộ biết cảnh cực tiểu.

– 20 lộ tâm Thiệt môn cũng như trên.

– 20 lộ tâm Thân môn cũng tương tự.

– 4 tâm lộ nhãn môn là: 1 lộ biết cảnh cực đại chót Na cảnh, 1 lộ biết cảnh cực đại chót hữu phần Khách. Cảnh lớn có 2 lộ: 1 lộ chót hữu phần Khách có 2 sát-na hữu phần Vừa qua, 1 lộ chót hữu phần khách có 3 sát-na hữu phần Vừa qua.

– 4 tâm lộ Nhĩ môn cũng tương tự như 4 tâm lộ Nhãn môn.

  1. b) Có tất cả 46 tâm lộ Ý môn chỉ sanh khởi ở dục giới là:

– Cảnh rất rõ có 14 lộ: là 6 lộ chót Na cảnh và 8 lộ chót hữu phần Khách.

– Cảnh rõ có 8 lộ: là 8 lộ chót hữu phần Khách

– 12 lộ Ý tùy thuộc, bắt nguồn từ tâm lộ Tỷ môn, Thiệt môn và Thân môn.

– 12 lộ chiêm bao

6- HỎI: – Có bao nhiêu tâm đổng lực (javanacitta)? Hãy phân định theo người và cõi?

ĐÁP: Có tất cả là 55 tâm đổng lực: 12 t.bất thiện, 8 tâm đại thiện, 8 tâm đại Hạnh, tâm Sinh tiếu, 9 tâm thiện Đáo đại, 9 t.Hạnh đáo đại và 8 tâm Siêu thế.

  1. a) Phân bố theo cõi:

– 4 cõi khổ có 20 tâm đổng lực là: 12 tâm bất thiện, 8 tâm đại thiện.

– 7 cõi vui Dục giới (kāmasugatibhūmi) có đủ 55 tâm đổng lực.

– 10 cõi phàm Sắc giới hữu tâm (là 3 cõi Sơ thiền, 3 cõi Nhị thiền, 3 cõi tam thiền và cõi Quảng quả) có 53 tâm đổng lực (là 55 tâm đổng lực trừ 2 tâm sân)

– 5 cõi Tịnh cư có 43 tâm đổng lực là: 4 tâm tham không tà kiến, tâm si hợp phóng dật, tâm Sinh tiếu, 8 tâm đại thiện, 8 tâm đại Hạnh, 9 tâm thiện Đáo đại, 9 tâm Hạnh Đáo đại, 3 tâm đổng lực Siêu thế là: tâm Tam Quả, tâm Tứ Đạo, tâm Tứ Quả.

– Cõi Không vô biên xứ có 41 tâm đổng lực là: 10 tâm bất thiện (trừ 2 tâm sân), 8 tâm đại thiện, 8 tâm đại Hạnh, 4 tâm thiện Vô sắc, 4 t.Hạnh Vô sẳc, 7 tâm đổng lực Siêu thế (trừ tâm Sơ Đạo).

– Cõi Thức Vô biên xứ có 39 tâm đổng lực, là trừ thêm tâm thiệnvà tâm hạnh Không vô biên xứ.

– Cõi Vô sở hữu xứ có 37 tâm đổng lực, là trừ thêm tâm thiện và tâm Hạnh Thức vô biên xứ.

– Cõi Phi tưởng phi phi tưởng xứ có 35 tâm đổng lục, là trừ thêm tâm thiện và tâm Hạnh Vô sở hữu xứ,

  1. b) Phân bố theo người.

– Người Khổ, nguời Lạc vô nhân, người Nhị nhân có: 20 tâm đổng lực là: 12 tâm bất thiện và 8 tâm đại thiện.

– Người Tam nhân có 29 tâm đổng lực là: 20 tâm đổng lực của người Khổ cộng với 9 tâm thiện Đáo đại.

– Người Sơ quả, nguời Nhị quả có 25 tâm đổng lực tâm là: 7 tâm bất thiện (trừ 4 tâm tham hợp tà kiến với tâm Si hoài nghi), 8 tâm đại thiện, 9 tâm thiện Đáo đại và một tâm quả Siêu thế tùy theo người (bậc Sơ quả có tâm Sơ quả, bậc Nhị quả chỉ có tâm Nhị quả).

– Người Tam quả có 23 tâm đổng lực: là 25 tâm đổng lực của người Nhị quả trừ đi 2 tâm Sân và tâm Nhị quả, thêm vào tâm Tam quả.

– Người Tứ quả có 19 tâm đổng lực là: 9 tâm Hạnh Dục giới, 9 tâm Hạnh Đáo đại và tâm Tứ quả.

– 4 người Đạo mỗi người có 1 tâm đổng lực là tâm Đạo tương ứng.

7- HỎI: Hãy dịch và giải thích kệ ngôn Pāli sau:

“Puthujjaṇāna sekkhānam
kāmapauñnatihetuto
tihetukāmakriyato
vītarāgāmappanā
“.

ĐÁP: Kệ ngôn ấy có nghĩa là:

“Có 44 đổng lực An chỉ có thể sanh kế tục 4 đại thiện có trí của phàm phu và Thánh Hữu học. Có 14 đổng lực An chỉ có thể sanh kế tục 4 đại Hạnh có trí của bậc A La Hán”.

* Trường hợp thứ nhất:

Ta nên hiểu rằng có tất cả 58 tâm đổng lực An chỉ, đó là: 40 tâm Siêu thế + 18 tâm đổng lực Đáo đại.

Có 44 tâm đổng lực An chỉ sanh kế tục tâm đại thiện có trí là: 20 tâm Đạo, 15 tâm Quả Hữu học, 9 tâm thiện Đáo đại. Lọai đổng lực này chỉ có nơi phàm Tam nhân và 3 Thánh quả Hữu học.

Trong 44 tâm đổng lực An chỉ này nếu phân tích chi tiết thì có 4 trường hợp như sau:

1) Phàm Tam nhân tu tiến Chỉ tịnh (không chứng Đạo – Quả Siêu thế) có 9 tâm đổng lực thiện Đáo đại sanh kế tục 4 tâm đại thiện có trí (tùy bậc thiền).

Phàm Tam nhân là bậc Lạc quán (sukhavipassanā), chỉ có tâm Sơ đạo Sơ thiền sanh kế tục 2 tâm đại thiện có trí hỷ thọ.

Phàm Tam nhân tiến Chỉ tịnh chứng thiền rồi tu Quán minh, có thể có 14 tâm đổng lực An chỉ sanh kế tục 4 tâm đại thiện có trí, đó là: 9 tâm thiện Đáo đại và 5 tâm Sơ đạo.

Như vậy, phàm Tam nhân có 14 tâm đổng lực An chỉ sanh kế tục tâm thiện có trí .

2) Bậc Dự lưu có được 19 tâm đổng lực sanh kế tục tâm đại thiện có trí (tính tổng quát) là: 9 tâm thiện Đáo đại, 5 tâm đạo Nhất lai và 5 tâm Quả Dự lưu.

3) Bậc Nhất lai có được 19 tâm đổng lực An chỉ sanh kế tục 4 tâm đại thiện có trí là: 9 tâm thiện Đáo đại, 5 tâm đạo Bất lai và 5 tâm quả Nhất lai.

4) Bậc Bất lai có 19 tâm đổng lực An chỉ sanh kế tục 4 tâm đại thiện có trí là: 9 t.thiện Đáo đại, 5 tâm đạo A La Hán, 5 tâm quả Bất lai.

Đây là tính tổng quát cho từng bậc Thánh Hữu học, nếu chi tiết thì không đủ 19 tâm đổng lực An chỉ, như bậc Dự lưu lạc quán chẳng hạn, các Ngài chỉ có 1 tâm Đạo Nhất lai Sơ thiền cùng 1 tâm Quả Dự lưu Sơ thiền.

Bậc Thánh Hữu học có được 39 tâm đổng lục An chỉ là: 9 tâm thiện Đáo đại, 15 tâm Đạo (trừ 5 tâm Sơ đạo) và 15 tâm Quả Siêu thế (trừ 5 tâm Tứ Quả).

* Trường hợp thứ hai:

Có 14 tâm đổng lực An chỉ sanh kế tục 4 tâm đại hạnh có trí, những tâm đổng lự này chỉ có cho bậc A La Hán đó là: 9 tâm Hạnh Đáo đại, 5 tâm Tứ Quả, với những trường hợp như sau:

  1. a) Vị A La Hán khi chứng thiền hiệp thế hay nhập thiền hiệp thế có: 9 tâm thiền Hạnh Đáo đại sanh kế tục 1 trong 4 tâm đại Hạnh có trí tùy trường hợp.
  2. b) Vị Thánh A La Hán nhập Quả Định (phalasamāpattivīthi), một trong 5 tâm Tứ Quả sanh kế tục một trong 4 tâm đại Hạnh có trí.
  3. c) Vị Thánh A La Hán khi hiện Thông (abhiññāvīthi), tâm Hạnh Ngũ thiền sanh kế tục tâm đại Hạnh xả thọ có trí.
  4. d) Vị Thánh A la Hán nhập thiền Diệt (nirodhasamāpattivīthi) thì 9 tâm thiền Hạnh Đáo đại sanh kế tục tâm đại Hạnh có trí tùy theo tầng thiền.

8- HỎI: Hãy phân tích ở người nào, cõi nào có các tâm lộ sau:

– Lộ ý môn cảnh cực rõ chót Na cảnh?
– Lộ ý môn cảnh cực rõ chót hữu phần Khách?
– Lộ ý môn cảnh cực rõ chót đổng lực?

ĐÁP:

– Lộ ý môn cảnh cực rõ chót Na cảnh hiện khởi cho 8 hạng người trong 11 cõi Dục.

– Lộ ý môn cảnh cực rõ chót hữu phần Khách hiện khởi cho 4 hạng người trong 7 cõi vui Dục giới.

– Lộ ý môn cảnh cực rõ chót đổng lực (có hữu phần Vừa qua) có ở 8 hạng người trong cõi ngũ uẩn

– Lộ ý môn chót đổng lực cảnh cực rõ (không có hữu phần Vừa qua) có ở 8 hạng người trong 30 cõi hữu tâm.

9- HỎI: Hãy phân tích các tâm lộ của con ruồi, kể từ lúc nó bị đập cho đến khi nó chết?

ĐÁP: Nếu nói gọn thì khi bị đập như vậy, một tâm lộ ý môn sẽ sanh khởi nơi con ruồi, sau đó là lộ Thân môn, rồi tâm lộ ý môn tùy thuộc Thân môn sẽ kế tục nhau sanh khởi, cuối cùng là lộ ý cận tử (maraṇāsannamanodvāravīthi).

Nếu phân tích rộng, khi bị đập như vậy tâm Hướng ngũ môn không thể sanh lên để cắt đứt hữu phần cơ bản để nhận cảnh mới, nên tâm Hướng ý môn xuất hiện để đảm nhận việc ấy, sau tâm Hướng ý môn là 5 sát-na đổng lực, cảnh sở tri của chúng là một trong 3 cảnh: cảnh nghiệp, cảnh nghiệp tướng và cảnh sanh thú tướng.

Sau giai đoạn đổng lực là hữu phần hiện khởi tiếp theo là lộ Thân môn khởi lên nhận cảnh xúc, tâm lộ này cũng chỉ có 5 sát-na đổng lực. Dứt đổng lực thì hữu phần sanh khởi.

Tiếp theo lộ thân môn là lộ ý tùy ý tùy thuộc Thân môn (atītaggahaṇavīthi) khởi lên nhận cảnh xúc quá khứ và lộ này cũng chỉ có 5 sát-na đổng lực thôi.

Nối tiếp theo lộ ý tùy thuộc là lộ ý cận tử, cảnh của lộ ý cận tử này cũng là một trong 3 cảnh chủ quan.

10- HỎI: Hãy nêu rõ tâm đổng lực nào chỉ sanh khởi 1 lần, 2 lần, 3 lần, 4 lần, 5 lần, 6 lần, 7 lần, trên 8 lần trong một tâm lộ? Hãy kể tên các tâm lộ đó?

ĐÁP:

a- Có 26 tâm đổng lực chỉ hiện khởi 1 sát-na trong 1 tâm lộ, đó là:

– 9 tâm thiện Đáo đại và 9 tâm Hạnh Đáo đại trong lộ chứng thiền.
– 4 tâm Đạo trong lộ đắc Đạo.
– 2 tâm Thông trong lộ hiện Thông.
– Tâm Tam Quả và Tứ Quả khi xuất thiền Diệt.

b- Có 6 tâm đổng lực hiện khởi 2 sát-na trong một tâm lộ, đó là:

– 4 tâm Thánh Quả của người độn căn trong lộ đắc Đạo.
– Tâm thiện và tâm Hạnh thiền Phi tưởng phi phi tưởng trong lộ nhập thiền Diệt.

c- Có 12 tâm đổng lực hiện khởi 3 sát na trong một tâm lộ, đó là:

– 4 tâm đại thiện có trí của người lợi căn trong các lộ: lộ đắc Đạo, lộ đắc thiền, lộ nhập định, lộ nhập Quả định, lộ thiền Cơ, lộ hiện Thông và lộ thiền Diệt.
– 4 tâm đại Hạnh có trí của người lợi căn trong các lộ như trên trừ lộ đắc Đạo.
– 4 tâm Thánh Quả của người lợi căn trong lộ đắc Đạo.

d- Có 8 tâm đổng lực hiện khởi 4 sát-na trong một tâm lộ, đó là:

– 4 tâm đại thiện có trí của người độn căn trong các lộ: lộ đắc Đạo, lộ chứng thiền, lộ nhập thiền, lộ nhập Quả định, lộ thiền Cơ, lộ hiện Thông và lộ thiền Diệt.
– 4 tâm đại Hạnh có trí của vị A La Hán độn căn trong các lộ như trên trừ lộ đắc đạo.

Bốn đại Hạnh có trí này cũng khởi lên trong lộ phản khán Thông của Đức Thế Tôn trong lúc hiện Song thông vì thời gian cấp bách.

e- Có 29 tâm đổng lực hiện khởi 5 sát-na trong một tâm lộ, đó là:

– 4 tâm đại thiện có trí và 4 tâm đại Hạnh có trí trong lộ phản khán Thông của chư Thánh vào những lúc hóa thông đặc biệt (visesakaranī).
– 29 tâm đổng lực Dục giới trong lộ cận tử, lúc hôn mê.

f- Có 29 tâm đổng lực hiện khởi 6 sát-na trong một tâm lộ, đó là: 29 tâm đổng lực Dục giới trong lộ cảnh lớn hay lộ cảnh rõ trong thời bình nhật (pakativelā).

g- Có 29 tâm đổng lực hiện khởi 7 sát-na trong một tâm lộ, đó là: 29 tâm đổng lực Dục giới trong lộ cảnh rất lớn, cảnh lớn, cảnh rất rõ, cảnh rõ trong thời bình nhật.

g- Có 22 tâm đổng lực có mặt trên 8 sát-na trong một tâm lộ, đó là: 18 tâm đổng lực Đáo đại và 4 Thánh Quả (tính hẹp) trong các lộ: Lộ nhập thiền, lộ nhập Quả định.

Tâm thiện Ngũ thiền sắc giới và tâm Hạng Ngũ thiền Sắc giới cũng có trên 8 sát-na trong lộ thiền Cơ.

11- HỎI: – Đổng lực An chỉ nào sanh sau tâm đại thiện có trí hỷ thọ – xả thọ? Đổng lực An chỉ nào sanh sau tâm đại Hạnh hỷ thọ – xả thọ?

ĐÁP:

– Có 32 tâm đổng lực An chỉ sanh kế tục 2 tâm đại thiện có trí hỷ thọ là: 4 tâm thiện Sắc giới hỷ thọ, 16 thánh Đạo hỷ thọ, 12 Thánh quả Hữu học hỷ thọ.

– Có 12 tâm đổng lực An chỉ sanh kế tục 2 tâm đại thiện có trí xả thọ là: 5 tâm Ngũ thiền hiệp thế, 4 tâm Thánh Đạo Ngũ thiền, 3 tâm Thánh quả Hữu học Ngũ thiền.

– Có 8 tâm đổng lực An chỉ sanh kế tục 2 tâm đại Hạnh có trí hỷ thọ là: 4 tâm Hạnh Sắc giới hỷ thọ, 4 tâm Tứ Quả hỷ thọ.

– Có 6 tâm đổng lực An chỉ kế tục 2 tâm đại Hanh có trí xả thọ là: 5 tâm Hạnh Ngũ thiền và tâm Tứ Quả ngũ thiền.

Hoàn tất vào tháng 5 âl năm Đinh Sửu
DL 1997 – PL 2541.
Tỳ kheo Chánh Minh

-ooOoo-

KÍNH DÂNG PHƯỚC BÁU:

– Đến Tam Bảo ba ngôi,
– Đến chư Thầy Tổ,
– Đến Ông Bà, Cha Mẹ.

XIN HỒI HƯỚNG:

– Đến chư thiên trong thế giới Sa-bà.
– Đến chúng sanh ba giới bốn loài.
– Chia đều phước này đến chư thí chủ.

XIN NGUYỆN:

Thành đạt quả Vô Thượng Chánh Giác trong thời vị lai.

-ooOoo-

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app