CHƯƠNG IV
Bài 21
TÂM LỘ CẬN TỬ
(Maraṇāsannacittavīthi).
- ĐỊNH NGHĨA.
Maraṇāsanna là hợp từ của Maraṇa là chết và āsanna là gần.
Lộ tâm cận tử là tiến trình sinh diệt của tâm thức khi sắp kết thúc một cuộc sống.
- Ý NGHĨA SỰ CHẾT.
Chết ở đây là tạm thời chuyển từ một ngũ uẩn này sang một ngũ uẩn khác, nghĩa là còn tái sinh trong Tam giới.
Trái lại sự CHẾT VĨNH HẰNG là sự viên tịch (parinibāna) của vị Thánh Vô lậu (Đức Chánh Giác, Đức Độc Giác và Đức A La Hán), tức là không còn sanh trở lại trong tam giới.
Chết là sự diệt tận Mạng quyền (jīvitindriya), hơi nóng (usuṇa đồng nghĩa với tejodhātu) và tâm thức (viññāṇa), tức là cả ba pháp này đều hoại.
Sự chết (cuti) khởi lên do một trong bốn nguyên nhân: Do tuổi thọ hết (āyukhaya), do nghiệp diệt (kammakkhaya), do cả hai cùng diệt và do bị đoạn nghiệp (upacchedakamma).
Như Pāli có dẫn giải:
Āyukkhayena kammakkhayena ubhayakkhayena upacchedakkammunā ceti catudhā maraṇuppatti nāma.
“Chết có bốn nhân: Thọ diệt, nghiệp diệt, cả hai diệt và sát nghiệp”.
Thọ diệt (āyukkhaya) là sao?
Như người chết vì tuổi già, hay như vị chư Thiên cõi Đạo Lợi, với tuổi thọ là 36 triệu năm tính theo cõi người, tuy còn phước nhưng chết vì hết tuổi thọ.
Nghiệp diệt (kammakkhaya) là sao? .
Là tuy còn tuổi thọ, nhưng phước đã hết nên chúng sanh này chết đi.
Như trong thời chúng sanh có tuổi thọ là 100 tuổi, chúng sanh này vì thiếu phước nên sống trong cảnh đói khổ, vất vả và chết trước tuổi thọ,
Nên hiểu rằng: Khi tái sanh năng lực Tư tâm sở (cetanācetasika) là Sanh nghiệp rất mạnh, tạo danh uẩn cùng sắc uẩn mới, khi Sanh nghiệp bị tàn diệt (phước sanh làm người hoặc chư Thiên đã hết), năng lực Tư tâm sở của Sanh nghiệp trở nên yếu ớt, đình chỉ mọi hoạt động của danh sắc. Tuy còn tuổi thọ nhưng chúng sanh này chết đi.
Hoặc như vị chư Thiên do tham dục nên mệnh chung trong khi còn tuổi thọ.
Cả hai diệt (ubhayakkhaya) là sao?
Một người sinh ra vào thời có tuổi thọ là 80 chẳng hạn, khi tròn đủ 80 tuổi bấy giờ Sanh nghiệp cũng vừa diệt, người này mệnh chung. Đây là sự chết do tuổi thọ diệt và Sanh nghiệp diệt.
Do Sát nghiệp (upacchedakakamma).
Là có một loại ác trọng nghiệp cắt đứt mạng sống thình lình, đoạn tận sanh nghiệp của người đó, ví như mũi tên đang lao về phía trước, bỗng có một trận gió mạnh nổi lên có sức mạnh chận đứng mũi tên, làm mũi tên rơi xuống đất. Cũng vậy, sức mạnh của một ác nghiệp nào trổ sanh, cắt đứt đi Sanh nghiệp khiến hữu tình ấy bị chết. Như thanh niên Nanda hay nàng Ciñcā chẳng hạn.
Ba cách chết trên gọi là chết hợp thời (kālamaraṇa), còn chết do Sát nghiệp gọi là chết phi thời (akālamaraṇa).
Ví như cây đèn tắt do một trong bốn nhân: Do hết tim, do hết dầu, do hết cả hai hay do bất ngờ gió thổi mạnh tắt. Sự chết của chúng sanh cũng do bốn nhân như vậy.
III- PHÂN TÍCH.
Sự chết có hai phương thức: Tử còn tục sinh và Viên tịch.
Như thế chúng ta có hai loại tâm lộ cận tử là: lộ cận tử còn tục sinh và lộ Viên tịch.
Lộ cận tử còn Tục sinh có hai mô thức là lộ Ngũ môn cận tử và lộ Ý môn cận tử.
Riêng lộ Viên Tịch chỉ khởi lên qua ý môn mà thôi.
Tuy nhiên đối với các vị Thánh A La Hán tùy theo tác ý mà khởi lên theo hai cách: Viên tịch thông thường và Viên tịch đặc biệt.
Đối với tâm lộ cận tử còn tục sinh, khi tâm Tục sinh sanh lên sẽ nhận một trong ba cảnh: cảnh nghiệp, cảnh nghiệp tướng và cảnh sanh thú tướng.
Đây là 3 loại cảnh đặc biệt chỉ xuất hiện rõ ràng trong lúc cận tử, tạo duyên cho tâm Tục sinh (paṭisandhiviññāṇa) sanh khởi, bắt đầu một kiếp sống mới, đồng thời cũng là cảnh Chủ cho tâm hữu phần ở kiếp sống ấy.
IV- LÝ GIẢI BA CẢNH THỜI CẬN TỬ.
Ở thời Cận tử do sức mạnh của nghiệp, một trong ba cảnh sau đây sẽ khởi lên ở một trong sáu môn đó là:
- Cảnh nghiệp (kammārammaṇa)
Người sắp lâm chung, một nghiệp thiện hay nghiệp bất thiện nào đó khởi lên cho người ấy. Nghiệp này có thể là một trọng nghiệp (garuka kamma) như thiền (jhāna) hay năm tội đại nghịch: giết cha, giết mẹ… Những trọng nghiệp này rất mạnh, lấn át tất cả mọi loại nghiệp khác để hiện khởi thành cảnh rõ rệt cho tâm vào thời điểm cận tử.
Nếu không có trọng nghiệp, một loại nghiệp khác khởi lên, nghiệp này có thể ở kiếp quá khứ, hoặc trong kiếp hiện tại.
Nếu trong kiếp hiện tại là nghiệp thường làm, gọi là Thường nghiệp (āciṇṇakamma). Nghiệp này trở thành cảnh cho tâm trong lúc lâm chung.
- Cảnh nghiệp tướng.
Là những vật có liên quan đến nghiệp đã tạo.
Những vật này có thể là sắc, thinh, hương, vị, xúc mà chúng sanh ấy đã dùng đến khi tạo nghiệp, như con dao đối với người đồ tể, bệnh nhân đối với vị lương y, hương hoa đối với người Phật tử giàu đức tin …
- Cảnh sanh thú Tướng.
Gatinimitta là dấu hiệu của cảnh giới, nơi mà người sắp chết sẽ tái sanh vào.
Những dấu hiệu này có thể là lửa địa ngục, rừng, núi, thai bào người mẹ, cung điện của Đức Vua hay vườn hoa trên Thiên giới …
Đã là dấu hiệu của cảnh giới thì chúng sanh không hoàn toàn bị lệ thuộc, tuy gatinimitta là dấu hiệu xấu, nhưng người ấy kịp thời chuyển đổi tâm bất thiện thành tâm thiện, có thể thoát khỏi sanh thú xấu.
Như trường hợp một bà lão, thời bình nhật có dâng đến vị Tỷ Kheo bộ y vàng, khi sắp lâm chung bà thấy gatinimitta là lửa địa ngục, màu lửa giống màu y vàng mà bà đã cúng dường, một thiện tâm hỷ thọ khởi lên ngay thời điểm ấy, trở thành một cận tử nghiệp tốt đẹp, đưa bà sanh về Thiên giới.
Cảnh nghiệp hiện khởi trong ý môn, cảnh Nghiệp tướng thì khởi lên qua sáu môn tùy theo trường hợp, như người sắp lâm chung chợt thấy chư Tăng, hay nghe tiếng tụng Kinh, hoặc ngữi được mùi hương của loại hoa thường cúng dường Tam bảo …
Riêng về cảnh Sanh thú tướng chỉ khởi lên dưới hình thức chiêm bao, nghĩa là lúc chúng sanh ấy ở vào trạng thái hôn mê. Và cảnh Sanh thú tướng luôn luôn là sắc tướng.
Nói cách khác, khi tâm thức đã muội lược, nghiệp hay nghiệp tướng không có khả năng làm cảnh cho tâm, bấy giờ cảnh Sanh thú tướng sẽ sanh lên.
-ooOoo-