CHƯƠNG III

Bài 14

TÂM LỘ AN CHỈ
(Appanācittavīthi).

  1. ĐỊNH NGHĨA.

Gọi là tâm lộ An chỉ (appanācittavīthi), vì vào thời điểm này, tâm an trụ vào cảnh (ārammaṇa) thành một điểm (ekaggaṃ).

Phân tích từ ngữ appanā là:

Ngữ căn I + tiếp đầu ngữ ape + anā.

Ngữ căn I là “Đi” cộng tiếp đầu ngữ Ape là “nguyên nhân”.

Khi nối liền (sandhi) thì xóa I, P thành PP

I + APE = APPE

E gặp A thành Ā, Ā gặp PP trở thành A, lại xóa A, trở thành Appanā.

APPE + ANĀ = APPĀ + ANĀ = APPA + ANĀ

APPA + ANĀ = APPANĀ.

Trưởng lão Buddhaghosa (Phật Âm) định nghĩa từ Appanā là “Hướng về hay khắn khít thành một”, như sau:

Ekaggaṃ cittaṃ ārammaṇe appenti.
“Tâm và đối tượng gom thành một điểm”

Appanā (an chỉ) là một hình thức của Tầm tâm sở (vitakkacetasika) đã phát triển cao độ, trở thành chi Thiền.

Vậy: Lộ tâm An chỉ là tiến trình diễn hoạt của tâm khi chi thiền đã phát triển cao độ.

  1. KHÁI LƯỢC VỀ THIỀN:

Thiền (jhāna) xuất nguyên từ Ngữ căn Jhe nghĩa là SUY GẪM.

Ngài Buddhaghosa giải thích chữ Jhāna như sau:

Ārammaṇa upanijjhānato paccanīka jhāpanato vā jhānaṃ.

“Gọi là Thiền vì suy gẫm chính chắn trên đối tượng”; hay “vì thiêu đốt nghịch pháp (nīvaraṇa – chướng ngại) nên gọi là Thiền”.

Thiền có hai loại: Samathakamaṭṭhāna (Chỉ tịnh nghiệp xứ) và Vipassanākammaṭṭhāna (Quán nghiệp xứ).

  1. Chỉ tịnh nghiệp xứ:

Hành giả khi tu tập Chỉ tịnh sẽ chọn lấy 1 trong 40 đề mục của pháp Chánh Định làm đề mục chính để tu tập. Bốn mươi đề mục đó là:

10 đề mục Hoàn tịnh (Kasina)
10 đề mục Tử thi
10 đề mục Tùy niệm (anusati)
4 đề mục Tứ vô lượng: Từ (mettā), Bi (karunā), Hỷ (muditā), Xả (upekkhā)
1 đề mục hơi thở ra – vào (ānāpanā)
1 đề mục thể trược (asubha – bất mỹ)
4 đề mục vô sắc (arūpa)

1- Đề mục đưa đến chứng đắc Thiền.

– 10 đề mục Tùy niệm (anusati) là: Niệm ân đức Phật, niệm ân đức Pháp, niệm ân đức Tăng, niệm ân đức Giới, niệm ân đức (bố) Thí, niệm ân đức (chư) Thiên, niệm Tịch tịnh (tức là Níp-Bàn), niệm sự chết, quán tưởng vật thực và phân tích tứ đại chỉ đưa hành giả đến Cận Định (upacārasamādhi), không thể tiến xa hơn được. Tức là không thể hiển lộ sức mạnh để nhập vào thiền cảnh (jhānārammaṇa), chỉ có thể tiếp cận với thiền cảnh mà thôi.

– 30 đề mục còn lại đưa Hành giả chứng đắc thiền An chỉ (appanāsamādhi) hay gọi là đắc Định.

Tùy theo tính chất của đề mục, sự tiến đạt của thiền định có cao, thấp khác nhau.

Trong 30 đề mục này:

– Mười đề mục tử thi, đề mục thể trược (asubha) chỉ đưa đến tầng Sơ thiền.

– Ba đề mục Từ (mettā), Bi (karunā) và Hỷ (muditā) đắc được Sơ, Nhị, Tam thiền (thiền bốn bậc).

– Đề mục Xả (upekkhā) chỉ chứng đắc Tứ thiền Sắc giới (thiền bốn bậc).

– 11 đề mục đạt từ Sơ thiền đến Tứ thiền sắc giới là 10 đề mục Kasina và đề mục hơi thở.

– 4 đề mục Vô sắc giới: Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ và Phi tưởng phi phi tưởng xứ không đắc thiền Sắc giới mà chỉ đắc thiền Vô sắc (arūpajhāna).

Đề mục thiền thích hợp với cơ tánh (carita).

Mỗi hành giả đều tiềm ẩn 6 tánh là: tánh tham, tánh sân, tánh si, tánh tín, tánh giác và tánh tầm.

Trong đời sống bình nhật, 1 trong 6 tánh này nổi bật được gọi là người có tánh ấy, như người có tánh tham, người có tánh sân…

Đề mục tử thi, thể trược, niệm sự chết thích hợp với người có tánh tham mạnh.

Sáu đề mục tùy niệm ân đức Phật, Pháp, Tăng, Giới, Thí, Thiên thích hợp với người có tánh tín mạnh.

Bốn đề mục Tứ Vô Lượng tâm thích hợp với người có tánh sân nặng.

Người thiên về tánh Giác thì thích hợp với đề mục niệm Tịch tịnh, phân tích tứ đại, quán tưởng vật thực và hơi thở.

Mười đề mục Kasina thích hợp cho mọi cơ tánh.

2- Lý giải.

Hành giả tu tập Chỉ tịnh cần hiểu rằng: “sự tu tiến (bhāvanā) này, lấy Niệm (sati) và Tưởng (saññā) làm Chủ”.

Tuy lấy chân đế (paramattha) làm phương tiện, nhưng lại định đặt danh xưng như: Đất, lửa, gió … nên cảnh thiền của án xứ chỉ là 1 khái niệm, tức cảnh chế định, không phải là một thực thể.

Quá trình tu tập Chỉ tịnh của hành giả, được diễn tiến như sau:

Trước tiên hành giả chọn một đề mục thích hợp với cơ tánh của mình để kiến tạo án xứ.

Ví dụ như lấy đất làm đề mục, hành giả tạo một vòng tròn Kasina có đường kính khoảng 3 tấc, dùng đất sét có màu hồng như màu mặt trời lúc bình minh, tô trét cho kín kasina, cạo gọt cho trơn láng án xứ. Vòng kasina này được gọi là Sơ tướng (parikamanimitta).

Hành giả chú niệm “pathavī, pathavī (đất, đất)” … ghi nhận vòng tròn Kasina ấy, cố gắng gạt bỏ những tạp niệm, tâm hoàn toàn chú mục vào án xứ, một thời gian sau chi Tầm hiển lộ sức mạnh, Hành giả nhắm mắt vẫn thấy được Sơ tướng trong tâm, khi ấy được gọi là Tợ tướng.

Vì Sơ tướng này khi mờ khi tỏ, lúc hiện lúc mất, hành giả cố gắng chú niệm để giử lấy nên còn gọi là Trì tướng (uggahanimitta).

Hành giả kiên trì gom tâm chú niệm, bấy giờ Trì tướng (uggahanimitta) được vững mạnh, nghĩa là khi ấy chi Tứ của Thiền được hiển lộ. Hành giả lại gia công chú niệm vào Trì tướng liên tục, phát sanh chi Hỷ.

Khi chi Hỷ hiển lộ sức mạnh (tức là đạt đến sung mãn hỷ) phát sanh ấn tướng mới, có tên gọi là Paṭibhāganimitta (Quang tướng hay Tịnh tướng).

Quang tướng khác với Trì tướng ở điểm: Trì tướng vẫn giữ nguyên hình ảnh của án xứ ban đầu (parikammanimitta), nghĩa là án xứ kasina ban đầu có lồi lõm, có vết nứt rạn của đất sét khi bị khô… thì Trì tướng vẫn như thế ấy. Trái lại Quang tướng thì hoàn chỉnh những khuyết điểm ấy, vòng án xứ bây giờ được chiếu sáng, trơn láng như vỏ ốc xà cừ được đánh bóng, những vết nứt cũng liền lạc tròn bích, vòng án xứ khi ấy như 1 viên Hồng ngọc lớn được treo lơ lửng giữa hư không.

Khi chi Lạc hiển lộ sức mạnh trọn vẹn thì Quang Tướng càng vững vàng và Hành giả đạt đến Cận định (upacārasamādhi).

Hành giả lại kiên trì chú niệm pathivī, pathivī … vào Quang tướng, vào 1 thời điểm nào đó bất thần phá vỡ được “hàng rào ngăn” là chướng ngại cuối cùng, tâm thể nhập vào thiền cảnh trọn vẹn trở thành nhất điểm, gọi là đắc Định.

Sở dĩ 10 đề mục Tùy niệm (anusati) không đắc định là vì:

Sáu đề mục tùy niệm Phật, Pháp, Tăng, Giới, Thí và Thiên có ân đức rất sâu thẳm, hành giả không thể vượt qua chướng ngại sau cùng là “hàng rào cản” để tiến vào định vức, tức là tâm không thể hòa nhập với ân đức sâu rộng ấy được. không thể hòa nhập vào ấn tướng (nimitta) để trở hành nhất điểm, do đó chỉ đạt cận định thôi.

Đề mục Tịch tịnh chính là ân đức sâu rộng của Níp-Bàn (nibbāna), hành giả cũng không thể phá vỡ “hàng rào cản” nên cũng chỉ đạt đến Cận định.

Quán sự chết, ấn tướng Paṭibhāga lại là sự diệt mất, nên chi Định cũng không thể an trú vào “diệt” (vì khi ấy cả tâm lẫn cảnh đều mất).

Quán tưởng vật thực và phân tích tứ đại, tâm Hành giả mãi phân tích thiền cảnh của án xứ, nên không đình trụ vào một điểm.

Mười đề mục tử thi và đề mục thể trược vì sao chỉ đạt đến Sơ định mà không thể tiến xa hơn?

Quang tướng của những đề mục này được hiện khởi và vững mạnh là do nương vào sức mạnh của chi Tầm. Khi chi Tầm mất thì Quang tướng của các đề mục này không thể hiện khởi được, mà muốn đạt được Nhị thiền phải mất Tầm – Tứ, thế là thiền cảnh không có. Ví như nước (chi tầm) là nơi nương nhờ cho cá (thiền cảnh), nước mất thì cá chết.

Các đề mục khác tuy ấn tướng (nimitta) hiển lộ là do sức mạnh của chi Tầm, nhưng khi ấn tướng vững mạnh rồi có thể không cần đến chi Tầm vẫn hiển lộ được. Ví như người học trò nương vào người thầy để trở nên tài giỏi, khi giỏi rồi có thể không nhờ đến thầy vẫn phát huy được tài năng của mình.

Ở giai đoạn Sơ thiền, ba đề mục Từ – Bi – Hỷ muốn phá vỡ hàng rào ngăn để nhập vào thiền cảnh, phải có trạng thái đồng nhất đối tượng.

Như đề mục Từ chẳng hạn, khi Quang tướng sanh khởi, hành giả phải có tâm lý hòa nhập không còn phân biệt mình với đối tượng.

Ngài Buddhaghosa có cho một ví dụ như sau: Có bọn cướp bắt được 4 người, bọn cướp bảo 1 người trong nhóm rằng “Chúng ta cần máu của 1 người để tế thần lửa, vậy ngươi hãy chọn một người để hy sinh”.

Trong ba người đó, có kẻ thù, người thân và người không thân không thù. Vì có tâm từ nên người ấy không chọn 1 trong ba người kia, nhưng nếu chọn ngay chính mình, cũng không thể gọi là đồng nhất vì còn phân biệt ta và người.

Người ấy sẽ suy nghĩ rằng: “Mỗi chúng sanh sẽ duyên theo nghiệp của mình, hãy để bọn cướp chọn lấy”, khi ấy gọi là đồng nhất đối tượng.

Khi chưa đồng nhất đối tượng thì chưa phá vỡ hàng rào ngăn của định, khi phá vỡ hàng rào của định thì thể nhập vào Định xứ.

Do từ Sơ, Nhị, Tam thiền, hành giả đã huân tập như thế, khi tu tiến muốn đạt đến Tứ thiền, hành giả phải hướng tâm xả bỏ chi lạc của thiền, điều này thích hợp với trạng thái của Upekkhā (xả), do đó đề mục Xả chỉ đạt được duy nhất là Tứ thiền và trạng thái thản nhiên trước đối tượng chỉ có cho Xả mà thôi, Từ – Bi – Hỷ mà thản nhiên trước đối tượng thì không còn là Từ – Bi – Hỷ.

Về cơ tánh (carita) của hành giả.

Một số Giáo Thọ sư cho là “do nhân cảnh giới ở đời trước”.

Như một số chúng sanh từ cõi Rồng, cõi Asuradeva (A Tu La thiên), cõi địa ngục sinh lại cõi người, sẽ là người có tánh sân nặng,

Cõi ngạ quỷ (petabhūmi) sanh lại làm người, sẽ nặng về tham tánh. Cõi bàng sanh sanh lại làm người sẽ nặng về si tánh.

Ở cõi chư Thiên hay Phạm thiên sanh làm người, sẽ là người có tánh Tín hay tánh Giác. Chúng ta ghi nhận ý kiến này.

Các Giáo Thọ Luận Sư bảo rằng “do lúc lâm chung của chúng sanh ấy“.

Khi lâm chung có nhân (hetu) nào mạnh sẽ ảnh hưởng đến cơ tánh của chúng sanh ấy ở kiếp sau.

Nhân có sáu là: tham, sân, si, vô tham, vô sân và vô si.

Nếu người sắp lâm chung có nhân tham mạnh, sân yếu, si yếu, vô tham yếu, vô sân mạnh, vô si mạnh, khi tục sinh làm người sẽ là người vui vẻ (do nhân sân yếu – vô sân mạnh), có trí (do nhân si yếu – nhân vô si mạnh) nhưng lại đa tham (vì nhân tham mạnh – nhân vô tham yếu).

Người sắp lâm chung có nhân vô tham mạnh, nhân vô si yếu, nhân sân mạnh, khi tái sanh làm người sẽ là người ít tham, kém trí và dễ nổi nóng .

Người sắp lâm chung có nhân sân mạnh, nhân vô tham mạnh, nhân vô si mạnh, khi tái sanh làm người sẽ là người có tánh đa sân, đa trí, ít tham …

B- Quán minh nghiệp xứ.

Hành giả tu tập Quán nghiệp xứ, tức là tu tập pháp môn Tứ Niệm xứ (satipaṭṭhāna). Đó là:

Quán thân trong thân.
Quán thọ trong thọ.
Quán tâm trong tâm.
Quán pháp trong pháp.

Khi tu tập Vipassanākammaṭṭhàṇa (Quán nghiệp xứ), chủ yếu là phát huy sức mạnh của niệm (sati) và trí (ñāṇa).

Muốn tiến đạt pháp hành vipassanā, hành giả phải y cứ vào hai nền tảng thiền Chỉ, đó là Cận định (upacārasamādhi) và An chỉ định (appanā samādhi), sát-na định (khaṇasamādhi) được quy vào Cận định.

  1. Lý giải

Sở dĩ Tứ Niệm xứ có bốn phần như vậy, nhằm mục đích trừ diệt những pháp điên đảo (vipallāsadhamma).

Quán thân để diệt trừ Tịnh tưởng (subhasaññā).

Quán thọ để trừ diệt Lạc tưởng (sukhasaññā).

Quán tâm để diệt trừ Thường tưởng (niccasaññā).

Quán pháp dể diệt trừ Ngã tưởng (attasaññā).

Đối với người có ái dục thô, tức nặng về tham dục, Đức Phật dạy niệm thân để diệt trừ ái dục thô.

Đối với người ái dục vi tế, tức là những chúng sanh thích thú sự an lạc của pháp hữu vi, Đức Phật day niệm Thọ để trừ ái dục vi tế.

Đối với người có tà kiến nặng, chấp vào “thường hằng bất biến” Đức thế Tôn dạy niệm tâm để thấy rõ tính vô thường của pháp hữu vi.

Đối với người có tà kiến vi tế, Đức phật dạy niệm pháp để trừ tư tưởng chấp vào 1 thực ngã.

Tóm lại, pháp Tứ Niệm xứ có mục đích ngăn trừ và diệt tận ái (taṅhā).

Hành giả cần hiểu rõ rằng: Trong bốn pháp Niệm xứ ấy, hai pháp niệm thân – niệm thọ được thành tựu từ sức mạnh của vô tham (alobha) và vô sân (adosa), niệm tâm – niệm pháp thành tựu nhờ sức mạnh của vô si(amoha). Do đó, người có tánh tham mạnh sẽ quán thân trong thân, người có tánh sân mạnh sẽ quán thọ trong thọ, người có tánh Giác mạnh sẽ dễ dàng trong pháp niệm Tâm và niệm Pháp.

Cũng nên ghi nhận rằng: Đối với pháp Chỉ tịnh, thì Trí hổ trợ cho Định hiển lộ sức mạnh, trái lại trong pháp Quán thì Định lại hổ trợ cho Trí tiến đắc Thánh Đạo. Vì thế, hành giả khi tu tập thiền Quán cũng phải nương vào Định, tối thiểu cũng phải là cận định.

  1. Lợi ích của Định Chỉ tịnh.

Vị thánh đắc quả Siêu thế, nhưng chưa đắc được An chỉ định, được gọi là bậc Lạc quán (sukhavipassanā). Vị Thánh Lạc quán không thể an trú vào lộ tâm nhập thiền Quả để hưởng Níp-Bàn lạc.

Vị Thánh trước khi đắc Đạo, có chứng đạt An chỉ định, có thể an trú vào tầng thiền đã đắc (trước khi đắc Đạo) nhận Níp-Bàn làm cảnh để hưởng Níp-Bàn lạc.

Ngoài ra còn có 5 lợi ích do thiền Chỉ tịnh mang lại là:

  1. a) Hiện tại lạc trú.

Đối với phàm nhân hay vị Thánh Hữu học, khi cảm thấy khó chịu do 5 trần cảnh quấy nhiễu, sẽ an trú vào thiền Chỉ tịnh để được an lạc.

Vị Thánh A La Hán tuy đã phá hủy xong các lậu hoặc (āsava) vẫn tu tập thiền Chỉ tịnh vì nghĩ rằng: Ta sẽ chứng và an trú nhất tâm một ngày … giúp cho thân tứ đại không bị quấy nhiễu bởi thời tiết.

  1. b) Là nền tảng tiến đến sự giải thoát.

Là phàm phu hay vị Thánh Hữu học khi tu tập Quán Minh, phải cần phải có Định, ít nhất là định Cận hành (upacārasamādhi), vì định này mang lại lợi ích cho Tuệ, giúp hành giả chứng đạt Đạo – quả Siêu thế.

Như lời dạy của Đức Phật: –“Này các Tỷ Kheo, hãy tu tập Định, một vị Tỷ kheo định tĩnh thì biết đúng.”(Tiểu Bộ Kinh).

  1. c) Chứng đắc các Thắng trí (abhinññāṇa).

Thắng trí ở đây là tên gọi của các loại thần thông như: Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Túc mạng thông, Thần túc thông và Tha tâm thông.

  1. d) Sinh về Phạm Thiên giới.

Khi phàm nhân chứng đắc Định, không làm hoại Định ấy, khi mệnh chung sẽ sinh vào cõi thiền (jhānabhūmi) mà mình đã chứng đắc.

Mặt khác, nếu hành giả chưa chứng đắc được định An chỉ, chỉ đạt đến Cận định khi mệnh chung cũng được tái sinh về cõi trời Dục giới.

  1. e) Hưởng trạng thái Vô dư Níp-Bàn tạm thời.

Đối với các vị Thánh Tam quả, hay vị Thánh Vô Lậu, có nền tảng thiền Định là Phi tưởng phi phi tưởng xứ, sẽ dễ dàng đạt đến định Diệt Thọ Tưởng hưởng Vô dư Níp-Bàn lạc tạm thời trong hiện tại.

-ooOoo-

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app