CHƯƠNG PHÁP BẢY CHI
[370] Bảy pháp đa tác dụng (Bahukārā dhammā):
Đây là bảy thánh tài (Ariyadhana), tài sản cao quí hay tài sản của bậc thánh:
- Tín tài (Saddhādhana), đức tin là tài sản cao quí, lòng tịnh tín nơi tam bảo.
- Giới tài (Sīladhana), giới hạnh là tài sản cao quí, sự ngăn ngừa điều ác của thân khẩu.
- Tàm tài (Hiridhana), lòng tàm là tài sản cao quí, sự hổ thẹn đối với điều ác bất thiện pháp.
- Quý tài (Ottappadhana), lòng quý là tài sản cao quí, sự ghê sợ đối với điều ác bất thiện pháp.
- Văn tài (Sutadhana), sự đa văn là tài sản cao quí, tức là nghe nhiều học rộng Phật pháp.
- Thí tài (Cāgadhana), xả thí là tài sản cao quí, tức là sự dứt bỏ lòng bỏn xẻn, ưa thích bố thí với hai bàn tay rộng mở.
- Tuệ tài (Paññādhana), trí tuệ là tài sản cao quí, trí hiểu điều lợi ích, hiểu nhân quả, hiểu điều thiện ác, hiểu bản chất danh sắc, chánh kiến.
Bảy pháp này là tài sản cao quí, thù thắng hơn tài sản vật chất vì không bị cướp đoạt, không bị hư hoại; mặt khác thánh tài này làm cho tâm an lạc và cũng tạo được tài sản vật chất. Người nào có bảy thánh tài này được gọi là người giàu có.
D.III.163,267; A.IV.5
[371] Bảy pháp cần tu tập (Bhāvetabba-dhammā):
Đây là bảy giác chi, chi phần của sự giác ngộ (Bojjhaṅga, sambojjhaṅga):
- Niệm giác chi (Satisambojjhaṅga), ghi nhận bén nhạy trong đề mục đang tu tập.
- Trạch pháp giác chi (Dhammavicayasamboj-jhaṅga), trí thẩm sát danh sắc, nhận thức sâu sắc, liễu tri chân thực tính chất pháp là vô thường, khổ v.v…
- Cần giác chi (Vicayasambojjhaṅga), sự nỗ lực, sự nhiệt tâm, tinh tấn dõng mãnh không lui sụt việc phát huy chánh niệm tỉnh giác trong đề mục.
- Hỷ giác chi (Pītisambojjhaṅga), sự hưng phấn, phỉ lạc, tâm hân hoan khi an trú trong đề mục.
- Tịnh giác chi (Passaddhisambojjhaṅga), sự yên tịnh thân tâm, vắng lặng thân tâm, tức là nội tâm không bị xáo trộn bức xúc.
- Định giác chi (Samādhisambojjhaṅga), sự tập chú trên đề mục, tâm vững trú trên đề mục, không tán loạn, không giao động.
- Xả giác chi (Upekkhāsambojjhaṅga), sự dung hòa của tâm, trạng thái an nhiên bình thản đối với hiện trạng sanh diệt của pháp hữu vi, không bồn chồn lo âu.
D.III. 251, 282; Vbh. 277.
[372] Bảy pháp cần biến tri (Pariññeyyā dhammā):
Đây là bảy thức trú (Viññāṇaṭhiti):
- Có loài chúng sanh thân dị tưởng dị (Sattā nānattakāyanānattasaññino), như nhân loại và một số chư thiên dục giới. Các chúng sanh này thân tướng khác nhau và tâm hữu phần cũng khác nhau.
- Có loài chúng sanh thân dị tưởng đồng (Sattā nānattakāy’ ekattasaññino), như phạm chúng thiên sơ thiền. Các phạm thiên cõi này có thân tướng khác nhau nhưng đồng một tâm hữu phần.
- Có loài chúng sanh thân đồng tưởng dị (Sattā ekattakāyanānattasaññino), như chúng sanh quang âm thiên cõi nhị thiền. Các phạm thiên cõi này có thân tướng giống nhau nhưng tâm hữu phần khác nhau.
- Có loài chúng sanh thân đồng tưởng đồng (Sattā ekattakāyekattasaññino), như chúng sanh biến tịnh thiên. Các phạm thiên cõi này có thân tướng giống nhau và tâm hữu phần cũng giống nhau.
- Có loài hữu tình sanh trú không vô biên xứ (Sattā ākāsānañcāyatanūpagā), tức là phạm thiên cõi vô sắc không vô biên xứ.
- Có loài hữu tình sanh trú thức vô biên xứ (Sattā viññāṇañcāyatanūpagā), tức là phạm thiên cõi vô sắc thức vô biên xứ.
- Có loài hữu tình sanh trú vô sở hữu xứ (Sattā ākiñcaññāyatanūpagā), tức là phạm thiên cõi vô sắc vô sở hữu xứ.
- III. 253: A.IV.39.
[373] Bảy pháp cần đoạn trừ (Pahātabbā-dhammā):
Đây là bảy pháp tiềm miên (Anusaya), pháp phiền não ngủ ngầm:
- Tham dục tiềm miên (Kāmarāgānusaya), lòng tham ái cảnh dục, là phiền não ngủ ngầm, khi có cảnh thích hợp thì bộc phát do đã có tiềm tàng ái dục từ quá khứ. Cần phải hiểu như thế đối với các pháp tiềm miên khác.
- Phẫn nộ tiềm miên (Paṭighānusaya), lòng sân hận, là phiền não ngủ ngầm…
- Tà kiến tiềm miên (Diṭṭhānusaya), kiến chấp sai lầm, là phiền não ngủ ngầm…
- Hoài nghi tiềm miên (Vicikicchānusaya), tâm hoang mang ngờ vực, là thứ phiền não ngủ ngầm…
- Kiêu mạn tiềm miên (Mānānusaya), lòng kiêu căng tự đắc, là thứ phiền não ngủ ngầm…
- Tham hữu tiềm miên (Bhavarāgānusaya), tâm ái chấp sanh hữu, là thứ phiền não ngủ ngầm…
- Vô minh tiềm miên (Avijjānusaya), tính mê muội, là thứ phiền não ngủ ngầm…
D.III.254, 282; A.IV.8; Vbh.383.
[374] Bảy pháp thuộc phần hạ liệt (Hāna-bhāgiyā dhammā).
Đây là bảy phi diệu pháp (Asaddhamma):
- Không có lòng tin (Asaddho hoti)
2. Không có lòng tàm (Ahiriko hoti)
3. Không có lòng quý (Anottappī hoti)
4. Ít học (Appassuto hoti)
5. Lười biếng (Kusīto hoti)
6. Thất niệm (Muṭṭhassati hoti)
7. Thiếu trí (Duppañño hoti). - III.282.
[375] Bảy pháp thuộc phần thù thắng (Visesabhāgiyā dhammā):
- Có đức tin (Saddho hoti)
2. Có lòng tàm (Hirimā hoti)
3. Có lòng quý (Ottappī hoti)
4. Nghe nhiều học rộng (Bahussuto hoti)
5. Chuyên cần (Āraddhaviriyo hoti)
6. Niệm vững trú (Upaṭṭhitasati hoti)
7. Có trí tuệ (Paññavā hoti).
D.III.282.
[376] Bảy pháp khó thể nhập (Duppaṭi-vijjhā dhammā):
Đây là bảy pháp hiền triết, hay pháp bậc chân nhân (Sappurisadhamma):
- Tri pháp (Dhammaññutā), là biết nhân, biết rõ nguyên nhân sanh ra sự kiện; ở đây, tri pháp cũng có nghĩa là thông suốt giáo lý Phật ngôn gồm chín phần như khế kinh, ứng tụng…
- Tri nghĩa (Atthaññutā), là biết về quả, biết rõ sự kiện do nhân sanh; ở đây, tri nghĩa cũng có nghĩa là thông hiểu lý của pháp, hiểu nghĩa sâu kín của Phật ngôn.
- Tri kỷ (Attaññutā), tự biết về bản thân, tức là biết rõ mình có khả năng như vậy, sở trường, sở đoản như vậy.
- Tri độ (Mattaññutā), biết độ lượng trong việc thọ dụng, khi ăn, khi mặc biết tiết độ chừng mực.
- Tri thời (Kālaññutā), biết phân bố thời gian thích hợp, biết làm việc cho hợp thời đúng lúc; lúc nào nên làm việc nào, lúc nào nên nói lời nào…
- Tri hội (Parisaññutā), biết rõ hội chúng chỗ mình đến, biết để ứng xử hợp lý, biết đây là hội chúng quan quyền hoặc đây là hội chúng trí thức hoặc đây là hội chúng thường dân, trong hội chúng này ta nên ngồi, nên nói, nên im lặng như thế nào.
- Tri bỉ (Puggalaparoparaññutā), biết rõ cá tính trình độ của từng người mà mình tiếp xúc, biết rõ người ấy có khuynh hướng như vậy như thế nào… cần đáp ứng như vầy như thế nào…
Đối với vị tỳ-kheo thành tựu bảy pháp hiền triết này được gọi là vị tỳ-kheo khả kính, khả ái, đáng cúng dường.
- III. 252, 283: A.IV.113.
[377] Bảy pháp cần sanh khởi (Uppādetabbā dhammā):
Đây là bảy pháp tưởng (Saññā):
- Tưởng vô thường (Aniccasaññā), là suy xét tính chất tạm bợ, biến đổi của danh sắc, sanh rồi diệt.
- Tưởng vô ngã (Anattasaññā), là suy xét trạng thái rỗng không của danh sắc vì được cấu tạo bởi nhân duyên, không có cái chủ thể đơn thuần.
- Tưởng bất tịnh (Asubhasaññā), là suy xét tính không thuần khiết của thân này như suy tưởng về 32 thể trược trong thân.
- Tưởng hiểm họa (Ādīnavasaññā), là suy xét về sự nguy hiểm của xác thân bị khổ não do nhiều bệnh tật, hoặc suy xét sự nguy hiểm của ngũ trần.
- Tưởng đoạn trừ (Pahānasaññā), là suy tưởng trạng thái níp-bàn đoạn trừ hoàn toàn phiền não.
- Tưởng vô nhiễm (Virāgasaññā), là suy tưởng trạng thái níp-bàn vô nhiễm đối với phiền não.
- Tưởng đoạn diệt (Nirodhasaññā), là suy tưởng trạng thái níp-bàn đoạn diệt hoàn toàn sanh hữu, chấm dứt mọi khổ đau.
D.III.283.
[378] Bảy pháp cần thắng tri (Abhiññeyyā dhammā):
Đây là bảy đức tiêu biểu (Niddasavatthu), nghĩa là đặc điểm mà vị tỳ-kheo thành tựu được gọi là “Vị tỳ-kheo tiêu biểu” (Niddasabhikkhu). Trong pháp này, Đức Phật gọi vị tỳ-kheo tiêu biểu là vị thành tựu bảy đức tính này chớ không nói theo số hạ lạp.
- Khát vọng và thiết tha hành trì học pháp (Sikkhāsamādāne tibbacchando avigatapemo), tức là hành trì tam học giới, định, tuệ.
- Khát vọng và thiết tha thẩm nghiệm pháp (Dhammanisantiyā tibbacchando avigatapemo), tức là quán sát, minh sát danh và sắc.
- Khát vọng và thiết tha điều phục dục cầu (Icchāvinaye tibbacchando avigatapemo), là điều phục ái tham – taṇhā.
- Khát vọng và thiết tha thiền tịnh (Paṭisallāne tibbacchando avigatapemo), là sống độc cư – ekī-bhāva.
- Khát vọng và thiết tha sống chuyên cần (Viriyārambhe tibbacchando avigatapemo), là tinh tấn cả thân và tâm – kāyika cetasikaviriya.
- Khát vọng và thiết tha cẩn niệm (Satinepak-ke tibbacchando avigatapemo), tức là ức niệm sáng suốt – sati ca nepakkabhāva ca.
- Khát vọng và thiết tha thể nhập tri kiến (Diṭṭhipaṭivedhe tibbacchando avigatapemo), tức là kiến đạo, tri kiến thuộc thánh đạo – maggadassana.
- III. 252, 283; A.IV.34.
[379] Bảy pháp cần tác chứng (Sacchikātabbā dhammā):
Đây là bảy sức mạnh bậc lậu tận (Khīnāsavabala), sức mạnh tinh thần của vị A-la-hán; vị A-la-hán có nội tâm dũng mãnh như ngưu vương bởi nhờ thành tựu bảy sức mạnh này; vị tỳ-kheo lậu tận biết rõ sự diệt tận các lậu hoặc cũng nhờ các sức mạnh này.
- Chư hành được vị ấy thấy rõ như chân bằng chánh trí, rằng là vô thường (Aniccato sabbe saṅ-khārā yathābhūtaṃ sammappaññāya sudiṭṭhā honti).
- Các dục được vị ấy thấy rõ như chân bằng chánh trí, rằng là nguy hiểm ví như than hừng v.v… (Aṅgārakāsūpamādayo kāmā yathābhūtaṃ sammap-paññāya sandiṭṭhā honti).
- Tâm của vị ấy hướng viễn ly, thiên về viễn ly, khuynh theo viễn ly, trú trong viễn ly, hoan hỷ xuất ly, đoạn tận hoàn toàn các pháp do lậu duyên khởi (Vivekaninnaṃ cittaṃ hoti vivekapoṇaṃ vivekapab-bhāraṃ vivekaṭṭhaṃ nekkhammābhirantaṃ vyanti-bhūtaṃ sabbaso āsavaṭṭhāniyehi dhammehi).
- Bốn niệm xứ đã được vị ấy khéo tu tập phát triển (Cattāro satipaṭṭhānā bhāvitā honti subhāvitā).
- Năm quyền đã được vị ấy khéo tu tập phát triển (Pañcindriyāni bhāvitāni honti subhāvitāni).
- Bảy giác chi đã được vị ấy khéo tu tập phát triển (Satta bojjhaṅgā bhāvitā honti subhāvitā).
- Thánh đạo tám chi đã được vị ấy khéo tu tập phát triển (Ariyo atthaṅgiko maggo bhāvito hoti subhāvito).
D.III.283.
[380] Bảy sức mạnh tinh thần (Bala):
- Tín lực (Saddhābala), sức mạnh của niềm tin.
2. Tấn lực (Viriyabala), sức mạnh của sự tinh tấn.
3. Tàm lực (Hiribala), sức mạnh của hổ thẹn tội lỗi.
4. Quý lực (Ottappabala), sức mạnh của tâm ghê sợ tội lỗi.
5. Niệm lực (Satibala), sức mạnh của chánh niệm, tâm ghi nhận bén nhạy.
6. Định lực (Samādhibala), sức mạnh của sự tập trung, tâm vững trú trên đề mục.
7. Tuệ lực (Paññābala), sức mạnh của trí tuệ, sự thẩm sát, sự hiểu biết.
A.IV.3
[381] Bảy pháp tưởng (Saññā):
- Tưởng bất tịnh (Asubhasaññā), suy tưởng về thân thể trược.
- Tưởng sự chết (Maraṇasaññā), suy tưởng về tính chất mong manh của mạng sống.
- Tưởng nhờm gớm vật thực (Āhārare paṭikkulasaññā), suy tưởng về sự bẩn thỉu của vật thực mà người ta làm ra.
- Tưởng bất hỷ cõi đời (Sabbaloke anabhiratasaññā), suy tưởng về sự tẻ nhạt đơn điệu trong cuộc sống.
- Tưởng vô thường (Aniccasaññā), suy tưởng về sự tạm bợ của danh sắc, sanh rồi diệt, có rồi không.
- Tưởng khổ vô thường (Anicce dukkhasaññā), suy xét về trạng thái bức xúc khó chịu của hiện tượng vô thường.
- Tưởng vô ngã trong khổ (Dukkhe anattasaññā), suy xét về sự bất lực trong sự khổ, không thể theo ý muốn được.
Bảy pháp tưởng này nếu được tu tập thuần thục viên mãn sẽ đạt đến lợi ích lớn, chứng ngộ níp-bàn.
A.IV.46
[382] Bảy pháp môn đoạn trừ lậu hoặc (Āsavakkhayadhamma):
- Đoạn trừ do tri kiến (Dassanā pahātabbā), tức là biết tác ý pháp cần tác ý, và không tác ý pháp không cần tác ý, nhờ vậy mà các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi, các lậu hoặc đã sanh bị trừ diệt.
- Đoạn trừ do thu thúc (Saṃvarā pahātabbā), tức là thúc liễm sáu căn như mắt, tai… nhờ vậy các lậu hoặc không có.
- Đoạn trừ do thọ dụng (Paṭisevanā pahātabbā), tức là khi thọ dụng tứ sự có chơn chánh giác sát, khéo quán tưởng, nhờ vậy các lậu hoặc không khởi lên hoặc không còn nữa.
- Đoạn trừ do kham nhẫn (Adhivāsanā pahā tabbā), tức là biết chịu đựng nhẫn nại với nghịch cảnh, nhờ vậy các lậu hoặc không khởi lên hoặc không còn nữa.
- Đoạn trừ do né tránh (Parivajjanā pahātabbā), tức là biết thận trọng, tránh né mối hiểm họa có thể sanh phiền não như bạn xấu, thú dữ, chỗ lai vảng không thích hợp… nhờ vậy các lậu hoặc không khởi lên hoặc không còn nữa.
- Đoạn trừ do dẹp bỏ (Vinodanā pahātabbā), tức là biết từ bỏ, từ khước, không chấp nhận các tà niệm sanh khởi như dục tầm, sân tầm và hại tầm, nhờ vậy các lậu hoặc không khởi lên hoặc không còn nữa.
- Đoạn trừ do tu tập (Bhāvanā pahātabbā), tức là khéo tu tập bảy giác chi: niệm, trạch pháp, cần, hỷ, tịnh, định và xả, dựa trên viễn ly vô nhiễm, đoạn diệt, phóng thích. Nhờ tu tập như vậy các lậu hoặc không có hoặc không còn nữa.
M.I.7-11
[383] Bảy nhóm pháp đảng giác, bồ đề phần (Bodhipakkhiyadhamma), pháp môn trợ giúp giác ngộ:
- Tứ niệm xứ (Satipaṭṭhāna), xem [165]
2. Tứ chánh cần (Sammappadhāna), xem [219]
3. Tứ như ý túc (Iddhipāda), xem [217]
4. Ngũ quyền (Indriya), xem [487]
5. Ngũ lực (Bala), xem [276]
6. Thất giác chi (Bojjhaṅga), xem [371]
7. Bát chi đạo (Ariyamagga), xem [400]
Vbh. 249.
[384] Bảy thanh tịnh pháp (Visuddhi), bảy tịnh pháp đưa đến giải thoát:
- Giới tịnh (Sīlavisuddhi), sự thanh tịnh về giới, sự nghiêm trì giới luật, biết sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, làm cho giới không bị lấm nhơ tỳ vết. Giới đây là chỉ cho bốn thanh tịnh giới (Parisuddhisīla).
- Tâm tịnh (Cittavisuddhi), sự thanh tịnh về tăng thượng tâm, tức là tâm định trong các thiền chứng; tâm tịnh thuộc về tám bậc thiền đáo đại, kể cả cận định (Upacārasamādhi), khi tiến hành thiền chỉ (Samatha).
- Kiến tịnh (Diṭṭhivisuddhi), sự thanh tịnh về tri kiến, đây chính là tuệ quán thứ nhất trong 16 tuệ minh sát “Tuệ phân biệt danh sắc”. Kiến tịnh này loại trừ ngã chấp thủ.
- Đoạn nghi tịnh (Kaṅkhāvitaraṇavisuddhi), sự thanh tịnh bằng tuệ đoạn trừ nghi hoặc, đây chính là hai tuệ quán: “Tuệ hiểm duyên danh sắc” và “Tuệ tri phổ cập tướng”.
- Đạo phi đạo tri kiến tịnh (Maggāmaggañā-ṇadassanavisuddhi), sự thanh tịnh tri kiến ở giai đoạn tuệ quán, từ “Tuệ sanh diệt” cho đến “Tuệ hành xả”. Trong giai đoạn này có thể vì tuệ quán còn yếu nên dễ sanh khởi tùy phiền não và ngộ nhận đạo lộ giải thoát, khó xác định hư thực, nên gọi là đạo phi đạo tri kiến.
- Hành lộ tri kiến tịnh (Paṭipadāñāṇadassa-navisuddhi), sự thanh tịnh tri kiến trong giai đoạn tuệ quán đã già dặn, cũng kể từ “Tuệ sanh diệt” trở đi, nhưng thêm hai tuệ nữa là “Tuệ thuận thứ” và “Tuệ chuyển tộc” . Ở giai đoạn này xác định rõ về đạo lộ giải thoát.
- Tri kiến tịnh (Ñāṇadassanavisuddhi), sự thanh tịnh tri kiến do thánh trí, tức là tuệ giác ngộ, “Tuệ đạo”, “Tuệ quả” giai đoạn này là sự thanh tịnh của bậc thánh vì thánh trí đã phát sanh, và đây là đỉnh cao của sự thanh tịnh, đỉnh cao của tam học (Giới-định-tuệ).
Bảy sự thanh tịnh này là pháp tu tập chuyển tiếp thứ lớp để đạt đến níp-bàn, cũng ví như bảy trạm xe chuyển tiếp để cho người khách hành trình tuần tự đến mục tiêu.
Xem thêm mười sáu tuệ quán [484], và chín tuệ quán [438].
M.I.149; Vism.1.710.
[385] Bảy nhân tăng trưởng danh tiếng (Yasābhivaḍḍhana):
- Nỗ lực (Uṭṭhānavā), siêng năng.
2. Ức niệm (Satimā), có chủ tâm ghi nhớ.
3. Tịnh nghiệp (Sucikammo), có thân khẩu ý trong sạch, không lỗi lầm.
4. Cẩn hành (Nisammakārī), làm việc thận trọng.
5. Điều phục (Saññato), biết tự khắc chế bản thân.
6. Sống theo pháp (Dhammajīvī), nuôi mạng lương thiện.
7. Không dể duôi (Appamatto), không buông lung phóng đãng.
Dhp.24.
[386] Bảy pháp bất thối của Tăng chúng (Aparihāniyadhamma), bảy pháp khiến tăng chúng hưng thịnh, không suy yếu:
- Các tỳ-kheo thường xuyên tụ hội, hội họp đông đảo (Abhiṇhaṃ sannipatā sannipātabahutā bha-vissanti).
- Các tỳ-kheo đoàn kết tụ hội, đoàn kết giải tán, đoàn kết hành tăng sự (Samaggā sannipatis-santi samaggāvuṭṭhahissanti samaggā saṅghaka-raṇīyāni karissanti).
- Các tỳ-kheo không định đặt luật lệ không được chế định, không hủy bỏ luật lệ đã được chế định, sống đúng theo các học giới đã được chế định (Appaññattaṃ na paññāpessanti paññattaṃ na sa-mucchindissanti yathā paññattesu sikkhāpadesu samādāya vattissanti).
- Các tỳ-kheo biết tôn kính, nể trọng, đảnh lễ, cúng dường các vị trưởng lão tiền bối, tu thâm niên, như bậc cha bậc thầy của tăng chúng (Ye te bhikkhū therā rattaññū cirapabbajitā saṅghapitaro saṅghapa-rināyakā te sakkarissanti garukarissanti māressanti pūjessanti).
- Các tỳ-kheo không bị chi phối bởi tham ái, ái làm nhân tiếp tục sanh hữu (Uppannāya taṇhāya ponobhāvikāya na vasaṃ gacchanti).
- Các tỳ-kheo ưa thích tại những trú xứ rừng núi cô tịch (Āraññakesu senāsanesu sāpekkhā bhavis-santi).
- Các tỳ-kheo tự thân an trú chánh niệm, khiến các vị đồng phạm hạnh chưa đến muốn đến, đến rồi được sống an lạc (Paccattaṃ yeva satiṃ upaṭṭhāpas-santi kin’ ti anāgatā ca pesalā sabrahmacarī āgac-cheyyuṃ āgatā ca phāsuṃ vihareyyuṃ).
- II.76.
[387] Bảy pháp bất thối khác của tăng chúng (Apare aparihāniyadhamma):
- Các tỳ-kheo không thích làm thế sự (Na kammārāma bhavissanti).
2. Các tỳ-kheo không thích phiếm luận (Na bhassārāmā bhavissanti).
3. Các tỳ-kheo không thích ngủ nghỉ (Na niddārāmā bhavissanti)
4. Các tỳ-kheo không thích tụ tập (Na saṅgaṇikārāmā bhavissanti).
5. Các tỳ-kheo không có ham muốn xấu xa (Na pāpicchatā bhavissanti).
6. Các tỳ-kheo không kết bạn xấu (Na pāpamittā bhavissanti).
7. Các tỳ-kheo không dừng lại nửa chừng giữa quả vị thấp với quả vị thù thắng (Na oramattakena visesādhigamena antarā vosānaṃ āpajjissanti) - II. 78; A. IV. 21
[388] Bảy pháp bất thối khác của tăng chúng (Apare aparihāniyadhamma):
- Các tỳ-kheo có đức tin (Saddhā bhavissanti).
2. Các tỳ-kheo có lòng tàm (Hirimanā bhavissanti).
3. Các tỳ-kheo có lòng quý (Ottāpī bhavissanti).
4. Các tỳ-kheo có nghe nhiều (Bahussutā bha-vissanti).
5. Các tỳ-kheo có chuyên cần (Āraddhaviriyā bhavissanti).
6. Các tỳ-kheo có trú niệm (Upaṭṭhitasatī bhavissanti).
7. Các tỳ-kheo có trí tuệ (Paññāvanto bhavis-santi).
D.II.78.
Đức Phật còn dạy thêm những pháp bất thối khác như là chúng tỳ-kheo tu tập bảy giác chi (Sambojjhaṅga) [381]; chúng tỳ-kheo tu tập bảy pháp tưởng (Saññā) [387]; chúng tỳ-kheo tu tập sáu pháp khả niệm (Sāranīyadhamma) [342].
[389] Bảy điều khả kính của vị tỳ-kheo (Bhikkhumanāpadhamma):
- Vị tỳ-kheo không muốn lợi lộc (Bhikkhu na lābhakāmo hoti).
2. Vị tỳ-kheo không muốn được tôn kính (Bhikkhu na sakkārakāmo hoti).
3. Vị tỳ-kheo không muốn được tán thán (Bhikkhu na anavaññattikāmo hoti).
4. Vị tỳ-kheo có lòng tàm, biết hổ thẹn (Bhikkhu hirīmā hoti).
5. Vị tỳ-kheo có lòng quý, biết sợ lỗi lầm (Bhikkhu ottappī hoti).
6. Vị tỳ-kheo thiểu dục, ít ham muốn (Bhikkhu appiccho hoti).
7. Vị tỳ-kheo có chánh kiến, hiểu biết đúng (Bhikkhu sammādiṭṭhi hoti).
Nếu vị tỳ-kheo có bảy pháp ngược lại những điều này thì là vị tỳ-kheo không đáng kính của các bạn đồng phạm hạnh.
Một đoạn khác, Đức Phật thuyết bảy điều khả kính của vị tỳ-kheo có khác đôi chút ở hai điều sau là:
- Vị tỳ-kheo không ganh tỵ (Bhikkhu anissukī hoti).
7. Vị tỳ-kheo không bỏn xẻn (Bhikkhu amaccharī hoti).
A.IV.1,2.
[390] Bảy pháp người cận sự (Upāsaka-dhamma), bảy đức tính tốt đẹp của người đệ tử cư sĩ trong Phật giáo.Cũng gọi là “Túc hạnh của người cận sự (Upāsakasampadā)”; cũng gọi là “Pháp bất thối của người cận sự (Upāsakāparihānadhamma)”.
- Không quên thăm viếng các tỳ-kheo (Bhikkhudassanaṃ na hāpeti).
- Không dể duôi việc nghe chánh pháp (Saddhammassavanaṃ nappamajjati).
- Tu tập tăng thượng giới (Adhisīle sikkhati)
- Giàu niềm tin đối với các tỳ-kheo trưởng lão, tỳ-kheo trung hạ, tỳ-kheo tân nhập (Pasādabahulo hoti bhikkhūsu theresu ceva navesu ca majjhinesu ca)
- Nghe pháp không với tâm vấn nạn, không tìm lỗi lầm (Anupārambhacitto dhammaṃ suṇāti na randhagavesī).
- Không tìm người đáng cúng dường ngoài tăng chúng (Na ito bahiddhā dakkhiṇeyyaṃ gavesati).
- Ưu tiên cho tăng chúng (idha ca pubbakāraṃ karoti), là bố thí cúng dường các tỳ-kheo trước, sau mới bố thí ngoại đạo nếu có (ĀS. attanipāta).
A.IV. 25, 26.
[391] Bảy pháp thiện hữu, bảy đức tính người bạn tốt (Kalyānamittadhamma):
- Tánh đáng yêu (Piyo)
2. Tánh đáng kính (Garu)
3. Đáng noi gương (Bhāvanīyo)
4. Là người hay khuyên bảo (Vattā)
5. Là người kham nhẫn lời nói (Vacanakkhamo).
6. Là người nói lời thâm sâu (Gambhīrañca kathaṃ kattā).
7. Không xúi giục điều phi lý (No ca aṭṭhāne niyojane). - IV. 31.
[392] Bảy pháp thiện hữu khác (Apare kalyanamittadhamma):
- Cho vật khó cho (Duddadaṃ dadāti).
2. Làm việc khó làm (Dukkaraṃ karoti).
3. Nhẫn điều khó nhẫn (Dukkhamaṃ khamati).
4. Tỏ bày chuyện kín của mình (Guyhamassa āvikaroti).
5. Che giấu chuyện kín của bạn (Guyhamassa parigūhati).
6. Khi hoạn nạn không bỏ nhau (Āpadāsu na jahati).
7. Bạn khánh tận không khinh rẻ (Khīṇena n’ ā timaññati).
A.IV.31
[393] Bảy đặc tính của pháp luật Phật (Dhammavinayanalakkhana):
- Nhất hướng nhàm chán (Ekantanibbidā)
2. Vô nhiễm (Virāga)
3. Đoạn diệt (Nirodha)
4. An tịnh (Upasama)
5. Thắng trí (Abhiññā)
6. Giác ngộ (Sambodha)
7. Níp-bàn (Nibbāna).
Bảy đặc tính của pháp luật đây là điều mà Đức Phật đã giảng cho tôn giả Upāli nghe, để nhận thức đó là pháp và luật, là lời dạy của bậc Đạo Sư.
- IV.143.
[394] Bảy điều kiện thích hợp (Sappāya) cho vị hành giả tiến tu thiền định:
- Trú xứ thích hợp (Āvāsasappāya), là có chỗ ở vừa ý, yên tĩnh, khí hậu điều hòa.
- Hành xứ thích hợp (Gocarasappāya), là chỗ sinh sống dễ dàng, tìm vật thực không khó khăn; chỗ thuận tiện đi khất thực, không quá xa cũng không quá gần xóm làng.
- Đàm luận thích hợp (Bhassasappāya), là nói những câu chuyện về sự viễn ly, thiểu dục, tri túc, câu chuyện về giới – định – tuệ… hoặc nói chuyện cần thiết, vừa phải, không mất thời gian.
- Người thích hợp (Puggalasappāya), là gần được những bạn đồng tu có cùng khuynh hướng tu tập, đủ khả năng tu tập, thông suốt pháp học pháp hành.
- Thực phẩm thích hợp (Bhojanasappāya), là ăn những thức ăn dễ tiêu hóa, hợp với thể tạng, không gây bệnh.
- Thời tiết thích hợp (Utusappāya), là lúc có thời tiết dễ chịu, không quá nóng, không quá lạnh.
- Oai nghi thích hợp (Iriyāpathasappāya), là sự hoạt động thân thể đi, đứng, nằm, ngồi điều hòa, thoải mái, thích nghi.
Vism.127; Vin.A.II.429; MA.II.911.
[395] Bảy pháp diệt tranh, bảy pháp giải quyết tố tụng (Adhikaraṇasamatha) trong tăng chúng:
- Xử theo nguyên tắc đối chất (Sammukhāvinayo dātabbo).
- Xử theo nguyên tắc phủ quyết tội danh đối với trường hợp là bậc đủ chánh niệm – vị A-la-hán (Sativinayo dātabbo).
- Xử theo nguyên tắc phủ quyết tội danh đối với trường hợp là bậc không mê loạn – vị A-la-hán (Amūḷhvinayo dātabbo).
- Xử theo lời thú nhận của bị cáo (Patiññāya kāretabbaṃ).
- Xử theo ý kiến số đông (Yebhuyyasikā).
- Xử theo mức độ phạm tội của đương sự (Tassa pāpiyasikā).
- Xử hòa giải đôi bên, khỏa lấp không khởi tố (Tiṇavatthāraka).
D.III.254; M.II.247; A.I.99; I.V.144.
[396] Bảy hạng thánh nhân (Ariyapuggala):
- Bậc câu phần giải thoát (Ubhatobhāgavimutta), là bậc A-la-hán đắc luôn cả hai phần, tâm giải thoát (thiền hiệp thế) và tuệ giải thoát (tâm siêu thế).
- Bậc tuệ giải thoát (Paññāvimutta), là bậc A-la-hán mà chỉ đắc tuệ siêu thế, chứ không đắc thiền hiệp thế.
- Bậc thân chứng (Kāyasakkhī), là bậc thánh hữu học có định quyền mạnh, chứng được thiền và đoạn trừ được một số lậu hoặc.
- Bậc kiến đắc (Diṭṭhipatta), là bậc thánh hữu học không chứng thiền hiệp thế, dứt trừ được một số lậu hoặc, có tuệ quyền mạnh.
- Bậc tín giải (Saddhāvimutta), là bậc thánh hữu học không chứng thiền hiệp thế, dứt trừ được một số lậu hoặc, có tín quyền mạnh.
- Bậc tùy pháp hành (Dhammānusārī), là bậc Dự lưu đạo với tuệ làm trưởng, khi đắc Dự lưu quả sẽ là bậc kiến đắc (Diṭṭhipatta).
- Bậc tùy tín hành (Saddhānusārī), là bậc Dự lưu đạo với tín làm trưởng, khi đắc Dự lưu quả sẽ là bậc tín giải (Saddhāvimutta).
Trong bộ Paramatthamañjusā (sớ giải của bộ Visuddhimagga) đã giải rằng: bậc sơ đạo tùy pháp hành hay tùy tín hành không chứng thiền hiệp thế, thành bậc kiến đắc hoặc tín giải, nếu đắc A-la-hán, sẽ là bậc tuệ giải thoát. Còn đối với bậc sơ đạo tùy pháp hành hay tùy tín hành có chứng thiền hiệp thế, thành bậc thân chứng, nếu đắc A-la-hán, sẽ là bậc Câu phần giải thoát.
- III. 105, 254: A.I.118: ps.II. 52: pug. 10, 73: Vism. 659.
[397] Bảy hạng hữu học (Sekkha):
- Bậc Tu-đà-hườn đạo (Sotāpattimaggapuggala).
2. Bậc Tu-đà-hườn quả (Sotāpattiphalapuggala).
3. Bậc Tư-đà-hàm đạo (Sakadāgāmimaggapuggala).
4. Bậc Tư-đà-hàm quả (Sakadāgāmiphalapuggala).
5. Bậc A-na-hàm đạo (Anāgāmimaggapuggala).
6. Bậc A-na-hàm quả (Anāgāmiphalapuggala).
7. Bậc A-la-hán đạo (Arahattamaggapuggala).
Gọi là bậc thánh hữu học vì còn phải tiến bậc đến quả vị cao hơn.
Comp.270.
[398] Bảy hạng vợ (Bhariyā):
- Sát nhân thê (Vadhakā bhariyā), hạng vợ như kẻ sát nhân, là người ác độc có thể giết chồng, phản trắc.
- Đạo tặc thê (Corī bhariyā), hạng vợ như kẻ trộm, là người đàn bà tiêu xài hoang phí và làm suy sụp tài sản của chồng.
- Chủ nhân thê (Ayyā bhariyā), hạng vợ như bà chủ, là người đàn bà biếng nhác, sai khiến chồng, đàn áp và hỗn xược với chồng.
- Hiền mẫu thê (Mātā bhariyā), hạng vợ như mẹ hiền, là người đàn bà có lòng độ lượng khoan dung, chăm nom săn sóc chồng như mẹ cưng chiều con.
- Hiền muội thê (Bhaginī bhariyā), hạng vợ như em gái, là người đàn bà biết tôn trọng kính nể chồng, tùy thuận theo chồng, xem chồng như người anh khả kính.
- Bằng hữu thê (Sakhī bhariyā), hạng vợ như bạn hiền, là người đàn bà cư xử tốt với chồng ở mức độ bình đẳng, vẫn quan tâm và chung thủy như đôi bạn thân.
- Nô bộc thê (Dāsī bhariyā), hạng vợ như tôi tớ, là người đàn bà khiếp sợ chồng, nhẫn nhục, phục tùng và phục vụ chồng như nàng hầu của chủ nhân.
A.IV.91; J.II.347.
-ooOoo-