[V]
Các Học Giả Hiện Đại Nói Về Papañca
và Papañca-Saññā-Saṅkhā
Hầu như không có bất cứ sự nhất trí ý kiến nào trong số các học giả hiện đại về việc dịch đúng và ý nghĩa chính xác của ‘papañca’ và ‘papañca-saññā-saṅkhā’, khi chúng xuất hiện trong kinh điển Pāli. Do vậy tự điển P. T. S bắt đầu lời bình của nó về ‘papañca’ với một vẻ không chắc chắn:
‘Trong ý nghĩa Pāli của nó, không chắc giống với prapañca Sanskrit (pra + pañca – tỏa ra, nghĩa là ‘sự mở rộng, sự khuếch tán, sự sai biệt’); có vẻ hợp lý hơn như được gợi ý bởi từ nguyên học và ý nghĩa của Lat. ‘Im-ped-iment-um’ (chướng ngại vật), được nối kết với pada, như vậy có lẽ theo nghĩa chính ‘pa-pad-ya,’ tức là cái gì ở trước (tức là làm vướng) chân (như một chướng ngại):
– vật cản, chướng ngại vật, một gánh nặng mà gây ra sự trì hoãn, sự cản trở, sự chậm trễ …
– ảo tưởng, sự ám ảnh, chướng ngại cho sự tiến bộ tinh thần …
– sự khuếch tán, sự dồi dào.
– Papañca-saṅkhā – dấu hiệu hoặc tướng của sự ám ảnh.
– Papañca-saññā (saṅkhā) – ý tưởng về sự ám ảnh, điều ám ảnh, ảo tưởng.
Thật là khó khăn để liên hệ ý nghĩa của Skt. ‘Prapañca’ với sự diễn giải được tìm thấy trong các chú giải Pāli, việc ấy đã thúc đẩy những nhà biên soạn từ điển để gợi ý một từ nguyên học mới ‘pa-pad-ya’. Nhưng từ nguyên học được gợi ý này dường như hơi gượng ép. Nếu mục đích của nó chỉ là để cố giải thích những nghĩa được chấp nhận như ‘vật cản, chướng ngại vật, sự trì hoãn hoặc chướng ngại’, thế thì điều đó thậm chí không cần thiết, vì như chúng tôi đã nêu ra đây là những nghĩa thứ yếu của ‘papañca trong lời nói’, nó đảm đương một ý nghĩa chính trong trường hợp của ‘papañca trong hành động’. Chúng tôi đã cho thấy làm thế nào các nhà chú giải, do sự ưa thích đặc biệt của họ đối với từ có ý nghĩa luân lý ‘pamāda’, ‘papañca’ được ứng dụng tương ứng cũng vào phạm vi của hành động. Từ điển giải thích ‘papañca-saññā-saṅkhā’ như là dấu hiệu hoặc tướng của sự ám ảnh. Sự kết nối giữa ‘saṅkhā’ và các khái niệm dường như đã bị bỏ sót.
Trong từ điển Phật học, Đại trưởng lão Nyanātiloka gợi ý những nghĩa sau đây cho ‘papañca’: ‘sự mở rộng, sự khuếch tán, sự trình bày chi ly, sự phát triển, sự sai biệt, sự đa dạng (thế giới), sự phân biệt, sự phụ thuộc. Ngài thu hút thêm sự chú ý vào phương thức Madhupiṇḍika về tưởng, một phần trong đó ngài trích dẫn và dịch:
‘…yaṃ vitakketi taṃ papañceti, yaṃ papañceti tatonidānaṃ purisaṃ papañcasaññāsaṅkhā samudācaranti, tôi mạo muội dịch câu này như vầy: ‘bất cứ cái gì vị ấy phân biệt, do nhân duyên đó, những ý tưởng và những xét đoán phân biệt (papañca-saññā-saṅkhā) phát sanh trong vị ấy’.
Ta có thể nói rằng trong việc dịch ‘papañca’ theo nghĩa ‘sự phân biệt’, khuynh hướng bành trướng của các khái niệm đã được gợi ý. Ý nghĩa của ‘papañca-saññā-saṅkhā’ như được đưa ra ở đây cũng gần hơn ý nghĩa mà chúng tôi đã gợi ý, mặc dù động từ ‘samudācaranti’ ở đây được trích dẫn theo nghĩa ‘sự phát sanh’ trong khi đó chúng tôi dịch nó để muốn nói đến ‘sự áp đảo’.
- K. E Neumann trong những bản dịch tiếng Đức của ông, dịch ‘papañca’ với Vielheit (tính sai biệt) hoặc Sonderheit (tính đa dạng). Lối dịch này có sự bất lợi cho việc kết hợp với định đề luận lý và bản thể học của nó về sự đồng nhất hoặc duy nhất. Nó có thể hòa hợp với tư tưởng Vệ đà nhưng không hòa hợp với Phật giáo nguyên thủy
- T. W. và bà Rhys David, trong bản dịch Dīgha Nikāya (Diologues of the Buddha, II, S.B.B III p.312 fn) gợi ý ‘sự ám ảnh’ như một từ tương đương cho ‘papañca-saññā’. Họ nhấn mạnh những hàm ý luân lý được gán cho từ này bởi Buddhaghosa khi ngài giải thích nó với cụm từ ‘mattapamattā-kārapāpana’. Các dịch giả này thêm bình luận kế tiếp cũng quan tâm đến sự quan trọng của từ đó.
‘Đây là một trong những quan niệm thường lập lại nhất của tăng thượng Phật giáo, hệ thống của Thánh đạo và là một trong nhiều cách trong đó những giới Phật giáo xưa tranh đấu để cho một ngụ ý luân lý và chính xác hơn đối với quan niệm Ấn về Avijjā. Nó cũng là một trong những từ chuyên môn thường bị hiểu lầm nhất …’
Bà Rhys Davids dùng từ ‘sự ám ảnh’ trong Psalms of the Early Buddhists của bà (p. 343) như là tương đương cho những gì bà gọi là từ khó, ‘papañca’. Bà khẳng định lối dịch của tiến sĩ Neumann trên những cơ sở rằng phản nghĩa của ekatta (đồng nhất) là nānatta (sai biệt) và không phải là papañca. Đây có thể được coi như là ẩn ý hữu ích trong việc tìm kiếm ý nghĩa nguyên sơ của Papañca.
Cô I. B. Horner trích dẫn ‘papañca-saññā-saṅkhā’ trong nghĩa ‘một số ám ảnh và các tưởng’. Tính hợp lý của sự phân hai này về ‘papañca-saññā’ là đáng ngờ. Thật là thú vị để chú ý làm thế nào cô ta đã chọn từ ‘number’ (một số) như nghĩa tương đương cho ‘saṅkhā’, bằng cách xét qua ý nghĩa khác của nó ‘khái niệm’, mà chúng tôi thích hơn.
Ngài Ñāṇamoli có bình luận sau đây về ‘papañca’ trong The path of Purification (p. 578, fn. 17; cũng xem, The Guide, p. 60, fn. 202-3):
‘… Nghĩa trong ấy từ này được dùng trong các kinh là nghĩa đa dạng hóa và được chứng minh rõ ở M. I, 111: ‘Này các hiền giả, do mắt và sắc xứ nhãn thức phát sanh. Sự phối hợp của ba cái này là xúc. Với xúc làm duyên có thọ. Những gì một người cảm thọ cái đó anh ta tưởng tri. Những gì người đó tưởng tri thì có suy tính. Những gì người đó suy tính thì có đa dạng hóa (papañceti). Do sự đa dạng hóa của người đó, sự đánh giá về các tưởng đa dạng bám sát một người đối với các sắc xứ quá khứ, tương lai và hiện tại’ v.v… Loại ‘papañca’ này được các chú giải giải thích như là ‘do ái, mạn và các kiến giải (M.A. I. 25, II. 10, 75 v.v…) và nó có thể được trích dẫn như là hành động đa dạng, sự chọn lựa và sự loại bỏ, sự tán thành và phản đối (M. I. 65) được thực hiện bởi ái v.v… trên vật liệu đơn giản cung cấp bởi tưởng và tầm …’
Ở đây ý nghĩa xác thật của phương thức Madhupiṇḍika được biết đến ở một tầm mức lớn. Yếu tố phân hóa chắc chắn góp phần vào khái niệm bành trướng vốn là papañca. Đối với ‘Papañca-saññā-saṅkhā’, ngài Ñāṇamoli gợi ý thành ngữ ‘sự đánh giá về các tưởng đa dạng’, dùng số nhiều trong ngữ cảnh này và do vậy sẽ là thích hợp hơn để hiểu saṅkhā với ý nghĩa ‘những sự ước tính’ hoặc ‘các khái niệm’.
- E. M. Hare, trong khi dịch Aṅguttara Nikāya (Gradual Sayings IV. 155 fn. 4), nhận xét: ‘Papañca theo nghĩa đen là sự khuếch tán, ảo tưởng, có lẽ là sự lan truyền điều bí ẩn. Trong ngữ cảnh đặc biệt đó ông chuyển dịch ‘papañca’ theo nghĩa ‘sự khuếch tán’ và ‘nippapañca’ theo nghĩa sự ‘đúng đắn’ hoặc ‘tính chính xác’. Nhưng có lẽ ông dịch phạm vi lời nói hơn là tinh thần. Tuy nhiên, khi dịch Sutta Nipāta, Hare thích dùng từ ‘chướng ngại’ hơn (Woven Cadences of Early Buddhists, pp. 2, 129). Ông đã dịch cụm từ ‘Saññānidānā hi papañcasaṅkhā’, được tìm thấy trong Kalahavivāda Sutta, như sau: ‘chướng ngại do ước tính là nguồn của tưởng’ (p.129). Cụm từ đó đã được giải thích ở đây theo thứ tự ngược, để làm nổi bật những từ ‘saññānidānā’. Do vậy, dường như ông phát hiện ý nghĩa của saṅkhā như là ‘sự ước tính’ hoặc ‘khuynh hướng’.
Trong Studies in the Origins of Budhism (pp. 474 fn), G.C.Pande lưu ý đến sự liên quan của ‘papañca’ với nghĩa tương đương của nó trong các nguồn Sanskrit Phật giáo và Vệ đà. Sau khi xem xét kỹ những tham chiếu như ‘sabbaṃ accagamā imaṃ papañcaṃ’ (SN. 8) và ‘anuvicca papañcanāmarūpaṃ’ (Sn.530), ông rút ra kết luận sau đây: ‘Papañca’ do vậy tương đương với ‘nāmarūpa’, khi chấm dứt Papañca là đạt đến chứng ngộ tối thượng’.
Chúng ta đã thấy làm thế nào hai tham chiếu ở trên, cũng như nhiều phần khác trong kinh điển Pāli, thích hợp cho sự giải thích tốt hơn khi papañca được cho một nội dung năng động hơn như khái niệm bành trướng hóa. Để đặt ngang hàng papañca với ‘nāmarūpa’, dựa vào những ngụ ý của nó trong những hệ thống tư tưởng khác, sẽ là khó hiểu một phần quan trọng của triết học Phật giáo nguyên thủy.
- E. R. Sarathchandra, trong việc tìm kiếm ý nghĩa nguyên sơ của ‘papañca’ (Buddhist Psychology of Perception, pp. 4 ff), được hướng dẫn đến chừng mực nào đó theo ý nghĩa của từ này trong Vệ đà và ông cũng lý giải ‘papañca’ liên quan với ‘nāmarūpa’. Ông đã cố gắng chứng minh ý nghĩa này bất kể sự trùng lặp mà là kết quả của sự ứng dụng với kệ ngôn bắt đầu với ‘anuvicca papañcaṃ nāmarūpaṃ’. Tuy nhiên, ông đã thảo luận khá chi tiết sự liên quan của ‘papañca’ với tiến trình của tưởng và tầm quan trọng về triết lý thiết yếu của nó. Sự việc đồng hóa chính mình với tâm thức làm phát sanh papañca-saṅkhā đã được công nhận. Tuy nhiên ông đã chuyển dịch ‘papañca-saṅkhā’ như là ‘sự ám ảnh (saṅkhā) được biết là papañca’. Dường như ông đã ấp ủ hình thức ghép nào đó giữa ‘saṅkā’ (Skt shaṅkā) và kaṅkhā (Skt. kaṅkshā) – cả hai có nghĩa ‘sự không chắc chắn hoặc ‘sự nghi ngờ’ – khi vị ấy ngẫu nhiên dùng ‘saṅkhā’ để muốn nói đến ‘sự ám ảnh’.
Đây chỉ là một số lượng nhỏ trong nhiều cách giải thích được đề xuất bởi các học giả hiện đại. Chúng tôi không có ý định cũng không có khả năng thấu suốt trong mối liên hệ này. Tuy nhiên mẫu điển hình của những quan điểm mâu thuẫn này sẽ đủ để chứng minh rằng có một bức màn không chắc chắn trên ý nghĩa của ‘papañca’ và ‘papañca-saññā-saṅkhā’. Do vậy hy vọng rằng cố gắng của chúng tôi sẽ khích lệ một sự nghiên cứu sâu sắc và bao quát về chủ đề này hơn là những gì chúng tôi có thể trình bày qua những trang sách này.
-ooOoo-