CHƯƠNG IV
CÁC NGHI THỨC KHÓA LỄ
Một người Phật tử tại gia cần phải thông thuộc các nghi thức sinh hoạt lễ hội Phật giáo có liên quan đến cư sĩ. Mặc dù ở các buổi lễ đều có người hướng dẫn (A-cha, ācariya), nhưng nếu ai cũng hiểu thông nghi thức và thuộc kinh kệ thì dễ hòa đồng và dễ cho người hướng dẫn; hoặc có khi chính mình phải hướng dẫn nghi thức trong lễ ấy.
IV-1. NGHI THỨC TỤNG NIỆM
Có bốn loại kinh tụng niệm mà người cư sĩ nên lưu ý và học thuộc lòng:
- a) Kinh lễ bái (đầy đủ và tóm tắt)
b) Kinh hồi hướng
c) Kinh phục nguyện
d) Kinh xưng tán uy lực
Các loại kinh tụng này đều có trong quyển “Nhật Hành của Cư sĩ” đã được in và tái bản do giáo hội Phật giáo Nguyên thủy ấn hành tại trụ sở Chùa Kỳ Viên, số 610, đường Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, TP HCM.
Về nghi thức tụng niệm, tùy mỗi khóa lễ ở chùa hay ở tư gia; lễ đặc biệt hay buổi công phu sáng chiều.
Có thể áp dụng nghi thức thứ tự như sau:
– Tụng kinh lễ bái Tam bảo (đầy đủ hoặc tóm tắt).
– Tụng xưng tán uy lực hoặc kinh quán tưởng, kinh rải tâm từ v.v…
– Tụng kinh hồi hướng phước đến chúng sanh, hoặc hồi hướng phước đến chư thiên.
– Tụng kinh phục nguyện để nguyện thành tựu phước.
Khi tụng kinh nên ngồi xếp bằng hoặc xếp chè-he (một chân xếp qua bên phải), lưng giữ ngay thẳng, mắt khép lại (nếu tụng thuộc lòng), tâm thái thư thản không bận rộn lo lắng việc khác, đọc thầm hoặc nhỏ tiếng. Nếu tụng kinh với nhiều người thì đọc lớn tiếng nhưng phải giữ hòa giọng với nhau. Trước khi tụng kinh hoặc sau khi tụng xong, đảnh lễ ba lạy, có thể quì gối hoặc ngồi, lạy chậm chậm chánh niệm với lòng thành kính Tam bảo.
Tụng niệm có ích lợi ở hai phương diện: giúp tâm chánh niệm vì tập trung vào lời kinh; giúp ôn nhuần kinh pháp đã học.
Người cư sĩ sơ cơ có thể thực hành thiền tập qua nghi thức tụng niệm vào lúc chiều tối và sáng sớm yên tĩnh, thời lượng không nhất định, tùy thích hoặc tùy hoàn cảnh.
IV-2. NGHI THỨC QUI Y
Những người nam hoặc nữ cư sĩ muốn tu tập theo Phật giáo đã có lòng kính tin Tam bảo, phát tâm qui y Phật-Pháp-Tăng. Trường hợp như vậy có thể áp dụng một trong hai nghi thức qui y.
A- Tự phát nguyện qui y
Trường hợp này khi người cư sĩ không có dịp đến chùa gặp chư Tăng xin qui y mà ở nhà tự phát nguyện. Bằng nghi thức như sau:
Nên sắp xếp một nơi trong nhà thờ hình tượng Phật; sau khi dâng hương đăng trên bàn thờ, quì lạy kim thân Đức Phật ba lạy, bắt đầu tụng đọc như vầy:
Itipi so bhagavā arahaṃ sammāsambuddho vijjācaranasampanno sugato lokavidū anuttaro purisadammasārathī satthādevamanussānaṃ buddho bha-gavā’ ti.
Đức Thế Tôn ấy là bậc Ưng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
Svākkhāto bhagavatā dhammo sa diṭṭhiko akāliko ehipassiko opanayiko paccattaṃ veditabbo viñ-ñūhī’ ti.
Giáo pháp được Đức Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, bất luận thời gian, đến để thấy, hiệu năng hướng thượng, đáng được người trí tự chứng.
Supaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho ujupatipanno bhagavato sāvakasaṅgho ñāyapaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho sāmīcipaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho. Yadidaṃ cattāri purisayugāni aṭṭha purisapuggalā esa bhagavato sāvakasaṅgho āhuneyyo pāhuneyyo dakkhineyyo añjalikaraṇīyo anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassā’ ti.
Tăng đệ tử Thế Tôn là thiện hạnh, Tăng đệ tử Thế Tôn là trực hạnh, Tăng đệ tử Thế Tôn là như lý hạnh, Tăng đệ tử Thế Tôn là chân chánh hạnh. Tăng đệ tử Thế Tôn gồm bốn đôi tám vị đáng nhận lễ phẩm, đáng nhận tặng phẩm, đáng nhận tế phẩm, đáng được chắp tay lễ bái, là phước điền vô thượng của thế gian. (lạy một lạy).
Arahaṃ sammāsambuddho bhagavā buddhaṃ bhagavantaṃ abhivādemi.
Con kính lạy Đức Phật Thế Tôn là bậc A la hán Chánh Đẳng Giác. (1 lạy).
Svākkhāto bhagavatā dhammo dhammaṃ namassāmi.
Con kính lạy giáo pháp là pháp được khéo thuyết bởi Đức Thế Tôn. (1 lạy).
Supaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho saṅghaṃ namāmi.
Con kính lạy Tăng chúng là Tăng đệ tử Đức Thế Tôn, bậc thiện hạnh. (1 lạy).
Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi
Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi
Saṅghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Dutiyampi buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi
Dutiyampi dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi
Dutiyampi saṅghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Tatiyampi buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi
Tatiyampi dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi
Tatiyampi saṅghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Con xin qui y Phật, con xin qui y Pháp, con xin qui y Tăng.
Lần thứ hai, con xin qui y Phật, con xin qui y Pháp, con xin qui y Tăng.
Lần thứ ba, con xin qui y Phật, con xin qui y Pháp, con xin qui y Tăng. (1 lạy).
Natthi me saraṇaṃ aññaṃ buddho me saraṇaṃ varaṃ. Etena saccavajjena hotu me jayamaṅgalaṃ.
Natthi me saraṇaṃ aññaṃ dhammo me saraṇaṃ varaṃ. Etena saccavajjena hotu me jaya-maṅgalaṃ.
Natthi me saraṇaṃ aññaṃ saṅgho me saraṇaṃ varaṃ. Etena saccavajjena hotu me jayamaṅgalaṃ.
Chẳng có chi khác là chỗ nương cho con, chỉ Đức Phật đối với con là chỗ nương cao quí. Do lời chân thật này mong cho con được kiết tường thắng lợi.
Chẳng có chi khác là chỗ nương cho con, chỉ Giáo pháp đối với con là chỗ nương cao quí. Do lời chân thật này, mong cho con được kiết tường thắng lợi.
Chẳng có chi khác là chỗ nương cho con, chỉ Tăng chúng đối với con là chỗ nương cao quí. Do lời chân thật này, mong cho con được kiết tường thắng lợi.– (lạy 3 lạy).
Từ khi phát nguyện qui y, đã thành người cận sự trong Phật giáo, hãy giữ niềm tin Tam bảo và giữ gìn năm giới.
B- Qui y trực diện Tăng
Người cư sĩ qui y trực diện Tăng là sau khi đi đến chùa, trực tiếp xin qui y trước sự chứng minh của một hoặc nhiều vị sư. Tốt nhất là lễ qui y nên cử hành tại chánh điện.
Phải làm theo nghi thức sau đây:
Trước tiên nên sám hối tội lỗi để bắt đầu nhập đạo. Sau khi đảnh lễ Phật-Pháp-Tăng ba lạy, bắt đầu đọc như sau:
Accayo maṃ bhante accagamā yathābālaṃ ya-thāmūḷhaṃ yathā-akusalaṃ. Yo’haṃ [1] bhante kāyena vā vācāya vā manasā vā buddhassa vā dhammassa vā saṅghassa vā agāravaṃ akāsiṃ. Tassa [2] me ayyo [3]accayaṃ accayo paṭiggaṇhātu āyatiṃ saṃvarāya.
Bạch đại đức [4], vì con là người thiểu trí, lầm lạc, không minh mẫn nên đã phạm các tội lỗi. Bạch đại đức, sợ e con đã dể duôi, không có lòng thành kính, do thân khẩu ý của con bất tịnh mà phạm đến Phật Pháp Tăng. Bạch đại đức, cầu xin đại đức xá tội lỗi ấy cho con, bởi các tội lỗi ấy là quấy thật, đặng cho con làm những việc lành từ nay về sau (1 lạy).
Vị sư chứng minh, hoặc chư Tăng chứng minh nên xác chứng lời sám hối bằng tiếng “Sādhu, sādhu, sādhu“.
Người ấy tiếp tục bằng lời thệ nguyện qui y như sau:
Esvāhaṃ [5] bhante suciraparinibbutampi taṃ bha-gavantaṃ saraṇaṃ gacchāmi dhammañca bhikkhusaṅ-ghañca upāsakaṃ [6] maṃ ayyo dhāretu [7] ajjatagge pāṇu-petaṃ saraṇaṅgataṃ.
Bạch đại đức [8], con cầu xin thọ phép qui y Phật đã níp bàn, cầu xin thọ phép qui y pháp, cầu xin thọ phép qui y tăng. Xin đại đức nhận biết cho con là người cận sự nam [9] đã qui y Tam bảo kể từ nay cho đến trọn đời. (1 lạy).
Khi ấy vị sư chứng qui y, hoặc một trong những vị Tăng chứng, hãy truyền qui giới cho người cư sĩ ấy (áp dụng nghi thức thọ ngũ giới).
Sau khi người cư sĩ ấy đã thọ trì qui giới và trở thành một Phật tử, chư Tăng sách tấn bằng một pháp thoại ngắn rồi phúc chúc an lành đến người Phật tử mới qui y.
Nếu trong lễ qui y có nhiều thiện nam tín nữ tham dự thì khi chư Tăng vừa dứt lời chúc phúc, chư thiện tín đồng đọc bài kệ hoan hỷ có thêm bạn đạo.
Ngưỡng cầu Đức Phật ban ơn
Độ người chánh kiến tầm chơn đạo thiền
Ngưỡng cầu đức pháp vô biên
Độ người hữu chí cần chuyên đạo hành
Ngưỡng cầu hai bậc Tăng lành
Độ người mộ đạo tâm thành qui y
Cầu xin thiên chúng hộ trì
Giúp người giới luật luôn khi giữ tròn
Chúc cho bạn mới lòng son
Tu hành tinh tấn dạ mong Níp bàn
Thiện nam, tín nữ lưỡng ban
Xin cùng đồng chí bạn vàng nhận thâu
Phước lành đạo tạo bấy lâu
Đồng xin hồi hướng nguyện cầu quả cao
Đạo mầu gắng chí dồi trau
Thoát đường tội lỗi, trần lao dứt lần
Tìm người trí thức xa gần
Học người đạo đức ân cần hỏi han
Ngày đêm tu tập đoan trang
Công phu hành đạo tìm đàng vô sanh
Dọn thân khẩu ý trọn lành
Kịp thời thoát tục thực hành đạo cao
Tìm đường bát chánh lần vào
Siêu phàm nhập thánh tiêu dao Níp bàn.
Dứt nghi thức qui y
IV- 3. NGHI THỨC THỌ NGŨ GIỚI
Người cư sĩ mới qui y Tam bảo phải thọ ngũ giới, và trong các cuộc lễ khác như trai tăng, thính pháp v.v… trước khi vào chính lễ đều có nghi thức thọ ngũ giới. Nghi thức này áp dụng như sau:
Ngồi đối diện trước chư tăng, hoặc một hay vài vị tỳ kheo, sa di, cư sĩ đảnh lễ Tăng và đọc như vầy:
Ukāsa ahaṃ [10] bhante visuṃ visuṃ rakkhanatthāya tisaranena saha pañca sīlāni yācāmi [11].
Dutiyampi ahaṃ bhante visuṃ visuṃ rakkhanatthāya tisaranena saha pañca sīlāni yācāmi.
Tatiyampi ahaṃ bhante visuṃ visuṃ rakkhanatthāya tisaranena saha pañca sīlāni yācāmi.
Bạch đại đức, con xin thọ trì tam qui và ngũ giới nơi Tam bảo, để vâng giữ hành theo cho được sự lợi ích.
Bạch đại đức, con xin thọ trì tam qui và ngũ giới nơi Tam bảo, để vâng giữ hành theo cho được sự lợi ích lần thứ nhì.
Bạch đại đức, con xin thọ trì tam qui và ngũ giới nơi Tam bảo, để vâng giữ hành theo cho được sự lợi ích lần thứ ba.
Tiếp đó một vị sư đại diện Tăng để truyền qui giới đến cư sĩ. Bắt đầu kinh lễ Phật.
Namo tassa bhagavato arahato sammāsambud-dhassa (3 lần).
Con đem hết lòng thành kính làm lễ đức Phá-gá-va đó, ngài là bậc Á-rá-hăng cao thượng, được chứng quả chánh biến tri, do Ngài tự ngộ không thầy chỉ dạy. (3 lần).
Người cư sĩ cũng đọc kinh lễ bái như vậy. Xong, vị sư sẽ đọc từng câu truyền thọ tam qui, cư sĩ đọc theo:
Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Con đem hết lòng thành kính xin qui y Phật.
Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Con đem hết lòng thành kính xin qui y Pháp.
Saṅghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Con đem hết lòng thành kính xin qui y Tăng.
Dutiyampi buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Con đem hết lòng thành kính xin qui y Phật, lần thứ nhì.
Dutiyampi dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Con đem hết lòng thành kính xin qui y Pháp, lần thứ nhì.
Dutiyampi saṅghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Con đem hết lòng thành kính xin qui y Tăng, lần thứ nhì.
Tatiyampi buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Con đem hết lòng thành kính xin qui y Phật, lần thứ ba.
Tatiyampi dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Con đem hết lòng thành kính xin qui y Pháp, lần thứ ba.
Tatiyampi saṅghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Con đem hết lòng thành kính xin qui y Tăng, lần thứ ba.
Đọc xong tam qui, vị sư nói:
Tisaraṇaggahanaṃ paripuṇṇaṃ
Phép qui y Tam bảo tròn đủ chỉ có bấy nhiêu.
Người cư sĩ đáp:
Āma bhante! Dạ xin vâng!
Tiếp đến, vị Sư đọc từng điều giới cho người cư sĩ ấy đọc theo:
Pānātipātā veramanī sikkhāpadaṃ samādiyāmi.
Con xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự sát sanh.
Adinnādānā veramanī sikkhāpadaṃ samādiyāmi.
Con xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự trộm cắp.
Kāmesu micchācārā veramanī sikkhāpadaṃ samādiyāmi.
Con xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự tà dâm.
Musāvādā veramanī sikkhāpadaṃ samādiyāmi.
Con xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự nói dối.
Surāmerayamajjapamādaṭṭhānā veramanī sikkhāpadaṃ samādiyāmi.
Con xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự dể duôi uống rượu và các chất say.
Vị sư sau khi cho đọc đủ năm giới rồi thì có lời sách tấn:
Imāni pañca sikkhāpadāni sādhukaṃ katvā appamādena niccakālaṃ sammārakkhitabbaṃ.
Thiện tín đã thọ trì năm điều học này rồi, phải vâng giữ hành theo cho chín chắn chớ có dể duôi.
Người cư sĩ lãnh giáo
Āma bhante, Dạ xin vâng
Vị sư tiếp tục khuyến khích
Sīlena sugatiṃ yanti sīlena bhogasampadā sīlena nibbutiṃ yanti, tasmā sīlaṃ visodhaye.
Các chúng sanh, sanh về cõi trời cũng nhờ giữ giới, các chúng sanh được đầy đủ tài sản cũng nhờ giữ giới, các chúng sanh được níp bàn cũng nhờ giữ giới. Bởi các cớ ấy, thiện tín nên trì giới trong sạch đừng để lấm nhơ.
Thiện tín đồng hoan hỷ
Sādhu sādhu! Lành thay, lành thay!
Thọ giới xong thì tiếp tục làm nghi thức khóa lễ khác; nếu không có thì Phật tử đọc kinh sám hối Tam bảo tóm tắt. Vị sư tụng kinh phúc chúc ngắn. Cuối cùng thì Phật tử hồi hướng phước.
- 4. NGHI THỨC THỌ BÁT QUAN TRAI GIỚI
Ngày trai giới (uposathadivasa) là ngày tu tập thanh tịnh của người cư sĩ.
Ngày trai giới, người cư sĩ thúc liễm thân tâm, tạm gát bỏ việc thế tục, chuyên tâm hành thiền, quán tưởng … để trau dồi đạo hạnh.
Thời Đức Phật trụ thế, ngày trai giới được qui định có 4 ngày trong tháng là mồng 8 âl, ngày rằm, ngày 23 và ngày cuối tháng (29 hoặc 30). Về sau, các vị Axàlê qui định thêm 4 này nữa thành có 8 ngày trai giới trong tháng, tức là ngày mồng 5, 8, 14, 15, 20, 23 và ngày cuối tháng (29 và 30 hoặc 28 và 29).
Để hỗ trợ cho việc tu tập ngày trai giới được viên mãn phước hạnh, người cư sĩ trong ngày trai giới thọ trì tám điều học, gọi là bát giới hay bát quan trai giới.
Nghi thức thọ bát quan trai giới như sau:
Từ lúc sớm mai rạng đông ngày trai giới, người cư sĩ tác ý thọ trì trai giới, nguyện rằng:
Ajja uposatho imañca rattiṃ imañca divasaṃ uposathiko [12] bhavissāmi.
Hôm nay là ngày trai giới, ta sẽ là người thọ trì trai giới trọn ngày và đêm nay.
Sau đó người cư sĩ đi đến chùa để thọ bát quan trai giới do Tăng chứng minh (nếu có điều kiện ở gần chùa thì đến, bằng không thì ở nhà phát nguyện cũng được).
Khi đã đến chùa, đảnh lễ chư Tăng hay một vị sư; cư sĩ tác bạch xin giới như vầy:
Ukāsa ahaṃ bhante visuṃ visuṃ rakkhanatthāya tisaraṇena saha aṭṭhaṅgasamannāgataṃ uposathaṃ yācāmi.
Dutiyampi ahaṃ bhante visuṃ visuṃ rakkha-natthāya tisaraṇena saha aṭṭhaṅgasamannāgataṃ upo-sathaṃ yācāmi.
Tatiyampi ahaṃ bhante visuṃ visuṃ rakkha-natthāya tisaraṇena saha aṭṭhaṅgasamannāgataṃ upo-sathaṃ yācāmi.
Bạch đại đức, tôi xin thọ trì tam qui và bát quan trai giới nơi Tam bảo, để vâng giữ hành theo cho được sự lợi ích.
Bạch đại đức, tôi xin thọ trì tam qui và bát quan trai giới nơi Tam bảo, để vâng giữ hành theo cho được sự lợi ích lần thứ nhì.
Bạch đại đức, tôi xin thọ trì tam qui và bát quan trai giới nơi Tam bảo, để vâng giữ hành theo cho được sự lợi ích lần thứ ba.
Vị sư truyền giới sẽ đọc cho cư sĩ đọc theo phần thọ tam qui trước. Phần này giống như trong nghi thức thọ ngũ giới.
Tiếp đến sư truyền tám giới cho cư sĩ đọc theo:
Pāṇātipātā veramanī sikkhāpadaṃ samādiyāmi.
Tôi xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự sát sanh.
Adinnādānā veramanī sikkhāpadaṃ samādiyāmi.
Tôi xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự trộm cắp.
Abrahmacariyā veramanī sikkhāpadaṃ samādiyāmi.
Tôi xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự hành dâm.
Musāvādā veramanī sikkhāpadaṃ samādiyāmi.
Tôi xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự nói dối.
Surāmerayamajjapamādaṭṭhānā veramanī sikkhā-padaṃ samādiyāmi.
Tôi xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự dể duôi uống rượu và các chất say.
Vikālabhojanā veramanī sikkhāpadaṃ samādiyāmi.
Tôi xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự ăn sái giờ.
Naccagītavāditavisūkadassanamālāgandhavilepanadhāraṇamaṇḍanavibhūsanaṭṭhānā veramanī sikkhāpadaṃ samādiyāmi.
Tôi xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự múa hát, thổi kèn, đờn, xem múa hát, nghe đờn kèn, trang điểm thoa vật thơm, dồi phấn, đeo tràng hoa.
Uccāsayanamahāsayanā veramanī sikkhāpadaṃ samādiyāmi.
Tôi xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa chỗ nằm ngồi quá cao và xinh đẹp.
Tiếp tục, người cư sĩ xác định thọ trì:
Imaṃ aṭṭhaṅgasamannāgataṃ buddhappaññattaṃ uposathaṃ imañca rattiṃ imañca divasaṃ sammadeva abhirakkhituṃ samādiyāmi.
Tôi xin thọ trì bát quan trai giới, trọn đủ tám điều của Đức Phật đã giáo truyền, hầu để vâng giữ hành theo cho được trong sạch trọn ngày nay và đêm nay, mong cầu gieo được giống lành, để thấy rõ Níp bàn trong ngày vị lai.
Vị sư sách tấn:
Imāni aṭṭha sikkhāpadāni uposathasīlavasena imañca rattiṃ imañca divasaṃ sādhukaṃ katvā appamādena sammā rakkhitabbaṃ.
Thiện tín đã thọ trì tám điều học này trọn ngày nay và đêm nay, phải nên vâng giữ hành theo cho chín chắn chớ dể duôi.
Cư sĩ lãnh giáo
Āma bhante, Dạ xin vâng.
Vị sư tiếp tục khuyến khích:
Sīlena sugatiṃ yanti sīlena bhogasampadā sīlena nibutiṃ yanti. Tasmā sīlaṃ visodhaye.
Các chúng sanh sanh về cõi trời cũng nhờ giữ giới;
Các chúng sanh được đầy đủ tài sản cũng nhờ giữ giới;
Các chúng sanh được níp bàn cũng nhờ giữ giới.
Bởi các cớ ấy, nên thiện tín phải trì giới trong sạch đừng để lấm nhơ.
Cư sĩ hoan hỷ
Sādhu! lành thay!
Nếu sau đó không có khóa lễ khác nữa thì cư sĩ tụng sám hối Tam bảo. Sư chúc phúc. Cư sĩ hồi hướng phước.
IV.5. NGHI THỨC SÁM HỐI LỆ KỲ MỖI NỬA THÁNG
Nghi thức này vẫn thường được sinh hoạt ở các chùa Nam Tông, dành cho nam nữ cư sĩ vào ngày rằm và 30 âl, hoặc có chùa thì tổ chức ngày 14 và 29 âl.
Thường thì ngày sám hối lệ kỳ là ngày pháp hội, sau khi chư Phật tử tụng kinh sám hối, chư Tăng sẽ thuyết thời pháp sách tấn cư sĩ tu hành …
Nghi thức sám hối này không có trong thời Đức Phật, cũng không phải là truyền thống phổ thông của các xứ Phật giáo Nam Tông. Đây chỉ là nghi thức trước bày nay làm thôi, nhưng cũng thấy là tốt. Người cư sĩ tụng kinh sám hối là để bày tỏ những lỗi lầm ác nghiệp mà mình đã phạm rồi có tâm hối cải nguyện chừa bỏ lỗi lầm ấy. Sự sám hối chỉ là một cách phát lộ chớ không phải tụng như vậy có thể làm tiêu tan ác nghiệp từ trước; muốn tiêu trừ ác nghiệp xưa thì phải hành thiện tạo phước, giữ giới tu thiền.
Nghi thức sám hối là đến chùa hoặc ở nhà cũng được, đối diện kim thân Đức Phật, sau khi đảnh lễ ba lạy, bắt đầu tụng kinh lễ bái Tam bảo, xưng tán ân đức Tam bảo.
Xong nghi thức lễ bái, thì đọc kinh sám hối như sau:
Cúi đầu lạy trước Bửu Đài
Con xin sám hối từ rày ăn năn
Xưa nay lỡ phạm điều răn
Do thân khẩu ý bị màng vô minh
Gây ra nghiệp dữ cho mình
Sát sanh hại vật chẳng tình xót thương
Giết ăn hoặc bán không lường
Vì lòng tham lợi quên đường thiện nhân
Oan oan tương báo cõi trần
Trầm luân biển tối chịu phần khổ lao
Xét ra nhân, vật khác nào
Hại nhơn, nhơn hại, mắc vào trả vay
Lại thêm trộm sản cướp tài
Công người cực nhọc hàng ngày làm ra
Lòng tham tính bảy lo ba
Mưu kia kế nọ, lấy mà nuôi thân
Hoặc nuôi quyến thuộc xa gần
Làm cho người phải lắm lần than van
Tà dâm tội nặng muôn ngàn
Liệu toan chước sách làm đàng chẳng ngay
Vợ con người phải lầm tai
Mất trinh thất tiết phải tai tiếng đời
Xấu cha hổ mẹ nhiều lời
Xa lìa chồng vợ rã rời lứa đôi
Vọng ngôn giả dối ngoài môi
Chuyện không nói có, có rồi nói không
Dùng lời đâm thọc, hai lòng
Phân chia quyến thuộc, vợ chồng anh em.
Mắng nhiếc chửi rủa pha dèm
Xóm làng cô bác chị em không chừa.
Nói lời vô ích dây dưa
Phí giờ quí báu hết trưa đến chiều
Uống rượu sanh hại rất nhiều
Ham ăn mê ngủ nói nhiều chẳng kiên
Say sưa ngã gió đi xiên
Nằm bờ té bụi như điên khác nào
Loạn tâm cuồng trí mòn hao
Nhiều người vì rượu biết bao hư nhà
Xan tham những của người ta
Mong sao đoạt được, lòng tà mới ưng
Nết sân nóng giận không chừng
Toan làm hại chúng bâng khuâng trong lòng
Si mê tin chạ chẳng phòng
Nghe đâu theo đó, không thông chánh tà
Chẳng tin Phật pháp cao xa
Thậm thâm vi diệu bao la trên đời
Nếu con cố ý phạm lời
Hoặc là vô ý, lỗi thời điều răn
Hoặc xúi kẻ khác bạo tàn
Hoặc nghe thấy ác lòng hằng vui theo
Phạm nhằm ngũ giới thập điều
Vì nhân thân, khẩu ý, nhiều lần sai;
Lỗi từ kiếp trước lâu dài
Đến kiếp hiện tại miệt mài lắm phen
Hoặc vì tà kiến đã quen
Khinh khi Tam bảo, lòng bèn chẳng tin
Cho rằng người chết hết sanh
Phạm vào đoạn kiến tội tình nặng thay
Hoặc phạm thường kiến tội dày
Sống sao, đến thác sanh lai như thường
Tội nhiều kể cũng không lường
Vì con ngu dốt không tường phân minh
Dể duôi Tam bảo, hại mình
Bởi nhân không thấu vô minh nghiệp tà
Cho nên tâm tánh mới là
Tối tăm chẳng rõ sai ngoa khổ sầu
Hóa nên khờ dại đã lâu
Để cho hoàn cảnh mặc dầu kéo xoay
Khác nào bèo bị gió quay
Linh đinh giữa biển dật dờ bờ sông
Xét con tội nặng chập chồng
Kiếp xưa cho đến hiện trong kiếp nầy
Con xin sám hối từ đây
Nguyện cầu Tam bảo đức dày độ cho
Tội xưa chẳng hạn nhỏ to
Con nguyền dứt bỏ, chẳng cho thêm vào
Tâm lành dốc chí nâng cao
Cải tà qui chánh, trú vào Phật ngôn
Nguyện cho dứt kiếp sinh tồn
Chứng tri đạo quả chẳng còn tối mê
Thoát vòng khổ não mọi bề
Hưởng an tịch tịnh bồ đề thảnh thơi
Ngày nay dứt bỏ việc đời
Căn lành gieo giống chẳng rời công phu
Mặc ai danh lợi bôn xu
Con nguyền giữ hạnh người tu thoát trần
Trước là độ lấy bổn thân
Sau giúp quyến thuộc được phần tiêu diêu
Sám hối tội lỗi đủ điều
Duyên lành đều cũng ít nhiều kết xây
Con xin hồi hướng phuớc nầy
Thấu đến quyến thuộc nơi đây cho tường
Cùng là thân thích tha phương
Hoặc đã quá vãng, hoặc tường hiện nay
Chúng sanh ba giới bốn loài
Vô tưởng hữu tưởng chẳng nài đâu đâu
Nghe lời thành thật thỉnh cầu
Xin mau tụ hội lảnh thâu quả nầy
Bằng ai xa cách chưa hay
Cầu xin thiên chúng mách ngay với cùng
Thảy đều thọ lãnh hưởng chung
Dứt trừ tội lỗi, thoát vòng nạn tai
Nguyện nhiều Tăng chúng đức tài
Đạt thành thánh quả hoằng khai đạo lành
Nguyện cho Phật pháp thạnh hành
Năm ngàn năm đủ, phước lành thế gian.
Sau khi tụng sám hối xong, nếu ở tại chùa thì các cư sĩ thỉnh pháp sư thuyết pháp cho hội chúng; nếu ở nhà thì tọa thiền công phu.
IV.6. NGHI THỨC THÍNH PHÁP
Thông thường trong các lễs hội Phật giáo được tổ chức ở chùa, hay tại tư gia người cư sĩ, như lễ trai tăng, lễ sám hối, lễ dâng y .v.v… đều có thời thuyết pháp, chư Tăng sẽ cử ra một vị tỳ kheo hay sa di để thuyết pháp cho các cư sĩ nghe.
Nói theo tích xưa khi Đức Thế Tôn vừa đắc quả Phật thì có vị Phạm thiên tên gọi Sahampati hiện xuống thỉnh cầu Đức Phật thuyết pháp độ đời, từ đó Phật pháp được hoằng dương. Bây giờ các cư sĩ muốn nghe pháp cũng thỉnh cầu pháp sư.
Nghi thức thỉnh pháp như sau:
Chư thiện tín tụ họp nơi chánh điện hoặc nơi phòng rộng có thờ Phật, sửa soạn một chỗ ngồi cao và trang trọng gọi là pháp tọa. Khởi đầu là nghi thức tụng kinh lễ bái Tam bảo, sau đó rước pháp sư quang lâm pháp tọa, khi pháp sư đã an tọa, các cư sĩ xin thọ qui giới; vị pháp sư truyền giới xong, hội chúng đồng loạt tác bạch thỉnh cầu thuyết pháp như vầy:
Brahmā ca lokādhipatī sahampatī
Katañjalī andhivaraṃ ayācatha
Santī’dha satāpparajakkhajātikā
Desetu dhammaṃ anukampimaṃ pajaṃ
Saddhammabheriṃ vinayañca kāyaṃ
Suttañca bandhaṃ abhidhammacammaṃ
Ākoṭayanto catusaccadaṇḍaṃ
Pabodhaneyye parisāya majjhe
Evaṃ sahampatī brahmā
Bhagavantaṃ ayācatha
Tuṇhībhāvena taṃ buddho
Kāruññen’ ādhivāsaya
Tamhā vuṭṭhāya pādena
Migadāyaṃ tato gato
Pañcavagyādayo neyye
Amaṃ pāyesi dhammato
Tato pabhūti sambuddho
Anūnā dhammadesaṇaṃ
Māghavassāni desesi
Sattānaṃ atthasiddhakaṃ
Tena sādhu ayyo bhante
Desetu dhammadesanaṃ
Sabbāyidha parisāya
Anukampampi kātave.
Thuở Phật mới đạt thành quả vị
Có Xá-hăm-bá-tí phạm thiên
Cả trong thế giới các miền
Thanh cao quán chúng cần chuyên đạo mầu
Hiện trước Phật đê đầu đảnh lễ
Bạch xin Ngài tế thế độ nhơn
Chúng sanh trong khắp cõi trần
Tối mê điên đảo không phân tội tình
Cầu Phật tổ cao minh ái truất
Hiển oai linh tỉnh thức dắt dìu
Hoằng khai giáo pháp cao siêu
Tu hành theo đặng kết nhiều thiện duyên
Thế-Tôn được mãn viên đạo quí
Con hết lòng hoan hỷ tán dương
Nhưng vì hoàn cảnh đáng thương
Không đành bỏ mặt lạc đường làm thinh
Chúng sanh vốn đa tình lắm bậc
Không hiểu đâu chơn thật giả tà
Chấp thường, chấp lạc, chấp ta
Ngày nay sơ ngộ thiết tha nhờ Ngài
Xin mở lượng cao dày răn dạy
Chuyển pháp luân diễn giải diệu ngôn
Chúng sanh nghe đặng pháp môn
Thoát vòng khổ não dập dồn bấy lâu
Giải thoát những nguồn sầu câu thúc
Diệt tham lam ái dục bao vòng
Tối tăm sẽ được sáng trong
Phát sanh trí tuệ hiểu thông tinh tường
Thông thấu lẽ vô thường biến đổi
Chúng sanh trong ba cõi mỏng manh
Vô minh nhân của quả hành
Cội căn dắt dẫn chúng sanh luân hồi
Biển trần khổ nỗi trôi chìm đắm
Bị ngũ ma dày xéo chuyển di
Vậy nên cầu đấng từ-bi
đưa thuyền bát-nhã trải di vớt người
Đưa qua chốn tốt tươi yên tịnh
Bờ Níp bàn chẳng dính trần ai
Như đèn rọi suốt trong ngoài
Chiếu tia sáng khắp các loài hân hoan
Pháp như trống khải hoàn rầm rộ
Luật ví như đại cổ hoằng dương
Kinh như giây buộc trên rương
Luận như mặt trống phá tường vô minh
Tứ diệu đế ấy hình dùi trống
Gióng khua tan giấc mộng trần gian
Chúng sanh tất cả bốn hàng
Như sen trong nước minh quang luống chờ
Trời lố mọc đặng nhờ ánh sáng
Trải hoa lành rải tản mùi hương
Pháp mầu ánh sáng phi thường
Chiếu khắp ba cõi rõ đường an vui
Phạm thiên vẫn ngậm ngùi khẩn khoản
Phật nhận lời nhưng chẳng dỉ hơi
Quyết lòng mở đạo dạy đời
Nhắm vườn Lộc-giả, ngài dời chân sang
Thuyết pháp độ các hàng đệ tử
Có năm thầy thính dự pháp từ
Đó là nhóm Kiều Trần-Như
Được nếm hương vị hữu dư Níp bàn
Rồi từ đó mở mang giáo pháp
Bốn mươi lăm hạ giáp vẹn toàn
Một lòng chẳng thối, không mòn
Những điều lợi ích hằng còn lâu năm
Cả tam giới thừa ân phổ cập
Đám mưa lành rưới khắp thế gian;
Bởi nhân cớ tích rõ ràng
Thỉnh Ngài thuyết pháp noi đàng từ bi.
Chúng sanh ngồi khắp chốn ni
Tối mê cầu đặng trí tri vẹn toàn. — (lạy)
Tiếp đến là vị pháp sư bắt đầu thuyết pháp; các cư sĩ ngồi yên lặng chú tâm nghe pháp. Khi pháp sư kết thúc thời pháp; hội chúng đảnh lễ và tụng sám hối Tam bảo, sau đó vị pháp sư phúc chúc phước cho hội chúng.
Các cư sĩ tỏ sự hoan hỷ bằng cách đồng thanh: Sādhu sādhu, lành thay!
Cuối cùng các cư sĩ tụng hồi hướng pháp thí như sau:
Yā devatā santi vihāravāsinī thūpe ghare bodhighare tahiṃ tahiṃ tā dhammadānena bhavantu pūjitā sotthiṃ karonte’ dha vihāramaṇḍale therā ca majjhā navakā ca bhikkhavo sārāmikā dānapatī upā-sakā gāmā ca desā nigamā ca issarā sappāṇabhūtā sukhitā bhavantu te jalābujā ye pi ca aṇḍasambhavā saṃsedajātā athav’ opapātikā niyyānikaṃ dhammavaraṃ paṭicca te sabbe pi dukkhassa karontu saṅkhayaṃ ṭhātu ciraṃ sataṃ dhammo dhammadharā ca puggalā saṅgho hotu samaggo va atthāya ca hitāya ca amhe rakkhatu saddhammo sabbepi dham-macārino vuḍḍhiṃ sampāpuṇeyyāma dhammāriyappavedite.
Ngưỡng cầu các đấng chư thiên
Trong vòng tịnh xá ngự yên hàng ngày
Ngự nơi đền tháp xưa nay
Những nơi biệt thất, nơi cây bồ đề
Chúng tôi xin hội họp về
Sẽ dùng pháp thí tiện bề cúng dâng
Rồi xin hộ độ chư Tăng
Cửa từ ẩn náu phước hằng hà sa
Tỳ khưu chẳng luận trẻ già
Cao hạ, trung hạ hoặc là mới tu
Thiện nam, tín nữ công phu
Đều là thí chủ đồng phù trợ nhân
Những người trong khắp thôn lân
Kiều cư châu quận được phần an khương
Chúng sanh bốn loại thông thường
Noãn, thai, thấp, hóa khi nương pháp lành
Giải thoát pháp bảo nên hành
Đặng mà dứt khổ truyền quanh đọa đày
Cầu cho hưng thạnh lâu dài
Pháp thiện trí thức các Ngài mở mang
Bậc tu xin được bình an
Cầu cho Tăng chúng các hàng hòa nhau
Lại thêm phẩm hạnh thanh cao
Những quả lợi ích kết mau kịp thì
Cầu xin pháp bảo hộ trì
Cho người tu đã qui y Phật rồi
Xin cho cả thảy chúng tôi
Tiến hoá trong pháp Phật roi giáo truyền.
Đến đây hoàn mãn buổi thuyết pháp
IV.7. NGHI THỨC LỄ CẦU AN
Thuở Đức Phật hiện tiền, có một lúc ở xứ Vajjī thành Vesāli xảy ra nạn đói, người chết nhiều, ô nhiễm sanh ra dịch bệnh. Vương tộc Licchavī đã sang Sāvatthī để cung thỉnh Đức Phật ngự về thành Vesāli, mong nhờ uy lực của Đức Phật giải trừ thiên tai. Đức Phật cùng chư Tăng ngự về thành Vesāli, Đức Phật dạy đại đức Ānanda đi ba vòng thành tụng kinh Pāritta xưng tán ân đức Tam bảo, nhờ oai lực kinh Pāritta mà quốc độ Vajjī được thoát tai ách.
Theo tích ấy mới có nghi thức thỉnh chư Tăng tụng kinh an lành, kinh gia trì, thường gọi là kinh cầu an. Nghi thức tụng kinh cầu an được cử hành trong nhiều trường hợp lễ trai tăng, lễ chúc thọ, lễ cưới hỏi, lễ khánh thành, lễ khởi công, lễ khai trương … ở tại những xứ Phật giáo bất kỳ lễ hội nào người ta cũng thỉnh chư Tăng tụng kinh Pāritta, để mong nhờ oai lực Tam bảo thành tựu mọi sự an lành, tránh khỏi những tai ương tật bệnh. Tất nhiên không phải luôn luôn tụng kinh an lành là được thành tựu hạnh phúc; còn tùy thuộc niềm tin và nghiệp lành mà người ấy đã làm.
Nghi thức lễ cầu an có thể cử hành tại chùa, hoặc ở tư gia, hay ở nơi công cộng hội trường.
Thường thấy lễ cầu an có nghi thức như sau:
Người cư sĩ đối diện trước chư tăng, đảnh lễ Tam bảo rồi xin thọ trì ngũ giới hay bát quan trai giới; xong tác bạch thỉnh chư Tăng tụng kinh cầu an.
Cư sĩ đọc:
Vipattippatibāhāya sabbasampattisiddhiyā sabbadukkhavināsāya parittaṃ brūtha maṅgalaṃ.
Vipattippatibāhāya sabbasampattisiddhiyā sabbabhayavinasāya parittaṃ brūtha maṅgalaṃ.
Vipattippatibāhāya sabbasampattisiddhiyā sabbarogavināsāya parittam brūtha maṅgalaṃ.
Bạch đại đức tăng, cầu xin các ngài tụng kinh an lành, để ngăn ngừa tránh khỏi các điều rủi ro tai hại, cho đặng thành tựu những hạnh phúc, khiến cho tất cả sự khổ não, kinh sợ và bệnh hoạn đều tiêu tan. Lần thứ nhì. Lần thứ ba.
Kế đến chư Tăng bắt đầu tụng các bài kinh an lành Pāritta, thời gian và nội dung nhiều ít tùy theo vị trưởng lão xướng kinh, có thể có nghi thức rảy nước nếu các cư sĩ có đặt sẵn bát tịnh thủy với nhánh hoa trước mặt chư Tăng, sự rảy nước tượng trưng sự ban rải phước, ban rảy uy lực kinh Pāritta. Vị trưởng lão sẽ thực hiện nghi thức này, hoặc một vị sư nào do vị trưởng lão chỉ định. Vừa tụng kinh vừa rảy nước.
Sau khi chấm dứt thời kinh, các cư sĩ đồng thanh Sādhu Lành thay. Rồi tụng kinh sám hối Tam bảo; chư Tăng chúc phúc ngắn; cuối cùng các cư sĩ tụng kinh hồi hướng công đức bài “Phước căn tôi đã tạo thành …”, hoặc bài “Chư thiên ngự trên hư không …” v.v…
Đến đây hoàn mãn khóa lễ cầu an.
IV.8. NGHI THỨC LỄ CẦU SIÊU
Phật giáo nguyên thủy từ thời Đức Phật không có nghi thức tụng kinh cầu siêu cho người chết; khi có người cư sĩ qua đời, thân nhân thỉnh chư Tăng về tư gia để làm phước cúng dường thực phẩm, rồi hồi hướng phước ấy đến người quá vãng. Hoặc giả các tỳ kheo có tụng kinh thì chỉ là tụng quán tưởng sự chết hay kinh giải về tướng vô thường, khổ, vô ngã v.v… tụng như vậy là nhằm mục đích thức tỉnh mọi người tu tập thiện nghiệp vì hiểu được bản chất của cuộc sống. Việc cúng dường đến Tăng trong các dịp lễ tang, lễ giỗ … nhằm mục đích là để tạo phước hồi hướng cho người quá cố, hy vọng nhờ đó mà người đã chết sanh ở đâu cũng được an vui hoặc vơi bớt nỗi khổ đau. Hình thức này được gọi nôm na là cầu siêu, theo dân gian thường gọi.
Nghi thức cầu siêu được áp dụng trong lễ tang, lễ giỗ, và bất cứ trường hợp nào người cư sĩ muốn hồi hướng phước đến thân nhân quá cố.
Nghi thức cầu siêu được thấy áp dụng thông lệ như sau:
Gia đình thỉnh mời chư Tăng đến, sau khi đọc kinh lễ bái Tam bảo tóm tắt, mọi người sẽ xin thọ qui giới. Sau đó, theo sự hướng dẫn của vị cư sĩ A-cha (trường hợp người trong gia đình không rành nghi thức), mọi người đọc theo (vì nghi thức cầu siêu trong Phật giáo Nam tông chỉ là mượn phương tiện để cảnh tỉnh, nên không có Pāli truyền thống):
Bạch đại đức tăng, xin thỉnh chư Tăng tụng kinh cầu siêu để trợ tiến giác linh của Ông … (hay Bà …) được an vui trong cảnh giới tái sanh, thoát ly khổ cảnh. Lần thứ nhì. Lần thứ ba.
Sau lời thỉnh cầu của cư sĩ, chư Tăng bắt đầu tụng kinh về những đầu đề Vi Diệu Pháp, những bài kệ động tâm … dứt thời kinh, các cư sĩ tụng sám hối Tam bảo và hồi hướng công đức như bài “Phước căn tôi đã tạo thành …” v.v …
Dứt phần nghi thức cầu siêu
IV.9. NGHI THỨC CHÚC THỌ
Lễ chúc thọ là lễ mừng tuổi cha mẹ, ông bà được 60, 70, 80 … để thể hiện sự tôn quí của con cháu đối với cha mẹ, ông bà, cũng để làm vui lòng cha mẹ, ông bà thấy con cháu sum vầy hiếu thuận. Đây là một thuần phong mỹ tục cần được gìn giữ, mặc dù đây không phải là văn hóa Phật giáo.
Không phải chỉ ở Việt Nam mới có mỹ tục này mà ở Trung Quốc, Thái Lan, Miến Điện cũng có. Nhưng nghi thức ở mỗi xứ mỗi khác.
Trung Quốc ảnh hưởng tinh thần Nho Giáo, Thái Lan, Miến Điện ảnh hưởng tinh thần Phật giáo.
Người cư sĩ Phật tử trong dịp lễ chúc thọ cho cha mẹ, ông bà thì thường mời thỉnh các vị sư về tư gia để tụng kinh ban phúc lành cho cha mẹ, ông bà của mình. Số lượng Tăng tối thiểu nên có 8 vị, để tăng thêm oai lực.
Về nghi thức lễ chúc thọ vì không phải là luật nghi của Đức Phật ban hành nên có sự bất nhất. Nhưng theo ý kiến của các bậc trưởng lão đã hướng dẫn Phật tử làm nghi thức lễ chúc thọ, thường áp dụng như sau:
– Sắp đặt những chỗ ngồi cho chư Tăng được thỉnh đến, vị trí trước bàn thờ nhìn ra.
– Sắp đặt hai chỗ ngồi trang trọng cho cha mẹ hay ông bà, vị trí bên phải của chư tăng, và đối diện bên trái nơi con cháu sẽ tham dự.
– Sắp sẵn lễ phẩm mừng thọ và lễ phẩm cúng dường tăng.
– Nên sắp xếp cho cha mẹ hoặc ông bà mặc lễ phục hay trang phục trịnh trọng trong ngày lễ chúc thọ.
– Tất nhiên phải trần thiết hương đăng hoa quả tươm tất tôn nghiêm trên bàn thờ Phật.
– Con cháu tụ họp đầy đủ trước mặt cha mẹ ông bà, khi thỉnh Tăng an tọa.
Phần tiến hành lễ
Trước tiên, người xướng lễ tác trình duyên sự buổi lễ đến chư Tăng:
Kính bạch chư tăng, hôm nay gia đình Phật tử “…” cung thỉnh chư đại đức Tăng về tư gia để cúng dường cầu phúc, nhân dịp các con cháu làm lễ chúc thọ, mừng cha mẹ (hay ông bà) được thượng thọ (hoặc đại thọ). Kính mong chư Tăng chứng minh.
Sau đó, các con cháu hướng về cha mẹ hay ông bà, đồng quì lạy 3 lạy với sự trang nghiêm, rồi các người con cùng đọc bài kệ xưng tán ân đức cha mẹ (nếu là các cháu nội, cháu ngoại làm lễ chúc thọ ông bà thì không cần đọc bài kệ này):
Kính thưa cha mẹ tường tri
Nghĩ suy con sợ lỗi nghì ân trên
Từ con hình thể có nên
Mẹ cha bảo dưỡng kề bên không rời
Nặng nề cực nhọc lắm ôi
Chăm nom con trẻ kể thôi sao cùng
Con xin đảnh lễ cúc cung
Nghiêng mình phủ phục mong dung tội rày
Khi con la khóc rầy tai
Từ bi mẹ hát, thương thay não nùng
Tân dịch đại tiểu tiện cùng
Các vật uế trược ung dung lau chùi
Giặt rữa, cha mẹ vẫn vui
Chẳng hề nhờm gớm những mùi thúi tha.
Từ bi thay! lòng mẹ cha
Ân tầy trời đất khó mà đáp xong
Cầu cho cha mẹ thảy đồng
Đắc thành Phật quả, thoát vòng tai ba. (lạy cha mẹ)
Sau khi đọc xong bài kệ xưng tán công ơn cha mẹ (nếu có), tiếp đến một người đại diện trong con cháu tỏ lời sám hối cha mẹ hay ông bà, về những lỗi lầm do thân khẩu ý đã xúc phạm cha mẹ hay ông bà, và xin các vị ấy tha thứ:
Thưa cha mẹ (hoặc thưa ông bà), nếu chúng con do lầm lạc vô minh đã làm những lỗi lầm, xúc phạm đến cha mẹ (hay ông bà), cúi xin cha mẹ (hay ông bà) xá các tội lỗi ấy cho chúng con.
Phước báu nào chúng con đã làm, xin cha mẹ (hay ông bà) hãy tùy hỷ với chúng con. Phước báu nào cha mẹ (hay ông bà) đã làm xin cho đến chúng con.
Kế đó cha mẹ (hay ông bà) tỏ lời hoan hỷ:
Sādhu, lành thay! cha mẹ (hay ông bà) sẵn lòng tha thứ cho các con, và cha mẹ mong cho các con được an vui tiến hóa.
Sau khi cha mẹ (hay ông bà) đã tỏ lời hoan hỷ, các con cháu tuần tự dâng tặng lễ phẩm mừng thọ đến cha mẹ ông bà.
Xong nghi thức này, các con cháu mời cha mẹ hay ông bà xoay mặt hướng đối diện chư Tăng và hướng dẫn cha mẹ tự tay cúng dường lễ phẩm đến Tăng để cha mẹ tự thân làm phước. Sau đó, con cháu đồng tác bạch cầu thỉnh chư tăng.
Bạch chư đại đức tăng, cầu xin chư Tăng tụng kinh an lành cho cha mẹ chúng con để được sự lợi ích, tiến hóa, an vui lâu dài. Lần thứ nhì. Lần thứ ba.
Chư Tăng bắt đầu tụng khóa kinh an lành, chúc phúc báu đến ông bà cha mẹ của thí chủ (có thể thêm nghi thức rảy nước như để ban phúc).
Dứt thời kinh, vị trưởng lão trong chư Tăng sẽ ban đạo từ bằng pháp thoại ngắn, nội dung tán thán sự hiếu hạnh và cách thực hành để đáp công ơn cha mẹ đúng theo tinh thần Phật pháp v.v…
Các người con cháu nghe pháp xong đồng thanh: Sādhu Lành thay.
Rồi tất cả cùng đọc bài kinh hồi hướng.
Chư thiên ngự trên hư không
Địa cầu thượng ngự rõ thông mọi điều
v.v…
Do phước báu mà chúng con đã tạo đây, nguyện cầu cho cha mẹ hằng được an vui, phúc thọ miên trường. (đọc 3 lần)
Đến đây hoàn mãn nghi thức lễ chúc thọ.
IV.10. NGHI THỨC CÚNG DƯỜNG TRAI TĂNG
Trai Tăng nghĩa là bố thí cúng dường thực phẩm đến chư tăng, gồm những vị tỳ kheo, sa di, hay tỳ kheo ni, sa di ni. Trai tăng, gọi theo Pāli là Saṅghabhatta-dāna.
Phép trai Tăng có nhiều hình thức:
1- Sakalabhattaṃ, là thí thực đến toàn thể Tăng có mặt trong chùa.
2- Uddesabhattaṃ, là thí thực đến những vị sư do Tăng chỉ định đi thọ thực.
3- Nimantanabhattaṃ, là thí thực đến những vị sư do mình thỉnh mời đích danh.
4- Salākabhattaṃ, là thí thực đến những vị sư mà mình rút thăm trúng tên.
5- Pakkhikabhattaṃ, là thí thực đến chư Tăng theo thông lệ hằng tháng, thượng huyền hay hạ huyền.
6- Uposaṭhikabhattaṃ, là thí thực đến chư Tăng trong ngày trai giới.
7- Pātipadikabhattaṃ, là thí thực đến chư Tăng vào mỗi ngày đầu của nửa tháng.
8- Āgantukabhattaṃ, là thí thực đến các vị khách tăng.
9- Gamikabhattaṃ, là thí thực đến các vị Tăng sắp ra đi.
10- Gilānabhattaṃ, là thí thực đến các vị Tăng bị bệnh.
11- Gilānupaṭṭhākabhattaṃ, là thí thực đến các vị Tăng chăm sóc tỳ kheo bệnh.
12- Niccabhattaṃ, là thí thực đến chư Tăng thường xuyên hằng ngày, như là người hộ tăng.
13- Kuṭikabhattaṃ, là thí thực đến vị Tăng nhập thất.
14- Vārakabhattaṃ, là thí thực đến chư Tăng theo sự luân phiên hộ độ.
Đây là mười bốn hình thức trai tăng, khi thí chủ trai tăng bằng loại hình nào thì nêu tên loại hình đó trong lời tác bạch dâng cúng. Tuy nhiên, chỉ nêu tổng quát là “Saṅghabhatta” (Tăng thực), không cần nêu cụ thể một loại hình nào cũng được.
Lễ trai Tăng có thể tổ chức ở tư gia, hoặc tổ chức ở chùa; lễ trai Tăng được làm tùng dịp lễ cầu an, lễ cầu siêu, lễ chúc thọ, lễ giỗ v.v… thường thì nghi thức trai Tăng được thực hiện sau khi đã xong phần lễ chính, để chư Tăng thọ thực và hoàn mãn cuộc lễ.
Về nghi thức lễ trai tăng, thí chủ sắp soạn thực phẩm sẵn sàng trên mâm bàn trước mặt chư Tăng, sau đó đọc lời tác bạch cúng dường.
Nếu là lễ trai Tăng để cầu siêu, giỗ kỵ, hồi hướng phước đến người thân đã quá vãng … thì đọc lời tác bạch như sau:
– Ayaṃ no bhante piṇḍapāto dhammiko dhammaladdho dhammeneva uppādito mātāpitādike guṇavante uddissa imaṃ “Saṅghabhattaṃ” saparikkhāraṃ buddhappamukhassa saṅghassa dema te guṇavantādayo imaṃ attano santakaṃ viya maññamānā anumodantu anumoditvāna yathicchitasampattīhi samijjhantu sabba-dukkhā pamuñcantu iminā nissandena.
Dutiyampi. Tatiyampi.
– Bạch đại đức Tăng được rõ, những thực phẩm này của chúng con làm hiệp theo lẽ đạo, được cũng hiệp theo lẽ đạo, chúng con xin hồi hướng phước đến các bậc hữu ân, nhất là cha mẹ của chúng con, chúng con dâng những thực phẩm này gọi là lễ trai Tăng gồm cả món ăn phụ tùng, dâng cúng đến chư Tăng, có Phật chứng minh. Xin cho các bậc hữu ân của chúng con hay biết rằng, phước báu của lễ trai Tăng này về phần các vị đó, và cầu xin các vị đó được phép thọ hưởng tùy ý, khi đã thọ hưởng rồi, thì được thoát khỏi những điều lao khổ, và được thành tựu quả cõi người, quả cõi trời, và cho được như ý muốn của các bậc hữu ân chúng con, do theo phước báu chảy vào không dứt. Lần thứ nhì. Lần thứ ba.
Nếu là lễ trai Tăng để cầu an cho người bệnh, cầu phước trong gia đình, chúc thọ cho ông bà cha mẹ … thì đọc lời tác bạch cúng dường như sau:
– Mayaṃ bhante imāni khādanīyabhojanīyādīni sajjetvā saṅghassa dema sādhu bhante saṅgho imāni khādanīyabhojanīyādīni paṭiggaṇhātu amhākaṃ dīgha-rattaṃ atthāya hitāya sukhāya. Dutiyampi. Tatiyampi.
– Bạch đại đức tăng, chúng con thành kính dâng cúng những thực phẩm loại cứng loại mềm này đến chư tăng. Lành thay, bạch đại đức tăng, xin Tăng thọ nhận các thực phẩm này, cho chúng con được sự tiến hóa, sự lợi ích, sự an vui lâu dài. Lần thứ nhì. Lần thứ ba.
Đọc lời tác bạch xong, thí chủ tự tay dâng mâm thực phẩm đến chư Tăng, hoặc nếu thực phẩm đặt trên chiếu cổ, bàn ăn … thì dâng bằng cách vịn vào bàn, chờ cho chư Tăng thọ lãnh, mới đảnh lễ và lui về chỗ ngồi.
Kế đến, gia đình thí chủ đọc kinh sám hối Tam bảo, hoặc đọc thêm lời thỉnh cầu chư Tăng tụng kinh cầu an hay cầu siêu … khi thiện tín dứt lời, chư Tăng sẽ tụng kinh chú nguyện phước hoặc phúc chúc cho thí chủ được thành tựu công đức.
Trong khi chư Tăng tụng kinh, các cư sĩ giữ yên lặng và thành tâm nguyện phước.
Dứt thời kinh, các cư sĩ đồng thanh hoan hỷ: Sādhu, sādhu, Lành thay. Và tụng kinh hồi hướng phước như bài “Phước căn tôi đã tạo thành” … hoặc “Chư thiên ngự trên hư không” … hoặc “Tôi xin hồi hướng quả này” … tùy theo mục đích của buổi lễ trai tăng.
Hoàn mãn nghi thức cúng dường trai tăng.
IV.11. NGHI THỨC CÚNG DƯỜNG BÁT HỘI
Trì bình khất thực là hạnh chánh mạng của vị tỳ kheo từ thời Đức Phật trụ thế, chính Đức Phật cũng đi trì bình khất thực. Đức Phật và chư Tăng sống bằng hạnh trì bình khất thực vừa là theo hạnh của chư Phật nuôi mạng chân chính (tùy theo hảo tâm bố thí của mọi người, các ngài không mong cầu, không đòi hỏi thứ này thứ kia); cũng vừa là tiếp độ chúng sanh, tạo cảnh cho chúng sanh làm thiện (dù người nghèo khổ cũng có cơ hội làm phước bằng cách đặt bát cho các ngài).
Ngày nay, chư Tăng ở các xứ Phật giáo như Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia, và chư Tăng Nam Tông Việt Nam, vẫn còn giữ truyền thống hạnh trì bình khất thực.
Tuy nhiên, do điều kiện khách quan bất lợi nên chư Tăng Nam Tông người kinh ít giữ hạnh truyền thống đó, chỉ có chăng là vào những dịp lễ có tổ chức cúng dường bát hội thì chư Tăng mới cầm bình bát đi trong khuôn viên chùa, các cư sĩ tụ họp và đặt vào bát chư Tăng những thực phẩm.
Về nghi thức cúng dường đặt bát, khi người cư sĩ gặp chư Tăng đi trì bình, có nghi lễ như sau:
Cư sĩ chuẩn bị sẵn lễ phẩm để đặt bát; đi chân không để tỏ sự cung kính tăng; giữ trang nghiêm không nói cười lớn tiếng; trịnh trọng đặt cúng phẩm vào bát của từng vị Sư. Đặt bát xong chắp tay xá lễ Sư.
Đang đi trì bình chư Tăng sẽ im lặng và nhìn xuống phía trước, không đọc kinh phúc chúc; người cư sĩ cũng nên im lặng cúng dường mà không cần tác bạch lời gì.
Nếu là lễ cúng bát hội trong chùa, thì sau khi đoàn chư Tăng lần lượt nhận cúng phẩm đặt bát xong, các ngài tập trung về trai đường hoặc một nơi đã qui định; các cư sĩ cũng tập trung đến chỗ ấy, và môt cư sĩ A-cha sẽ xướng kinh dẫn cho mọi người đọc theo:
Bạch đại đức tăng, chúng con xin thành kính dâng đến chư Tăng những cúng phẩm đặt bát hội. Ngưỡng mong chư Tăng thọ dụng những cúng phẩm này cho chúng con được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an vui lâu dài. Lần thứ nhì. Lần thứ ba.
Hoặc nếu là lễ bát hội ngày Vu Lan báo hiếu thì đọc:
Bạch đại đức tăng, chúng con xin thành kính dâng đến chư Tăng những cúng phẩm đặt bát hội. Ngưỡng mong chư Tăng thọ dụng những cúng phẩm này, cho các bậc hữu ân cùng quyến thuộc của chúng con được sự an vui y như ý nguyện. Lần thứ nhì. Lần thứ ba.
Bấy giờ chư tăng sẽ đọc kinh chúc phúc và kinh cầu an hoặc cầu siêu. Dứt thời kinh, các cư sĩ đọc kinh hồi hướng công đức, như “Phước căn tôi đã tạo thành …” hay “Chư thiên ngự trên hư không …”, hay “Tôi xin hồi hướng quả này …” Sau khi hoàn mãn nghi thức, chư Tăng tìm chỗ ngồi thọ thực.
Dứt nghi thức cúng dường bát hội
IV.12. NGHI THỨC CÚNG DƯỜNG Y TẮM MƯA
Trong Luật, Đức Phật cho phép các thầy tỳ kheo thọ nhận y tắm mưa trước khi bước vào mùa mưa, thời gian được phép nhận kể từ ngày 16 tháng 5 âl đến rằm tháng 6 âl.
Y tắm mưa là chiếc y choàng để tắm. Kích thước khoảng 0m,90 x 2m,00; nhuộm màu như y casa, nhưng không cần may theo qui cách y nội (antaravāsaka).
Người cư sĩ hiểu luật này, là cơ hội để tạo phước bố thí hợp thời, nên gần đến ngày chư Tăng an cư mùa mưa (nhập hạ) thì họ đem những lá ý tắm mưa dâng đến chư tăng; tùy theo khả năng có thể dâng đều đủ đến số lượng tỳ kheo trong chùa ấy, hoặc chỉ dâng 1, 2 lá y nhiều người góp lại dâng mỗi vị một lá y tắm mưa và vật dụng.
Nghi thức cúng dường y tắm mưa như sau:
Các cư sĩ sắp đặt y tắm mưa mang đến chỗ ngụ của các vị tỳ kheo, sa di sẽ an cư nhập hạ; đảnh lễ các tỳ kheo, và đọc lời tác bạch dâng cúng y tắm mưa như sau:
Mayaṃ bhante imāyo vassikasātikāyo [13] idh’ āne-tvā saṅghassa [14] dema sādhu bhante saṅgho [15]imāyo vassikasātikāyo paṭiggaṇhātu amhākaṃ dīgharattaṃ atthāya hitāya sukhāya. Dutiyampi. Tatiyampi.
Bạch đại đức tăng, chúng con mang đến đây những lá y tắm mưa này xin dâng cúng đến tăng. Lành thay, bạch đại đức tăng, mong chư Tăng nhận lãnh các y tắm mưa này cho chúng con được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an vui lâu dài. Lần thứ nhì. Lần thứ ba.
Khi tác bạch xong, cư sĩ dâng y tắm mưa đến tận tay các tỳ kheo, các tỳ kheo đọc kinh phúc chúc; các cư sĩ đồng thanh Sādhu rồi hồi hướng phước hoàn mãn.
Nếu lễ dâng y tắm mưa này được cử hành tại chùa, nơi chánh điện, thì trước khi đọc lời tác bạch dâng y, nên có nghi thức lễ bái Tam bảo, xin thọ qui giới như ngày nay vẫn thường làm.
Dứt nghi thức cúng dường y tắm mưa.
IV.13. NGHI THỨC CÚNG DƯỜNG Y KAṬHINA
Luật Đức Phật cho phép các tỳ kheo sau an cư mùa mưa (khi mãn hạ) được phép thọ nhận y Kaṭhina để thay đổi tam y đã cũ rách.
Thời gian thí chủ dâng y Kaṭhina và chư Tăng thọ y Kaṭhina chỉ vào tháng cuối của mùa mưa, từ ngày 16 tháng 9 âl đến ngày rằm tháng 10 âl; mỗi chùa chỉ được làm lễ dâng y Kaṭhina một lần trong mùa dâng y.
Thí chủ dâng y Kaṭhina sẽ gặt hái phước báu đặc biệt, bởi y Kaṭhina là Tăng y nghĩa là y casa dâng đến tập thể tăng, do Tăng tối thiểu là năm vị tỳ kheo thọ nhận, y Kaṭhina là thời hạn y chớ không phải ngoại thời y (akālacīvara).
Y Kaṭhina phải làm đúng qui cách luật và Tăng thọ y cũng phải làm Tăng sự đúng theo luật. Đây là luật do Đức Phật ban hành, không phải tự tiện làm.
Ở đây chỉ nói đến nghi thức cúng dường y Kaṭhina, để người cư sĩ biết mà hành lễ.
Thí chủ mang đến chùa một xấp vải hoặc một bộ y casa may sẵn (thời Đức Phật, thí chủ dâng xấp vải trắng đến chư tăng, chư tăng chỉ định cho một vị nào y cũ rách để nhận xấp vải ấy và tự may thành y càsa, nhuộm màu rồi mặc. Ngày nay, các cư sĩ biết may y càsa hoặc mua ở hàng may rồi đem đến dâng chư tăng làm y Kaṭhina. Cách nào cũng được cả). Sau khi đến chùa, thí chủ cùng các thiện tín khác đội lễ phẩm hành lễ nhiễu Phật (là đi quanh điện Phật 3 vòng, hướng phía hữu); hoặc lúc nhiễu Phật, không cần đội mang theo các lễ phẩm mà chỉ tay cầm hương hoa cũng được. Nhiễu Phật trong dịp lễ dâng y Kaṭhina, các thiện tín vừa đi vừa tụng bài kệ sau đây:
Cà-sa oai đức chi bằng
Sắc vàng thanh bạch của hàng Sa-môn
Noi gương từ phụ Thế-Tôn
Hoằng khai giáo pháp tám muôn bốn ngàn
Ngày nay thiện tín các hàng
Cà-sa đại lễ nghiêm trang cử hành
Dâng y với tấm lòng thành
Ba vòng nhiễu Phật đồng thanh nguyện cầu
Chư Tăng hoan hỷ lãnh thâu
Căn lành gieo giống để hầu mai sau
Nguyện mau thoát khỏi trần lao
Tu hành tinh tấn, tiêu dao đạo mầu
Nguyện cho Phật pháp bền lâu
Thấm nhuần trăm họ năm châu thạnh hành
Nguyện cho tất cả chúng sanh
Hồi đầu hướng thiện tâm thành quy y
Lần theo gương đấng từ-bi
Xuất gia hành đạo mang y ngồi kề
Tu tâm dưỡng tánh mọi bề
Tham sân đoạn tuyệt bồ-đề đến nơi.
Sau khi kết thúc ba vòng nhiễu Phật, chư thiện tín đi vào chánh điện đọc kinh lễ bái Tam bảo, rồi cung thỉnh chư Tăng quang lâm.
Thiện tín đảnh lễ chư Tăng, và xin thọ trì qui giới (ngũ giới hoặc bát quan trai giới). Sau đó, có thể vị thí chủ hoặc đại diện thí chủ đứng lên trình duyên sự lễ dâng y đến chư Tăng. Dứt lời trình duyên sự, là lời tác bạch cúng dường Kaṭhina, cư sĩ A-cha dẫn cho mọi người đọc theo:
Imaṃ bhante saparivāraṃ kaṭhinacīvaradussaṃ bhikkhusaṅghassa onojayāma. Sādhu no bhante bhikkhusaṅgho imaṃ saparivāraṃ kaṭhinacīvaradussaṃ paṭiggaṇhātu paṭiggahetvā ca iminā dussena kaṭhinaṃ attharatu amhākaṃ dīgharattaṃ atthāya hitāya sukhāya.
Bạch đại đức tăng, chúng con xin thành kính dâng y kaṭhina cùng với những vật phụ tùng này đến tỳ kheo Tăng; bạch đại đức Tăng, cầu xin chư tỳ kheo Tăng nhận lãnh và thọ dụng y kaṭhina cùng với những vật phụ tùng này cho chúng con được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an vui lâu dài.
Đọc lời tác bạch xong, thí chủ đặt bộ y kaṭhina đến trước mặt chư tăng, khỏi phải dâng đến tận tay chư Tăng vì y kaṭhina chư Tăng không thọ nhận bằng thân mà chỉ thọ bằng tâm thôi.
Tiếp đến chư tỳ kheo Tăng cử hành Tăng sự giao y đến một vị tỳ kheo nào trong chùa có y cũ rách, sự giao y kaṭhina phải thông qua tuyên ngôn theo Luật.
Sau phần nghi thức Tăng sự giao y và thọ y của chư Tăng, là khóa kinh cầu an hoặc cầu siêu theo lời thỉnh cầu của thí chủ, hoặc khóa lễ trai Tăng (nếu lễ dâng y cử hành buổi sáng), hoặc chư Tăng chỉ tụng kinh chúc phúc phước lành cho thí chủ.
Sau cùng là thiện tín hồi hướng phước dài ngắn tùy thời gian.
Trong cuộc lễ dâng y cũng như các khóa lễ khác, thường thì nên có một thời pháp do vị pháp sư thuyết để khuyến tấn các cư sĩ, nhất là tán dương sự làm phước của thí chủ. Thời pháp có thể sắp xếp trước khi hoặc sau khi xong phần nghi thức dâng y.
Dứt nghi thức cúng dường y kaṭhina
IV.14 NGHI THỨC CÚNG DƯỜNG Y NGOẠI THỜI
Y ngoại thời (akālacīvaraṃ) là y mà thí chủ làm phước đến chư Tăng ngoài thời gian đặc biệt, tức là không phải y tắm mưa (thời hạn trong 1 tháng trước mùa mưa), không phải y kaṭhina (thời hạn trong 1 tháng cuối mùa mưa). Ngoài hai tháng đặc biệt đó, người cư sĩ phát tâm làm phước dâng y nào đến chư Tăng thì y đó gọi là y ngoại thời.
Cư sĩ dâng y ngoại thời đến chư Tăng trong các dịp như lễ trai tăng, lễ cầu an, lễ cầu siêu, lễ chúc thọ, lễ ma chay v.v…
Sau khi mang lễ phẩm y đến chùa, hoặc thỉnh chư Tăng về tư gia cúng dường, thí chủ sắp đặt lễ phẩm y trước mặt chư Tăng đã an tọa nơi phải lẽ, đảnh lễ chư Tăng rồi đọc lời tác bạch cúng dường y ngoại thời như sau:
Mayaṃ bhante “imaṃ cīvaraṃ”[16] idh’ ānetvā saṅghassa deme sādhu bhante saṅgho “imaṃ cīva-raṃ” paṭiggaṇhātu amhākaṃ dīgharattaṃ atthāya hitāya sukhāya. Dutiyampi. Tatiyampi.
Bạch đại đức tăng, chúng con dâng y này đến chư tăng. Bạch đại đức tăng, ngưỡng mong Tăng thọ nhận y này cho chúng con được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an vui lâu dài. Lần thứ nhì. Lần thứ ba.
Trong lời tác bạch, thí chủ nêu tên cúng phẩm thay vào chỗ “Imaṃ …”.
Sau lời tác bạch cúng dường, thí chủ tự thân dâng y đến tận tay chư tăng, xong rồi ngồi lại chỗ cũ. Chư Tăng tụng kinh chúc phúc cho thí chủ.
Dứt khóa kinh chúc phúc, các cư sĩ đồng thanh hoan hỷ: Sādhu sādhu – lành thay và đọc kinh hồi hướng phước, như “Chư thiên ngự trên hư không …” hoặc “Phước căn tôi đã tạo thành …” .
Dứt nghi thức cúng dường y ngoại thời
IV.15. NGHI THỨC CÚNG DƯỜNG LIÊU CỐC
Liêu cốc (kuṭi) là thất nhỏ dùng làm trú xứ cá nhân cho vị xuất gia; liêu cốc ấy có thể là trong khuôn viên chùa, hay trong một khu vườn, hay tại khu rừng. Ở tại nơi có nhiều vị sư thì có nhiều liêu cốc.
Các cư sĩ muốn tạo phước cúng dường trú xứ đến chư tăng, đôi khi chia nhau làm mỗi gia đình một ngôi thất, nhiều người làm mới đủ chỗ ở cho chư tăng. Ngày xưa, các cư sĩ thường làm như vậy, bây giờ cũng có thể làm như thế.
Sau khi xây dựng xong một hoặc nhiều ngôi liêu cốc đúng theo cách thức luật lệ, ở trong chùa hay rừng chỗ chư Tăng cư trú, thí chủ thỉnh các tỳ kheo Tăng đến tại địa điểm liêu cốc đã hoàn tất đảnh lễ chư tỳ kheo và nói lời tác bạch cúng dường liêu cốc ấy đến tăng, như sau:
Mayaṃ bhante imaṃ kuṭiṃ kāretvā cātuddisassa bhikkhusaṅghassa dema. Sādhu bhante bhikkhusaṅgho imaṃ kuṭiṃ paṭiggaṇhātu amhākaṃ dīgharattaṃ atthāya hitāya sukhāya. Dutiyampi. Tatiyampi.
Bạch đại đức tăng, chúng con xây cất xong ngôi cốc liêu này, xin dâng cúng đến tứ phương tỳ kheo Tăng. Lành thay bạch đại đức Tăng, xin tỳ kheo Tăng nhận lãnh ngôi cốc liêu này cho chúng con được sự tiến hóa, sự lợi ích, sự an vui lâu dài. Lần thứ nhì. Lần thứ ba.
Sau khi nói lời tác bạch, thí chủ làm nghi thức hiến cúng bằng cách rót nước vào tay của vị trưởng lão cao hạ nhất ở đấy, biểu hiện cúng dường đến tận tay chư tăng. Vì rằng liêu cốc, trú xứ … không phải là lễ phẩm mà dâng bằng tay và thọ bằng tay như y phục, vật thực, nên phải làm nghi thức đó. Thuở xưa, vua Bimbisāra khi dâng chùa Veḷuvana đến Đức Phật và chư Tăng, cũng làm nghi thức rót nước như vậy trên tay của Đức Phật.
Xong nghi thức ấy, vị trưởng lão sẽ thuyết pháp khích lệ, tán dương và tùy hỷ công đức của thí chủ.
Sau cùng, chư Tăng đọc kinh chúc phúc cho thí chủ thành tựu an vui. Thí chủ đọc kinh hồi hướng cúng dường liêu cốc.
Dứt nghi thức cúng dường liêu cốc
IV.16. NGHI THỨC CÚNG DƯỜNG HỘI TRƯỜNG
Hội trường (sālā) là ngôi nhà rộng làm nơi tụ họp của chư Tăng và Phật tử. Trong chùa thường có ba sālā:
Giảng đường (upaṭṭhānasālā), là nơi để chư Tăng tụ họp dạy pháp, luận pháp. Ngày xưa khi Đức Phật còn hiện tiền, trong chùa có giảng đường là nơi Đức Phật thuyết pháp cho chư tỳ kheo và các cư sĩ đến chùa.
Trai đường (bhattaggasālā), là nơi nhà ăn của chư Tăng ở chùa; dù các vị đi bát, về chùa cũng tập trung ăn nơi ấy. Nên mới có luật dạy về phận sự (kiccavatta) trong nhà ăn.
Khách đường (āgantukasālā), là nơi trong chùa dùng làm chỗ vị trưởng lão hay trụ trì tiếp khách Tăng hoặc khách cư sĩ đến viếng.
Có thí chủ nào phát tâm xây dựng sālā trong chùa để chư Tăng sinh hoạt thì sau khi xây dựng xong làm lễ lạc thành, hãy làm nghi thức dâng hiến sālā ấy đến chư Tăng.
Trước hết phải trang hoàng trần thiết ngôi sālā ấy rồi thỉnh chư Tăng tụ họp trong sālā sau khi cắt băng khánh thành. Kế đó thí chủ đọc lời tác bạch cúng dường sālā ấy đến Tăng, như sau:
Mayaṃ bhante imaṃ sālaṃ kāretvā cātuddisassa saṅghassa dema. Sādhu bhante bhikkhusaṅgho imaṃ sālaṃ paṭiggaṇhātu amhākaṃ dīgharattaṃ atthāya hitāya sukhāya. Dutiyampi. Tatiyampi.
Bạch đại đức tăng, chúng con xây cất ngôi giảng đường (trai đường, khách đường) này, xin dâng hiến đến tứ phương Tăng. Lành thay bạch đại đức Tăng, xin Tăng nhận lãnh ngôi giảng đường (trai đường, khách đường) này cho chúng con được sự tiến hóa, sự lợi ích, sự an vui lâu dài. Lần thứ nhì. Lần thứ ba.
Sau khi nói lời tác bạch, thí chủ làm nghi thức hiến cúng bằng cách rót nước vào tay của vị trưởng lão cao hạ nhất ở đấy, biểu hiện cúng dường đến tận tay chư tăng.
Xong nghi thức ấy vị trưởng lão sẽ thuyết pháp khích lệ, tán dương và tùy hỷ công đức của thí chủ.
Kế đến chư Tăng đọc kinh phúc chúc cho thí chủ thành tựu an vui.
Sau cùng thí chủ đọc kinh hồi hướng phước báu.
Dứt nghi thức cúng dường hội trường
IV.17. NGHI THỨC CÚNG DƯỜNG NGÔI CHÁNH ĐIỆN
Chánh điện hay đại diện (mahāvihāra) là nơi chính yếu trong ngôi chùa, nơi để thờ Phật và là địa điểm sīmā để chư Tăng làm các Tăng sự như phát lồ, tự tứ …
Khi Đức Thế Tôn hiện tiền, trong chùa không có chánh điện thờ Phật, mà nơi chính yếu trong chùa là bố tát đường (uposathāgāra), chỗ khaṇḍasīmā làm các Tăng sự. Sau khi Đức Thế Tôn viên tịch, mỗi chùa có thêm một nơi điện thờ, nhưng thường thì lấy bố tát đường làm điện thờ Phật luôn, và gọi bố tát đường là chánh điện.
Nếu có người cư sĩ nào là thí chủ đứng ra xây dựng ngôi chánh điện mới, hoặc đại trùng tu ngôi chánh điện, sau khi hoàn thành thỉnh chư Tăng để hiến cúng ngôi chánh điện ấy.
Trong ngày lễ lạc thành, sau nghi thức hành chánh cắt băng khánh thành xong, thỉnh chư Tăng nhập điện, thí chủ đảnh lễ chư Tăng và tác bạch hiến cúng ngôi chánh điện, như sau:
Mayaṃ bhante imaṃ uposathāgāraṃ kāretvā uposathapavāraṇādisaṅghakammakaraṇatthāya cātuddisassa bhikkhusaṅghassa dema. Sādhu bhante bhikkhusaṅgho imaṃ uposathāgāraṃ paṭiggaṇhātu amhākaṃ dīgharattaṃ atthāya hitāya sukhāya. Dutiyampi. Tatiyampi.
Bạch đại đức tăng, chúng con đã xây dựng ngôi bố tát đường này, xin hiến cúng đến tứ phương Tăng để làm Tăng sự bố tát, tự tứ vân vân … Lành thay bạch đại đức tăng, ngưỡng mong chư Tăng lãnh nhận ngôi bố tát đường này cho chúng con được sự tiến hóa, sự lợi ích, sự an vui lâu dài. Lần thứ nhì. Lần thứ ba.
Sau khi nói lời tác bạch, thí chủ làm nghi thức hiến cúng bằng cách rót nước vào tay của vị trưởng lão cao hạ nhất ở đấy, biểu hiện cúng dường đến tận tay chư tăng.
Xong nghi thức ấy, vị trưởng lão sẽ thuyết pháp khích lệ, tán dương và tùy hỷ công đức của thí chủ.
Kế đến chư Tăng đọc kinh phúc chúc cho thí chủ thành tựu an vui.
Sau cùng, thí chủ đọc kinh hồi hướng phước báu.
Dứt nghi thức cúng dường ngôi chánh điện
IV.18. NGHI THỨC CÚNG DƯỜNG THUỐC TRỊ BỆNH
Ngoài dược phẩm chữa bệnh (gilānapaccaya) còn có các thứ như sữa tươi (khīra), sữa đặc (sappi), sữa chua (navanīta), dầu mè (telaṃ), mật ong (madhu), đường mía (phāṇita), cũng được kể là bhesajja (thuốc) bởi vì chư Tăng không ăn vật thực phi thời nên buổi chiều có thể bị bệnh đói lả hay suy dinh dưỡng, nếu có dùng sữa, dầu mè v.v… sẽ ngăn ngừa bệnh suy dinh dưỡng ấy.
Người cư sĩ dâng thuốc trị cho chư Tăng bị bệnh đau, hay là dâng các món thuốc đói vào buổi chiều, đều gọi là cúng dường thuốc (bhesajjaṃ).
Thí chủ đem món thuốc nào đó đến chùa, sau khi đảnh lễ chư Tăng, hãy đọc lời tác bạch cúng dường thuốc như sau:
Mayaṃ bhante imaṃ bhesajjaṃ idh’ ānetvā bhikkhusaṅghassa dema. Sādhu bhante bhikkhusaṅgho imaṃ bhesajjaṃ paṭiggaṇhātu amhākaṃ dīgharattaṃ atthāya hitāya sukhāya. Dutiyampi. Tatiyampi.
Bạch đại đức tăng, chúng con đem món thuốc này đến dâng cúng tỳ kheo Tăng. Lành thay, bạch đại đức Tăng, mong chư Tăng thọ nhận món thuốc này cho chúng con được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an vui lâu dài. Lần thứ nhì. Lần thứ ba.
Sau lời tác bạch, thí chủ dâng cúng món thuốc ấy đến tận tay chư Tăng.
Tăng thọ nhận xong, đọc kinh phúc chúc phước báu đến thí chủ.
Thí chủ hoan hỷ bằng tiếng Sādhu sādhu, lành thay, rồi tụng hồi hướng phước.
Dứt nghi thức cúng dường thuốc trị bệnh.
IV.19. NGHI THỨC CÚNG DƯỜNG TỨ SỰ
Tứ sự, hay bốn món vật dụng, tứ vật dụng (catu-paccaya), là y phục, vật thực, sàng tọa, thuốc trị bệnh (cīvarapiṇḍapātasenāsanagilānapaccayabhesajja).
Trường hợp thí chủ làm phước một lúc có đủ bốn món vật dụng, hoặc làm phước phương tiện tịnh tài để giao người hộ tự mua sắm tứ sự khi chư Tăng cần, thì có thể tác bạch cúng dường tổng quát như sau:
Mayaṃ bhante ime cattāro paccaye idh’ ānetvā saṅghassa dema. Sādhu bhante saṅgho ime cattāro paccaye paṭiggaṇhātu amhākaṃ dīgharattaṃ atthāya hitāya sukhāya. Dutiyampi. Tatiyampi.
Bạch đại đức Tăng, chúng con đem tứ sự này dâng đến chư Tăng. Lành thay, bạch đại đức Tăng, xin chư Tăng nhận lãnh tứ sự này cho chúng con được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an vui lâu dài. Lần thứ nhì. Lần thứ ba.
Sau lời tác bạch, thí chủ dâng món gì trong tứ sự tượng trưng, đến tận tay chư tăng.
Tăng thọ nhận xong, đọc kinh phúc chúc phước báu đến thí chủ.
Thí chủ hoan hỷ bằng tiếng Sādhu sādhu, lành thay, rồi tụng hồi hướng phước báu.
Dứt nghi thức cúng dường tứ sự
IV.20. NGHI THỨC ẤN TỐNG KINH SÁCH
Ngoài sự cúng dường vật chất nhu cầu cho đời sống chư Tăng để tạo “phước vật”, người cư sĩ muốn tạo “phước trí” phải thiền định, học pháp, nghe pháp, đàm luận Phật pháp; thêm nữa là hoan hỷ với trí tuệ của người khác, tạo điều kiện giúp người khác tiến hóa trí tuệ, làm như thế cũng là tạo nhân sanh phước trí cho mình ở hậu lai. Gọi là việc tạo điều kiện giúp người khác tiến hóa trí tuệ, tức là ủng hộ các vị Tăng tu học, giảng dạy, dịch thuật kinh sách; hoặc mua hoặc in kinh sách (kinh cao sách chánh) như tam tạng và sách chú giải tam tạng, để ấn tống.
Khi thí chủ bỏ tiền ra để in kinh sách hoặc mua kinh sách, nhất là tam tạng và chú giải, rồi hiến tặng đến chùa nào chưa có để chư Tăng trong chùa có tài liệu tham cứu tu học. Hãy làm theo nghi thức như vầy:
Tất cả sách tam tạng và chú giải phải được bài trí trên một hoặc nhiều chiếc bàn kê đối diện chư tăng, vừa tầm nhìn, không quá cao không quá thấp hơn chỗ ngồi của chư Tăng (vì kinh sách là pháp bảo), trần thiết trang trọng chỗ đặt kinh sách đó. Có thể cử hành lễ này ở trong chánh điện hay trong giảng đường.
Khi chư Tăng đã quang lâm và an tọa thí chủ đảnh lễ chư Tăng rồi nói lên vài lời trình duyên sự để chư Tăng được rõ, xong rồi thí chủ tác bạch cúng dường như sau:
Mayaṃ bhante imaṃ saparivāraṃ tepiṭakaganthaṃ sātthaṃ sabyañjanaṃ kevalaparipuṇṇaṃ parisuddhaṃ cātuddisassa bhikkhusaṅghassa onojayāma. Sādhu no bhante bhikkhusaṅgho imaṃ saparivāraṃ tepiṭakaganthaṃ sātthaṃ sabyañjanaṃ kevalaparipuṇṇaṃ parisuddhaṃ paṭiggaṇhātu amhākaṃ dīgharattaṃ atthāya hitāya sukhāya. Dutiyampi. Tatiyampi.
Bạch đại đức tăng, chúng con xin hiến cúng kinh điển tam tạng cùng với sách phụ chú này có nghĩa văn cụ túc thanh tịnh, xin dâng đến tứ phương tỳ kheo Tăng. Lành thay bạch đại đức Tăng, ngưỡng mong chư Tăng lãnh nhận kinh điển tam tạng cùng với sách phụ chú này có nghĩa văn cụ túc thanh tịnh, cho chúng con được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an vui lâu dài. Lần thứ nhì. Lần thứ ba.
Sau lời tác bạch dâng cúng, thí chủ quì lên rót nước vào tay vị trưởng lão cao hạ nhất để biểu hiện sự hiến cúng tận tay chư tăng. Vì kinh điển như là tài sản văn hóa nên không thể dâng như cách cúng dường vật dụng.
Một nghi thức khác, nếu thí chủ có làm vi bằng hiến cúng tam tạng, thì sau lời tác bạch, thí chủ quì lên dâng tấm vi bằng ấy đến tận tay vị trưởng lão chứng minh, vậy cũng xem như là dâng cúng trọn bộ kinh điển đến chư Tăng rồi.
Toàn thể chư Tăng hiện diện đồng hoan hỷ. Sādhu sādhu sādhu.
Tiếp đến, vị trưởng lão có lời đạo từ khuyến tấn cư sĩ, hoặc tán dương ân đức pháp bảo cho mọi người hoan hỷ.
Xong lời đạo từ, chư Tăng đọc kinh phúc chúc cho thí chủ thành tựu an vui.
Kết thúc buổi lễ là phần hồi hướng công đức của thí chủ và thiện tín tham dự.
Dứt nghi thức ấn tống kinh
IV.21. NGHI THỨC LỄ AN VỊ PHẬT
Tại tư gia người Phật tử nên có bàn thờ Phật để hằng ngày Phật tử lễ bái cúng dường ngõ hầu tăng trưởng niềm tin và trợ duyên thiện tâm tu hành. Ngoài những dịp đến chùa, khi ở nhà, người Phật tử cũng nên tinh tấn sớm hôm lễ Phật và niệm tưởng ân đức Phật.
Nơi thờ Phật phải nơi chính diện nhìn ra cửa chánh, chỗ thờ phải sáng rõ và trang trọng. Có thể thờ Phật bằng hình ảnh hay tượng cốt.
Người cư sĩ có thể tự mình tôn tạo nơi thờ Phật vẫn thành tựu phước báu an vui nhờ niềm tin và tâm thành. Tuy nhiên, để tạo ấn tượng mạnh cho lòng tin, khi tôn tạo nơi thờ Phật tại tư gia hoặc tại chùa mới dâng hiến đến giáo hội, người cư sĩ nên thỉnh chư Tăng làm lễ an vị Phật. Nghi thức làm như sau:
Trang hoàng tươm tất nơi thờ Phật, đảnh lễ chư Tăng và tác bạch thỉnh chư Tăng như sau:
Idaṃ bhante buddharūpaṃ kāritaṃ buddhābhisekaṃ karotha. Idaṃ bhante buddharūpaṃ kāritaṃ buddhābhisekaṃ karotha. Idaṃ bhante buddharū-paṃ kāritaṃ buddhābhisekaṃ karotha.
Bạch đại đức tăng, đây là hình tượng Phật đã được tôn tạo, cầu xin quí ngài làm lễ an vị. Bạch đại đức Tăng, đây là hình tượng Phật đã được tôn tạo, cầu xin quí ngài làm lễ an vị. Bạch đại đức tăng, đây là hình tượng Phật đã được tôn tạo, cầu xin quí ngài làm lễ an vị.
Vị trưởng lão hướng dẫn chư Tăng tụng kinh an vị Phật. Trước nhất là chú nguyện để xác định hình Phật hoặc tượng Phật được tôn tạo:
Ukāsa imaṃ buddharūpaṃ adhiṭṭhāmi.
Dutiyampi imaṃ buddharūpaṃ adhiṭṭhāmi.
Tatiyampi imaṃ buddharūpaṃ adhiṭṭhāmi.
Tiếp theo là tụng kinh lễ bái xưng tán ân đức Tam bảo, kệ Phật lực cảm thắng, tam thập độ v.v…
Dứt thời kinh, các cư sĩ thọ qui giới, làm lễ trai tăng, thỉnh tụng kinh cầu an; hoặc thỉnh thuyết pháp trước lễ trai tăng, lễ cầu an càng tốt.
Khi hoàn mãn khóa lễ, các cư sĩ hồi hướng phước báu đã làm.
Dứt nghi thức an vị Phật.
IV.22. NGHI THỨC LỄ NHIỄU PHẬT
Nhiễu hay nhiễu hành, tiếng phạn gọi là padakkhiṇakaraṇa, là một nghi thức bày tỏ sự cung kính, sự thương yêu, sự quí trọng. Người vợ hay chồng bày tỏ sự thương yêu với người chồng hoặc vợ, trước khi đi khỏi nhà, họ nhiễu quanh vợ hay chồng; người con nhiễu quanh cha mẹ để tỏ lòng thương kính; người học trò kính trọng nhiễu quanh thầy. Một đệ tử cư sĩ sau khi nghe pháp xong, đảnh lễ Đức Phật, nhiễu quanh Ngài rồi ra về như trong kinh thường mô tả: utthāyāsanā bhagavantaṃ abhivāde-tvā padakkhiṇaṃ katvā pakkāmi …
Nhiễu hành, là một phong tục đã có từ ngàn xưa trước và trong thời Đức Phật. Cho đến ngày nay tại các xứ Phật giáo, các tín đồ vẫn còn giữ tập tục ấy, nhưng chỉ để biểu lộ sự cung kính đối với nơi tôn nghiêm thờ Phật thôi. Và đó trở thành một nghi lễ trong Phật giáo.
Lễ nhiễu Phật có nghi thức là người Phật tử đi ba vòng ngôi chánh điện, hoặc ngôi bảo tháp xá lợi, hoặc tượng đài Phật lộ thiên, đi vòng phía hữu, theo chiều kim đồng hồ.
Khi nhiễu Phật, mọi người chắp tay hoặc cầm hương hoa hay cúng phẩm, mắt nhìn xuống phía trước, không ồn ào, không vội vã; nếu ít người hành lễ thì đi thành hàng một, nếu nhiều người thì đi hàng đôi, hàng ba …
Người Phật tử đi nhiễu Phật trong sự im lặng với tâm niệm tưởng ân đức Phật, hoặc vừa đi vừa tụng kệ tán dương Đức Phật, hoặc tụng kệ dâng y càsa v.v…
Nghi thức nhiễu Phật được cử hành trong các lễ hội như lễ Māghapūjā (Rằm tháng Giêng), lễ Vesā-khapūja (Rằm tháng tư), lễ Kaṭhina (dâng y càsa), và các lễ khác như lễ rước Xá Lợi, lễ rước pháp bảo; ở Thái Lan, Miến Điện, Campuchia, Lào … người ta cử hành nhiễu Phật cả trong các lễ xuất gia nữa.
Dứt nghi thức lễ nhiễu Phật.
DỨT CHƯƠNG IV
-ooOoo-
[1] Người nữ xin qui y thì đọc “Yā’ haṃ”.
[2] Nếu là nữ thì đọc “Tassā me”.
[3] Nếu sám hối với 2-3 vị sư thì nói “ayyā…paṭiggaṇhantu”. Nếu là Tăng từ 4 vị sắp lên thì nói “Saṅgho … paṭigganhātu”.
[4] Đối với 2-3 vị sư thì nói “Bạch chư đại đức”. Đối với Tăng từ 4 vị sắp lên thì nói “Bạch đại đức tăng”.
[5] Nếu là nữ thì nói “Esā’haṃ”
[6] Là cận sự nữ thì nói “Upāsikaṃ”
[7] Nói với nhiều vị “Ayyā dhārentu”. Với Tăng thì là “Saṅgho dhāretu”.
[8] Thay đổi tùy theo “bạch chư đại đức” hay “Bạch đại đức tăng”.
[9] Hoặc “cận sự nữ”, nếu người xin qui y là nữ.
[10] Nếu nhiều cư sĩ đồng thọ giới thì đọc “Mayaṃ … chúng con”
[11] Nếu dùng chủ từ Mayaṃ thì đổi động từ là yācāma”
[12] Nếu là nữ cư sĩ thì đọc uposathikā.
[13] Nếu chỉ có một y tắm mưa thì nói “imaṃ vassikasātikaṃ”, lá y tắm mưa này.
[14] Nếu dâng cúng đến 2, 3 vị tỳ kheo thì nói “āyasmantānaṃ dema”, dâng cúng đến quí ngài.
[15] Đối với 2,3 vị tỳ kheo thì nói “āyasmantāto … paṭiggaṇhantu”, mong quí ngài nhận lãnh. Đối với mội vị tỳ kheo thì nói “āyasmā paṭiggaṇhātu”, mong ngài thọ lãnh.
[16] Nếu dâng nhiều y thì đổi lại là “Imāni cīvarāni”. Nêu tên cúng phẩm chung chung là “Imaṃ cīvaraṃ (y này) cũng được; bằng như muốn nêu rõ tên cúng phẩm cũng được. Có 11 thứ y, tên gọi như vầy:
1- Y Tăng già lê (saṅghātiṃ)
2- Y uất đà la tăng, y vai trái (uttarasaṅgaṃ)
3- Y an đà hội, y nội (antaravāsakaṃ)
4- Tam y (ticīvaraṃ)
5- Tọa cụ, y trải ngồi (nisīdanaṃ)
6- Ngọa cụ, y trải nằm (paccattharanaṃ)
7- Khăn lau mặt (mukhupuñcanacoḷaṃ)
8- Y phụ (parikkhāracoḷaṃ)
9- Vải lọc nước (parissāvanaṃ)
10- Vải băng ghẻ (kaṇḍuppaṭicchādiṃ)
11- Y đặc biệt (accekacīvaraṃ).
-ooOoo-