Chương VII
Những mẫu pháp đàm của A Nan Ða với Ðức Phật
-ooOoo-
Sự đàm thoại về Pháp Bảo giữa A Nan Ða và đức Phật tìm thấy trong kinh điển Pali rất nhiều, có thể nói là đa dạng! Có lúc Phật trả lời một câu vấn đạo của A Nan Ða bằng cách làm thinh. Vì trong Phật giáo, “đàm luận” là đưa đến sự cảm thông, tức hiểu đúng, cái ý hay những điều mà các bậc hiền triết muốn nói, chứ không cứ gì phải phát ra bằng lời.
Nếu chúng ta cho rằng: Hiểu đúng những lời đức Bổn Sư đã dạy là “đàm luận” một cách mật thiết nhất với đức Phật thì trọn hai mươi lăm năm trường gần Phật, A Nan Ða đã không ngừng “đàm luận” với một bậc Giác Ngộ.
Mặt khác, A Nan Ða cũng đã được đức Phật ban cho một đặc ân là bất cứ pháp nào ông cũng được nghe trực tiếp từ kim khẩu của đức Bổn Sư thốt ra, chứ không phải qua trung gian một người khác. Trường hợp khi đức Phật nói pháp mà A Nan Ða vắng mặt, thì sau đó đức Thế Tôn lại lập lại trong tịnh thất cho một mình ông nghe.
Ðây chính là lý do chúng ta thấy rất nhiều chỗ trong Tam tạng kinh điển, các bài pháp của đức Phật đã được bắt đầu bằng câu:”Ta là A Nan Ða có nghe như vậy…”.
Khi hiểu một cách thật thà, thì câu trên bắt đầu nói trên ám chỉ rằng: Ðây là một bài pháp của chính đức Phật đã thuyết, và A Nan Ða chỉ là người thuật lại. Nhưng nếu hiểu một cách tế nhị và không chấp nhận vào văn tự thì câu “Ta là A Nan Ða có nghe như vậy..!” cũng có nghĩa là A Nan Ða đã dùng những lời lẽ của mình diễn tả đúng cái ý đạo của đức Phật đã dạy.
Trong khuôn khổ tập sách nhỏ bé này, chúng ta không thể kê khai hết những “Phật pháp” do A Nan Ða thuật lại. Chúng ta càng không thể nhắc hết những mẫu bàn luận có tính cách đại chúng.
Khi đọc Tam Tạng cẩn thận, chúng ta sẽ nhận thấy rằng: Mỗi khi đức Phật đàm luận về một đề tài nào với A Nan Ða, Ngài thường nhân có sự hiện diện đông đảo của chư đệ tử mà bắt đầu câu chuyện bằng một câu hỏi, hoặc nêu lên một thời sự nóng bỏng vừa diễn ra trong đời sống Tăng lữ hằng ngày hay trong xã hội thực tại.
Phương pháp mở đầu dạy đạo như vậy, đức Phật hiển nhiên đã không phải chỉ nhắm vào A Nan Ða, nâng cao trình độ kiến thức của ông, mà Ngài còn cố ý mang lại lợi ích cho các hàng Tăng chúng khác nữa. Tuy nhân vật đối thoại với đức Phật là A Nan Ða, nhưng thành phần hấp thụ yếu pháp lại là những ai có mặt lúc ấy.
Cách nêu lên một chủ đề để cùng nhau dùng trí óc thảo luận như thế, ngày nay vẫn còn thịnh hành. Khi toàn thể những người dự thính góp phần suy ngẫm và phân tích, thì sự soi sáng nội tâm được đồng loạt kích thích. Lúc bấy giờ đức Phật và A Nan Ða chỉ còn đóng vai hướng dẫn, khai triển cuộc pháp đàm hơn là để cho cộng đồng Tăng chúng thụ động ngồi nghe những điều Ngài và A Nan Ða nói.
Kết quả, những cuộc pháp đàm như thế thường đã trở thành những bài pháp vô cùng hữu ích cho cộng đồng Tăng chúng.
Một lần khác A Nan Ða hỏi Thế Tôn rằng:”Làm thế nào để một Tỳ khưu sống an vui trong kiếp sống xuất gia?” .
Ðức Phật trả lời:”- Khi một Sa môn có đầy đủ giới đức mà không khó chịu trước những người kém giới hạnh hơn mình, Không coi họ thấp thỏi hơn mình, và luôn luôn thân thiện với tất cả mọi người. Nghĩa là Sa môn như thế chỉ luôn luôn quan sát thân, khẩu, ý của mình, chứ không chú ý đến phẩm giá của người khác. Họ không trông đợi được trở thành danh tiếng, họ chẳng mong mỏi lời khen và cũng không lo ngaị mình sẽ bị chê. Hằng ngày, họ chỉ chăm lo hành tri pháp Tứ Niệm Xứ một cách hoan hỷ, dễ dàng, ít bị (hay không bị) phóng tâm làm chướng ngại. Những hàng Sa môn như thế không những đang sống một cuộc đời an vui, mà quả giải thoát A La Hán (Bất Lai) sẽ đến với họ ngay trong kiếp này. Nói cách khác là nền tảng của hạnh phúc xuất gia là sự tri túc và phát triển giới hạnh của chính mình và không đòi hỏi bất cứ cái gì từ người khác, cho dù cái đó là phẩm giá hay phạm hạnh mà các hàng Thánh nhân hằng khen ngợi. (Theo Anguttara Nikàya 5, 106 = Tang Nhất A Hàm 5, 106).
Một câu hỏi của A Nan Ða cũng đáng nhắc lại như sau: ”Thế nào gọi là hạnh phúc và mục đích của giới đức là gì?”.
Ðức Phật trả lời:
– Hạnh phúc của một bậc xuất gia tròn đủ giới đức là không bao giờ có sự tự trách mình, không bao giờ mang mặc cảm tội lỗi. Tâm linh của họ lúc nào cũng tự tại, trong sáng.
Nhưng A Nan Ða liền hỏi xa hơn: “Bạch đức Thế Tôn! Vậy khi tâm linh được tự tại, trong sáng thì hành giả sẽ đạt tới tình trạng gì?”.
Ðức Phật liền trả lời:
– Tâm linh được trong sáng thì tư duy (ý nghĩ) đều được thanh tịnh. Khi tất cả ý nghĩ được thanh tịnh, thì lạc thọ nội tâm tự nhiên ngập tràn và kích thích hành giả tiến lên Thánh quả, đồng thời tỏa rộng lòng từ bi đến muôn loài chúng sanh.
Rồi không để A Nan Ða chất vấn, đức Phật tự nêu ra câu hỏi và trả lời:
– Vậy chớ kết quả của lạc thọ ngập tràn trong tâm và tỏa rộng lòng từ bi là gì?
– Là sự hướng thượng của tâm linh. Là sự chan chứa lòng hoan hỷ, không phải chỉ cho riêng mình, mà còn cho toàn thể vạn vật. Niềm hoan hỷ và tính hướng thượng ấy sẽ lên cao và tỏa rộng đến vô cực, khiến cho một bậc giải thoát không còn mắc dính trong sự chật hẹp của những kiếp sinh tử luân hồi, hạn chế trong tam giới này nữa. (Theo Anguttara Nikàya 10, 1 = Tăng Nhất A Hàm 10, 1).
Cứ như thế, sau này đức Phật đã nâng cao trình độ nghe và hiểu pháp của A Nan Ða lên những mức vi diệu, thánh thiện hơn, đưa A Nan Ða bước chập chững vào trong vòng cảm thức của Thánh giới.
A Nan Ða lắng nghe lời Phật dạy với tất cả sự thành kính, thỉnh thoảng ông cũng trình lại với đức Phật một số những nhận xét của ông để được đức Phật xác nhận là đúng hay sai.
Một lần ông đã hỏi đức Phật rằng:
– Bạch đức Thế Tôn! Sự liên quan huynh đệ trong đời sống đạo hạnh phải chăng rất quan trọng. Nó có thể ảnh hưởng đến một nửa đời sống tu hành không?
A Nan Ða liền bị đức Phật bác bỏ một phần và bổ túc như sau:
– Sự gần gũi (liên hệ huynh đệ) với một Thánh nhân không thể coi là chỉ quan trọng như một nửa đời sống tu hành, mà nó phải được xem là quan trọng cho cả đời sống tu hành. Vì sự liên hệ cao thượng ấy là con đường dẫn đến cánh cửa giải thoát. Ai có liên hệ mật thiết với một bậc A La Hán là người đang hy vọng ra khỏi vòng sanh tử luân hồi vậy.
(Theo Samyutta Nikàya 45,2 và 3,18 = Tạp A Hàm 45,2 và 3,18. Cùng những đoạn khác có nội dung tương đương trong Anguttara Nikàya 6, 57 = Tăng Nhất A Hàm 6, 57 và trong Majjhima Nikàya 121 = Trung A Hàm 121).
Nhưng nhận xét độc đáo nhất của A Nan Ða phải kể là: “Các pháp hành (Sankhàra) phát sinh từ nơi nào thì nơi đó là nguyên nhân của các pháp dập tắt”.
đối với ông, câu nói này có lẽ là một chân lý, không có chỗ thiếu sót, nên ông nêu lên để được đức Phật xác nhận.
Một lần nữa, đức Thế Tôn lại bảo:
– Này A Nan Ða! Ðiều phát biểu của ông tuy rất hiển nhiên, nhưng rất khó lĩnh hội. Vì “Các phép dập tắt” (ám chỉ giải thoát) không được mô tả một cách rõ ràng. Nhất là không chỉ thẳng: “Trong cái vòng sinh tử luân hồi ấy, người ta có thể tìm thấy sự giải thoát ở đâu?” .
Theo Phật giáo thì cái ngõ để thoát ra khỏi vòng sanh tử luân hồi là một khung cửa gồm bốn cạnh, gọi tắt là Tứ Diệu Ðế, tức: Khổ Ðế (luân hồi và mọi bất toại nguyện trong sự sống), Tập Ðế (nguyên nhân của Khổ Ðế), Diệt Ðế ( hay khả năng không cho Khổ Ðế phát sinh), Ðạo Ðế (phương pháp tu luyện để đạt tới khả năng ấy). Phật giáo ví Ðạo Ðế này như một bánh xe tiến hóa có tám căm được mệnh danh là bánh xe Bát Chánh Ðạo.
Ðoạn đức Phật giảng dạy cho A Nan Ða các khía cạnh khác nhau của mỗi pháp hành (Sankhàrà), nhất là những trạng thái khi nó phát sinh và khi nó bị dập tắt. (Theo Digha Nikàya 15 = Trường A Hàm số 15).
Một hôm nọ A Nan Ða nhân chứng kiến tài nghệ độc đáo của một người bắn cung đem thuật lại với đức Phật sự thán phục của ông.
A Nan Ða vốn xuất thân từ giai cấp Hiệp Sĩ, nên mặc dù đã xuất gia nhưng bản chất thích gặp lại những người thuộc giai cấp mình là một chuyện thường tình; nhất là khi ông chưa đắc được bật cao trong Thánh giới.
Ðức Phật bèn nhân cơ hội thuật chuyện bắn cung ấy để nêu lên một sự so sánh. Ngài nói:
– Vì như người xạ thủ kia! Trước những con mắt của khán giả, ai cũng thấy y làm việc một cách dễ dàng. Nhưng nếu bảo một người thường thay y làm việc đó thì họ không thể làm được. Và tương tự như thế, sự hiểu rõ các pháp Tứ Diệu Ðế và thực hành đứng đắn Bát Chánh Ðạo trong Phật giáo, ngoài các Sa môn tròn đủ phẩm hạnh và các Thánh nhân ra, không một người thường nào có thể làm được dễ dàng.
(Sách chép người bắn cung mà A Nan Ða thán phục ấy có thể dùng mũi tên bén chẻ sợi tóc ra làm bảy lần).
Các kinh: Majjhima Nikàya 4, 27, 99 va Anguttara Nikàya 2, 15 còn ghi rõ một thuật sự khác, kể rằng: Một lần nọ, A Nan Ða đã chứng kiến một đệ tử danh tiếng của đức Phật thuộc giai cấp Bà la môn, tên là Janussoni, đang điều khiển một cỗ xe màu trắng một cách oai vệ trong đấu trường. A Nan Ða cũng nghe khán giả bàn tán và hoan hô rằng: Cỗ xe màu trắng ấy là cỗ xe của vị quân sư vua Pasenadi, và là cỗ xe tốt nhất, đẹp nhất…
Rồi ông đem thuật lại những điều tai nghe mắt thấy đến đức Thế Tôn và hỏi Phật làm thế nào để một Phật tử có thể so sánh các nét đẹp ấy với các pháp học trong Phật giáo?
Ðức Phật trả lời rằng:
– Cỗ xe trắng tinh, đẹp nhất ấy có thể ví như Niết bàn. Những con tuấn mã có thể ví như đức tin và trí tuệ. Nết hổ thẹn tội lỗi ví như cái thắng. Tư tưởng Minh sát bén nhạy có thể ví như dây cương. Tính biết mình ví như người đánh xe. Giới đức ví như các bộ phận che chở. Thiền định ví như trục xe. Nguyên lực ví như bánh xe. Bình thản (ý nói tâm xả) ví như bộ nhún. Xuất gia ví như nền xe. …n dật và vô hại (ám chỉ lòng từ bi) ví như những võ khí. Nhẫn nại ví nhu áo giáp. Và sau cùng màu trắng tinh ví như Thánh quả. (Vì trong Thánh tâm không bao giờ có tà tư duy, cũng như trên màu trắng của chiếc xe đẹp nhất, vết bẩn bao giờ cũng hiện rõ, và người xa phu chuyên cần sẽ lập tức chùi rửa sạch (Theo Samyutta Nikàya 45,4 = Tạp A Hàm số 45,4).
-ooOoo-