Con Đường Hạnh Phúc – Thoát Vòng Nô Lệ

THOÁT VÒNG NÔ LỆ

Như những tội phạm bị trói tay, bịt mắt để cho người dẫn đi hành hình hay đưa đến bất cứ một lao xá nào mà mình không biết. Họ phải chịu khổ đau bởi tội lỗi của mình. Cũng vậy, chúng ta hiện hữu trên cõi đời bị tham dục, hữu ái, kiến chấp, vô minh che lấp, dẫn dắt, lôi cuốn trôi dạt, đắm chìm trong vòng sinh tử luân hồi. Hãy cố tìm cách cắt đứt mọi ràng buộc mà mình đã tự trói lấy mình. Hãy thắp sáng ngọn đèn trí tuệ để thấy đâu là chánh đạo, đâu là mê đồ hầu sớm tìm ra cho mình con đường giải thoát.

Buồn thay, không mấy ai trong chúng ta nhận chân được thân phận đọa đày của mình trong kiếp sống trầm luân, không mấy ai dám nhìn thẳng vào thực trạng nô lệ của mình trong gông cùm bản ngã. Chúng ta cứ mãi chìm sâu trong bể khổ vì tưởng bả mồi danh lợi là chân hạnh phúc, và không biết rồi đây sẽ ngã gục ở một phương trời nào mà cứ tưởng mình đang hướng về một tiền đồ xán lạn. Vì thế Đức Phật phải ân cần nhắc nhở:

“Cười sao được, vui sao được khi thế gian đang bị thiêu đốt và màn đêm bao phủ, sao không tìm ánh sáng thoát ly”(Kinh Dhammapada).

Thật vậy, con người bị dục vọng thiêu đốt, và màn đêm vô minh che lấp, chỉ có ánh sáng trí tuệ mới có thể dập tắt ngọn lửa ái dục, xóa tan màng vô minh ấy để đưa ta đến nơi giải thoát.

Đức Phật không những đã đánh thức chúng ta, mà còn chỉ cho chúng ta thấy rõ đâu là ách nô lệ, đâu là con đường thoát ly nô lệ.

Trong kinh Sabbāsava, Majjhima Nikāya, Đức Phật đề cập đến các lậu hoặc (āsava) như những gánh nặng (yoga) nhận chìm chúng sanh trong trầm luân khổ hải và Ngài đưa ra bảy biện pháp thoát ly những cùm xích nô lệ này. Trước khi nói đến các phương cách đối trị lậu hoặc, chúng ta cần tìm hiểu lậu hoặc là gì?

I- LẬU HOẶC LÀ GÌ?

Theo Phạn ngữ Pāli, danh từ āsava có cùng ngữ căn với động từ āsavati hay assavati nghĩa là chảy rỉ ra. Một con thuyền bị rạn nứt, nước thấm vào càng lâu càng đầy thì có lúc sẽ chìm đắm. Cũng vậy, những phiền não nội tại rỉ ra làm ô nhiễm thân tâm, khiến cho lục căn bất tịnh và từ đó lục trần trở thành những cám dỗ vô cùng nguy hiểm.

Tùy theo tác dụng của những phiền não này mà đôi lúc lậu hoặc được gọi dưới những tên khác như ách phược (yoga: nô lệ), trầm nịch hay trầm luân (osidāpana: sự chìm đắm), và bộc lưu (ogha: dòng nước lũ). Bởi vì chúng trói buộc, nhận chìm và lôi cuốn chúng sinh trôi nổi trong sông mê bể khổ.

Theo kinh Sabbàsava có ba thứ lậu hoặc (dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu). Tuy nhiên để tiện việc giải thích, trong bộ Chú giải (Atthakathā), kiến lậu được tách rời khỏi hữu lậu. Như vậy có tất cả bốn thứ lậu hoặc.

1. Dục lậu (kāmāsava):

Kāma thường được dịch là lạc dục. Xét cho kỹ, lạc dục có hai khía cạnh, đứng về phương diện chủ thể lạc dục là ưa thích thụ hưởng những khoái cảm giác quan, về phương diện khách thể là buông trôi theo sức lôi cuốn của đối tượng ngoại giới (cảnh trần). Ngọn lửa tham dục này có khả năng làm nhiễu loạn thân tâm, vì vậy được gọi là dục lậu.

Dục lậu thường biểu lộ dưới hình thức như hỷ ái, tham ái, dục ái…. Nhưng dù ở trạng thái nào, về phương diện bất thiện, dục lậu vẫn là một ách nô lệ cần phải tháo gở mới được tự do.

Đức Phật dạy rằng chính hỷ tham, tham ái, ái dục… sinh ra lo âu, phiền muộn. Chừng nào không còn những dục niệm sai lầm ấy con người mới có thể an ổn khỏi các ách phược (yogakkhema).

Nguyên nhân khiến chúng ta tự trói mình trong ách nô lệ của lục dục là vì phán đoán sai lầm về bản chất của các cảm thọ, chẳng hạn như tưởng khổ là lạc, tưởng lạc là khổ; và vì nhận định quá chủ quan về giá trị đối tượng ngoại giới, ví dụ như cho cái nầy là đẹp, cái kia là xấu. Cả hai nhận thức trên đều đưa đến tham sân, thương ghét, thủ xả, đó chính là tính chất của dục lậu.

2. Hữu lậu (bhavāsava):

Hầu như mọi người đều muốn được vạn thọ vô cương, trường sinh bất lão, nghĩa là muốn được tồn tại mãi mãi. Vì vậy chúng ta thường nghe những lời chúc tụng lý tưởng như muôn năm, bất diệt, trường tồn, vĩnh cửu… Dù trong khổ đau con người vẫn ao ước được sinh tồn với hy vọng một ngày nào đó khổ đau sẽ chấm dứt hay hạnh phúc sẽ đến. Khát vọng được tồn tại vĩnh viễn, hay ít nhất cũng được tái sinh để trở thành một hình thức sinh tồn nào đó, đặc biệt là được tái sinh trong Sắc giới hoặc Vô sắc giới chính là hữu lậu. Nhiều tôn giáo hay triết thuyết cố gắng đưa ra những lý tưởng của sự vĩnh hằng, trường cửu như Thượng Đế, Đại Ngã, Phạm Thiên cùng với những tín điều hấp dẫn khác nhằm thỏa mãn thị hiếu cố hữu này của con người. Đôi lúc một số người nghiên cứu Phật học cũng hiểu lầm có một hằng thể gọi là Phật Tánh giống như là Phạm Thể.

Có thật con người sẽ được đời đời sống an lành dưới sự che chở của Đấng Toàn Năng hay Đức Phạm Thiên nào đó như những lời hứa hẹn của các Tôn giáo ấy không? Đức Phật khẳng định: “Không”. Ngài dạy rằng những hứa hẹn trên chỉ làm cho con người đắm chìm sâu hơn trong bể khổ trầm luân vì đó chính là hữu lậu.

Nếu hành thiền định, chúng ta tạm thời chế ngự được dục ái hay dục lậu, nhưng vẫn còn sắc áivô sắc ái, nghĩa là vẫn còn hữu lậu. Với thiền định chúng ta có thể đạt được những cõi trời hữu sắc hay vô sắc và sẽ hưởng phúc lạc ở đó một thời gian khá lâu, nhưng theo Đức Phật, dù là cõi trời cao nhất như Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên vẫn còn nằm trong vòng tam giới, nghĩa là vẫn còn bị hữu lậu và kiến lậu chi phối. Và bao lâu còn lậu hoặc thì chưa thể hoàn toàn giải thoát. Vì thế thiền định đối với Đức Phật chỉ là phương tiện để làm cho tâm thanh tịnh chứ chưa phải là cứu cánh giác ngộ, giải thoát. Muốn giải thoát giác ngộ chúng ta phải hành thiền tuệ Vipassanā mới có thể đoạn tận được tất cả lậu hoặc.

3. Kiến lậu (ditthisava):

Quan niệm của mỗi người về vũ trụ và nhân sinh hay bản ngã và thế giới ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống của họ. Quan niệm phát xuất từ thấy biết (tri kiến), nhưng thấy biết có hai loại: Thứ nhất là thấy biết qua khái niệm (pannatti) do lý trí áp đặt và định danh. Thứ hai là thấy biết bằng trí tuệ trực giác (nānadassana). Thấy biết qua khái niệm sai đưa đến kết luận hay quan niệm sai, đó là tà kiến mà hậu quả là bị trói buộc trong phiền não, khổ đau, vì thế tà kiến được gọi là kiến lậu, một trong những ách nô lệ cần được tiêu trừ.

Vào thời Đức Phật, Ấn Độ có rất nhiều tôn giáo, mỗi tôn giáo có những quan niệm sai khác về vũ trụ và nhân sinh. Tuy nhiên không phải tất cả các quan niệm ấy đều hợp với chân lý. Sáu mươi hai trong số các quan niệm ấy bị Đức Phật chứng minh là tà thuyết như Thường trú luận, Vô thường (trú) luận, Hữu biên luận, Vô biên luận, Phi tưởng phi phi tưởng luận, Đoạn diệt luận, Hiện tại Niết-bàn luận và các luận thuyết chắp nối các quan niệm trên.

Chúng ta có thể phân các tà kiến trên thành hai nhóm:

a) Thường kiến (Sāssata ditthi): Là quan niệm cho rằng bản ngã và thế giới trường tồn vĩnh cửu. Thường kiến phát xuất từ lòng tham, muốn sở hữu và không muốn rời bỏ những sở hữu mà mình ưa thích.Thường kiến tạo cho người ta ảo tưởng ỷ lại vào một chỗ dựa vững chắc, vô tình củng cố thêm cho thành kiến ngã chấp, trung tâm của luân hồi sinh tử. Bản chất pháp thế gian vốn là vô thường, nên càng mong muốn thường hằng thì càng chồng thêm đau khổ. Đây chính là hoại khổ mà Đức Phật dạy trong Bốn Chân Lý Vi Diệu.

b) Đoạn kiến (Uccheda ditthi): Là quan niệm chủ trương bản ngã và thế giới hoàn toàn hủy diệt sau khi thân hoại mạng chung. Đoạn kiến phát xuất từ tâm sân, bất mãn với những khổ đau, thất bại trong cuộc đời, hoặc do sợ hãi những tội lỗi mà mình đã làm nên muốn chấm dứt mọi sự nhưng chưa thể chấm dứt được ngay, vì vậy chỉ mong chết là hết để hy vọng tương lai không còn khổ đau sợ hãi. Đoạn kiến đưa người ta đến chỗ bất chấp thiện ác, nhân quả và nghiệp báo, vì vậy chỉ kéo dài thêm luân hồi sinh tử. Bản chất của cuộc đời là đau khổ nên càng muốn chấm dứt thì đau khổ lại càng tăng thêm. Đây chính là khổ khổ được đề cập trong Tứ Diệu Đế.

Cả hai kiến chấp trên đều là những trở ngại lớn lao trong công việc giải phóng con người ra khỏi thành trì bản ngã.

4. Vô minh lậu (Avijjāsava):

Vô minh chi phối tất cả chúng sinh sống trong thế gian bao lâu chưa hoàn toàn giác ngộ giải thoát. Vì bản chất của vô minh là thiếu tỉnh thức, thiếu giác niệm nên không sáng suốt thấy biết như thực, đảo lộn thị phi, chân giả, hay nói cách khác là không thấy được thực tánh của bản ngã và thế giới. Cụ thể hơn, vô minh ám chỉ tình trạng chưa thực chứng được Tứ Thánh Đế, chưa thấy rõ tánh duyên khởi, tánh sinh diệt, luật nhân quả, nghiệp báo v.v. Vì vậy, qua sự che lấp của vô minh, chúng sinh thường có bốn điên đảo tưởng: vô thường tưởng là thường, khổ tưởng là lạc, vô ngã tưởng là ngã và bất tịnh tưởng là tịnh.

Mãi đến khi Đức Phật thành đạo dưới cội Bồ-đề, sự thật về khổ, về nguyên nhân của sự khổ, về sự diệt khổ và con đường đưa đến diệt khổ mới được giác ngộ. Nhờ đó, Ngài đã hoàn toàn trút bỏ ách nô lệ của phiền não và thật sự sống một đời sống thanh tịnh, tự tại, giải thoát.

II- CON ĐƯỜNG THOÁT LY

Chúng ta đã nói đến nguyên nhân và sự nguy hại của các lậu hoặc, những ách nô lệ ràng buộc chúng sanh trong vòng sinh tử luân hồi. Bây giờ chúng ta thử tìm hiểu Kinh Tất Cả Lậu Hoặc (Sabbāsava) trong đó Đức Phật đã chỉ dạy những yếu tố giúp chúng ta có thể tự mình thoát ly ra khỏi ách nô lệ của các lậu hoặc nầy.

Bảy yếu tố sau đây không những có tính đạo đức mà còn là nền tảng trong khoa liệu pháp tâm lý (psycho therapy) ngày nay, có điều khoa tâm lý trị liệu thường phải lệ thuộc vào những chuyên gia tâm lý, trong khi những yếu tố đoạn trừ lậu hoặc phải do tự mình thực hiện. Bảy pháp đó là tri kiến (dassana), phòng hộ (saṁvara), thọ dụng (patisevana), kham nhẫn (adhivāsana), viễn ly (parivajjana), trừ đoạn (vinodana) và hành định tuệ (bhāvana).

1. Tri kiến (dassana):

Tri kiến là thấy biết trung thực bằng tác ý lắng nghe, quan sát trực tiếp đối tượng, không qua bất cứ trung gian nào của kiến thức gián tiếptình cảm chủ quan, để thấy đúng chân tướng hay thực tánh của các pháp.

Đức Phật dạy: về phương diện chủ thể, có hai loại tác ý là tác ý hợp lý (yoniso manasikāra)tác ý không hợp lý (ayoniso manasikāra); về phương diện đối tượng, có hai pháp là pháp đáng tác ý (manasikāraniyā dhamma)pháp không đáng tác ý (amanasikāraniyā dhamma).

Như vậy, nếu tác ý vào các pháp không đáng tác ý thì các lậu hoặc chưa sinh sẽ phát sinh và các lậu hoặc đã phát sinh sẽ tăng trưởng. Trái lại, nếu tác ý vào các pháp đáng tác ý thì các lậu hoặc chưa sinh sẽ không phát sinh và các lậu hoặc đã sinh sẽ bị hủy diệt.

Nếu chúng ta tác ý hợp lý vào các pháp đáng tác ý và tự mình thể nghiệm được: “Đây là khổ, đây là nguyên nhân của sự khổ, đây là khổ diệt và đây là con đường đưa đến khổ diệt” thì ba thứ trói buộc (kiết sử – sanyojana) là thân kiến, hoài nghi và giới cấm thủ sẽ bị hủy diệt hoàn toàn.

Đó là đoạn trừ lậu hoặc bằng tri kiến chơn chánh.

2. Phòng hộ (saṁvara):

Phòng hộ hay thu thúc lục căn là ngăn ngừa, gìn giữ, chế ngự mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý thật trong sáng, thanh tịnh. Như chúng ta đã đề cập trong phần trên, sự tiếp xúc giữa lục căn và lục trần gây nên những kết quả nguy hiểm không lường được nếu lục căn không được nhiếp hộ đúng đắn.

Với tâm thiếu tự chế, lục căn sẽ bị lôi cuốn và đắm chìm trong sức hấp dẫn của lục trần, nghĩa là khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý biết pháp các phản ứng tình cảm chủ quan như tham sân, yêu ghét v.v. có thể phát sinh. Vậy muốn lục căn tiếp nhận lục trần mà không bị chủ quan lệch lạc, một mặt chúng ta cần phải có tri kiến để thấy rõ bản chất của hiện tượng nội giới và ngoại giới như đã đề cập ở trên; mặt khác, cần phải nhiếp hộ lục căn, tức là tập cho mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý tiếp nhận sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp một cách bình thản, sáng suốt, trung thực và không thiên chấp.

Đức Phật dạy: “Nếu sống không phòng hộ lục căn, các lậu hoặc có tính tàn phá và hủy hoại rất có thể sinh khởi. Nhưng nếu sống chế ngự lục căn thì những lậu hoặc tàn hại ấy không thể phát sinh được”.

Đó là đoạn trừ lậu hoặc bằng phòng hộ.

3. Thọ dụng (patisevanā):

Bậc tu hành khi sử dụng một nhu cầu cần yếu nào phải sáng suốt nhận định những lợi ích thiết thực của nó, đừng để tâm ưa thích vật dụng này, chê bai vật dụng kia và nhất là tri túc không tham đắm trong các tiện nghi xa xỉ.

Các nhu cầu cần thiết cho đời sống tu hành gọi là tứ vật dụng: áo mặc, cơm ăn, chỗ ở và thuốc uống, những vật dụng tối yếu này càng giản dị thanh bần chừng nào càng tốt chừng đó. Hơn thế nữa, khi dùng y phục vị ấy phải niệm tưởng rằng: “Ta mặc đây chỉ để tránh sự nóng lạnh, muỗi mòng, gió nắng, rắn rết và che thân thể vậy thôi”.

Khi dùng vật thực vị ấy quán tưởng rằng: “Ta dùng của cúng dường không phải để vui chơi, không phải vì dục lạc, không phải để bồi dưỡng xác thân cho duyên dáng, cũng không phải để điểm tô nhan sắc cho xinh đẹp, mà chỉ để giữ gìn và duy trì thân thể được quân bình hầu tinh tiến trong đời sống phạm hạnh”.

Khi cư ngụ trong tịnh thất phải nhận thức rằng: ” Chỗ ở, sàng tọa chỉ là phương tiện để tránh nguy hiểm về thời tiết, thú dữ, nhất là để có nơi thanh vắng phù hợp với việc hành đạo như tham thiền, tư duy, quán tưởng…”. Và khi uống thuốc ngừa bệnh hay trị bệnh phải ghi nhớ rằng: “Dược phẩm chỉ dùng làm dịu những cơn đau, trừ khử hoặc ngăn ngừa những bệnh hoạn nguy hiểm có thể gây trở ngại cho việc tu hành”.Nhờ quán tưởng khi thọ dụng như thế mà các lậu hoặc không thể phát sanh lên được.

4. Kham nhẫn (adhivāsana) .

Chúng ta không nên than vãn, phàn nàn, nóng nảy dù gặp bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào; phải kiên nhẫn chịu đựng mọi gian khổ, thiếu thốn hay nghịch cảnh xảy đến với mình, có như thế mới phá bỏ được những ràng buộc của lậu hoặc.

Đức Phật dạy rằng: “Này các hiền giả, thế nào là diệt trừ lậu hoặc bằng kham nhẫn? Trong giáo pháp của Như Lai, này các hiền giả, một vị Tỳ kheo suy nghĩ đúng đắn là người biết chịu lạnh nóng, đói khát, muỗi mòng, gió sương, rắn rết; chịu đựng những lời nói bực mình, không niềm nở; là người can đảm đương đầu với những cảm giác đau đớn mãnh liệt, nhức nhối, khó chịu, khốn khổ và nguy kịch. Vì thiếu nhẫn nại mà các lậu hoặc có tính cách tàn phá, hủy hoại sẽ phát sinh, nhưng nhờ kham nhẫn mà những lậu hoặc có tính cách tàn phá, hủy hoại không thể phát sinh được. Này các hiền giả, như thế được gọi là diệt trừ các lậu hoặc bằng kham nhẫn”.

Vậy kham nhẫn không phải là nhịn nhục hay vì một áp lực nào đó mà phải ẩn nhẫn chịu đựng với một tâm trạng hạm hực, ấm ức, bực bội, vì như thế chỉ làm cho các lậu hoặc tăng trưởng mà thôi. Kham nhẫn đúng không những giúp loại trừ lậu hoặc mà còn làm nền cho tâm từ hoặc tâm bi phát triển. Người thiếu nhẫn nại chỉ phát triển tâm sân nên không thể có tâm từ hoặc tâm bi được. Ví dụ, trong một tai nạn giao thông, hai người đi xe máy đụng nhau ngả té, người thiếu nhẫn nại sẽ giận dữ gây hấn, trái lại người kham nhẫn sẽ quan tâm xem người kia có bị gì không để giúp đỡ.

Đó là diệt trừ lậu hoặc bằng kham nhẫn.

5. Viễn ly (parivajjana):

Khi gặp những hoàn cảnh khó khăn không thể tránh được thì chúng ta sẵn sàng đương đầu một cách trầm tĩnh như trường hợp vừa nói trên. Nhưng nếu được chúng ta nên tránh xa những nơi nguy hiểm hoặc xấu xa bất lợi cho việc tu tập thiện pháp.

Không nên cư ngụ những nơi ma thiêng nước độc, rắn rít cọp beo, sơn lam chướng khí; những chỗ núi non sạc lở, vực thẳm hố sâu, cheo leo dốc núi…vì dễ phát sinh sợ hãi lo âu, kinh hoàng khiếp đảm làm trở ngại cho việc đoạn trừ lậu hoặc.

Nên tránh xa tà hữu, ác đảng, không nên ở gần những kẻ xấu xa hiểm ác (Asevanā ca bālānaṁ), như Đức Phật đã dạy trong kinh Mangalasutta. Bởi vì những kẻ xấu ác còn nguy hiểm hơn cả những nơi nguy hiểm nhất. Kẻ ác không những đe dọa sự an bình của người khác mà còn khiến người khác có thể bị ảnh hưởng thói hư tật xấu của họ. Như vậy, gần gũi kẻ ác thì các lậu hoặc càng ngày càng tăng trưởng, khó có thể diệt trừ.

Đó là đoạn trừ lậu hoặc bằng viễn ly.

6. Trừ đoạn (vinodana):

Trừ đoạn có nghĩa là dứt bỏ những vọng tưởng, tà niệm. Có ba thứ tà niệm hay tà tư duy là nghĩ tưởng đến dục lạc, nghĩ tưởng trong sân hận và nghĩ tưởng về phương kế hãm hại kẻ khác, nói chung là tất cả các bất thiện tâm và tâm sở.

Tư tưởng của chúng ta thường hướng đến các bất thiện pháp tức là tác ý đến các pháp không đáng tác ý, nên các lậu hoặc chưa sinh sẽ phát sinh và các lậu hoặc đã sinh sẽ tăng trưởng. Ví dụ tác ý đến tịnh tướng như đẹp, hay, thơm, ngon v.v. dễ tăng trưởng lòng tham. Tác ý đến đối ngại tướng như xấu, dở v.v. dễ tăng trưởng tâm sân. Vì vậy, nên tác ý đến các pháp đáng tác ý thì các lậu hoặc chưa sinh sẽ không phát sinh, các lậu hoặc đã sinh sẽ được trừ đoạn. Như tác ý đến tính chất bất tịnh sẽ trừ được dục tưởng, đến lòng từ ái sẽ trừ được sân tưởng, đến lòng bi mẫn sẽ trừ được hại tưởng.

Đó là đoạn trừ lậu hoặc bằng dứt bỏ.

7. Tu tập (bhāvanā):

Tùy phương diện mà bhāvanā có nghĩa khác nhau như tu tập, huấn luyện, chế ngự, thu thúc, phát triển, chuyển hoá, khai minh v.v. Có bốn lãnh vực cần được tu tập:

– Tu thân (kāya-bhāvanā): tự chế thân hành trong oai nghi tế hạnh.

– Tu giới (sīla-bhāvanā): thu thúc hành động nói năng trong các học giới.

– Tu tâm (citta-bhāvanā): phát triển tâm trong pháp hành thiền định.

– Tu tuệ (pannā-bhāvanā): khai minh tri kiến để tuệ tri thực tánh pháp và chứng ngộ Niết-bàn.

Ở đây kinh Sabbāsava đặc biệt nhấn mạnh đến hai lãnh vực sau tức là tu tập định tuệ theo thất giác chi (bojjhanga), bảy yếu tố đưa đến tuệ giác:

a) Niệm giác chi (sati): giúp chúng ta thường tự giác niệm để không xa lìa thực tại thân tâm (tại đây và bây giờ) hay không bị đắm chìm trong hiện tại, quá khứ, vị lai.

b) Trạch pháp giác chi (dhammavicaya): giúp chúng ta thấy biết rõ ràng trung thực mọi biến chuyển vận hành nơi thân, thọ, tâm, pháp hầu có thể chứng tri đâu là khổ, đâu là nhân của khổ, đâu là diệt khổ và đâu là con đường diệt khổ.

c) Tinh tấn giác chi (viriya): giúp chúng ta dõng mãnh không thối chuyển, không buông lung phóng dật trong việc đoạn trừ bất thiện pháp và phát triển thiện pháp.

d) Hỷ giác chi (pīti): giúp cho tâm hoan hỷ phấn khởi trong thiện pháp để dễ dàng vượt qua mọi đối ngại tưởng của sân hận, bất mãn.

e) An giác chi (passaddhi): giúp cho thân tâm lắng dịu, không bị bất an do trạo cử, dao động hoặc ân hận, ray rứt chi phối.

g) Định giác chi (samādhi): có mục đích giúp cho tâm thanh tịnh, khi tâm được an trú thì các ác bất thiện pháp nhất là ái dục sẽ được chế ngự, nhờ tâm ổn định chuyên nhất mà trở nên trong sáng, làm nền tảng cho trí tuệ chiếu soi.

h) Xả giác chi (upekkhā): là tâm quân bình, không thiên lệch, không bị vui buồn, mừng giận chi phối, không dính mắc hay chấp thủ điều gì, không bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh (sắc, thanh, hương, vị, xúc) cũng như nội pháp (tư tưởng, tình cảm v.v.).

Khi tâm trí được tu tập, các giác chi được phát huy đầy đủ thì những lậu hoặc sẽ tự biến mất để nhường chỗ cho tâm giải thoát và tuệ giải thoát, đó là mục đích chính của bhāvanā.

Bảy pháp đoạn trừ lậu hoặc (từ tri kiến đến tu tập) nêu trong kinh Sabbāsava đã được nhiều nhà phân tâm học hoan nghênh như những tâm lý liệu pháp thực dụng và hữu hiệu.

Tiến sĩ Robert Thouless, giáo sư Đại học đường Cambridge đã có nhận xét như sau: ” Trong kinh Sabbāsava Đức Phật giảng giải y như một Bác Sĩ ngành tâm lý liệu pháp hiện đại… (những giải pháp của Ngài) là một hệ thống tâm lý liệu pháp vượt bậc nhờ nguyên lý nhân quả”. Giáo sư nói tiếp: “Khoa tâm lý liệu pháp hiện đại chỉ nhằm đem lại trạng thái yên tĩnh hòa hợp cho bệnh nhân trong đời sống hiện tại. Đức Phật cũng xem đó là một khía cạnh của vấn đề, nhưng vì đời sống hiện tại chỉ là một trong chuỗi sanh tử luân hồi… nên Ngài không những đã tìm cách giúp cho môn đệ thoát khỏi các tâm bệnh trong đời sống này mà còn trong cả kiếp sống vị lai”.

Thật vậy, mục đích của Phật giáo không phải chỉ nhằm xoa dịu những phiền não khổ đau của con người bằng những phương pháp tạm bợ có hiệu năng trong một thời gian nhất định nào đó, mà giúp con người giải thoát hoàn toàn ra khỏi mọi ràng buộc của phiền não khổ đau trong luân hồi sinh tử.

-ooOoo-

 

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app