PHẦN IV

Con Người Và Xã Hội

Vị Trí Vô Song Của Con Người

Bạn có thể cho rằng phần bàn luận ở những trang trước đã nói lên quan niệm rất tiêu cực về con người, hạ thấp vị trí của họ và không để ý đến những thành tựu vĩ đại của con người trong những lĩnh vực triết lý, tôn giáo, tâm lý, khoa học, nghệ thuật, kiến trúc, văn chương, sự phát triển về văn hoá và v.v… Phải nói là trái lại, trong bối cảnh vũ trụ này con người đảm nhiệm một vị trí vô song bởi vì họ có được đặc ân hi hữu nhất là dễ có khả năng giải thoát hơn (các chúng sinh khác). Chính vì ba lý do.

Thế giới loài người (nhân giới) có một sự hoà trộn khá cân bằng về lạc và khổ. Khi lạc tăng thịnh (như trong các cói chư thiên) hoặc khi khổ ưu thế (như trong các cõi thấp — địa ngục, ngạ quỷ…) tâm con người không hướng đến đời sống tâm linh. Đạo Phật chủ trương rằng khổ hạnh cực đoan hay lợi dưỡng thái quá đều không đưa đến sự phát triển trí tuệ và hiểu biết. Trung Đạo hay Con Đường Trung Dung giữa cực lạc và cực khổ (hạnh) được tán thành và nhân giới cung cấp cho con người cơ hội để bước đi trên Trung Đaọ ấy. Lý do thứ hai là thọ mạng tương đối ngắn của kiếp người và tình trạng không thể đoán trước được về thời điểm chết.

Đối diện với cái chết sắp xảy tới con người luôn có khuynh hướng quay về đời sống tâm linh. Lý do thứ ba là trong khi ở các cõi khác cư dân ở đó chỉ là những người thọ nhận thụ động của quả-nghiệp quá khứ của họ, thì con người lại ở trong một vị trí thuận lợi hơn là tạo tác được các nghiệp mới, và như vậy có thể uốn nắn lại số phận của mình.

Tất cả những điều này cho con người trách nhiệm để thực hiện sự giải thoát của họ trong cõi nhân loại. Như vậy con người, trên thực tế, là đấng Sáng Tạo và Cứu Độ của mình. Nhiều người tin rằng tôn giáo là từ trên trời đưa xuống nhưng người Phật tử biết rằng Đạo Phật bắt đầu ở trên mặt đất và đi lên trên trời.

Những gì ở đây muốn nói là mỗi người có trong họ hạt giống-Phật (Buddha-seed tiềm năng cho sự hoàn thiện hay giác ngộ) và họ có thể tự phát triển mà không cần đến bất kỳ trợ giúp bên ngoài nào (tha lực). Người ta có thể trở thành Phật nhờ sanh trong cõi nhân loại, bởi vì chỉ ở đây họ mới có thể kinh nghiệm được sự hiện hữu trong tính toàn vẹn của nó. Người Phật tử chắc chắn sẽ đồng ý với quan niệm của Shakespeare về nghịch lý của con người:

“Con người quả là một kiệt tác,
về lý trí vô cùng cao quý,
khả năng thì vô tận biết bao!
hình dáng, bước đi và cả trong hành động
thật nhanh nhẹn và đáng khâm phục làm sao,
sự hiểu biết thiên thần nào khác,
vẻ đẹp thế gian, giống như thượng đế,
thật là kiểu mẫu của muôn loài;
Vậy mà với tôi
tinh hoa của cát bụi này là gì?”
                                                    (Hamlet 2:2)

Về nhiều phương diện con người còn vô minh, tuy thế họ lại có hạt giống để trở thành tối thượng nhân trong muôn loài chúng sanh: một bậc toàn giác. Có người nói rằng kiếp người nằm giữa thiên đường và địa ngục bởi vì tâm con người có thể dễ dàng phát triển để kinh nghiệm hạnh phúc cõi trời, song khi bị lạm dụng nó cũng rất dễ cảm thọ cái khổ của địa ngục. Con người là con người chỉ khi họ có sự quan tâm của con người hay có tấm lòng của con người.

“Người kiêu ngạo không có thiên đường;

Người ghen tị không có láng giềng;

Và người nóng giận ngay cả bản thân họ cũng không có.”

(Triết lý Trung Hoa)

‘Cá nhân, một mình nó không tự lo liệu gì được. Vì thế đời sống xã hội của con người sinh ra sức mạnh đồng – hợp tác. Thực sự con người không thể là con người không có xã hội. Con người là một với thiên nhiên.’ (Triết gia Hy Lạp)

Trong giáo lý của Đức Phật có đề cập rằng con người kinh nghiệm thiên lạc (hạnh phúc cõi trời) khi các đối tượng tác động tới năm căn (giác quan) là dễ chịu và êm dịu.. Ngược lại họ cũng có thể kinh nghiệm nỗi thống khổ giống như ở địa ngục nếu các đối tượng là khó chịu và phiền nhiễu.

Sống Hoà Hợp Với Mọi Người

Một chất liệu quan trọng cho cuộc sống hạnh phúc là khả năng sống hoà hợp với mọi người. Muốn có được khả năng này, chúng ta phải hiểu rằng có nhiều con đường người ta có thể chọn để đạt đến cùng một mục đích. Do đó, chúng ta không nên để bị khó chịu quá đáng nếu thấy người khác chấp vào các phong tục của họ hay có những quan niệm khác với của chúng ta.

Chúng ta đang sống trong một thế giới hằng-thay đổi. Vì thế không nên chấp giữ một cách mù quáng vào những truyền thống, phong tục, tập quán, lễ nghi và tín điều mà cha ông chúng ta đã áp dụng dựa theo đức tin và khả năng hiểu biết của họ thịnh hành vào thời đó. Một số phong tục hay truyền thống lưu truyền lại có thể là tốt, trong khi những phong tục và truyền thống khác có ít hoặc không hữu ích. Quan trọng là chúng ta phải biết xem xét với một tâm hồn cởi mở để biết được những pháp hành ấy có tương hợp và có ý nghĩa đối với thế giới ngày nay hay không.

Một số người lớn tuổi không thể khoan dung cho những quan niệm tân thời và lối sống cách tân của thế hệ trẻ. Họ hy vọng con cháu mình sẽ đi theo những phong tục và truyền thống xưa cũ của cha ông họ. Thay vì chấp nhận một thái độ như vậy, họ nên để cho lớp trẻ tiến với thời đại nếu những hoạt động của họ là vô hại. Tuy nhiên, ‘Có ích gì khi cố gắng giúp người không tự giúp mình. Bạn không thể đẩy ai lên thang nếu bản thân họ không muốn trèo lên.’ (Andrew Carnegie)

‘Nếu có đạo đức trong tâm hồn, sẽ có vẻ đẹp ở nhân cách. Nếu có vẻ đẹp ở nhân cách, sẽ có sự hoà hợp trong gia đình. Nếu có sự hoà hợp trong gia đình, sẽ có trật tự trong quốc gia. Nếu có trật tự trong quốc gia, sẽ có hoà bình trên thế giới’.

Hãy Để Cho Những Người Khác Được Quyền Có Những Quan Niệm Khác

Chúng ta cũng đang sống trong một thế giới ở đây cường quyền mạnh hơn lẽ phải. Kẻ mạnh lợi dụng kẻ yếu và người giàu bóc lột người nghèo. Chúng ta phải làm sao tránh hành động theo cách này. Nếu chúng ta không đồng ý, ít nhất chúng ta cũng phải biết đồng ý với sự không đồng ý. Chúng ta nên bày tỏ quan điểm của chúng ta một cách nhã nhặn và lịch sự không cố gắng áp đặt quan điểm của chúng ta lên những người khác bằng sức mạnh.

Dùng vũ lực để chiến thắng đối thủ rõ ràng đã chứng tỏ sự bất lực của chúng ta trong việc thuyết phục đối thủ, mà trong trường hợp này được kể như những con người cao quý. Chúng ta thường tìm sự an ủi nơi những người phù hợp với quan điểm của chúng ta, nhưng sự phát triển cá nhân chỉ xảy ra trong những tình huống ở đây có những khác biệt về quan điểm mà thôi.

Đôi khi ý kiến mà những người khác nhận xét về thái độ hay hành vi cư xử của chúng ta có thể không phải là điều chúng ta thích nghe tí nào. Nhưng nếu chúng ta biết lắng nghe họ một cách cẩn thận, chúng ta sẽ thấy rằng có một chút sự thực nào đó trong những ý kiến ấy. Điều này có thể cho chúng ta cơ hội để tự cải thiện mình nếu chúng ta sẵn sàng thay đổi cách sống của chúng ta.

Thế gian chẳng khác một khu vườn với các loại hoa khác nhau. Giống như con ong đi gom góp mật từ các bông hoa, chúng ta phải có tính chọn lựa để chọn lấy cái tốt và bỏ lại đằng sau những gì không hữu ích. Tất nhiên không thể làm vừa lòng hết được mọi người khi chúng ta muốn làm một việc gì, bởi vì trong bất cứ một vấn đề nào mỗi người ai cũng có thể có những ý kiến khác nhau. Nếu bạn tranh cãi với một kẻ ngu là bạn đang cư xử như một thằng ngốc vậy.

Bạn không thể hy vọng tìm được sự bình yên bằng cách sửa đổi hết mọi người trên thế gian này. Cũng như bạn không thể loại hết sỏi đá và gai góc ra khỏi thế gian để cho đường đi bằng phẳng được.

Theo cách tương tự, chúng ta phải biết cách canh phòng các giác quan của chúng ta nếu muốn có sự bình yên nội tâm bởi vì chúng ta không thể thành công trong việc loại hết những đối tượng phiền phức ra khỏi thế gian được. Có nhiều cách để sửa người nếu họ sai. Do chỉ trích, đổ lỗi và la mắng họ trước công chúng, bạn sẽ không thể nào sửa sai được họ, mà rốt cục chỉ làm cho họ kiên quyết hơn trong những quan niệm của họ mà thôi.

Nếu bạn nói với người ấy một cách tế nhị để chỉ ra những sai lầm của họ, có thể họ sẽ lắng nghe bạn nhiều hơn, và một ngày nào đó họ sẽ biết ơn sự hướng dẫn và lòng tử tế của bạn.

‘Một cuộc tranh cãi lâu dài chứng tỏ cả hai phía đều sai.’ (Voltaire)

Hãy Lo Việc Của Mình

Hạnh phúc thay người có thể chú tâm vào công việc của mình không ôm lòng ghen tị đối với những người khác.

‘Ta không nên trách cứ người khác về những lầm lỗi và những việc đã làm hay chưa làm của họ, mà hãy nhìn nhận những hành động đã làm và còn bỏ sót của mình.’

‘Ai luôn nhìn thấy lỗi người khác, và sinh tâm khó chịu, phiền não của họ sẽ tăng. Người ấy còn rất xa chuyện phiền não diệt.’

“Ai thấy lỗi của người,

Thường sanh lòng chỉ trích,

Người ấy lậu hoặc tăng,

Rất xa lậu hoặc diệt.” (PC 253)

‘Thấy lỗi người khác thì dễ, thấy lỗi của mình mới là khó. Ta thường sàng sảy lỗi người như sàng trấu; còn lỗi mình ta dấu như người bẫy chim xảo trá che dấu mình vậy.’

“Dễ thay thấy lỗi người,

Lỗi mình thấy mới khó,

Lỗi người, ta phanh tìm,

Như sàng trấu trong gạo,

Còn lỗi mình, che đậy

Như bẫy chim, giấu mình.” (PC 252)

Đức Phật dạy: ‘Im lặng bị người chê, nói nhiều bị người chê và nói ít cũng bị chê. Do đó, không có ai ở đời không bị người khác chê trách.’

Ngài còn nói thêm: ‘Trong quá khứ không có, trong tương lai sẽ không có, và ngay hiện tại cũng không có, người nào hoàn toàn bị chê hay hoàn toàn được khen cả.’

Không phải tất cả những người chê trách bạn đều là kẻ thù của bạn hết. Thực ra bạn có thể dùng cơ hội do những nhận xét của họ cung cấp để khám phá ra những nhược điểm nơi bản thân mà bấy lâu nay bạn không thể thấy. Bạn cũng không nên vì những lời chỉ trích mà từ bỏ việc làm tốt của mình. Nếu bạn có thể thừa nhận nhược điểm của mình, quả thực bạn đã có sức mạnh trí tuệ để thành công vậy.

Chúng Ta Đều Là Con Người

Mọi người ai cũng có những nhược điểm và vì thế có khuynh hướng phạm phải những sai lầm. Nhược điểm lớn nhất của con người là tham, sân và si. Những nhược điểm này tồn tại trong tất cả chúng ta theo những mức độ khác nhau. Trừ phi bạn toàn thiện hay là một bậc Alahán, bằng không bạn không là ngoại lệ. Bản chất của tâm con người tự phô bày trong câu nói sau: – ‘Con người không hề biết cảm thấy thỏa mãn với cuộc sống của mình và không bao giờ tìm thấy mục đích của cuộc đời ngay cả sau khi đã được cả thế gian.’

Chúng ta thử nhìn sâu hơn vào một con người đang bị bao phủ trong vô minh xem. Tâm anh ta bị những phiền nhiễu, rối loạn và tăm tối làm cho lu mờ. Do vô minh, con người tạo ra những bất hạnh và rồi họ đem chia sẻ bất hạnh này với đồng loại của mình. Có thể nói hầu hết những lo lắng và khổ đau đến với chúng ta là do những điều kiện thế gian thay đổi và lòng khao khát của chúng ta đối với các dục lạc mà vốn liên tục kích thích tâm ích kỷ của chúng ta.

Tình trạng bất toại nguyện và những tham muốn bất thành xuất phát từ những đổi thay bất ngờ ấy tạo ra sự lo lắng. Do đó bạn phải có trách nhiệm đối với những sầu lo của bạn. Không ai hoàn thiện trong đời này; mọi người ai cũng có lúc phạm sai lầm và một số những hành động ác. Vì thế làm thế nào bạn có thể nghĩ là mình không phạm sai lầm hay điều ác được? Vô minh là nguyên nhân chính cho việc nuôi dưỡng xung lực tham ái và rồi đến lượt nó, tham ái sanh ra sầu lo.

‘Sợ hãi và lo lắng sẽ mất đi khi trí tuệ đẩy lùi vô minh.’

Nếu như bạn có thể hiểu được những nhược điểm có mặt trong tâm bạn theo cách này, sẽ không có lý do gì để bạn phải càu nhàu, ca cẩm về những vấn đề của bạn nữa. Bạn sẽ có can đảm để đương đầu với chúng. Tâm con người phải chịu trách nhiệm đối với hạnh phúc và khổ đau của nó. ‘Không có gì xảy ra cho con người mà không chứa đựng trong con người.’– C. Jung

Không Phải Tất Cả Đều Tốt Như Nhau

Thỉnh thoảng, ta thường nghe thấy những lời than trách từ những người chưa bao giờ gây ra hay chưa bao giờ đem lại phiền muộn cho ai cả, thế nhưng họ lại trở thành những nạn nhân vô tội của những kẻ xảo trá quỷ quyệt. Họ cảm thấy thất vọng bất chấp mình đã sống cuộc đời rất lương thiện. Họ có cảm tưởng như rằng họ đã bị người ta hãm hại vô cớ. Dưới những trường hợp như vậy, bạn phải nhận ra là thế gian này do đủ mọi loại người tạo thành – người tốt và người không tốt lắm, người xấu và người không đến nỗi xấu lắm, chính với những cá tính bất thường ấy mà thế gian của chúng ta được tạo thành. Bạn, nạn nhân vô tội, có thể tự an ủi mình rằng mình thuộc về nhóm người tốt trong khi kẻ quấy động sự bình yên kia thuộc về nhóm người xấu, và trong một vài trường hợp, bạn vẫn sẽ phải nhẫn nại chịu đựng những hành động sai trái của kẻ xấu.

Chúng ta hãy lấy trường hợp của ‘một người lái xe cẩn thận và có lương tâm’ và ‘một người lái xe liều lĩnh vô lương tâm.’ Người lái xe cẩn thận và có lương tâm phòng ngừa từng chút để lái cho thật cẩn thận nhưng có khi cũng gặp tai nạn, không phải do lỗi của anh ta — mà lỗi thuộc về người lái xe liều lĩnh và vô lương tâm.

Như vậy chúng ta có thể thấy người tốt có khi cũng phải chịu khổ bất chấp tính tốt của anh ta, bởi vì có những người xấu và liều lĩnh chung quanh chúng ta. Thực ra thế gian này không tốt cũng chẳng xấu. Nó tạo ra những kẻ tội phạm và cũng tạo ra những con người thánh thiện, tạo ra kẻ ngu si cũng như các bậc giác ngộ. Từ cùng một loại đất sét, người ta có thể tạo ra những vật đẹp và xấu, hữu dụng và thậm chí vô dụng cũng có. Tính chất của món đồ gốm tốt hay xấu tuỳ thuộc vào người thợ gốm chứ không phải nơi đất sét. Người thợ gốm ở đây chính là bạn. Việc uốn nắn hạnh phúc hay khổ đau của bạn nằm trong đôi tay bạn bất kể những hoàn cảnh chung quanh có là thế nào.

Sự Phân Loại Con Người

Đức Phật đã phân con người thành bốn nhóm: 

1. Người làm việc vì sự tốt đẹp của bản thân, nhưng không vì sự tốt đẹp của người khác;

2. Người làm việc vì sự tốt đẹp của người khác, nhưng không vì sự tốt đẹp của bản thân;

3. Người làm việc không vì sự tốt đẹp của bản thân, cũng không vì sự tốt đẹp của người khác;

4. Người làm việc vì sự tốt đẹp của bản thân cũng như vì sự tốt đẹp của người khác.

Người làm việc vì sự tốt đẹp của bản thân, nhưng không vì sự tốt đẹp của người khác là người cố gắng diệt trừ những ý nghĩ ác, lời nói ác và hành động ác trong tự thân nhưng không cố gắng khuyến khích những người khác diệt trừ tham, sân và si   của họ.

Người làm việc vì sự tốt đẹp của người khác, nhưng không làm việc vì sự tốt đẹp của bản thân là người hay khuyến khích người khác diệt trừ những ý nghĩ, lời nói và hành động ác nhưng lại không cố gắng diệt trừ tham sân và si trong tự thân.

Người không làm việc vì lợi ích của bản thân cũng không làm việc vì lợi ích của người khác là người không cố gắng diệt trừ những ý nghĩ, lời nói và hành động ác trong tự thân, cũng không khuyến khích những người khác diệt trừ tham sân và si.

Người làm việc vì lợi ích của bản thân cũng như làm việc vì lợi ích của những người khác là người chẳng những cố gắng diệt trừ những ý nghĩ, lời nói và hành động ác trong tự thân, mà còn khuyến khích người khác diệt trừ tham, sân và si nữa (Anguttara Nikaya)

Phong Tục và Tập Quán

Những tiêu chuẩn xác định tập quán tốt xấu khác nhau tuỳ theo xã hội. Trong một vài nước, khách mời trong bữa ăn được người ta trông đợi là phải ăn càng ồn ào càng tốt. Và nếu khi ăn xong khách có ợ (nôn) ra cũng không bị xem là bất lịch sự, vì điều này cho thấy rằng họ đã thực lòng thưởng thức bữa ăn. Tuy nhiên cách ăn như vậy sẽ bị xem là thô lỗ, bất lịch sự hay thiếu văn hoá ở các xã hội khác.

Trong khi ở quốc gia này, đút tay vào miệng hay mũi vì bất cứ lý do gì bị xem là một sự xúc phạm hết mức, nó lại không có ý nghĩa gì trong một vài quốc gia khác. Có số người nghĩ bị đánh bằng giày là một điều nhục nhã, thế nhưng đối với những người khác, chiếc dép có thể dùng để phát vào mông một đứa bé.

Nếu đi du lịch trên thế giới chúng ta sẽ phát hiện được rất nhiều phong tục tập quán lạ thường thịnh hành trong các xã hội khác một cách sâu sắc nhất. Vì thế chúng ta không nên đánh giá quá vội vã phong tục nào là đúng hay phong tục nào là không phù hợp. Tự bản thân chúng, các phong tục tập quán không tốt cũng không xấu. Nhưng khi chúng tác hại hay làm tổn thương tình cảm của người khác, lúc ấy chúng ta mới đánh giá hành động ấy là tập quán tốt hay xấu được.

Chúng ta đang sống trong một thế gian luôn luôn thay đổi. Do đó, không nên chấp thủ một cách mù quáng vào các truyền thống, phong tục, tập quán và các lễ nghi đã được cha ông chúng ta, những người vốn chấp nhận những pháp hành ấy theo hoàn cảnh của họ, thực hành. Một số tập quán hay truyền thống cha ông chúng ta truyền lại có thể là tốt, trong khi số khác không hữu ích hay thậm chí không thích hợp đối với cuộc sống hiện tại. Do đó, với tâm trí cởi mở chúng ta nên xem xét xem những pháp hành ấy coi có tương hợp và có ý nghĩa với thế giới hiện đại hay không.

Trong Kinh Kalama (Kalama Sutta), Đức Phật đã đưa ra lời khuyên này liên quan đến các phong tục, truyền thống, đức tin và pháp hành: ‘Khi các ông tự mình biết rằng những pháp này là bất thiện (akusala) là sai, là xấu đối với các ông và người khác, thời hãy từ bỏ chúng… Và khi các ông tự mình biết rằng những pháp này là thiện (kusala), và tốt đối với các ông và người khác, thời hãy chấp nhận và hành theo chúng.’

Ngày nay, một số bậc lớn tuổi không thể khoan dung cho những ý tưởng hiện đại cũng như một số lối sống của các thế hệ trẻ. Họ chỉ mong sao lớp con cháu giữ nguyên những truyền thống xưa cũ của tổ tiên họ. Thực ra thay vì có thái độ cố chấp như vậy, họ nên để cho con cháu chuyển động với thời gian nếu những hoạt động của chúng là vô hại. Nhất là họ phải nhớ rằng cha ông họ trước đây cũng đã từng chống lại một vài cách cư xử phổ biến thịnh hành vào cái thời họ còn trẻ như thế. Những khác biệt về nhận thức giữa các bậc cha mẹ bảo thủ và thế hệ trẻ này là cội nguồn chung của sự xung đột trong các gia đình. Nói thế không có nghĩa rằng các bậc cha mẹ phải đắn đo, do dự khi cố vấn và hướng dẫn con cháu họ nếu thấy chúng đi sai đường do nhận lầm một vài giá trị không đúng. Tuy nhiên, khi sửa sai chúng, điều quan trọng phải nhớ là ngăn cản vẫn tốt hơn trừng phạt. Các bậc cha mẹ cũng nên giải thích cho con cháu họ biết lý do tại sao một vài pháp hành là sai, bởi vì dù thế nào chăng nữa con cháu họ cũng chưa đủ trưởng thành để suy luận vì sao một số điều là xấu và một số điều là tốt.

Sự Phân Biệt Đối Xử Đối Với Nữ Giới

Đức Phật nói rằng nếu chúng ta muốn hiểu rõ một điều gì, chúng ta phải học cách để ‘thấy các pháp đúng như chúng là’. Chỉ sau những phân tích như vậy về người nữ trong mối tương quan với người nam, Ngài mới đi đi đến kết luận là không có sự trở ngại nào ở người nữ để cho phép họ thực hành tôn giáo (hành phạm hạnh) như người nam và đạt đến trạng thái cao nhất trong cuộc sống, đó là đắc Alahán Thánh Qủa, tột đỉnh của sự thanh tịnh tâm.

Ấn-độ thời Đức Phật, trước khi Ngài giải phóng phụ nữ, những phong tục và truyền thống của nó tệ đến nỗi người nữ bị xem như một thứ động sản mà đàn ông có quyền sử dụng tuỳ theo ý thích. Manu, người làm luật cổ xưa của Ấn-độ, đã ra điều luật cho rằng người nữ hạ liệt hơn người nam. Do đó vị trí của người nữ trong xã hội rất thấp, nó chỉ hạn chế trong việc bếp núc mà thôi. Phụ nữ thậm chí còn không được phép bước vào những ngôi đền và tham dự những hoạt động tôn giáo trong bất cứ hình thức nào.

Như đã nói trước đây trong mục ‘Kiểm Soát Sinh Đẻ’, sự phân biệt đối xử với nữ giới thậm chí bắt đầu ngay trước khi đứa bé được sinh vào trong cuộc đời này! Việc phá bỏ những thai nhi nữ rất thịnh hành ở nhiều nơi trên thế giới ngày nay đã làm chứng cho sự kiện khủng khiếp này. Thêm nữa, dưới đề tài ‘Phong Trào Giải Phóng Phụ Nữ và ảnh hưởng của nó trong Đời Sống Gia Đình’, sự phân biệt đối xử với phụ nữ trong những xã hội giàu, đặc biệt là những phụ nữ khao khát những địa vị quản lý hàng đầu trong khu vực tập đoàn (công ty), sẽ được đề cập chi tiết hơn.

Tuy nhiên trong các nước đang phát triển và các nước chưa phát triển, tình trạng phân biệt đối xử này chỉ có thể mô tả là tồi tệ hơn và đáng tiếc hơn như bài tường thuật sau sẽ tiết lộ. Trong xã hội câu nệ nghi thức và đàn ông chiếm ưu thế của Ấn-độ, tình trạng goá bụa được xem như là một số phận bi đát nhất cho người phụ nữ. Có rất nhiều những trường hợp người phụ nữ goá chồng (một số vẫn ở trong độ tuổi 20) đã bị gia đình họ bỏ rơi và xã hội lãng tránh sau khi chồng chết.

Trong số những gia đình mê tín, người quả phụ luôn luôn bị những người bên gia đình chồng đổ lỗi về cái chết của chồng họ và thậm chí còn bị khai trừ khỏi dòng tộc. Có rất ít sự chọn lựa dành cho những người goá chồng. Ấn giáo phản đối việc tái kết hôn đối với người phụ nữ, mặc dù không có những cản trở như vậy đối với nam giới. Cho đến những thời cận đại, những người goá chồng được người ta trông đợi phải nhảy vào giàn thiêu của chồng họ theo một tục lệ gọi là suttee (tục tự thiêu theo chồng). Mặc dù tục này đã bị người Anh loại ra khỏi luật pháp (cấm) vài thập niên trước, song trường hợp cuối cùng được biết đến vừa mới xảy ra năm 1996. Hầu hết những phụ nữ ở Ấn-độ khi đã trở thành goá bụa sẽ có ít hoặc không còn mong đợi gì nữa.

Có thể trích dẫn ở đây một ví dụ điển hình rất bi đát về một goá phụ, người đã chịu đựng tình trạng tảo hôn, một phong tục khác thịnh hành ở vùng quê Ấn-độ: Cô than van: ‘Tôi bị cha mẹ gả phứt khi tôi chỉ mới có năm tuổi. Chồng tôi, người mà tôi chưa từng biết mặt, được mười ba tuổi và anh ta chết một tháng sau khi cưới. Tôi bây giờ là một phụ nữ goá chồng.’ Theo Ngân Hàng Thế Giới, 65% phụ nữ Ấn-độ trên 60 tuổi là goá phụ. Con số đó tăng lên 80% đối với phụ nữ trên 70. Tổ Chức Các Phụ Nữ Dân Chủ Ấn – Độbáo cáo rằng ở Ấn-độ nơi mà nhân diện của một phụ nữ được quyết định bởi tình trạng là một vật phụ thuộc của đàn ông, goá bụa có những hàm ý lớn lao hơn chỉ là mất một người chồng.

Thậm chí ở một số nước láng giềng khác tình trạng này cũng không khá hơn. Trong một thời gian dài, hầu như mọi gia đình đều xem con gái không quan trọng bằng con trai và đối xử với chúng theo quan niệm ấy. Con gái thường chỉ thấy thích hợp cho những công việc lặt vặt trong gia đình. Cô ta sống qua một chuỗi những thực tiễn của xã hội mà vốn chỉ biết sinh đẻ, nuôi con và củng cố thêm cho sự phân biệt đối xử đối với cô ta. Cô ta trở thành một gánh nặng về kinh tế và là một của nợ về tinh thần. Tuy thế, cô lại được mọi người trong gia đình trông đợi là nuôi con khoẻ mạnh, làm việc chăm chỉ, giáo dục con cái và là một người mẹ tốt. Nhiều đứa bé trai sau khi thấy những người chị hay em gái của chúng bị đối xử kém may mắn hơn chúng cũng nảy sinh ý nghĩ cho rằng chị em gái của chúng là hạ đẳng. Những niềm tin như thế được nhiều giới trong xã hội, kể cả bản thân người phụ nữ, ủng hộ.

Có lẽ vấn đề lớn nhất là thiếu sự ủng hộ và những hạn chế mà người thiếu nữ phải đương đầu nếu họ muốn làm một điều gì đó có ý nghĩa hơn với cuộc sống của mình ngoài những vai trò truyền thống đã được phân công cho họ như giúp đỡ gia đình, giữ cháu (cho em gái), nấu nướng, quyét dọn v.v…Trên thực tế, những bé gái đang được luyện tập lâu dài để trở thành những người vợ đảm đang khi chúng trưởng thành. Như một thiếu nữ 16 tuổi từ Rawalpindi đã vạch ra cho thấy: ‘Xã hội của chúng ta không đối xử tốt với người nữ. Người ta ở đây không màng đến việc dạy dỗ con gái của họ vì đối với họ con gái không phải là con.   Theo họ con gái thuộc về những gia đình chồng tương lai và bất cứ sự đầu tư nào cho tương lai của chúng đều là vô ích. Con gái đi về nhà chồng ở tuổi còn rất trẻ, thường thì từ 13. Phần đời còn lại của họ được dành để chăm sóc bên chồng, sinh đẻ và nuôi dạy con cái để kéo dài và củng cố cho dòng dõi nhà chồng của họ.’ Chúng ta cần phải xoá bỏ loại suy nghĩ này và thực hiện một sự giáo dục cưỡng bách, miễn phí để cho nó không trở thành một vấn đề, cô nói. ‘Con gái cũng nên có những việc làm, và làm việc ở những nơi không ai chê trách và đáng ao ước đối với những thiếu nữ khác để cho các bậc cha mẹ không thể chống đối. Tôi luôn luôn hối tiếc rằng mình đã sanh làm người nữ. Có lúc, khi mà tôi không được phép làm một điều gì đó tôi sẽ đi vào buồng của mình, khóc và cầu xin Thượng đế cho tôi được làm con trai.’

Mặc dù ở đây chúng tôi chỉ đưa ra hai ví dụ từ Ấn-độ, song những câu chuyện tương tự   như thế có rất nhiều ở Trung Hoa, Trung Đông, Châu Phi và thậm chí cả ở Châu Âu và Châu Mỹ. Dự Án Vì Những Bé Gái trong một số quốc gia đang thay đổi dần những điều này nhờ phát triển một nòng cốt các thiếu nữ trẻ hoạt động như những chất xúc tác trong việc tạo ra sự ý thức tại địa phương về những vấn đề liên quan đến các bé gái và sự phân biệt đối xử mà họ gặp. Vấn đề giáo dục hầu như bao giờ cũng nảy sinh. Nhiều thiếu nữ đã phải đấu tranh cho quyền được đi học của họ. Trong cuộc đấu tranh này một số nhận được sự hỗ trợ của các bà mẹ dốt nát của họ, những người tin rằng nếu trước đây họ được học một chút nào đó cuộc sống ắt hẳn họ đã khá hơn.

Trong nhiều xã hội vị trí tự nhiên của phụ nữ là ở trong gia đình; một phụ nữ đã có chồng phải có trách nhiệm đầu tiên là trung thành với những bổn phận là vợ cũng như là mẹ của mình. Không có chuyện gọi là ‘nam nữ bình quyền’. Ngay cả trong một vài xã hội tiến bộ phụ nữ cũng bị hạ thấp phẩm giá. Chẳng hạn ở những nơi công cộng, người nữ không những được đòi hỏi phải ngồi xa nam giới, mà còn khuất khỏi tầm nhìn của họ nữa — đó là phía sau họ. Khi người nữ được xếp đặt ngồi ở phía sau của một căn phòng hay đại sảnh, điều đó chỉ ra một cách tế nhị rằng vai trò được mong đợi của họ là ở ‘phía sau’ chứ không ‘cùng với’ vai trò của người đàn ông. Một số người tin rằng phụ nữ có khuynh hướng (làm điều) ác. Bởi thế, tốt hơn hết bắt họ làm công việc nhà nhiều hơn để họ có thể quên được thái độ ác tự nhiên của họ đi.

Không Trách Người

Nếu như bạn biết cách phòng hộ tâm đúng đắn, những chuyện xảy ra bên ngoài không thể nào ảnh hưởng đến bạn. Khi một việc gì đó đi đến chỗ thất bại bạn không nên đổ thừa hoàn cảnh. Bạn không nên nghĩ rằng mình kém may mắn, rằng bạn là nạn nhân của một số phận bất hạnh, hay người nào đó đã trù ẻo bạn. Lí do bạn đưa ra có là gì cũng không thành vấn đề, bạn không được lẩn tránh trách nhiệm đối với những hành động của bạn. Hãy cố gắng giải quyết vấn đề của bạn không hờn trách, phiền muộn. Hãy cố gắng làm việc một cách vui vẻ dù dưới những hoàn cảnh cam go nhất.

Hãy can đảm để đương đầu với bất cứ thay đổi nào nếu sự thay đổi ấy là tự nhiên và cần thiết; và cũng có đủ can đảm như vậy để chấp nhận những gì bạn không thể tránh. Đủ trí tuệ để hiểu được tính bấp bênh của những điều kiện thế gian vốn ảnh hưởng đến mọi người. Do đó, bạn phải phát triển lòng can đảm để đối diện với những bất toại nguyện và những vấn đề của cuộc sống mà không cảm thấy chán nản. Khó khăn là chung cho tất cả mọi người trong cuộc đời này. Chúng ta phải đương đầu với chúng một cách can đảm. Nếu bạn biết cách để vượt qua những khó khăn mà không tạo thêm những vấn đề, thì quả thực bạn là người có trí.

Những người cố gắng để làm một việc gì đó phục vụ người khác cũng phải đương đầu với những vấn đề. Thậm chí họ còn gặp phải sự trách móc nhiều hơn những người hoàn toàn không phục vụ ai cả. Tuy nhiên bạn không nên để cho ngã lòng; thay vào đó phải có sự hiểu biết để nhận ra rằng tinh thần phục vụ vị tha cuối cùng sẽ đem lại hạnh phúc như phần thưởng của nó. Đổi lại tinh thần phục vụ của chúng ta cho tha nhân cũng cần phải có trí tuệ và sự hiểu biết.

Bertrant Russell, một triết gia người Anh có nói; ‘Lòng thương yêu không có trí tuệ và trí tuệ không có lòng thương yêu không thể tạo ra một cuộc sống tốt đẹp.’

Tính Ưu Việt của Con Người

Giữa muôn loài chúng sinh con người nổi bật lên như một chúng sinh duy nhất. Trong khi những đặc điểm, chức năng, và cách cư xử của y được phân loại như của thế giới động vật, song là một con người y lại tách biệt khỏi các loài vật khác. Thật vậy, trong lối xếp loại theo sự tiến hoá, con người được coi như thuộc về thế giới động vật. Cũng chính xác khi nói rằng con người rất thường hay cư xử giống như thú vật.

Tuy nhiên, con người vẫn hơn con vật. Là một con người, nghĩa là y có thể có lòng tốt, nhân hậu, từ bi và trí thông minh. Chính ở nơi con người mà ý thức về sự tồn tại hay ý thức bản ngã mới hoạt động đến mức cao nhất, và chính con người, giữa muôn loài muôn vật, được phú cho khả năng phân biệt giữa đúng, sai; thiện, ác; và năng lực phán xét, chọn lựa cái đúng và cái thiện, loại bỏ cái sai cái ác. Khả năng chọn lựa cái đúng, cái thiện, và hành động theo sự chọn lựa đó chỉ được thấy nơi con người; và đó là ý thức về Pháp (Dhamma), vốn rất được ca ngợi trong các tôn giáo lớn của thế giới.

Chính trên căn bản của Pháp (Dhamma) này mà tôn giáo cũng như đời sống đạo đức được xây dựng, và ngay cả đời sống xã hội cũng sẽ trở nên cao quý hơn khi giá trị của Pháp được nhìn nhận và được áp dụng trong cuộc sống của từng cá nhân cũng như cộng đồng. Chính tôn giáo đã đoàn kết xã hội lại với nhau. Không có tôn giáo nào, không xã hội nào có thể tồn tại và hoạt động dù chỉ trong một ngày. Chính vì con người có ý thức về Pháp mà mọi tiến bộ là điều khả dĩ đối với anh ta, trên phương diện xã hội cũng như cá nhân. Và chính tính chất đặc biệt này nơi anh ta đã làm nên sự phân biệt giữa con người với mọi sinh vật khác.

‘Về những vấn đề như ăn, ngủ, và những nhu cầu thể xác khác, con người được xếp ngang với loài vật. Chính ý thức về Pháp — Dhamma, với tất cả những hàm ý của nó, mới làm cho con người khác với muôn vật. Chính Pháp làm cho con người thực sự là con người; không có Pháp, con người chỉ là một con vật hay tệ hơn cả một con vật.’

Bởi thế không nên để lãng phí cái đặc ân hiếm hoi được sinh làm người như vậy; kiếp người phải được tận dụng cho sự phục vụ tốt nhất, và thành tựu mục đích cao tột nhất (sự giải thoát khổ) mà con người có thể (thành tựu được) với ý nghĩa của sự khẩn cấp. Nếu bạn quên đi mục đích thực sự của việc sinh làm người của bạn và chỉ chạy theo những lạc thú trần gian thì điều đó thật đáng tiếc lắm thay! Một triết gia Hindu (Ấn-giáo) đã nhận xét đầy ý nghĩa, ‘Còn gì ngu hơn một kẻ, sau khi đã có được thân người hiếm hoi, lại sao lãng việc hoàn thành sự giải thoát đích thực của kiếp sống này vậy?’ Con người phải làm sao để trở nên hoàn thiện và thể hiện được đức tính cao quý ở bên trong. Đó là mục đích của mọi nỗ lực tôn giáo, mục đích của mọi sự rèn luyện tinh thần.

Bản Chất Của Con Người

Những hoan lạc thể xác và hạnh phúc vật chất đều thoáng qua. Chúng đến rồi đi, đem lại cả niềm vui lẫn nỗi buồn. Khi vui đến con người trở nên phấn chấn, và khi buồn đến họ trở nên chán nản. Mọi hy vọng và niềm vui trong đời này đều phù du như vậy. Chúng không đem đến sự bình yên và hạnh phúc bền vững cho con người. Tính bấp bênh là đặc tính của thế gian này. Toàn bộ sự sáng tạo đều phải chịu sự thay đổi liên tục và không ngừng. Muôn vật trong thế gian đều phải chịu chung quy luật sanh, tăng trưởng, phát triển, suy tàn, biến hoại và chết. Không có gì trong sự sáng tạo có thể thoát khỏi chuỗi biến hoá này.

Để tìm ra cái thực, tức là thấy được bản chất thực của mình, và bất tử, con người được đòi hỏi phải xoay lưng lại với những đối tượng không thực của thế gian này. Chỉ khi người ta nhận ra sự vô ích của việc chạy đuổi theo thế gian và những đối tượng của nó, họ mới xoay lưng lại với chúng. Xoay lưng lại với thế gian để hướng về sự xuất ly, tự rút mình ra khỏi thế gian và chuyển hướng sự tìm kiếm của mình vào bên trong. Cuộc hành trình của họ chấm dứt khi họ đạt đến ‘Chân lý của mọi chân lý’‘Giác ngộ của mọi giác ngộ’.

Bước ngoặt này đánh dấu sự khởi đầu của nỗ lực tinh thần thực sự. Những gì khác hơn nỗ lực tìm kiếm vào bên trong này chỉ giống như một trò chơi của trẻ con nhân danh tôn giáo mà thôi. Những món đồ chơi được xem là cần thiết cho trẻ con, vì sự phát triển của nó trong một giai đoạn đặc biệt nào đó; nhưng khi giai đoạn đó qua rồi chúng không còn cần thiết nữa. Đời sống tôn giáo là một cuộc mạo hiểm. Nó đòi hỏi phải có một tinh thần năng nỗ đầy nghị lực ở đây cơ hội cho sự hoài nghi có mặt, và đó là điều đúng và thích hợp cho một người để hoài nghi.

Một con người nhu nhược hay yếu đuối không thể bước đi trên đạo lộ tinh thần này. ‘Bản Ngã không thể được thực chứng bởi con người nhu nhược.’ Tôn giáo đưa ra sự thách thức lớn nhất cho con người. Nó thách thức anh ta từ bỏ hết thảy mọi dính mắc, chấp thủ.

Sẽ không lý do nào khác ngăn cản được một con người mong muốn giải thoát. Mọi tôn giáo đều cảnh báo trước những nguy hiểm và cạm bẫy mà họ phải gặp trong cuộc hành hương tâm linh của mình. Song tôn giáo cũng kê ra những phương pháp qua đó họ có thể tránh được những cạm bẫy và vượt qua những khó khăn cũng như nguy hiểm trên đạo lộ. Có một số phương pháp thích ứng với trang bị tinh thần và năng lực tâm linh của những người khao khát chân lý (căn tánh) sai khác.

Hôm nay bạn có thể là một tỷ phú, song ngày mai bạn có thể là một người bần cùng, khố rách áo ôm. Hôm nay bạn rất khoẻ mạnh và xinh đẹp, nhưng ngày mai vẻ đẹp và tuổi trẻ ấy có thể biến mất. Tương tự, bạn có thể chấm dứt kiếp nghèo và bệnh hoạn của mình nhờ những thiện Nghiệp (kamma) của bạn. Lời khuyên này là một phép mầu đích thực có thể chữa trị mọi tâm trạng chán nản của chúng ta. Nó là một viên thuốc thập toàn đại bổ cho những con tim yếu đuối. ‘Sức mạnh không xuất phát từ thể lực mà từ một ý chí bất khuất.’ (Mahatma Gandhi)

Con người tìm kiếm sự giàu sang để thoả mãn những thôi thúc của họ đối với dục lạc. Thực ra dục vọng đi tìm sự thoả mãn; sự giàu sang giúp họ đạt được sự thoả mãn ấy. Nếu không được kiểm soát bằng những giá trị luân lý và tinh thần, sự thôi thúc đối với các dục lạc này trong anh ta sẽ trở thành một sự thôi thúc bất tận; vì mỗi sự thoả mãn sẽ làm tăng thêm mười thôi thúc nữa đối với các dục lạc vậy.

‘Nếu bạn muốn một người nào đó lắng nghe bạn lâu dài hãy nói về chính anh ta và anh ta sẽ lắng nghe.’

Dục vọng đuổi theo sự thoả mãn và sự thoả mãn đuổi theo dục vọng, để lại con người bị hành hạ bởi khuynh hướng vô luân. Lý tưởng về một con người hoàn toàn, trọn vẹn và đầy đủ lùi xa vào trong hậu trường. Nhưng rồi anh ta sẽ đau khổ khi thấy rằng lòng anh vẫn khát khao các dục lạc; trong khi thân đã trở nên già yếu và không còn thích hợp như một dụng cụ của dục lạc nữa, mà lòng thì vẫn trẻ trung trong những thôi thúc của nó đối với dục lạc. Sự thực hiển nhiên này buộc anh ta phải suy tư; và, ôn lại đời mình với những chuỗi ngày lòng vòng đuổi theo dục lạc, anh mới thực sự bị ấn tượng với sự ngu ngốc ấy của nó và cố gắng để dứt mình ra khỏi con đường lầm lạc.

‘Nếu bạn muốn trở nên người tốt, trước tiên bạn phải hiểu rằng bạn có khả năng tiêm nhiễm thói xấu.’ Tiến bộ tâm linh chỉ khả dĩ ở đâu có tự do tư tưởng. Ngược lại, ở đâu sự tin tưởng mù quáng nơi quyền lực thịnh hành, ở đó sẽ không có tiến bộ tinh thần. Tự do tư tưởng dẫn đến sức mạnh và tiến bộ tinh thần, trong khi cố chấp giáo điều chỉ đưa đến sự bế tắc, đình trệ. Kinh nghiệm còn chỉ thêm cho thấy rằng tín ngưỡng giáo điều bao giờ cũng đi cùng với tính không khoan dung hay cố chấp tôn giáo. Phải nhớ rằng chỗ nào tín ngưỡng này xuất hiện tín ngưỡng khác cũng không xa mấy.

Sự phát triển tinh thần của con người quan trọng hơn đạt được những thoải mái về vật chất của anh ta. Lịch sử đã dạy cho chúng ta biết rằng chúng ta không thể mong đợi những thoải mái vật chất và hạnh phúc tinh thần cùng một lúc được. Cuộc sống của con người được quy định bởi những giá trị tinh thần và những nguyên tắc đạo đức, điều mà chỉ tôn giáo mới có thể cung ứng một cách hiệu quả.

Theo đạo Phật con người là quan trọng nhất trong muôn loài chúng sinh; con người có ý nghĩa hơn cả các hàng chư thiên. Tại sao vậy? Chính vì chư thiên chỉ đang thọ hưởng tạm thời những kết quả của việc làm tốt (quả nghiệp thiện) họ đã thực hiện trong quá khứ, còn con người chứa đựng trong tự thân họ những tiềm lực bổ sung thêm. Có thể nói con người là chủ nhân của số phận họ; trên trận địa của tâm mình con người có thể chiến thắng cả thế gian. Nhưng để làm được điều này anh ta phải hiểu bản chất của Nghiệp (Kamma), nguyên tắc cai quản cả thế gian bên trong lẫn bên ngoài của anh ta.

Trách Nhiệm Của Cha Mẹ

Cha mẹ phải có trách nhiệm đối với tình trạng sức khoẻ và sự giáo dục của con cái mình. Nếu người con lớn lên trở thành một công dân khoẻ mạnh, và hữu ích, đó là kết quả của những nỗ lực của cha mẹ. Nếu đứa con lớn lên trở thành một kẻ phạm pháp, thì chính cha mẹ phải gánh chịu trách nhiệm. Không trách người khác. Là các bậc cha mẹ, bổn phận của bạn là phải làm sao hướng dẫn con cái mình vào con đường đúng đắn. Mặc dù có một vài trường hợp trẻ em phạm pháp không thể cảm hoá được, tuy nhiên là các bậc cha mẹ, bạn phải có trách nhiệm đối với hành vi cư xử của con cái bạn.

Một đứa trẻ ở độ tuổi dễ bị tác động nhất của nó, rất cần tình yêu thương, chăm sóc, trìu mến và sự chú ý của cha mẹ. Không có tình yêu thương và hướng dẫn của cha mẹ, phương diện tình cảm của đứa trẻ kể như bị thiệt thòi và nó sẽ cảm thấy rất lúng túng khi sống trong thế gian này. Bộc lộ tình thương yêu của cha mẹ không có nghĩa là bạn sẽ chiều hết mọi đòi hỏi của con cái, dù là hợp lý hay không hợp lý. Thực sự quá nuông chiều không chừng sẽ làm hư đứa bé. Người mẹ khi ban bố tình yêu thương và chăm sóc của mình cũng cần phải nghiêm khắc và cương quyết song không khắc nghiệt khi giải quyết sự tức giận của con. Hãy thể hiện tình thương của bạn với một bàn tay kỷ luật – đứa con rồi sẽ hiểu. Không may thay, tình yêu thương của cha mẹ trong xã hội ngày nay của chúng ta lắm khi thiếu một cách đáng buồn. Việc đổ xô vào những tiến bộ vật chất, và khát vọng vươn lên để được bình đẳng về giới tính, đã dẫn đến tình trạng nhiều người mẹ tham gia với chồng trong cuộc làm ăn quyết liệt, quên cả trách nhiệm đối với con cái.

Các bà mẹ đã phấn đấu để duy trì tiếng tăm gia đình hay biểu trưng địa vị của họ bằng cách làm việc trong những văn phòng và cửa hiệu, thay vì ở nhà chăm sóc những nhu cầu của con cái. Những đứa con bị bỏ mặc cho quyến thuộc hay người giúp việc chăm sóc, hay những đứa con bị bỏ mặc ở nhà để tự xoay sở lấy, thường bị tước mất đi tình thương yêu và chăm sóc của người mẹ. Trong khi đó người mẹ, do cảm thấy có tội về sự thiếu quan tâm của mình, sẽ cố gắng chiều chuộng con bằng cách chấp nhận hết mọi đòi hỏi của chúng. Hành động như vậy chỉ làm hư hỏng con cái mà thôi.

Sắm cho con những món đồ chơi hiện đại tinh vi mà vốn có hại cho sự hình thành nhân cách của chúng như xe tăng, súng máy, súng lục, và đao kiếm được xem là không lành mạnh về phương diện tâm lý. Vô hình trung đứa trẻ đã được dạy dung thứ sự huỷ diệt thay vì được dạy phải có lòng nhân từ, bác ái và giúp đỡ tha nhân. Một đứa trẻ như vậy sẽ phát triển những khuynh hướng tàn ác khi chúng lớn lên. Thực sự dù có cho con nhứng thứ đồ chơi như vậy cũng không thay thế được tình thương yêu và trìu mến của cha mẹ.

Các bậc cha mẹ thường bị đặt trong một tình trạng tiến thối lưỡng nan. Từ một ngày làm việc vất vả lao về nhà người cha người mẹ mệt mỏi còn có những công việc lặt vặt trong gia đình chờ đợi. Khi công việc trong ngày vừa làm xong, thì đã đến giờ cơm tối, theo sau là chương trình TV, và chút thời giờ còn lại, khó mà đủ để chăm sóc những đòi hỏi chính đáng của con cái về tình thương yêu và trìu mến của cha mẹ.

Với yêu cầu giải phóng phụ nữ, nhiều phụ nữ dường như nghĩ rằng giải pháp cho vấn đề là ganh đua với cánh đàn ông bên ngoài gia đình. Những phụ nữ đó phải suy xét một cách thận trọng trong việc có nên sinh con hay không. Một người mẹ đã đưa sự sống vào trong cuộc đời này rồi lại ‘bỏ rơi’ nó thì thật là vô trách nhiệm. Bạn phải có trách nhiệm đối với những gì bạn tạo ra. Một đứa trẻ có quyền được thoả mãn về phương diện vật chất, nhưng phương diện tinh thần và tâm lý vẫn quan trọng hơn. Cung cấp những thoải mái về vật chất là phụ so với cung cấp tình yêu thương và sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ.

Chúng ta biết có nhiều người hoàn cảnh gia cảnh nghèo nhưng nuôi dạy con thật tốt với chứa chan tình thương yêu dù thu nhập không đầy đủ. Trái lại, nhiều người giàu có cung ứng mọi thoải mái vật chất cho con cái họ, nhưng do bị tước đoạt mất tình thương của cha mẹ, những đứa trẻ này lớn lên đã bị thiệt thòi về phương diện tâm lý và đạo đức.

Một số phụ nữ có thể cảm thấy rằng khuyên họ tập trung vào việc dạy dỗ con cái trong gia đình là một điều gì đó hạ thấp giá trị của họ và phản ánh nếp suy nghĩ của lớp người già và bảo thủ. Thực sự là trong quá khứ, phụ nữ đã bị đối xử rất tệ bạc, song điều này là do phía đàn ông thiếu kiến thức nhiều hơn là sự yếu đuối vốn có nơi người nữ. Tiếng Sanskrit (Phạn Ngữ) để chỉ một người nội trợ là ‘Gruhini’ mà nghĩa đen của nó là ‘người lĩnh đạo trong gia đình’. Chắc chắn điều này không hàm ý cho rằng người phụ nữ là người hạ liệt. Đúng hơn nó có nghĩa là một sự phân chia trách nhiệm cho người nam và người nữ.

Trong một vài quốc gia, nhiều người chồng giao hẳn phong bì lương của họ cho các bà vợ để họ điều hành những công việc trong gia đình. Việc làm này giúp người đàn ông rảnh rang để tập trung vào những gì họ có thể làm được tốt hơn. Do mỗi người tự biết rõ trách nhiệm của mình là gì, nên không có sự xung đột giữa vợ chồng. Bầu không khí trong gia đình bình yên và vui vẻ nơi đây con cái của họ có thể phát triển tốt đẹp.

Tất nhiên, người chồng phải bảo đảm chắc chắn rằng vợ mình đã được khéo chăm sóc, rằng cô đã được hỏi ý kiến về mọi quyết định trong gia đình, rằng cô có đủ tự do để phát huy cá tính của mình và có đủ thời gian để theo đuổi những sở thích riêng của mình. Theo nghĩa này chồng và vợ có trách nhiệm ngang nhau đối với hạnh phúc của gia đình. Họ không xảy ra tình trạng ganh đua lẫn nhau.

Khi đã là người mẹ bạn phải cân nhắc cẩn thận xem mình có nên tiếp tục như một người mẹ làm công việc bên ngoài với tất cả những chuyện nguy hiểm khó lường có thể xảy ra theo sau nó hay nên là một người nội trợ dành tất cả tình thương yêu và chăm sóc xứng đáng của mình cho việc nuôi dạy con cái. Điều kỳ lạ là, một số bà mẹ thời nay, đặc biệt những bà mẹ ở một vài quốc gia với những chế độ quân sự đang phải đương đầu với sự thiếu hụt nhân lực, phụ nữ đã được huấn luyện để cầm súng và các loại vũ khí chết người khác, trong khi lẽ ra họ phải được ôm ấp con cái và dạy dỗ chúng trở thành những công dân tốt và biết tôn trọng luật pháp.

Thái độ đối với con cái của những người mẹ chỉ biết lo làm những công việc bên ngoài ngày nay có khuynh hướng làm xói mòn lòng hiếu thảo của đạo làm con đã ăn sâu vào truyền thống mà con trẻ được mong đợi phải giữ gìn. Việc thay thế bú sữa mẹ bằng bú bình còn là một nguyên nhân khác đáng quan tâm. Có thể nói, khi người mẹ cho con bú và ôm ấp đứa bé trong vòng tay mình, tình yêu thương trìu mến giữa mẹ và con là vô cùng to lớn.

Một người mẹ nuôi con bằng bầu sữa của mình, qua bản năng làm mẹ, thường cảm nghiệm được một sự thoả mãn tuyệt vời, như thiên nhiên đã dành cho, khi biết rằng bà đang cho con một cái gì đó của chính mình, cái mà vốn không ai khác có thể cho được. Ảnh hưởng mà người mẹ tác động trên đứa con tất nhiên sẽ tăng trưởng và dễ nhận ra hơn rất nhiều. Dưới những hoàn cảnh như vậy, lòng hiếu thảo của đạo làm con, lực kết dính gia đình và sự vâng lời bao giờ cũng có mặt.

Những thói quen truyền thống này là vì sự tốt đẹp và hạnh phúc của con cái. Cha mẹ, nhất là người mẹ, phải có nhiệm vụ đem đến cho con cái tình yêu thương, chăm sóc và sự trìu mến như những quyền lợi chính đáng của chúng. Con ngoan hay hư là trách nhiệm của người mẹ. Như vậy người mẹ cũng đã góp phần làm giảm bớt được tình trạng thiếu niên phạm pháp! Ở mức tư duy cao nhất, bạn có thể thấy mọi sự mọi vật đúng như chúng là, chứ không như ý bạn. Lúc đó bạn biết rằng bạn phải có trách nhiệm đối với mọi thứ.

Có bao nhiêu người trẻ nhận ra sự ân cần mà cha mẹ chúng biểu lộ? Thường thì người ta không nhận ra nó cho đến khi bản thân họ trở thành cha mẹ hay đến khi họ mất cha mất mẹ. Chúng ta nên tỏ lòng biết ơn của chúng ta qua những hiếu hạnh như biết chu toàn trách nhiệm, ý tứ, tri ân và vâng lời cha mẹ, đừng để tới khi cha mẹ mất rồi mới hối hận.

Con Người và Mật Ngọt Cuộc Đời

Đây là một câu truyện ngụ ngôn ngắn nhằm giúp chúng ta hiểu được thực chất của cuộc đời và những lạc thú của nó: Một người kia bị lạc lối khi đi qua một khu rừng rậm đầy những gai gốc và sỏi đá. Thình lình anh gặp một con voi thật to chuẩn bị rượt đuổi anh ta. Anh cố hết sức chạy thoát thân. Trong lúc đang chạy thục mạng thì anh gặp một cái giếng cũ và nghĩ rằng cái giếng này sẽ là nơi an toàn để giúp anh thoát khỏi nạn voi rượt. Rủi thay anh lại thấy ở dưới đáy giếng có một con rắn độc. Nhưng vì lẽ không còn cách nào khác để thoát khỏi con voi nên anh bèn nhảy xuống và cố gắng bám vào một sợi dây gai mọc bên thành giếng. Trong lúc còn đang treo tòng teng trên sợi dây leo như vậy thì anh lại nhìn thấy hai con chuột, một trắng và một đen. Trước nỗi khủng khiếp của anh hai con chuột này đang gặm mòn dần sợi dây mà anh đang bám. Tuy nhiên anh lại phát hiện một tổ ong kế bên thỉnh thoảng vài giọt mật nhỏ ra từ đấy. Trong tình trạng bấp bênh phải đương đầu với cái chết trên ba phương diện ấy, anh bắt đầu thèm khát vị ngon của những giọt mật. Rồi một người kia đi ngang qua và, thấy tình trạng đáng thương của người đàn ông tội nghiệp này, tình nguyện giúp một tay để cứu lấy mạng sống của anh ta. Nhưng con người tham lam và ngu ngốc ấy lại từ chối không chịu lắng nghe lời khuyên của người này vì cái vị ngọt rất hấp dẫn của mật ong mà hắn đang thưởng thức. Vị ngọt của mật ong đã làm hắn say mê đến độ hắn phớt lờ luôn cả tình trạng nguy hiểm hắn đang đương đầu.

Trong truyện ngụ ngôn này, con đường gai gốc của khu rừng tương đương với vòng Luân-hồi (Saṃsāra). Con đường gai gốc của vòng luân hồi là một con đường rất bấp bênh và rắc rối. Người ta không dễ gì sống hết đời mình qua khu rừng gồ ghề và gian khổ của Luân-hồi ấy. Con voi ở đây tượng trưng cho tử thần. Cái chết luôn luôn đi theo chúng ta và làm cho chúng ta lo lắng; tuổi già cũng tạo ra sự buồn rầu và bất ổn trong tâm chúng ta. Sợi dây leo là sự sinh của chúng ta. Cũng như sợi dây leo cứ tiếp tục tăng trưởng và quấn quanh những cây khác như thế nào, sự sinh của chúng ta cũng tiếp tục tích luỹ, nắm giữ và chấp thủ vào rất nhiều thứ không cần thiết khác của thế gian này như vậy.  

Hai con chuột trắng và đen tiêu biểu cho ngày và đêm. Ngay từ cái ngày đầu tiên chúng ta sinh vào trong cuộc đời này, mỗi ngày đêm trôi qua cứ tiếp tục cắt ngắn thọ mạng của chúng ta lại. Những giọt mật là những dục lạc phù du của thế gian cám dỗ con người ở lại trong thế gian vô thường và bấp bênh này. Người có lòng nhân từ đi đến để giúp một tay và chỉ cho người này con đường đúng đắn để thoát khỏi tình trạng hiểm nguy của anh ta là Đức Phật.

Ai nghĩ rằng thà ở lại trong thế gian này để hưởng thụ cuộc sống vật chất tốt hơn là cố gắng để đạt đến giải thoát, chính xác mà nói giống như người đàn ông ngu ngốc trong câu truyện đã từ chối lời đề nghị vượt thoát khỏi tình trạng nguy hiểm liên quan đến sinh mạng của anh ta chỉ để nếm chút ít mật ong ngọt ngào ấy. Thiên nhiên đã giữ thăng bằng một cách bình thản; tính vô tư của nó không ai có thể làm đảo lộn.

Những quy luật thiên nhiên hay tự nhiên, quy luật vốn hoạt động không thể lầm lẫn và ngăn lại được, cũng không vì những lời tán tụng, cầu nguyện hay tế lễ mà thay đổi ý kiến. Những quy luật ấy hoạt động cả ở lĩnh vực thể xác vật lý lẫn tinh thần không có sự can thiệp của một người làm luật nào. Một trong những quy luật tự nhiên có liên quan mật thiết đến phẩm chất của đời người là quy luật có quy mô vũ trụ của Nghiệp (Kamma). Quy luật này hoạt động ở lĩnh vực đạo đức. Những hành động thiện và bất thiện được thực hiện bằng ý nghĩ, lời nói và hành động đúng thời sẽ tạo ra những kết quả tốt và xấu tương xứng của chúng.

Nếu một người độc ác, thực hiện những hành động ác độc, và không sống thuận với những quy luật tự nhiên của vũ trụ, anh ta đã làm ô nhiễm toàn bộ bầu khí quyển với những hành động bất thiện của anh ta, tất nhiên những kết quả không thuận lợi sẽ xuất hiện khiến cho anh ta khó lòng sống được một cuộc sống hạnh phúc, mãn nguyện và bình yên. Anh ta đã tạo ra những đau khổ cho bản thân mình và cho những người khác với tâm ô nhiễm của anh ta vậy. Ngược lại, nếu anh ta sống thuận theo những quy luật tự nhiên của vũ trụ và sống một cuộc đời chánh trực, không lầm lỗi, anh ta sẽ làm trong sạch bầu khí quyển với những phước đức của anh ta. Với những rung động tâm lý tích cực này, anh ta sẽ ảnh hưởng tốt đến những người chung quanh cũng như tạo ra được một môi trường lý tưởng dẫn đến bình yên và hạnh phúc. ‘Những ai sống cuộc đời trái ngược với tự nhiên tất phải đương đầu với những hậu quả hoặc trên phương diện thể xác hoặc trên phương diện tinh thần’.

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app