Tương Ưng Bộ V – Chương Xii: Tương Ưng Sự Thật – Phẩm Vực Thẳm

TƯƠNG ƯNG BỘ V

CHƯƠNG XII: TƯƠNG ƯNG SỰ THẬT

Liên kết: Pāḷi | Việt | Anh | Video t.Việt | Video t.Anh | Audio | PDF | Chú Giải Pāḷi | Phụ Chú Giải Pāḷi | Tìm hiểu thêm | Bài giảng khác

PHẨM VỰC THẲM

41.I. Tư Duy (S.v,446)

1) Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá) tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

2) Tại đấy, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:

— Thuở trước, này các Tỷ-kheo, một người đi ra khỏi Vương Xá, nghĩ rằng: “Ta sẽ suy tư về thế giới”, và người ấy đi đến hồ sen sumàgadhà; sau khi đến, ngồi trên bờ hồ sumàgadhà và suy tư về thế giới.

3) Này các Tỷ-kheo, người ấy trên bờ hồ sumàgadhà thấy một đoàn quân với bốn loại binh chủng (voi, ngựa, xe, bộ binh) đi vào trong một củ sen; thấy vậy, người ấy nghĩ: “Có lẽ ta phát cuồng! Có lẽ ta điên loạn! Nay ta thấy một điều không thể có ở đời”.

4) Rồi người ấy, này Tỷ-kheo, đi vào trong thành và nói với một quần chúng lớn:

“– Này Quí vị, có lẽ ta phát cuồng; này Quí vị, có lẽ ta điên loạn. Nay ta thấy một điều không thể có ở đời!”

“– Như thế nào, này Bạn, Bạn phát cuồng? Như thế nào, Bạn điên loạn? Bạn đã thấy gì không thể có ở đời?”

5) “– Thưa Quí vị, tôi đi ra khỏi Vương Xá, nghĩ rằng: ‘Tôi sẽ suy tư về thế giới’. Tôi đi đến hồ sumàgadhà; sau khi đến, ngồi trên bờ hồ sumàgudhà, suy tư về thế giới. Thưa Quí vị, tôi thấy trên bờ hồ sumàgudhà một đoàn quân với bốn loại binh chủng đi vào trong một củ sen. Thấy vậy, thưa Quí vị, tôi nghĩ: ‘Có lẽ ta phát cuồng! Có lẽ ta điên loạn! Nay ta thấy một điều không thể có ở đời!'”

“– Thật vậy, này Bạn, Bạn đã phát cuồng. Thật vậy, Bạn bị điên loạn, Bạn đã thấy một điều không thể có ở đời!”

6) Này các Tỷ-kheo, điều mà người ấy đã thấy là có thật, không phải không thật. Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, chư Thiên và loài Asura (A-tu-la) giàn trận để khai chiến. Và này các Tỷ-kheo, trong trận chiến ấy, chư Thiên thắng trận, các Asura bại trận. Các Asura bại trận, này các Tỷ-kheo, hoảng hốt đi vào thành Asura ngang qua củ sen vì quá sợ hãi chư Thiên.

7) Do vậy, này các Tỷ-kheo, chớ có suy tư về thế giới: “Thế giới là thường còn”, hay: “Thế giới là vô thường”, hay: “Thế giới là hữu biên”, hay: “Thế giới là vô biên”, hay: “Mạng sống và thân thể là một”, hay: “Mạng sống và thân thể là khác”, hay: “Như Lai có tồn tại sau khi chết”, hay: “Như Lai không tồn tại sau khi chết”, hay: “Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết”, hay: “Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”. Vì sao?

8) Các điều suy tư ấy, này các Tỷ-kheo, không liên hệ đến mục đích, không phải là căn bản cho Phạm hạnh, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.

9) Nếu có suy tư, này các Tỷ-kheo, các Ông hãy suy tư: “Ðây là Khổ”… “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”. Vì sao?

10) Các suy tư như vậy, này các Tỷ-kheo, liên hệ đến mục đích, các suy tư ấy làm căn bản cho Phạm hạnh, các suy tư ấy đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.

11) Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”… một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

42.II. Vực Thẳm (S.v,448)

1) Một thời, Thế Tôn ở tại Ràjagaha (Vương Xá) trên núi Gìjjhakuuta (Linh Thứu).

2) Rồi Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

— Này các Tỷ-kheo, chúng ta hãy đi đến Patibhànakuuta để nghỉ trưa.

— Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.

3) Rồi Thế Tôn cùng số đông Tỷ-kheo đi đến Patibhànakàta. Một Tỷ-kheo thấy một vực thẳm ở Patibhànakuuta, thấy vậy, liền bạch Thế Tôn:

— Bạch Thế Tôn, thật là lớn, vực thẳm này! Bạch Thế Tôn, thật là đáng sợ hãi, vực thẳm này! Bạch Thế Tôn, không biết có vực thẳm nào khác, lớn hơn và đáng sợ hãi hơn vực thẳm này?

— Này các Tỷ-kheo, có vực thẳm khác, lớn hơn và đáng sợ hãi hơn vực thẳm này.

— Bạch Thế Tôn, thế nào là vực thẳm khác, lớn hơn và đáng sợ hãi hơn vực thẳm này?

4) — Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào không như thật rõ biết: “Ðây là Khổ”… không như thật rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”. Họ hoan hỷ với các hành đưa đến sanh, họ hoan hỷ với các hành đưa đến già, họ hoan hỷ với các hành đưa đến chết, họ hoan hỷ với các hành đưa đến sầu, bi, khổ, ưu, não. Vì họ hoan hỷ với các hành đưa đến sanh… đưa đến già… đưa đến chết… đưa đến sầu, bi, khổ, ưu, não, họ tạo dựng các hành đưa đến sanh, họ tạo dựng các hành đưa đến già… đưa đến chết,… do họ tạo dựng các hành đưa đến sanh… đưa đến già… đưa đến chết… đưa đến sầu, bi, khổ, ưu, não, nên họ rơi vào vực thẳm sanh, họ rơi vào vực thẳm già, họ rơi vào vực thẳm chết, họ rơi vào vực thẳm sầu, bi, khổ, ưu, não. Họ không liễu thoát khỏi sanh, khỏi già, khỏi chết, khỏi sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng, họ không liễu thoát khỏi đau khổ.

5) Và này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào như thật rõ biết: “Ðây là Khổ”… như thật rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”, họ không hoan hỷ với các hành đưa đến sanh… đưa đến già… đưa đến chết… đưa đến sầu, bi, khổ, ưu, não. Vì họ không hoan hỷ với các hành đưa đến sanh… đưa đến già… đưa đến chết… đưa đến sầu, bi, khổ, ưu, não, họ không tạo dựng các hành đưa đến sanh… đưa đến già… đưa đến chết… đưa đến sầu, bi, khổ, ưu, não. Do họ không tạo dựng các hành đưa đến sanh… đưa đến già… đưa đến chết… đưa đến sầu, bi, khổ, ưu, não, họ không rơi vào vực thẳm sanh; họ không rơi vào vực thẳm già; họ không rơi vào vực thẳm chết; họ không rơi vào vực thẳm sầu, bi, khổ, ưu, não. Họ liễu thoát khỏi sanh, khỏi già, khỏi chết, khỏi sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng, họ liễu thoát khỏi đau khổ.

6) Do vậy, này Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”… một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

43.III. Nhiệt Não (S.v,450)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có một địa ngục tên là Ðại nhiệt não, tại đấy con mắt thấy sắc gì, chỉ thấy bất khả lạc sắc, không phải khả lạc sắc, chỉ thấy bất khả hỷ sắc, không phải khả hỷ sắc, chỉ thấy bất khả ý sắc, không phải khả ý sắc. Tai có nghe tiếng gì… mũi có ngửi hương gì… lưỡi có nếm vị gì… thân có cảm xúc gì… ý có nhận thức pháp gì, chỉ nhận thức bất khả lạc pháp, không phải khả lạc pháp, chỉ nhận thức bất khả hỷ pháp, không phải khả hỷ pháp, chỉ nhận thức bất khả ý pháp, không phải khả ý pháp.

3) Khi nghe nói vậy, một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:

— Bạch Thế Tôn, thật lớn thay, nhiệt não ấy! Bạch Thế Tôn, thật khéo to lớn thay, nhiệt não ấy! Bạch Thế Tôn, không biết có nhiệt não nào khác nữa, còn lớn hơn, còn đáng sợ hãi hơn nhiệt não ấy?

— Này Tỷ-kheo, có nhiệt não khác còn đáng sợ hãi hơn nhiệt não ấy.

— Bạch Thế Tôn, nhiệt não khác ấy như thế nào, còn lớn hơn, và đáng sợ hãi hơn nhiệt não ấy?

4-6) … (như đoạn số 4,5,6 của kinh trước, có một thay đổi trong kinh trước, có nói: “Họ rơi vào vực thẳm sanh, vực thẳm già, vực thẳm chết, vực thẳm sầu, bi, khổ, ưu, não”. Còn kinh này nói: ” Họ bị đốt cháy trong nhiệt não sanh… già… chết… sầu, bi, khổ, ưu, não ” với những thay đổi cần thiết khác).

IV. Nhà Có Nóc Nhọn (S.v,452)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: “Không có như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ… Thánh đế về Khổ tập… Thánh đế về Khổ diệt… Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, ta sẽ chơn chánh đoạn tận khổ đau”; sự kiện này không xảy ra.

3) Ví như, này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: “Không xây dựng tầng dưới của ngôi nhà có nóc nhọn, tôi sẽ xây dựng tầng trên của ngôi nhà”, sự kiện này không xảy ra. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: “Không có như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ… Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, ta sẽ chơn chánh đoạn tận khổ đau”; sự kiện này không xảy ra.

4) Ví như, này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: “Sau khi xây dựng tầng dưới của căn nhà có nóc nhọn, tôi sẽ xây dựng tầng trên của ngôi nhà”; sự kiện này có xảy ra. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: “Sau khi như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ… Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, ta sẽ đoạn tận khổ đau”; sự kiện này có xảy ra.

5) Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”… một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

V. Chiggala (1) (Lỗ khóa hay sợi lông) (S.v,453)

1) Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàli, Ðại Lâm, tại Trùng Các giảng đường.

2) Rồi Tôn giả Ananda, vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát vào thành Vesàli để khất thực.

3) Tôn giả Ananda thấy một số đông thiếu niên người Licchavi trong hội trường tập bắn cung, từ xa bắn xuyên qua lỗ khóa nhỏ, từ lông đuôi mũi tên này tiếp lông đuôi mũi tên khác, không sai trượt lần nào.

4) Thấy vậy, Tôn giả suy nghĩ: “Thật có tập luyện, các thiếu niên Licchavi này! Thật khéo tập luyện, các thiếu niên Licchavi này! Vì rằng, từ xa họ bắn xuyên qua lỗ khóa nhỏ, từ lông đuôi mũi tên này tiếp lông đuôi mũi tên kia, không sai trượt lần nào”.

5) Rồi Tôn giả Ananda, sau khi khất thực ở Vesàli xong, sau bữa ăn, trên con đường đi khất thực trở về, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

6) — Ở đây, bạch Thế Tôn, con, vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát đi vào Vesàli để khất thực. Bạch Thế Tôn, con thấy rất nhiều thiếu niên Licchavi trong hội trường tập bắn cung, từ xa bắn xuyên qua lỗ khóa nhỏ, từ lông đuôi mũi tên này tiếp lông đuôi mũi tên khác, không sai trượt lần nào. Thấy vậy con nghĩ như sau: “Thật có tập luyện, các thiếu niên Licchavi này! Thật khéo tập luyện, các thiếu niên Licchavi này! Vì rằng từ xa họ bắn xuyên qua lỗ khóa nhỏ, từ lông đuôi mũi tên này nối tiếp lông đuôi mũi tên khác, không sai trượt lần nào”.

7) — Ông nghĩ thế nào, này Ananda, cái gì khó làm hơn hay cái gì khó đạt đến (abhisambhava), từ xa bắn xuyên qua lỗ khóa nhỏ, từ lông đuôi mũi tên này tiếp lông đuôi mũi tên khác, không sai trượt lần nào, hay bắn xuyên đầu một sợi lông được chia nhỏ một trăm lần?

— Việc này khó làm hơn, bạch Thế Tôn, khó đạt đến hơn, tức là bắn xuyên đầu một sợi lông được chia nhỏ một trăm lần.

8) — Cũng vậy, này Ananda, chúng đâm xuyên ngang qua một cái gì khó đâm xuyên hơn là những ai như thật đâm xuyên qua: “Ðây là Khổ”… như thật đâm xuyên qua: “Ðây là Con Ðường đưa đến sự Khổ diệt”.

9) Do vậy, này Ananda, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”… một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

VI. Hắc Ám (S.v,454)

1) …

2) — Có một hắc ám giữa các thế giới không có trần che, tạo ra tối tăm, tạo ra hắc ám; ở đấy ánh sáng của mặt trăng, mặt trời, những vật có đại thần lực như vậy, có đại uy lực như vậy cũng không hiện ra.

3) Ðược nghe nói như vậy, một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:

— Thật là to lớn, bạch Thế Tôn, tối tăm ấy! Thật là to lớn, bạch Thế Tôn, tối tăm ấy! Bạch Thế Tôn, có một tối tăm nào khác, còn to lớn hơn, còn đáng sợ hãi hơn tối tăm ấy?

— Này Tỷ-kheo, có một tối tăm khác, còn to lớn hơn, còn đáng sợ hãi hơn tối tăm ấy.

— Bạch Thế Tôn, sự tối tăm khác ấy là gì, còn to lớn hơn, còn đáng sợ hãi hơn tối tăm ấy?

4-6) … (như đoạn số 4, số 5, số 6 kinh 42 có một thay đổi. Trong kinh trước có nói: “Họ rơi vào vực thẳm sanh, vực thẳm già, vực thẳm chết, vực thẳm sầu, bi, khổ, ưu, não. Còn kinh này thời nói: ” Họ rơi vào tối tăm sanh, tối tăm già, tối tăm chết, tối tăm sầu, bi, khổ, ưu, não “).

VII. Lỗ Khóa (2) (S.v,455)

1) …

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, một người quăng một khúc gỗ có một lỗ hổng vào biển lớn. Tại đấy có con rùa mù, sau mỗi trăm năm nổi lên một lần.

3) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, con rùa mù ấy sau mỗi trăm năm nổi lên một lần, có thể chui cổ vào khúc gỗ có một lỗ hổng hay không?

— Năm khi mười họa may ra có thể được, bạch Thế Tôn, sau một thời gian dài.

4) — Ta tuyên bố rằng còn mau hơn, này các Tỷ-kheo, là con rùa mù ấy, sau mỗi trăm năm nổi lên một lần, có thể chui cổ vào khúc gỗ có một lỗ hổng ấy; còn hơn kẻ ngu, khi một lần đã rơi vào đọa xứ để được làm người trở lại. Vì sao?

5) Vì rằng ở đấy không có pháp hành, chánh hành, thiện nghiệp, phước nghiệp. Ở đấy, này các Tỷ-kheo, chỉ có ăn thịt lẫn nhau, và chỉ có người yếu bị ăn thịt. Vì sao?

6) Vì không thấy được bốn Thánh đế. Thế nào là bốn? Thánh đế về Khổ… Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt.

7) Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”… một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

VIII. Lỗ Khóa (3) (S.v,456)

1) …

2)– Ví như, này các Tỷ-kheo, quả đất lớn này chỉ toàn một bãi nước và một người đến ném xuống đấy một khúc cây có một lỗ hổng. Rồi gió phương Ðông thổi nó trôi về phương Tây; gió phương Tây thổi nó trôi về phương Ðông; gió phương Bắc thổi nó trôi về phương Nam; gió phương Nam thổi nó trôi về phương Bắc. Tại đấy, một con rùa mù cứ mỗi trăm năm nổi lên một lần.

3) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, con rùa mù ấy sau mỗi trăm năm nổi lên một lần, có thể chui cổ vào trong khúc cây có một lỗ hổng không?

— Thật khó được vậy, bạch Thế Tôn, con rùa mù ấy, sau mỗi trăm năm nổi lên một lần, có thể chui cổ vào trong khúc cây có một lỗ hổng ấy!

4) — Thật khó được vậy, này các Tỷ-kheo, là được làm người! Thật khó được vậy, này các Tỷ-kheo, là Như Lai xuất hiện ở đời, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác! Thật khó được vậy, này các Tỷ-kheo, là Pháp và Luật này do Như Lai thuyết giảng chiếu sáng trên đời.

5) Nhưng nay, này các Tỷ-kheo, các Ông đã được làm người, và Như Lai xuất hiện ở đời, bậc A-la-hán, Chánh đẳng Chánh giác. Và Pháp và Luật được Như Lai thuyết giảng chói sáng ở đời.

6) Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm… (xem đoạn số 7, kinh trước).

IX. Núi Sineru (1) (Tu Di) (S.v,457)

1) …

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, một người đặt trên núi Sineru, vua các loài núi, các viên sạn lớn bằng bảy hạt đậu.

3) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, cái gì là nhiều hơn, các viên sạn lớn bằng bảy hạt đậu được đặt như vậy hay núi chúa Sineru?

— Cái này là nhiều hơn, bạch Thế Tôn, tức là vua núi Sineru. Rất ít là các viên sạn lớn bằng bảy hạt đậu được đặt như vậy, chúng không có thể ước tính được, chúng không có thể so sánh được, chúng không có thể thành một phần nhỏ được, khi đem đặt các viên sạn lớn bằng bảy hạt đậu so sánh với núi chúa Sineru.

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, với vị Thánh đệ tử thành tựu chánh kiến, với người đã chứng ngộ, cái này là nhiều hơn, tức là sự khổ đã được đoạn tận, đã được tiêu mòn này. Rất ít là khổ còn tồn tại, không có thể ước tính, không có thể so sánh, không có thể thành một phần nhỏ, nếu so sánh với khổ trước đã được đoạn tận, đã được tiêu mòn. Tức là trong thời gian tối đa là bảy lần đối với người đã rõ biết: “Ðây là Khổ”… đã rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

5) Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”… một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

X. Núi Sineru (2) (Tu Di) (S.v,458)

1) …

2) … Ví như, này các Tỷ-kheo, núi chúa Sineru đi đến đoạn tận, đi đến tiêu diệt, chỉ còn lại các viên sạn, lớn bằng bảy hạt đậu.

3) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, cái gì là nhiều hơn, núi chúa Sineru ấy đi đến đoạn tận, đi đến tiêu mòn hay các viên sạn lớn bằng bảy hạt đậu còn tồn tại?

— Cái này là nhiều hơn, bạch Thế Tôn, tức là núi chúa Sineru đi đến đoạn tận, đi đến tiêu mòn. Và ít hơn là các viên sạn lớn bằng bảy hạt đậu được còn lại, không thể đem ước tính, không thể đem so sánh và không thể bằng một phần nhỏ, nếu so sánh các viên sạn lớn, bằng bảy hạt đậu còn lại với núi chúa Sineru đã đi đến đoạn tận, đã đi đến tiêu mòn.

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, với vị Thánh đệ tử thành tựu chánh kiến, với người đã chứng ngộ, cái này là nhiều hơn, tức là sự khổ đã được đoạn tận, được tiêu mòn này; và rất ít là khổ còn tồn tại, không có thể ước tính, không có thể so sánh, không có thể thành một phần nhỏ, nếu so sánh với khổ trước đã được đoạn tận, đã được tiêu mòn, tức là trong thời gian tối đa là bảy lần đối với người đã rõ biết: “Ðây là Khổ”… đã rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

5) Do vậy, này các Tỷ-kheo… (như đoạn số 5, kinh trước) …

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Tương Ưng Bộ V“, Ngài Thích Minh Châu dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Tương Ưng Bộ V” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Ngài Thích Minh Châu
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

* Thuộc TƯƠNG ƯNG BỘ V - TẠNG KINH - TAM TẠNG TIPITAKA | Dịch Việt: Ngài Thích Minh Châu
Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app