Tương Ưng Bộ V – Chương Iii: Tương Ưng Niệm Xứ – Phẩm Bất Tử

TƯƠNG ƯNG BỘ V

CHƯƠNG III: TƯƠNG ƯNG NIỆM XỨ

Liên kết: Pāḷi | Việt | Anh | Video t.Việt | Video t.Anh | Audio | PDF | Chú Giải Pāḷi | Phụ Chú Giải Pāḷi | Tìm hiểu thêm | Bài giảng khác

PHẨM BẤT TỬ

I. Bất Tử (Tạp 24,4 Ðại 2,171a) (S.v,184)

1) Tại Sàvatthi…

2) — Này các Tỷ-kheo, hãy trú với tâm khéo an trú trên bốn niệm xứ. Nhưng các Ông chớ có bỏ mất bất tử. Thế nào là bốn?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời… trú, quán thọ trên các cảm thọ… trú, quán tâm trên tâm… trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.

4) Này các Tỷ-kheo, hãy trú, với tâm khéo an trú trên bốn niệm xứ. Nhưng các Ông chớ có bỏ mất bất tử.

II. Tập Khởi (Tạp 24,5, Ðại 2,171a) (S.v,184)

1). ..

2) — Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt bốn niệm xứ. Hãy lắng nghe.

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự tập khởi của thân? Sự tập khởi của món ăn là sự tập khởi của thân. Sự đoạn diệt các món ăn là sự đoạn diệt của thân.

4) Sự tập khởi của xúc là sự tập khởi của thọ. Sự đoạn diệt của xúc là sự chấm dứt của thọ.

5) Sự tập khởi của danh sắc là sự tập khởi của tâm. Sự đoạn diệt của danh sắc là sự chấm dứt của tâm.

6) Sự tập khởi của tác ý là sự tập khởi của các pháp. Sự đoạn diệt của tác ý là sự chấm dứt của các pháp.

III. Con Ðường (S.V,185)

1) Tại Sàvatthi…

2) Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

— Một thời, này các Tỷ-kheo, Ta trú ở Uruvelà, trên bờ sông Neranjarà, dưới cây bàng Ajapàla, khi vừa mới được giác ngộ.

3) Này các Tỷ-kheo, trong khi độc cư Thiền tịnh, tâm niệm, tư tưởng như sau khởi lên nơi Ta: “Ðây là con đường độc nhất khiến chúng sanh được thanh tịnh, giúp vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, chứng đạt chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn. Tức là bốn niệm xứ. Thế nào là bốn? Tỷ-kheo hãy trú, quán thân trên thân… Hãy trú, quán thọ trên các thọ… Hãy trú, quán tâm trên tâm… Hãy trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Ðây là con đường độc nhất khiến chúng sanh được thanh tịnh, vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, chứng đạt chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn, tức là bốn niệm xứ.

4) Này các Tỷ-kheo, rồi Phạm thiên Sahampati với tâm của mình biết được tâm niệm suy tư của Ta, ví như một người lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại, hay co lại cánh tay đang duỗi ra; cũng vậy, vị ấy biến mất ở Phạm thiên và hiện ra trước mặt Ta.

5) Rồi, này các Tỷ-kheo, Phạm thiên Sahampati đắp thượng y vào một bên vai, chấp tay hướng đến Ta và thưa với Ta: “Như vậy là phải, bạch Thế Tôn. Như vậy là phải, bạch Thiện Thệ. Ðây là con đường độc nhất khiến chúng sanh được thanh tịnh, vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, chứng đạt chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn. Tức là bốn niệm xứ. Thế nào là bốn? Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân… trú, quán thọ trên các thọ… trú, quán tâm trên tâm… trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Bạch Thế Tôn, đây là con đường độc nhất khiến chúng sanh được thanh tịnh, vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, chứng đạt chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn. Tức là bốn niệm xứ”.

6) Này các Tỷ-kheo, Phạm thiên Sahampati thuyết như vậy, nói vậy xong, lại nói thêm như sau:

Thấy con đường độc nhất,
Ðưa đến đoạn tận sanh,
Bậc đại từ lân mẫn,
Rõ biết chính con đường.
Chính với con đường này,
Trước đã vượt được qua,
Tương lai sẽ vượt qua,
Và hiện vượt bộc lưu.

IV. Niệm (S.v,186)

1) Tại Sàvatthi…

2) — Này các Tỷ-kheo, hãy trú chánh niệm. Ðây là lời giáo giới của Ta cho các Ông.

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo chánh niệm?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân… trú, quán thọ trên các cảm thọ… trú, quán tâm trên tâm… trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo chánh niệm.

4) Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hãy trú chánh niệm. Ðây là lời giáo giới của Ta cho các Ông.

V. Ðống Thiện (Tạp 24. 8, Ðại 2,171b) (S.v,186)

1)…

2) — Nói đến “Ðống thiện”, này các Tỷ-kheo, nói một cách chơn chánh phải nói là bốn niệm xứ.

Toàn bộ đống thiện này, này các Tỷ-kheo, tức là bốn niệm xứ. Thế nào là bốn?

3) Ở đây, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân… trú, quán thọ trên các cảm thọ… trú, quán tâm trên tâm… trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.

4) Nói đến “Ðống thiện”, này các Tỷ-kheo, nói một cách chơn chánh phải nói là bốn niệm xứ này. Toàn bộ đống thiện này, này các Tỷ-kheo, chính là bốn niệm xứ.

VI. Pàtimokkha (S.v,187)

1)…

2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến… Ngồi một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

3) — Lành thay, bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp vắn tắt cho con. Sau khi nghe pháp từ Thế Tôn, con sẽ sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

— Vậy này Tỷ-kheo, hãy làm cho thanh tịnh căn bản trong các thiện pháp. Thế nào là căn bản trong các thiện pháp?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, hãy sống hộ trì với sự hộ trì của Giới bổn (Pàtimokkha), đầy đủ uy nghi chánh hạnh (àcàragocarasampanno), thấy sự nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và thực hành các học giới. Này Tỷ-kheo, sau khi sống, hộ trì với sự hộ trì của Giới bổn, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và thực hành các học giới rồi, này Tỷ-kheo, y cứ trên giới, an trú trên giới, hãy tu tập bốn niệm xứ. Thế nào là bốn?

5) Ở đây, này Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hãy trú, quán thân trên thân… Hãy trú, quán thọ trên các cảm thọ… Hãy trú, quán tâm trên tâm… Hãy trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.

6) Khi nào, này Tỷ-kheo, Ông y cứ trên giới, an trú trên giới, tu tập bốn niệm xứ; khi ấy, này Tỷ-kheo, hoặc là đêm hay ngày, hãy chờ đợi ở nơi Ông sự tăng trưởng trong các thiện pháp, không phải sự tổn giảm.

7) Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn thuyết…

8) Rồi Tỷ-kheo ấy sống một mình…

9) Rồi Tỷ-kheo ấy trở thành một vị A-la-hán nữa.

VII. Ác Hành (Tạp 24,11, Ðại 2,172a) (S.v,188)

1)…

2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn…

3) — Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết pháp vắn tắt cho con. Sau khi nghe Thế Tôn thuyết pháp, con sẽ sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

— Vậy, này Tỷ-kheo, Ông hãy làm cho thanh tịnh những căn bản trong các thiện pháp. Và thế nào là căn bản trong các thiện pháp?

4) Ở đây, này Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sau khi đoạn tận thân ác hành, hãy tu tập thân thiện hành. Sau khi đoạn tận khẩu ác hành, hãy tu tập khẩu thiện hành. Sau khi đoạn tận ý ác hành, hãy tu tập ý thiện hành. Rồi này Tỷ-kheo, y cứ vào giới, an trú vào giới, Ông hãy tu tập bốn niệm xứ. Thế nào là bốn?

5) Ở đây, này Tỷ-kheo, Ông hãy trú, quán thân trên thân… Ông hãy trú, quán thọ trên các cảm thọ… Ông hãy trú, quán tâm trên tâm… Ông hãy trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.

6) Này Tỷ-kheo, sau khi y cứ trên giới, an trú trên giới, Ông tu tập bốn niệm xứ này như vậy; thời này Tỷ-kheo, hoặc là đêm hay ngày, hãy chờ đợi ở nơi Ông sự tăng trưởng trong các thiện pháp, không phải sự tổn giảm.

7-8). .. (như trên)…

9) Rồi Tỷ-kheo ấy trở thành một vị A-la-hán nữa.

VIII. Thân Hữu (S.v,189)

1) Tại Sàvatthi…

2) — Này các Tỷ-kheo, những ai mà các Ông có lòng lân mẫn, những ai mà các Ông nghĩ rằng cần phải nghe theo, các bạn bè, hay thân hữu hay bà con, hay huyết thống; này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải khích lệ các người ấy, hướng dẫn, an trú các người ấy trong sự tu tập bốn niệm xứ. Thế nào là bốn?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân… quán thọ trên các cảm thọ… quán tâm trên tâm… quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.

4) Này các Tỷ-kheo, những ai mà các Ông có lòng lân mẫn, những ai mà các Ông nghĩ rằng cần phải nghe theo, các bạn bè, hay thân hữu, hay bà con, huyết thống; này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải khích lệ các người ấy, hướng dẫn, an trú các người ấy trong sự tu tập bốn niệm xứ.

IX. Các Cảm Thọ (S.v,189)

1) Tại Sàvatthi…

2) — Này các Tỷ-kheo, có ba thọ này. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, phi khổ phi lạc thọ. Này các Tỷ-kheo, đây là ba thọ.

3) Vì muốn liễu tri ba thọ này, này các Tỷ-kheo, bốn niệm xứ cần phải tu tập. Thế nào là bốn?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân… trú, quán thọ trên các cảm thọ… trú, quán tâm trên tâm… trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.

5) Chính để liễu tri ba cảm thọ này, này các Tỷ-kheo, bốn niệm xứ này cần phải tu tập.

X. Các Lậu Hoặc (S.v,189)

1)…

2) — Có ba lậu hoặc, này các Tỷ-kheo. Thế nào là ba? Dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Này các Tỷ-kheo, đây ba là lậu hoặc.

3) Chính để đoạn tận ba lậu hoặc này, này các Tỷ-kheo, bốn niệm xứ này cần phải tu tập. Thế nào là bốn?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân… quán thọ trên các cảm thọ… quán tâm trên tâm… quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.

5) Chính để đoạn tận ba lậu hoặc này, này các Tỷ-kheo, bốn niệm xứ này cần phải được tu tập.

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Tương Ưng Bộ V“, Ngài Thích Minh Châu dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Tương Ưng Bộ V” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Ngài Thích Minh Châu
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

* Thuộc TƯƠNG ƯNG BỘ V - TẠNG KINH - TAM TẠNG TIPITAKA | Dịch Việt: Ngài Thích Minh Châu
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app