Tương Ưng Bộ V – Chương Iv: Tương Ưng Căn – Phẩm Thứ Sáu

TƯƠNG ƯNG BỘ V

CHƯƠNG IV: TƯƠNG ƯNG CĂN

Liên kết: Pāḷi | Việt | Anh | Video t.Việt | Video t.Anh | Audio | PDF | Chú Giải Pāḷi | Phụ Chú Giải Pāḷi | Tìm hiểu thêm | Bài giảng khác

PHẨM THỨ SÁU

I. Sàlà (S.v,227)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú giữa dân chúng Kosala, tại một làng Bà-la-môn tên Sàlà.

2) Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo…

3) — Ví như, này các Tỷ-kheo, trong các loài bàng sanh, con sư tử, vua các loài thú, được xem là tối thượng, tức là về sức mạnh, về tốc lực, về dõng mãnh. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, trong các pháp thuộc phần giác ngộ, tuệ căn được xem là tối thượng, tức là về giác ngộ. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp thuộc phần giác ngộ?

4) Tín căn, này các Tỷ-kheo, là pháp thuộc phần giác ngộ, vì đưa đến giác ngộ. Tấn căn là pháp thuộc phần giác ngộ, vì đưa đến giác ngộ. Niệm căn là pháp thuộc phần giác ngộ, vì đưa đến giác ngộ. Ðịnh căn là pháp thuộc phần giác ngộ, vì đưa đến giác ngộ. Tuệ căn là pháp thuộc phần giác ngộ, vì đưa đến giác ngộ.

5) Ví như, này các Tỷ-kheo, trong các loài bàng sanh, con sư tử, vua các loài thú, được xem là tối thượng, tức là về sức mạnh, về tốc lực, về dõng mãnh. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, trong các pháp thuộc phần giác ngộ, tuệ căn được xem là tối thượng, tức là về giác ngộ.

II. Mallikà (Tạp 26,13, Ðại 2,183b) (S.v,228)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Mallikà, tại một thị trấn của dân chúng Mallikà tên là Uruvelakappa.

2) Ở đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo…

3) — Cho đến khi nào Thánh trí chưa khởi lên nơi vị Thánh đệ tử, này các Tỷ-kheo, cho đến khi ấy, bốn căn chưa được đẳng trú (santhiti), cho đến khi ấy, bốn căn chưa được an trú (avatthiti). Và cho đến khi nào Thánh trí khởi lên nơi Thánh đệ tử, này các Tỷ-kheo, cho đến khi ấy, bốn căn được đẳng trú, cho đến khi ấy, bốn căn được an trú.

4) Ví như, này các Tỷ-kheo, cho đến khi nào xà ngang của một nhà có mái nhọn chưa được gác qua, cho đến khi ấy, các kèo nhà chưa được đẳng trú, cho đến khi ấy, các kèo nhà chưa được an trú. Và này các Tỷ-kheo, cho đến khi nào xà ngang của một nóc nhà có mái nhọn được gác qua, cho đến khi ấy, các kèo nhà được đẳng trú, cho đến khi ấy, các kèo nhà được an trú. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cho đến khi nào Thánh trí chưa khởi lên nơi vị Thánh đệ tử, cho đến khi ấy, bốn căn chưa được đẳng trú, cho đến khi ấy, bốn căn chưa được an trú. Và cho đến khi nào Thánh trí khởi lên nơi vị Thánh đệ tử, này các Tỷ-kheo, cho đến khi ấy, bốn căn được đẳng trú, cho đến khi ấy, bốn căn được an trú. Thế nào là bốn? Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn.

5) Với vị Thánh đệ tử có trí tuệ, này các Tỷ-kheo, tất nhiên lòng tin được đẳng trú, tất nhiên tinh tấn được đẳng trú, tất nhiên niệm được đẳng trú, tất nhiên định được đẳng trú.

III. Hữu Học (S.v,229)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Kosambi, tại khu vườn Ghosita.

2) Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

— Có pháp môn nào, này các Tỷ-kheo, y cứ pháp môn ấy, Tỷ-kheo hữu học đứng trên hữu học địa có thể rõ biết: “Tôi là bậc hữu học”, Tỷ-kheo vô học (asekha) đứng trên vô học địa có thể rõ biết: “Tôi là bậc vô học”?

— Bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản…

3) — Có pháp môn, này các Tỷ-kheo, y cứ pháp môn ấy, Tỷ-kheo hữu học đứng trên hữu học địa có thể rõ biết: “Tôi là bậc hữu học”, Tỷ-kheo vô học đứng trên vô học địa, có thể rõ biết: “Tôi là bậc vô học”.

4) Và này các Tỷ-kheo, pháp môn ấy là gì, y cứ pháp môn ấy, Tỷ-kheo hữu học trú trên hữu học địa rõ biết: “Tôi là bậc hữu học”. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hữu học như thật rõ biết: “Ðây là khổ”, như thật rõ biết : “Ðây là khổ tập khởi”, như thật rõ biết: “Ðây là khổ đoạn diệt”, như thật rõ biết: “Ðây là con đường đưa đến khổ đoạn diệt”. Ðây là pháp môn, y cứ pháp môn ấy, Tỷ-kheo hữu học đứng trên hữu học địa rõ biết: “Tôi là bậc hữu học”.

5) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hữu học suy nghĩ như sau: “Ngoài Tăng chúng này, có một Sa-môn hay Bà-la-môn nào khác có thể thuyết pháp thực như vậy, chân như vậy, như thị như vậy, như Thế Tôn hay không?”. Và vị ấy rõ biết như sau: “Ngoài Tăng chúng này, không có một Sa-môn hay Bà-la-môn nào khác có thể thuyết pháp thực như vậy, chân như vậy, như thị như vậy, như Thế Tôn”. Ðây là pháp môn, này các Tỷ-kheo, y cứ pháp môn ấy, Tỷ-kheo hữu học đứng trên hữu học địa rõ biết: “Tôi là bậc hữu học”.

6) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hữu học rõ biết năm căn: tín căn… tuệ căn. Nhưng về sanh thú, về tối thắng, về quả, về mục đích của chúng, vị ấy không có thể trú, tự thân thông đạt được, và không thể với trí tuệ, thông suốt chúng và thấy chúng rõ ràng. Ðây là pháp môn, này các Tỷ-kheo… rõ biết: “Tôi là bậc hữu học”.

7) Và này các Tỷ-kheo, pháp môn ấy là gì, y cứ pháp môn ấy, Tỷ-kheo vô học đứng trên vô học địa rõ biết: “Ta là bậc vô học”? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo vô học rõ biết năm căn: tín căn… tuệ căn với sanh thú của chúng, với tối thắng của chúng, với quả của chúng, với mục đích của chúng. Và vị ấy trú, với tự thân thông đạt được, và với trí tuệ thông suốt chúng và thấy chúng rõ ràng. Ðây là pháp môn, này các Tỷ-kheo, y cứ pháp môn ấy, Tỷ-kheo vô học đứng trên vô học địa rõ biết: “Tôi là bậc vô học”.

8) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo vô học rõ biết sáu căn: nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn, ý căn. Vị ấy rõ biết: “Sáu căn này được đoạn diệt, không có dư tàn, toàn bộ và toàn diện. Và sẽ không có sáu căn khác khởi lên, tại một chỗ nào và như thế nào”. Vị ấy rõ biết như vậy. Ðây là pháp môn, này các Tỷ-kheo, do pháp môn ấy, Tỷ-kheo vô học đứng trên vô học địa, rõ biết: “Tôi là bậc vô học”.

IV. Vết Chân (S.v,234)

1) …

2)– Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có các bàn chân của loài hữu tình bộ hành (jangalànam pànànam), tất cả bàn chân ấy nằm gọn trong bàn chân con voi. Bàn chân con voi được xem là tối thượng, trong các loại bàn chân, tức là về to lớn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, trong tất cả bàn chân nào (padàni) đưa đến giác ngộ, tuệ căn được xem là tối thượng về phương diện giác ngộ.

3) Và này các Tỷ-kheo, những bàn chân nào đưa đến giác ngộ? Tín căn, này các Tỷ-kheo, là bàn chân đưa đến giác ngộ. Tấn căn… niệm căn… định căn… tuệ căn là bàn chân đưa đến giác ngộ.

4) Ví như, này các Tỷ-kheo, trong bất cứ loại chân nào của những loài bộ hành, tất cả loại chân đều nằm gọn trong bàn chân của con voi. Bàn chân con voi được xem là tối thượng trong các loại bàn chân, tức là về to lớn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có bàn chân nào đưa đến giác ngộ, tuệ căn được xem là tối thượng trong tất cả bàn chân, tức là về giác ngộ.

V. Lõi Cây (S.v,231)

1) …

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có những lõi hương nào, cây chiên-đàn đỏ được xem là tối thượng trong tất cả lõi hương. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có những pháp thuộc phần giác ngộ, tuệ căn là pháp tối thượng trong tất cả pháp ấy, tức là về phần giác ngộ.

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp thuộc phần giác ngộ? Tín căn, này các Tỷ-kheo, là pháp thuộc phần giác ngộ, pháp ấy đưa đến giác ngộ… Tuệ căn là pháp thuộc phần giác ngộ, pháp ấy đưa đến giác ngộ.

4) Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có những lõi hương nào, cây chiên-đàn đỏ được xem là tối thượng trong các lõi hương. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, tuệ căn được xem là tối thượng trong các pháp ấy, tức là về giác ngộ.

VI. Y Chỉ , An Trú (S.v,232)

1) Tại Sàvatthi…

2) — Tỷ-kheo y chỉ một pháp, này các Tỷ-kheo, năm căn được tu tập, được khéo tu tập. Một pháp ấy là gì? Là không phóng dật.

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là pháp không phóng dật? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hộ trì tâm đối với các lậu hoặc và các pháp hữu lậu. Do vị ấy hộ trì tâm đối với các lậu hoặc và các pháp hữu lậu, nên tín căn được tu tập đi đến viên mãn… tuệ căn được tu tập đi đến viên mãn.

4) Tỷ-kheo y chỉ một pháp như vậy, này các Tỷ-kheo, năm căn được tu tập, đi đến viên mãn.

VII. Phạm Thiên (S.v,232)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Uruvela, trên bờ sông Neranjara, dưới cây bàng Ajapàla, khi vừa mới giác ngộ.

2) Rồi Thế Tôn trong khi độc cư Thiền định, tâm tư suy tưởng sau đây được khởi lên: “Năm căn được tu tập, được làm sung mãn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm mục đích, lấy bất tử làm cứu cánh. Thế nào là năm? Tín căn được tu tập, được làm cho sung mãn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm mục đích, lấy bất tử làm cứu cánh. Tấn căn… Niệm căn… Ðịnh căn… Tuệ căn được tu tập, được làm cho sung mãn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm mục đích, lấy bất tử làm cứu cánh. Năm căn này được tu tập, được làm cho sung mãn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm mục đích, lấy bất tử làm cứu cánh”.

3) Rồi Phạm thiên Sahampati với tâm của mình biết được tâm tư suy tưởng của Thế Tôn, ví như người lực sĩ duỗi bàn tay đang co lại, hay co lại bàn tay đang duỗi ra, cũng vậy, Phạm thiên biến mất ở Phạm thiên giới và hiện ra trước mặt Thế Tôn.

4) Rồi Phạm thiên Sahampati, đắp thượng y vào một bên vai, chắp tay vái chào Thế Tôn và bạch Thế Tôn:

— Thưa vậy là phải, bạch Thế Tôn. Thưa vậy là phải, bạch Thiện Thệ. Năm căn được tu tập, được làm cho sung mãn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm mục đích, lấy bất tử làm cứu cánh. Thế nào là năm? Tín căn được tu tập, được làm cho sung mãn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm mục đích, lấy bất tử làm cứu cánh… Tuệ căn được tu tập, được làm cho sung mãn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm mục đích, lấy bất tử làm cứu cánh.

5) Thuở xưa, bạch Thế Tôn, con sống Phạm hạnh trong thời ngài Kassapa Chánh đẳng Chánh giác. Tại đấy mọi người biết con là: “Tỷ-kheo Sahaka, Tỷ-kheo Sahaka”. Và con, bạch Thế Tôn, nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn năm căn này, sau khi từ bỏ dục tham đối với các dục, sau khi thân hoại mạng chung, con được sanh lên thiện thú, Phạm thiên giới. Tại đấy, họ gọi con là: “Phạm thiên Sahampati, Phạm thiên Sahampati”.

6) Như vậy là phải, bạch Thế Tôn. Như vậy là phải, bạch Thiện Thệ. Con biết như sau, con thấy như sau: “Năm căn này được tu tập, được làm cho sung mãn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm mục đích, lấy bất tử làm cứu cánh”.

VIII. Hang Con Gấu (S.v,233)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá), tại Gijjhakuuta (núi Linh Thứu) trong hang Con Gấu (suukarakhatà).

2) Tại đấy, Thế Tôn bảo Tôn giả Sàriputta:

— Do thấy lý do gì, này Sàriputta, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc bày tỏ sự tối thượng tôn kính đối với Như Lai, hay lời giảng dạy của Như Lai?

— Vì thấy vô thượng an ổn, khỏi các khổ ách, bạch Thế Tôn, nên Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc bày tỏ sự tối thượng tôn kính đối với Như Lai, hay lời giảng dạy của Như Lai.

3) — Lành thay, lành thay, này Sàriputta! Do thấy vô thượng an ổn, khỏi các khổ ách, này Sàriputta, nên Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc bày tỏ sự tối thượng tôn kính đối với Như Lai, hay lời giảng dạy của Như Lai.

4) Thế nào là vô thượng an ổn, khỏi các khổ ách, này Sàriputta, do thấy vậy, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc bày tỏ sự tối thượng tôn kính đối với Như Lai hay lời giảng dạy của Như Lai?

5) — Ở đây, bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc tu tập tín căn, đưa đến an tịnh, đưa đến giác ngộ… tấn căn… niệm căn… định căn… tu tập tuệ căn, đưa đến an tịnh, đưa đến giác ngộ. Ðây là vô thượng an ổn, khỏi các khổ ách, bạch Thế Tôn, do thấy vậy, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc bày tỏ sự tối thượng tôn kính đối với Như Lai, hay lời giảng dạy của Như Lai.

6) — Lành thay, lành thay, này Sàriputta! Cái này là vô thượng an ổn, khỏi các khổ ách, này Sàriputta, do thấy vậy, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc bày tỏ sự tối thượng tôn kính đối với Như Lai, hay đối với lời giảng dạy của Như Lai.

7) Và này Sàriputta, thế nào là sự tối thượng tôn kính mà Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc bày tỏ sự tối thượng tôn kính đối với Như Lai hay đối với lời giảng dạy của Như Lai?

8) — Ở đây, bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc sống tôn trọng, cung kính bậc Ðạo Sư; sống tôn trọng, cung kính Pháp; sống tôn trọng, cung kính chúng Tăng; sống tôn trọng, cung kính học giới; sống tôn trọng, cung kính Thiền định. Ðây là sự tối thượng tôn kính, bạch Thế Tôn, mà Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc; bày tỏ sự tối thượng tôn kính đối với Như Lai, hay lời giảng dạy của Như Lai.

9) — Lành thay, lành thay, này Sàriputta! Cái này là tối thượng tôn kính mà Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc bày tỏ sự tối thượng tôn kính đối với Như Lai, hay đối với lời giảng dạy của Như Lai.

IX Sanh (1) (S.v,235)

1) Tại Sàvatthi…

2) — Năm căn này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, nếu chưa sanh khởi, sẽ được sanh khởi, nhưng không thể không có sự hiện hữu của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác.

3) Thế nào là năm? Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn. Năm căn này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, nếu chưa sanh khởi, sẽ được sanh khởi, nhưng không thể không có sự hiện hữu của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác.

X. Sanh (2) (S.v,235)

1-2) Tại Sàvatthi. Tại đấy, Thế Tôn nói như sau:

3-4) — (Như kinh trên, chỉ khác, ở đây là không thể không có sự hiện hữu giới luật của bậc Thiện Thệ) …

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Tương Ưng Bộ V“, Ngài Thích Minh Châu dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Tương Ưng Bộ V” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Ngài Thích Minh Châu
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

* Thuộc TƯƠNG ƯNG BỘ V - TẠNG KINH - TAM TẠNG TIPITAKA | Dịch Việt: Ngài Thích Minh Châu
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app