Tiểu Phẩm I – Chương Hành Sự: Hành Sự Án Treo Về Việc Không Từ Bỏ Tà Kiến Ác, Câu Chuyện Về Tỳ Khưu Ariṭṭha

Tiểu Phẩm I – Chương Hành Sự

Hành sự án treo về việc không từ bỏ tà kiến ác

Câu chuyện về tỳ khưu Ariṭṭha

Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, tỳ khưu tên Ariṭṭha trước đây là người huấn luyện chim ưng đã sanh khởi tà kiến ác như vầy: “Theo như ta hiểu về Pháp đã được đức Thế Tôn thuyết giảng thì những pháp chướng ngại được đức Thế Tôn đề cập không có khả năng đem lại sự chướng ngại cho người thực hành.”

Nhiều vị tỳ khưu đã nghe rằng: – “Nghe nói tỳ khưu tên Ariṭṭha trước đây là người huấn luyện chim ưng đã sanh khởi tà kiến ác như vầy: ‘Theo như ta hiểu về Pháp đã được đức Thế Tôn thuyết giảng thì những pháp chướng ngại được đức Thế Tôn đề cập không có khả năng đem lại sự chướng ngại cho người thực hành.’”

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã đi đến gặp tỳ khưu Ariṭṭha trước đây là người huấn luyện chim ưng, sau khi đến đã nói với tỳ khưu Ariṭṭha trước đây là người huấn luyện chim ưng điều này:

– “Này đại đức Ariṭṭha, nghe nói đại đức đã sanh khởi tà kiến ác như vầy: ‘Theo như ta hiểu về Pháp đã được đức Thế Tôn thuyết giảng thì những pháp chướng ngại được đức Thế Tôn đề cập không có khả năng đem lại sự chướng ngại cho người thực hành,’ có đúng không vậy?”

– “Này các đại đức, đúng như vậy. Theo như tôi hiểu về Pháp đã được đức Thế Tôn thuyết giảng thì những pháp chướng ngại được đức Thế Tôn đề cập không có khả năng đem lại sự chướng ngại cho người thực hành.”

– “Này đại đức Ariṭṭha, chớ có nói như thế. Chớ có vu khống đức Thế Tôn bởi vì việc vu khống đức Thế Tôn là không tốt. Bởi vì đức Thế Tôn không có nói như thế. Này đại đức Ariṭṭha, đức Thế Tôn đã giảng giải bằng nhiều phương thức rằng các pháp chướng ngại có khả năng đem đến sự chướng ngại cho người thực hành.

Đức Thế Tôn đã giảng giải rằng dục tình chỉ có chút ít khoái lạc, nhiều khổ đau, nhiều ưu phiền, ở đó điều bất lợi còn nhiều hơn.

Dục tình đã được đức Thế Tôn giảng giải như là bộ xương, nhiều khổ đau, nhiều ưu phiền, ở đó điều bất lợi còn nhiều hơn.

Dục tình đã được đức Thế Tôn giảng giải như là miếng thịt, nhiều khổ đau, nhiều ưu phiền, ở đó điều bất lợi còn nhiều hơn.

Dục tình đã được đức Thế Tôn giảng giải như là cây đuốc cỏ, nhiều khổ đau, nhiều ưu phiền, ở đó điều bất lợi còn nhiều hơn.

Dục tình đã được đức Thế Tôn giảng giải như là hố than cháy rực, nhiều khổ đau, nhiều ưu phiền, ở đó điều bất lợi còn nhiều hơn.

Dục tình đã được đức Thế Tôn giảng giải như là giấc mơ, nhiều khổ đau, nhiều ưu phiền, ở đó điều bất lợi còn nhiều hơn.

Dục tình đã được đức Thế Tôn giảng giải như là vật vay mượn, nhiều khổ đau, nhiều ưu phiền, ở đó điều bất lợi còn nhiều hơn.

Dục tình đã được đức Thế Tôn giảng giải như là trái trên cây, nhiều khổ đau, nhiều ưu phiền, ở đó điều bất lợi còn nhiều hơn.

Dục tình đã được đức Thế Tôn giảng giải như là lò sát sanh, nhiều khổ đau, nhiều ưu phiền, ở đó điều bất lợi còn nhiều hơn.

Dục tình đã được đức Thế Tôn giảng giải như là mũi lao nhọn, nhiều khổ đau, nhiều ưu phiền, ở đó điều bất lợi còn nhiều hơn.

Dục tình đã được đức Thế Tôn giảng giải như là đầu rắn độc, nhiều khổ đau, nhiều ưu phiền, ở đó điều bất lợi còn nhiều hơn.”

Khi được các vị tỳ khưu ấy nói như thế, tỳ khưu Ariṭṭha trước đây là người huấn luyện chim ưng do có sự ngoan cố, chấp giữ, và bảo thủ tà kiến ác ấy nên vẫn phát biểu giống như thế: – “Này các đại đức, theo như tôi hiểu về Pháp đã được đức Thế Tôn thuyết giảng thì những pháp chướng ngại được đức Thế Tôn đề cập không có khả năng đem lại sự chướng ngại cho người thực hành.”

Bởi vì các vị tỳ khưu ấy không thể giúp cho tỳ khưu Ariṭṭha trước đây là người huấn luyện chim ưng thoát khỏi tà kiến ác ấy, sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại và đã hỏi tỳ khưu Ariṭṭha trước đây là người huấn luyện chim ưng rằng: – “Này Ariṭṭha, nghe nói tà kiến ác đã sanh khởi ở ngươi như vầy: ‘Theo như ta hiểu về Pháp đã được đức Thế Tôn thuyết giảng thì những pháp chướng ngại được đức Thế Tôn đề cập không có khả năng đem lại sự chướng ngại cho người thực hành,’ có đúng không vậy?”

– “Bạch ngài, đúng như vậy. Theo như con hiểu về Pháp đã được đức Thế Tôn thuyết giảng thì những pháp chướng ngại được đức Thế Tôn đề cập không có khả năng đem lại sự chướng ngại cho người thực hành.”

– “Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi lại hiểu Pháp được ta thuyết giảng là như thế? Này kẻ rồ dại, không phải ta đã giảng giải bằng nhiều phương thức rằng các pháp chướng ngại có khả năng đem đến sự chướng ngại cho người thực hành hay sao?

Dục tình đã được ta giảng giải là chỉ có chút ít khoái lạc, nhiều khổ đau, nhiều ưu phiền, ở đó điều bất lợi còn nhiều hơn.

Dục tình đã được ta giảng giải như là bộ xương, nhiều khổ đau, nhiều ưu phiền, ở đó điều bất lợi còn nhiều hơn.

Dục tình đã được ta giảng giải như là miếng thịt, nhiều khổ đau, nhiều ưu phiền, ở đó điều bất lợi còn nhiều hơn.

Dục tình đã được ta giảng giải như là cây đuốc cỏ, nhiều khổ đau, nhiều ưu phiền, ở đó điều bất lợi còn nhiều hơn.

Dục tình đã được ta giảng giải như là hố than cháy rực, nhiều khổ đau, nhiều ưu phiền, ở đó điều bất lợi còn nhiều hơn.

Dục tình đã được ta giảng giải như là giấc mơ, nhiều khổ đau, nhiều ưu phiền, ở đó điều bất lợi còn nhiều hơn.

Dục tình đã được ta giảng giải như là vật vay mượn, nhiều khổ đau, nhiều ưu phiền, ở đó điều bất lợi còn nhiều hơn.

 Dục tình đã được ta giảng giải như là trái trên cây, nhiều khổ đau, nhiều ưu phiền, ở đó điều bất lợi còn nhiều hơn.

Dục tình đã được ta giảng giải như là lò sát sanh, nhiều khổ đau, nhiều ưu phiền, ở đó điều bất lợi còn nhiều hơn.

Dục tình đã được ta giảng giải như là mũi lao nhọn, nhiều khổ đau, nhiều ưu phiền, ở đó điều bất lợi còn nhiều hơn.

Dục tình đã được ta giảng giải như là đầu rắn độc, nhiều khổ đau, nhiều ưu phiền, ở đó điều bất lợi còn nhiều hơn.

Này kẻ rồ dại, hơn nữa ngươi không những vu khống ta do sự sai lạc của bản thân mà ngươi còn làm tổn hại chính bản thân và tích lũy nhiều điều bất thiện nữa. Này kẻ rồ dại, chính điều ấy sẽ đem lại cho ngươi sự thất bại và khổ đau lâu dài. Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Sau khi khiển trách, ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

– “Này các tỳ khưu, chính vì điều ấy hội chúng hãy thực hiện hành sự án treo về việc không từ bỏ tà kiến ác đối với tỳ khưu Ariṭṭha (tức là) việc không cùng thọ hưởng với hội chúng.

Và này các tỳ khưu, nên thực hiện như vầy: Trước hết, tỳ khưu Ariṭṭha trước đây là người huấn luyện chim ưng cần được quở trách; sau khi quở trách cần được nhắc nhở; sau khi nhắc nhở cần xác định tội; sau khi xác định tội, hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu kinh nghiệm, có năng lực:

“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Tỳ khưu Ariṭṭha này, trước đây là người huấn luyện chim ưng, đã sanh khởi tà kiến ác như vầy: ‘Theo như ta hiểu về Pháp đã được đức Thế Tôn thuyết giảng thì những pháp chướng ngại được đức Thế Tôn đề cập không có khả năng đem lại sự chướng ngại cho người thực hành.’ Vị ấy không chịu từ bỏ tà kiến ác ấy. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên thực hiện hành sự án treo về việc không từ bỏ tà kiến ác đối với tỳ khưu Ariṭṭha trước đây là người huấn luyện chim ưng (tức là) việc không cùng thọ hưởng với hội chúng. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Tỳ khưu Ariṭṭha này, trước đây là người huấn luyện chim ưng, đã sanh khởi tà kiến ác như vầy: ‘Theo như ta hiểu về Pháp đã được đức Thế Tôn thuyết giảng thì những pháp chướng ngại được đức Thế Tôn đề cập không có khả năng đem lại sự chướng ngại cho người thực hành.’ Vị ấy không chịu từ bỏ tà kiến ác ấy. Hội chúng thực hiện hành sự án treo về việc không từ bỏ tà kiến ác đối với tỳ khưu Ariṭṭha trước đây là người huấn luyện chim ưng (tức là) việc không cùng thọ hưởng với hội chúng. Đại đức nào đồng ý việc thực hiện hành sự án treo về việc không từ bỏ tà kiến ác đối với tỳ khưu Ariṭṭha trước đây là người huấn luyện chim ưng (tức là) việc không cùng thọ hưởng với hội chúng xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ nhì. ―(như trên)― Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ ba. Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Tỳ khưu Ariṭṭha này trước đây là người huấn luyện chim ưng đã sanh khởi tà kiến ác như vầy: ‘Theo như ta hiểu về Pháp đã được đức Thế Tôn thuyết giảng thì những pháp chướng ngại được đức Thế Tôn đề cập không có khả năng đem lại sự chướng ngại cho người thực hành.’ Vị ấy không chịu từ bỏ tà kiến ác ấy. Hội chúng thực hiện hành sự án treo về việc không từ bỏ tà kiến ác đối với tỳ khưu Ariṭṭha trước đây là người huấn luyện chim ưng (tức là) việc không cùng thọ hưởng với hội chúng. Đại đức nào đồng ý việc thực hiện hành sự án treo về việc không từ bỏ tà kiến ác đối với tỳ khưu Ariṭṭha trước đây là người huấn luyện chim ưng (tức là) việc không cùng thọ hưởng với hội chúng xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Hành sự án treo về việc không từ bỏ tà kiến ác đối với tỳ khưu Ariṭṭha trước đây là người huấn luyện chim ưng (tức là) việc không cùng thọ hưởng với hội chúng đã được hội chúng thực hiện. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

Và này các tỳ khưu, hãy thông báo từ trú xứ này sang trú xứ khác rằng: “Tỳ khưu Ariṭṭha trước đây là người huấn luyện chim ưng đã được hội chúng thực hiện hành sự án treo về việc không từ bỏ tà kiến ác (tức là) việc không cùng thọ hưởng với hội chúng.”

*****

* Thuộc TIỂU PHẨM I - HỢP PHẦN - TẠNG LUẬT - TAM TẠNG TIPITAKA |Dịch Việt: Tỳ Khưu Indacanda | Nguồn: Tamtangpaliviet.net
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app