III. SỰ TOÀN HẢO VỀ XUẤT LY

1. Hạnh của (Đức Bồ-tát) Yudhañjaya[42]

  1. Khi ta là hoàng tử Yudhañjaya có danh tiếng vô lượng, ta đã động tâm sau khi nhìn thấy giọt sương mai bị tiêu tan dưới ánh nắng mặt trời.[43]
  1. Sau khi trầm tư về chính điều ấy, ta đã làm cho nỗi động tâm tăng trưởng. Ta đã cúi lạy mẹ cha và xin phép xuất gia.
  1. Họ cùng với các thị dân và các cư dân của xứ sở, hai tay chắp lại, thỉnh cầu ta rằng: “Này con, ngay ngày hôm nay con hãy cai quản lãnh địa rộng lớn, tiến triển, và thịnh vượng.”
  1. Trong khi họ, có cả đức vua, có cả phi tần, có thị dân, có cư dân của xứ sở, đang khóc lóc thảm thương, bởi vì ta đã xuất gia, không lưu luyến.
  1. Trong khi từ bỏ toàn bộ trái đất, vương quốc, quyến thuộc, người hầu, và danh vọng, ta đã không suy nghĩ (đến điều gì khác) với lý do chỉ là vì quả vị giác ngộ.
  1. Me cha không có bị ta ghét bỏ, danh vọng lớn lao cũng không có bị ta ghét bỏ, đối với ta quả vị Toàn Giác là yêu quý; vì thế ta đã từ bỏ vương quốc.

 Hạnh của (đức Bồ-tát) Yudhañjaya là phần thứ nhất.

2. Hạnh của (Đức Bồ-tát) Somanassa[44]

  1. Vào một thời điểm khác nữa, khi ở tại kinh thành Indapatta, ta là người con trai được mong mỏi, được yêu quý, được nổi tiếng (với tên) là Somanassa.
  1. Ta là người có giới, được thành tựu đức hạnh, có lối ứng xử lịch thiệp, có sự tôn kính bậc trưởng thượng, có sự khiêm tốn, và rành rẽ về các cách tiếp độ.
  1. Có gã đạo sĩ giả trá được đức vua ấy yêu mến. Ông ta trồng trọt rau quả hoa màu rồi sinh sống.
  1. Nhận biết ông là giả trá ví như đống trấu không có hạt gạo, ví như thân cây có lỗ bọng lớn ở bên trong, ví như cây chuối không có lỏi cứng.
  1. Không có pháp của các bậc thiện trí ở người này. Vì lý do nuôi dưỡng mạng sống, người này đã xa rời Sa-môn hạnh, đã từ bỏ pháp trong sạch là sự khiêm tốn.
  1. Vùng biên giới đã bị khuấy động bởi những kẻ lâm tặc thuộc các xứ lân bang. Khi ra đi để dẹp yên việc ấy, cha (ta) đã dạy bảo ta rằng:
  1. Này con yêu dấu, con chớ có lơ là với vị đạo sĩ tóc bện nghiêm trì khổ hạnh. Hãy thi hành điều (vị ấy) ước muốn bởi vì vị ấy là người ban bố (cho chúng ta) mọi điều lạc thú.”
  1. Ta đã đi đến phục vụ vị ấy và đã nói lời này: “Này gia chủ, ông có được an vui không?” hoặc “Vật gì cần được mang lại cho ông?
  1. Vì thế, kẻ giả trá, chất chứa ngã mạn ấy đã giận dữ (nói rằng): “Hôm nay, ta sẽ làm cho ngươi hoặc là bị giết chết, hoặc là bị trục xuất ra khỏi vương quốc.”
  1. Sau khi bình định khu vực biên giới, đức vua đã nói với kẻ giả trá (ấy) rằng: “Thưa ngài, ngài có được thoải mái, có được sự tôn kính không?” Gã xấu xa đã nói với đức vua rằng: “Hoàng tử cần phải bị trừng trị như thế.”
  1. Sau khi nghe được lời nói ấy của kẻ ấy, vị chúa tể của trái đất đã ra lệnh rằng: “Hãy chém đầu ngay tại chỗ, rồi phân (thây) thành bốn mảnh, và cho trưng bày ở khắp các ngã đường; đó là phần số dành cho kẻ miệt thị vị đạo sĩ tóc bện.”
  1. Tại nơi ấy,[45] những người hành quyết độc ác, hung dữ, bất nhân đã lôi kéo ta đang ngồi ở lòng mẹ rồi dẫn đi.[46]
  1. Ta đã nói với họ như vầy: “Hãy cấp tốc đưa ta đã bị trói bằng gông xiềng chắc chắc đến trình diện đức vua, ta có các việc cần làm cho đức vua.”
  1. Bọn họ đã đưa ta đến gặp vị vua ác xấu là người thân cận với kẻ ác xấu. Sau khi tiếp kiến, ta đã làm cho đức vua hiểu rõ và ta đã tạo được uy thế cho ta.
  1. Đức vua đã yêu cầu thứ lỗi về việc ấy và đã trao vương quốc rộng lớn lại cho ta. Ta đây, sau khi phá tan sự mê muội, đã xuất gia theo hạnh không nhà.
  1. Vương quốc rộng lớn không có bị ta ghét bỏ, sự hưởng thụ các dục không có bị ta ghét bỏ, đối với ta quả vị Toàn Giác là yêu quý; vì thế ta đã từ bỏ vương quốc.

Hạnh của (đức Bồ-tát) Somanassa là phần thứ nhì.

3. Hạnh của (Đức Bồ-tát) Ayoghara[47]

  1. Vào một thời điểm khác nữa, khi ta là người con trai của đức vua Kāsi, ta đã lớn lên trong căn nhà bằng sắt[48] và đã được gọi với tên  là Ayoghara.
  1. (Vua cha đã phán rằng:) “Này con, mạng sống của con được tiếp nhận một cách khó khăn, được nuôi dưỡng ở nơi bực bội. Ngay chính ngày hôm nay, con hãy cai quản toàn thể trái đất này
  1. cùng với cư dân trong xứ sở, luôn cả phố chợ, và loài người nữa.” Sau khi đảnh lễ vị Sát-đế-lỵ, ta đã chắp tay lên và đã nói lời này:
  1. Bất cứ chúng sanh nào ở trên trái đất, dầu kém cỏi, cao quý, hoặc trung bình, lớn lên trong nhà của chính họ cùng với các thân quyến không cần sự bảo vệ.”
  1. (Rồi ta đã suy nghĩ rằng:) “Sự nuôi dưỡng này của ta ở trong nơi bực bội là hy hữu ở trên thế gian. Ta đã được lớn lên trong căn nhà bằng sắt thiếu hẳn ánh sáng mặt trăng và mặt trời.
  1. Có được tấm thân hối thối này sau khi rời khỏi bụng mẹ, từ đó ta lại bị ném vào căn nhà sắt khổ sở và kinh hãi hơn một lần nữa.
  1. Nếu sau khi đã đạt đến khổ đau vô cùng ghê rợn như thế ấy, nếu ta còn thích thú trong vương quyền thì ta là kẻ tồi tệ nhất trong số những kẻ ác xấu.”
  1. Ta nhàm chán xác thân, ta không mong muốn vương quyền, ta sẽ tầm cầu sự tịch diệt Niết-bàn là nơi tử thần không thể đày đọa.”
  1. Trong lúc đó đám đông đang kêu gào, ta đã suy nghĩ như vậy và đã đi vào khu rừng rậm, giống như con voi đã giật đứt xiềng xích.
  1. Mẹ cha không có bị ta ghét bỏ, danh vọng lớn lao cũng không có bị ta ghét bỏ, đối với ta quả vị Toàn Giác là yêu quý; vì thế ta đã từ bỏ vương quốc.

 Hạnh của (đức Bồ-tát) Ayoghara là phần thứ ba.

4. Hạnh của (Đức Bồ-tát) Bhisa[49]

  1. Vào một thời điểm khác nữa, khi ta ở tại kinh thành của xứ Kāsi, (ta có) một người em gái và bảy người em trai được sanh ra trong gia đình quý phái (dòng Bà-la-môn).
  1. Trong số những người này, ta đã được sanh ra trước tiên, đạt được pháp trong sạch là sự khiêm tốn. Sau khi nhận thấy sự hiện hữu là nguy hại, ta đã thỏa thích trong việc xuất gia.
  1. Các thân hữu, được mẹ và cha nhắn đến, đồng tâm mời mọc (ta) bằng các dục lạc: “Bạn hãy duy trì dòng dõi gia tộc.”
  1. Lời nào của những người ấy được nói ra về việc đem lại lạc thú trong cuộc sống gia đình, điều ấy đối với ta được xem tương tợ như lưỡi cày đã được nung đỏ, thô thiển.
  1. Khi ấy, họ đã hỏi ta, kẻ từ khước (cuộc sống gia đình), về nguyện vọng của ta: “Này bạn, nếu bạn không hưởng thục các dục thì bạn mong muốn điều gì?
  1. Là người mong muốn điều tốt đẹp, ta đã nói với họ, những người đang tầm cầu lợi ích (cho ta) rằng: “Tôi không mong muốn trạng thái người tại gia, tôi thỏa thích trong sự xuất ly.”
  1. Sau khi lắng nghe lời nói của ta, họ đã thuật lại cho cha mẹ (ta). Mẹ cha ta đã nói như vầy: “Này quí vị, tất cả chúng tôi cũng xuất gia.”
  1. Cả hai mẹ cha của ta, người em gái, và bảy em trai đã buông bỏ của cải vô số rồi đi vào trong khu rừng lớn.

 Hạnh của (đức Bồ-tát) Bhisa là phần thứ tư.

5. Hạnh của vị Hiền Trí Soṇa[50]

  1. Vào một thời điểm khác nữa, khi ta sống ở thành phố Brahma-vaḍḍhana, tại nơi ấy ta đã được sinh ra trong gia đình cao quý, ưu tú, vô cùng giàu có.
  1. Khi ấy, ta cũng đã nhận thấy thế gian là bị mù quáng, bị bao phủ bởi bóng tối. Tâm (ta) chối từ sự hiện hữu như thể bị châm chích thô bạo bởi cây gậy nhọn.
  1. Sau khi nhận thấy sự xấu xa dưới nhiều hình thức khác nhau, ta đã suy nghĩ như vầy: “Lúc nào ta sẽ lìa bỏ gia đình, ta sẽ đi vào rừng?
  1. Cũng vào khi ấy, các thân quyến đã mời mọc ta với các sự thọ hưởng về dục lạc, ta cũng đã nói cho những người ấy về ước muốn (của ta) rằng: “Xin các vị chớ có mời mọc ta bằng những thứ ấy.”
  1. Em trai của ta tên là Nanda là bậc trí tuệ. Vị ấy, trong khi học tập theo ta, cũng đã thích thú với việc xuất gia.
  1. Khi ấy, ta Soṇa và Nanda cùng với cả hai cha mẹ của ta cũng đã buông bỏ của cải vô số rồi đi vào trong khu rừng lớn.

Hạnh của vị hiền triết Soṇa là phần thứ năm.

Dứt sự toàn hảo về xuất ly.

–ooOoo–

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Hạnh Tạng“, Tỳ-khưu Indacanda Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Hạnh Tạng” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Tỳ-khưu Indacanda
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

* Thuộc HẠNH TẠNG - TIỂU BỘ - TẠNG KINH - TAM TẠNG TIPITAKA | Dịch Việt: Tỳ Khưu Indacanda | Nguồn Tamtangpaliviet.net

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app