HẠNH TẠNG 

Kính lễ đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, đấng Chánh Biến Tri! 

I. SỰ TOÀN HẢO VỀ BỐ THÍ

1. Hạnh của (Đức Bồ-tát) Akitti[1]

  1. Các hạnh nào được thực hành trong khoảng thời gian này,[2] (tức là) bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp, tất cả các hạnh ấy là điều kiện làm cho chín muồi quả vị giác ngộ.
  1. Trừ ra các hạnh đã được thực hành trong kiếp quá khứ thuộc đời này hoặc đời khác, ta sẽ nói đến hạnh đã được thực hiện trong kiếp này, ngươi hãy lắng nghe.[3]
  1. Lúc bấy giờ, ta là vị đạo sĩ khổ hạnh tên Akitti. Ta đã đi sâu vào và cư ngụ ở khu rừng rậm, hoang vắng, là lâm viên có nhiều cây.
  1. Khi ấy, Chúa của chư thiên Sakka[4] bị nóng bức[5] bởi năng lực khổ hạnh của ta nên đã đi đến gần ta để xin vật thực trong dáng vóc vị Bà-la-môn.
  1. Nhìn thấy (vị ấy) đứng ở cánh cửa (căn chòi lá) của ta, ta đã bày ra chỉ có một tô lá cây đã được gió gom lại, không có dầu và cũng không có muối.[6]
  1. Sau khi bố thí lá cây đến vị này, ta đã lập úp cái tô lại, từ bỏ việc tìm kiếm (thức ăn) một lần nữa, và đã đi vào căn chòi lá.
  1. Lần thứ nhì, rồi lần thứ ba, vị ấy cũng đã đi đến gặp ta. Không dao động, không dính mắc, ta đã bố thí như hai lần trước.
  1. (Nhưng) không vì nguyên nhân ấy mà thân thể của ta trở nên tiều tụy; ta đã trải qua ngày hôm ấy với niềm phỉ lạc và hứng thú.
  1. Nếu như ta có được một vị xứng đáng để cúng dường thì ta có thể dâng cúng vật thí tối thượng luôn cả một tháng, hai tháng, mà không dao động, không lưỡng lự.
  1. Trong khi bố thí phẩm vật cho vị ấy, ta đã không mong cầu danh và lợi. Ta đã thực hiện những hành động ấy trong khi ước mong phẩm vị Toàn Tri.

Hạnh của (đức Bồ-tát) Akitti là phần thứ nhất.

2. Hạnh của (Đức Bồ-tát) Saṅkha[7]

  1. Vào một thời điểm khác nữa, khi ta là vị Bà-la-môn tên gọi Saṅ-kha. Có ý định băng qua đại dương, ta đã đi đến bến tàu.
  1. Tại nơi ấy, ta đã nhìn thấy ở phía bên kia đường một vị Phật Độc Giác, là bậc không bị kẻ khác hàng phục, đang đi ở con đường xa vắng, trên mặt đất gồ ghề, nóng bỏng.
  1. Sau khi nhìn thấy vị ấy ở phía bên kia đường, ta đã suy xét về sự việc này: “Đây là phước điền đã được thành tựu đến cho người mong cầu phước báu.”
  1. Cũng giống như người nông phu nhìn thấy thửa ruộng có triển vọng thu hoạch lớn, người ấy không gieo hạt giống ở nơi ấy (nghĩa là) người ấy không có nhu cầu về thóc lúa.
  1. Tương tợ như thế, là người có mong cầu về phước báu, sau khi nhìn thấy phước điền cao quý tối thượng, nếu ta không thể hiện hành động ở phước điền ấy thì ta không phải là người mong cầu về phước báu.
  1. Giống như vị quan đại thần mong muốn có uy quyền đối với những người trong cung mà không ban cho những người ấy tài sản và thóc gạo thì sẽ bị suy giảm về uy quyền.
  1. Tương tợ như thế, là người có mong cầu về phước báu sau khi nhìn thấy bậc cao thượng xứng đáng để cúng dường, nếu ta không dâng cúng vật thí đến vị ấy thì ta sẽ bị suy giảm về phước báu.
  1. Sau khi suy nghĩ như thế, ta đã cởi ra đôi dép, rồi đảnh lễ ở hai bàn chân của vị ấy, và đã cúng dường dù và dép.
  1. Mặc dầu ta có cơ thể mảnh mai và được nuôi dưỡng cẩn thận gấp trăm lần so với vị ấy, tuy nhiên trong khi làm tròn đủ hạnh bố thí, ta cũng đã cúng dường đến vị ấy như thế.

Hạnh của (đức Bồ-tát) Saṅkha là phần thứ nhì.

3. Hạnh của (Đức Bồ-tát) Kurudhamma[8]

  1. Vào một thời điểm khác nữa, khi ta là vị vua tên Dhanañjaya ở tại kinh thành Indapattha, và được thuần thục về mười thiện nghiệp.
  1. Những người Bà-la-môn từ lãnh thổ vương quốc Kaliṅga đã đi đến gặp ta. Họ đã cầu xin ta con long tượng được xem là biểu hiện của sự thịnh vượng và may mắn.
  1. (Họ đã nói rằng): “Xứ sở chúng tôi không có mưa, thức ăn hiếm hoi, đói kém trầm trọng. Xin ngài hãy ban cho con hắc long tượng cao quý có tên là Añjana.”
  1. (Ta nghĩ rằng): “Đối với ta, khi có được người cầu xin thì sự từ chối là điều không đúng đắn. Sự thọ trì của ta chớ có bị đổ vỡ. Ta sẽ bố thí con voi vĩ đại.”
  1. Sau khi nắm lấy con voi ở chiếc ngà và rưới nước từ chiếc bình làm bằng ngọc quý lên bàn tay, ta đã cho con voi đến các vị Bà-la-môn.
  1. Khi con voi ấy đã được cho đi, các quan đại thần đã nói điều này: “Sao ngài lại cho con voi quý báu của ngài đến những kẻ cầu xin?
  1. Con voi là tối ưu trong việc chiến thắng ở trận tiền, được thành tựu sự thịnh vượng và may mắn. Khi con voi ấy đã được cho đi thì cái gì sẽ vận hành vương quốc của ngài?
  1. Ta có thể bố thí luôn cả toàn bộ vương quốc của ta. Ta có thể bố thí cả thân mạng của mình. Ðối với ta, quả vị Toàn Tri là yêu quý; vì thế ta đã bố thí con long tượng.

Hạnh của (đức Bồ-tát) Kurudhamma là phần thứ ba.

4. Hạnh của (Đức Bồ-tát) Mahāsudassana[9]

  1. Khi ở thành phố Kusāvatī, ta đã là vị lãnh chúa, đấng Chuyển Luân Vương có quyền lực lớn lao tên Mahāsudassana.
  1. Tại thành phố ấy, ta đã cho thông báo ba lần trong ngày ở khắp các nơi rằng: “Ai muốn (hoặc) mong mỏi vật gì? Của cải gì nên được ban phát? (Ban phát) đến ai?
  1. Ai đói? Ai khát? Ai (cần) vòng hoa? Ai (cần) dầu thoa? Có các loại vải vóc đủ màu, ai trần truồng thì sẽ mặc vào?
  1. Ai đi đường cần đến dù? Ai (cần đến) giày dép mềm mại, đẹp đẽ?” Ta đã cho thông báo sáng chiều ở khắp các nơi như thế.
  1. Của cải ấy đã được chuẩn bị cho những người cầu xin không phải chỉ ở mười địa điểm, hoặc ở một trăm địa điểm, mà ở hàng trăm địa điểm.
  1. Nếu có người nghèo khổ đi đến cho dù ban ngày hoặc ban đêm, họ đều được nhận lãnh tài sản theo như ý thích rồi ra đi với hai tay tràn đầy của cải.
  1. Ta đã bố thí những phẩm vật lớn lao có hình thức như thế cho đến trọn đời. Ta cho ra của cải không phải là vì không thích ý, cũng không phải là vì ta không có chỗ để cất giữ.
  1. Cũng giống như người bị bệnh, sau khi làm hài lòng vị thầy thuốc với vàng bạc cho việc chữa lành căn bệnh, thì (sẽ) được hoàn toàn thoát khỏi căn bệnh.
  1. Tương tợ y như thế, khi biết được (điều ấy), để làm viên mãn (pháp bố thí) không bị thiếu sót và làm cho đầy đủ tâm ý còn khiếm khuyết, ta đã ban phát vật thí cho những người cầu xin, không luyến tiếc, không mong mỏi sự đền đáp nhằm thành tựu quả vị Toàn Giác.

Hạnh của (đức Bồ-tát) Mahāsudassana là phần thứ tư.

5. Hạnh của (Đức Bồ-tát) Mahāgovinda[10]

  1. Vào một thời điểm khác nữa, khi là Bà-la-môn Mahāgovinda, ta đã là viên quan tế tự của bảy vị vua và được các đấng quân vương cung phụng.
  1. Khi ấy, phẩm vật ở trong bảy vương quốc đã là của ta. Với phẩm vật ấy ta đã ban phát cuộc đại thí, tợ như biển cả không bị xáo động
  1. Không phải là của cải và lúa gạo là không được vừa ý đối với ta và cũng không phải là ở nơi ta không có sự tích trữ. Quả vị giác ngộ đối với ta rất là cao quý, do đó ta bố thí tài sản quý giá.

Hạnh của (đức Bồ-tát) Mahāgovinda là phần thứ năm.

6. Hạnh của Đức Vua Nimi[11]

  1. Vào một thời điểm khác nữa, khi ta là vị đại vương tên Nimi, là bậc trí tuệ và là người tầm cầu thiện pháp ở tại kinh thành Mithilā.
  1. Khi ấy, ta đã cho thực hiện bốn sảnh đường (mỗi sảnh đường) có bốn cổng ra vào (ở bốn hướng chính). Ở tại nơi ấy, ta đã cho tiến hành việc bố thí đến các thú vật, chim chóc, loài người, v.v…
  1. Ta đã thực hiện không ngừng nghỉ (ngày đêm không gián đoạn đến lúc dứt tuổi thọ, CpA. 54) và đã cho tiến hành cuộc đại thí (gồm có) y phục, giường ghế, cơm ăn, nước uống, và thực phẩm (các loại),
  1. Cũng giống như người đầy tớ, vì lý do lương bổng, tiếp cận chủ nhân và suy tầm cách làm hài lòng bằng thân, khẩu, ý (bằng hành động, lời nói, và tư tưởng).
  1. Tương tợ y như thế, trong tất cả mọi kiếp sống ta cũng sẽ tầm cầu việc làm sanh khởi sự giác ngộ. Sau khi làm thỏa mãn các chúng sanh với vật bố thí, ta mong cầu quả vị giác ngộ tối thượng.

Hạnh của đức vua Nimi là phần thứ sáu.

7. Hạnh của Hoàng Tử Canda[12]

  1. Vào một thời điểm khác nữa, khi ta là vị hoàng tử tên Canda, con trai của Ekaràja, ở tại thành phố Pupphavatī.
  1. Khi ấy, ta đã được thoát khỏi cuộc tế thần và đã rời khỏi khu vực cuộc lễ tế. Sau khi đã tạo nên niềm xúc động, ta đã tiến hành cuộc đại thí.
  1. (Khi) không được bố thí đến những người xứng đáng sự bố thí, ta không uống, không ăn, cũng không thọ dụng vật thực, thậm chí đến năm sáu đêm.
  1. Cũng giống như người thương buôn sau khi đã tích trữ hàng hóa thì sẽ đem hàng hóa ấy đến nơi nào có nhiều lợi nhuận.
  1. Tương tợ y như thế, ngay cả việc bố thí đến người khác vật đã được thọ dụng bởi bản thân cũng có quả báu lớn; vì thế nên bố thí đến tha nhân, sẽ có được (kết quả) gấp trăm lần.
  1. Biết được năng lực của chân lý ấy, ta đã ban phát vật bố thí kiếp này đến kiếp khác. Ta không suy giảm việc bố thí nhằm thành tựu quả vị Toàn Giác.

Hạnh của Hoàng Tử Canda là phần thứ bảy.

8. Hạnh của Đức Vua Sivi[13]

  1. Ở tại thành phố có tên gọi là Ariṭṭha, ta đã là vị Sát-đế-lỵ tên Sivi. Vào lúc ngồi ở tòa lâu đài quý báu, ta đã suy nghĩ như vầy:
  1. Không có bất cứ vật thí nào thuộc về nhân loại mà ta chưa từng bố thí. Thậm chí người nào yêu cầu ta về con mắt thì ta cũng có thể bố thí, không bị dao động.”
  1. Biết được tâm tư của ta, vị Chúa Trời Sakka ngồi ở giữa tập thể chư thiên đã nói lên lời này:
  1. Đức vua Sivi có đại oai lực trong khi ngồi ở tòa lâu đài quý báu suy nghĩ về vật bố thí đủ các loại, vị ấy không nhìn thấy vật chưa từng được bố thí.
  1. Điều này là đúng hay không đúng sự thật? Vậy hãy để ta thử thách vị ấy. Các người hãy chờ một chốc lát đến khi ta biết được tâm ý ấy.”
  1. Sau khi biến thành dáng vóc người mù lòa, đang run rẩy, có đầu tóc bạc phơ, cơ thể nhăn nheo, già yếu, bệnh hoạn, (Chúa Trời Sakka) đã đi đến gặp đức vua.
  1. Khi ấy, ông ta đã giơ cánh tay trái và cánh tay phải lên chắp lại ở đầu, rồi đã nói lời này:
  1. Tâu đại vương, tôi cầu xin ngài. Ôi vị làm tiến triển vương quốc về phương diện đạo đức, danh tiếng của ngài về sự hoan hỉ trong bố thí đã vang khắp chốn nhân thiên.
  1. Cả hai con mắt dẫn đường của tôi bị mù lòa, hư hỏng. Hãy bố thí cho tôi một con mắt, ngài cũng hãy còn sống với một con mắt vậy.”
  1. Nghe được lời nói của người ấy, ta đã mừng rỡ, có tâm trí phấn chấn. Tràn ngập niềm phấn khởi, ta đã chắp tay lại rồi đã nói lời này:
  1. Lúc này đây, sau khi suy nghĩ trẫm đã rời tòa lâu đài đi đến nơi đây. Còn ngươi, sau khi biết được tâm của trẫm đã đi đến để cầu xin con mắt.
  1. Ôi, ý định của ta đã được thành tựu, điều ước mong đã được vẹn toàn! Hôm nay, ta sẽ ban cho người hành khất tặng vật cao quý chưa từng được bố thí trước đây.
  1. Này Sīvaka,[14] hãy lại gần. Hãy mạnh dạn lên, đừng chần chờ, chớ có run rẩy. Hãy móc ra cả hai con mắt và trao cho người cầu thỉnh.”
  1. Sau đó, bị ta thúc giục vị Sīvaka ấy là người thi hành mệnh lệnh đã lấy ra (hai con mắt) giống như nạo cơm dừa, rồi đã trao cho cho người hành khất.
  1. Trong khi chuẩn bị bố thí, khi đang bố thí, khi tặng vật đã được ta bố thí, tâm không có thay đổi với lý do chỉ là vì quả vị giác ngộ.
  1. Hai con mắt không có bị ta ghét bỏ, bản thân không có bị ta ghét bỏ, đối với ta quả vị Toàn Giác là yêu quý; vì thế ta đã bố thí con mắt.

Hạnh của Đức Vua Sivi là phần thứ tám.

9. Hạnh của (Đức Bồ-tát) Vessantara[15]

  1. Người mẹ ruột của ta là nữ nhân dòng Sát-đế-lỵ tên Phusatī. Bà ấy là hoàng hậu yêu quý của (Chúa Trời) Sakka vào những kiếp sống trước.[16]
  1. Nhìn thấy sự dứt tuổi thọ của bà ấy, vị Chúa Trời đã nói điều này: “Này quý phi, trẫm ban cho khanh mười điều ân huệ, hãy chọn lựa theo như ý thích.”
  1. Và khi được nói như vậy, bà hoàng hậu ấy đã đáp lại (Chúa Trời) Sakka điều này: “Thiếp có lỗi lầm gì vậy? Phải chăng thiếp bị ngài ghét bỏ khiến ngài lưu đày thiếp khỏi chốn bồng lai như là ngọn gió thổi trốc gốc cây vậy?”
  1. Và khi được nói như vậy, vị (Chúa Trời) Sakka ấy đã đáp lại bà ta điều này: “Chẳng phải khanh đã làm điều sai trái và cũng chẳng phải là ta không yêu quý khanh.
  1. Sở dĩ như thế ấy chính là vì tuổi thọ của khanh, thời điểm tử vong sắp đến. Hãy tiếp nhận mười điều ân huệ quý báu tối cao đã được trẫm ban thưởng.”
  1. Với mười điều ân huệ được (Chúa Trời) Sakka ban thưởng, bà Phusatī ấy, hớn hở, mừng rỡ, vui sướng, đã lựa chọn mười điều ân huệ sau khi đã tính gộp luôn cả ta (vào các điều ân huệ ấy).
  1. Mệnh chung từ nơi đó, bà Phusatī ấy đã sanh vào dòng dõi Sát-đế-lỵ ở thành phố Jetuttara và đã kết hôn với Sañjaya.
  1. Khi ấy, ta đã hạ sanh vào lòng bà Phusatī, người mẹ yêu quý. Do nhờ oai lực của ta, người mẹ của ta đã luôn luôn hứng thú trong việc bố thí.
  1. Bà bố thí cho những người không có tài sản, người không có của cải, người bệnh hoạn, người già cả, người ăn xin, người đi đường, các vị Sa-môn, các Bà-la-môn, và những người bị khánh tận.
  1. Sau khi mang thai ta được mười tháng, bà Phusatī trong lúc đang đi quanh thành phố đã sanh ta ở giữa đường phố của những người thương buôn.
  1. Tên của ta không liên quan đến họ mẹ, cũng không xuất phát từ họ cha. Ta đã được sanh ra ở đường phố của những người thương buôn, vì thế ta đã là Vessantara.
  1. Đến khi ta đã trở thành đứa bé trai được tám tuổi tính từ lúc sanh, khi ấy ta đã ngồi ở tòa lâu đài và đã suy nghĩ về việc bố thí tặng vật.
  1. Ta có thể bố thí tim, mắt, luôn cả thịt và máu của mình. Ta đã thông báo là ta có thể bố thí xác thân của mình nếu có người van xin.
  1. Trong khi ta đang suy xét về bản tánh không dao động không hẹp hòi, tại nơi ấy trái đất với tràng hoa là khu rừng ở núi Sineru đã rúng động.
  1. Mỗi nửa tháng, vào ngày mười lăm và ngày cuối tháng là ngày trai giới, ta đã cưỡi lên con voi Paccaya và đã đi đến để bố thí tặng phẩm.
  1. Những người Bà-la-môn từ lãnh thổ vương quốc Kaliṅga đã đi đến gặp ta. Họ đã cầu xin ta con long tượng được xem là biểu hiện của sự thịnh vượng và may mắn:
  1. “Xứ sở chúng tôi không có mưa, thức ăn hiếm hoi, đói kém trầm trọng. Xin ngài hãy ban cho con long tượng cao quý, toàn màu trắng, tối thắng của loài voi.”
  1. Ta bố thí điều mà những người Bà-la-môn yêu cầu ta; ta không rung động. Ta không thu giấu vật đang sở hữu. Tâm ý của ta hoan hỉ trong việc bố thí.
  1. (Nghĩ rằng): “Đối với ta, khi có được người cầu xin thì sự từ chối là điều không đúng đắn. Sự thọ trì của ta chớ có bị đổ vỡ. Ta sẽ bố thí con voi vĩ đại.”
  1. Sau khi nắm lấy con voi ở chiếc ngà và rưới nước từ chiếc bình làm bằng ngọc quý lên bàn tay, ta đã cho con voi đến các vị Bà-la-môn.
  1. Lại một lần nữa, trong khi ta đang bố thí con voi tối thắng toàn màu trắng, khi ấy trái đất với tràng hoa là khu rừng ở núi Sineru cũng đã rúng động.
  1. Do việc bố thí con voi ấy, những người dân xứ Sivi giận dữ đã tụ họp lại và đã trục xuất (ta) ra khỏi vương quốc của ta (nói rằng): “Hãy cho ông ta đi đến ngọn núi Vaṅka.”
  1. Trong khi bọn họ xua đuổi, ta đã yêu cầu một ân huệ để tiến hành cuộc đại thí, không dao động, không hẹp hòi.
  1. Khi được yêu cầu, tất cả những người dân xứ Sivi đã ban cho ta một ân huệ. Sau khi cho vỗ kêu hai chiếc trống lớn, ta đã trao tặng món quà vĩ đại.
  1. Lúc bấy giờ, tại nơi ấy có âm thanh ầm ĩ, ồn ào, ghê rợn vang lên. Bởi sự bố thí (này), họ đã lôi kéo ta đi; một lần nữa ta đã trao tặng món quà vĩ đại.
  1. Sau khi đã bố thí voi, ngựa, xe cộ, tôi trai, tớ gái, trâu bò, của cải, và đã ban phát cuộc đại thí, vào khi ấy ta đã rời khỏi thành phố.
  1. Sau khi rời khỏi thành phố, ta đã quay người lại quan sát, khi ấy trái đất với tràng hoa là khu rừng ở núi Sineru cũng đã rúng động.
  1. Sau khi bố thí cỗ xe bốn ngựa kéo, ta đứng ở ngã tư đường, chỉ một mình không người hầu cận, và ta đã nói với Hoàng Hậu Maddī điều này:
  1. Này Maddī, nàng hãy ẵm Kaṇhā(jinā), con bé nhẹ và là em gái. Ta sẽ ẵm Jāli bởi vì nó nặng và là anh trai.”
  1. Maddī đã ôm lấy Kaṇhājinā như thể ôm lấy đóa sen xanh hoặc đóa sen trắng. Ta đã ôm lấy vị Sát-đế-lỵ Jāli như thể ôm lấy bầu đựng nước bằng vàng.
  1. Bốn người Sát-đế-lỵ, dòng dõi quý tộc, có vóc dáng mảnh mai, tiến bước trên mặt đất lúc gồ ghề lúc bằng phẳng đi về hướng ngọn núi Vaṅka.
  1. Chúng tôi đã hỏi những người đi cùng đường hoặc theo hướng ngược lại về lộ trình: “Ngọn núi Vaṅka ở nơi nào?
  1. Nhìn thấy chúng tôi ở nơi ấy, họ đã thốt lên lời thương xót. Họ bày tỏ nỗi đau xót (nói rằng): “Ngọn núi Vaṅka ở xa lắm.”
  1. Nếu hai đứa trẻ nhìn thấy những cây có trái ở trong khu rừng, hai đứa trẻ bật khóc vì nguyên nhân của những trái cây ấy.
  1. Trông thấy hai đứa trẻ khóc lóc, những cội cây cao lớn xum xuê tự động khom mình xuống đến gần hai đứa trẻ.
  1. Sau khi nhìn thấy điều kỳ diệu phi thường khiến lông tóc rởn ốc này, (hoàng hậu) Maddī, với sự rạng rỡ ở toàn thân, đã thốt lên lời tán thán (rằng):
  1. Quả thật là điều kỳ diệu phi thường ở thế gian khiến lông tóc rởn ốc. Những cội cây đã tự động khom mình xuống bởi vì oai lực của Vessantara.”[17]
  1. Vì lòng thương xót hai đứa trẻ, các hàng Dạ-xoa đã thâu ngắn đường đi; chỉ nội trong ngày khởi hành họ đã đi đến vương quốc Ceta.
  1. Lúc bấy giờ có sáu mươi ngàn vị vua cư ngụ ở Mātulā.[18] Tất cả đã chắp tay lên, than khóc, và đã đi đến gần.
  1. Ở tại nơi ấy, sau khi trao đổi trò chuyện cùng với các vị vương tử xứ Ceta ấy, rồi từ đó bốn người đã đi đến ngọn núi Vaṅka.
  1. Chúa Trời đã triệu tập vị Vissakamma có đại thần lực (ra lệnh rằng): “Khanh hãy khéo biến hóa ra một khu ẩn cư được xây dựng tốt đẹp có gian nhà lá xinh xắn.”
  1. Nghe theo lời của (Chúa Trời) Sakka, vị Vissakamma có đại thần lực đã khéo biến hóa ra một khu ẩn cư được xây dựng tốt đẹp có gian nhà lá xinh xắn.
  1. Sau khi đã đi sâu vào khu rừng có ít tiếng động không có xáo trộn, bốn người chúng tôi đã sống ở tại nơi ấy, phía bên trong ngọn núi.
  1. Khi ấy, ta và Hoàng Hậu Maddī cùng với hai con là Jāli và Kaṇhājinā đã sống ở khu ẩn cư giúp nhau xóa tan nỗi niềm sầu muộn.
  1. Trong khi chăm nom hai đứa trẻ, ta không có đơn độc ở khu ẩn cư. Nàng Maddī mang về trái cây; nàng ấy nuôi dưỡng ba người.
  1. Khi ta đang sống ở trong khu rừng, có người khách đi đường đã đến gặp ta và đã cầu xin cả hai người con của ta là Jāli và Kaṇhājinā.
  1. Khi trông thấy người cầu xin đi đến gần, sự mừng rỡ đã sanh khởi ở ta. Khi ấy, ta đã dắt cả hai người con và đã trao tặng cho vị Bà-la-môn.
  1. Khi ta dứt bỏ hai người con của chính bản thân cho vị Bà-la-môn Jūjaka, khi ấy trái đất với tràng hoa là khu rừng ở núi Sineru cũng đã rúng động.
  1. Hơn thế nữa, (Chúa Trời) Sakka, sau khi ngự xuống với dáng vóc vị Bà-la-môn, đã cầu xin ta Hoàng Hậu Maddī là người vợ có giới hạnh và chung thủy.
  1. Sau khi nắm lấy nàng Maddī ở cánh tay và làm đầy hai bàn tay bụm lại với nước, ta đã ban bố nàng Maddī cho vị ấy với tâm ý và tư duy hoan hỷ.
  1. Khi nàng Maddī đang được bố thí, chư thiên ở cõi trời đã mừng rỡ. Khi ấy, trái đất với tràng hoa là khu rừng ở núi Sineru cũng đã rúng động.
  1. Trong khi dứt bỏ (người con trai) Jāli, người con gái Kaṇhājinā, và Hoàng Hậu Maddī người vợ chung thủy, ta đã không phải nghĩ ngợi với lý do chỉ là vì quả vị giác ngộ.
  1. Cả hai người con không có bị ta ghét bỏ, Hoàng Hậu Maddī không có bị ta ghét bỏ, đối với ta quả vị Toàn Giác là yêu quý; vì thế ta đã bố thí những người thân yêu.
  1. Vào một dịp khác nữa, khi hội ngộ cùng cha mẹ ở tại khu rừng bao la, trong khi bọn họ đang than khóc bi thảm nói về nỗi niềm hạnh phúc và khổ đau.
  1. Do sự tôn kính, ta đã đến gặp song thân với sự hổ thẹn và ái ngại. Khi ấy trái đất với tràng hoa là khu rừng ở núi Sineru cũng đã rúng động.
  1. Vào một dịp khác nữa, ta cùng với thân quyến đã lìa khỏi khu rừng bao la  và đi vào thành phố tráng lệ là kinh thành Jetuttara.
  1. Khi ấy, bảy loại châu báu đã đổ xuống cơn mưa, có đám mây lớn đã đổ tuôn mưa. Lúc bấy giờ, trái đất với tràng hoa là khu rừng ở núi Sineru cũng đã rúng động.
  1. Ngay cả trái đất vô tư này không nhận thức được nỗi niềm hạnh phúc và khổ đau, nó cũng đã rung chuyển bảy lần bởi vì năng lực bố thí của ta.

Hạnh của (đức Bồ-tát) Vessantara là phần thứ chín.

10. Hạnh của Con Thỏ Hiền Trí

  1. Vào một thời điểm khác nữa, khi ta là con thỏ lang thang ở trong rừng, có thức ăn là cỏ, lá cây, rau cải, và quả củ. Ta lánh xa việc hãm hại các kẻ khác.
  1. Lúc bấy giờ, có một con khỉ, một con chó rừng, một con rái cá nhỏ, và ta sống trong cùng một khu vực,  gặp gỡ nhau sáng chiều.
  1. Ta giảng dạy cho chúng về các hành động lành dữ: “Các ngươi hãy xa lìa các điều ác, các ngươi hãy gắn bó với các việc thiện.”
  1. Sau khi nhìn thấy mặt trăng đã tròn vào ngày trai giới, tại nơi ấy ta đã chỉ bảo chúng rằng: “Hôm nay là ngày trai giới.
  1. Các ngươi hãy chuẩn bị những tặng phẩm để bố thí đến bậc xứng đáng được dâng cúng. Sau khi đã bố thí tặng phẩm đến bậc xứng đáng được dâng cúng, các ngươi hãy thực hành ngày trai giới.”
  1. Chúng đã nói với ta rằng: “Sādhu, lành thay!” Rồi tùy theo khả năng, tùy theo sức lực, sau khi chuẩn bị các tặng phẩm chúng đã đi tìm bậc xứng đáng được dâng cúng.
  1. Ta đã ngồi xuống và suy nghĩ về tặng phẩm thích hợp với bậc xứng đáng được dâng cúng: “Nếu ta đạt được một bậc xứng đáng được dâng cúng thì tặng phẩm của ta sẽ là gì?
  1. Ta không có mè, đậu xanh, đậu tây, gạo, hay bơ. Ta sống bằng cỏ nhưng bố thí cỏ là không thể được.
  1. Nếu có người là bậc xứng đáng được dâng cúng đi đến nơi ta để khất thực, ta sẽ cúng dường bản thân của mình; người ấy sẽ không (phải) ra đi mà không có gì.
  1. Biết được ý định của ta, (Chúa Trời) Sakka với dáng vóc của vị Bà-la-môn đã đi đến chổ ngụ của ta nhằm việc xác định việc bố thí của ta.
  1. Khi nhìn thấy vị ấy, ta đã hớn hở nói lên điều này: “Quả thật là tốt đẹp về việc ông đã đi đến chỗ tôi vì nguyên nhân thực phẩm.
  1. Hôm nay, tôi sẽ biếu ông tặng phẩm cao quí chưa từng được bố thí trước đây. Ông là con người thành tựu giới đức nên việc hãm hại kẻ khác là không thích hợp đối với ông.
  1. Ông hãy đi đến và đốt lên ngọn lửa. Hãy đem lại nhiều cây củi. Tôi sẽ nướng chín bản thân. Ông sẽ thọ thực vật đã được nấu chín.”
  1. Vị ấy, với tâm ý mừng rỡ, (nói rằng): “Sādhu, lành thay!” rồi đã đem lại nhiều cây củi đốt lên đống lửa lớn và đã tạo nên một cụm than hồng.
  1. Vị ấy đã đốt lên ngọn lửa ở tại nơi ấy và ngọn lửa ấy đã mau chóng trở nên mãnh liệt như thế. Sau khi rủ sạch các chi thể bị lấm bụi,[19] ta đã tiến vào một bên (đống lửa).
  1. Khi đống cây củi to lớn đã phát cháy bùng lên mạnh mẽ, ta đã nhảy lên và rơi vào ở chính giữa ngọn lửa.
  1. Giống như bất cứ ai đã đi vào trong làn nước mát lạnh thì được dịu đi nỗi bực bội và cơn phiền muộn (của mình) đồng thời làm sanh khởi[20] sự hứng thú và phỉ lạc.
  1. Tương tợ y như thế, khi ta đi vào ngọn lửa đang cháy rực, tất cả nỗi bực bội đã được dịu đi, tợ như (đi vào) làn nước mát lạnh vậy.
  1. Ta đã bố thí đến vị Bà-la-môn hết thảy toàn bộ thân thể gồm có lớp da ngoài, da trong, thịt, gân, xương, và cơ tim.

Hạnh của Con Thỏ Hiền Triết là phần thứ mười.

  1. Bà-la-môn Akitti, Saṅkha, Dhañanjaya vua xứ Kuru, đức vua Mahāsudassana, Bà-la-môn Mahāgovinda,
  1. Nimi, hoàng tử Canda, Sivi, Vessantara, và con thỏ chính là ta vào lúc bấy giờ, và là người đã bố thí những tặng phẩm cao quý.
  1. Những hạnh này là những phần cơ bản của sự bố thí. Những hạnh này là các sự toàn hảo của sự bố thí. Sau khi bố thí mạng sống đến người cầu xin, ta đã làm đầy đủ sự toàn hảo (về bố thí) này.
  1. Sau khi nhìn thấy người đi đến gần để khất thực, ta đã xả bỏ bản thân mình. Không có ai bằng ta về sự bố thí; đây là sự toàn hảo về bố thí của ta.

Dứt sự toàn hảo về bố thí.

–ooOoo–

 

[1] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 480.

[2] ettha caritanti cariyā = ở đây, điều đã được thực hành là hạnh, CpA. 17.

[3] Đức Phật đang giảng giải cho ngài Sāriputta (Xá-lợi-phất), CpA. 20.

[4] Tidivādhibhū là Chúa cõi trời Tidivā, tức là cõi Tāvatiṃsa (Đạo Lợi), CpA. 24.

[5] Bị oi bức do hơi nóng phát ra ở tảng đá ngồi có phủ gấm vàng của vị ấy CpA. 24.

[6] Mô tả tính chất bố thí bất cứ vật gì thuộc về bản thân không phân biệt, CpA. 24. Như vậy, lúc này, đức Bồ-tát chỉ sử dụng lá cây ở trong rừng để làm thức ăn.

[7] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 442.

[8] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 276.

[9] Kinh Đại Thiện Kiến Vương, Trường Bộ Kinh II; Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 95.

[10] So sánh với Kinh Đại Điền-tôn (Mahāgovindasuttaṃ), Trường Bộ Kinh II.

[11] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 541.

[12] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 542.

[13] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 499.

[14] Sīvaka là tên vị ngự y của đức vua Sivi, CpA. 66.

[15] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 547.

[16] Chú giải ghi rằng: vào kiếp sống quá khứ liền trước đó, CpA. 74.

[17] Do nhờ năng lực phước báu của Vessantara, CpA. 87.

[18] Mātulā là tên của một thành phố thuộc vương quốc Ceta, CpA. 87.

[19] Nếu có các chúng sanh ở trong bộ lông thì “chớ để chúng bị chết,” (nghĩ thế) ta đã rúng rẩy các phần thân thể đang bị lấm bụi của ta ba lần, CpA. 106.

[20] deti được giải thích là uppādeti (làm sanh khởi), CpA. 107.

[21] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 543.

[22] Cõi trời này là cõi trời Tāvatiṃsa (Đạo Lợi) và Virūpakkha là một vị thủ lãnh của loài rồng rắn (nāgādhipati), CpA. 117.

[23] Đi đến bằng phương thức tái sanh (uppattivasena), CpA. 117.

[24] Là thực hiện việc chăm sóc cơ thể như rửa mặt, v.v… CpA. 117.

[25] Bốn chi phần của cơ thể là da (ngoài và trong), thịt, gân, xương, CpA. 117, như sẽ được đề cập đến ở câu kế.

[26] Câu chuyện được ghi lại ở CpA. 118-122.

[27] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 506.

[28] dhammiko (người nghiêm túc) được giải thích là dhammacārī (người hành pháp) (CpA. 126). Kế đó, dhammacārī được giải thích là “người thực hành thập thiện nghiệp đạo như là bố thí, trì giới, v.v… và không thực hành điều sai trái dầu là nhỏ nhen” (CpA. 129-30).

[29] Người luyện rắn này hành hạ ta vô cùng tàn bạo và không biết ta thần lực của ta. Khi nỗi cơn giận dữ, ta đã nghĩ rằng: “Vậy thì ta sẽ phô bày thần lực của ta đối với gã này.” Cho dầu chỉ là một sự suy xét, nhưng nếu như ta thể hiện năng lực của tâm thì gã ấy đã bị phân tác tương tợ như một nắm bụi phấn (CpA. 130).

[30] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 443.

[31] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 278.

[32] Là sự giải thoát khỏi khổ đau và sự giết hại sanh mạng, CpA. 143.

[33] Là đạt được trí Toàn Giác theo như ước muốn.

[34] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 482.

[35] Tên con sông này được ghi lại theo âm là Hằng Hà.

[36] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 497.

[37] Đức Bồ-tát đã bảo dùng cục đất sét đặt ở trên đầu của vị Bà-la-môn rồi cho vị ấy lội xuống và đứng ở trong nước. Khi mặt trời mọc lên thì vị Bà-la-môn hụp xuống, đầu chìm ở trong nước. Còn cục đất sét (thay thế cái đầu) ở trên mặt nước đã bị mặt trời làm vỡ tan thành bảy mảnh (CpA. 159).

[38] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 457.

[39] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 513.

[40] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 524.

[41] Có bốn răng nanh, hai trên hai dưới, CpA. 175.

[42] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 460.

[43] Do tác động của sự tưởng đến vô thường, CpA. 183.

[44] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 505.

[45] tattha, được giải thích là: “với sự ra lệnh của đức vua …,” CpA. 191.

[46] Lúc ấy, đức Bồ-tát được bảy tuổi, CpA. 189.

[47] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 510.

[48] Đức Bồ-tát đã được nuôi lớn lên trong ngôi nhà lớn hoàn toàn bằng sắt được xây dựng theo hình thức gian nhà hình tứ giác nhằm mục đích ngăn ngừa các tai họa do phi nhân. Hai người anh trai của đức Bồ-tát đã bị con nữ Dạ-xoa ăn thịt lúc mới sanh ra (CpA. 195-6).

[49] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 488.

[50] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 532.

[51] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 538.

[52] Vào ngày đức Bồ-tát được sanh ra, trời đã đổ cơn mưa xuống toàn thể vương quốc Kāsi, nên được gọi là Temiya (được ầm ướt), CpA. 216-7.

[53] Là thoát khỏi vương quốc xui xẻo này, CpA. 218.

[54] Dịch theo kathāhaṃ imaṃ muñcissaṃ thay vì kadāhaṃ …? (Khi nào ta sẽ …?)

[55] Vị này ngự ở trên chiếc lọng ấy và là người mẹ ruột trong một kiếp sống trước đây, CpA. 218.

[56] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 57.

[57] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 35.

[58] Jina (đấng Chiến Thắng) cũng là danh hiệu đề cập đến đức Phật.

[59] karīsa là đơn vị đo diện tích.

[60] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 75.

[61] Lúc này, hồ đã bị cạn nước, các con cá nằm trong các bãi bùn rải rác đó đây, CpA. 237.

[62] Dịch theo câu văn Pāḷi ở phần cước chú.

[63] Dịch theo Chú Giải … pajjuno megho abhivassatu, CpA. 238.

[64] Kho lương dự trữ ám chỉ đến các con cá đang vướng trong bùn. Nếu trời đổ mưa làm đầy nước trong hồ thì kho lương dự trữ của loài quạ sẽ bị tiêu tan (CpA. 238-9).

[65] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 444.

[66] Trong thời quá khứ, tiền thân vị này đã dùng một mảnh gỗ mun đâm xuyên qua con ruồi, CpA. 243.

[67] Tên của đứa bé trai, CpA. 245.

[68] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 537.

[69] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 540.

[70] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 303.

[71] Đã cai quản vùng đất rộng lớn ở vương quốc Kāsi ba trăm do-tuần, CpA. 264.

[72] Dabbasena là đức vua xứ Kosala, CpA. 264.

[73] Có thể liên quan đến Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 94.

[74] Câu kệ 372 không có ở Tạng Tích Lan, nhưng được thấy ở Tạng Thái, Miến Điện, Anh:

Pamādaṃ bhayato disvā, appamādañca khemato

bhāvethaṭṭhaṅgikaṃ maggaṃ esā buddhānusāsanī.

[75] Buddhāpadāniyaṃ là đề tài được thuyết giảng, là đề tài được trình bày có liên quan đến công hạnh khó làm thuộc thời xa xưa nghĩa là việc làm quá khứ của chư Phật (CpA. 335).

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Hạnh Tạng“, Tỳ-khưu Indacanda Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Hạnh Tạng” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Tỳ-khưu Indacanda
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

* Thuộc HẠNH TẠNG - TIỂU BỘ - TẠNG KINH - TAM TẠNG TIPITAKA | Dịch Việt: Tỳ Khưu Indacanda | Nguồn Tamtangpaliviet.net

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app