Tập Yếu II

Tăng Theo Từng Bậc

Nhóm Ba

Có loại tội vi phạm khi đức Thế Tôn còn hiện tiền, không (vi phạm) khi Ngài đã Vô Dư Niết Bàn, có loại tội vi phạm khi đức Thế Tôn đã Vô Dư Niết Bàn, không (vi phạm) khi Ngài còn hiện tiền, có loại tội vi phạm ngay khi đức Thế Tôn còn hiện tiền luôn cả khi Ngài đã Vô Dư Niết Bàn.[50]

Có loại tội vi phạm vào lúc đúng thời không (vi phạm) vào lúc sái thời, có loại tội vi phạm vào lúc sái thời không (vi phạm) vào lúc đúng thời, có loại tội vi phạm vào lúc đúng thời luôn cả lúc sái thời.[51]

Có loại tội vi phạm vào ban đêm không (vi phạm) vào ban ngày, có loại tội vi phạm vào ban ngày không (vi phạm) vào ban đêm, có loại tội vi phạm vào ban đêm luôn cả vào ban ngày.[52]

Có loại tội vị mười năm (thâm niên) vi phạm vị kém mười năm không (vi phạm), có loại tội vị kém mười năm (thâm niên) vi phạm vị mười năm không (vi phạm), có loại tội vị mười năm (thâm niên) luôn cả vị kém mười năm đều vi phạm.[53]

Có loại tội vị năm năm (thâm niên) vi phạm vị kém năm năm không (vi phạm), có loại tội vị kém năm năm (thâm niên) vi phạm vị năm năm không (vi phạm), có loại tội vị năm năm (thâm niên) luôn cả vị kém năm năm đều vi phạm.[54]

Có loại tội vị vi phạm có tâm thiện, có loại tội vị vi phạm có tâm bất thiện, có loại tội vị vi phạm có tâm vô ký.[55]

Có loại tội vị vi phạm có thọ lạc, có loại tội vị vi phạm có thọ khổ, có loại tội vị vi phạm có thọ không khổ không lạc.[56]

Ba nền tảng của sự cáo tội: do được thấy, do được nghe, do sự nghi ngờ.

Ba cách phân phát thẻ: lối kín đáo, với sự nói nhỏ vào tai, lối công khai.[57]

Ba sự khước từ: sự ham muốn nhiều, sự không tự biết đủ, sự không từ khước.

Ba sự chấp nhận: sự ham muốn ít, sự tự biết đủ, sự từ khước.

Ba sự khước từ khác nữa: sự ham muốn nhiều, sự không tự biết đủ, sự không biết chừng mực.

Ba sự chấp nhận: sự ham muốn ít, sự tự biết đủ, sự biết chừng mực.

Ba sự quy định: sự quy định (lần đầu), sự quy định thêm, sự quy định khi (sự việc) chưa xảy ra.[58]

Ba sự quy định khác nữa: sự quy định (áp dụng) cho tất cả mọi nơi, sự quy định (áp dụng) cho khu vực, sự quy định chung (cho tỳ khưu và tỳ khưu ni).

Ba sự quy định khác nữa: sự quy định riêng, sự quy định cho một (hội chúng), sự quy định cho cả hai (hội chúng tỳ khưu và tỳ khưu ni).

Có loại tội vị ngu dốt vi phạm vị thông thái không (vi phạm), có loại tội vị thông thái vi phạm vị ngu dốt không (vi phạm), có loại tội vị ngu dốt luôn cả vị thông thái đều vi phạm.

Có loại tội vi phạm vào hạ huyền không (vi phạm) vào thượng huyền, có loại tội vi phạm vào thượng huyền không (vi phạm) vào hạ huyền, có loại tội vi phạm vào hạ huyền luôn cả vào thượng huyền.[59]

Có việc được phép vào hạ huyền không (được phép) vào thượng huyền, có việc được phép vào thượng huyền không (được phép) vào hạ huyền, có việc được phép vào hạ huyền luôn cả vào thượng huyền.

Có loại tội vi phạm vào mùa lạnh không (vi phạm) vào mùa nóng và mùa mưa, có loại tội vi phạm vào mùa nóng không (vi phạm) vào mùa lạnh và mùa mưa, có loại tội vi phạm vào mùa mưa không (vi phạm) vào mùa nóng và mùa lạnh.[60]

Có loại tội hội chúng vi phạm, nhóm và cá nhân không (vi phạm); có loại tội nhóm vi phạm, hội chúng và cá nhân không (vi phạm); có loại tội cá nhân vi phạm, hội chúng và nhóm không (vi phạm).[61]

Có việc được phép đối với hội chúng, không (được phép) đối với nhóm và cá nhân; có việc được phép đối với nhóm, không (được phép) đối với hội chúng và cá nhân; có việc được phép đối với cá nhân, không (được phép) đối với hội chúng và nhóm.

Ba sự che giấu: vị che giấu sự việc (nhưng) không (che giấu) tội vi phạm, vị che giấu tội vi phạm (nhưng) không (che giấu) sự việc, vị che giấu sự việc luôn cả tội vi phạm.

Ba sự che kín: sự che kín ở trong nhà tắm hơi, sự che kín ở trong nước, sự che kín bằng vải vóc.

Ba việc được vận hành giấu kín không bộc lộ: người nữ hành xử giấu kín không bộc lộ, chú thuật của Bà-la-môn được vận hành giấu kín không bộc lộ, tà kiến được vận hành giấu kín không bộc lộ.

Ba việc được chiếu sáng bộc lộ không che giấu: Vầng trăng tròn được rọi sáng bộc lộ không che giấu, vầng mặt trời được rọi sáng bộc lộ không che giấu, Pháp và Luật đã được công bố bởi đức Như Lai được rọi sáng bộc lộ không che giấu.

Ba thời điểm phân phối chỗ trú ngụ: thời điểm trước, thời điểm sau, thời điểm trung gian.[62]

Có loại tội vị bị bệnh vi phạm vị không bệnh không vi phạm, có loại tội vị không bệnh vi phạm vị bị bệnh không vi phạm, có loại tội vị bị bệnh luôn cả vị không bệnh vi phạm.[63]

Ba sự đình chỉ giới bổn Pātimokkha sai Pháp. Ba sự đình chỉ giới bổn Pātimokkha đúng Pháp.[64]

Ba hình phạt parivāsa: hình phạt parivāsa có che giấu, hình phạt parivāsa không có che giấu, hình phạt parivāsa từ mốc trong sạch.[65]

Ba hình phạt mānatta: hình phạt mānatta có che giấu, hình phạt mānatta không có che giấu, hình phạt mānatta nửa tháng.

Ba sự đứt đêm của vị tỳ khưu hành parivāsa: sự cư ngụ chung, sự cư ngụ tách rời, sự không trình báo.[66]

Có loại tội vi phạm ở bên trong không (vi phạm) ở bên ngoài, có loại tội vi phạm ở bên ngoài không (vi phạm) ở bên trong, có loại tội vi phạm ở bên trong luôn cả ở bên ngoài.[67]

Có loại tội vi phạm ở bên trong ranh giới không (vi phạm) ở bên ngoài ranh giới, có loại tội vi phạm ở bên ngoài ranh giới không (vi phạm) ở bên trong ranh giới, có loại tội vi phạm ở bên trong ranh giới luôn cả ở bên ngoài ranh giới.[68]

Vị vi phạm tội với ba biểu hiện: vị vi phạm do thân, vị vi phạm do khẩu, vị vi phạm do thân do khẩu. Vị vi phạm tội với ba biểu hiện khác nữa: vị vi phạm tội ở giữa hội chúng, ở giữa nhóm, trong sự hiện diện của cá nhân.

Vị thoát khỏi tội với ba biểu hiện: vị thoát khỏi (tội) do thân, vị thoát khỏi (tội) do khẩu, vị thoát khỏi (tội) do thân do khẩu. Vị thoát khỏi tội với ba biểu hiện khác nữa: vị thoát khỏi tội ở giữa hội chúng, ở giữa nhóm, trong sự hiện diện của cá nhân.

Ba sự ban cho cách hành xử Luật khi không điên cuồng sai Pháp. Ba sự ban cho cách hành xử Luật khi không điên cuồng đúng Pháp.[69]

Hội chúng nếu muốn có thể thực hiện hành sự khiển trách đối với vị tỳ khưu có ba yếu tố: là vị thường gây nên sự xung đột, thường gây nên sự cãi cọ, thường gây nên sự tranh luận, thường gây nên sự nói chuyện nhảm nhí, thường gây nên sự tranh tụng trong hội chúng; là vị ngu si, thiếu kinh nghiệm, phạm nhiều tội, không có giới hạn (về tội); là vị sống thân cận với các gia chủ bằng những giao thiệp không đúng đắn với hàng tại gia.[70]

Hội chúng nếu muốn có thể thực hiện hành sự chỉ dạy đối với vị tỳ khưu có ba yếu tố: là vị thường gây nên sự xung đột, ―(như trên)― thường gây nên sự tranh tụng trong hội chúng; là vị ngu si, thiếu kinh nghiệm, phạm nhiều tội, không có giới hạn (về tội); là vị sống thân cận với các gia chủ bằng những giao thiệp không đúng đắn với hàng tại gia.

Hội chúng nếu muốn có thể thực hiện hành sự xua đuổi đối với vị tỳ khưu có ba yếu tố: là vị thường gây nên sự xung đột, ―(như trên)― thường gây nên sự tranh tụng trong hội chúng; là vị ngu si, thiếu kinh nghiệm, phạm nhiều tội, không có giới hạn (về tội); là vị làm hư hỏng các gia đình và có hành động sai trái, những hành động sai trái không những được nhìn thấy mà còn được nghe đồn nữa.

Hội chúng nếu muốn có thể thực hiện hành sự hòa giải đối với vị tỳ khưu có ba yếu tố: là vị thường gây nên sự xung đột, ―(như trên)― thường gây nên sự tranh tụng trong hội chúng; là vị ngu si, thiếu kinh nghiệm, phạm nhiều tội, không có giới hạn (về tội); là vị mắng nhiếc gièm pha người tại gia.

Hội chúng nếu muốn có thể thực hiện hành sự án treo trong việc không nhìn nhận tội đối với vị tỳ khưu có ba yếu tố: là vị thường gây nên sự xung đột, ―(như trên)― thường gây nên sự tranh tụng trong hội chúng; là vị ngu si, thiếu kinh nghiệm, phạm nhiều tội, không có giới hạn (về tội); là vị sau khi phạm tội lại không muốn nhìn nhận tội.

Hội chúng nếu muốn có thể thực hiện hành sự án treo trong việc không sửa chữa lỗi đối với vị tỳ khưu có ba yếu tố: là vị thường gây nên sự xung đột, ―(như trên)― thường gây nên sự tranh tụng trong hội chúng; là vị ngu si, thiếu kinh nghiệm, phạm nhiều tội, không có giới hạn (về tội); là vị sau khi phạm tội lại không muốn sửa chữa lỗi.

Hội chúng nếu muốn có thể thực hiện hành sự án treo trong việc không từ bỏ tà kiến ác đối với vị tỳ khưu có ba yếu tố: là vị thường gây nên sự xung đột, ―(như trên)― thường gây nên sự tranh tụng trong hội chúng; là vị ngu si, thiếu kinh nghiệm, phạm nhiều tội, không có giới hạn (về tội); là vị không muốn từ bỏ tà kiến ác.

Hội chúng nếu muốn có thể nghĩ đến (hành phạt) cứng rắn đối với vị tỳ khưu có ba yếu tố: là vị thường gây nên sự xung đột, thường gây nên sự cãi cọ, thường gây nên sự tranh luận, thường gây nên sự nói chuyện nhảm nhí, thường gây nên sự tranh tụng trong hội chúng; là vị ngu si, thiếu kinh nghiệm, phạm nhiều tội, không có giới hạn (về tội); là vị sống thân cận với các gia chủ bằng những giao thiệp không đúng đắn với hàng tại gia.

Hành sự nên được thực hiện đối với vị tỳ khưu có ba yếu tố: là vị vô liêm sỉ, ngu dốt, và không trong sạch.

Hành sự nên được thực hiện đối với vị tỳ khưu có ba yếu tố khác nữa: là vị bị hư hỏng về giới thuộc tăng thượng giới, bị hư hỏng về hạnh kiểm thuộc tăng thượng hạnh, bị hư hỏng về quan điểm thuộc quan điểm cực đoan.

Hành sự nên được thực hiện đối với vị tỳ khưu có ba yếu tố khác nữa: là vị có sự đùa giỡn bằng thân, có sự đùa giỡn bằng khẩu, có sự đùa giỡn bằng thân và khẩu.

Hành sự nên được thực hiện đối với vị tỳ khưu có ba yếu tố khác nữa: là vị có hành vi sai trái bằng thân, có hành vi sai trái bằng khẩu, có hành vi sai trái bằng thân và khẩu.

Hành sự nên được thực hiện đối với vị tỳ khưu có ba yếu tố khác nữa: là vị có sự gây tổn hại bằng thân, có sự gây tổn hại bằng khẩu, có sự gây tổn hại bằng thân và khẩu.

Hành sự nên được thực hiện đối với vị tỳ khưu có ba yếu tố khác nữa: là vị có sự nuôi mạng sai trái bằng thân, có sự nuôi mạng sai trái bằng khẩu, có sự nuôi mạng sai trái bằng thân và khẩu.

Hành sự nên được thực hiện đối với vị tỳ khưu có ba yếu tố khác nữa: là vị vi phạm tội đã được thực hiện hành sự vẫn ban phép tu lên bậc trên, vẫn ban cho phép nương nhờ, vẫn để cho sa di phục vụ.

Hành sự nên được thực hiện đối với vị tỳ khưu có ba yếu tố khác nữa: là vị tái phạm tội đã được hội chúng thực hiện hành sự, hoặc tội khác tương tợ, hoặc tội nghiêm trọng hơn tội ấy.

Hành sự nên được thực hiện đối với vị tỳ khưu có ba yếu tố khác nữa: là vị chê bai đức Phật, là vị chê bai Giáo Pháp, là vị chê bai Hội Chúng.

Đối với vị tỳ khưu đang đình chỉ lễ Uposatha ở giữa hội chúng là vị có ba yếu tố: vô liêm sỉ, ngu dốt, và không trong sạch, hội chúng nên áp chế rằng: ‘Này tỳ khưu, thôi đi. Chớ có (gây nên) sự xung đột, sự cãi cọ, sự tranh luận, sự tranh cãi’ rồi nên tiến hành lễ Uposatha.

Đối với vị tỳ khưu đang đình chỉ lễ Pavāraṇā ở giữa hội chúng là vị có ba yếu tố: vô liêm sỉ, ngu dốt, và không trong sạch, hội chúng nên áp chế rằng: ‘Này tỳ khưu, thôi đi. Chớ có (gây nên) sự xung đột, sự cãi cọ, sự tranh luận, sự tranh cãi’ rồi nên tiến hành lễ Pavāraṇā.

Không nên ban cho bất cứ sự đồng ý nào của hội chúng đến vị tỳ khưu có ba yếu tố: là vị vô liêm sỉ, ngu dốt, và không trong sạch.

Vị tỳ khưu có ba yếu tố: là vị vô liêm sỉ, ngu dốt, và không trong sạch không nên phát biểu đến hội chúng.

Không nên sắp xếp cho vị tỳ khưu có ba yếu tố: là vị vô liêm sỉ, ngu dốt, và không trong sạch ở bất cứ chỗ nào riêng biệt.

Không nên sống nương nhờ vào vị tỳ khưu có ba yếu tố: là vị vô liêm sỉ, ngu dốt, và không trong sạch.

Phép nương nhờ không nên ban cho đến vị tỳ khưu có ba yếu tố: là vị vô liêm sỉ, ngu dốt, và không trong sạchh.

Việc thỉnh ý là không cần thiết trong khi thỉnh ý (để buộc tội) vị tỳ khưu có ba yếu tố: là vị vô liêm sỉ, ngu dốt, và không trong sạch.

Không nên nghe theo lời khuyên bảo của vị tỳ khưu có ba yếu tố: là vị vô liêm sỉ, ngu dốt, và không trong sạch.

Không nên hỏi về Luật (ở) vị tỳ khưu có ba yếu tố: là vị vô liêm sỉ, ngu dốt, và không trong sạch.

Vị tỳ khưu có ba yếu tố: là vị vô liêm sỉ, ngu dốt, và không trong sạch không nên hỏi về Luật.

Không nên trả lời về Luật đến vị tỳ khưu có ba yếu tố: là vị vô liêm sỉ, ngu dốt, và không trong sạchh.

Vị tỳ khưu có ba yếu tố: là vị vô liêm sỉ, ngu dốt, và không trong sạch không nên trả lời về Luật.

Không nên ban cho sự thẩm vấn (về Luật) đến vị tỳ khưu có ba yếu tố: là vị vô liêm sỉ, ngu dốt, và không trong sạch.

Không nên thảo luận về Luật với vị tỳ khưu có ba yếu tố: là vị vô liêm sỉ, ngu dốt, và không trong sạch.

Vị tỳ khưu có ba yếu tố: là vị vô liêm sỉ, ngu dốt, và không trong sạch không nên ban phép tu lên bậc trên, không nên ban cho phép nương nhờ, không nên để cho sa di phục vụ.

Ba lễ Uposatha: lễ ngày mười bốn, lễ ngày mười lăm, lễ Uposatha hợp nhất. Ba lễ Uposatha khác nữa: lễ Uposatha ở hội chúng, lễ Uposatha ở nhóm, lễ Uposatha ở cá nhân. Ba lễ Uposatha khác nữa: lễ Uposatha với sự đọc tụng, lễ Uposatha với lời bày tỏ sự trong sạch, lễ Uposatha với sự chú nguyện.

Ba lễ Pavāraṇā: lễ ngày mười bốn, lễ ngày mười lăm, lễ Pavāraṇā hợp nhất. Ba lễ Pavāraṇā khác nữa: lễ Pavāraṇā ở hội chúng, lễ Pavāraṇā ở nhóm, lễ Pavāraṇā ở cá nhân. Ba lễ Pavāraṇā khác nữa: lễ Pavāraṇā với ba lần đọc, lễ Pavāraṇā với hai lần đọc, lễPavāraṇā với (các vị) đồng năm tu (đọc một lượt).

Ba kẻ phải chịu sự bất hạnh, sanh vào địa ngục, không thể thoát khỏi điều này: là kẻ nào không có Phạm hạnh tỏ vẻ là người hành Phạm hạnh; là kẻ nào bôi nhọ vị có Phạm hạnh trong sạch đang thực hành Phạm hạnh hoàn toàn trong sạch với việc phi Phạm hạnh không nguyên cớ; và là kẻ nào nói như vầy có quan điểm như vầy về điều này: ‘Không có sái quấy trong các dục’ rồi kẻ ấy lao vào say đắm trong các dục.

Ba nguồn gốc bất thiện: tham là nguồn gốc bất thiện, sân là nguồn gốc bất thiện, si là nguồn gốc bất thiện. Ba nguồn gốc thiện: vô tham là nguồn gốc thiện, vô sân là nguồn gốc thiện, vô si là nguồn gốc thiện.

Ba ác hạnh: thân ác hạnh, khẩu ác hạnh, ý ác hạnh. Ba thiện hạnh: thân thiện hạnh, khẩu thiện hạnh, ý thiện hạnh.

Đức Thế Tôn quy định bữa ăn của nhóm ba (tỳ khưu) ở các gia đình vì ba điều lợi ích: nhằm việc trấn áp những nhân vật ác xấu, nhằm sự lạc trú của các tỳ khưu hiền thiện, và vì lòng thương tưởng các gia đình rằng: ‘Chớ để những kẻ có ước muốn xấu xa nương tựa vào phe nhóm để chia rẽ hội chúng.’[71]

Devadatta có tâm bị xâm chiếm, bị ngự trị bởi ba điều không đúng chánh Pháp là: ước muốn xấu xa, bạn hữu xấu xa, đã dừng lại ở giữa pháp thiền và pháp siêu thế (nên trở thành) kẻ phải chịu sự bất hạnh, sanh vào địa ngục, bị đọa trọn kiếp, không thể khác được.

Ba sự đồng ý: sự đồng ý về (việc sử dụng) gậy, sự đồng ý về (việc sử dụng) dây, sự đồng ý về (việc sử dụng) gậy và dây.[72]

Ba loại giày đặt ở chỗ nhất định, không thể mang đi (nơi khác) là: giày ở nhà tiểu, giày ở nhà tiêu, giày ở chỗ súc miệng.[73]

Ba vật chà chân: cát, sỏi, và đá bọt biển.[74]

Dứt Nhóm Ba.

*****

Tóm lược phần này

Trong khi còn hiện tiền, hợp thời, và ban đêm, mười (năm), năm (năm), với (tâm) thiện, (ba) cảm thọ, (ba) nền tảng của sự cáo tội, (ba) loại thẻ, hai sự khước từ.

Sự quy định, và hai nhóm khác nữa, vị ngu dốt, lúc hạ huyền, và được phép, vào mùa lạnh, hội chúng, thuộc hội chúng, việc che giấu, và che kín.

Được giấu kín, và không bộc lộ, chỗ ngụ, việc bị bệnh, giới bổn Pātimokkha, hình phạt parivāsa, hình phạt mānatta, các vị hành parivāsa.

Bên trong, và ở trong ranh giới, vị vi phạm, các cách khác nữa, vị thoát tội, và luôn cả các cách khác, hai cách hành xử Luật khi không điên cuồng.

(Hành sự) khiển trách, và chỉ dạy, xua đuổi, và hòa giải, về (án treo) không nhìn nhận tội, không sửa chữa, và không từ bỏ tà kiến.

(Hành phạt) cứng rắn, hành sự, về tăng thượng giới, đùa giỡn, (có hành vi) sai trái, gây tổn hại, nuôi mạng, tái phạm tội tương tợ, chê bai, và với lễ Uposatha.

Lễ Pavāraṇā, và sự đồng ý, sự phát biểu, và với chỗ riêng biệt, không nên sống, không nên cho, không nên thỉnh ý là tương tợ.

Không nên ban lời khuyên bảo, không nên thẩm vấn có hai, và luôn cả không nên trả lời có hai, cũng không nên cho thẩm vấn.

Các sự thảo luận, việc tu lên bậc trên, sự nương nhờ, và với vị sa di, nhóm ba về lễ Uposatha, nhóm ba về lễ Pavāraṇā.

(Ba) kẻ phải gánh chịu sự bất hạnh, (các nguồn gốc) bất thiện, (các nguồn gốc) thiện, hai nhóm về các hành vi, bữa ăn của nhóm ba, không phải Chánh Pháp, sự đồng ý, và với giày, và luôn cả vật chà chân, đây là sự tóm tắt về nhóm ba.

–ooOoo–

[50] Ví dụ như tội làm đức Phật chảy máu là loại thứ nhất, vấn đề xưng hô vị thâm niên hơn là ‘āvuso’ và ‘āyasmā’ là loại thứ hai, các tội còn lại là loại thứ ba (VinA. vii, 1324).

[51] Ví dụ như tội ăn thêm thức ăn không phải là còn thừa là loại thứ nhất, ăn sái giờ là loại thứ hai, các tội còn lại là loại thứ ba (Sđd.).

[52] Ví dụ như tội ngủ chung nhà là loại thứ nhất, nghỉ ban ngày không đóng cửa lớn là loại thứ hai, các tội còn lại là loại thứ ba (Sđd.).

[53] Ví dụ như trường hợp vị tỳ khưu ngu dốt thiếu kinh nghiệm (nghĩ rằng): ‘Ta được mười năm’ hoặc ‘Ta hơn mười năm,’ rồi bảo tập thể phục vụ, vị được mười năm (thâm niên) phạm tội, vị kém mười năm (thâm niên) không phạm; đây là loại thứ nhất. Trường hợp vị tỳ khưu mới tu hoặc trung niên (nghĩ rằng): ‘Ta là thông thái có kinh nghiệm’ rồi bảo tập thể phục vụ, vị kém mười năm (thâm niên) phạm tội, vị mười năm (thâm niên) không phạm; đây là loại thứ nhì. Còn các tội khác thì vị mười năm (thâm niên) hoặc kém mười năm (thâm niên) đều phạm, là loại thứ ba (VinA. vii, 1325).

[54] Giải nghĩa tương tợ như trên với trường hợp sống nương nhờ (Sđd.).

[55] Trường hợp có tâm thiện ví dụ như vị tỳ khưu dạy người chưa tu lên bậc trên đọc Pháp theo từng câu hoặc thuyết Pháp đến người nữ quá năm sáu câu. Trường hợp có tâm bất thiện như là tội cố gắng làm xuất ra tinh dịch, tội xúc chạm với người nữ. Trường hợp có tâm vô ký là nói về việc phạm tội của các bậc Thánh A-la-hán, ví dụ như việc ngài Anuruddha ngụ chung nhà với người nữ (Sđd.).

[56] Có thọ lạc như là trường hợp vị tỳ khưu thực hiện việc đôi lứa. Có thọ khổ như trường hợp vị tỳ khưu sân hận bất bình rồi bôi nhọ vị tỳ khưu khác với tội pārājika. Có thọ không khổ không lạc là khi phạm tội với tâm quân bình (Sđd.).

[57] Ba cách phân phát thẻ: Xem Cullavagga – Tiểu Phẩm tập 1, TTPV 06, chương IV, các trang 413-415.

[58] Chỉ có tám Trọng Pháp của tỳ khưu ni là sự quy định khi (sự việc) chưa xảy ra (VinA. vii, 1302).

[59] Tội vi phạm vào hạ huyền không vi phạm vào thượng huyền: Ví dụ như không vào mùa (an cư) mưa, thì phạm tội vào ngày 16 thuộc hạ huyền. Tội vi phạm vào thượng huyền không vi phạm vào hạ huyền: Như là không thực hiện lễ Pavāraṇā vào ngày cuối của mùa (an cư) thời kỳ đầu là phạm tội vào ngày 15, thuộc thượng huyền. Tội vi phạm vào hạ huyền luôn cả vào thượng huyền: là đề cập đến các tội khác. Phần được phép và không được phép kế tiếp được giải thích tương tợ (Sđd. 1325).

[60] Việc không chú nguyện để dùng chung y tắm mưa sau bốn tháng mùa mưa là loại tội vi phạm trong mùa lạnh. Tìm kiếm y tắm mưa trong mùa nắng lúc chưa đến thời kỳ là tội vi phạm trong mùa nóng. Có y tắm mưa vẫn tắm lõa thể là loại tội vi phạm trong mùa mưa (Sđd. 1325-1326).

[61] Vấn đề này và vấn đề kế tiếp được ngài Buddhaghosa giải thích có liên quan đến việc hành lễ Uposatha và Pavāraṇā của hội chúng, của nhóm, và của cá nhân (Sđd. 1326).

[62] Ba thời điểm phân phối chỗ trú ngụ: Ngày kế ngày rằm của tháng Āsāḷhā (tương đương ngày 16 tháng sáu âm lịch, tức là ngày đầu tiên của mùa an cư mùa mưa đợt đầu) là thời điểm trước nên phân phối, một tháng kế sau ngày rằm của tháng Āsāḷhā là thời điểm sau nên phân phối, một ngày sau lễPavāraṇā cho đến lần an cư mùa mưa kế là thời điểm trung gian nên phân phối (Cullavagga – Tiểu Phẩm tập 2, TTPV 07, chương VI, trang 195).

[63] Loại tội vị bị bệnh vi phạm vị không bệnh không vi phạm: Ví dụ như trường hợp vị tỳ khưu bị bệnh cần loại dược phẩm này lại yêu cầu loại khác. Loại tội vị không bệnh vi phạm vị bị bệnh không vi phạm: là trường hợp vị không bị bệnh yêu cầu dược phẩm. Loại tội vị bị bệnh luôn cả vị không bệnh vi phạm: là các tội còn lại (VinA. vii, 1326).

[64] Xem Cullavagga – Tiểu Phẩm tập 2, TTPV 07, chương IX, các trang 437-453.

[65] Ba hình phạt parivāsa và ba hình phạt mānatta xem ở Sđd., chương III. Hình phạt mānatta nửa tháng là dành riêng cho tỳ khưu ni. Xem Bhikkhunīvibhaṅga – Phân Tích Giới Tỳ Khưu Ni, TTPV 03, chương II, trang 91.

[66] Xem Cullavagga – Tiểu Phẩm tập 1, TTPV 06, chương II, trang 167.

[67] Tội vi phạm ở bên trong không (vi phạm) ở bên ngoài: Ví dụ như tội chen vào chỗ ngụ có vị tỳ khưu khác đã đến trước rồi nằm xuống. Tội vi phạm ở bên ngoài không (vi phạm) ở bên trong: ví dụ như việc trải ra giường ghế của hội chúng ở ngoài trời rồi ra đi không thu dọn. Tội vi phạm ở bên trong luôn cả ở bên ngoài: là các tội còn lại (VinA. vii, 1326).

[68] Ngài Buddhaghosa giải thích ba vấn đề này có liên quan đến các phận sự của vị vãng lai là loại thứ nhất, vị xuất hành là loại thứ nhì, và các phận sự còn lại là loại thứ ba (Sđd. 1326-1327). Xem các phận sự ở Cullavagga – Tiểu Phẩm tập 2, TTPV 07, chương VIII.

[69] Cullavagga – Tiểu Phẩm tập 1, TTPV 06, chương IV, các trang 355-357.

[70] Xem Cullavagga – Tiểu Phẩm tập 1, TTPV 06, chương I, trang 15.                                 

[71] Liên quan đến tội pācittiya 32 về vật thực dâng chung nhóm.

[72] Cullavagga – Tiểu Phẩm tập 2, TTPV 07, chương V, các trang 79-83.

[73] Mahāvagga – Đại Phẩm tập 1, TTPV 04, chương V, trang 499

[74] Cullavagga – Tiểu Phẩm tập 2, TTPV 07, chương V, trang 75.

* Thuộc TẬP YẾU II - TẠNG LUẬT - TAM TẠNG TIPITAKA | Dịch Việt: Tỳ Khưu Indacanda | Nguồn: Tamtangpaliviet.net
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app