TĂNG CHI BỘ

CHƯƠNG NĂM PHÁP

Liên kết: Pāḷi | Việt | Anh | Video t.Việt | Video t.Anh | Audio | PDF | Chú Giải Pāḷi | Phụ Chú Giải Pāḷi | Tìm hiểu thêm | Bài giảng khác

PHẨM HIỀM HẬN

(I) (161) Trừ Khử Hiềm Hận (1)

  1. – Có năm trừ khử hiềm hận này, này các Tỷ-kheo, ở đây, vị Tỷ-kheo có hiềm hận khởi lên cần phải được trừ khử một cách hoàn toàn. Thế nào là năm?
  2. Trong người nào, này các Tỷ-kheo, hiềm hận được sanh, trong người ấy, từ cần phải tu tập. Như vậy trong người ấy, hiềm hận cần phải trừ khử.
  3. Trong người nào, hiềm hận được sanh, trong người ấy, bi cần phải tu tập. Như vậy trong người ấy, hiềm hận cần phải trừ khử.
  4. Trong người nào, hiềm hận được sanh, trong người ấy xả cần phải tu tập. Như vậy trong người ấy hiềm hận cần phải trừ khử.
  5. Trong người nào, này các Tỷ-kheo, hiềm hận được sanh, trong người ấy, vô niệm, vô tác ý cần được thực hiện. Như vậy trong người ấy hiềm hận cần phải trừ khử.
  6. Trong người nào, này các Tỷ-kheo, hiềm hận được sanh, trong người ấy, sự kiện nghiệp do mình tạo cần phải an lập là: “Tôn giả là chủ của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, là khởi nguyên của nghiệp, là bà con của nghiệp, là chỗ nương tựa của nghiệp. Phàm nghiệp thiện hay ác được làm Tôn giả sẽ là người thừa tự nghiệp ấy”. Như vậy, trong người ấy, hiềm hận cần phải được trừ khử.

Này các Tỷ-kheo, có năm trừ khử hiềm hận này, ở đây, hiềm hận khởi lên cho Tỷ-kheo cần phải trừ khử một cách hoàn toàn.

(II) (162) Trừ Khử Hiềm Hận (2)

  1. Ở đây, Tôn giả Sàriputta gọi các Tỷ-kheo:

– Này các Hiền giả Tỷ-kheo.

– Thưa Hiền giả.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Sàriputta. Tôn giả Sàriputta nói như sau:

  1. – Này các Hiền giả, có năm trừ khử hiềm hận này, ở đây, hiềm hận khởi lên cho Tỷ-kheo cần phải được trừ khử một cách hoàn toàn. Thế nào là năm?
  2. Ở đây, này các Hiền giả, có người thân hành không thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh, trong người như vậy, này các Hiền giả, hiềm hận cần phải trừ khử.
  3. Ở đây, này các Hiền giả, có người khẩu hành không thanh tịnh, thân hành thanh tịnh, trong người như vậy, này các Hiền giả, hiềm hận cần phải trừ khử.
  4. Ở đây, này các Hiền giả, có người thân hành không thanh tịnh, khẩu hành không thanh tịnh, nhưng thỉnh thoảng tâm được mở rộng, tâm được tịnh tín, trong người như vậy, này các Hiền giả, hiềm hận cần phải trừ khử.
  5. Ở đây, này các Hiền giả, có người thân hành không thanh tịnh, khẩu hành không thanh tịnh, và thỉnh thoảng không được tâm rộng mở, không được tâm tịnh tín, trong người như vậy, này các Hiền giả, hiềm hận cần phải trừ khử.
  6. Ở đây, này các Hiền giả, có người thân hành thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh, và thỉnh thoảng tâm được rộng mở, tâm được tịnh tín, trong người như vậy, này các Hiền giả, hiềm hận cần phải trừ khử.
  7. Ở đây, này các Hiền giả, người này thân hành không thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh. Như thế nào, trong người ấy hiềm hận cần được trừ khử?
  8. Ví như, này các Hiền giả, Tỷ-kheo mặc áo lượm từ đống rác, thấy một tấm vải (liệng ở đống rác) trên con đường xe đi, liền lấy chân trái chận lại, lấy chân mặt kéo tấm vải cho rộng ra, đoạn nào là đoạn chánh, làm cho nó có thể sử dụng được rồi cầm lấy mang đi. Cũng vậy, này các Hiền giả, người này, với thân hành không thanh tịnh, với khẩu hành thanh tịnh; những cái gì thuộc về thân hành không thanh tịnh; lúc bấy giờ vị ấy không nên tác ý; còn những gì thuộc khẩu hành thanh tịnh, lúc bấy giờ vị ấy nên tác ý. Như vậy, trong người ấy hiềm hận cần phải trừ khử.
  9. Ở đây, này các Hiền giả, người này với khẩu hành không thanh tịnh, với thân hành thanh tịnh. Như thế nào, trong người ấy hiềm hận cần phải trừ khử?
  10. Ví như, này các Hiền giả, một hồ nước đầy bùn và cây lau. Rồi một người đi đến bị nóng nhiệt não, bị nóng bức bách, mệt mỏi, thèm uống nước, khát nước. Người ấy ngụp lặn trong hồ nước ấy, lấy hai tay gạt ra ngoài bùn và lá cây, lấy bàn tay bụm nước lại, uống rồi ra đi. Cũng vậy, này các Hiền giả, người này, với khẩu hành không thanh tịnh, với thân hành thanh tịnh; những cái gì thuộc về khẩu hành không thanh tịnh; lúc bấy giờ vị ấy không nên tác ý; còn những gì thuộc thân hành thanh tịnh, lúc bấy giờ vị ấy nên tác ý. Như vậy, trong người ấy hiềm hận cần phải trừ khử.
  11. Ở đây, này các Hiền giả, người này với thân hành không thanh tịnh, với khẩu hành không thanh tịnh, thỉnh thoảng tâm được rộng mở, tâm được tịnh tín. Như thế nào, trong người ấy hiềm hận cần phải trừ khử?
  12. – Ví như, này các Hiền giả, ít nước trong dấu chân của con bò. Rồi một người đi đến bị nóng nhiệt não, bị nóng bức bách, mệt mỏi, thèm uống nước, khát nước. Người ấy suy nghĩ như sau: “Một ít nước này trong dấu chân con bò, nếu ta uống với núm tay hay với cái chén, ta sẽ làm nước ấy dao động và di động, khiến nước không thể uống được. Vậy ta hãy gieo mình xuống với cả bốn thân phần uống nước rồi ra đi”. Rồi người ấy gieo mình xuống với cả bốn thân phần, uống nước rồi ra đi. Cũng vậy, này các Hiền giả, người này với thân hành không thanh tịnh, với khẩu hành không thanh tịnh, với tâm thỉnh thoảng được mở rộng và tịnh tín; những cái gì thuộc thân hành không thanh tịnh, lúc bấy giờ vị ấy không nên tác ý; những cái gì thuộc khẩu hành không thanh tịnh, lúc bấy giờ vị ấy không nên tác ý; những cái gì thuộc tâm thỉnh thoảng được rộng mở và sáng suốt, lúc bấy giờ vị ấy nên tác ý. Như vậy trong người ấy hiềm hận cần phải trừ khử.
  13. Ở đây, này các Hiền giả, người này với thân hành không thanh tịnh, với khẩu hành không thanh tịnh và thỉnh thoảng tâm không được rộng mở và tịnh tín. Như thế nào, trong người ấy hiềm hận cần phải trừ khử?
  14. – Ví như, này các Hiền giả, có người đau bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh, đang đi giữa đường, có làng xa trước mặt, có làng xa sau lưng, nó không có được các đồ ăn thích đáng, nó không có được các dược phẩm trị bệnh thích đáng, không có được sự giúp đỡ thích đáng, không có người hướng dẫn đưa đến tận cuối làng.

Một người khác cũng đang đi trên đường thấy người ấy. Người này đối với người ấy khởi lên lòng từ, khởi lên lòng thương tưởng, khởi lên lòng từ mẫn: “Ôi, mong rằng người này được các đồ ăn thích đáng, được các dược phẩm trị bệnh thích đáng, được các sự giúp đỡ thích đáng, được người hướng dẫn đi đến cuối làng”. Vì sao? Vì mong rằng người này ở đây không bị suy tổn, tử vong. Cũng vậy, này các hiền giả, người này với thân hành không thanh tịnh, với khẩu hành không thanh tịnh, lại thỉnh thoảng tâm không được mở rộng và tịnh tín, người như vậy cần phải khởi lên lòng từ, cần phải khởi lên lòng thương tưởng, cần phải khởi lên lòng từ mẫn: “Ôi, mong rằng Tôn Giả này, sau khi đoạn tận thân ác hành cần phải tu tập thân thiện hành, sau khi đoạn tận khẩu ác hành cần phải tu tập khẩu thiện hành, sau khi đoạn tận ý ác hành cần phải tu tập ý thiện hành”. Vì sao? Vì mong rằng Tôn giả ấy sau khi thân hoại mạng chung, không sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Như vậy trong người ấy hiềm hận cần phải trừ khử.

  1. Ở đây, này các Hiền giả, người này với thân hành thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh, lại thỉnh thoảng tâm được rộng mở và tịnh tín. Như thế nào, trong người ấy hiềm hận cần phải trừ khử?
  2. Ví như, này các Hiền giả, một hồ sen có nước trong, có nước ngọt, có nước mát, có nước trong sáng, có bờ hồ khéo sắp đặt đẹp đẽ và được nhiều loại cây che bóng. Rồi một người đi đến bị nóng nhiệt não, bị nóng bức bách, mệt mỏi, thèm uống nước, khát nước. Người ấy sau khi lặn xuống trong hồ sen ấy, sau khi tắm rửa, uống nước, nó ra khỏi hồ, liền qua ngồi hay nằm dưới bóng cây. Cũng vậy, này các hiền giả, người này với thân hành thanh tịnh, với khẩu hành thanh tịnh, lại thỉnh thoảng tâm được cởi mở tịnh tín. Những gì thuộc thân hành thanh tịnh, lúc bấy giờ cần phải tác ý; những gì thuộc khẩu hành thanh tịnh, lúc bấy giờ cần phải tác ý và điều gì thỉnh thoảng tâm được rộng mở và tịnh tín, lúc bấy giờ cần phải được tác ý. Như vậy trong người ấy hiềm hận cần phải trừ khử.

Này các Hiền giả, có năm trừ khử hiềm hận này, ở đây Tỷ-kheo có hiềm hận khởi lên cần phải trừ khử một cách hoàn toàn.

(III) (163) Cuộc Nói Chuyện

  1. Tại đấy, Tôn giả Sàriputta gọi các Tỷ-kheo:

– Này các hiền giả Tỷ-kheo.

– Thưa Hiền giả.

Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Sàriputta. Tôn giả Sàriputta nói như sau:

  1. … (Giống như kinh số 65 ở trước)

(IV) (164) Một Ví Dụ

(Tôn giả Sàriputta nói lại kinh số 66 ở trước).

(V) (165) Những Câu Hỏi

  1. Tại đấy, Tôn giả Sàriputta gọi các Tỷ-kheo… (như trên)…
  2. Này các Hiền giả, ai hỏi một người khác câu hỏi gì, tất cả đều nằm trong năm trường hợp này, hay một trong năm trường hợp này. Thế nào là năm?
  3. Do đần độn ngu si, hỏi người khác câu hỏi; do ác dục, tham dục, hỏi người khác câu hỏi; do khinh thường, hỏi người khác câu hỏi; với tâm muốn hiểu biết, hỏi người khác câu hỏi, với tâm phân vân hỏi người khác câu hỏi, nghĩ rằng nếu do ta hỏi, vị ấy trả lời đúng đắn, thời như vậy tốt đẹp, nhưng nếu do ta hỏi, vị ấy trả lời không chân chánh, thời ta sẽ trả lời chân chánh cho vị ấy.

Này các Hiền giả, ai hỏi một người khác câu hỏi gì đều nằm trong năm trường hợp này, hay một trong năm trường hợp này. Này các Hiền giả, ta với tâm như sau hỏi người khác câu hỏi: Nếu do ta hỏi, người ấy trả lời một cách chân chánh, thời như vậy thật tốt đẹp. Nếu ta hỏi và vị ấy trả lời không chơn chánh, thời ta sẽ trả lời chơn chánh.

(VI) (166) Diệt Thọ Tưởng Ðịnh

  1. Tại đấy, Tôn giả Sàriputta bảo các Tỷ-kheo:…(như trên)…
  2. Ở đây, này các Hiền giả, Tỷ-kheo đầy đủ giới, đầy đủ định, đầy đủ tuệ có thể nhập vào một cách hoàn toàn và xuất khỏi Diệt thọ tưởng định; sự kiện này có thể xảy ra. Nếu ngay trong hiện tại, vị ấy không đạt được chánh trí, thời vị ấy chắc chắn vượt khỏi cộng trú với chư Thiên, ăn các món ăn đoàn thực, được sanh với thân do ý làm ra, (với điều kiện) vị ấy có thể nhập vào và xuất khỏi Diệt thọ tưởng định; sự kiện này có xảy ra.

Khi được nói vậy, Tôn giả Udàyi nói với Tôn giả Sàriputta:

– Không có sự kiện này, thưa Hiền giả Sàriputta, không có trường hợp này: “Rằng vị Tỷ-kheo chắc chắn vượt khỏi cọng trú với chư Thiên, ăn các món ăn đoàn thực, được sanh với thân do ý làm ra, vị ấy có thể nhập và xuất khỏi Diệt thọ tưởng định”; sự kiện này không xảy ra.

Lần thứ hai… Lần thứ ba, Tôn giả Sàriputta bảo các Tỷ-kheo:

– Ở đây, này các Hiền giả, Tỷ-kheo đầy đủ giới, đầy đủ định, đầy đủ tuệ có thể nhập vào và xuất khỏi Diệt thọ tưởng định; sự kiện này có xảy ra. Nếu ngay trong hiện tại, vị ấy không đạt được chánh trí, thời vị ấy chắc chắn vượt khỏi cọng trú với chư Thiên, ăn các món ăn đoàn thực, được sanh với thân do ý làm ra, (với điều kiện) vị ấy có thể nhập vào và xuất khỏi Diệt thọ tưởng định; sự kiện này có xảy ra.

Lần thứ ba, Tôn giả Udàyi nói với Tôn giả Sàriputta:

– Không có sự kiện này, thưa Hiền giả Sàriputta: “Không có trường hợp này rằng vị Tỷ-kheo chắc chắn vượt khỏi cọng trú với chư Thiên, ăn các món ăn đoàn thực, được sanh với thân do ý làm ra, với điều kiện vị ấy có thể nhập vào và xuất khỏi Diệt thọ tưởng định”; sự kiện này không xảy ra.

  1. Rồi Tôn giả Sàriputta suy nghĩ như sau: “Cho đến lần thứ ba, Tôn giả Udàyi phản kháng ta và không một Tỷ-kheo nào tùy hỷ ta, vậy ta hãy đi đến Thế Tôn”. Rồi Tôn giả Sàriputta đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Sàriputta bảo các Tỷ-kheo:

– Ở đây, này các chư Hiền, Tỷ-kheo đầy đủ giới, đầy đủ định, đầy đủ tuệ… (với điều kiện) vị ấy có thể nhập vào và xuất khỏi Diệt thọ tưởng định; sự kiện này có thể xảy ra…

Lần thứ ba, Tôn giả Udàyi nói với Tôn giả Sàriputta:

— Không có sự kiện này, thưa Hiền giả Sàriputta, không có trường hợp này, rằng: “Tỷ-kheo chắc chắn vượt khỏi cọng trú với chư Thiên, ăn các món ăn đoàn thực và được sanh với thân do ý làm ra, (với điều kiện) vị ấy có thể nhập vào và xuất khỏi Diệt thọ tưởng định”; sự kiện này không xảy ra.

  1. Rồi Tôn giả Sàriputta suy nghĩ như sau: “Trước mặt Thế Tôn, Tôn giả Udàyi cho đến ba lần phản kháng ta và không một Tỷ-kheo nào tùy hỷ ta, vậy ta hãy im lặng”. Rồi Tôn giả Sàriputta giữ im lặng. Rồi Thế Tôn bảo Tôn giả Udàyi:

– Này Udàyi, Thầy đi đến kết luận ai có thân do ý làm ra?

– Bạch Thế Tôn, có Chư Thiên vô sắc, do tưởng làm ra.

– Này Udàyi, Thầy nghĩ thế nào mà nói lên câu nói của kẻ ngu, không thông minh sáng suốt?

  1. Rồi Thế Tôn bảo Tôn giả Ananda:

– Này Ananda, các Thầy có thể nhìn một cách thản nhiên khi một Tỷ-kheo trưởng lão bị làm phiền não như vậy. Này Ananda, lòng từ bi không có thể khởi lên một khi Tỷ-kheo trưởng lão bị làm phiền não! (mà các Thầy không có phản ứng).

Rồi Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:

– Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ giới, đầy đủ định, đầy đủ tuệ có thể nhập vào và xuất khỏi Diệt thọ tưởng định; sự kiện này có thể xảy ra. Nếu ngay trong hiện tại, không thể đạt được chánh trí, vị ấy chắc chắn vượt khỏi cộng trú với chư Thiên, ăn các món ăn đoàn thực, được sanh với thân do ý làm ra, (với điều kiện) vị ấy có thể nhập vào và xuất khỏi Diệt thọ tưởng định; sự kiện này có xảy ra.

Thế Tôn nói như vậy. Sau khi nói như vậy, bậc Thiện Thệ từ chỗ ngồi đứng dậy, đi vào tinh xá.

  1. Rồi Tôn giả Ananda, sau khi Thế Tôn đi không bao lâu, đi đến Tôn giả Upavàna, sau khi đến, nói với Tôn giả Upavàna:

– Ở đây, này Hiền giả Upavàna, một số người làm phiền não Tỷ-kheo trưởng lão và chúng ta không ai đặt câu hỏi. Do vậy, thật không có gì kỳ lạ, thưa Hiền giả, rằng Thế Tôn, vào buổi chiều, sau khi từ chỗ Thiền tịnh đứng dậy, nêu lên vấn đề này và sự việc như thế nào, kể lại cho Tôn giả Upavàna nghe tất cả. Nay chúng ta cảm thấy sợ hãi.

  1. Rồi Thế Tôn, vào buổi chiều, từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến ngôi giảng đường, sau khi đến liền ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn nói với Tôn giả Upanàva:

– Này Upavàna, thành tựu bao nhiêu pháp, Tỷ-kheo trưởng lão được các đồng Phạm hạnh ái mộ, thích ý, tôn trọng và noi gương tu tập?

– Bạch Thế Tôn, thành tựu năm pháp, Tỷ-kheo trưởng lão được các đồng Phạm hạnh ái mộ, thích ý, tôn trọng và được noi gương tu tập. Thế nào là năm?

  1. Ở đây, bạch Thế Tôn, vị Tỷ-kheo trưởng lão giữ giới, sống được bảo vệ với sự bảo vệ của giới bổn, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sự sợ hãi trong các tội nhỏ nhiệm, chấp nhận và học tập các học pháp, nghe nhiều, thọ trì điều được nghe, tích tập điều được nghe. Các pháp nào sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, đề cao đời sống Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh, những pháp ấy, vị ấy đã nghe nhiều, đã nắm giữ, đã ghi nhớ nhờ đọc nhiều lần, chuyên ý quán sát, khéo thành tựu nhờ chánh kiến; thiện ngôn dùng lời thiện ngôn, lời nói tao nhã, ý nghĩa minh bạch, giọng nói không bập bẹ, phều phào, giải thích nghĩa lý minh xác, chứng được không khó khăn, chứng được không mệt nhọc, chứng được không phí sức bốn Thiền, thuộc tăng thượng tâm, đem đến hiện tại lạc trú. Do đoạn tận các lậu hoặc, vị ấy tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

Thành tựu năm pháp này, bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo trưởng lão được các đồng Phạm hạnh ái mộ, ưa thích , tôn trọng và được noi gương tu tập.

  1. – Lành thay, lành thay, này Upavàna! Thành tựu năm pháp này, Tỷ-kheo trưởng lão được các đồng Phạm hạnh ái mộ, ưa thích , tôn trọng và được noi gương tu tập. Nếu Tỷ-kheo trưởng lão không có được năm pháp này, thời có phải các đồng Phạm hạnh cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường vị ấy vì răng rụng, tóc bạc và da nhăn. Do vậy, này Upavana, do năm pháp này có hiện hữu trong Tỷ-kheo trưởng lão, cho nên các đồng Phạm hạnh cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường vị ấy.

(VII) (167) Buộc Tội

  1. Tại đấy, Tôn giả Sàriputta bảo các Tỷ-kheo:

– Này các Hiền giả, khi Tỷ-kheo buộc tội muốn buộc tội người khác, hãy an trú nội tâm năm pháp rồi hãy buộc tội. Thế nào là năm?

  1. “Tôi sẽ nói đúng thời, không phải phi thời”; “Tôi sẽ nói chơn thật, không phải phi chơn thật”; “Tôi sẽ nói nhu hòa, không phải thô bạo”; “Tôi sẽ nói lời liên hệ đến lợi ích, không phải lời không liên hệ đến lợi ích”; “Tôi sẽ nói với từ tâm, không phải với sân tâm”.

Này các Hiền giả, khi vị Tỷ-kheo buộc tội muốn buộc tội người khác, hãy an trú nội tâm năm pháp rồi hãy buộc tội người khác.

  1. Ở đây, này các Hiền giả, tôi thấy có người bị buộc tội phi thời, nhưng phản ứng không đúng thời; có người bị buộc tội phi chơn thạt và có phản ứng không chơn thật; bị buộc tội thô bạo và có phản ứng không nhu hòa; bị buộc tội không liên hệ đến lợi ích và có phản ứng không liên hệ đến lợi ích; bị buộc tội với sân tâm và có phản ứng không có từ tâm.
  2. Tỷ-kheo buộc tội phi pháp, có năm lý do không cần sắp đặt sám hối: “Tôn giả bị buộc tội phi thời, không đúng thời, như vậy vừa đủ để Tôn giả không sám hối”; “Tôn giả bị buộc tội phi chơn thật, không phải chơn thật, như vậy vừa đủ để Tôn giả không sám hối”; “Tôn giả bị buộc tội thô bạo, không có nhu hòa, như vậy vừa đủ để Tôn giả không sám hối”; “Tôn giả bị buộc tôi không liên hệ đến lợi ích, không phải liên hệ đến lợi ích, như vậy vừa đủ để Tôn giả không sám hối”; “Tôn giả bị buộc tội với sân tâm, không với từ tâm, như vậy vừa đủ để Tôn giả không sám hối”.

Tỷ-kheo bị buộc tội một cách phi pháp, có năm lý do này không cần phải sắp đặt sám hối.

  1. Tỷ-kheo buộc tội phi pháp, có năm lý do cần sắp đặt sám hối: “Hiền giả đã buộc tội phi thời, không phải đúng thời, như vậy vừa đủ để Hiền giả sám hối”; “Hiền giả đã buộc tội phi chơn, không phải chơn thực, như vậy vừa đủ để Hiền giả sám hối”; “Hiền giả đã buộc tội một cách thô bạo, không có nhu hòa, như vậy vừa đủ để Hiền giả sám hối”; “Tôn giả đã buộc tôi liên hệ đến lợi ích, không phải liên hệ đến lợi ích, như vậy vừa đủ để Hiền giả sám hối”; “Hiền giả đã buộc tội với sân tâm, không với từ tâm, như vậy vừa đủ để Hiền giả sám hối”.

Tỷ-kheo buộc tội phi pháp, này các Hiền giả, có năm lý do này cần phải sắp đặt sám hối. Vì sao? Vì rằng nhờ vậy không một Tỷ-kheo nào khác nghĩ rằng có thể buộc tội phi chơn thật.

  1. Ở đây, này các Hiền giả, tôi thấy có người bị buộc tội đúng thời, không phản ứng phi thời; bị buộc tội chơn thật, không phản ứng phi chơn thật; bị buộc tội nhu hòa, không phản ứng thô bạo; bị buộc tội liên hệ đến lợi ích, không phản ứng không liên hệ đến lợi ích, bị buộc tội với từ tâm, không phản ứng với sân tâm.
  2. Tỷ-kheo, này các Hiền giả, bị buộc tội đúng pháp có năm lý do cần phải sắp đặt sám hối: “Tôn giả bị buộc tội đúng thời, không phải phi thời, như vậy vừa đủ để Tôn giả sám hối”; “Tôn giả bị buộc tội chơn thực, không phải phi chơn thực, như vậy vừa đủ để Tôn giả sám hối”; “Tôn giả bị buộc tội nhu hòa không thô bạo, như vậy vừa đủ để Tôn giả sám hối”; “Tôn giả bị buộc tội liên hệ đến lợi ích, không phải không liên hệ đến lợi ích, như vậy vừa đủ để Tôn giả sám hối”; “Tôn giả bị buộc tội với từ tâm, không phải với sân tâm, như vậy vừa đủ để Tôn giả sám hối”.

Tỷ-kheo bị buộc tội đúng pháp có năm lý do này, cần phải sắp đặt sám hối.

  1. Tỷ-kheo, này các Hiền giả, buộc tội đúng pháp có năm lý do để không phải sắp đặt sám hối: “Hiền giả buộc tội đúng thời, không phải phi thời, như vậy vừa đủ để Hiền giả không sám hối”; “Hiền giả buộc tội chơn thực, không phải phi chơn thực, như vậy vừa đủ để Hiền giả không sám hối”; “Hiền giả buộc tội nhu hoà, không phải thô bạo, như vậy vừa đủ để hiền giả không sám hối”; “Hiền giả buộc tội không liên hệ đến lợi ích, không phải liên hệ đến lợi ích, như vậy vừa đủ để Hiền giả không sám hối”; “Hiền giả buộc tội với từ tâm, không với sân tâm, như vậy vừa đủ để Hiền giả không sám hối”.

Này các Hiền giả, Tỷ-kheo buộc tội đúng pháp, do năm lý do này không cần phải sắp đặt sám hối. Vì sao? Vì nhờ vậy, các Tỷ-kheo khác nghĩ rằng buộc tội cần phải đúng pháp.

  1. Người bị buộc tội, thưa các Hiền giả, cần phải an trú trong hai pháp: chơn thực và bất động. Này các Hiền giả, nếu các người khác buộc tội tôi, đúng thời hay phi thời, chơn thật hay phi chơn thật, nhu hòa hay thô bạo, liên hệ đến lợi ích hay không liên hệ đến lợi ích, với từ tâm hay với sân tâm, thì cần phải an trú trong hai pháp: Chơn thực và bất động. Nếu tôi biết: “Pháp này có trong tôi”, nếu tôi nghĩ là “có”, tôi sẽ nói: “Pháp này có trong tôi”. Nếu tôi biết: “Pháp này không có trong tôi”, nếu tôi nghĩ là “không có”, tôi sẽ nói: “Pháp này không có trong tôi”.
  2. Thế Tôn nói:

– Như vậy này Sàriputta, khi Thầy nói như vậy, ở đây có một số người ngu nào không có khả năng nắm được vấn đề?

  1. – Bạch Thế Tôn, những người nào không có lòng tin, với mục đích mưu sống, không vì lòng tin xuất gia từ bỏ gia đình; sống không gia đình, những người xảo trá, lường gạt, hư ngụy, mất thăng bằng, cao mạn, dao động, lắm lời, nói thô tạp nhạp, không hộ trì các căn, ăn uống không tiết độ, không chú tâm cảnh giác, thờ ơ với Sa-môn hạnh, không tôn kính học tập, sống quá đầy đủ, uể oải, đi đầu trong thối thất, từ bỏ gánh nặng, viễn ly, biếng nhác, tinh cần thấp kém, thất niệm, không tỉnh giác, không định tâm, tâm tán loạn, liệt tuệ, câm ngọng; khi con nói như vậy, họ không có khả năng nắm được vấn đề. Nhưng các thiện nam tử, bạch Thế Tôn, vì lòng tin xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, không xảo trá, lường gạt, không hư ngụy, không mất thăng bằng, không cao mạn, không dao động, không lắm lời, không nói thô tạp nhạp, hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, chú tâm cảnh giác, không thờ ơ với Sa-môn hạnh, tôn kính học tập, không sống quá đầy đủ, không uể oải, từ bỏ gánh nặng đọa lạc, đi đầu trong đời sống viễn ly, tinh cần tinh tấn, siêng năng, an trú chánh niệm tỉnh giác, định tĩnh, nhất tâm, có trí tuệ, không câm ngọng. Khi con nói như vậy, các vị này có khả năng nắm giữ vấn đề.
  2. – Này Sàriputta, các người nào không vì lòng tin, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, những người xảo trá, lường gạt, hư ngụy, mất thăng bằng, cao mạn, dao động, lắm lời, nói thô tạp nhạp, không hộ trì các căn, ăn uống không tiết độ, không chú tâm cảnh giác, thờ ơ với Sa-môn hạnh, không tôn kính học tập, sống quá đầy đủ, uể oải, đi đầu trong thối thất, từ bỏ gánh nặng, viễn ly, biếng nhác, tinh cần thấp kém, thất niệm, không tỉnh giác, không định tâm, tâm tán loạn, liệt tuệ, câm ngọng, hãy để họ một bên. Nhưng này Sàriputta, những thiện nam tử, vì lòng tin, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, không xảo trá, lường gạt, không hư ngụy, không mất thăng bằng, không cao mạn, không dao động, không lắm lời, không nói thô tạp nhạp, hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, chú tâm cảnh giác, không thờ ơ với Sa-môn hạnh, tôn kính học tập, không sống quá đầy đủ, không uể oải, từ bỏ gánh nặng đọa lạc, đi đầu trong đời sống viễn ly, tinh cần tinh tấn, siêng năng, an trú chánh niệm tỉnh giác, định tĩnh, nhất tâm, có trí tuệ, không câm ngọng, hãy nói chuyện với họ. Hãy giáo giới các vị đồng Phạm hạnh, hãy giảng dạy, này Sàriputta, các vị đồng Phạm hạnh nghĩ rằng: “Sau khi giúp ra khỏi phi diệu pháp, tôi an trú các vị đồng Phạm hạnh trong diệu pháp”. Này Sariputta hãy như vậy học tập.

(VIII) (168) Giới

(Ngài Sàriputta nói lại kinh số 24, phẩm III)

(IX) (169) Ðưa Ðến Biết

  1. Rồi Tôn giả Ananda đi đến Tôn giả Sàriputta; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Sàriputta những lời chào đón hỏi thăm. Sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda thưa với Tôn giả Sàriputta:
  2. – Cho đến như thế nào, thưa Hiền giả Sàriputta, Tỷ-kheo mau chóng đi đến hiểu biết đối với thiện pháp, sự nắm giữ của vị ấy là khéo nắm giữ, nắm giữ nhiều và không quên điều đã nắm giữ.

– Tôn giả Ananda là vị nghe nhiều, mong Tôn giả Ananda hãy nói lên.

– Vậy thưa Hiền giả Sàriputta, hãy khéo tác ý, tôi sẽ nói.

– Thưa vâng, Hiền giả.

Tôn giả Sàriputta vâng đáp Tôn giả Ananda. Tôn giả Ananda nói như sau:

  1. Ở đây, thưa Hiền giả Sàriputta, có Tỷ-kheo thiện xảo về ý nghĩa, thiện xảo về pháp, thiện xảo về văn cú, thiện xảo về địa phương ngữ, thiện xảo về liên hệ trước sau. Cho đến như vậy, thưa Hiền giả Sàriputta, Tỷ-kheo mau chóng đi đến hiểu biết đối với các thiện pháp, sự nắm giữ của vị ấy là khéo nắm giữ, nắm giữ nhiều, và không quên điều đã nắm giữ.

– Thật là vi diệu, thưa Hiền giả! Thật là hy hữu, thưa Hiền giả! Khó nói thay, điều này được Tôn giả Ananda nói lên. Chúng tôi tin rằng Tôn giả Ananda thành tựu năm pháp này. Tôn giả Ananda thiện xảo về nghĩa, thiện xảo về pháp, thiện xảo về văn cú, thiện xảo về địa phương ngữ, thiện xảo về liên hệ trước sau.

(X) (170) Bhaddaji

  1. Một thời, Tôn giả Ananda trú ở Kosambì, tại khu vườn Ghosita. Rồi Tôn giả Bhaddaji đi đến Tôn giả Ananda những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Tôn giả Ananda nói với Tôn giả Bhaddaji đang ngồi một bên.
  2. – Thưa Hiền giả Bhaddaji, cái gì là tối thượng trong những điều được thấy? Cái gì là tối thượng trong những điều được nghe? Cái gì là tối thượng trong các lạc? Cái gì là tối thượng trong những điều được tưởng? Cái gì là tối thượng trong các hữu?

– Thưa Hiền giả, có Phạm Thiên, là bậc tối thắng (Tự thắng), là bậc vô địch, bậc biến nhãn, tự tại đối với tất cả loại hữu tình. Thấy Phạm Thiên là tối thượng trong những điều được thấy. Thưa Hiền giả, có chư Thiên Quang Âm tràn đầy và biến mãn an lạc. Khi nào và chỗ nào họ thốt lên lời cảm hứng ngữ: “Ôi sung sướng thay! Ôi sung sướng thay!” Ai nghe tiếng ấy, đó là sự nghe tối thượng. Thưa Hiền giả, có chư Thiên Biến Tịnh, họ sống thoải mái trong tịch tịnh, họ cảm giác lạc thọ. Ðây là lạc tối thượng. Thưa Hiền giả, có chư Thiên đạt được Vô sở hữu xứ. Ðây là tưởng vô thượng. Thưa Hiền giả, có chư Thiên đạt được Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Ðây là hữu tối thượng.

  1. – Lời nói của Tôn giả Bhaddaji, đây là lời của quần chúng.

– Tôn giả Ananda là vị nghe nhiều. Tôn giả Ananda hãy nói lên.

– Vậy này Hiền giả Bhaddaji, hãy nghe và khéo tác ý, tôi sẽ nói.

– Thưa vâng, Hiền giả.

Tôn giả Bhaddaji vâng đáp Tôn giả Ananda. Tôn giả Ananda nói như sau:

– Khi người ta nhìn, này Hiền giả, không có gián đoạn, các lậu hoặc được đoạn trừ, như vậy là sự thấy tối thượng. Khi người ta nghe không có gián đoạn, các lậu hoặc được đoạn trừ, như vậy là sự nghe tối thượng. Khi người ta cảm giác lạc thọ không có gián đoạn, các lậu hoặc được đoạn trừ, như vậy là an lạc tối thượng. Khi người ta cảm tưởng không có gián đoạn, các lậu hoặc được đoạn trừ, như vậy là tưởng tối thượng. Khi người ta hiện hữu không có gián đoạn, các lậu hoặc được đoạn trừ, như vậy là hữu tối thượng.

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Kinh Tăng Chi Bộ I“, Ngài Thích Minh Châu Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Kinh Tăng Chi Bộ I” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Ngài Thích Minh Châu
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

* Thuộc TĂNG CHI BỘ II - TẠNG KINH - TAM TẠNG TIPITAKA | Dịch Việt: Ngài Thích Minh Châu
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app