TĂNG CHI BỘ

CHƯƠNG TÁM PHÁP

Liên kết: Pāḷi | Việt | Anh | Video t.Việt | Video t.Anh | Audio | PDF | Chú Giải Pāḷi | Phụ Chú Giải Pāḷi | Tìm hiểu thêm | Bài giảng khác

PHẨM CHÁNH GIÁC

(I) (1) Chánh Giác

  1. – Như vầy tôi nghe:

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvathi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: “Này các Tỷ-kheo”. – “Bạch Thế Tôn”. Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, Thế Tôn nói như sau:

  1. – Này các Tỷ-kheo, nếu các du sĩ ngoại đạo hỏi như sau: “Thưa chư Hiền, các pháp chánh giác phần lấy gì làm sở y để tu tập?”

Ðược hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy trả lời cho các du sĩ ngoại đạo như thế nào?

– Bạch Thế Tôn, đối với chúng con, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản, lấy Thế Tôn làm lãnh đạo, lấy Thế Tôn làm chỗ nương tựa. Thật lành thay, bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy nói lên ý nghĩa của lời nói này. Sau khi nghe Thế Tôn, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì.

– Vậy này các Tỷ-kheo, hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ giảng.

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

  1. Này các Tỷ-kheo, nếu các du sĩ ngoại đạo hỏi như sau: “Thưa chư Hiền, các pháp chánh giác phần, lấy gì làm sở y để tu tập?” Ðược hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải trả lời cho các du sĩ ngoại đạo ấy như sau: “Ở đây, thưa chư Hiền, Tỷ-kheo làm bạn với thiện, thân hữu với thiện, giao thiệp với thiện. Này chư Hiền, đây là sở y thứ nhất để tu tập các pháp chánh giác phần”.
  2. Lại nữa, này chư Hiền, Tỷ-kheo có giới, sống được bảo vệ với sự bảo vệ của giới bổn Pàtimokkha, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp. Này chư Hiền, đây là sở y thứ hai để tu tập các pháp chánh giác phần.
  3. Lại nữa, này chư Hiền, Tỷ-kheo có định, câu chuyện này có khả năng đoạn giảm hướng thượng đưa đến tâm được rộng mở như luận về ít dục, luận về biết đủ, luận về viễn ly, luận về không tụ hội, luận về tinh tấn tinh cần, luận về giới, luận về định, luận về tuệ, luận về giải thoát, luận về giải thoát tri kiến, những câu chuyện như vậy, có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức. Này chư Hiền, đây là sở y thứ ba để tu tập các pháp chánh giác phần.
  4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống tinh cần tinh tấn để đoạn tận các pháp bất thiện, để thành tựu các pháp thiện, nỗ lực, kiên trì, không từ bỏ gánh nặng trong các thiện pháp. Này chư Hiền, đây là sở y thứ tư để tu tập các pháp chánh giác phần.
  5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sanh và diệt, với Thánh thể nhập (quyết trạch) đi đến con đường đoạn tận khổ đau. Này chư Hiền, đây là sở y thứ năm để tu tập các pháp chánh giác phần.
  6. Này các Tỷ-kheo, với Tỷ-kheo làm bạn với thiện, thân hữu với thiện, giao thiệp với thiện, thời được chờ đợi như sau: sẽ giữ giới, sẽ sống được bảo vệ với sự bảo vệ của giới bổn Pàtimokkha, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp.

Này các Tỷ-kheo, với Tỷ-kheo làm bạn với thiện, thân hữu với thiện, giao thiệp với thiện, thời được chờ đợi như sau: Câu chuyện này có khả năng đoạn giảm, đưa đến tâm rộng mở, như luận về ít dục… những câu chuyện như vậy, có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức. Này các Tỷ-kheo, với Tỷ-kheo làm bạn với thiện, thân hữu với thiện, giao thiệp với thiện, thời được chờ đợi như sau: sẽ sống tinh cần tinh tấn để đoạn tận các pháp bất thiện… trong các thiện pháp. Này các Tỷ-kheo, với Tỷ-kheo làm bạn với thiện, thân hữu với thiện, giao thiệp với thiện, thời được chờ đợi như sau: sẽ có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sanh và diệt, với Thánh thể nhập đi đến con đường chơn chánh đoạn tận khổ đau.

Và này các Tỷ-kheo, khi Tỷ-kheo ấy đã trú trong năm pháp này, bốn pháp nữa cần phải tu tập. Cần phải tu tập tưởng bất tịnh để đoạn tận tham ái, cần phải tu tập từ tâm để đoạn tận sân, cần phải tu tập niệm hơi thở vô, hơi thở ra để cắt đứt tầm, cần phải tu tập tưởng vô thường để phá hoại ngã mạn. Này các Tỷ-kheo, với Tỷ-kheo có tưởng vô thường, tưởng vô ngã được an trú; với Tỷ-kheo có tưởng vô ngã, ngã mạn bị phá hoại, ngay trong hiện tại, đạt được Niết-bàn.

(II) (2) Y Chỉ

  1. Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

– Ðầy đủ y chỉ, đầy đủ y chỉ, bạch Thế Tôn, được nói lên như vậy. Bạch Thế Tôn cho đến như thế nào là Tỷ-kheo đầy đủ y chỉ?

  1. – Nếu Tỷ-kheo y chỉ lòng tin, đoạn tận bất thiện tu tập thiện, như vậy, với vị ấy, bất thiện được đoạn tận. Nếu Tỷ-kheo y chỉ tàm (xấu hổ)… nếu Tỷ-kheo y chỉ sợ hãi… nếu Tỷ-kheo y chỉ tinh tấn… nếu Tỷ-kheo y chỉ trí tuệ, đoạn tận bất thiện, tu tập thiện, như vậy với vị ấy, bất thiện được đoạn tận. Như vậy Tỷ-kheo ấy đã đoạn tận, đã khéo đoạn tận bất thiện, khi bất thiện ấy được thấy với Thánh trí tuệ và được đoạn tận. Này các Tỷ-kheo, sau khi Tỷ-kheo ấy an trú trong năm pháp này, có bốn pháp nữa vị ấy phải y chỉ. Thế nào là bốn?
  2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sau khi cân nhắc (ước lượng), thực hành một sự, sau khi cân nhắc, kham nhẫn một sự, sau khi cân nhắc, từ bỏ một sự, sau khi cân nhắc, trừ sạch một sự. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ y chỉ.

(III) (3) Tôn Gỉa Meghiya

  1. Một thời, Thế Tôn trú ở Càlikà, tại núi Càlikà. Lúc bấy giờ, Tôn giả Meghiya là người thị giả Thế Tôn. Rồi Tôn giả Meghiya đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, Tôn giả Meghiya bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, con muốn đi vào làng Jantu để khất thực.

– Này Meghiya, nay Thầy hãy làm những gì Thầy nghĩ là hợp thời.

  1. Rồi Tôn giả Meghiya vào buổi sáng đắp y, cầm y bát đi vào làng Jantu để khất thực. Sau khi khất thực ở làng Jantu xong, sau buổi ăn, trên con đường khất thực trở về, đi đến bờ sông Kimikàlà, trong khi bộ hành, đi bách bộ qua lại trên bờ sông Kimikàla, Tôn giả Meghiya thấy một rừng xoài đẹp đẽ khả ái. Thấy vậy Tôn giả suy nghĩ: “Rừng xoài này thật là đẹp đẽ khả ái. Vậy thật là vừa đủ để cho thiện nam tử ưa thích tinh cần để tinh cần, và nếu Thế Tôn chấp thuận, ta sẽ đi đến rừng xoài này để tinh cần”.
  2. Rồi Tôn giả Meghiya đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên. Tôn giả Meghiya bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, ở đây vào buổi sáng con đắp y, cầm y bát và đi vào làng Jantu để khất thực. Ði khất thực xong, sau buổi ăn, trên con đường đi khất thực trở về, con đi đến bờ sông Kimikàlà. Bạch Thế Tôn, khi con bộ hành, đi bách bộ qua lại trên bờ sông Kimikàlà, con thấy một rừng xoài đẹp đẽ khả ái. Thấy vậy, con suy nghĩ như sau: “Rừng xoài này thật đẹp đẽ, khả ái. Vậy thật là vừa đủ cho thiện nam tử ưa thích tinh cần để tinh cần, và nếu Thế Tôn chấp thuận ta, ta sẽ đi đến rừng xoài ấy để tinh cần”.

– Hãy chờ đợi này Meghiya cho đến khi một Tỷ-kheo khác có mặt, vì chúng ta chỉ có một mình.

  1. Lần thứ hai, Tôn giả Meghiya bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, đối với Thế Tôn không có gì nữa cần phải làm thêm, không có cái gì cần phải làm thêm vào sự việc đã làm. Còn con, bạch Thế Tôn, có sự việc cần phải làm thêm, còn có việc cần phải làm thêm vào sự việc đã làm. Nếu Thế Tôn chấp thuận con, con sẽ đi đến rừng xoài ấy để tinh cần.

– Hãy chờ đợi này Maghiya, cho đến khi một Tỷ-kheo khác có mặt, vì chúng ta chỉ có một mình.

  1. Lần thứ ba, Tôn giả Meghiya bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, Thế Tôn không có gì nữa cần phải làm thêm, không có cái gì cần phải thêm vào sự việc đã làm. Nếu Thế Tôn chấp thuận con, con sẽ đi đến rừng xoài ấy để tinh cần.

– Này Meghia, khi Thầy đã nói tinh cần, thời chúng ta có thể còn nói gì nữa? Vậy này Meghiya, nay Thầy hãy làm những gì Thầy nghĩ là hợp thời.

  1. Rồi Tôn giả Meghiya từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài, ra đi đến rừng xoài ấy, sau khi đến, đi sâu vào rừng xoài, rồi ngồi nghỉ ban ngày dưới một gốc cây. Trong khi Tôn giả Meghiya trú trong rừng ấy, phần lớn ba ác bất thiện tầm hiện hành, tức là dục tầm, sân tầm và hại tầm. Rồi Tôn giả Meghiya suy nghĩ như sau: “Thật vi diệu thay, thật hy hữu thay. Ta vì lòng tin đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Nhưng ba ác bất thiện tầm này xâm nhập tức là dục tầm, sân tầm, hại tầm”.
  2. Rồi Tôn giả Meghiya đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên Tôn giả Meghiya bạch Thế Tôn:

– Ở đây, bạch Thế Tôn, khi con sống tại rừng xoài ấy, ba ác bất thiện tầm hiện hành, tức là dục tầm, sân tầm, hại tầm. Bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: “Thật vi diệu thay! Thật hy hữu thay! Ta vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Nhưng ba ác bất thiện tầm này xâm nhập, tức là dục tầm, sân tầm, hại tầm”.

– Này Meghiya, với tâm giải thoát chưa được thuần thục, năm pháp đưa đến thuần thục. Thế nào là năm?

  1. Ở đây, này Meghiya, Tỷ-kheo làm bạn với thiện, thân hữu với thiện, giao thiệp với thiện. Này Meghiya, với tâm giải thoát chưa được thuần thục, đây là pháp thứ nhất đưa đến thuần thục.
  2. Lại nữa, này Meghiya, Tỷ-kheo có giới, sống được bảo vệ sự bảo vệ của giới bổn Pàtimokkha, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và tu học trong các học pháp. Này Meghiya, với tâm giải thoát chưa được thuần thục, đây là pháp thứ hai đưa đến thuần thục.
  3. Lại nữa, này Meghiya, câu chuyện này có khả năng đoạn giảm (hướng thượng) đưa đến tâm được rộng mở, như luận về ít dục, luận về biết đủ, luận về viễn ly, luận về không tụ hội, luận về tinh tấn tinh cần, luận về giới, luận về định, luận về tuệ, luận về giải thoát, luận về giải thoát tri kiến. Những câu chuyện như vậy có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức. Này Meghiya, với tâm giải thoát chưa được thuần thục, đây là pháp thứ ba đưa đến thuần thục.
  4. Lại nữa, này Meghiya, Tỷ-kheo sống tinh cần tinh tấn để đoạn tận các pháp bất thiện, để được đầy đủ các pháp thiện, nỗ lực, kiên trì không từ bỏ gánh nặng trong các thiện pháp. Này Meghiya, với tâm giải thoát chưa được thuần thục, đây là pháp thứ tư đưa đến thuần thục.
  5. Lại nữa, này Meghiya, có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sanh và diệt, với Thánh thể nhập đi đến con đường đoạn tận khổ đau. Này Meghiya, với tâm giải thoát chưa được thuần thục, đây là pháp thứ năm đưa đến thuần thục.
  6. Này Meghiya, với Tỷ-kheo làm bạn với thiện, thân hữu với thiện, giao thiệp với thiện, được chờ đợi như sau: sẽ sống có giới, được bảo vệ với sự bảo vệ của giới bổn Pàtimokkha, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp.

Này Meghiya, với Tỷ-kheo làm bạn với thiện, thân hữu với thiện, giao thiệp với thiện, được chờ đợi như sau: Câu chuyện này có khả năng đoạn giảm (hướng thượng) như luận về ít dục… Những câu chuyện như vậy có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức. Này Meghiya, với Tỷ-kheo làm bạn với thiện, thân hữu với thiện, giao thiệp với thiện, được chờ đợi như sau: Vị ấy sẽ sống tinh cần tinh tấn… không từ bỏ trách nhiệm trong các thiện pháp. Này Meghiya, Tỷ-kheo làm bạn với thiện, thân hữu với thiện, giao thiệp với thiện, được chờ đợi như sau: Vị ấy sẽ có trí tuệ… chơn chánh đoạn tận khổ đau. Và này Meghiya, khi Tỷ-kheo ấy đến trú trong năm pháp này, bốn pháp nữa cần phải tu tập: tu tập tưởng bất tịnh để đoạn tận tham ái, tu tập từ bi để đoạn tận sân, tu tập niệm hơi thở vô hơi thở ra để cắt đứt tầm, tu tập tưởng vô thường để phá hoại ngã mạn. Này Meghiya, với Tỷ-kheo có tưởng vô thưởng, tưởng vô ngã được tồn tại. Có tưởng vô ngã, thời ngã mạn bị phá hoại, ngay trong hiện tại đạt được Niết-bàn.

(IV) (4) Tôn Giả Nandaka

  1. Một thời Thế Tôn trú ở Sàvathi, tại Jetavana, trong khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Tôn giả Nandaka đang thuyết pháp cho các Tỷ-kheo trong hội trường, thuyết giảng, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ.
  2. Rồi Thế Tôn vào buổi chiều từ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến hội trường, sau khi đến, đứng ngoài cửa hội trường, chờ đợi cho cuộc thuyết giảng chấm dứt. Biết được bài giảng đã chấm dứt, Thế Tôn đằng hắng và gõ vào then cửa. Các Tỷ-kheo ấy mở cửa cho Thế Tôn. Rồi Thế Tôn bước vào hội trường và ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Ngồi xuống, Thế Tôn bảo Tôn giả Nandaka:

– Dài thay, này Nandaka là pháp môn này, Thầy đã giảng cho các Tỷ-kheo! Lưng Ta đã mỏi khi đứng ở ngoài cửa, chờ cho buổi thuyết giảng chấm dứt.

  1. Khi được nói vậy, Tôn giả Nandaka lấy làm bối rối bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, chúng con không biết Thế Tôn đứng ở ngoài cửa. Nếu chúng con biết Thế Tôn đứng ở ngoài cửa, thời chúng con đã không nói dài như vậy.

Thế Tôn sau khi biết tâm trạng bối rối của Tôn giả Nandaka liền nói với Tôn giả Nandaka:

– Lành thay, lành thay, này Nandaka! Thật là xứng đáng cho các thiện nam tử các Thầy vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, các Thầy ngồi lại với nhau để nghe pháp. Này Nandaka, khi các Thầy hội họp với nhau, này Nandaka, có hai việc cần phải làm: nói pháp hay giữ yên lặng của bậc Thánh. Này Nandaka, Tỷ-kheo có lòng tin nhưng không có giới, như vậy vị ấy không đầy đủ về chi phần ấy. Do vậy, cần phải làm cho đầy đủ chi phần ấy: “Làm thế nào ta có lòng tin và cả giới nữa?”. Và khi nào, này Nandaka, Tỷ-kheo có lòng tin và có giới, như vậy vị ấy đầy đủ về chi phần ấy. Và này Nandaka, Tỷ-kheo có lòng tin và có giới, nhưng nội tâm không được tịnh chỉ; như vậy vị ấy không đầy đủ về chi phần ấy. Do vậy, cần phải làm cho đầy đủ về chi phần ấy: “Làm thế nào ta có lòng tin và cả giới và có nội tâm tịnh chỉ?”. Và khi nào, này Nandaka, Tỷ-kheo có lòng tin, có giới và có được tâm tịnh chỉ; như vậy vị ấy đầy đủ về chi phần ấy. Và này Nandaka, Tỷ-kheo có lòng tin, có giới, có nội tâm được tịnh chỉ, nhưng không được tăng thượng tuệ pháp quán, như vậy, vị ấy không đầy đủ về chi phần ấy. Do vậy, cần phải làm cho đầy đủ về chi phần ấy: “Làm thế nào ta có lòng tin, có giới, có được nội tâm tịnh chỉ, và có được tăng thượng tuệ pháp quán?” Và khi nào, này Nandaka, Tỷ-kheo có lòng tin, có giới, có được nội tâm tịnh chỉ, và có được tăng thượng tuệ pháp quán, như vậy vị ấy đầy đủ về chi phần ấy.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Nói như vậy xong, Thiện Thệ từ chỗ ngồi đứng dậy, bước vào tinh xá.

  1. Rồi Tôn giả Nandaka khi Thế Tôn đi không bao lâu gọi các Tỷ-kheo:

– Này, này chư Hiền, Thế Tôn với bốn câu, sau khi thuyết trình Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh, từ chỗ ngồi đứng dậy, đã đi vào tinh xá. “Này Nandaka, Tỷ-kheo có lòng tin… như vậy, vị ấy được đầy đủ với chi phần ấy”.

Này chư Hiền, có năm lợi ích này, do nghe pháp đúng thời và luận đàm về pháp đúng thời. Thế nào là năm?

  1. Ở đây, này chư Hiền, Tỷ-kheo thuyết pháp cho các Tỷ-kheo, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa có văn, trình bày Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ trong sạch. Này chư Hiền, nhiều như thế nào, như thế nào, vị Tỷ-kheo thuyết pháp cho các Tỷ-kheo, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện… đầy đủ trong sạch, nhiều như vậy, như vậy, vị ấy ái mộ bậc Ðạo Sư, thích ý, kính trọng và noi gương theo. Thưa chư Hiền, đây là lợi ích thứ nhất, do đúng thời nghe pháp, đúng thời đàm luận về pháp.
  2. Lại nữa, này chư Hiền, Tỷ-kheo thuyết pháp cho các Tỷ-kheo, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn.. đầy đủ trong sạch. Này chư Hiền, nhiều như thế nào, như thế nào, Tỷ-kheo thuyết pháp cho các Tỷ-kheo sơ thiện… đầy đủ trong sạch, nhiều như vậy, như vậy, vị ấy thọ trì về nghĩa, thọ trì về pháp. Thưa chư Hiền, đây là lợi ích thứ hai, do đúng thời nghe pháp, đúng thời đàm luận về pháp.
  3. Lại nữa, này chư Hiền, Tỷ-kheo thuyết pháp cho các Tỷ-kheo, sơ thiện… đầy đủ trong sạch. Này chư Hiền, nhiều như thế nào, như thế nào, vị ấy thuyết pháp cho các Tỷ-kheo sơ thiện… đầy đủ trong sạch, này chư Hiền, nhiều như vậy, như vậy, vị ấy, sau khi thể nhập nghĩa cú thâm sâu trong pháp ấy, vị ấy thấy. Này chư Hiền, đây là lợi ích thứ ba, do nghe pháp đúng thời và đàm luận về pháp đúng thời.
  4. Lại nữa, này chư Hiền, Tỷ-kheo thuyết pháp cho các Tỷ-kheo sơ thiện… đầy đủ trong sạch. Này chư Hiền, nhiều như thế nào, như thế nào, vị ấy thuyết pháp cho các Tỷ-kheo sơ thiện… đầy đủ trong sạch, nhiều như vậy, như vậy, các vị đồng Phạm hạnh tôn trọng noi gương thêm nữa, nghĩ rằng: “Vị ấy đã chứng hay sẽ chứng”. Này chư Hiền, đây là lợi ích thứ tư, do nghe pháp đúng thời và đàm luận về pháp đúng thời.
  5. Lại nữa, này chư Hiền, Tỷ-kheo thuyết pháp cho các Tỷ-kheo sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, trình bày Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ trong sạch. Này chư Hiền, nhiều như thế nào, như thế nào, Tỷ-kheo thuyết pháp cho các Tỷ-kheo sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, trình bày Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ trong sạch. Ở đây, ở đây các Tỷ-kheo nào là hữu học, tâm chưa thành tựu, đang sống cần cầu sự vô thượng an ổn, khỏi các khổ ách, họ được nghe pháp ấy, khởi lên tinh tấn để chứng đạt được những gì chưa được chứng đạt, để chứng đắc những gì chưa được chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa được chứng ngộ. Còn các Tỷ-kheo nào ở đây là các bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã đoạn tận, tu hành thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, chánh trí giải thoát. Những vị ấy sau khi nghe pháp, sống chú tâm vào hiện tại lạc trú. Này chư Hiền, đây là lợi ích thứ năm, do nghe pháp đúng thời và do đàm luận về pháp đúng thời.

Này chư Hiền, đó là năm lợi ích do nghe pháp đúng thời, và do đàm luận về pháp đúng thời.

(V) (5) Những Sức Mạnh

  1. – Này các Tỷ-kheo, có bốn sức mạnh này. Thế nào là bốn?
  2. Tuệ lực, tấn lực, vô tội lực, năng nhiếp lực. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tuệ lực?
  3. Những pháp nào bất thiện được xem là bất thiện; những pháp nào thiện được xem là thiện; những pháp nào có tội được xem là có tội; những pháp nào vô tội được xem là vô tội, những pháp nào đen được xem là đen; những pháp nào trắng được xem là trắng; những pháp nào không nên thực hiện được xem là không nên thực hiện; những pháp nào nên thực hiện được xem là nên thực hiện; những pháp nào không xứng đáng bậc Thánh được xem là không xứng đáng bậc Thánh; những pháp nào xứng đáng bậc Thánh được xem là xứng đáng bậc Thánh. Những pháp ấy cần phải được khéo quán sát, khéo thẩm sát với trí tuệ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tuệ lực.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tấn lực?

  1. Những pháp nào bất thiện được xem là bất thiện; những pháp nào có tội được xem là có tội; những pháp nào đen được xem là đen; những pháp nào không nên thực hiện được xem là không nên thực hiện; những pháp nào không xứng đáng bậc Thánh được xem là không xứng đáng bậc Thánh. Ðối với các pháp ấy, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm để đoạn tận. Những pháp nào thiện được xem là thiện; những pháp nào vô tội được xem là vô tội, những pháp nào trắng được xem là trắng; những pháp nào nên thực hiện được xem là nên thực hiện; những pháp nào xứng đáng bậc Thánh được xem là xứng đáng bậc Thánh. Ðối với các pháp ấy, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm để chứng được. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tấn lực.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là vô tội lực?

  1. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử thành tựu thân nghiệp vô tội, thành tựu khẩu nghiệp vô tội, thành tựu ý nghiệp vô tội. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là vô tội lực.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là năng nhiếp lực?

  1. Này các Tỷ-kheo, có bốn Nhiếp pháp này: bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự. Tối thượng trong các loại bố thí, này các Tỷ-kheo, là pháp thí. Tối thượng trong các loại ái ngữ, này các Tỷ-kheo là tiếp tục thuyết pháp cho những ai hy cầu và lóng tai nghe. Tối thượng trong các lợi hành, này các Tỷ-kheo, là đối với người không có lòng tin, khích lệ, đặt vào, an trú vào đầy đủ lòng tin; đối với người không giữ giới, khích lệ, đặt vào, an trú vào đầy đủ giới; đối với người xan tham khích lệ, đặt vào an trú vào bố thí; đối với người ác tuệ, khích lệ, đặt vào, an trú vào đầy đủ trí tuệ. Này các Tỷ-kheo, tối thượng trong đồng sự là đồng sự giữa bậc Dự Lưu với bậc Dự Lưu, bậc Nhất Lai với bậc Nhất Lai, bậc Bất Lai với bậc Bất Lai, bậc A-la-hán với bậc A-la-hán. Này các Tỷ-kheo, đây là sức mạnh năng nhiếp.

Này các Tỷ-kheo, đó là bốn sức mạnh.

  1. Thành tựu bốn sức mạnh ấy, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử vượt qua năm sợ hãi. Thế nào là năm?
  2. Sợ hãi về sinh sống, sợ hãi về tiếng đồn xấu, sợ hãi về xấu hổ trong hội chúng, sợ hãi về chết, sợ hãi về ác thú. Này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử ấy thẩm sát như sau:
  3. “Ta không sợ hãi sự sợ hãi về sinh sống. Vì sao? Ta có bốn lực này: tuệ lực, tinh tấn lực, vô tội lực, năng nhiếp lực. Kẻ ác tuệ có thể sợ hãi sự sợ hãi về sinh sống. Kẻ biếng nhác có thể sợ hãi sự sợ hãi về sinh sống. Kẻ có thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp có tội có thể sợ hãi sự sợ hãi về sinh sống. Kẻ không năng nhiếp có thể sợ hãi sự sợ hãi về sinh sống. Ta không có sợ sự sợ hãi về tiếng đồn xấu… Ta không có sợ sự sợ hãi về xấu hổ trong hội chúng… Ta không có sợ sự sợ hãi về chết… Ta không có sợ sự sợ hãi về ác thú. Vì sao? Ta có bốn lực này: tuệ lực, tinh tấn lực, vô tội lực, năng nhiếp lực. Kẻ ác tuệ lực có thể sợ hãi sự sợ hãi về ác thú; kẻ biếng nhác có thể sợ hãi sự sợ hãi về ác thú; kẻ có thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp có thể sợ hãi sự sợ hãi về ác thú; kẻ không năng nhiếp có thể sợ hãi sự sợ hãi về ác thú.”

Thành tựu bốn lực ấy, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử vượt qua năm sự sợ hãi này.

(VI) (6) Cần Phải Thân Cận

  1. Ở đây, Tôn giả Sàriputta gọi các Tỷ-kheo: “Này chư Hiền”. – “Thưa Hiền giả”. Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Sàriputta. Tôn giả Sàriputta nói như sau:
  2. – Này chư Hiền, con người cần phải được tìm hiểu trên hai phương diện: cần phải thân cận hay không cần phải thân cận. Y áo, này chư Hiền, cần phải tìm hiểu trên hai phương diện: cần được sử dụng hay không cần được sử dụng. Ðồ ăn khất thực, này chư Hiền, cần phải được tìm hiểu trên hai phương diện: cần được sử dụng hay không cần được sử dụng. Sàng tọa, này chư Hiền, cần phải được tìm hiểu trên hai phương diện: cần được sử dụng hay không cần được sử dụng. Làng và thị trấn, này chư Hiền, cần phải được tìm hiểu trên hai phương diện: cần được tìm đến hay không cần được tìm đến. Quốc độ, này chư Hiền, cần phải được tìm hiểu trên hai phương diện: cần được tìm đến hay không cần được tìm đến.
  3. Con người, này chư Hiền, cần phải được tìm hiểu trên hai phương diện: cần phải thân cận hay không cần phải thân cận được nói đến như vậy. Do duyên gì, được nói đến như vậy?

Ở đây, khi biết được về một người như sau: “Người này, nếu ta thân cận, thời các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện bị đoạn giảm. Các vật dụng cần thiết cho đời sống xuất gia mà ta phải có như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, những vật dụng ấy có được một cách khó khăn. Và vì mục đích gì ta xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Mục đích của Sa-môn hạnh ấy, không đi đến tu tập viên mãn”. Ðối với một người như vậy, này chư hiền, bất luận đêm hay ngày, không hỏi gì, cần phải bỏ đi, không được theo người ấy. Ở đây, khi biết được một người như sau: “Người này, nếu ta thân cận, thời các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện bị đoạn giảm. Các vật dụng cần thiết cho đời sống xuất gia mà ta phải có như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, những vật dụng ấy có được một cách không khó khăn. Và vì mục đích gì ta xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Mục đích của Sa-môn hạnh ấy, không đi đến tu tập viên mãn”. Ðối với một người như vậy, này chư Hiền, sau khi tính toán, không hỏi gì, cần phải bỏ đi, không được theo người ấy. Ở đây, khi biết được một người như sau: “Người này, nếu ta thân cận, thời các pháp bất thiện giảm thiểu, các pháp thiện tăng trưởng, những vật dụng cần thiết cho đời sống xuất gia mà ta phải có như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, những vật dụng ấy có được một cách khó khăn. Và vì mục đích gì ta xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Mục đích của Sa-môn hạnh ấy, đi đến tu tập viên mãn”. Này chư Hiền, đối với một người như vậy, sau khi tính toán, cần phải theo người ấy, không được bỏ đi. Ở đây, sau khi biết được một người như sau: “Người này, nếu ta thân cận, thời các pháp bất thiện giảm thiểu, các pháp thiện tăng trưởng, những vật dụng cần thiết cho đời sống xuất gia mà ta phải có như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, những vật dụng ấy có được một cách không khó khăn. Và vì mục đích gì ta xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Mục đích của Sa-môn hạnh ấy, đi đến tu tập viên mãn”. Này chư Hiền, đối với một người như vậy, cần phải theo cho đến trọn đời, không được bỏ đi, dầu có bị từ chối.

Này chư Hiền, một người cần phải được hiểu biết theo hai phương diện: cần được thân cận và không cần được thân cận đã được nói đến như vậy, chính do duyên này được nói đến.

  1. Y áo, này chư Hiền, cần phải được hiểu biết theo hai phương diện: cần được sử dụng hay không cần được sử dụng đã được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến?

Ở đây, sau khi biết được về y như sau: “Nếu ta sử dụng y này, các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện đoạn giảm; y như vậy không nên sử dụng”. Ở đây, sau khi biết được về y như sau: “Nếu ta sử dụng y này, các pháp bất thiện đoạn giảm, các pháp thiện tăng trưởng; y như vậy nên sử dụng”.

Này chư Hiền, y áo cần phải được hiểu biết theo hai phương diện: cần được sử dụng hay không cần được sử dụng, được nói đến như vậy, do duyên này được nói đến.

  1. Ðồ ăn khất thực, này chư Hiền, cần phải được hiểu biết theo hai phương diện: cần được sử dụng hay không cần được sử dụng đã được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến?

Ở đây, sau khi biết được về đồ ăn khất thực như sau: “Nếu ta sử dụng đồ ăn khất thực này, các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện đoạn giảm; đồ ăn khất thực như vậy không nên sử dụng”. Ở đây, sau khi biết được về đồ ăn khất thực như sau: “Nếu ta sử dụng đồ ăn khất thực này, các pháp bất thiện đoạn giảm, các pháp thiện tăng trưởng; đồ ăn khất thực như vậy nên sử dụng”.

Này chư Hiền, đồ ăn khất thực cần phải được hiểu biết theo hai phương diện: cần được sử dụng hay không cần được sử dụng đã được nói đến như vậy, do duyên này được nói đến.

  1. Sàng tọa, này chư Hiền, cần phải được hiểu biết theo hai phương diện: cần được sử dụng hay không cần được sử dụng đã được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến?

Ở đây, sau khi biết được về sàng tọa như sau: “Nếu ta sử dụng sàng tọa này, các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện đoạn giảm; sàng tọa như vậy không nên sử dụng”. Ở đây, sau khi biết được về sàng tọa như sau: “Nếu ta sử dụng sàng tọa này, các pháp bất thiện đoạn giảm, các pháp thiện tăng trưởng; sàng tọa như vậy nên sử dụng”.

Này chư Hiền, sàng tọa cần phải được hiểu biết theo hai phương diện: cần được sử dụng hay không cần được sử dụng được nói đến như vậy, do duyên này được nói đến.

  1. Làng, thị trấn, này chư Hiền, cần phải được hiểu biết theo hai phương diện: cần được tìm đến và không cần được tìm đến đã được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến?

Ở đây, sau khi biết được về làng, thị trấn như sau: “Nếu ta tìm đến làng, thị trấn này, các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện đoạn giảm; làng và thị trấn như vậy không nên được tìm đến”. Ở đây, sau khi biết được về làng, thị trấn như sau: “Nếu ta tìm đến làng, thị trấn, các pháp bất thiện đoạn giảm, các pháp thiện tăng trưởng; làng, thị trấn như vậy cần được tìm đến”.

Này chư Hiền, làng, thị trấn cần phải được hiểu biết theo hai phương diện: cần được tìm đến hay không cần được tìm đến, được nói đến như vậy, do duyên này được nói đến.

  1. Quốc độ, này chư Hiền, cần phải được hiểu biết theo hai phương diện: cần được tìm đến và không cần được tìm đến đã được nói như vậy. Do duyên gì được nói đến?

Ở đây, sau khi biết được về quốc độ như sau: “Nếu ta tìm đến quốc độ này, các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện đoạn giảm; quốc độ như vậy không nên được tìm đến”. Ở đây, sau khi biết được về quốc độ như sau: “Nếu ta tìm đến quốc độ này, các pháp bất thiện đoạn giảm, các pháp thiện tăng trưởng; quốc độ như vậy nên được tìm đến”.

Này chư Hiền, quốc độ cần phải được hiểu biết theo hai phương diện: nên được tìm đến hay không nên được tìm đến, được nói đến như vậy, do duyên này được nói đến.

(VII) (7) Du Sĩ Sutavà

  1. Như vậy tôi nghe:

Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại núi Gijjhakùta. Rồi du sĩ Sutavà đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, du sĩ Sutavà bạch Thế Tôn;

  1. – Bạch Thế Tôn, có một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Giribbaja. Tại đây, bạch Thế Tôn, con có nghe từ miệng Thế Tôn, con có chấp nhận từ miệng Thế Tôn:

“Này Sutavà, Tỷ-kheo nào là bậc A-la-hán, đã tận các lậu hoặc, đã thành tựu viên mãn, việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, mục đích đã đạt được, hữu kiết sử đã đoạn tận, chơn chánh giải thoát; vị ấy không có thể làm năm sự: Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc không có thể có ý đoạt mạng sống của loài hữu tình; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc không có thể lấy của không cho được gọi là ăn trộm; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc không có thể hành dâm dục; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc không có thể biết mà nói láo; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc không có thể hưởng thọ các dục do các đồ cất chứa đem lại, như trước còn làm gia chủ”. Bạch Thế Tôn, như vậy không biết con có khéo nghe, khéo nắm giữ, khéo tác ý, khéo thọ trì lời Thế Tôn dạy hay không?

  1. – Thật vậy, này Sutavà, như vậy Thầy đã khéo nghe, khéo nắm giữ, khéo tác ý, khéo thọ trì. Xưa kia, và cả nay nữa, này Sutavà, Ta đã nói như sau: “Tỷ-kheo nào là bậc A-la-hán, đã đoạn tận các lậu hoặc, đã thành tựu viên mãn, việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, mục đích đã đạt được, hữu kiết sử đã đoạn tận, chơn chánh giải thoát, vị ấy không có thể vi phạm năm sự: Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, không có thể cố ý đoạt mạng sống của loài hữu tình; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, không có thể cố ý lấy của không cho được gọi là ăn trộm; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, không có thể hành dâm dục; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, không có thể biết mà nói láo; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, không có thể hưởng thọ các dục do các đồ ăn cất chứa đem lại, như trước còn làm gia chủ; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, không có thể đi đến dục; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, không có thể đi đến sân; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, không có thể đi đến si; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, không có thể đi đến sợ hãi”. Xưa kia và cả nay nữa, Ta nói như sau: “Tỷ-kheo nào là bậc A-la-hán đã đoạn tận các lậu hoặc, đã thành tựu viên mãn, việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, mục đích đã đạt được, hữu kiết sử đã đoạn tận, chơn chánh giải thoát; vị ấy không có thể vi phạm chín sự”.

(VIII) (8) Du Sĩ Sajjha

  1. Như vầy tôi nghe:

Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá), tại núi Gijjhakùta. Rồi du sĩ Sajjha đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm xã giao, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, du sĩ Sajjha bạch Thế Tôn:

  1. – Bạch Thế Tôn, có một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Giribaja. Tại đây, bạch Thế Tôn, con có nghe từ miệng Thế Tôn, con có chấp nhận từ miệng Thế Tôn.

” Này Sajjha, Tỷ-kheo nào là bậc A-la-hán, đã đoạn các lậu hoặc, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, mục đích đã đạt được, hữu kiết sử đã đoạn tận, chơn chánh giải thoát; vị ấy không có thể vi phạm năm sự: Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc không có thể cố ý đoạt mạng sống của loài hữu tình; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, không có thể lấy của không cho, được gọi là ăn trộm; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, không có thể hành dâm dục; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, không có thể biết mà nói láo; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, không có thể hưởng thọ các dục do các đồ cất chứa đem lại, như trước làm gia chủ”. Bạch Thế Tôn, như vậy không biết con có khéo nghe, khéo nắm giữ, khéo tác ý, khéo thọ trì lời Thế Tôn dạy hay không?

  1. – Thật vậy, này Sajjha, như vậy Thầy đã khéo nghe, khéo nắm giữ, khéo tác ý, khéo thọ trì. Xưa kia và cả nay nữa, này Sajjha, Ta đã nói như sau:

“Tỷ-kheo nào là bậc A-la-hán, đã đoạn tận các lậu hoặc, đã thành tựu viên mãn, việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, mục đích đã đạt được, hữu kiết sử đã đoạn tận, chơn chánh giải thoát; vị ấy không có thể vi phạm chín sự: Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc không có thể cố ý đoạt mạng sống của loài hữu tình; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc không có thể lấy của không cho, được gọi là ăn trộm; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, không có thể hành dâm dục; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, không có thể biết mà nói láo; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, không có thể hưởng thọ các dục do các đồ cất chứa đem lại, như trước còn làm gia chủ. Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc không có thể phủ nhận Phật; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc không có thể phủ nhận Pháp; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc không có thể phủ nhận chúng Tăng; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc không có thể phủ nhận Học pháp”.

– Xưa kia và cả nay nữa, Ta tuyên bố như sau:

“Tỷ-kheo nào là bậc A-la-hán, đã đoạn tận các lậu hoặc, đã thành tựu viên mãn, việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, mục đích đã đạt được, hữu kiết sử đã đoạn tận, chơn chánh giải thoát; vị ấy không có thể vi phạm chín sự”.

(IX) (9) Các Hạng Người

  1. – Này các Tỷ-kheo, có chín hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là chín?
  2. Bậc A-la-hán, bậc đã hướng đến chứng đắc quả A-la-hán; bậc Bất lai, bậc đã hướng đến chứng đắc quả Bất lai; bậc Nhất lai, bậc đã hướng đến chứng đắc quả Nhất lai; bậc Dự lưu, bậc đã hướng đến chứng đắc quả Dự lưu; kẻ phàm phu.

Này các Tỷ-kheo, có chín hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời.

(X) (10) Ðáng Cung Kính

  1. – Này các Tỷ-kheo, có chín hạng người này đáng được cung kính, đáng tôn trọng, đáng cúng dường, đáng chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời. Thế nào là chín?
  2. Bậc A-la-hán, bậc đã hướng đến chứng đắc quả A-la-hán; bậc Bất lai, bậc đã hướng đến chứng đắc quả Bất lai; bậc Nhất lai, bậc đã hướng đến chứng đắc quả Nhất Lai; bậc Dư lưu, bậc đã hướng đến chứng đắc quả Dự lưu; bậc chuyển tánh (gotrabhù).

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Kinh Tăng Chi Bộ IV“, Ngài Thích Minh Châu Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Kinh Tăng Chi Bộ IV” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Ngài Thích Minh Châu
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

* Thuộc TĂNG CHI BỘ IV - TẠNG KINH - TAM TẠNG TIPITAKA | Dịch Việt: Ngài Thích Minh Châu
Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app