Phân Tích Giới Tỳ Khưu I – Chương Nissaggiya Phẩm Y – Điều Học Thứ Nhất, Thứ Nhì Và Thứ Ba Về Kaṭhina

Phân Tích Giới Tỳ Khưu I

Chương 5: Nissaggiya

Liên kết: Pāḷi | Việt | Anh | Video t.Việt | Video t.Anh | Audio | PDF | Chú Giải Pāḷi | Phụ Chú Giải Pāḷi | Tìm hiểu thêm | Bài giảng khác

Điều học thứ nhất về Kaṭhina

  1. Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Vesālī, ở tháp thờ Gotamaka. Vào lúc bấy giờ, ba y đã được đức Thế Tôn cho phép đến các tỳ khưu. Các tỳ khưu nhóm Lục Sư (nghĩ rằng): “Ba y đã được đức Thế Tôn cho phép” nên đi vào làng với ba y nọ, mặc ở trong tu viện với ba y khác, và đi xuống tắm với ba y khác nữa. Các tỳ khưu nào ít ham muốn, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Tại sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư lại sử dụng y phụ trội?” Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, nghe nói các ngươi sử dụng y phụ trội, có đúng không vậy?” – “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: – “Này những kẻ rồ dại, vì sao các ngươi lại sử dụng y phụ trội vậy? Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

Vị tỳ khưu nào sử dụng y phụ trội thì phạm tội nissaggiya pācittiya.

Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.

[Sự quy định căn bản]

  1. Vào lúc bấy giờ, có y phụ trội phát sanh đến đại đức Ānanda. Đại đức Ānanda có ý định dâng y ấy đến đại đức Sāriputta. Và đại đức Sāriputta cư ngụ ở Sāketa. Khi ấy, đại đức Ānanda đã khởi ý điều này: “Điều học đã được đức Thế Tôn quy định là: ‘Không được sử dụng y phụ trội’ và y phụ trội này đã được phát sanh đến ta. Và ta có ý định dâng y này đến đại đức Sāriputta mà đại đức Sāriputta cư ngụ ở Sāketa; vậy ta nên thực hành như thế nào?” Sau đó, đại đức Ānanda đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này Ānanda, bao lâu nữa Sāriputta sẽ đi đến đây?” – “Bạch Thế Tôn, ngày thứ chín hoặc ngày thứ mười.” Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, Ta cho phép cất giữ[4] y phụ trội tối đa mười ngày. Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

 “Khi vấn đề y đã được dứt điểm đối với vị tỳ khưu tức là khi Kaṭhina đã hết hiệu lực, y phụ trội được cất giữ tối đa mười ngày. Vượt quá hạn ấy thì (y ấy) nên được xả bỏ và (vị ấy) phạm tội pācittiya.”[5]

[Sự quy định lần hai]

  1. Khi vấn đề y đã được dứt điểm: Y của vị tỳ khưu đã được làm xong, hoặc là đã bị mất, hoặc là đã bị hư hỏng, hoặc là đã bị cháy, hoặc là niềm mong mỏi về y đã bị tan vỡ.

Khi Kaṭhina đã hết hiệu lực: là đã hết hiệu lực do bất cứ tiêu đề nào trong tám tiêu đề,[6]hoặc là đã hết hiệu lực giữa chừng do hội chúng.[7]

Tối đa mười ngày: là được cất giữ nhiều nhất là mười ngày.

Y phụ trội nghĩa là chưa được chú nguyện để dùng riêng, chưa được chú nguyện để dùng chung.

Y nghĩa là bất cứ loại y nào thuộc về sáu loại y[8] (có kích thước) tối thiểu[9] cần phải chú nguyện để dùng chung.

Vượt quá hạn ấy thì (y ấy) nên được xả bỏ: Đến lúc hừng đông ngày thứ mười một thì phạm vào nissaggiya, (y ấy) cần được xả bỏ đến hội chúng, hoặc đến nhóm, hoặc đến cá nhân. Và này các tỳ khưu, nên được xả bỏ như vầy: Vị tỳ khưu ấy nên đi đến hội chúng, đắp thượng y một bên vai, đảnh lễ ở chân các tỳ khưu trưởng thượng, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên nói như vầy: – “Bạch các ngài, y này của tôi đã quá hạn mười ngày cần được xả bỏ. Tôi xả bỏ (y) này đến hội chúng.” Sau khi xả bỏ, nên sám hối tội. Tội nên được ghi nhận bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm đủ năng lực, và y đã xả bỏ nên được cho lại:

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Y này thuộc về vị tỳ khưu tên (như vầy) là vật phạm vào nissaggiya đã được xả bỏ đến hội chúng. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên cho lại y này đến vị tỳ khưu tên (như vầy).”

  1. Vị tỳ khưu ấy nên đi đến nhiều vị tỳ khưu, đắp thượng y một bên vai, đảnh lễ ở chân các tỳ khưu trưởng thượng, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên nói như vầy: – “Bạch các ngài, y này của tôi đã quá hạn mười ngày cần được xả bỏ. Tôi xả bỏ vật này đến các đại đức.” Sau khi xả bỏ, nên sám hối tội. Tội nên được ghi nhận bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm đủ năng lực, và y đã xả bỏ nên được cho lại:

Xin chư đại đức hãy lắng nghe tôi. Y này thuộc về vị tỳ khưu tên (như vầy) là vật phạm vào nissaggiya đã được xả bỏ đến chư đại đức. Nếu là thời điểm thích hợp cho chư đại đức, chư đại đức nên cho lại y này đến vị tỳ khưu tên (như vầy).”

  1. Vị tỳ khưu ấy nên đi đến một vị tỳ khưu, đắp thượng y một bên vai, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên nói như vầy: – “Bạch đại đức, y này của tôi đã quá hạn mười ngày cần được xả bỏ. Tôi xả bỏ y này đến đại đức.” Sau khi xả bỏ, nên sám hối tội. Tội nên được ghi nhận bởi vị tỳ khưu ấy và y đã xả bỏ nên được cho lại: “Tôi cho lại đại đức y này.”
  1. Khi quá hạn mười ngày, nhận biết là đã quá hạn, phạm tội nissaggiya pācittiya. Khi quá hạn mười ngày, có sự hoài nghi, phạm tội nissaggiya pācittiya. Khi quá hạn mười ngày, (lầm) tưởng là chưa quá hạn, phạm tội nissaggiya pācittiya. Khi chưa được chú nguyện để dùng riêng, (lầm) tưởng là đã được chú nguyện để dùng riêng, phạm tội nissaggiya pācittiya. Khi chưa được chú nguyện để dùng chung, (lầm) tưởng là đã được chú nguyện để dùng chung, phạm tội nissaggiya pācittiya. Khi chưa được phân phát, (lầm) tưởng là đã được phân phát, phạm tội nissaggiya pācittiya. Khi không bị mất trộm, (lầm) tưởng là đã bị mất trộm, phạm tội nissaggiya pācittiya. Khi không bị hư hỏng, (lầm) tưởng là đã bị hư hỏng, phạm tội nissaggiya pācittiya. Khi không bị cháy, (lầm) tưởng là đã bị cháy, phạm tội nissaggiya pācittiya. Khi không bị cướp, (lầm) tưởng là đã bị cướp, phạm tội nissaggiya pācittiya. Y phạm vào nissaggiya, không xả bỏ rồi sử dụng, phạm tội dukkaṭa. Khi chưa quá hạn mười ngày, (lầm) tưởng là đã quá hạn, phạm tội dukkaṭa. Khi chưa quá hạn mười ngày, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa. Khi chưa quá hạn mười ngày, nhận biết là chưa quá hạn thì vô tội.
  1. Trong thời hạn mười ngày, vị chú nguyện để dùng riêng, vị chú nguyện để dùng chung, vị phân phát, (y) bị mất trộm, (y) bị hư hỏng, (y) bị cháy, (những người khác) cướp rồi lấy đi, (các vị khác) lấy do sự thân thiết, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”
  1. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư không cho lại y đã được xả bỏ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, không nên không cho lại y đã được xả bỏ; vị nào không cho lại thì phạm tội dukkaṭa.”

Dứt điều học thứ nhất về kaṭhina.

–ooOoo–

Điều học thứ nhì về Kaṭhina

  1. Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthī, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu sau khi đã trao y tận tay các tỳ khưu rồi ra đi du hành trong xứ sở với y nội và thượng y (y vai trái).[10] Các y ấy được để lại lâu ngày trở nên mốc meo. Các tỳ khưu đem phơi nắng các y ấy. Đại đức Ānanda trong lúc đi dạo quanh các chỗ trú ngụ đã nhìn thấy các tỳ khưu ấy đang phơi nắng các y ấy, sau khi nhìn thấy đã đi đến gặp các vị tỳ khưu ấy, sau khi đến đã nói với các vị tỳ khưu ấy điều này: – “Này các đại đức, các y bị mốc meo này là của vị nào vậy?” Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã kể lại sự việc ấy cho đại đức Ānanda. Đại đức Ānanda phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao các tỳ khưu sau khi trao y tận tay các tỳ khưu lại ra đi du hành trong xứ sở với y nội và thượng y?” Sau đó, đại đức Ānanda đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu sau khi trao y tận tay các tỳ khưu rồi ra đi du hành trong xứ sở với y nội và thượng y, có đúng không vậy?” – “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: – “Này các tỳ khưu, vì sao những kẻ rồ dại ấy, sau khi trao y tận tay các tỳ khưu, lại ra đi du hành trong xứ sở với y nội và thượng y vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

Khi vấn đề y đã được dứt điểm đối với vị tỳ khưu tức là khi Kaṭhina đã hết hiệu lực, nếu vị tỳ khưu xa lìa (một trong) ba y dầu chỉ một đêm thì phạm tội nissaggiya pācittiya.

Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.

[Sự quy định căn bản]

  1. Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ ở thành Kosambī bị bệnh. Các thân quyến đã phái người đưa tin đến gặp vị tỳ khưu ấy (nói rằng): – “Ngài đại đức hãy đi đến. Chúng tôi sẽ hộ độ.” Các tỳ khưu cũng đã nói như vầy: – “Này đại đức, hãy đi. Các thân quyến sẽ hộ độ đại đức.” Vị ấy đã nói như vầy: – “Này các đại đức, điều học đã được đức Thế Tôn quy định rằng: ‘Không được xa lìa ba y;’ và tôi thì bị bệnh nên không thể mang theo ba y mà ra đi được. Tôi sẽ không đi.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
  1. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, Ta cho phép ban cho sự đồng ý về việc không phạm tội vì xa lìa ba y đối với tỳ khưu bị bệnh. Và này các tỳ khưu, nên ban cho như vầy: Vị tỳ khưu bị bệnh ấy nên đi đến hội chúng, đắp thượng y một bên vai, đảnh lễ ở chân các tỳ khưu trưởng thượng, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên nói như vầy: – ‘Bạch các ngài, tôi bị bệnh không thể mang theo ba y mà ra đi được. Bạch các ngài, tôi đây thỉnh cầu hội chúng sự đồng ý về việc không phạm tội vì xa lìa ba y.’ Nên được thỉnh cầu lần thứ nhì. Nên được thỉnh cầu lần thứ ba. Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vị tỳ khưu này tên (như vầy) bị bệnh không thể mang theo ba y mà ra đi được. Vị ấy thỉnh cầu hội chúng sự đồng ý về việc không phạm tội vì xa lìa ba y. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên ban cho sự đồng ý về việc không phạm tội vì xa lìa ba y đến vị tỳ khưu tên (như vầy). Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vị tỳ khưu này tên (như vầy) bị bệnh không thể mang theo ba y mà ra đi được. Vị ấy thỉnh cầu hội chúng sự đồng ý về việc không phạm tội vì xa lìa ba y. Hội chúng ban cho sự đồng ý về việc không phạm tội vì xa lìa ba y đến vị tỳ khưu tên (như vầy). Đại đức nào đồng ý việc ban cho sự đồng ý về việc không phạm tội vì xa lìa ba y đến vị tỳ khưu tên (như vầy) xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Sự đồng ý về việc không phạm tội vì xa lìa ba y đã được hội chúng ban cho vị tỳ khưu tên (như vầy). Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.

Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

Khi vấn đề y đã được dứt điểm đối với vị tỳ khưu tức là khi Kaṭhina đã hết hiệu lực, nếu vị tỳ khưu xa lìa (một trong) ba y dầu chỉ một đêm thì (y ấy) nên được xả bỏ và (vị ấy) phạm tội pācittiya, ngoại trừ có sự đồng ý của các tỳ khưu.

[Sự quy định lần hai]

  1. Khi vấn đề y đã được dứt điểm: Y của vị tỳ khưu đã được làm xong, hoặc là đã bị mất, hoặc là đã bị hư hỏng, hoặc là đã bị cháy, hoặc là niềm mong mỏi về y đã bị tan vỡ.

Khi Kaṭhina đã hết hiệu lực: là đã hết hiệu lực do bất cứ tiêu đề nào trong tám tiêu đề, hoặc là đã hết hiệu lực giữa chừng do hội chúng.

Nếu vị tỳ khưu xa lìa ba y dầu chỉ một đêm: Nếu đã xa lìa hoặc là y hai lớp, hoặc là thượng y, hoặc là y nội dầu chỉ một đêm.

Ngoại trừ có sự đồng ý của các tỳ khưu: Trừ ra có sự đồng ý của các tỳ khưu.

Thì (y ấy) nên được xả bỏ: Đến lúc hừng đông thì phạm vào nissaggiya, (y ấy) cần được xả bỏ đến hội chúng, hoặc đến nhóm, hoặc đến cá nhân. Và này các tỳ khưu, nên được xả bỏ như vầy: ―(như trên)― “Bạch các ngài, y này của tôi đã xa lìa qua đêm giờ cần được xả bỏ, ngoại trừ có sự đồng ý của các tỳ khưu. Tôi xả bỏ y này đến hội chúng.” ―(như trên)― hội chúng nên cho lại ―(như trên)― chư đại đức nên cho lại ―(như trên)― “Tôi cho lại đại đức.”

  1. Làng một địa hạt, nhiều địa hạt; gia trang một địa hạt, nhiều địa hạt; trang trại một địa hạt, nhiều địa hạt; nhà mái nhọn một địa hạt, nhiều địa hạt; tòa nhà vuông một địa hạt, nhiều địa hạt; tòa nhà lớn một địa hạt, nhiều địa hạt; tòa nhà dài một địa hạt, nhiều địa hạt; chiếc thuyền một địa hạt, nhiều địa hạt; đoàn xe một địa hạt, nhiều địa hạt; cánh đồng một địa hạt, nhiều địa hạt; ruộng lúa một địa hạt, nhiều địa hạt; khu vườn một địa hạt, nhiều địa hạt; trú xá một địa hạt, nhiều địa hạt; gốc cây một địa hạt, nhiều địa hạt; khoảng không gian một địa hạt, nhiều địa hạt.
  1. Làng một địa hạt nghĩa là làng thuộc về một gia đình và được rào lại, sau khi đã để y ở trong làng thì nên hiện diện trong làng. (Nếu) không được rào lại, y đã được để ở tại nhà nào thì nên hiện diện tại nhà đó, hoặc là không nên rời khỏi tầm tay.[11]
  1. Làng thuộc về nhiều gia đình và được rào lại, y đã được để ở tại nhà nào thì nên hiện diện tại nhà đó: ở trong phòng hội họp, hoặc ở nơi ngưỡng cửa, hoặc là không nên rời khỏi tầm tay. Khi đi đến phòng hội họp, sau khi đã để y ở trong tầm tay thì nên hiện diện ở trong phòng hội họp hoặc ở nơi ngưỡng cửa, hoặc là không nên rời khỏi tầm tay. Sau khi đã để y ở trong phòng hội họp, nên hiện diện ở trong phòng hội họp hoặc ở nơi ngưỡng cửa, hoặc là không nên rời khỏi tầm tay. (Nếu) không được rào lại, y đã được để ở tại nhà nào thì nên hiện diện tại nhà đó, hoặc là không nên rời khỏi tầm tay.
  1. Gia trang thuộc về một gia đình là được rào lại và có nhiều căn phòng, nhiều hậu phòng. Sau khi đã để y ở trong gia trang thì nên hiện diện trong gia trang. (Nếu) không được rào lại, y đã được để ở trong căn phòng nào thì nên hiện diện ở trong căn phòng đó, hoặc là không nên rời khỏi tầm tay.
  1. Gia trang thuộc về nhiều gia đình là được rào lại và có nhiều căn phòng, nhiều hậu phòng. Y đã được để ở trong căn phòng nào thì nên hiện diện ở trong căn phòng đó hoặc ở nơi ngưỡng cửa, hoặc là không nên rời khỏi tầm tay. (Nếu) không được rào lại, y đã được để ở trong căn phòng nào thì nên hiện diện ở trong căn phòng đó, hoặc là không nên rời khỏi tầm tay.
  1. Trang trại thuộc về một gia đình và được rào lại, có nhiều căn phòng, nhiều hậu phòng. Sau khi đã để y ở trong trang trại thì nên hiện diện trong trang trại. (Nếu) không được rào lại, y đã được để ở trong căn phòng nào thì nên hiện diện ở trong căn phòng đó, hoặc là không nên rời khỏi tầm tay.
  1. Trang trại thuộc về nhiều gia đình và được rào lại, có nhiều căn phòng, nhiều hậu phòng. Y đã được để ở trong căn phòng nào thì nên hiện diện ở trong căn phòng đó hoặc ở nơi ngưỡng cửa, hoặc là không nên rời khỏi tầm tay. (Nếu) không được rào lại, y đã được để ở trong căn phòng nào thì nên hiện diện ở trong căn phòng đó, hoặc là không nên rời khỏi tầm tay.
  1. Nhà mái nhọn thuộc về một gia đình: Sau khi đã để y ở trong nhà mái nhọn thì nên hiện diện trong nhà mái nhọn. Nhà mái nhọn thuộc về nhiều gia đình là có nhiều căn phòng, nhiều hậu phòng. Y đã được để ở trong căn phòng nào thì nên hiện diện ở trong căn phòng đó hoặc ở nơi ngưỡng cửa, hoặc là không nên rời khỏi tầm tay.
  1. Tòa nhà vuông thuộc về một gia đình: Sau khi đã để y ở trong tòa nhà vuông thì nên hiện diện trong tòa nhà vuông. Tòa nhà vuông thuộc về nhiều gia đình là có nhiều căn phòng, nhiều hậu phòng. Y đã được để ở trong căn phòng nào thì nên hiện diện ở trong căn phòng đó hoặc ở nơi ngưỡng cửa, hoặc là không nên rời khỏi tầm tay.
  1. Tòa nhà lớn thuộc về một gia đình: Sau khi đã để y ở trong tòa nhà lớn thì nên hiện diện trong tòa nhà lớn. Tòa nhà lớn thuộc về nhiều gia đình là có nhiều căn phòng, nhiều hậu phòng. Y đã được để ở trong căn phòng nào thì nên hiện diện ở trong căn phòng đó hoặc ở nơi ngưỡng cửa, hoặc là không nên rời khỏi tầm tay.
  1. Tòa nhà dài thuộc về một gia đình: Sau khi đã để y ở trong khu nhà dài thì nên hiện diện trong khu nhà dài. Tòa nhà dài thuộc về nhiều gia đình là có nhiều căn phòng, nhiều hậu phòng. Y đã được để ở trong căn phòng nào thì nên hiện diện ở trong căn phòng đó hoặc ở nơi ngưỡng cửa, hoặc là không nên rời khỏi tầm tay.
  1. Chiếc thuyền thuộc về một gia đình: Sau khi đã để y ở trong chiếc thuyền thì nên hiện diện trong chiếc thuyền. Chiếc thuyền thuộc về nhiều gia đình là có nhiều căn phòng, nhiều hậu phòng. Y đã được để ở trong hậu phòng nào thì nên hiện diện trong hậu phòng đó hoặc ở nơi ngưỡng cửa, hoặc là không nên rời khỏi tầm tay.
  1. Đoàn xe thuộc về một gia đình: Sau khi đã để y ở trong đoàn xe thì không nên rời xa phía trước hoặc phía sau quá bảy abbhantara,[12] không nên xa rời phía bên hông quá một abbhantara. Đoàn xe thuộc về nhiều gia đình: Sau khi đã để y ở trong đoàn xe thì không nên rời xa khỏi tầm tay.
  1. Cánh đồng thuộc về một gia đình và được rào lại, sau khi đã để y ở bên trong cánh đồng thì nên hiện diện bên trong cánh đồng. (Nếu) không được rào lại thì không nên rời khỏi tầm tay. Cánh đồng thuộc về nhiều gia đình và được rào lại, sau khi đã để y ở bên trong cánh đồng thì nên hiện diện bên trong cánh đồng hoặc ở nơi ngưỡng cửa, hoặc là không nên rời khỏi tầm tay. (Nếu) không được rào lại thì không nên rời khỏi tầm tay.
  1. Ruộng lúa thuộc về một gia đình và được rào lại, sau khi đã để y bên trong ruộng lúa thì nên hiện diện bên trong ruộng lúa. (Nếu) không được rào lại thì không nên rời khỏi tầm tay. Ruộng lúa thuộc về nhiều gia đình và được rào lại, sau khi đã để y ở bên trong ruộng lúa thì nên hiện diện ở nơi ngưỡng cửa hoặc là không nên rời khỏi tầm tay. (Nếu) không được rào lại thì không nên rời khỏi tầm tay.
  1. Khu vườn thuộc về một gia đình và được rào lại, sau khi đã để y ở bên trong khu vườn thì nên hiện diện ở bên trong khu vườn. (Nếu) không được rào lại thì không nên rời khỏi tầm tay. Khu vườn thuộc về nhiều gia đình và được rào lại, sau khi đã để y ở bên trong khu vườn thì nên hiện diện ở nơi ngưỡng cửa hoặc là không nên rời khỏi tầm tay. (Nếu) không được rào lại thì không nên rời khỏi tầm tay.
  1. Trú xá thuộc về một gia đình và được rào lại, sau khi đã để y ở bên trong trú xá thì nên hiện diện bên trong trú xá. (Nếu) không được rào lại, y đã được để ở tại trú xá nào thì nên hiện diện tại trú xá ấy, hoặc là không nên rời khỏi tầm tay. Trú xá thuộc về nhiều gia đình và được rào lại, y đã được để ở tại trú xá nào thì nên hiện diện tại trú xá ấy hoặc ở nơi ngưỡng cửa, hoặc là không nên rời khỏi tầm tay. (Nếu) không được rào lại, y đã được để ở tại trú xá nào thì nên hiện diện tại trú xá ấy hoặc là không nên rời khỏi tầm tay.
  1. Gốc cây thuộc về một gia đình là toàn bộ bóng râm được chiếu xuống vào lúc nửa ngày (giữa trưa). Sau khi đã để y ở bên trong bóng râm thì nên hiện diện bên trong bóng râm. Gốc cây thuộc về nhiều gia đình thì không nên rời khỏi tầm tay.
  1. Khoảng không gian một địa hạt nghĩa là không ở trong thôn làng, ở trong rừng, khoảng không gian xung quanh bảy abbhantara là một địa hạt,[13] từ đó trở đi là nhiều địa hạt.
  1. Khi đã xa lìa, nhận biết là đã xa lìa, phạm tội nissaggiya pācittiya ngoại trừ có sự đồng ý của các tỳ khưu. Khi đã xa lìa, có sự hoài nghi, phạm tội nissaggiya pācittiya ngoại trừ có sự đồng ý của các tỳ khưu. Khi đã xa lìa, (lầm) tưởng là chưa xa lìa, phạm tội nissaggiya pācittiya ngoại trừ có sự đồng ý của các tỳ khưu. Khi chưa nguyện xả, (lầm) tưởng là đã nguyện xả, … Khi chưa được phân phát, (lầm) tưởng là đã phân phát, … Khi không bị mất trộm, (lầm) tưởng là đã bị mất trộm, … Khi không bị hư hỏng, (lầm) tưởng là đã bị hư hỏng, … Khi không bị cháy, (lầm) tưởng là đã bị cháy, … Khi không bị cướp, (lầm) tưởng là đã bị cướp, phạm tội nissaggiya pācittiya ngoại trừ có sự đồng ý của các tỳ khưu. Y phạm vàonissaggiya, không xả bỏ rồi sử dụng, phạm tội dukkaṭa. Khi chưa bị xa lìa, (lầm) tưởng là đã bị xa lìa, phạm tội dukkaṭa. Khi chưa bị xa lìa, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa. Khi chưa bị xa lìa, nhận biết là chưa bị xa lìa thì vô tội.
  1. Vị nguyện xả vào thời điểm rạng đông, vị phân phát, (y) bị mất trộm, (y) bị hư hỏng, (y) bị cháy, (những người khác) cướp rồi lấy đi, (các vị khác) lấy do sự thân thiết, với sự đồng ý của các tỳ khưu, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Dứt điều học thứ nhì về kaṭhina.

–ooOoo–

Điều học thứ ba về Kaṭhina

  1. Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthī, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, y ngoài hạn kỳ đã phát sanh đến vị tỳ khưu nọ. Y ấy trong khi được may cho vị ấy thì không đủ. Khi ấy, vị tỳ khưu ấy căng y ấy ra rồi vuốt tới vuốt lui cho thẳng. Đức Thế Tôn trong khi đi dạo quanh các trú xá đã nhìn thấy vị tỳ khưu ấy sau khi căng y ấy ra đang vuốt tới vuốt lui cho thẳng, sau khi nhìn thấy đã đi đến gặp vị tỳ khưu ấy, sau khi đến đã nói với vị tỳ khưu ấy điều này: – “Này tỳ khưu, vì sao ngươi lại căng y ấy ra rồi vuốt tới vuốt lui cho thẳng vậy?” – “Bạch ngài, y ngoài thời hạn này đã phát sanh đến con, trong khi được may lại không đủ. Chính vì thế nên con căng y này ra rồi vuốt tới vuốt lui cho thẳng.” – “Này tỳ khưu, ngươi có sự mong mỏi về y không?” – “Bạch Thế Tôn, thưa có.” Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, Ta cho phép sau khi thọ lãnh y ngoài hạn kỳ thì được giữ lại với sự mong mỏi về y.”
  1. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn đã cho phép sau khi thọ lãnh y ngoài hạn kỳ thì được giữ lại với sự mong mỏi về y” nên khi thọ lãnh y ngoài hạn kỳ thì giữ lại hơn một tháng. Các y ấy được buộc thành đống treo ở sào máng y. Đại đức Ānanda trong khi đi dạo quanh các trú xá đã nhìn thấy các y ấy được buộc thành đống treo ở sào máng y, sau khi nhìn thấy đã nói với các tỳ khưu rằng: – “Này các đại đức, các y đã được buộc thành đống treo ở sào máng y là của vị nào vậy?” – “Này đại đức, chúng là các y ngoài hạn kỳ của chúng tôi đã được giữ lại với sự mong mỏi về y.” – “Này các đại đức, vậy các y này đã được giữ lại bao lâu rồi?” – “Này đại đức, hơn một tháng.” Đại đức Ānanda phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao các tỳ khưu sau khi thọ lãnh y ngoài hạn kỳ rồi giữ lại hơn một tháng?” Sau đó, đại đức Ānanda đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu sau khi thọ lãnh y ngoài hạn kỳ rồi giữ lại hơn một tháng, có đúng không vậy?” – “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: – “Này các tỳ khưu, vì sao những kẻ rồ dại ấy sau khi thọ lãnh y ngoài hạn kỳ rồi giữ lại hơn một tháng vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

Khi vấn đề y đã được dứt điểm đối với vị tỳ khưu tức là khi Kaṭhina đã hết hiệu lực, lại có y ngoài hạn kỳ phát sanh đến vị tỳ khưu, vị tỳ khưu đang mong muốn thì nên thọ lãnh. Sau khi thọ lãnh nên bảo thực hiện ngay lập tức, và nếu không đủ thì vị tỳ khưu ấy nên giữ lại y ấy tối đa một tháng khi có sự mong mỏi làm cho đủ phần thiếu hụt; nếu giữ lại quá hạn ấy mặc dầu có sự mong mỏi, (y ấy) nên được xả bỏ và (vị ấy) phạm tội pācittiya.

  1. Khi vấn đề y đã được dứt điểm: Y của vị tỳ khưu đã được làm xong, hoặc là đã bị mất, hoặc là đã bị hư hỏng, hoặc là đã bị cháy, hoặc là niềm mong mỏi về y đã bị tan vỡ.

Khi Kaṭhina đã hết hiệu lực: là đã hết hiệu lực do bất cứ tiêu đề nào trong tám tiêu đề, hoặc là đã hết hiệu lực giữa chừng do hội chúng.

Y ngoài hạn kỳ nghĩa là khi Kaṭhina không thành tựu thì được phát sanh trong mười một tháng, khi Kaṭhina thành tựu thì được phát sanh trong bảy tháng; (y) được dâng xác định trong thời gian trên thì (y) ấy gọi là y ngoài hạn kỳ.

Phát sanh: là phát sanh từ hội chúng, hoặc từ nhóm, hoặc từ thân quyến, hoặc từ bạn bè, hoặc từ vải quăng bỏ,[14] hoặc từ vật sở hữu của bản thân.[15]

Đang mong muốn: vị đang ước muốn thì nên thọ lãnh.

Sau khi thọ lãnh nên bảo thực hiện ngay lập tức: nên bảo thực hiện trong mười ngày.

Nếu không đủ: trong khi được may thì không đủ (y chưa hoàn thành).

Vị tỳ khưu ấy nên giữ lại y ấy tối đa một tháng: nên giữ lại nhiều nhất là một tháng.

Làm cho đủ phần thiếu hụt: với mục đích làm cho đủ phần thiếu hụt.

Khi có sự mong mỏi: là sự mong mỏi (y) từ hội chúng, hoặc từ nhóm, hoặc từ thân quyến, hoặc từ bạn bè, hoặc từ vải quăng bỏ, hoặc từ vật sở hữu của bản thân.

Nếu giữ lại quá hạn ấy mặc dầu có sự mong mỏi: Khi y căn bản được phát sanh ngày ấy (và) y mong mỏi được phát sanh (cùng ngày) thì nên bảo thực hiện trong mười ngày. Khi y căn bản được phát sanh hai ngày rồi y mong mỏi được phát sanh thì nên bảo thực hiện trong mười ngày. … Khi y căn bản được phát sanh ba ngày … được phát sanh bốn ngày … được phát sanh năm ngày … được phát sanh sáu ngày … được phát sanh bảy ngày … được phát sanh tám ngày … được phát sanh chín ngày … được phát sanh mười ngày rồi y mong mỏi được phát sanh thì nên bảo thực hiện trong mười ngày.

Khi y căn bản được phát sanh mười một ngày … được phát sanh mười hai ngày … được phát sanh mười ba ngày … được phát sanh mười bốn ngày … được phát sanh mười lăm ngày … được phát sanh mười sáu ngày … được phát sanh mười bảy ngày … được phát sanh mười tám ngày … được phát sanh mười chín ngày … được phát sanh hai mươi ngày rồi y mong mỏi được phát sanh thì nên bảo thực hiện trong mười ngày.

Khi y căn bản được phát sanh hai mươi mốt ngày thì nên bảo thực hiện trong chín ngày. Khi y căn bản được phát sanh hai mươi hai ngày … được phát sanh hai mươi ba ngày … được phát sanh hai mươi bốn ngày … được phát sanh hai mươi lăm ngày … được phát sanh hai mươi sáu ngày … được phát sanh hai mươi bảy ngày … được phát sanh hai mươi tám ngày … được phát sanh hai mươi chín ngày rồi y mong mỏi được phát sanh thì nên bảo thực hiện trong một ngày. Khi y căn bản được phát sanh ba mươi ngày rồi y mong mỏi được phát sanh, thì ngay trong ngày ấy (y căn bản) nên được chú nguyện để dùng riêng, nên được chú nguyện để dùng chung, nên được phân phát. Nếu vị không chú nguyện để dùng riêng, hoặc không chú nguyện để dùng chung, hoặc không phân phát, đến lúc hừng đông vào ngày thứ ba mươi mốt thì (y căn bản) phạm vào nissaggiya, nên được xả bỏ đến hội chúng, hoặc đến nhóm, hoặc đến cá nhân.

Và này các tỳ khưu, nên được xả bỏ như vầy ―(như trên)― “Bạch các ngài, y ngoài hạn kỳ này của tôi đã quá hạn một tháng cần được xả bỏ. Tôi xả bỏ y này đến hội chúng.” ―(như trên)― hội chúng nên cho lại ―(như trên)― chư đại đức nên cho lại ―(như trên)― “Tôi cho lại đại đức.”

  1. Khi y căn bản được phát sanh là khác phẩm chất rồi y mong mỏi được phát sanh và còn lại nhiều đêm, không nên bảo thực hiện trái với ước muốn.[16]
  1. Khi quá hạn một tháng, nhận biết là đã quá hạn, phạm tội nissaggiya pācittiya. Khi quá hạn một tháng, có sự hoài nghi, … Khi quá hạn một tháng, (lầm) tưởng là chưa quá hạn, … Khi chưa được chú nguyện để dùng riêng, (lầm) tưởng là đã được chú nguyện để dùng riêng, … Khi chưa được chú nguyện để dùng chung, (lầm) tưởng là đã được chú nguyện để dùng chung, … Khi chưa được phân phát, (lầm) tưởng là đã được phân phát, … Khi không bị mất trộm, (lầm) tưởng là đã bị mất trộm, … Khi không bị hư hỏng, (lầm) tưởng là đã bị hư hỏng, … Khi không bị cháy, (lầm) tưởng là đã bị cháy, … Khi không bị cướp, (lầm) tưởng là đã bị cướp, phạm tội nissaggiya pācittiya.
  1. Y phạm vào nissaggiya, không xả bỏ rồi sử dụng, phạm tội dukkaṭa. Khi chưa quá hạn một tháng, (lầm) tưởng là đã quá hạn, phạm tội dukkaṭa. Khi chưa quá hạn một tháng, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa. Khi chưa quá hạn một tháng, nhận biết là chưa quá hạn thì vô tội.
  1. Trong thời hạn một tháng, vị chú nguyện để dùng riêng, vị chú nguyện để dùng chung, vị phân phát, (y) bị mất trộm, (y) bị hư hỏng, (y) bị cháy, (những người khác) cướp rồi lấy đi, (các vị khác) lấy do sự thân thiết, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Dứt điều học thứ ba về kaṭhina.

–ooOoo–

Đọc sách ebook: PHÂN TÍCH GIỚI TỲ KHƯU I

–ooOoo–

Người dịch: Tỳ khưu Indacanda – Nguồn TamtangPaliViet.net

 

TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)

* Thuộc PHÂN TÍCH GIỚI TỲ KHƯU I - PHÂN TÍCH GIỚI BỔN - TẠNG LUẬT - TAM TẠNG TIPITAKA |Dịch Việt: Tỳ Khưu Indacanda | Nguồn: Tamtangpaliviet.net
Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app