Samodhāna dhamma – tám pháp tròn đủ

Chư Bồ tát phải có tròn đủ tám pháp như sau: manussattaṃ: phải là loài người chớ không phải trời hay thú; liṅga sampatti: phải là nam nhân chớ không phải là phụ nữ hay là bán nam bán nữ; hetu: có đủ duyên lành có thể đắc quả A-la-hán trong kiếp ấy (ví dụ như đạo sĩ Sumedha là Bồ tát tiền thân Phật tổ Thích Ca); satthāra dassanaṃ: gặp được Đức Phật ra đời và được làm một điều phước thiện nào tới Đức Phật ấy; pabbajjā: phải là người xuất gia; guṇa sampatti: phải đầy đủ những pháp của bậc cao nhơn là có ngũ thông và bát thiền; adhikāro: đã được làm phước báu cao thượng là bố thí mạng sống mình và vợ con mình do tâm nguyện cho thành Chánh giác; chandatā: phải có ý nguyện đầy đủ quyết cho thành được một bậc Chánh giác dầu cho khó khăn, khổ sở thế nào cũng không nao núng và thối chuyển.

Chư Bồ tát nào có tròn đủ tám pháp trên đây, thì mới được chư Phật thọ ký cho và từ ấy mới gọi là Niyata Bodhisatta, là Bồ tát chắc chắn sẽ thành Chánh giác không sai.

Buddha bhūmi – bốn pháp căn cứ của chư Bồ tát đã được thọ ký.

Bốn pháp căn cứ của chư Bồ tát đã được thọ ký: ussāha: rất siêng năng dõng mãnh trong sự làm điều thiện; ummagga: có trí tuệ phân biệt thiện ác, để xa lánh điều dữ và hành theo điều lành; avatthāna: có chí quả quyết và cứng rắn là khi đã làm một điều thiện nào thì không hề thối chuyển và ráng làm cho tới thành tựu; hitacariyā: khi làm một việc nào thì toàn là việc hữu ích cho mình và cho kẻ khác.

Chư Bồ tát đã được thọ ký mỗi khi làm một việc chi đều lấy 4 pháp trên để làm căn cứ cho tâm mình.

Ajjhāsaya – sáu khuynh huớng của Bồ tát.

Chư Bồ tát đã được thọ ký đều có sáu khuynh hướng: alobhajjhāsaya: có khuynh hướng không tham, và luôn luôn có tác ý muốn dứt bỏ của cải mình để làm việc hữu ích cho kẻ khác; adosajjhāsaya: có khuynh hướng không sân, và luôn luôn có tâm từ bi đối với kẻ khác; amohajjhāsaya: có khuynh hướng không si, là có trí tuệ suy xét rõ rệt rồi mới tin; nekkhammajjhāsaya: có khuynh hướng muốn xuất gia, và có ý dứt bỏ các sự thương mến; pavivekajjhāsaya: có khuynh hướng ở nơi thanh vắng, và có ý muốn xa lánh các bè bạn và nơi hội họp đông đảo; nissaranajjhāsaya: có khuynh hướng muốn giải thoát khỏi ái dục, phiền não và sự khổ não của cõi thế gian.

Chư Bồ tát đã được thọ ký rồi thì luôn luôn có những tư cách và nết hạnh đã kể trên.

Acchariya dhamma – bảy pháp xuất chúng của chư Bồ tát đã được thọ ký.

– Pāppatikutha citto: có tâm gớm ghê điều xấu xa tội lỗi, là tâm của Bồ tát đã được thọ ký rồi thì hổ thẹn và ghê sợ điều tội lỗi cũng như người bị phỏng lửa, thấy lửa ghê sợ vậy.

– Pasārana citto: có tâm vui thích theo điều thiện, là tâm của Bồ tát lúc nào cũng vui tươi thỏa thích đến điều lành việc phải, một khi đã làm điều thiện nào thì sốt sắng vui vẻ làm cho đến khi được thành tựu không bao giờ bỏ dở.

– Adhimutta kālakiriyā: tâm nguyện ngưng tuổi thọ đã nhứt định, là khi Bồ tát sanh về cõi trời thấy tuổi thọ sống lâu theo các cõi trời làm cho ngưng trệ sự tạo pháp ba-la-mật để độ chúng sanh ở thế gian, Ngài bèn nguyện cho tuổi thọ ở cõi trời ấy cho giảm đi để sanh xuống trần gian độ đời, liền khi ấy tuổi thọ giảm bớt và sanh liền xuống cõi thế gian.

– Visesajanattaṃ: là một bậc khác thường hơn tất cả chúng sanh khi ở trong bụng mẹ, vì tất cả chúng sanh khi ở trong bụng mẹ thì ngồi chồm hổm, hai tay nắm lại đỡ cằm, mặt day vào lưng mẹ, đầu đội đồ mẹ mới ăn vào, mình ngồi trên vật thực cũ dơ dáy gớm ghê, còn Bồ tát thì ở trong bụng mẹ rất sạch sẽ, mặt day ra phía trước, ngồi xếp bằng như vị pháp sư.

– Tikālaññū: có sự ghi nhớ và biết rõ ba thời kỳ, khi kiếp chót sẽ thành đạo thì: khi đầu thai vào lòng mẹ, biết rõ ta đầu thai vào lòng mẹ, khi ở trong bụng mẹ cũng biết rõ đương ở trong bụng mẹ, lúc sanh ra khỏi lòng mẹ cũng biết rõ đương sanh ra khỏi lòng. Còn chư Phật Độc giác và hai Thượng Thinh văn thì chỉ biết trong hai thời kỳ, trừ lúc ra khỏi lòng mẹ thì không biết, còn 80 vị đại A-la-hán thì chỉ biết có một thời kỳ là lúc vào thai bào mà thôi.

– Pasūtikālo: khi sanh ra thì Phật mẫu đứng sanh. Lúc ấy Bồ tát xuôi hai tay xuống và tuột ra, cũng như vị pháp sư từ trên pháp tọa đi xuống vậy.

– Massuna jatiyo: sanh ra trong loài người là tất cả chư Bồ tát khi kiếp cuối cùng sẽ thành Chánh Giác thì sanh ra làm người, chớ không phải trời hoặc là súc sanh. Nếu sanh làm trời mà thành đạo thì loài người lại thối thác kiếm cớ cho là trời mới tu thành Phật được, còn nếu sanh làm súc sanh thì loài người cho thấp hèn hơn mình cũng không chịu tu theo, nên chư Bồ tát mới sanh ra làm người để độ Chư Thiên, loài người và súc sanh cũng được. Hơn nữa khi làm người lúc nhập Niết-bàn mới có xá lợi lại cho Chư Thiên và nhân loại lễ bái cúng dường. 

Bảy pháp trên đây là xuất chúng (lạ thường) của chư Bồ tát đã được thọ ký.

Tất cả chư Bồ tát đã giải trên đây đều phải thực hành theo mười pháp ba-la-mật đúng theo khuôn khổ nhất định của thời kỳ và đã được một vị Phật tổ thọ ký, tiên tri cho biết trước rằng còn bao nhiêu năm, tháng, ngày .v.v… sẽ thành môt vị Phật tổ, chừng ấy mới gọi là “Bồ tát thật” và thế nào cũng đắc quả Chánh Biến Tri không sai vậy.

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app