TƯƠNG ƯNG BỘ I

CHƯƠNG IV: TƯƠNG ƯNG ÁC MA

Liên kết: Pāḷi | Việt | Anh | Video t.Việt | Video t.Anh | Audio | PDF | Chú Giải Pāḷi | Phụ Chú Giải Pāḷi | Tìm hiểu thêm | Bài giảng khác

PHẨM THỨ HAI

11. Hòn Ðá

Một thời Thế Tôn trú ở Rājagaha (Vương Xá), trên núi Gijjhakūta (Linh Thứu).

Lúc bấy giờ Thế Tôn ngồi giữa trời, trong bóng đêm tối, và trời mưa từng hột một.

Rồi Ác ma muốn làm Thế Tôn sợ hãi, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, liền đi đến Thế Tôn, sau khi đến, xô những tảng đá lớn rơi xuống không xa Thế Tôn bao nhiêu.

Rồi Thế Tôn biết được: “Ðây là Ác ma”, liền nói bài kệ với Ác ma:

Dầu Ông làm chấn động,
Toàn bộ núi Linh Thứu,
Cũng không làm rung động,
Bậc Giác Ngộ, Giải Thoát.

Rồi Ác ma được biết: “Thế Tôn đã biết ta, Thiện Thệ đã biết ta”, buồn khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ.

12. Con Sư Tử

Một thời Thế Tôn trú ở Sāvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anāthapiṇḍika. Lúc bấy giờ, Thế Tôn xung quanh có đại chúng bao vây, đang thuyết pháp.

Rồi Ác ma suy nghĩ: “Sa-môn Gotama này xung quanh có đại chúng bao vây, đang thuyết pháp. Vậy ta hãy đến Sa-môn Gotama và làm mờ mắt đại chúng ấy.”

Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên bài kệ này với Thế Tôn:

Sao Ngài lại rống lên,
Rống như loài sư tử,
Vô úy không sợ hãi,
Trước hội chúng đông đảo?
Nay Ngài có địch thủ,
Chớ nghĩ Ngài thắng trận!

(Thế Tôn):Bậc Ðại Hùng rống lên,
Vô úy trước đại chúng,
Như Lai chứng mười lực,
Vượt tham ái ở đời.

Rồi Ác ma biết được: “Thế Tôn đã biết ta, Thiện Thệ đã biết ta”, buồn khổ, thất vọng liền biến mất tại chỗ ấy.

13. Phiến Ðá

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Rājagaha (Vương Xá), tại Maddakucchi, vườn Nai (Migadaya).

Lúc bấy giờ, chân Thế Tôn bị phiến đá gây thương tích. Thế Tôn cảm xúc khốc liệt, toàn thân đau đớn, nhói đau, đau nhức mãnh liệt, không thích thú, không vừa ý. Và Thế Tôn chánh niệm tỉnh giác, nhẫn chịu không để tâm tư buồn nản.

Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên bài kệ này với Thế Tôn:

Sao Ngài uể oải nằm,
Hay tìm thơ, tìm vận,
Phải chăng việc sai biệt,
Không chờ đợi Ngài làm,
Phải một mình cô độc,
Trên ghế giường nằm, ngồi,
Với gương mặt ngái ngủ,
Sao Ngài ngủ như vậy?

(Thế Tôn):Ta không uể oải nằm,
Không tìm thơ, tìm vận,
Mục đích Ta đã đạt,
Ðâu có sầu muộn gì!
Ta nằm ngồi một mình,
Trên ghế giường vắng lặng,
Yên tĩnh Ta nằm nghỉ,
Tâm từ, thương chúng sanh.
Những kẻ, ngực bị đâm,
Hổn hển tim dồn dập,
Vẫn tìm được giấc ngủ,
Dầu bị thương tích nặng.
Sao Ta lại không ngủ,
Khi không bị thương tích,
Khi thức không âu lo,
Khi ngủ chẳng sợ hãi,
Ngày đêm không khởi lên,
Phiền não bận lòng Ta?
Ta không thấy tai hại,
Một chỗ nào trên đời,
Do vậy, Ta nằm nghỉ,
Tâm từ, thương chúng sanh.

Rồi Ác ma biết được: ” Thế Tôn đã biết ta, Thiện Thệ đã biết ta”, buồn khổ, thất vọng liền biến mất tại chỗ ấy.

14. Tương Ưng Thích Nghi

Một thời Thế Tôn trú ở Kosala, tại một làng Bà-la-môn tên là Ekasālā. Lúc bấy giờ, Thế Tôn xung quanh có đại chúng cư sĩ đoanh vây, đang thuyết pháp.

Rồi Ác ma suy nghĩ: “Sa-môn Gotama này, xung quanh có đại chúng cư sĩ đoanh vây, đang thuyết pháp. Vậy ta hãy đi đến Sa-môn Gotama và làm mờ mắt đại chúng này.”

Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Thật không chút thích hợp,
Ðể Ngài giảng dạy người,
Giữa người thuận, kẻ nghịch,
Chớ hành nghề đứng giữa.

(Thế Tôn):Với lòng từ, thương tưởng,
Bậc Giác Ngộ dạy người,
Giữa người thuận, kẻ nghịch,
Như Lai chơn giải thoát.

Rồi Ác ma biết được: “Thế Tôn đã biết ta … ” liền biến mất tại chỗ ấy.

15. Ý

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Sāvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anāthapiṇḍika.

Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Mọi hành tung của ý
Là bẫy sập trên không,
Chính với bẫy sập ấy,
Ta trói buộc lấy Ngài,
Này vị Sa-môn kia,
Ngài chưa thoát khỏi ta.

(Thế Tôn):Sắc, thanh, vị, hương, xúc,
Làm tâm ý ưa thích,
Ta không ưa muốn chúng,
Ta vượt thoát ngoài chúng,
Này kẻ Tử ma kia,
Ông đã bị bại trận.

Rồi Ác ma biết được: “Thế Tôn đã biết ta … ”, liền biến mất tại chỗ ấy.

16. Bình Bát

Trú ở Sāvatthi. Lúc bấy giờ Thế Tôn đang thuyết pháp cho các Tỷ-kheo về năm thủ uẩn, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Và các Tỷ-kheo ấy hết sức chú tâm, hết sức chú ý, tập trung mọi tâm tư, lóng tai nghe pháp.

Rồi Ác ma suy nghĩ: “Sa-môn Gotama này đang thuyết pháp cho các Tỷ-kheo về năm thủ uẩn, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, và các Tỷ-kheo ấy hết sức chú tâm, hết sức chú ý, tập trung mọi tâm tư, lắng tai nghe pháp. Vậy ta hãy đi đến Sa-môn Gotama và làm mờ mắt các Tỷ-kheo ấy”.

Lúc bấy giờ có nhiều bình bát được đặt ra ngoài trời để phơi cho khô.

Rồi Ác ma biến hình thành con bò đực và đi đến các bình bát ấy.

Rồi một Tỷ-kheo nói với một Tỷ-kheo khác:

—Này Tỷ-kheo, Tỷ-kheo, con bò đực này sẽ làm bể các bình bát.

Khi nghe nói vậy, Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo ấy:

—Này Tỷ-kheo, nó không phải con bò đực. Nó chính là Ác ma muốn đến làm mờ mắt các ông.

Và Thế Tôn biết được: “Ðây là Ác ma”, liền nói lên bài kệ cho Ác ma:

Sắc, thọ, tưởng, hành, thức,
Cái ấy không phải tôi,
Cái ấy không của tôi,
Như vậy đây ly tham,
Ly tham vậy, tâm an,
Mọi kiết sử siêu thoát,
Dầu tìm mọi xứ sở,
Ma quân không gặp được.

Ác ma biết được: ” Thế Tôn đã biết ta … ”, liền biến mất tại chỗ ấy.

17. Xứ

Một thời Thế Tôn trú ở Vesālī (Tỳ-xá-ly), Ðại Lâm, chỗ Trùng Các giảng đường.

Lúc bấy giờ, Thế Tôn đang thuyết pháp cho các Tỷ-kheo về sáu xúc xứ, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Và các vị Tỷ-kheo ấy hết sức chú tâm, hết sức chú ý, tập trung mọi tư tưởng, lóng tai nghe pháp.

Rồi Ác ma suy nghĩ: “Sa-môn Gotama này đang thuyết pháp cho các Tỷ—kheo về sáu xúc xứ, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Và các Tỷ-kheo ấy hết sức chú tâm, hết sức chú ý, tập trung mọi tâm tư, lắng tai nghe pháp. Vậy ta hãy đi đến Sa-môn Gotama và làm mờ mắt các Tỷ-kheo ấy”.

Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, Ác ma hét lên một tiếng to lớn, khủng khiếp, dễ sợ, như đất bị nứt vỡ.

Rồi một Tỷ-kheo nói với một Tỷ-kheo khác:

—Này Tỷ-kheo, Tỷ-kheo, hình như quả đất này bị nứt vỡ.

Khi nghe nói vậy, Thế Tôn nói với Tỷ-kheo ấy:

—Này Tỷ-kheo, không phải đất nứt vỡ. Ðó là Ác ma đi đến để làm mờ mắt các Ông.

Rồi Thế Tôn biết được: “Ðây là Ác ma”, liền nói bài kệ cho Ác ma:

Sắc, thanh, vị và hương,
Cùng toàn bộ xúc, pháp,
Là thế vật rùng rợn,
Làm mê loạn ở đời.
Ðệ tử bậc Chánh Giác,
Chánh niệm, vượt khỏi chúng,
Vượt thế lực Ác ma,
Như mặt trời sáng chói.

Rồi Ác ma biết được: “Thế Tôn đã biết ta … ”, liền biến mất tại chỗ ấy.

18. Ðoàn Thực

Một thời Thế Tôn trú ở Magadha, tại làng Bà-la-môn tên là Pañcasālā.

Lúc bấy giờ, tại làng Bà-la-môn tên là Pañcasālā, lễ trao đổi tặng vật giữa nam nữ thanh niên đang được xảy ra.

Rồi Thế Tôn đắp y, vào buổi sáng, cầm y bát đi vào làng Bà-la—môn Pañcasālā để khất thực.

Lúc bấy giờ, các Bà-la-môn gia chủ ở Pañcasālā bị Ác ma xâm nhập và quyết định: “Chớ để Sa-môn Gotama nhận được đồ ăn khất thực”.

Rồi Thế Tôn đi vào làng Bà-la-môn tên Pañcasālā để khất thực với bình bát rửa sạch như thế nào, cũng đã trở về cùng với bình bát được rửa sạch như vậy.

Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói với Thế Tôn:

—Này Sa-môn, Ngài có nhận được đồ ăn khất thực không?

—Này Ác ma, có phải Ông làm cho Ta không nhận được đồ ăn khất thực?

—Vâng bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy đi vào làng Bà-la-môn Pañcasālā một lần thứ hai nữa. Và tôi sẽ làm để Thế Tôn nhận được đồ ăn khất thực

(Thế Tôn):Ác ma làm điều ác,
Ðể tấn công Như Lai,
Này Ác ma, vì sao,
Ông có thể nghĩ rằng,
Ðiều ác Ông hại Ta,
Sẽ không có kết quả.
Chúng ta sống sung sướng,
Những người không có gì,
Như chư Thiên Quang Âm,
Như chư Thiên Quang Âm,
Có hào quang sáng chói,
Lấy hỷ làm đồ ăn
.

Rồi Ác ma biết được: ” Thế Tôn đã biết ta … ”, liền biến mất tại chỗ ấy.

19. Người Nông Phu

Nhân duyên ở Sāvatthi. Lúc bấy giờ Thế Tôn đang thuyết pháp cho các Tỷ-kheo về vấn đề liên hệ đến Niết-bàn, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Và các Tỷ-kheo ấy hết sức chú tâm, hết sức chú ý, tập trung mọi tâm tư, lóng tai nghe pháp.

Rồi Ác ma suy nghĩ: “Sa-môn Gotama này đang thuyết pháp cho các vị Tỷ-kheo về các vấn đề liên hệ đến Niết-bàn … Vậy ta hãy đi đến Sa-môn Gotama để làm mờ mắt các Tỷ-kheo ấy.”

Rồi Ác ma biến hình thành một người nông phu, mang trên vai một cái cày lớn, tay cầm một cây gậy đâm bò, đầu bù tóc rối, mặc đồ vải gai, chân lấm bùn nhơ, đi đến, sau khi đến, nói với Thế Tôn:

—Này Sa-môn, Ngài có thấy con bò đực không?

—Nhưng này Ác ma, con bò đực đối với Ông là gì?

—Này Sa-môn, mắt là của ta, sắc là của ta, thức xứ do mắt xúc chạm là của ta. Này Sa-môn, Ngài có thể đi đâu để thoát khỏi ta?

Này Sa-môn, tai là của ta, tiếng là của ta …

Này Sa-môn, mũi là của ta, hương là của ta …

Này Sa-môn, lưỡi là của ta, vị là của ta …

Này Sa-môn, thân là của ta, xúc là của ta …

Này Sa-môn, ý là của ta, pháp là của ta, thức xứ do ý xúc chạm là của ta. Này Sa-môn, Ngài có thể đi đâu để thoát khỏi ta không?

—Này Ác ma, mắt là của Ông, sắc là của Ông, thức xứ do mắt xúc chạm là của Ông. Và này Ác ma, chỗ nào không có mắt, không có sắc, không có thức xứ xúc chạm, thời chỗ ấy không có hành xứ của Ông, này Ác ma.

Này Ác ma, tai là của Ông, tiếng là của Ông, thức xứ do tai xúc chạm là của Ông. Và này Ác ma, chỗ nào không có tai, không có tiếng, không có thức xứ do tai xúc chạm, thời chỗ ấy không có hành xứ của Ông, này Ác ma.

Này Ác ma, mũi là của Ông, hương là của Ông, thức xứ do mũi xúc chạm là của Ông. Và này Ác ma, chỗ nào không có mũi, không có hương, không có thức xứ do mũi xúc chạm, thời chỗ ấy không có hành xứ của Ông, này Ác ma.

Này Ác ma, lưỡi là của Ông, vị là của Ông, thức xứ do lưỡi cảm xúc là của ông. Này Ác ma, chỗ nào không có lưỡi, không có vị, không có thức xứ do lưỡi xúc chạm, thời chỗ ấy không có hành xứ của Ông, này Ác ma. Này Ác ma, thân là của Ông, xúc là của Ông, thức xứ do thân xúc chạm là của Ông. Và này Ác ma, chỗ nào không có thân, không có xúc, không có thức xứ do thân xúc chạm, thời chỗ ấy không có hành xứ của Ông, này Ác ma.

Này Ác ma, ý là của Ông, pháp là của Ông, thức xứ do ý xúc chạm là của Ông. Và này Ác ma, chỗ nào không có ý, không có pháp, không có thức xứ do ý xúc chạm, thời này Ác ma, chỗ ấy không có hành xứ của Ông, này Ác ma.

—Sự vật được Ngài nói:
“Cái này là của tôi”.
Và những người đã nói:
“Cái này là của tôi”.
Nếu ở đây có ý,
Ðối với sự vật ấy,
Như vậy, này Sa-môn,
Ngài không thoát khỏi ta.

(Thế Tôn):Sự vật được Ông nói:
“Cái này không của tôi”.
Và những người đã nói:
“ Chúng không phải là tôi”.
Này Ác ma, như vậy,
Ông có biết được chăng,
Cho đến Ông không thấy,
Con đường của Ta đi?

Rồi Ác ma … liền biến mất tại chỗ ấy.

20. Thống Trị

Một thời Thế Tôn ở Kosala, dưới chân núi Tuyết Sơn, tại một am thất nhỏ trong rừng.

Trong khi Thế Tôn Thiền tịnh độc cư, tư tưởng sau đây được khởi lên: “Có thể chăng cai trị mà không giết hại, không để người giết hại; không chinh phục, không khiến người chinh phục; không sầu muộn, không khiến người sầu muộn một cách đúng pháp?”.

Rồi Ác ma, biết được tâm tư Thế Tôn như vậy, liền đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói với Thế Tôn:

—Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy cai trị. Thiện Thệ hãy cai trị không giết hại, không khiến người giết hại; không chinh phục, không khiến người chinh phục; không sầu muộn, không khiến người sầu muộn một cách đúng pháp.

—Này Ác ma, Ông thấy gì mà Ông nói với Ta như vậy: “Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy cai trị. Thiện Thệ hãy cai trị không giết hại, không khiến người giết hại…, … một cách đúng pháp”?

—Bạch Thế Tôn, bốn như ý túc đã được Thế Tôn tu tập, làm cho sung mãn, làm cho như thành cỗ xe, làm cho như thành căn cứ địa, kiên trì, chất chứa, khéo áp dụng. Và bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn muốn núi Tuyết Sơn, vua các loài núi trở thành vàng, Thế Tôn có thể quyết định như vậy, và ngọn núi có thể trở thành vàng.

(Thế Tôn):Dầu cho cả ngọn núi,
Trở thành toàn vàng ròng,
Cho đến hóa gấp đôi,
Cũng không thỏa mãn được,
Tham vọng của một người.
Biết vậy để hành trì,
Ai thấy rõ đau khổ,
Và nguyên nhân đau khổ,
Làm sao người như vậy,
Có khuynh hướng ái dục?
Sau khi biết sanh y
Là ràng buộc ở đời,
Người biết vậy nên học,
Giải trừ mọi buộc ràng.

Rồi Ác ma biết được: “Thế Tôn đã biết ta, Thiện Thệ đã biết ta”, sầu khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ ấy.

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Tương Ưng Bộ I“, Ngài Thích Minh Châu Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Tương Ưng Bộ I” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Ngài Thích Minh Châu
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

* Thuộc TƯƠNG ƯNG BỘ I - TẠNG KINH - TAM TẠNG TIPITAKA | Dịch Việt: Ngài Thích Minh Châu
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app