Buổi 3: Tiếp Phần Câu Nhập Đề, 4 Thắng Pháp & 4 Loại Tâm

 

ABHIDHAMMATTHASANGAHA
THẮNG PHÁP TẬP YẾU LUẬN
Tỳ kheo Thích Minh Châu (dịch và giải)
Viện Đại Học Vạn Hạnh 1973

oooOooo

 

CHƯƠNG ICITTA (TÂM)

KỆ NHẬP ĐỀ (Ganthārambhakathā)

I. PÀLI VĂN. 

– 1a) Sammāsambuddhamatulaṃ , sasaddhammagaṇuttamaṃ. Abhivādiya bhāsissaṃ, abhidhammatthasaṅgahaṃ.

II. THÍCH VĂN. 

– Sammāsambuddha: Chánh đẳng giác: Atula: Vô tỷ, không thể so sánh. Sasaddhamma: Với diệu pháp. Gaṇa: Chúng. Uttamaṃ: Vô thượng. Abhivādiya: Sau khi đảnh lễ. Bhāsissaṃ: Tôi sẽ nói. Abhidhammathasangaha: Tên quyển sách.

III. VIỆT VĂN. 

– 1a) Sau khi đảnh lễ đấng Chánh đẳng giác vô tỷ, Diệu phápvô thượng Tăng chúng, tôi sẽ nói đến tập Abhidhammatthasangaha.

IV. THÍCH NGHĨA

– Abhidhamma nghĩa là Vô thượng pháp hay Thắng pháp. Attha nghĩa là vật. Sangaha nghĩa là tập yếu. Dhamma ở đây có nghĩa là giáo lý. Theo tập Atthasàlinì Abhi có nghĩa là Atireka, cao hơn, lớn hơn hay Visittha, đặc biệt, thù thắng. Abhidhamma nghĩa là thắng pháp vì pháp này giúp người tự giải thoát, hay vì pháp này thù thắng hơn Kinh tạngLuật tạng. Trong Kinh tạng hay Luật tạng, đức Phật thường dùng những danh từ Tục đế như người, loài vật, hữu tình… Trong tạng Abhidhamma, mọi pháp đều được chia chẻ rất tỉ mỉ và các chữ trừu tượng như năm uẩn, mười hai xứ được dùng. Như vậy, vì giáo lý dạy rất đặc biệt, vì giáo lý này đưa đến tự giải thoát, vì phương pháp phân tích rất đặc biệt, nên gọi là Abhidhamma.

BỐN THẮNG PHÁP (Catuparamatthadhammo)

I. PÀLI VĂN. 

– 1b) Tattha vuttābhidhammatthā, catudhā paramatthato. Cittaṃ cetasikaṃ rūpaṃ, nibbānamiti sabbathā.

II. THÍCH VĂN. 

– Tattha: Ở đây. Vutta: Được nói đến. Abhidhammattha. Các vật, các pháp thuộc Abhidhamma. Catudhà: Có 4 loại. Paramatthato: Theo Đệ nhứt nghĩa đế. Sabbathà: Tất cả.

III. VIỆT VĂN. 

– 1b) Theo Đệ nhứt nghĩa đế, các pháp thuộc Abhidhamma có bốn tất cả: Tâm, Tâm sở, Sắc và Niết bàn.

IV. THÍCH NGHĨA

– Có hai sự thật (đế): Tục đếĐệ nhứt nghĩa đế, Tục đế (Sammuti-sacca) là sự thật ngoài mặt, sự thậtcủa thế tình. Còn Đệ nhứt nghĩa đế (Paramattha-sacca) là sự thật tuyệt đối. Ví dụ cái bàn chúng ta thấy là tục đế. Theo đệ nhứt nghĩa đế, cái gọi là cái bàn, sự thật gồm nhiều cơ năng và đặc tánh.

Cũng vậy, trong kinh tạng, đức Phật thường dùng những danh từ thông thường như người đàn ông, đàn bà, hữu tình, tự ngã… nhưng trong Abhidhamma, đức Phật dùng những danh từ rất đặc biệt, như Khandha (uẩn), Dhàtu (giới), Àyatana (xứ)…

Chữ Paramattha có nhiều ý nghĩa trong Abhidhamma. Parama nghĩa là không thay đổi (aviparìta), trừu tượng (Nibbattita) Attha nghĩa là vật, pháp Paramattha nghĩa là những vật không thay đổi, hay trừu tượng. Tuy dùng chữ không thay đổi, nhưng đừng hiểu lầm là những vật này trường cữu, thường còn. Một chậu bằng đồng không phải là một Paramattha, vì nó luôn luôn thay đổi và có thể nấu chảy và biến thành cái bình. Cái chậu và cái bình có thể phân tích và chia chẻ thành những sức mạnh vật lý căn bảnvà những đặc tánh. Sức mạnh và những đặc tánh ấy được gọi là Rùpaparamattha trong Abhidhamma. Chúng cũng bị thay đổi, nhưng đặc tánh của những sắc pháp này là giống nhau và được tìm thấy trong cái chậu cũng như trong cái bình. Chúng gìn giữ đặc tánh của chúng trong mọi sự kết hợp của chúng và vì vậy trong sớ giải, Parama có nghĩa là không thay đổi hay thực có. Attha ở đây có nghĩa là vật chớ không phải là ý nghĩa.

Có 4 Paramattha hay thực thể trừu tượng, bao trùm mọi vật nhập thếsiêu thế. Như cái gọi là hữu tình thuộc về nhập thế. Còn Nibbàna thuộc siêu thế. Loài hữu tình gồm có Nàma (Danh) và Rùpa (Sắc). Theo Abhidhamma, Rùpa gồm cả những đơn vị căn bản của vật chất và những thay đổi vật chất. Abhidhamma kể đến 25 sắc pháp. Nàma gồm cả Tâm và Tâm sở.

Theo Abhidhamma, cái gọi là hữu tình gồm có năm uẩn (khandha): Rùpa (sắc), Vedanà (thọ), Sannà (tưởng), Sankhàrà (hành) và Vinnàna (thức).

Tâm, Tâm sở (trừ 8 Siêu thế tâm và những Tâm sở câu hữu) và Sắc thuộc nhập thế (Lokiya), và Nibbàna thuộc Siêu thế (Lokuttara). Niết bàn là thực thế cứu cánh, độc nhất. Ba pháp còn lại được gọi là thực thể vì chúng là những vật hiện hữu (Vijjamàna dhammà). Ngoài ra, chúng không thể chia nhỏ, không thay đổi và trừu tượng.

Paramattha thứ nhất là Citta, từ ngữ căn Cit là suy nghĩ. Theo sớ giải, Citta có nghĩa là nhận thức sự hiện hữu của đối tượng (cinteti: vijànàti). Đây không có nghĩa có người nghĩ đến đối tượng. Theo nghĩa của Abhidhamma, Citta nên định nghĩa là sự nhận thức có mặt của một đối tượng, vì không có nghĩa có một linh hồn suy nghĩ.

Citta, Ceta, Cittuppàda, Nàma, Mana Vinnàna đều là những chữ đồng nghĩa theo Abhidhamma, không có sự phân biệt giữa Citta và Vinnàna (tâm và Thức). Khi cái gọi là vật hữu tình được chia thành hai phần, thời dùng chữ Nàma (Danh). Khi chia thành năm uẩn, thời chữ Vinnàna (Thức) được dùng.

BỐN LOẠI TÂM (Bhūmibhedacittaṃ)

I. PÀLI VĂN. 

– 2) Tattha cittaṃ tāva catubbidhaṃ hoti kāmāvacaraṃ Rūpāvacaram, arūpāvacaram lokuttarañceti.

II. THÍCH VĂN. 

– Tattha: Ở đây. Catubbidham hoti: Có bốn loại. Kàmàvacaram: Dục giới. Rùpàvacaram: Sắc giới. Arùpàvacaram: Vô sắc giới. Lokuttaram: Siêu thế giới.

III. VIỆT VĂN. 

– 2) Ở đây, có 4 loại tâm: Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giớiSiêu thế giới.

IV. THÍCH NGHĨA

– Kàmà: Dục, hoặc là ái dục hay là những đối tượng của ái dục như sắc, thanh, hương, vị, xúc. Avacara: nghĩa là lãnh vực địa giới hoạt động. Những tâm vương khởi lên hệ thuộc với các văn và đối tượng của chúng nên gọi là Dục giới tâm. Sắc giới tâm là những tâm từ đệ nhứt thiền đến đệ ngũ thiền ở cõi Sắc giới. Sở dĩ gọi là Sắc giới tâm vì tâm này khởi lên do dùng các sắc pháp để tu thiền định. Vô sắc giớitâm là những tâm từ đệ nhứt thiền đến đệ tứ thiền ở cõi Vô sắc giới. Sở dĩ gọi là Vô sắc giới vì tâm này khởi lên do dùng Vô sắc pháp để tu thiền định. Loka uttara: Lokuttara, nghĩa là Siêu thế, ra ngoài sự hạn cuộc của dục giới, sắc giớivô sắc giới. Do quán tưởng ba pháp ấn vô thường, khổ, vô ngã, chứng được các thánh vị, không còn là phàm phu nữa nên gọi là siêu thế, ra ngoài sự hạn cuộc của dục giới, sắc giới, và vô sắc giới.

Theo Pàli Abhidhamma, có tất cả là 89 Tâm vương, 54 Dục giới tâm, 15 Sắc giới tâm, 12 Vô sắc giớitâm và 8 Siêu thế tâm.

BẤT THIỆN TÂM

I. PÀLA VĂN. 

– 3) Tattha katamam kàmàvacaram? Somanassasahagatam ditthigatasampayuttam asankhàrikamekam, sasankhàtikamekam. Somanassasahagatam ditthigatavippayuttam asankhàrikamekam sasankhàrikamekam. Upekkhàsahagatam ditthigatasampayuttam asankhàrikamekam, sasankhàrikamekam. Upekkhàsahagatam ditthigatavippayuttam asankhàrikamekam, sasankhàrikamekam ti. Imàni attha pi lobhasahagatàni cittàni nàma.

II. THÍCH VĂN. 

– Katamam: Có bao nhiêu. Somanassasahagatam: Câu hữu với hỷ. Ditthigatasampayuttam: Tương ưngvới tà kiến. Sasankhàrikamekam: Không cần nhắc bảo: Sasankhàrikamekam: Cần được nhắc bảo. Ditthigatavippayuttam: Không tương ưng với tà kiến. Upekkhàsahagatam: Câu hữu với xả. Imàni: Những tâm này Attha: Tám Lobhasahagatàni cittàni nàma: Gọi là những tâm câu hữu với tham.

III. VIỆT VĂN. 

– 3) Ở đây có bao nhiêu Dục giới tâm? Một tâm câu hữu với hỷ, tương ưng với tà kiến, không cần nhắc bảo, một tâm cần được nhắc bảo. Một tâm câu hữu với hỷ không tương ưng với tà kiến, không cần nhắc bảo, một tâm cần được nhắc bảo. Một tâm câu hữu với xả, tương ưng với tà kiến, không cần nhắc bảo, một tâm cần được nhắc bảo. Tám tâm này gọi là tâm câu hữu với tham. 

IV. THÍCH NGHĨA

– Trong 89 Dục giới tâm, có 12 bất thiện tâm chia thành 8 tâm câu hữu với tham, hai tâm câu hữu với sân, hai tâm câu hữu với si. Trước hết là 8 tâm câu hữu với tham.

Tâm đầu là tâm câu hữu với hỷ, tương ưng với tà kiến, không cần nhắc bảo. Khi một người làm một việc bất thiện một cách thích thú, thì tâm người ấy câu hữu với hỷ (somanassasahagatam), nếu làm một cách thản nhiên thời câu hữu với xả (Upekkhàsahagatam). Có người nghĩ rằng giết sanh vật để cúng tế, cướp bóc giết hại những người không đồng với tín ngưỡng của mình là những việc phải, việc thiện, thời tâm của người ấy tương ưng với tà kiến (ditthigatasampayattam). Trái lại, không có những tà kiến ấy gọi là Ditthigatavippayuttam. Có người làm việc ác một cách tự nhiên, mau lẹ không cần người khuyến khích xui giục, thời tâm ấy gọi là Asankhàrikam (không cần nhắc bảo). Nếu cần người xui giục khuyên bảo mới làm thì gọi là sasankhàrikam.

Trong chương trước, tâm chia thành bốn tùy theo cảnh giới, như Dục giới tâm, Sắc giới tâm, Vô sắc giớitâm và Siêu thế tâm. Tâm cũng có thể chia làm 4 loại tùy theo tánh cách của chúng, như Akusala (bất thiện), Kusala (thiện), Vipàka (dị thục) và Kiriyà (duy tác). Sở dĩ gọi là Bất thiện vì chúng phát sanh từ Lobha (tham) Dosa (sân) và Moha (si). Trái với bất thiện tâm là Thiên tâm (Kusala) vì chúng phát sanh từ Alobha (vô tham), Adosa (vô sân) và Amoha (vô si). Nhưng Bất thiện tâm và thiện tâm thuộc về Kamma (nghiệp) và kết quả Dị thục của những tâm này gọi là Vipàka (Dị thục tâm). Cả Kamma và Vipàka thuộc về ý. Còn tâm Kiriyà (Duy tác) là tâm của vị A la hán, tuy có hành động nhưng không có kết quả dị thục vì đã diệt trừ sanh tử.

* Bài Học Trong Lớp Vi Diệu Pháp Sơ Cấp Online Do Sư Cả Chùa Tuk Pok Giảng Dạy Vào 19h Thứ 2, 4, 6 Hàng Tuần, Khai Giảng 4/1/2021.

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app