* Tích Người Phạm Điều-Giới Uống Rượu Và Chất Say

Thuở ấy, Đức-Thế-Tôn đang ngự tại khu rừng phóng sinh nai gọi là Isipatana, Đức-Phật đề cập đến hai người con của hai nhà phú hộ (Mahādhanaseṭṭhiputtavatthu)(1) được sơ lược như sau:

* Một nhà phú hộ trong thành Bārānasī có của cải, tài sản nhiều đến 800 triệu, chỉ có một người con trai duy nhất. Hai ông bà phú hộ bàn với nhau rằng:

Gia đình chúng ta có nhiều tiền, nhiều của như thế này, chúng ta chỉ có một đứa con trai, sau này chúng ta sẽ giao tất cả gia tài lại cho con, để nó thừa hưởng sung sướng suốt cuộc đời cũng không sao hết được. Con chúng ta không cần làm việc gì cho vất vả.

Hai ông bà phú hộ nhất trí như vậy, nên cho đứa con trai đi học đờn ca, múa hát vui chơi, không học nghề hay chuyên môn nào khác.

* Một nhà phú hộ khác cũng trong thành Bārānasī này, cũng có của cải, tài sản nhiều đến 800 triệu, cũng chỉ có một người con gái duy nhất. Hai ông bà phú hộ cùng bàn với nhau, như nhà phú hộ có người con trai, nên cho đứa con gái đi học đờn ca, múa hát vui chơi như con trai nhà phú hộ kể trên.

Khi người con trai và người con gái của hai nhà phú hộ đến tuổi trưởng thành, hai bên gia đình kết làm sui gia với nhau, tác hợp cho con trai và con gái làm lễ thành hôn, thành đôi vợ chồng với nhau.

Sau khi cha mẹ hai bên lần lượt qua đời, tất cả gia tài của hai nhà phú hộ gom chung lại thành tài sản lớn đến 1.600 triệu.

Cho nên, hai vợ chồng con của phú hộ có một tài sản của cải rất lớn, nên gọi là “Mahādhana”, và hai người con của hai nhà phú hộ gọi là “Seṭṭhiputtā”, hai danh từ ghép lại nhau gọi là “Mahādhanaseṭṭhiputtā”, nghĩa là: “Hai người con của hai nhà phú hộ có tài sản lớn.”

Hai vợ chồng trẻ, con nhà phú hộ không biết kinh doanh nào khác, chỉ biết đờn ca, múa hát vui chơi mà thôi. Thường ngày, hai vợ chồng đến chầu Đức-vua.

Trên đường đi, một nhóm người uống rượu, ăn chơi, ca hát bên đường, bọn chúng nhìn thấy hai vợ chồng con phú hộ thường qua lại, nên bàn tính với nhau rằng:

“Chúng ta có thể làm cách nào để cho hai vợ chồng con phú hộ này nghiện rượu, chúng ta sẽ sống bám vào họ, thì được sung sướng suốt đời.”

Bọn chúng bàn mưu tính kế vừa xong, khi thấy hai vợ chồng con phú hộ đang đi tới, bọn chúng vừa uống rượu, vừa ca hát, nhảy múa có vẻ rất vui sướng, rồi đồng thanh nói lời chúc tụng rằng:

“Chúng tôi cầu chúc hai vợ chồng con phú hộ được sống lâu trăm tuổi, được hạnh phúc an-lạc suốt đời.

Chúng tôi xin nương nhờ nơi hai người, cũng sẽ được an-lạc, sung sướng.”

Người con trai phú hộ nghe bọn chúng chúc tụng mình có vẻ thích thú hoan hỷ lắm, mới hỏi người đánh xe rằng:

Này ngươi! Chúng nó uống nước gì vậy?

Thưa cậu chủ, chúng nó uống rượu ạ.

Rượu có vị ngon không?

Thưa cậu chủ, trong các loại nước, rượu là loại nước có vị ngon, làm cho người thưởng thức say ngây ngất.

Người con trai phú hộ nói với người đánh xe rằng:

Nếu như vậy, thì ta cũng nên uống chơi cho biết vị của rượu.

Người con trai phú hộ sai người đánh xe đến gặp nhóm người kia lấy một chút rượu, uống thử cho biết.

Về sau không lâu, uống rượu được nhiều, người con trai phú hộ trở thành người nghiện rượu nặng.

Nhóm người nghiện rượu kia biết người con trai phú hộ đã nghiện rượu rồi, chúng rủ nhau đến tận nhà người con trai phú hộ để uống rượu cho có bạn.

Lâu ngày, tiếng đồn càng xa, bọn chúng rủ nhau đến ngày càng đông. Người con trai phú hộ sai gia nhân mua rượu, mỗi lần 100 kahāpana, rồi 200 kahāpana, v.v… Ngoài việc tốn tiền mua rượu, còn tốn thêm tiền mua bông hoa, nước thơm, tiền mướn đoàn vũ nữ nổi tiếng đến ca hát, nhảy múa, xong rồi còn ban thưởng, mỗi lần 1.00 kahāpana, 2.000 kahāpana, v.v…

Người con trai phú hộ phung phí tiền bạc suốt ngày đêm như vậy, trải qua một thời gian lâu, của cải, tài sản 800 (tám trăm) triệu phần của mình đã hết sạch.

 

Người quản gia đến trình cho người con trai phú hộ biết rằng:

Thưa cậu chủ, của cải, tài sản phần của cậu đã hết sạch rồi!

Người con trai phú hộ bèn hỏi:

Này ngươi! Của cải, tài sản phần của phu-nhân ta không còn hay sao?

Người quản gia thưa rằng:

Thưa cậu chủ, của cải, tài sản phần của mợ vẫn còn.

Người con trai phú hộ ra lệnh:

Này ngươi! Hãy lấy của cải phần của phu-nhân ta ra xài.

Người con trai phú hộ phung phí như vậy trải qua thêm một thời gian lâu nữa, tài sản phần của người vợ cũng hết sạch.

Những ngày tiếp theo sau, bán dần ruộng, vườn, xe cộ, đồ đạc trong nhà, đến cuối cùng cũng bán cả căn nhà đang ở để tiêu xài.

Đến khi hai vợ chồng con phú hộ tuổi già, không có nhà ở, hai vợ chồng phải dẫn nhau ra ở bên hiên nhà người khác.

Hằng ngày, hai vợ chồng cầm mảnh bát đi xin những đồ ăn thừa của người khác, để sống lay lắt qua ngày.

Một hôm, ông già đứng gần cửa trai tăng đường để chờ nhận đồ ăn còn dư của chư tỳ-khưu, sa-di.

Đức-Phật nhìn thấy ông già, rồi mỉm cười. Khi ấy, Ngài Trưởng-lão Ānanda bạch hỏi Đức-Phật, do nguyên nhân nào mỉm cười.

Đức-Phật truyền dạy Ngài Trưởng-lão Ānanda rằng:

Này Ānanda! Ông già kia, trước đây là con của nhà phú hộ có một tài sản lớn lao, đã tiêu xài phung phí hết sạch, sau đó lại còn bán hết tất cả ruộng, vườn, đồ đạc, nhà cửa,… Bây giờ, không còn gì nữa, ông phải dẫn vợ đi xin ăn trong kinh-thành này.

Đức-Phật truyền dạy rằng:

* Nếu người con phú hộ, trong tuổi thiếu-niên không tiêu xài phung phí của cải, tài sản, biết lo kinh doanh, khuếch trương công việc làm ăn thì sẽ trở thành phú hộ thứ nhất trong kinh-thành Bārāṇasī này.

Nếu cả hai vợ chồng con phú hộ trong tuổi thiếu-niên xuất gia trong Phật-giáo, biết thực-hành pháp-hành thiền-tuệ thì người chồng có khả năng chứng đắc đến A- ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.

Còn người vợ có khả năng chứng đắc đến Bất-lai Thánh-đạo, Bất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Bất-lai.

* Nếu người con phú hộ, trong tuổi trung-niên với phần của cải, tài sản còn lại, biết lo kinh doanh, khuếch trương công việc làm ăn thì sẽ trở thành phú hộ thứ nhì trong kinh-thành Bārāṇasī này.

Nếu cả hai vợ chồng con phú hộ, trong tuổi trung- niên xuất gia trong Phật-giáo, biết thực-hành pháp- hành thiền-tuệ thì người chồng có khả năng chứng đắc đến Bất-lai Thánh-đạo, Bất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Bất-lai.

Còn người vợ có khả năng chứng đắc đến Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhất-lai.

 * Nếu người con phú hộ, trong tuổi lão-niên với phần của cải, tài sản còn lại, biết lo kinh doanh, khuếch trương công việc làm ăn thì sẽ trở thành phú hộ thứ ba trong kinh-thành Bārāṇasī này.

Nếu cả hai vợ chồng con phú hộ, trong tuổi lão-niên, xuất gia trong Phật-giáo, biết thực-hành pháp-hành thiền-tuệ thì người chồng có khả năng chứng đắc đến Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhất-lai.

Còn người vợ có khả năng chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.

Nhưng bây giờ, hai vợ chồng con phú hộ này đã trải qua hết cả 3 thời (thiếu-niên, trung-niên, lão-niên) rồi, của cải, tài sản trong thế gian của họ đã bị khánh kiệt, của báu siêu-tam-giới là Thánh-đạo và Thánh-quả trong Phật-giáo cũng bị hoại nữa, như con cò già rụng hết lông cánh, nằm thoi thóp trong vũng bùn khô.

Đức-Phật dạy bài kệ rằng:

“Acaritvā brahmacariyaṃ, aladdhā yobbane dhanaṃ.

Jiṇṇakoñcāva jhāyanti, khīṇamaccheva pallale.

Acaritvā brahmacariyaṃ, aladdhā yobbane dhanaṃ.

Senti cāpātikhīṇāva, purāṇāni anutthunaṃ.”

“Người ngu dốt không biết hành phạm-hạnh.

Không được của báu lúc còn trẻ trung,

Như con cò già yếu nằm than thở,

Trên vũng bùn khô, không còn tôm cá.

Người ngu dốt không biết hành phạm-hạnh,

Không được của báu lúc còn trẻ trung,

Nằm hối tiếc của cải xưa đã hết,

Như mũi tên đã rời khỏi cây cung,

Rơi xuống đất làm đồ ăn cho mối.”

Nhận Xét Về Tích Người Con phú hộ

Như Đức-Phật dạy Ngài Trưởng-lão Ānanda về hai người con phú hộ. Ngay trong kiếp hiện-tại, hai người con phú hộ đều có khả năng trở thành bậc Thánh-nhân, sở dĩ hai người con phú hộ không trở thành bậc Thánh- nhân là vì gần gũi thân cận với bạn ác nghiện rượu, nên người con trai phú hộ phạm điều-giới uống rượu và các chất say, trở thành người nghiện rượu nặng, cho nên tất cả của cải tài-sản đều bị tiêu hao, thậm chí còn ngôi nhà ở cuối cùng cũng không giữ gìn được. Tất cả của cải tài-sản sự nghiệp đều bị khánh kiệt hết thảy. Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn cũng không có cơ hội phát triển được nữa.

Đến thời kỳ lão-niên, người con trai phú hộ dẫn vợ đi ăn xin, sống lay lắt qua ngày ở dưới mái hiên nhà của người khác.

Như vậy, người phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say trở thành người nghiện rồi, không gặp được người bạn tốt là bậc thiện-trí khuyên bảo, nhắc nhở thì càng bị sa lầy, chìm đắm trong vòng truỵ lạc.

Đức-Phật dạy:

“Asevanā ca bālānaṃ, paṇḍitānañca sevanā…”

Không nên gần gũi thân cận với bạn ác.

Nên gần gũi thân cận với bậc thiện-trí.

Đó là điều hạnh phúc an-lạc cao-thượng…

Tóm lại, trong ngũ-giới có 5 điều-giới, người ác nào có tác-ý trong ác-tâm phạm mỗi điều-giới nào hợp đủ chi-pháp của điều-giới ấy, tạo mỗi ác-nghiệp ấy nặng hoặc nhẹ khác nhau nên quả của mỗi ác-nghiệp ấy tương xứng khác nhau đối với chủ nhân của ác-nghiệp ấy.

Những tích được trích dẫn làm tiêu biểu, giúp cho độc giả tìm hiểu về người ác phạm mỗi điều-giới, tạo ác- nghiệp và quả của ác-nghiệp của mỗi điều-giới trong kiếp hiện-tại và những kiếp vị-lai.

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app