1.  Giới

2.1.  Giới Là Gì?

Câu hỏi thứ nhất ngài hỏi là: Giới (sīla) là gì? Câu trả lời là: “Nó là các trạng thái bắt đầu với chủ ý có mặt trong một người kiêng tránh việc sát sanh, vân vân.”2 Khi chúng ta kiêng tránh việc sát sanh, kiêng tránh việc trộm cướp và vân vân, tâm sanh lên trong tâm trí của chúng ta. Loại tâm nào sanh lên? Thiện hay bất thiện? Thiện. Cùng với tâm thiện đó là các tâm sở cũng sanh lên. Trong số những tâm sở này, có một tâm sở được gọi là chủ ý hay tâm sở tư (cetanā). Như vậy, câu hỏi là: Cái gì là giới? Câu trả lời là: Tâm sở tư (cetanā) là giới. Khi chúng ta nói ‘giới’, ý của chúng ta muốn nói là tâm sở tư (cetanā), tức là tâm sở tư (cetanā) đi cùng với tâm sanh lên trong tâm trí của chúng ta ngay lúc chúng ta kiêng tránh việc sát sanh, trộm cướp và vân vân.

“Vì điều này được nói đến trong Paṭisambhidā”1 –  đây là tên của một luận thư. Tại quốc gia chúng tôi (ND: Miến Điện), luận thư này được bao gồm trong Chánh Tạng. Thật ra, nó giống như một phụ lục của Tam Tạng (Tipiṭaka). Paṭisambhidā không phải do Đức Phật dạy. Cuốn sách này do ngài Sāriputta dạy. Ngài Buddhaghosa, tức là nhà chú giải, rất tôn trọng và trân quý luận thư Paṭisambhidā này. Ngài trích dẫn từ cuốn sách này  rất nhiều trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga).

“Vì điều này được nói đến trong Paṭisambhidā: ‘Cái gì là giới? Giới là tâm sở tư hay sự chủ ý, giới là tâm sở, giới là sự kiêng tránh, giới là sự không vi phạm.”2 Như vậy, tài liệu này nói rằng tâm sở tư là giới, các tâm sở là giới, sự kiêng tránh là giới, và sự không vi phạm là giới. Giới có thể có nghĩa là bất kỳ cái gì trong những thứ này.

‘Tâm sở’ có nghĩa là gì theo sự hiểu biết của chúng ta? Là những tâm sở (cetasika). Đôi lúc, các tâm sở (cetasika) được gọi là ‘giới’. Chúng ta có các sự kiêng tránh trong số 52 tâm sở (cetasika). Các bạn có nhớ không? Chúng là chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng. Chúng được gọi là ‘sự kiêng tránh’ ở đây. Có thể có những loại khác nữa. Sự không vi phạm cũng được gọi là ‘giới’. Các bạn đã biết sự chủ ý hay tâm sở tư. Tâm sở tư sanh lên với tâm thức khi chúng ta kiêng tránh việc gì đó.

 

“Giới theo nghĩa tâm sở là sự kiêng tránh ở nơi người kiêng tránh việc sát sanh và vân vân.”1 Ở đây, ‘tâm sở’ có nghĩa là ba sự kiêng tránh (ND: tức là chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng). Ba sự kiêng tránh được gọi là ‘giới’. Đôi lúc, tâm sở tư hay sự chủ ý (cetanā) được gọi là ‘giới’ và đôi lúc, ba sự kiêng tránh được gọi là ‘giới’.

“Hơn nữa, giới theo nghĩa tâm sở tư là bảy sự chủ ý (mà đi kèm với bảy yếu tố đầu tiên) của (mười) hành động (kamma) của một người từ bỏ sát sanh và vân vân.”2 Có mười điều được gọi là “thập (thiện) nghiệp”. Ý nghĩa ở đây là kiêng tránh sát sanh, kiêng tránh trộm cướp, kiêng tránh tà dâm, kiêng tránh nói dối, kiêng tránh nói lời chia rẽ, kiêng tránh nói lời độc ác và kiêng tránh nói lời vô ích. Đây là bảy yếu tố đầu tiên và chúng ta sẽ bàn đến ba yếu tố cuối cùng sau. Khi tác giả nói ‘bảy’, ý của ngài là bảy yếu tố này. Tức là có ba yếu tố thuộc về thân và bốn yếu tố thuộc về ngữ. Như vậy là bảy.

“Giới theo nghĩa tâm sở là ba yếu tố hay ba trạng thái còn lại bao gồm vô tham, vô sân và chánh kiến.”3 Ba yếu tố hay ba trạng thái này cộng với bảy yếu tố ở trên được gọi là ‘thập thiện nghiệp (kamma)’.

“Giới theo nghĩa chế ngự hay ngăn trừ nên được hiểu ở đây là chế ngự hay ngăn trừ theo năm cách.”4 Có năm cách chế ngự hay ngăn trừ được nhắc đến trong các bài kinh (sutta). Thứ nhất là chế ngự theo giới luật của hội chúng (pāṭimokkha). ‘Giới luật của hội chúng’ thật ra có nghĩa là các giới luật của các tu sĩ. Có 227 giới dành cho các tu sĩ. Khi một tu sĩ trì hành những giới luật này, vị đó có sự chế ngự trong thân và ngữ.

Có sự chế ngự do chánh niệm. Chánh niệm đôi lúc được gọi là ‘sự chế ngự’. Có sự chế ngự bởi sự hiểu biết, sự chế ngự bởi sự kiên nhẫn và sự chế ngự bởi sự tinh cần.

“Tại đây, sự chế ngự theo Pāṭimokkha là thế này: ‘Vị ấy được trang bị, được trang bị đầy đủ, với sự chế ngự theo giới luật của hội chúng (pāṭimokkha).’ Sự chế ngự do  chánh niệm là thế này: ‘Vị ấy phòng hộ nhãn căn, tiến hành việc chế ngự nhãn căn’.”1 Điều này có nghĩa là khi các bạn nhìn thấy cái gì đó, các bạn cố gắng là chỉ thấy nó mà thôi mà không tiến đến việc thích hoặc không thích nó. Nếu các bạn có thể chỉ thấy nó mà thôi và tránh không cho những trạng thái bất thiện sanh lên, các bạn được nói là đang chế ngự nhãn căn. Thật sự, chế ngự nhãn căn không có nghĩa là nhắm mắt lại hoặc là không nhìn cái gì cả. Các bạn vẫn nhìn những gì các bạn thấy, nhưng các bạn không để bất thiện pháp (akusala) sanh lên từ việc nhìn thấy chúng. Đây là sự chế ngự con mắt. Để không bị dính mắc vào những thứ mà các bạn thấy hoặc không bị bực dọc bởi những thứ các bạn thấy, các bạn phải giữ chánh niệm. Đó là lý do tại sao chánh niệm được gọi là ‘sự chế ngự’ ở đây.

“Sự chế ngự bởi sự hiểu biết là thế này:

‘Này Ajita, những dòng chảy trong thế gian này’,

Đức Thế Tôn dạy,

‘Được ngăn chặn lại do bởi chánh niệm’.”1

‘Những dòng chảy’ ở đây có nghĩa là bất thiện (akusala). Những dòng chảy bất thiện (akusala) được ngăn chặn lại do bởi chánh niệm. Khi có chánh niệm, chúng không thể sanh lên. Chúng bị làm dừng lại.

‘Ta tuyên bố sự chế ngự những dòng chảy Do sự hiểu biết, chúng bị ngăn chặn lại.”

Do bởi sự hiểu biết, chúng bị chinh phục hay bị đè nén. Như vậy, ở đây, sự hiểu biết được gọi là ‘sự chế ngự’.

“Và việc sử dụng các vật dụng nhu yếu ở đây được gom chung với điều này.”3 Điều đó có nghĩa là việc sử dụng tứ vật dụng cũng được gọi là ‘sự chế ngự’ ở đây. ‘Việc sử dụng các vật dụng nhu yếu’ chỉ cho các tu sĩ. Các tu sĩ phải sử dụng tứ vật dụng cùng với sự quán tưởng và thông hiểu. Điều đó có nghĩa là, ví dụ bất kỳ khi nào tôi mặc bộ y này, tôi phải tự nói với chính mình hay tôi phải quán tưởng rằng: “Tôi sử dụng bộ y này chỉ để tránh lạnh, để tránh nóng, để tránh bị côn trùng chích cắn” và vân vân. Khi chúng tôi ăn một cái gì đó cũng vậy, chúng tôi phải niệm: “Tôi ăn không phải để tự hào về sức mạnh có được, không phải để làm cho chính mình xinh đẹp, nhưng tôi ăn cái này chỉ để có khả năng thực hành được những lời dạy của Đức Phật.” Khi chúng tôi sử dụng trú xứ (vihāra), chúng tôi phải quán tưởng rằng nó chỉ được dùng để bảo vệ chúng tôi khỏi nóng, lạnh và vân vân. Và khi chúng tôi dùng thuốc men, chúng tôi quán tưởng rằng chúng tôi dùng thuốc men chỉ để giúp lành bệnh và vân vân. Các tu sĩ phải quán tưởng những điều này bất kỳ khi nào họ sử dụng tứ vật dụng. Nếu không có sự hiểu biết hay kiến thức, chúng  ta không thể làm điều này. Do đó, việc sử dụng tứ vật dụng được gọi là ‘sự chế ngự bởi sự hiểu biết.’

“Cái gì được gọi là sự chế ngự bằng lòng kiên nhẫn? Đó là người chịu đựng lạnh và nóng.”1 Chúng ta chịu đựng lạnh. Chúng ta kiên nhẫn với lạnh. Chúng ta kiên nhẫn với nóng. Chúng ta kiên nhẫn với cái khát. Chúng ta kiên nhẫn với cái đói. Đó được gọi là ‘sự chế ngự bằng lòng kiên nhẫn’. Thật ra, chính sự kiên nhẫn là sự chế ngự ở đây.

“Cái gì được gọi là sự chế ngự bằng sự nỗ lực hay sự tinh cần? Vị đó không duy trì, không bảo dưỡng ý tưởng khao khát các dục trần khi nó sanh lên.”2 Điều này có nghĩa là các bạn phải nỗ lực hay các bạn phải có sự tinh cần không duy trì, không bảo dưỡng những ý nghĩ đó. Ngay khi những ý nghĩ như vậy sanh lên trong tâm trí của mình, các bạn chỉ ngưng chúng lại ngay. Đây được gọi là ‘sự chế ngự thông qua hoặc bằng sự nỗ lực hay sự tinh cần’ vì nếu các bạn không có sự tinh cần hay nỗ lực, các bạn không thể làm điều đó được. Các bạn phải nỗ lực để ngưng lại ngay khi những suy nghĩ như vậy sanh lên trong tâm trí của mình.

“Sự thanh tịnh trong việc nuôi mạng ở đây được gom chung với điều này.”1 Sự thanh tịnh trong việc nuôi mạng cũng có nghĩa dành cho các tu sĩ. Các tu sĩ phải có sự nuôi mạng rất trong sạch. Các tu sĩ không được phép làm việc để kiếm tiền. Các tu sĩ không được phép xem bói toán hay đọc chỉ tay để kiếm lợi nhuận từ người khác. Nếu chúng tôi làm điều đó, thì sự nuôi mạng của chúng tôi được gọi là vấy bẩn. Để có được sự nuôi mạng trong sạch, chúng tôi phải làm gì? Chúng tôi phải đi khất thực. Chúng tôi phải nỗ lực. Chúng tôi phải có sự tinh cần. Đây là sự nuôi mạng trong sạch hay thanh tịnh duy nhất dành cho các tu sĩ. Các tu sĩ không được phép làm việc để kiếm tiền. Các tu sĩ không được đề nghị người khác mang thực phẩm lại cho mình. Họ phải đi khất thực.

Tôi đang sống trong một quốc gia hoàn toàn khác (ND: Ý ngài Sīlānanda muốn nói đến nước Hoa Kỳ). Các tu sĩ chúng tôi không thể đi khất thực. Cho nên, hiện tại, chúng tôi phải yêu cầu mọi người mang thực phẩm đến các chùa chiền. ‘Sự thanh tịnh trong việc nuôi mạng’ có nghĩa là các bạn phải phụ thuộc hay nương tựa vào chính mình. Trong các tài liệu kinh sách có nói rằng các bạn phải phụ thuộc hay nương tựa vào cơ chân của các bạn. Các bạn đi bộ và nhận vật thực từ nhà này đến nhà khác và rồi quay trở lại tự viện.

“Như vậy, sự chế ngự bao gồm năm điều này, và sự kiêng tránh, vốn có trong những người ghê sợ tội lỗi, để không bị vi phạm trong bất kỳ cơ hội hay tình huống nào – tất cả những điều này nên được hiểu là ‘giới theo nghĩa chế ngự hay ngăn trừ’.”1

“Giới theo nghĩa không vi phạm (tức là không vi phạm các điều luật) là sự không vi phạm, bằng thân hay ngữ, các giới điều đã được thọ trì.”2 Khi các bạn thọ trì giới, các bạn hành trì chúng. Các bạn không vi phạm  chúng. Các giới điều ở đây là thuộc thân và ngữ. Chúng ta phải hiểu rằng giới (sīla) là liên quan đến các hành động của thân và ngữ, chứ không có liên quan đến các ý nghĩ. Các bạn có thể suy nghĩ về việc sát sanh, nhưng miễn là các bạn không thực hiện việc sát sanh thì các bạn không vi phạm giới điều đó. Các bạn có thể nghĩ về việc nói dối với một ai đó, nhưng nếu các bạn không nói dối thì các bạn không vi phạm giới điều đó. Do đó, giới (sīla) là điều khiển hay chế ngự các hành động thuộc về thân và ngữ của một người.

Học viên: Chúng ta có một giới điều là không nuôi giữ ác ý. Vậy điều đó được giải thích như thế nào ạ?

Giảng sư: Nó được bao gồm trong phần định (samādhi) trong Phật giáo Thượng Tọa Bộ (Theravāda). Định (samādhi) là để điều khiển hay chế ngự tâm trí, các ý nghĩ. Chỉ suy nghĩ về một điều gì đó xấu xa thì không quy tính là phạm giới luật. Những giới điều này chỉ để điều khiển hay chế ngự các hành động thuộc về thân và ngữ. Mặc dầu có những suy nghĩ bất thiện là không tốt, nhưng nếu các bạn không thực hiện thông qua thân và ngữ thì các bạn vẫn đang trì giữ các giới điều này. Trong Phật giáo Thượng Tọa Bộ (Theravāda), giới (sīla) là dành cho các hành động thuộc về thân và ngữ. Định (samādhi) là dành cho việc điều khiển hay chế ngự tâm. Tuệ (paññā) là để tẩy trừ các phiền não.

Mặc dầu nó không phải là một giới điều trong Phật giáo Nam Truyền (Theravāda), vô sân là giống với ‘không nuôi giữ ác ý’. Điều này được bao gồm trong ba ý nghiệp – vô tham, vô sân và chánh kiến. Chúng được bao gồm trong ý nghiệp. Chúng ta có ba loại nghiệp (kamma) – thân nghiệp, ngữ nghiệp và ý nghiệp.

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app