Hậu Quả Nếu Không Làm Chủ Được Tâm? Ngài Tam Tạng 10 Dạy Cách Luyện Tâm Để Dập Tắt 11 Lửa Phiền Não
- 00:00 Tác bạch và đảnh lễ Phật
- 04:58 Bối cảnh thuyết bài kinh bốc cháy và ý nghĩa của bài kinh
- 08:06 Lửa tham, sân, si và nhiên liệu tạo ra chúng
- 13:09 Giảng giải về lửa sầu, bi, khổ, ưu, não
- 25:05 Tích truyện liên quan đến lửa sầu, bi, não
- 38:16 Nguyên nhân và cách dập tắt tạm thời ngọn lửa sầu, bi, não
- 46:12 Giảng giải về lửa khổ và lửa ưu
- 57:26 Cách hành giả thực hành khi lửa khổ đang diễn ra để không phát sinh lửa ưu
- 1:10:02 Mối liên hệ giữa lửa khổ và lửa ưu
- 1:20:45 Giảng giải về các pháp hữu vi trong tam giới liên quan đến sáu nhóm giác quan
- 1:32:21 Cách thực hành để thoát khỏi tử sinh luân hồi
- 1:50:09 Các tầng trí tuệ thiền tuệ
- 2:07:18 Noi gương các bậc thánh nhân, thực hành đề mục quan sát hơi thở vào, hơi thở ra để dập tắt 11 ngọn lửa phiền não
- 2:19:10 Ngài tam tạng đọc kinh chúc phúc, nguyện cầu cho nhân loại và phật pháp
Hôm nay là ngày 19 tháng 12 năm 2021, là thời gian mà chúng ta đã sắp hết năm cũ theo dương lịch và cũng đã gần bước qua năm mới năm 2022. Theo sự thỉnh mời của ban tổ chức, Ngài có những buổi pháp thoại đến với chúng ta mới mục đích để chúng ta trước hết có thời gian nghe pháp thoại, thứ hai có thêm hiểu biết. Qua đó để tu tập giáo pháp của đức Phật mang lại nhiều lợi ích an vui cho mình. Đồng thời cũng trong mùa đại dịch Covit này, ngài cũng cầu mong cho tất cả chúng ta sớm chấm dứt đại dịch và luôn sức khoẻ an vui bên gia đình và người thân
Để bắt đầu bài pháp thoại hôm nay, tất cả đại chúng cùng nhau đảnh lễ Phật với câu niệm Phật bằng câu Pali
Namo Tassa Bhavagato Arahato Samma Sambuddhassa (03 lần)
Ngài nhắc lại chúng ta trước hết nên có khái niệm ở trong tâm rằng: Vào thời gian này là mùa đông mùa lạnh ở bên xứ Ấn Độ, đức Phật đã thuyết bài kinh Āditta hoặc là Ādittapariyāya sutta bài kinh bốc cháy đến cho 3 anh em Kassapa cùng với những đệ tử của họ ở Gayāsīsa là nơi nằm gần Uruvelā – Khổ hạnh lâm
Tên của bài kinh có nơi ghi là Āditta sutta có nơi ghi đầy đủ hơn là Ādittapariyāya sutta. Āditta có nghĩa là bốc cháy, thiêu cháy, thiêu đốt pariyāya theo chú giải giải thích có 3 nghĩa: Nghĩa thứ nhất là nguyên nhân, nghĩa thứ hai là pháp thoại và nghĩa thứ ba là thời gian thử lửa. Ở trong ngữ cảnh này pariyāya có nghĩa là pháp thoại, cho nên có nơi bỏ từ này đi mà chỉ dùng từ Āditta vì bản thân từ Āditta đã là một pháp thoại rồi
Như hôm trước Ngài đã trình bày sự thiêu đốt hay là lửa với nhiên liệu. Chúng ta cần phân biệt nhiên liệu là một thứ, lửa là một thứ khác. Nhiên liệu để cho lửa tham, sân, si,… bốc cháy nằm ở trong ngũ uẩn của mỗi người. Và lửa tham, sân, si,.. cũng nằm trong ngũ uẩn của mỗi người. Đối với lửa tham, sân, si,.. nó thuộc phiền não, còn lửa ở đoạn sau như lửa sanh, già, bệnh, chết, sầu bi khổ ưu não là những kết quả khiến cho lửa tham sân si bốc cháy. Cho nên chúng cũng được gọi là lửa. Những lửa nằm ở đoạn sau kể từ lửa sanh cho đến lửa sầu bi khổ ưu não là những đoạn cuối cùng ở trong thập nhị nhân duyên
Khi nói đến lửa thì không những những người lớn hiểu rằng lửa nó có sự nóng mà những người trẻ, những đứa trẻ cũng có hiểu biết lửa thường là nóng. Cho nên Đức Phật ngài ví dụ những phiền não tham sân si là lửa vì chúng có bản chất là nóng, đặc tính của những lửa này tạo ra khổ. Khổ cũng là một đối tượng, đề mục để cho hành giả quan sát
Khi nói đến đặc tính khổ dukkhalakkhaṇa một hành giả khi quan sát sẽ nhận biết rằng những khổ này, những đặc tính khổ này không thể nào làm chủ hay mong muốn theo yêu cầu của mình được. Điều đó nói nên rằng trong đặc tính của khổ nó cũng có đặc tính vô ngã. Sở dĩ có khổ vì mọi thứ nó luôn sinh diệt, biến hoại. Mọi thứ hữu vi đều sinh lên rồi mất đi thì mới sinh ra khổ. Cho nên trong đặc tính khổ nó cũng đã ngấm ngầm đặc tính của vô thường, thay đổi biến hoại của các pháp hữu vi mà ở đây là danh pháp, sắc pháp, hay ngũ uẩn
Hôm trước ngài đã giải thích những loại lửa từ lửa tham sân si đến lửa sanh già và chết. Hôm nay ngài sẽ tiếp tục giảng về bản chất của lửa sầu bi khổ ưu não
Khi nói đến soka – sầu hay là sầu muộn. Sầu muộn ở đây thường phát sinh do sự mất mát của tài sản, sự mất mát của thân bằng quyến thuộc, sự mất mát của sức khoẻ, sự mất mát của giới đức và sự mất mát của chánh kiến. Do những sự mất mát đó cho nên tạo ra sự sầu hay sầu muộn soka
Khi một trong năm sự mất mát vừa đề cập ở trên xảy ra thì trong tâm của một phàm nhân thường hay khởi sinh lên tâm sầu muộn soka. Theo Vi diệu pháp soka là một loại tâm sở cùng khởi sinh lên cùng với hai tâm có gốc là sân
Theo Vi diệu pháp soka là một dạng tâm sở. Và tâm sở ở đây là thọ tâm sở và khởi sinh lên cùng với hai tâm sân. Khi hai tâm sân có sự có mặt của soka hay phiền muộn nó làm nhân để cho tứ đại đất nước lửa gió và yếu tố trực tiếp là yếu tố lửa nó nóng lên. Khi yếu tố lửa được làm nóng lên cũng làm cho những sắc pháp nó tương quan cùng khởi sinh lên với lửa cũng bị thiêu đốt. Cho nên khi có sự có mặt của sầu muộn, một người có thể cảm nhận được sự nóng nảy ở trong tâm bởi vì chính yếu tố phiền muộn này làm cho tâm vật – nơi khởi sinh lên tâm nó nóng lên cho nên khiến cho người đó cảm thấy nóng nảy, bứt rứt. Và chính yếu tố lửa do tâm sầu muộn nó khởi sinh ra mà tâm sầu muộn được ví như ngọn lửa nó có thể thiêu đốt không những tâm mà còn thân của những người mà trong tâm họ có yếu tố soka nó đang sinh khởi
Sở dĩ có tâm phiền muộn, sầu muộn soka là bởi vì người đó không có thoát khỏi được tướng chung. Tướng chung ở đây liên quan đến người thân của mình, liên quan đến tài sản của mình, liên quan đến sức khoẻ của mình. Khi người đó không có nhìn thấy bản chất sâu xa của thân bằng quyến thuộc, của tài sản vật chất,.. nên người đó chấp trước rằng đó là người thân của mình, là tài sản của mình, đây là sức khoẻ của mình. Do có sự chấp trước như vậy nên khi có sự mất mát thân bằng quyến thuộc, tài sản, sức khoẻ,.. khiến cho người đó khởi sinh lên sầu muộn ở trong tâm
Sau soka sầu muộn sẽ đến lửa bi parideva. Bi ở đây có nghĩa là sự than khóc. Yếu tố parideva hay là sự than khóc cũng liên quan với soka sầu muộn nhưng với tần suất cao hơn, mạnh hơn. Khi soka sầu muộn không có kiềm chế được sẽ dẫn đến tần suất parideva là sự than khóc. Khi đó không có còn kiềm chế được ở trong tâm nữa mà biểu hiện ra bằng hành động của thân đó là than khóc
Theo Vi diệu pháp parideva sự than khóc hiểu theo ý nghĩa chân đế đó là yếu tố âm thanh được tạo ra bởi tâm sân. Và chúng ta sẽ thường thấy rằng đối với soka sự phiền muộn thường xảy ra ở trong tâm của người nam còn parideva sự than khóc thường xảy ra với người nữ.
Trong chú giải chúng ta tìm gặp một câu chuyện liên quan đến vị quan đại thần tên là Santati. Vị quan đại thần Santati sau khi say sưa vui vẻ với những cô kỹ nữ thì trong đó có một cô kỹ nữ tự nhiên lại bỏ ăn bỏ uống và đã chết đi. Sau đó quan đại thần Santati đã cảm thấy rất là sầu muộn. Sự sầu muộn của quan đại thần Santati là soka sự sầu muộn được đề cập ở trong bài kinh này. Khi đó có một ngườ bạn thân của quan đại thần Santati mới đưa vị quan đại thần này đến Đức Phật. Khi đến gặp Đức Phật, Đức Phật mới khuyên rằng: Này quan đại thần Santati ông không nên nhớ nghĩ về những tướng chung ở trong quá khứ, không nên nghĩ về cái bóng của quá khứ như là cô gái hay tài sản của mình, ông cũng không nên nghĩ về cái bóng của tương lai, ông cũng không nên nghĩ về cái bóng của hiện tại mà ông hãy bình tĩnh và quan sát những gì đang xảy ra ở trong chính mình, hãy quan sát hơi thở, hãy quan sát tóc lông móng răng da. Khi được Đức Phật khuyên như vậy vị quan đại thần đã làm theo và đạt đến giới thanh tịnh, đạt đến những trí tuệ của thiền tuệ và cuối cùng đạt đến Thánh đạo Thánh quả.
Chú giải cũng đề cập đến câu chuyện của cô Patācārā để minh hoạ lửa bi parideva lửa than khóc. Chú giải đề cập rằng cô Patācārā vốn là một người con gái sinh ra trong gia đình giàu có, nhưng vì theo chồng mình cho nên cô ta đã đi đến một nơi xa sau đó chồng cô đã mất. Cô có hai đứa con, một đứa bị diều hâu tha đi, còn một đứa thì bị nước cuốn trôi. Trong hoàn cảnh bị mất chồng, mất con như vậy cô ta đã tìm trở về nhà. Nhưng trên đường đi nghe tin cha mẹ cũng đã chết, khi đó cô ta không còn biết gì nữa và đã trở lên rất ưu phiền, não phiền. Trong hoàn cảnh não phiền như vậy cô ta không còn biết được mình là ai, không còn biết được đang đi đâu, đang về đâu và cũng không biết được trên người mình có áo quần hay không, hoàn toàn không biết gì. Cho nên từ Patācārā người ta đặt cho cô ta có nghĩa là cô con gái đi lang thang, không biết mình có mặc áo quần hay không
Bây giờ chúng ta hãy nghĩ ở trong tâm rằng có ba nồi được ví dụ như là ba ngọn lửa sầu bi não. Nồi thứ nhất là do một ngọn lửa ở trong đó làm cho nước ở trong nồi sôi lên, nồi thứ hai không những sôi lên mà khiến cho nước có thể bay ra ngoài và nồi thứ ba nóng đến nỗi có thể làm cho nước khô đi. Đó là ba ví dụ đối với ba yếu tố sầu bi não
Cho nên đối với trường hợp thứ nhất đối với nồi có nước hay dầu đang sôi. Ví dụ này tương tự giống như trường hợp quan đại thần Santati. Nồi thứ hai không những nước hay dầu đang sôi mà nó còn có thể tràn ra ở bên ngoài, trường hợp này được ví dụ giống như trường hợp của ngọn lửa thứ hai đó là parideva là bi. Và trường hợp thứ ba là cái nồi không những sôi lên trào ra mà nó bốc hơi hết, nó khô đi giống như là trường hợp của cô Patācārā đối với ngọn lửa parideva upāyāsa đó là ngọn lửa não phiền. Và ở trong chú giải thì ngọn lửa upāyāsa ngọn lửu não phiền là một yếu tố thọ tâm sở khởi sinh lên cùng với hai tâm sân.
Sở dĩ có ba ngọn lửa sầu bi não là do quan sát, hay người đó có sự chấp trước đối với các tướng chung. Nếu là một hành giả quan sát với những yếu tố lửa này, sầu bi não theo đặc tính hay theo pháp chân đế. Đó là sầu là yếu tố thọ tâm sở khởi sinh lên cùng tâm sân, bi là sự than khóc thì như đã đề cập đó là yếu tố âm thanh thuộc về sắc pháp do tâm sân tạo ra, còn yếu tố não upāyāsa thì cũng tương tự giống như yếu tố soka vì nó cũng là yếu tố thọ tâm sở khởi sinh lên ở trong tâm sân. Khi quán sát ngọn lửa này theo chân đế như vậy thì những ngọn lửa này sẽ từ từ được dập tắt một cách tạm thời, không còn cảm thấy sự nóng bức ở trong thân và tâm nữa
Trong ba câu chuyện được đề cập ở trên thì đối với trường hợp của vị quan đại thần Santati có vẻ ông ta có ba la mật ở trong quá khứ, cho nên khi nghe Đức Phật giảng rất tóm tắt, ông ta đã có thể chứng đắc Thánh đạo thánh quả và giải thoát. Đối với cô gái Patācārā thì Đức Phật đã dạy rằng này Patācārā đối với một người sinh ra ở trên đời có thân bằng quyến thuộc thì cũng giống như là người thương buôn đi ở trên đường khi gặp những bóng cây, người đó có thể vào trú ngụ chốc lát, ăn những trái cây rụng và nghỉ ngơi. Cũng tương tự như vậy đối với thân quyến cũng như bóng mát của cái cây, giống như trái cây rơi xuống ở cây đó, nhưng mà không thể dừng lại ở cây đó một cách lâu dài, ông ta cũng phải đi theo con đường của mình, ông ta cũng phải mang những thứ mà ông ta cần phải mang theo làm hành trang ở trên đường của mình. Cũng tương tự như vậy những người có người thân ở trên đời, mỗi người đều đi theo con đường riêng của mình, đều có thể có những hành trang của riêng mình, chứ không thể nào dừng lại thời gian dài được mà mỗi người đều cần phải đi theo con đường của mình theo nghiệp riêng của mình
Sau đó Đức Phật dạy tiếp hai câu kệ với nội dung: Này Patācārā ở trong quá trình tử sinh luân hồi không thể nào tìm thấy được sự khởi đầu, con người hay một chúng sinh do sự sầu bi khổ ưu não được sinh ra liên quan đến người thân có thể được nói rằng những nước mắt do sầu bi khổ ưu não liên quan đến người thân còn hơn cả nước ở ngoài đại dương, sau khi nghe Đức Phật giảng hai câu kệ cô ta đã chứng Thánh đạo Thánh quả Nhập lưu
Tiếp đến là lửa khổ dukkha và lửa domanassa là ưu. Dukka khổ ở đây là một yếu tố cảm thọ được khởi sinh lên ở trên thân. Nó là một yếu tố cảm thọ được khởi sinh lên cùng với thân thức liên quan đến thân, cho nên yếu tố này có thể thấy rõ đối với những người bị bệnh, những người có những cảm giác đau nhức ở trên thân. Yếu tố thứ hai domanassa đó là ưu cũng tương tự như vậy nhưng yếu tố này thuộc về tâm. Cho nên domanassa là ưu có thể thấy rõ đối với một người khi không có thành công ở trong công việc, không có thành công ở trong cuộc sống hay là đối với những ý tưởng không có được thực hiện. Đối với những người có lửa domanassa hay là ưu, thường cảm thấy đau khổ nhưng là ở trong tâm.
Đối với những ai đã học Vi diệu pháp thì hai yếu tố khổ dukkha và domanassa là ưu không giống nhau. Đối với yếu tố dukkha khổ thì xảy ra ở những tâm thuộc về thân, trong thân thức chỉ có bảy tâm sở mà thôi. Trong bảy tâm sở đó có tâm sở là thọ. Đối với domanassa nó xảy ra ở trong tâm bất thiện có tâm sở domanassa. Cho nên hai tâm sở này, hai cảm thọ này nó không giống nhau. Và để nói cho dễ hiểu, chúng ta cần hiểu rằng dukkha là yếu tố cảm thọ được khởi sinh lên liên quan đến thân, còn domanassa ưu là yếu tố cảm thọ được khởi sinh lên ở trong tâm.
Đối với yếu tố khổ thì giống như trường hợp Ngài Moggalāna trước khi Ngài tịch diệt Niết bàn, do nghiệp của quá khứ cho nên Ngài đã bị 500 tên cướp đánh Ngài đến nát xương, cảm giác bị đánh nát xương đó được hiểu như là yếu tố dukkha yếu tố khổ liên quan đến thân. Và cũng giống như trường hợp của Đức Phật sau khi bị Devadatta sau khi lăn hòn đá từ trên núi xuống và chân của Ngài đã bị bầm máu, Đức Phật cũng có cảm giác khổ nhưng cảm giác khổ này liên quan đến thân.
Còn đối với khổ liên quan đến tâm thường là những bậc thánh Bất lai và bậc thánh A ra hán do không còn tâm sân nữa. Chính vì vậy mà các Ngài không có còn khổ liên quan đến tâm. Cho nên đối với Ngài Moggalāna, đối với đức Phật là những bậc thánh A ra hán hay đối với những cư sĩ Citta là bậc Thánh Bất lai thì những nỗi khổ liên quan đến tâm domanassa các Ngài không còn nữa, mà chỉ còn khổ liên quan đến thân mà thôi, Ngài vẫn có sự đau nhức nhưng không vì vậy mà có nỗi khổ trong tâm.
Đối với bậc Thánh Nhập lưu sotāpanna hay bậc Thánh Nhất lai sakadāgāmī dù các ngài còn nỗi khổ ở trong tâm nhưng mức độ thì không nặng lắm, đối với các Ngài những nỗi khổ khởi sinh lên khiến cho người khác bị đau khổ, nói cách khác tâm sân khởi sinh lên trong các ngài không có khiến cho các ngài đoạ vào bốn đường ác đạo nữa
Đối với những phàm nhân, mà là phàm nhân thiện chí, khi có những cảm thọ đau nhức ở trên thân như khi ngồi thiền thấy sự đau nhức ở chân hoặc là có bệnh ở trên chân và phẫu thuật, có những cảm giác đau nhức nhưng mà nếu phàm nhân thiện chí đó là những hành giả thực hành thiền quán, thiền minh sát thì quan sát những cảm giác đó đơn thuần chỉ là cảm giác mà không có thấy rằng chân của ta đau hay là cảm giác của ta nó đau mà chỉ thấy đơn thuần nó là những cảm giác khởi sinh lên và mất đi. Nếu như phàm nhân đó có thể quan sát như vậy khiến cho cảm giác ở trên thân không khiến cho cảm giác trong tâm nó sinh khởi và những cảm giác khổ ở trên thân nó không sinh khởi nó tự mất đi do sự quan sát đúng như thực tánh cảm thọ nó khởi sinh lên như vậy
Như trường hợp hoàng hậu Sāmāvatī ở trong chú giải Pháp cú thì cô ta bị một người hoàng hậu khác ganh tỵ cho nên đã đóng cửa và khoá cửa lại ở trong một cung điện cùng với năm trăm tỳ nữ. Khi bị đóng ở trong cung điện như vậy và cung điện bị cháy hoàng hậu Sāmāvatī cùng với năm trăm tỳ nữ đã không có sân hận đối với kẻ thù của mình mà chỉ quan sát cảm thọ ở trên thân. Nhờ sự quan sát theo đúng thực tính của cảm thọ cho nên hoàng hậu Sāmāvatī cùng với năm trăm tỳ nữ đã chứng đắc Thánh đạo Thánh quả Nhập lưu trở thành bậc Thánh trong giáo pháp của Đức Phật
Và ở trong chú giải cũng có một trường hợp, thay vì không kham nhẫn cảm giác đau nhức nó quá độ, không thể chịu đựng được thì có thể chuyển tâm qua để quan sát một đề mục thiền khá. Như trường hợp của một vị tỳ khưu bị con cọp bắt và ăn thịt. Khi con cọp nó nhai chân của vị tỳ khưu đó, thay vì vị tỳ khưu quan sát cảm thọ nó quá đau nhức chịu không nổi thì vị tỳ khưu đã hướng tâm quan sát đề mục hơi thở vào hơi thở ra nhưng mà quan sát hơi thở một cách thở nhanh hơn, hay là quan sát 32 thể trược ở trên thân tóc lông móng răng da thì ở trong chú giải cũng có trường hợp như vậy
Đối với với Sulun người đã sáng lập ra thiền viện Sulungun là nơi Ngài tam tạng đang làm Viện chủ, Ngài Sulun khi thực hành thiền Vipassana thiền minh sát, thay vì Ngài chuyển qua đề mục khác khi ngồi thiền đặc biệt là khi cảm thọ đau nhức nó khởi sinh lên một cách rất nhức nhối tột cùng, Ngài Sulun đã kham nhẫn chịu đựng và tiếp tục quan sát cảm giác đau nhức đó, cố gắng duy trì để nhận biết đặc tính vô thường khổ và vô ngã của cảm giác đau nhức đó mà ngài không có chuyển qua đề mục khác. Đó là trường hợp của ngài Sulun
Còn ở trong kinh Đức Phật ví dụ cảm thọ giống như là những bọt nước ở trên mặt nước. Khi có mưa những giọt nước mưa nó nơi xuống mặt hồ và tạo ra những bọt nước. Đối với hành giả, khi quan sát cảm thọ cũng nên quan sát những cảm thọ nó khởi sinh lên và mất đi giống như bọt nước ở trên hồ vậy. Cho nên để có cảm thọ thì phải có những yếu tố ở bên trong và bên ngoài. Giống như để có bọt nước phải có mưa rơi xuống trên mặt hồ tạo ra bọt nước. Cảm thọ trong thân mỗi người cũng vậy, phải có yếu tố bên ngoài như là trong đại dịch này con virut Corona là yếu tố bên ngoài khiến cho bệnh nhân bị sưng phổi, phổi là yếu tố bên trong tạo ra cảm giác đau nhức. Hay là những vật dụng dùng để phẫu thuật như là dao kéo là những yếu tố bên ngoài, khi chúng xúc chạm lên thân của bệnh nhân đang mổ thì nó tạo ra cảm giác đau nhức. Cho nên đối với một hành giả thực hành thiền Minh sát tuệ thì quan sát cảm thọ nó khởi sinh lên là do yếu tố ở bên ngoài và yếu tố ở bên trong có sự tương tác xúc chạm lên nhau, cho nên nó tạo ra những cảm giác khổ như vậy. Và chỉ đơn giản quan sát cảm giác khổ đó mà không có chấp trước khổ này là của ta, khổ này là do những yếu tố tục đế gây ra mà hãy quan sát những pháp chân đế như nó đang xảy ra để thấy rõ sự sinh diệt của những pháp chân đế, những cảm thọ đau nhức đó mà thôi
Cho nên lửa khổ dukkha và domanassa lửa ưu nó có sự liên quan đến nhau. Từ lửa khổ có thể lan qua lửa ưu giống như một người khi bị bệnh thuộc về khổ thân, nhưng nếu người đó không có quan sát cảm giác khổ trên thân đó đúng theo thực tính của cảm giác trên thân đó thì những ngọn lửa ưu nó có thể sinh khởi và có thể thiêu đốt người đó. Ngươi đó sẽ chịu hai ngọn lửa đó là lửa khổ là lửa ưu thiêu đốt. Nhưng đối với một hành giả thực hành thiền minh sát tuệ khi có lửa khổ thuộc về thân, người đó quan sát cảm giác khổ đó ở trên thân và thấy rõ sự sinh diệt của lửa khổ ở trên thân đó mà thôi. Cho nên lửa khổ ở trên thân nó không lan qua lửa khổ ưu domanassa ở trong tâm. Nó không làm lửa ở trong tâm nó sinh khởi
Và để hiểu thêm Ngài cho một ví dụ như một người trúng một mũi tên, và một người trúng hai ba mũi tên nó có sự khác biệt. Đối với những bậc Thánh Bất lai anāgāmi và bậc Thánh A ra hán khi những vị đó có những khổ ở trên thân như là bị người khác đánh hay là bị bệnh ở trên thân hoặc là bị ai đó đánh đập mạnh có thể chặt chém nhưng các Ngài không có trải qua khổ ở trong tâm, nên các Ngài chỉ có trúng một mũi tên thôi, đó là mũi tên thọ khổ ở trên thân mà thôi. Nhưng đối với những phàm nhân bình thường có thể trúng hai ba mũi tên, không những một mũi tên mà thôi mà có thể hai ba mũi tên. Có nghĩa là sao. Đối với một phàm nhân bình thường, khi bị bệnh như là nhiễm Covit hay là bị người ta đánh đập, chặt chém, những người đó cảm thấy bực tức, cảm thấy sầu khổ, cảm thấy không hài lòng. Chính những khổ bực tức, không hài lòng đó là những mũi tên thứ hai thứ ba
Còn đối với những hành giả thực hành thiền minh sát thì sao, nếu như hành giả quan sát yếu tố thuộc về thân theo đúng thực tánh thuộc về chúng như là đất nước lửa gió, hay là chỉ quan sát để thấy rõ yếu tố tâm mà thôi, mà không phải đồng hoá những thân và tâm đó như là ta là của ta thì những hành giả đó cũng chỉ bị một mũi tên là cảm giác khổ ở trên thân mà thôi, mà không có bị mũi tên thứ hai thứ ba là những cái khổ ở trong tâm. Cho nên những hành giả chúng ta khi có thân này, chắc chắn sẽ có đau nhức, khổ thọ ở trên thân, không thể tránh được, chúng ta có thể bị mũi tên thứ nhất, nhưng hãy cố gắng đừng để trúng mũi tên thứ hai thứ ba bằng cách như Ngài đã trình bày đó là chỉ quan sát những cảm giác ở trên thân, những cảm giác khổ ở trong thân đúng theo thực tánh của chúng là vô thường, khổ vô ngã thì chúng ta có thể tránh được mũi tên thứ hai thứ ba. Cho nên khi hành giả chỉ nhận biết được cảm giác khổ ở trên thân mà thôi, mà không có bị những khổ ở trong tâm được tạo ra bởi khổ ở trên thân thì chỉ trúng mũi tên thứ nhất, mà không có trúng mũi tên thứ hai và thứ ba
Sau khi Đức Phật đã đề cập và giải thích, 11 loại lửa thì Ngài tiếp tục giải thích rằng, tiếp tục thuyết rằng: Evaṃ passaṃ bhikkhave sutavā ariyasāvako rūpesupi nibbindati … Này các Tỳ khưu bằng trí tuệ thấy rõ ngũ uẩn này không phải là ta, không phải là tự ngã của ta, bậc Thánh nhân chán trong sắc uẩn, nhàm chán trong ngũ uẩn, nhàm chán trong tưởng uẩn, nhàm chán trong hành uẩn, nhàm chán trong hành uẩn. Khi nhàm chán như vậy tâm không còn tham ái, do tâm không tham ái nên giải thoát, trí tuệ thấy rõ giải thoát đây là giải thoát thực sự, vị ấy biết rõ sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, phận sự cần làm đã làm xong, từ kiếp này sẽ không còn kiếp sau nữa. Đó là nguyên văn mà được trích ra bởi lời dạy của đức Phật trong đoạn cuối cùng của bài kinh
Và để hiểu rõ hơn chúng ta hãy trở về đoạn đầu của bài kinh, đức Phật đã giảng rằng Sabbaṃ bhikkhave ādittaṃ. Sabbaṃ ở đây là tất cả. Này các tỳ khưu tất cả đang bốc cháy. Tất cả ở đây là chỉ các pháp hữu vi ở trong tam giới: dục giới, sắc giới và vô sắc giới.
Và để hiểu hơn, để thấy rõ hơn, Ngài tam tạng sẽ tóm tắt những pháp hữu vi ở trong tam giới mà chúng ta có thể trải nghiệm ở trong đời sống hàng ngày thông qua sáu nhóm liên quan đến sáu giác quan. Nhóm thứ nhất liên quan đến mắt. Nhóm thứ hai liên quan đến tai. Nhóm thứ ba liên quan đến mũi. Nhóm thứ tư liên quan đến lưỡi. Nhóm thứ năm liên quan đến thân và nhóm thứ sáu liên quan đến ý.
Và thông qua sáu giác quan tai mắt mũi lưỡi thân và ý, sẽ có sáu tiến trình liên quan đến sáu giác quan này. Đó là tiến trình nhìn thấy, tiến trình nghe, tiến trình ngửi, tiến trình nếm, tiến trình xúc chạm và tiến trình suy nghĩ, suy tư. Chúng ta cần nhớ hai từ chanda – dục hay ý muốn. Có hai loại dục ở trong ngữ cảnh này. Thứ nhất là dục đối với Saṁsāra luân hồi và dục theo ý muốn của mình. Chúng ta cũng nên nhớ rằng ý muốn của mình ở đây là ý muốn mà liên quan đến mình, liên quan đến của mình, liên quan đến tự ngã của mình. Và có một ý muốn có thể nói là an toàn đó là ý muốn giải thoát khỏi sinh tử luân hồi. Và ý muốn giải thoát khỏi sinh tử luân hồi đó là gì. Đó là ý muốn để đạt đến tâm Thánh đạo Thánh quả và Niết bàn là những pháp siêu thế có sự an lạc tuyệt đối. Và đó là ý muốn của mình. Ý muốn mà cao thượng nhất như Ngài mới đề cập đó là ý muốn giải thoát khỏi tử sinh luân hồi. Sau đây ngài sẽ giải thích ý muốn của pháp liên quan đến sinh tử luân hồi.
Cái ý muốn liên quan đến sinh tử luân hồi đó là gì. Đó là sáu cái nhóm vừa đề cập, ý muốn xảy ra ở trong tâm liên quan đến sáu giác quan. Cho nên đối với nhóm thứ nhất đó là dục hay ý muốn ở trong tâm liên quan đến mắt. Đó là gì đó là nhãn thức. Trong nhãn thức có sự mong muốn làm gì, sự mong muốn nhìn thấy vật đẹp đẽ, nhìn thấy cảnh đẹp, nhìn thấy những thứ mình yêu thích thôi. Cũng tương tự như vậy dục hay mong muốn ở trong nhĩ thức liên quan đến tai là mong muốn nghe những âm thanh hay như là nghe nhạc, chỉ tầm cầu hay muốn nghe những cái gì hay, âm thanh êm dịu mà thôi. Đó là dục hay là mong muốn khởi sinh lên ở trong nhĩ thức.
Cũng tương tự như vậy đối với tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức cũng vậy, là sự mong muốn chỉ nếm, chỉ muốn xúc chạm những vật êm dịu, nếm những vị ngon và muốn có những ý tưởng hay,… Những ý muốn đó nó khởi sinh lên ở trong tỷ thức, thiệt thức và thân thức
Đối với tâm thức hay là ý thức thì mong muốn có những suy nghĩ hay, suy nghĩ về điều hay điều tốt, mong muốn điều hay điều tốt ở năm sau ở những năm sau nữa. Đó là mong muốn mà nó khởi sinh lên trong ý thức. Cho nên ở bên Miến Điện những người lớn hay dạy những đứa trẻ, thanh niên hãy đừng theo ý muốn của tâm mình. Bởi vì theo ý muốn của tâm thì thường hay mong muốn hưởng thụ những thứ, những đối tượng liên quan đến tai mắt thân và ý và qua đó thì mười một ngọn lửa như là lửa tham, lửa sân, lửa si nó sẽ bốc cháy. Cho nên những người lớn thường hay dạy những người trẻ đừng theo ý muốn của tâm mình, mà hãy để tâm mình không có theo những ý muốn đó
Cho nên nếu như theo những dục hay là mong muốn của sáu loại tâm vừa mới đề cập thì có thể dẫn đến sinh tử luân hồi. Và để thoát khỏi sinh tử luân hồi theo ý muốn của mình như Ngài tam tạng mới đề cập ở phía trên thì chỉ có cách thực hành Bát chánh đạo.
Trước hết là phải giữ giới trong sạch. Khi đó tâm nó không chạy theo những ước muốn đó mà hướng tâm theo sự thực hành đúng đắn. Sau khi có giới trong sạch, hành giả hướng tâm đến đề mục thiền hơi thở hay một đề mục khác để làm cho tâm có sự lắng dịu và an trú ở trên một đề mục. Khi tâm có sự an tịnh nhờ sự thực hành thiền hay thở hay một đề mục khác hành giả có thể chuyển qua thực hành thiền quán. Và khi chuyển qua thực hành thiền quán, hành giả hướng tâm đến đề mục theo chân đế đó là danh pháp và sắc pháp. Khi hướng tâm đến đề mục danh pháp và sắc pháp, hành giả đang làm sinh khởi và phát triển chi phần sammāsaṅkappa chánh tư duy.
Khi chi phần sammāsaṅkappa chánh tư duy là sự hướng tâm đến danh pháp và sắc pháp, yếu tố thứ hai là sammādiṭṭhi chánh kiến sẽ làm việc. Chánh kiến là một yếu tố nhận biết rõ, phân biệt rõ đây là danh pháp, đây là sắc pháp, và ngoài danh pháp và sắc pháp ra thì không có một yếu tố hay một bản thể, thực thể nào trường tồn. Cho nên khi hành giả thực hành như vậy, hành giả đang làm sinh khởi và phát triển hai chi phần thuộc về tuệ đó là chánh kiến và chánh tư duy. Trong kinh điển có rất nhiều phương pháp để thực hành đề mục thiền vipassana thiền tuệ. Có những phương pháp hướng chánh tư duy đến āyatana xứ, có phương pháp hướng chánh tư duy đến giới dhātu,…Trong bài kinh Āditta sutta này, hành giả hướng chánh tư duy đến āyatana xứ, xứ ở đây như Ngài vừa đề cập là sáu giác quan, sáu trần cảnh làm đối tượng của sáu giác quan.
Và chúng ta nên hiểu một cách đơn giản là sáu xứ hay mười hai xứ, từ pali là āyatana ở đây là sáu nhóm mà Ngài vừa mới đề cập ở trên. Và chỉ đơn giản hãy hiểu rằng thứ nhất đó là sáu giác quan, sáu yếu tố trần cảnh bên ngoài và sáu thức là sự nhận biết. Cho nên liên quan đến nhóm thứ nhất đó là mắt, hình ảnh để mắt nhìn thấy và sự nhận biết hình ảnh đó là ba yếu tố của nhóm đầu tiên.
Khi hành giả ngồi thiền có thể nhận biết rõ những yếu tố nó thuộc về thân. Chẳng hạn như yếu tố bên ngoài là ghế, là sàn nhà, là thảm chúng ta ngồi. Yếu tố bên trong đó là chân, hay là mông của mình, hay là đầu gối. Đó là yếu tố bên trong thuộc về thân. Khi yếu tố bên trong thuộc về thân nó tiếp xúc với sàn nhà, cái ghế, cái thảm sẽ có sự nhận biết đối với những vật xúc chạm đó. Sự nhận biết đó gọi là thân thức
Và khi hành giả ngồi ở trên ghế, trên thảm hay trên sàn nhà một thời gian như là 20 phút, 30 phút sẽ cảm thấy nóng ở trong thân. Yếu tố nóng đó là yếu tố lửa thuộc về tứ đại. Khi hành giả cảm nhận sự nóng ở trong thân nó khởi sinh lên sau một khoảng thời gian ngồi 20 phút, 30 phút có thể gọi là mũi tên thứ nhất nó khiến cho hành giả cảm thấy nóng nảy và đau nhức ở trên thân. Cho nên đối với các bậc Thánh cũng có những cảm giác đau nhức khi ngồi lâu như vậy, nhưng các Ngài không có bị thiêu đốt bởi ngọn lửa tham, lửa sân, lửa si,.. 11 ngọn lửa giống như được đề cập trong bài kinh Āditta sutta này, và các Ngài đã không có chịu sự đau nhức bởi mũi tên thứ hai. Sở dĩ những bậc Thánh không có chịu mũi tên thứ hai là vì các Ngài đã phát triển rất đầy đủ chi phần chánh kiến, còn đối với những phàm nhân là những hành giả đang thực hành thiền tuệ thì phải làm như thế nào. Thay vì nhìn cái tướng chung như là cái ghế, cái thảm, cái sàn nhà hay là đối với thân thì nhìn thấy đầu gối, nhìn thấy chân theo tục đế. Mà hành giả nên quan sát những cảm thọ nó đang khởi sinh lên do sự tiếp xúc bởi thân và sàn nhà, hay yếu tố bên ngoài. Hoặc hành giả có thể quan sát yếu tố nóng nó đang khởi sinh lên ở trên thân mà không có quan sát theo tục đế cho rằng do sàn nhà tiếp xúc với chân của mình, nó mới tạo ra như vậy. Hành giả chỉ đơn thuần quan sát đặc tính nóng ở trên thân mà thôi.
Cho nên một hành giả làm sinh khởi và phát triển chánh kiến thì thay vì có những cảm giác đau nhức, nóng nảy nó khởi sinh lên như vậy, hành giả đứng dậy xả thiền, không có tiếp tục hành nữa, thì hãy nên tiếp tục quan sát để thấy rõ bản chất thực của những yếu tố nóng nảy đó, những yếu tố đau nhức đó và đồng thời cũng hãy thấy rõ bản chất thực đó là nó luôn thay đổi biến hoại vô thường, đó là khổ, vô ngã không phải ta, của ta. Nếu như hành giả có thể quan sát được như vậy là hành giả khiến cho tâm nó theo mình chứ không có khiến cho mình theo tâm. Và khi để cho mình nó chạy theo tâm đồng nghĩa với làm cho 11 ngọn lửa nó bốc cháy. Và nếu như để cho tâm nó theo mình thì hành giả có thể dập tắt 11 ngọn lửa như đề cập ở trong bài kinh này. Và khi hành giả phát triển chánh kiến, có thể phân biệt được đây là danh pháp đây là sắc pháp, có thể thấy rõ nguyên nhân làm khởi sinh lên danh pháp và sắc pháp, có thể thấy rõ những đặc tính chung là vô thường khổ và vô ngã của danh pháp và sắc pháp. Như vậy hành giả có thể phát triển các mức độ trí tuệ của thiền tuệ càng ngày càng cao hơn và có thể dẫn đến sự nhàm chán đối với danh pháp và sắc pháp
Trong bài kinh Āditta sutta bài kinh bốc cháy này Đức Phật chỉ đề cập đến hai loại trí tuệ mà thôi, và từ pali được sử dụng ở trong bài kinh này. Thứ nhất là Evaṃ passaṃ và từ thứ hai đó là nibbindati. Evaṃ passaṃ có nghĩa là hành giả nhìn thấy như vậy, còn nibbindati có nghĩa là nhàm chán. Đây là hai từ mà diễn tả những trí tuệ ở trong thiền tuệ. Chúng ta có thể tìm thấy hai từ này rất là nhiều ở trong các bài kinh. Chú giải cũng như phụ chú giải đã giải thích rất là nhiều với nhiều phương pháp khác nhau. Nhưng ở đây Ngài tam tạng chỉ tóm tắt lại để cho chúng ta hiểu hai phương pháp
Phương pháp thứ nhất đó là Taruṇa là những trí tuệ non yếu và thứ hai là balavā là những trí tuệ trưởng thành. Ở trong những tầng tuệ của thiền tuệ thì bốn loại trí tuệ đầu tiên đó là trí tuệ phân biệt danh pháp và sắc pháp nāmarūpaparicchedañāṇa đó là trí tuệ thứ nhất ở trong thiền tuệ là trí tuệ căn bản nhất. Trí tuệ thứ hai đó là trí tuệ thấy rõ nhân duyên làm khởi sinh lên danh pháp và sắc pháp nāmarūpapaccayapariggahañāṇa. Trí tuệ thứ ba đó là sammasanañāṇa trí tuệ thẩm sát là trí tuệ hiểu biết về vô thường, khổ và vô ngã. Trí tuệ thứ tư là trí tuệ sinh diệt của danh pháp và sắc pháp udayabhayañāṇa. Đó là bốn trí tuệ đầu tiên ở trong 16 tầng tuệ của của thiền tuệ. Và bốn trí tuệ đầu tiên này là phần đầu của lộ trình tuệ giác cho nên được gọi là Taruṇañāṇa vẫn còn non yếu. Và những trí tuệ phía sau gọi là balavāñāṇa là những trí tuệ trưởng thành
Trong bài kinh này, trước hết Đức Phật dùng từ Evaṃ passaṃ và từ thứ hai đó là nibbindati. Đây là hai từ mà như Ngài đã trình bày đó là hai trí tuệ đã đề cập ở trong bài kinh Āditta sutta này. Khi ta so sánh hai loại trí tuệ này với 16 tầng tuệ thì tuệ thứ nhất được đề cập ở trong bài kinh này Evaṃ passaṃ chỉ bốn tầng tuệ đầu tiên của 16 tầng tuệ trong thiền tuệ. Và từ thứ hai nibbindati là trí tuệ dẫn đến nhàm chán chỉ cho những trí tuệ phía sau của 16 tầng tuệ và điển hình là từ trí tuệ kinh sợ bhayañāṇa cho đến trí tuệ anuloma trí tuệ thiền tuệ thuận thứ là trí tuệ mà ở phía trước đạo tuệ và quả tuệ.
Trong 16 tầng tuệ có một trí tuệ gọi là bhaṅgañāṇa tuệ hoại diệt của danh pháp và sắc pháp không thấy đề cập ở trong trường hợp mà Ngài tam tạng mới đề cập, và trí tuệ gọi là tuệ hoại diệt bhaṅgañāṇa nó cũng là cái phần của trí tuệ sinh diệt bởi vì trong trí tuệ sinh diệt có trí tuệ diệt hay là vaya là diệt. Cho nên trí tuệ hoại diệt bhaṅgañāṇa ở trong 16 tầng tuệ có thể bao gồm ở trong trí tuệ sinh diệt luôn. Chính vì vậy mà chú giải không có đưa vào ở trong hai giai đoạn trí tuệ ở trong bài kinh này bởi vì nó đã được bao gồm ở trong trí tuệ sinh diệt rồi.
Đó là phương pháp thứ nhất mà chú giải đã đề cập. Phương pháp thứ hai chú giải giải thích rằng nibbindati được đề cập ở trong bài kinh Āditta sutta này gọi là trí tuệ vutthāna-gāminī-ñāṇa trí tuệ dẫn đến sự giải thoát. Đây là trí tuệ rất là cao và chú giải giải thích rằng trí tuệ này bao gồm trí tuệ saṅkhārupekkhāñāṇa là tuệ hành xả hay tuệ hữu vi xả nghĩa rằng trí tuệ có sự quân bình đối với những pháp hữu vi và trí tuệ thuận thứ là trí tuệ nằm ngay phía trước trí tuệ chuyển tánh, trước đạo tuệ và quả tuệ. Đây là hai tuệ được bao gồm ở trong chữ nibbindati trong bài kinh Āditta sutta bài kinh bốc cháy mà Ngài tam tạng đang giảng. Như vậy trong bài kinh này, trí tuệ đầu tiên đó là Evaṃ passaṃ Đức Phật sử dụng cái chữ Evaṃ passaṃ là một hành giả thấy như vậy. Đây là một loại trí tuệ mà theo phương pháp thứ hai này thì trí tuệ này bao gồm từ trí tuệ đầu tiên đó là trí tuệ phân biệt danh sắc cho đến trí tuệ quan sát lại đó là tuệ mà nằm ngay ở phía trước tuệ hành xả. Từ tuệ đầu tiên tuệ cơ bản nhất đó là tuệ danh sắc cho đến trí tuệ quan sát lại paṭisaṅkhāñāṇa là bao gồm trong trí tuệ Evaṃ passaṃ thấy như vậy được Đức Phật đề cập ở trong bài kinh này. Đó là hai phương pháp mà ở trong chú giải đã giải thích để cho chúng ta hiểu thêm vì sao Đức Phật Ngài không có đề cập và giải thích một cách đầy đủ, cho nên trong chú giải các Ngài trưởng lão chú giải và phụ chú giải đã giải thích để cho chúng ta hiểu rõ hơn
Sở dĩ Đức Phật không có giải thích một cách cặn kẽ, đầy đủ giống như ở trong chú giải là bởi vì đối với những hành giả sau khi có được trí tuệ phân biệt danh pháp và sắc pháp có thể biết rõ những nhân duyên khởi sinh lên danh pháp và sắc pháp, những đặc tính chung của danh pháp và sắc pháp là vô thường, khổ và vô ngã thì những người có căn cơ, trình độ cao có thể đạt đến trí tuệ giải thoát rất là nhanh. Cho nên Đức Phật từ chỗ ngài dùng Evaṃ passaṃ thì Ngài đã không có đề cập một cách chi tiết mà Ngài sử dụng luôn chữ nibbindati là chỉ những trí tuệ thiền tuệ cao hơn.
Đối với những hành giả mà khi trải qua tiến trình thiền tuệ cho đến giai đoạn nhàm chán mà Đức Phật sử dụng từ nibbindati thì Ngài dạy rằng Nibbindaṃ virajjati vì nhàm chán cho nên dẫn đến tâm không còn tham ái nữa virajjati là tâm không còn tham ái nữa và ở giai đoạn này chú giải dạy rằng đó là lúc Thánh đạo tuệ sinh khởi đặc biệt là Thánh đạo tuệ A ra hán cho nên đã loại trừ được tham ái.
Sau khi đạt đến Thánh đạo tuệ từ Thánh đạo tuệ Nhập lưu cho đến A ra hán thì Đức Phật Ngài sử dụng cụm từ virāgā vimuccati vì tâm không còn tham ái cho nên giải thoát. Giải thoát ở đây là chỉ bốn Thánh đạo quả Nhập lưu, Nhất lai, Bất lai và A ra hán. Trong bài kinh này sau khi ba anh em đạo sĩ Kassapa cùng với những đệ tử của mình nghe Đức Phật thuyết xong bài kinh này đã trở thành những bậc Thánh A ra hán ở trong giáo pháp của Đức Phật
Khi ba anh em đạo sĩ Kassapa cùng với những đệ tử của mình đã trở thành những bậc Thánh A ra hán đồng nghĩa các vị đó đã dập tắt được 11 ngọn lửa mà được Đức Phật đề cập ở trong bài kinh này. Chúng ta là những hành giả đệ tử của Đức Phật đang thực hành những lời dạy của Ngài thì chúng ta cũng nên thực hành theo gương của ba anh em Kassapa. Nếu như chúng ta không có dập tắt hết 11 ngọn lửa được Đức Phật đề cập ở trong bài kinh này lửa tham, sân, si,.. cho đến lửa sanh già chết, sầu, bi khổ ưu não thì chúng ta có thể làm giảm bớt đi lửa đó ở trong tâm của mình, nhờ vậy không có cảm nhận sự nóng bức, thiêu đốt bởi những ngọn lửa đó.
Ngay bây giờ chúng ta sẽ thực hành đề mục hơi thở vào hơi thở ra. Như mọi khi chúng ta ngồi với lưng thẳng, cổ thẳng không có gồng mình, không có căng thẳng mà hãy thư giãn toàn thân. Hướng tâm đến hơi thở vào hơi thở ra ở lỗ mũi, quan sát hơi thở vào hơi thở ra ở điểm tiếp xúc của hơi thở và lỗ mũi. Quan sát rõ biết rõ hơi thở đi vào, đi ra từ đầu đến cuối hơi thở để phát triển định tâm ở trên hơi thở. Khi quan sát như vậy, có đối tượng nào phát sinh qua 6 giác quan, tai mắt mũi lưỡi thân và ý thì hành giả hãy đừng quan tâm và để ý đến những đối tượng đó mà chỉ cần tập trung trở lại hơi thở vào hơi thở ra. Tiếp tục quan sát từ đầu đến cuối hơi thở tại điểm tiếp xúc lỗ mũi và hơi thở. Ta làm như vậy nhưng không phản ứng, không có những suy nghĩ phản ứng với những đối tượng đó mà chỉ đơn giản quay tâm về quan sát hơi thở vào hơi thở ra ở điểm tiếp xúc với lỗ mũi mà thôi.
Sau đây ngài sẽ đọc kinh chúc phúc cho chúng ta để cầu nguyện cho đại dịch Covid sớm chấm dứt đồng thời cầu chúc cho tất cả các Phật tử ở trong hội chúng nghe pháp này cùng với thân quyến cũng như là cho tất cả người dân Việt Nam cũng như trên thế giới được nhiều sức khỏe an vui và đặc biệt là có thể thuận duyên trong sự thực hành thiền định và thiền tuệ để dập tắt 11 ngọn lửa phiền não mà Đức Phật đã đề cập trong bài kinh bốc cháy.
Và để kết thúc bài pháp thoại hôm nay chúng ta cùng nhau phát nguyện cho Phật Pháp được trường tồn bằng câu pali
Buddasasanam ciram titthatu (3 lần)
Bài Pháp được Ngài Đại Trưởng Lão Tam Tạng 10 thuyết ngày 26/12/2021, Sư Thiện Đức (tiến sĩ Phật học) hỗ trợ chuyển ngữ tiếng Việt và bạn Đào Duy Thắng tốc ký bản text.