Tìm Hiểu Vì Sao Cũng Là Người Nhưng Không Giống Nhau? Ngài Đại Trưởng Lão Tam Tạng 10 Thuyết
Hôm nay là ngày 2/10/2021, với mục đích để cho các Phật tử Việt Nam học hỏi và hiểu thêm Phật Pháp, qua đó có thể tu tập để mang lại lợi lạc an vui cho chính mình, cho gia đình và cho xã hội. Ngoài ra, trong mùa dịch này cũng là cơ hội để ta tinh tấn hơn, để vượt qua đại dịch; cũng như qua sự tu tập đó, ta sẽ thực hành những lời Phật dạy, có thể giác ngộ giải thoát. Để bắt đầu thời pháp hôm nay, Ngài sẽ tụng 1 bài kệ trong bài kinh Ratana-sutta để chúc phúc cho tất cả mọi người trong thời pháp ngày hôm nay.
Ở trên thế giới hiện tại dân số rất đông, mặc dù là người với nhau nhưng nghiệp lực và nghiệp quả không ai giống ai cả, mỗi người 1 kiểu. Chính vì thế, hôm nay Ngài tiếp tục giảng về nghiệp với tiêu đề “cũng là người nhưng nào có giống nhau” do quả của nghiệp khác nhau.
Có 4 nhân tố cơ bản khiến con người có nghiệp quả khác nhau. Nghiệp (kamma), trí tuệ (ñāṇa), tinh tấn (vīriya) – 3 nhân tố này là cơ bản. Tuy nhiên trong đời sống hàng ngày, 1 người thường làm thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp cũng khác nhau, thế nên có yếu tố thứ 4 là sự thực hành (payoga). Qua 4 nhân tố căn bản này khiến cho người này khác với người kia. Bài pháp hôm nay liên quan đến 1 số Phật ngôn (bài kinh) mà Ngài sẽ trích dẫn để giải thích sự khác biệt của nghiệp quả khiến người này khác với người kia như thế nào. Bài kinh thứ nhất là Cūḷakammavibhaṅga-sutta (Tiểu Kinh Phân Biệt Nghiệp) ở trong Trung Bộ Kinh, bài kinh số 135. Kinh này còn được gọi là Subha-sutta mà Đức Phật dạy cho chàng thanh niên Subha là hạng người hỏi về nghiệp quá khứ. Bài kinh thứ 2: Siṅgālovāda-sutta là bài kinh 31 trong Trường Bộ Kinh – kinh Giáo Hóa Thanh Niên Siṅgālaka. Và kinh Vāseṭṭha ở Trung Bộ Kinh, bài kinh số 98, cũng như trong Sutta-nipāta (Kinh Tập). 2 bài kinh này Đức Phật giảng cho hạng người hỏi về nghiệp hiện tại như thanh niên Siṅgālaka và thanh niên Vāseṭṭha. Bài kinh Dīghajāṇu trong Aṅguttara-nikāya (Tăng Chi Bộ Kinh), Tập 8 Pháp, Đức Phật giảng về nghiệp quá khứ và hiện tại, hướng tới lợi ích cho cả đời sống hiện tại và trong tử sinh luân hồi, tức là trong đời này và đời sau.
Trong bài kinh Dīghajāṇu thuộc Tăng Chi Bộ Kinh, Đức Phật đề cập rất rõ 8 yếu tố để 1 người có sự an lạc ở đời này và đời sau. Trong 8 yếu tố này có 4 yếu tố khiến cho 1 người có thể an lạc đời này là: uṭṭhānasampadā – siêng năng, không biếng nhác, ārakkhasampadā – biết giữ gìn, bảo vệ của cải tài sản, kalyāṇamittatā – thiện bạn hữu, samajīvitā – biết cân bằng trong thu chi. Đây là 4 yếu tố để 1 người có sự an lạc ở đời này. Có 4 yếu tố mang lại an lạc cho đời sau: saddhāsampadā – đức tin (tin vào sự giác ngộ của Đức Phật), sīlasampadā – có giới hạnh, tức là luôn giữ ngũ giới trong sạch, cāgasampadā – có thí, tức là rộng lượng, xẻ chia của cải, vật chất với tha nhân, paññāsampadā – có trí tuệ, tức tuệ Minh Sát Vipassanā, Đạo Tuệ dẫn đến chấm dứt khổ sinh, già, bệnh, chết. Đó là 4 yếu tố để giúp 1 người có được sự hạnh phúc, an lạc ở đời sau.
Trước hết, Ngài sẽ giải thích về bài kinh Tiểu Kinh Phân Biệt Nghiệp.
Vào thời Đức Phật, có 1 Bà-la-môn giàu có tên là Todeyya mà Ngài (Tam Tạng) đã đề cập trong bài pháp trước. Người này sống ở một ngôi làng gần thành Sāvatthī, nơi Đức Phật và Tăng Đoàn cư ngụ thường xuyên ở đó. Mặc dù ở gần Đức Phật, ông triệu phú có hơn 870 triệu đồng tiền vàng này là người tà kiến không tin vào nghiệp và quả của nghiệp, không có đức tin nơi Tam Bảo. Ông ấy rất keo kiệt, không lần nào cúng dường đến Đức Phật và Tăng Đoàn khi Ngài đi khất thực. Ông không có niềm tin vào Đức Phật vì ông nghĩ rằng ông sẽ tự động tái sinh vào cảnh giới Phạm thiên; chính vì vậy không những keo kiệt không bố thí, ông ấy còn có những thái độ bất thiện đối với Đức Phật và Tăng Đoàn.
Trong kinh nói rằng, khi ông tuổi già và lâm bệnh nặng, vì ông rất keo kiệt bủn xỉn nên trước khi chết, tâm của ông đã dính mắc vào những tài sản của mình; cộng với những ác nghiệp đã tạo tác, ông tái sinh làm 1 con chó trong ngôi nhà của mình sau khi ông chết.
Trong nhà mình, vẫn sống chung với người con trai là thanh niên Subha; thanh niên này cũng rất yêu thương con chó, ăn chung ngủ chung với con chó. 1 ngày nọ Đức Phật đi khất thực và đứng trước cửa nhà của thanh niên Subha. Con chó thấy Đức Phật đứng trước cửa, không muốn cho đi vào nên đứng chặn cửa sủa. Đức Phật biết tiền thân con chó là ông Todeyya, nên Đức Phật nói “này Todeyya, lúc là người ông cứ gọi ta là Sa-môn Gotama, Sa-môn Gotama, giờ làm kiếp chó vẫn còn sủa ta, kiếp sau ngươi chắc chắn đoạ xuống địa ngục”. Nghe Đức Phật nói vậy, con chó chạy vào nhà.
Sau khi vào nhà, con chó không nằm ở chỗ thường nằm, nó vào xó bếp nằm trên đống tro, rất buồn rầu. Chàng thanh niên Subha về thấy con chó nằm trong xó bếp thì hỏi tại sao, người trong nhà mới tường thuật lại câu chuyện con chó gặp Đức Phật, Đức Phật nói thế nào mà nó khổ tâm rồi vào nằm trong xó bếp.
Khi chàng thanh niên Subha nghe nói vậy, anh ta rất tức giận bởi nghĩ rằng cha mình đã đầu thai làm Phạm thiên rồi, sao là con chó như Đức Phật nói được. Anh ta không chấp nhận, nên đã đến chỗ Đức Phật và chất vấn Ngài. Đức Phật rất bình tĩnh và nói rằng, “này chàng thanh niên, của cải mà cha cậu để lại cậu có biết có bao nhiêu không và những của cải vàng bạc mà cậu chưa biết là còn bao nhiêu không?” Chàng thanh niên nói rằng có những thứ vàng bạc mà cha của cậu ta không nói gì trước lúc lâm chung, mặc dù cậu ta biết là có. Để chứng minh con chó chính là cha của thanh niên Subha, Đức Phật dạy cậu ta hãy về nấu cơm với sữa và nước mía rồi cho con chó ăn. Sau khi ăn xong để cho nó ngủ nửa tỉnh nửa mê rồi mới hỏi nó nếu có những của cải châu báu được cất dấu ở chỗ nào thì hãy chỉ cho cậu. Chàng thanh niên làm theo, và khi cho con chó ăn xong, cho nó lên giường ngủ, đến lúc nửa tỉnh nửa mơ cậu ta hỏi con chó, và con chó tỉnh dậy sủa rồi dẫn cậu ta đến chỗ mà người cha ngày xưa chôn dấu của cải vàng bạc. Lúc này chàng thanh niên mới tin lời Đức Phật nói là đúng.
Theo truyền thống ngày xưa, trước khi Đức Phật xuất hiện trên thế gian, thì có những quan điểm cho rằng những Bà-la-môn sau khi chết chắc chắn tái sinh vào cõi Phạm thiên, nên những người Bà-la-môn bấy giờ tin như vậy. Thanh niên Subha cũng tin như vậy, nên đã nghĩ cha mình chắc chắn sinh vào cõi Phạm thiên. Nào ngờ bây giờ lại sinh thành kiếp chó. Cậu ta rất thắc mắc, và đã quan sát những người trong làng cậu đang sinh sống, cũng như trong những làng mà cậu ta từng đi qua. Với nhiều băn khoăn, chàng thanh niên tìm đến gặp Đức Phật và có 14 điều thắc mắc cậu ta muốn hỏi. Đây là những thắc mắc kể từ khi chàng phát hiện ra những sự thật xảy ra trong nhà mình.
Thế là lần thứ 2, chàng thanh niên đến gặp Đức Phật và hỏi tại sao cũng là người, nhưng người này hơn người kia. Cậu ta đã đặt ra 14 câu hỏi, bao gồm 7 cặp: (1) ở đời, tại sao có người đoản thọ và có người thì trường thọ, (2) tại sao có người nhiều bệnh và có người thì ít bệnh, (3) tại sao có người xấu xí và có người thì đẹp đẽ, (4) tại sao có người ít quyền thế và có người thì nhiều quyền thế, (5) tại sao có người nghèo khổ và có người thì giàu có, (6) tại sao có người thấp hèn và có người thì cao sang, và (7) tại sao có người ngu đần và có người thì thông minh?
Từ 14 câu hỏi này, trong đời sống chúng ta cũng có thể có thêm nhiều câu hỏi khác, như tại sao có người mập và người ốm, người cao và người thấp… và cũng có những câu hỏi khác tương tự.
Để trả lời 14 câu hỏi đó, với trí tuệ của 1 bậc Toàn Giác, Đức Phật đã tóm tắt cho chàng thanh niên: “kammassakā, māṇava, sattā kammadāyādā…”, nghĩa là: “các chúng sinh có nghiệp thiện hay bất thiện là tài sản riêng, tài sản thừa kế… của mình” với những thiện nghiệp hay ác nghiệp đó các chúng sinh sẽ mang theo từ kiếp này đến kiếp sau. Những của cải, tài sản và vật chất mà mình làm ra, dù nhiều bao nhiêu nữa, nhưng chết đi không mang theo được, phải để lại thế gian này. Chỉ có những nghiệp thiện và bất thiện mà mình đã tạo ra thì luôn đi theo mình. Nên Đức Phật dạy “Kammassakā” – “các chúng sinh có nghiệp là tài sản riêng của mình”.
Đức Phật giảng tiếp rằng “Kammadāyādā” – “các chúng sinh có nghiệp như là của thừa hưởng”. Như chúng ta đã biết, ở trên đời mỗi người có thể nhận của thừa hưởng do cha mẹ để lại. Cha mẹ làm ra của cải tài sản và trước khi qua đời họ để lại cho con cái, đây gọi là của thừa hưởng. Có những của thừa hưởng như vậy mà không tiếp tục làm việc có ích, chỉ biết ăn chơi và tiêu xài của cải thừa hưởng đó, thì rồi cũng hết. Cho nên, đó là của cải thừa hưởng không thật sự của riêng mình. Chỉ có nghiệp mới thật sự là tài sản thừa hưởng của riêng mình. Một người phàm có thể làm việc thiện và bất thiện; tạo những nghiệp bất thiện do tâm ô nhiễm bởi tham sân si, và tạo những thiện nghiệp như bố thí, giữ giới, hành thiền với tâm vô tham, vô sân, vô si. Tất cả nghiệp này sau khi chết cho quả tái sinh vào cõi khổ nếu là bất thiện nghiệp, và cho quả tái sinh vào cõi lành nếu là thiện nghiệp. Chính những thiện nghiệp hay bất thiện nghiệp mới là tài sản thừa kế thật sự. Như trường hợp của Ngài Bākula được nói ở trong kinh. Vào thời Đức Phật còn tại thế, Trưởng lão là người sống rất trường thọ, sống 160 tuổi. Vì tiền kiếp của Trưởng lão giữ giới rất trong sạch và chữa bệnh cho rất nhiều người, nên trong kiếp cuối cùng, sau khi thành bậc thánh A-ra-han, Ngài sống tới 160 tuổi. Đây là của cải thừa hưởng từ việc giữ giới, hành thiền và giúp đỡ sức khỏe cho người khác, nên kiếp này Ngài mới sống lâu như vậy. Những nghiệp khác cũng tương tự như thế, tùy vào thiện hay ác mà để lại của thừa hưởng cho chúng sinh; nếu là bất thiện thì để lại của thừa hưởng xấu khổ, nếu là thiện thì để lại của thừa hưởng tốt đẹp và an vui.
Và Đức Phật tiếp tục rằng: “Kammayonī” – các chúng sinh có nghiệp là nguyên nhân sinh ra mình (nghiệp là thai tạng). Yoni ở đây nghĩa là nguyên nhân chính để tạo ra 1 chúng sinh. Vì 1 chúng sinh tạo nghiệp mà khiến cho chúng sinh đó tái sanh vào 1 cảnh giới nào đó tùy vào nghiệp lực của chúng sinh ấy. Giống như tạo nghiệp bất thiện thì cho quả tái sinh vào cõi khổ, tạo nghiệp thiện thì tái sinh vào cảnh giới an vui như cõi người và cõi trời. Đức Vua Asoka rất có công với Phật giáo, đã tôn tạo rất nhiều chùa, tháp và hồ nước để cúng dường đến Tam Bảo, nhưng khi băng hà với tâm không hài lòng (tâm sân) nên đã tái sanh vào cảnh giới súc sinh làm 1 con trăn. Điều đó cho thấy rằng chúng sinh trước khi chết thì cái tâm cận tử nghiệp rất quan trọng. Nó như là 1 âm thanh tạo ra tiếng vang; nếu trong vách núi chúng ta tạo ra 1 âm thanh thì nó vọng lại âm thanh tương tự. Cũng vậy, Đức Vua trước lúc lâm chung có tâm không hài lòng, nên nó tạo ra 1 tiếng vang tái sinh vào cảnh giới đọa xứ, tái sinh làm 1 con trăn. 1 chúng sinh trước khi chết có những tâm thiện hay bất thiện thì sẽ làm nhân để tạo ra quả lành hay dữ trong kiếp tương lai, quả đó gọi là tâm tái sinh (paṭisandhi-citta, kiết sinh thức, tâm tái tục). Nên trong Thập Nhị Nhân Duyên có 1 mắt xích là “Saṅkhāra-paccayā viññānaṃ” – “hành duyên thức”. “Hành” ở đây là nghiệp thân, khẩu và ý; thức là thức tái sinh, tức là tâm kết nối giữa kiếp này và kiếp sau.
Cách đây mấy năm, Ngài Tam Tạng cùng với 1 số Chư Tăng Việt Nam cũng như các Phật tử Việt Nam ở Úc và ở Việt Nam sang thăm 1 bảo tháp bên Tích Lan (Srilanka). Đây là 1 đại bảo tháp do nhà vua xứ Tích Lan tên là Duṭṭhagāmiṇi tạo dựng để cúng dường Tam Bảo. Nhà vua khi còn là một thanh niên đã tạo rất nhiều nghiệp sát sinh. Trước khi băng hà, nhà vua đã nhớ lại các nghiệp sát sinh ấy, và có 1 vị Sư biết được điều đó nên đã nhắc nhở nhà vua hãy nhìn vào bảo tháp và tưởng nhớ đến Ân Đức của Phật. Nhà vua làm theo và niệm tưởng “Buddha, Buddha, Buddha” khi nhìn vào bảo tháp. Nhờ vậy mà tạo ra những tâm đại thiện dục giới, và chính những tâm đại thiện dục giới này khiến nhà vua không nhớ những bất thiện nghiệp sát sinh trong quá khứ nữa. Cho nên, sau khi băng hà, nhà vua đã tái sinh vào cõi trời dục giới, ở trong 1 lâu đài nguy nga tráng lệ. Qua đó nói lên rằng, dù trước đó làm nhiều bất thiện nghiệp và khi sắp chết nhớ đến các bất thiện nghiệp đó, nhưng khi có 1 thiện nghiệp khác được thực hiện thì các bất thiện nghiệp trong quá khứ không tái hiện trong tâm nữa. Nhà vua ra đi với tâm đại thiện dục giới thông qua sự tưởng niệm Ân Đức của Phật và đã tái sinh vào cõi trời dục giới. Thế nên, tâm thức trước khi chết của 1 người rất quan trọng, là nhân duyên dẫn dắt tái sinh vào kiếp sau. Nếu là tâm bất thiện thì tái sinh vào 4 cõi dữ (địa ngục, ngạ quỹ, súc sinh, asura), nếu là tâm thiện thì tái sinh vào cảnh giới an vui như cõi người hay cõi trời.
Đức Phật dạy tiếp rằng: “Kammabandhū” – “các chúng sinh có nghiệp là bà con thân quyến của mình”. Nghiệp chính là thân quyến của mỗi chúng sinh. Mặc dù mỗi chúng sinh như ở cõi người thì đều có bà con thân quyến của mình, nhưng chỉ là tạm thời. Nghiệp mới là bà con thân quyến thật sự. Vì sao? 1 người sinh ra trên đời rồi sẽ già, bệnh và chết. Chết vì nguyên nhân nào đó (bệnh tật, ốm đau, tai nạn…), chết cách nào đi nữa thì người thân cùng lắm chỉ đưa mình đến nghĩa trang mà thôi, thậm chí bây giờ dịch bệnh thế này thì chưa chắc đã đưa đến được. 1 người làm bất thiện nghiệp thì chính bất thiện nghiệp đó dẫn dắt người đó tái sinh vào 4 cõi khổ. Chính bất thiện nghiệp đó mới là thân quyến của họ, đưa tiễn họ đến cõi dữ. Tương tự như thế, nếu mình làm thiện nghiệp thì chính thiện nghiệp đó sẽ cho quả tái sinh, là thân quyến và họ hàng đưa mình đến cảnh giới an vui. Không có thân quyến và bà con nào ở đời này mà đi theo mình từ kiếp này sang kiếp khác được, thậm chí đưa ra nghĩa trang thôi cũng chưa chắc đưa được. Vì vậy, thân quyến thật sự của mỗi chúng sinh chính là nghiệp vậy.
Đức Phật dạy tiếp rằng, “Kammappaṭisaraṇā” – “các chúng sinh có nghiệp là nơi nương nhờ của mình”. Nương nhờ có 2 phương diện: (1) nương nhờ trong Giáo Pháp, tức là chúng ta thọ trì Tam Quy – “Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi, Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi, Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.” (Con đến nương tựa nơi Đức Phật, con đến nướng nhờ nơi Đức Pháp, con đến nương nhờ nơi Đức Tăng). Từ “saraṇaṃ” nghĩa là “nơi nương tựa / nơi nương nhờ”. Chúng ta phát nguyện tiếp cận Đức Phật như là nơi nương nhờ, tiếp cận Giáo Pháp như là nơi nương nhờ, và tiếp cận Chư Tăng như là nơi nương nhờ, để chúng ta học hỏi, thực hành Giáo Pháp của Đức Phật. Đó là 3 nơi nương nhờ. (2) Nương nhờ trong thiện pháp, đây là nơi nương nhờ thứ 4. Những nghiệp thiện qua hành động, lời nói, suy nghĩ, sự thực hành thân khẩu và ý thiện lành, chính là nơi nương nhờ bên vững. Đó là 4 nơi nương nhờ cao thượng đối với 1 Phật tử.
Người đặt câu hỏi là thanh niên Subha, khi đó chưa phải là Phật tử, nên Đức Phật trả lời “nghiệp chính là nơi nương tựa cho chính mình”, chứ Ngài không nói đến Phật Pháp Tăng vì thanh niên chưa hiểu về nương tựa Phật Pháp Tăng. Cho nên, Đức Phật chỉ trả lời nghiệp là nơi nương tựa của 1 chúng sinh.
Đức Phật tóm lại: “Kammaṃ satte vibhajati yad’idaṃ hīnappaṇītatāya” – “nghiệp phân chia chúng sinh thấp hèn hay cao thượng”. Bởi vì chỉ có nghiệp mới khiến cho 1 người hay 1 chúng sinh khi thì khỏe mạnh và khi ốm đau, khi thì đẹp và khi thì xấu… khi thì sinh ra ở cõi người, cõi chư thiên và khi thì đọa xuống 4 đường ác đạo, khi thế này khi thế kia. Cho nên, nghiệp phân chia chúng sinh thấp hèn hay cao thượng là như vậy.
Khi chàng thanh niên Subha hỏi 14 câu hỏi, nhưng Đức Phật chỉ trả lời tóm tắt rằng các chúng sinh có nghiệp là tài sản của mình, nghiệp là của thừa hưởng, nghiệp là nguyên nhân sinh ra họ, nghiệp là bà con thân quyến của họ, nghiệp là nơi nương nhờ của họ. Đức Phật trả lời 1 cách tóm tắt như vậy, bởi Ngài biết rằng cậu ta là con của 1 người Bà-la-môn, có những tư tưởng chưa đúng, cho rằng 1 Bà-la-môn chết rồi sẽ tái sinh vào cõi phạm thiên. Và vốn là 1 người Bà-la-môn thông hiểu Vệ Đà, có tâm ngã mạn, nên Đức Phật chỉ trả lời vắn tắt để cho cậu ta tò mò muốn hiểu biết thêm. Chàng thanh niên mới thưa rằng: “con chưa hiểu nhiều lắm, xin Đức Thế Tôn giải thích thêm cho con hiểu”.
Khi được thỉnh cầu, Đức Phật mới trả lời chi tiết 14 câu hỏi mà thanh niên Bà-la-môn đã hỏi. Với câu hỏi thứ nhất: tại sao có 1 số người trường thọ, 1 số người đoản thọ? Đức Phật trả lời rằng có 1 số người không yêu thương chúng sinh khác, thường hay sát hại chúng sinh khác vì nghề nghiệp, vì miếng ăn hoặc vì thù hận. Sự sát hại ấy khiến người đó sau khi thân hoại mạng chung tái sinh vào cảnh khổ; nếu tái sinh vào cõi người thì đoản thọ chết sớm. Còn với 1 số người có tâm thương yêu chúng sinh khác, không dễ dàng giết hại chúng sinh khác; người ấy từ bỏ sát sanh, sống không sát sanh; thì sau khi thân hoại mạng chung người ấy sinh lên cõi trời, nếu sinh vào cõi người thì người ấy sống trường thọ, sống dài lâu. Đó là câu hỏi thứ nhất mà Đức Phật đã trả lời.
Câu hỏi thứ 2: vì sao có người ít bệnh, có người nhiều bệnh? Đức Phật trả lời rằng ở trên đời có người hành hạ và làm khổ chúng sinh khác với gậy, với kiếm…; sau khi thân hoại mạng chung, người đó tái sinh vào đọa xứ, cảnh khổ; nếu tái sinh vào cõi người thì người đó bị nhiều ốm đau, bệnh tật. Ngược lại, nếu 1 chúng sinh không hành hạ và không làm khổ chúng sinh khác, thì sau khi chết sẽ tái sinh lên cõi trời với thiện nghiệp đó. Nếu tái sinh vào cõi người thì người đó khỏe mạnh, ít bệnh tật.
Câu hỏi thứ 3: tại sao có người xấu xí, có người đẹp đẽ? Đức Phật trả lời rằng ở trên đời có người dễ căm tức, tính hay bực bội dù chỉ bị nói 1 chút… Người đó sau khi chết có thể đọa vào cảnh khổ do nghiệp lực hay nóng giận; nếu tái sinh lại cõi người thì xấu xí, không xinh đẹp. Còn người nào không thường sân hận và bực bội, luôn vui vẻ và dễ chịu, thì sau khi chết sẽ tái sinh vào cảnh giới an vui; nếu tái sinh làm người thì người đó đẹp đẽ, xinh tươi.
Câu hỏi thứ 4: vì sao có người ít quyền thế, có người nhiều quyền thế? Đức Phật trả lời rằng ở trên đời có một số người hay ghen tị với người khác, ghen tị với sự giàu có, sắc đẹp và quyền lực của người khác. Sau khi chết, họ có thể tái sinh vào cõi khổ vì bản tính hay ghen tị đó; nếu tái sinh làm người thì ít quyền thế, ít ảnh hưởng. Còn 1 người không có tính ghen tị, luôn vui vẻ và hoan hỉ với người khác, với tài sản, sắc đẹp và quyền lực của người khác, thì với tâm muditā – tâm hoan hỉ đó, sau khi chết sẽ tái sinh vào cõi trời; nếu tái sinh làm người thì có nhiều quyền thế, nhiều ảnh hưởng.
Câu hỏi thứ 5: trên đời có người nghèo nàn, có người giàu có là vì sao vậy? Đức Phật trả lời rằng, ở trên đời có những người tính hay bủn xỉn, keo kiệt, không bố thí các bậc Sa-môn và Bà-la-môn, hoặc những người cần sự bố thí. Sau khi chết họ có thể tái sinh vào cõi khổ; nếu tái sinh làm người thì bị nghèo đói, khốn cùng. Còn người nào hay tạo phước bố thí cúng dường đến các Sa-môn và Bà-la-môn (trong Kinh thường nói về 10 vật dụng cúng dường như vật thực, chỗ ở, y phục, thuốc chữa bệnh, hoa, nước uống…; hoặc trong thời gian này, bố thí các vật dụng cần thiết đến những người khốn khó), thì sau khi thân hoại mạng chung người đó sẽ tái sinh vào cảnh giới an vui; nếu tái sinh vào cõi người thì trở thành người giàu có, nhiều của cải và làm ăn dễ dàng.
Câu hỏi thứ 6: vì sao trên đời có người thấp hèn, bần tiện, và có người thì quý phái, cao sang? Đức Phật trả lời rằng, ở trên đời có người tính hay ngã mạn, tự cao, không cung kính và đảnh lễ những bậc đáng cung kính, đáng đảnh lễ. Sau khi chết người đó sẽ tái sinh vào cõi khổ; nếu tái sinh ở cõi người thì vào trong các gia đình thấp hèn, bần tiện. Ngược lại, nếu có người với tính khiêm tốn, dễ dạy, cung kính những bậc đáng cung kính như cha mẹ, các bậc Sa-môn và Bà-la-môn, thì sau khi chết sẽ tái sinh vào cõi trời an vui; nếu tái sinh làm người thì được quý phái, cao sang. Vào thời Đức Phật, cơ bản có 4 tầng lớp: vua chúa, Bà-la-môn, thương gia và những người làm việc thấp kém. 4 tầng lớp này được tìm thấy khá nhiều ở trong Kinh. Trong số đó, tầng lớp được cho là cao quý nhất là tầng lớp vua chúa. Chính vì sự ngã mạn và tự cao mà các chúng sinh tái sinh vào những gia đình thấp hèn, hạ tiện. Chính vì tính khiêm tốn, dễ dạy, cung kính và đảnh lễ mà 1 người có thể sinh vào gia đình cao quý, sang cả. Nói gì ở cõi người, ở cõi súc sinh cũng vậy. Có những con vật mặc dù sinh làm voi, làm ngựa…. nhưng làm voi và ngựa… trong những gia đình quyền quý như gia đình vua chúa, được cao quý, sang cả. Đó là quả báu của tính khiêm tốn, dễ dạy, cung kính và đảnh lễ những bậc đáng cung kính và đảnh lễ.
Câu hỏi thứ 7: vì sao có người thiểu trí, có người thông minh? Đức Phật trả lời rằng ở trên đời có người không thân cận học hỏi các bậc thiện trí, không hỏi những câu hỏi như là: thế nào là thiện, thế nào là bất thiện, thế nào dẫn đến an vui, thế nào dẫn đến bất hạnh. Do không thân cận và học hỏi với các bậc thiện tri thức, nên người đó tạo tác những bất thiện nghiệp, và sau khi chết tái sinh vào cõi khổ; nếu sinh lại ở cõi người thì ngu đần, thiểu trí. Ngược lại, 1 người biết thân cận với bậc thiện trí, hỏi những câu hỏi mang lại lợi ích cho mình, sau khi thân hoại mạng chung người đó tái sinh vào cảnh giới an vui; nếu tái sinh vào cõi người thì thông minh, túc trí.
Đó là 14 câu hỏi mà thanh niên Subha đã hỏi và Đức Phật đã trả lời. Chú Giải của bài Kinh này đã giải thích thêm rằng tại sao sát sinh có thể khiến cho 1 chúng sinh không sống lâu và yểu thọ?
Chú Giải giải thích rằng, theo Vi Diệu Pháp có 4 loại nghiệp phân chia theo phương diện chức năng trỗ quả. 4 loại nghiệp đó, thứ nhất là Janaka-kamma – sinh nghiệp, tức là nghiệp có phận sự cho quả trong lúc tái sinh và trong thời kỳ sau khi tái sinh; thứ 2 là Upapīḷaka-kamma – kìm hãm nghiệp, tức là nghiệp kìm kẹp và hãm hại nghiệp đối nghịch và quả của nghiệp đối nghịch; thứ 3 là Upacchedaka-kamma (còn đước gọi là Upaghātaka-kamma) – sát hại nghiệp, tức là nghiệp có phận sự sát hại nghiệp khác, cắt đứt cơ hội trỗ quả, hoặc cắt đứt 1 phần hay toàn phần kết quả của nghiệp khác; và thứ 4 là Upathambhaka-kamma – hỗ trợ nghiệp, tức là nghiệp hỗ trợ nghiệp khác cho quả tái sinh kiếp sau, và có phận sự hỗ trợ nghiệp khác tồn tại. Đó là 4 loại nghiệp được phân chia theo chức năng trỗ quả.
Các chúng sinh nói chung, con người nói riêng, thường sống chung và bị chi phối bởi nghiệp; các nghiệp xen kẽ lẫn lộn nhau. Ví dụ, 1 Phật tử thường giữ giới, bố thí, hành thiền, hộ độ Tam Bảo, xây cốc liêu cúng dường chư Tăng… bên cạnh đó người này cũng lỡ tạo ra những bất thiện nghiệp như sát sinh vì 1 lý do nào đó. Với những nghiệp thiện và bất thiện xen kẽ như vậy, người đó chết với nghiệp thiện cho quả tái sinh ở cõi người và đầu thai vào lòng mẹ – đây là sinh nghiệp (Janaka-kamma); nhưng do nghiệp sát sinh trỗ quả sau đó, nên khi ở trong bào thai của người mẹ, người mẹ thường bị mệt nhọc, khó chịu, thậm chí khiến cho gia đình và người thân của thai nhi gặp những khó khăn về sức khỏe – đây là kìm hãm nghiệp (Upapīḷaka-kamma). Chính nghiệp bất thiện sát sinh đó đã kìm hãm nghiệp thiện trỗ quả tái sinh làm người và đầu thai vào lòng mẹ, làm ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người mẹ…
Có 1 câu chuyện để giải thích cho chúng ta rõ hơn. Vào thời Đức Phật, do quả nghiệp bất thiện trong quá khứ, có 1 cậu bé sinh vào 1 ngôi làng đánh cá. Sau đó, cả ngôi làng gặp khó khăn, không đánh bắt cá như trước kia được nữa. Người dân trong làng đã phân đôi và phân đôi các hộ dân để tìm xem ai làm cho ngôi làng khó khăn. Khi biết cậu bé này đã khiến cho ngôi làng và gia đình gặp nhiều khốn khó, người mẹ đành lòng xa rời cậu bé bằng cách đưa cho cậu 1 cái bát để đi xin ăn. Sau khi cậu bé đi thì ngôi làng và gia đình của cậu trở lại bình thường như trước.
Trong Kinh điển Pāli giải thích về kìm hãm nghiệp (Upapīḷaka-kamma) rất rộng, đặc biệt trong Chú Giải. Ở đây Ngài (Tam Tạng) chỉ nói tóm tắt về sự vận hành của kìm hãm nghiệp. Cậu bé này sau đó được xuất gia làm sadi. Tuy đã xuất gia, song vị sadi này cũng gặp khó khăn và thiếu thốn khi đi khất thực. Cho đến khi tu làm tỳ-khưu và nhập Niết-bàn vị ấy cũng không có được 1 bữa no. Nhưng cuối cùng, nhờ vị thầy của mình đi khất thực mà vị ấy đã ăn no 1 bữa cuối cùng, ngay trước khi tịch diệt Niết-bàn. Do sinh nghiệp (Janaka-kamma) thiện mà vị ấy sinh làm người, nhưng do kìm hãm nghiệp (Upapīḷaka-kamma) bất thiện đã kìm hãm kiếp người ấy, khiến cho vị ấy có một kiếp người đầy tai ương và khốn khó.
Loại nghiệp thứ 3 là Upaghātaka-kamma – sát hại nghiệp, là nghiệp có phận sự sát hại nghiệp khác, không cho nghiệp khác trỗ quả; có phận sự tiêu diệt 1 phần hoặc toàn phần nghiệp khác. Ví dụ, có 1 người bắn cung tên, thay vì bắn tới 100m nhưng do 1 ngọn gió, hay do người nào đó tác động vào cung tên, nên cung tên không bay được 100m. Tương tự như vậy, ở đời 1 người làm nhiều việc thiện, nếu như không có nghiệp nào can thiệp thì người này có thể sinh làm người và sống tới 80 hay 100 tuổi; nhưng do nghiệp khác cắt đứt nghiệp thiện cho quả sống lâu này, khiến nó thay vì kéo dài tuổi thọ đến 80 hay 100 tuổi thì người đó chỉ sống 30 hay 40 tuổi, hoặc mới sinh ra đã chết, hoặc chưa sinh ra đã chết. Đó là sự vận hành của Upaghātaka-kamma – sát hại nghiệp, cắt đứt và chặn đứng nghiệp khác trỗ quả.
Loại nghiệp thứ 4 là Upathambhaka-kamma – hỗ trợ nghiệp, là nghiệp hỗ trợ nghiệp khác cho quả tái sinh kiếp sau, hay có phận sự hỗ trợ nghiệp khác tồn tại lâu dài. Ở trên đời, có người không sát sinh và người ấy sau khi thân hoại mạng chung, do nghiệp thiện không sát sinh đó mà tái sinh vào 1 gia đình có nhiều sức khỏe. Rồi người ấy được 1 nghiệp thiện khác hỗ trợ, ví dụ nghiệp thiện bố thí, cho quả giàu sang có nhiều tiện nghi vật chất, giúp người ấy khoẻ mạnh và sống lâu hơn. Như vậy, nghiệp thiện bố thí là Upathambhaka-kamma – hỗ trợ nghiệp – đối với nghiệp thiện không sát sinh.
Tóm lại, khi sinh làm người là do các thiện nghiệp. Tuy nhiên, trong những kiếp quá khứ chúng ta cũng đã tạo nhiều bất thiện nghiệp như sát sinh, trộm cướp… Để những bất thiện nghiệp ấy giảm thiểu quả xấu thì hiện tại chúng ta nên làm nhiều thiện nghiệp mỗi ngày. Ví dụ, mỗi buổi sáng sau khi thức dậy, nên rãi tâm từ đến tất cả chúng sinh: “nguyện cho tất cả chúng sinh có nhiều sức khoẻ và an vui”. Nếu còn cha mẹ thì nên phụng dưỡng cha mẹ với tình thương và lòng tôn kính. Nếu đến công sở làm việc thì nên đối xử tốt với đồng nghiệp của mình và tôn trọng những người có địa vị cao hơn mình. Ít nhất cũng nên giữ ngũ giới cho trong sạch. Đối với một người làm nhiều thiện nghiệp mỗi ngày như vậy, cơ hội trỗ quả của các bất thiện nghiệp sẽ rất ít.
Cho nên trong đời sống, 3 yếu tố căn bản để 1 người có thể tạo ra những thiện nghiệp và có những kết quả tốt đẹp, đó là nghiệp (kamma), trí tuệ (ñāṇa) và tinh tấn (vīriya). Đây là 3 yếu tố cơ bản để tạo thiện nghiệp. Nếu chỉ có nghiệp thôi, hoặc trí tuệ thôi, hoặc tinh tấn thôi thì chưa đủ, phải kết hợp cả 3 yếu tố. Có 1 câu chuyện để giải thích 3 yếu tố này. Có 3 con cá bị bắt lên thuyền. 1 con nghĩ rằng do nghiệp nên mình bị bắt, nó không làm gì cả. Vì nó chỉ tin vào nghiệp nên không làm gì cả, và một lúc sau nó bị giết chết. 1 con thì cố gắng vùng vẫy, mong sao nhảy ra khỏi thuyền, nhưng nó nhảy nhiều quá khiến người đánh cá bực tức và đánh chết nó. Con cá thứ 3 biết rằng tinh tấn phải có trí tuệ và nghiệp cũng phải có trí tuệ; lấy trí tuệ làm nền tảng hành động, nó đợi người đánh cá đến gần bờ và khi mạn thuyền nghiêng qua một bên, nó bèn nhảy ra khỏi thuyền và thoát chết. Như vậy, sự thoát chết của con cá thứ 3 này là kết quả của sự kết hợp cả 3 yếu tố: nghiệp, trí tuệ và tinh tấn.
Nói tóm lại, khi sinh ra ở cõi người, mặc dù đều là người như nhau nhưng quả của nghiệp khác nhau, cho nên có người thì giàu sang phú quý, nhưng có người thì nghèo nàn… Vào thời Đức Phật, có phú hộ Jotika là người nổi tiếng giàu có, cũng là người nhưng là người giàu sang phú quý. Bà Visākhā cũng là người giàu sang phú quý và xinh đẹp; mặc dù đã có 20 người con và nhiều cháu nội cháu ngoại, nhưng sắc đẹp của bà vẫn sánh vai với các cháu mình. Cho nên 3 yếu tố: nghiệp, trí tuệ và tinh tấn làm khác biệt giữa người này với người kia, tạo thành đời sống của 1 người trong kiếp hiện tại và vị lai.
Ngược lại, vào thời Đức Phật, có cô gái Pañcapāpī xấu xí, không ai muốn nhìn; hai vợ chồng bà-la-môn Cūḷekasāṭaka nghèo khổ, chỉ có 1 cái choàng dùng chung với nhau. Tất cả là do nghiệp, trí tuệ và tinh tấn của họ ở trong quá khứ không được tốt đẹp.
Vì vậy, sinh ra làm người nhưng không ai giống ai. Sự khác biệt là do nghiệp của mỗi người cho quả khác nhau. Cho nên, tùy khả năng của mỗi người, chúng ta thực hành bố thí, giữ giới, hành thiền, cung kính… để vun bồi thiện nghiệp. Các thiện nghiệp này tạo ra sự khác biệt cho chúng ta. Tùy vào khả năng có thể, mỗi ngày hãy cố gắng thực hành những thiện nghiệp này trong 5 phút, 10 phút, 1 tiếng, 2 tiếng hoặc hơn thế nữa. Ngài cầu chúc cho tất cả chúng ta được thuận duyên, tinh tấn tu tập thiện pháp để vun bồi thiện nghiệp, dẫn dắt chúng ta trên con đường giải thoát, giác ngộ.
Hành thiền Ānāpānassati:
Và bây giờ chúng ta bắt đầu thực hành thiền Ānāpānassati – thiền chánh niệm trên hơi thở vào hơi thở ra ở mũi. Đây là phương pháp mà Đức Phật trong quá khứ, Đức Phật trong hiện tại, Đức Phật trong vị lai cũng thực hành, cho nên khi thực hành phương pháp này, chúng ta tâm niệm rằng đây là phương pháp mà Đức Phật đã thực hành để trở thành 1 vị Phật Toàn Giác. Chúng ta có cơ hội thực hành phương pháp này là 1 duyên lành. Bây giờ, chúng ta ngồi thoải mái, thư giãn, giữ lưng và cổ thẳng đứng một cách tự nhiên, nhắm mắt và ngậm miệng. Có thể ngồi trên sàn nhà hoặc trên ghế. Chú tâm đến hơi thở vào và hơi thở ra ở điểm tiếp xúc của lỗ mũi với hơi thở. Khi hơi thở đi vào biết rõ hơi thở đi vào, khi hơi thở đi ra biết rõ hơi thở đang đi ra. Biết 1 cách rõ ràng, trọn vẹn từ đầu đến cuối hơi thở. Nếu cảm thấy ngứa hay nóng ở trên người, hoặc nghe âm thanh nào đó, hoặc có 1 suy nghĩ nào đó, hoặc có những hình ảnh và âm thanh gì đó xuất hiện trong tâm, thì đừng quan tâm những đối tượng đó mà hãy trở lại hơi thở, biết rõ hơi thở đi vào và hơi thở đi ra ở điểm tiếp xúc của mũi với hơi thở. Nếu khó nhận biết hơi thở, hoặc tâm bị tán loạn khó an trú trên hơi thở, thì có thể sử dụng phương pháp đếm. Hít vào, thở ra, đếm 1. Vẫn chú tâm quan sát hơi thở ở điểm tiếp xúc, hít vào thở ra đếm 2, cho đến 7 hoặc 8, sau đó quay trở lại đếm từ 1 sau khi hít vào thở ra. Tâm vẫn nhận biết hơi thở ở điểm tiếp xúc của hơi thở với lỗ mũi.
Để kết thúc thời pháp thoại ngày hôm nay, Ngài sẽ đọc 1 bài kệ để cầu nguyện và cầu chúc cho chúng ta nói riêng, cho gia đình, cho mọi người Việt Nam và trên thế giới thành tựu những hạnh phúc nhờ tinh tấn, thiện nghiệp và trí tuệ. Bài kệ này có nghĩa là: Đức Phật không thể nào bị một ai hãm hại, mà chư Phật tự mình tịch diệt Niết-bàn. Do chân ngôn này cầu chúc cho chúng ta được nhiều an lành!
Phát Nguyện và Hồi Hướng:
Những phước thiện mà chúng con đã làm – phước thiện chắp tay lễ bái, cung kính đảnh lễ chư Tăng, phước thiện thọ trì Tam Quy và Ngũ giới, phước thiện nghe Pháp, phước thiện hành thiền và những phước thiện khác mà chúng con đã làm, nguyện sẽ là duyên lành, hỗ trợ chúng con thành tựu những quả phước thế gian như sống lâu, sắc tốt, an vui, sức khoẻ và có trí tuệ, cũng như những quả phước xuất thế gian, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn, đoạn tận khổ ưu luân hồi trong tam giới.
Chúng con xin thành tâm, hồi hướng tất cả những phước thiện này, đến cửu huyền thất tổ, ông bà cha mẹ, thầy tổ bạn hữu, cùng tất cả thân quyến hiện tiền cũng như đã quá vãng, và đến tất cả chúng sinh, nhất là Chư thiên hộ trì mỗi chúng con, Chư thiên hộ trì tư gia của chúng con, Chư thiên hộ trì Phật Giáo, Chư thiên và Phạm thiên ở trong tam giới. Nguyện mong tất cả hoan hỉ những phần phước thiện này, để an lạc, tiến hoá và lợi ích lâu dài. Cầu mong Quý vị hoan hỉ mách bảo cho tất cả thân quyến của chúng con đã quá vãng trong nhiều đời nhiều kiếp quá khứ cho đến kiếp hiện tại, và đặc biệt đến tất cả những bệnh nhân tử vong vì Covid hay biết, hoan hỉ và thọ nhận những phần phước thiện này rồi, được thoát khỏi mọi cảnh khổ và được an lạc lâu dài. Và cầu mong Quý vị hoan hỉ hộ trì cho tất cả chúng con cũng như thân quyến của chúng con, tránh khỏi mọi điều rủi ro tai hại, để thành tựu mọi hạnh phúc ở cõi người, hạnh phúc ở cõi trời và hạnh phúc cao thượng Niết-bàn cho được như ý nguyện. Cầu mong tất cả hoan hỷ những phước thiện này, đồng đều nhau cả thảy. Sādhu Sādhu Sādhu!
(Bản text do Vũ Thái Bình đánh máy tốc ký, Sư Thiện Đức kiểm duyệt chỉnh sửa)