Trí Tuệ Nào Có Thể Dập Tắt Ngọn Lửa Phiền Não Tham Sân Si, Lửa Sinh Già Chết? Ngài Tam Tạng 10 Bhadanta Sundara Thuyết, Sư Thiện Đức Dịch Việt 19/12/2021
Hôm nay là ngày 19 tháng 12 năm 2021, theo Ngài là một ngày tốt đẹp vì hôm nay chúng ta lại được duyên lành để lắng nghe giáo pháp của đức Phật. Thông qua sự hỗ trợ của ban tổ chức đồng thời sự thuyết pháp của Ngài cũng như sự thông dịch của sư và các thí chủ nói chung liên quan đến buổi pháp thoại này. Cho nên hôm nay chúng ta một lần nữa lại gặp nhau và học hỏi giáo pháp của đức Thế tôn
Hôm nay ngài sẽ tiếp tục giảng bài kinh Ādittapariyāya sutta bài kinh bốc cháy mà 2 tuần trước Ngài đã giảng. Để có thể hiểu và thực hành, hầu mang lại kết quả có thể dập tắt được những ngọn lửa phiền não tham ái
Để bắt đầu bài pháp thoại hôm nay, tất cả đại chúng cùng nhau đảnh lễ Phật với câu niệm Phật bằng câu Pali
Namo Tassa Bhavagato Arahato Samma Sambuddhassa (03 lần)
Trước hết chúng ta cần hiểu thứ nhất là lửa, thứ hai là những yếu tố để chúng ta tạo ra lửa.
Trước hết là nhiên liệu để có thể tạo ra lửa đó là tất cả diệu pháp ở trong tam giới. Nói một cách tóm tắt đó là ngũ uẩn, hay danh pháp và sắc pháp. Khi nhìn vào thế gian này, các puthujjana hay là các phàm nhân, sẽ thấy rất là phức tạp, rất là rộng. Nhưng nếu chúng ta quan sát vào chính mình qua sự thấy, sự nghe, sự nếm, sự ngửi, sự xúc chạm, sự suy tư, chúng ta có thể hiểu được thế giới ở bên trong lẫn thế giới ở bên ngoài. Chúng ta có thể ghi nhớ một cách tóm tắt về nhiên liệu có thể làm cho lửa bốc cháy: Thứ nhất là sáu trần cảnh sắc thanh hương vị xúc pháp. Ngoài ra sáu giác quan tai mắt mũi lưỡi thân và ý cũng là nhiên liệu có thể làm cho lửa bốc cháy. Ngoài ra còn có sáu thức đó là nhãn thức, nhĩ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức cũng là những nhiên liệu để cho lửa phiền não bốc cháy. Và sáu xúc như tuần trước Ngài đã giải thích đó là nhãn xúc, nhĩ xúc, thiệt xúc, thân xúc và ý xúc. Ngoài ra thì có ba thọ đó là khổ thọ, lạc thọ và xả thọ nhân cho sáu giác quan thành 18 thọ cũng là những nhiên liệu để cho lửa phiền não bốc cháy
Vào thời đức Phật đối với những hạng chúng sinh gọi là uggatitanu là những hạng chúng sinh có căn cơ rất cao, có nhiều ba la mật, cho nên khi nghe đức Phật giảng về sự bốc cháy thông qua sự tiếp xúc của sáu giác quan với sáu trần cảnh sinh ra sáu thức. Đức Phật chỉ nói một cách đơn giản như vậy thôi thì những chúng sinh đó có thể giác ngộ và giải thoát khỏi phiền não. Nhưng đối với những chúng sinh ở trong tương lai, là những người không phải là người có căn cơ và trình độ sắc bén như vậy, các Ngài đại trưởng lão phụ chú giải đã giải thích thêm kèm với những tích truyện để cho những người đời sau có thể hiểu rõ. Cho nên bây giờ Ngài tam tạng sẽ giải thích sự bốc cháy lửa phiền não thông qua sự tiếp xúc của sáu căn và sáu trần.
Các ngài đại trưởng lão phụ chú giải giải thích về sự bốc cháy của raga hay là dục tham như thế nào. Đó là nếu như một người bị sự thiêu đốt bởi lửa tham dục, người đó sẽ có sự tai hại và không những sự tai hại ở trong kiếp hiện tại mà còn tai hại ở trong kiếp tương lai như trường hợp của cô kỹ nữ đã say đắm tiếng sáo của một người thanh niên. Vào một đêm tối cô ta đã say đắm tiếng sáo như vậy mà không còn biết mình, cho nên đã đi đến cửa sổ và nghĩ rằng đó là cánh cửa chính đi ra đi vào. Vì vậy cô ta đã bước xuống và rơi qua cửa sổ. Đó là một sự khổ do tham dục mang lại và cô ta đã tử vong. Không những tử vong trong kiếp này và kiếp sau cô ta đã đọa vào đọa xứ vì khi cô ta chết với tâm tham dục.
Đó là câu chuyện liên quan đến lửa dục tham của cô kỹ nữ. Còn đối với đức bồ tát là tiền thân của đức Phật Gotama cũng có một kiếp bị dục tham thiêu đốt như vậy. Điển hình là khi đức bồ tát có một kiếp tái sinh làm con công đất, cứ mỗi ngày mỗi đêm con công này trước khi đi kiếm mồi hay trước khi đi ngủ đều tưởng nhớ đến ân đức của những vị giác ngộ, cho nên con công đã không có rơi vào bẫy của những người thợ săn. Tuy nhiên có một người thợ săn rất là thiện xạ, đã biết được tính chất của loài công, ông ta đã dùng một con công cái để bẫy con công đực này. Và một ngày nọ vào buổi sáng sớm, người thợ săn đã mang con công cái đến một nơi gần con công đực và con công cái đã hót lên những tiếng thu hút con công đực. Vì vậy thay vì mỗi buổi sáng con công đực đều đọc tụng kinh Paritta tưởng nhớ đến ân đức của những vị giác ngộ, khi nghe tiếng con công cái, con công đực đã say đắm và quên đi phận sự mỗi ngày đó là đọc tụng kinh Paritta và tưởng nhớ đến ân đức của những vị giải thoát, cho nên cuối cùng con công đực đã bị người thợ săn bắt đi. Đó là tai hại do lửa tham dục đã khởi sinh lên ở trong tâm của con công đực
Trên đây là hai câu chuyện liên quan đến lửa tham dục đối với hình ảnh và âm thanh, còn ở trong kinh dhammapada Kinh Pháp cú có một câu chuyện liên quan đến lửa tham dục đối với mùi. Đó là một chàng thanh niên là tiền thân của một vị Sa di và sau này là một vị tỳ khưu có tên là Sukha. Vào kiếp quá khứ tiền thân của người tên Sukha đã ngửi được mùi thức ăn khiến cho ông ta đã say đắm và muốn ăn vật thực đó nhưng xin thì ông phú hộ không có cho. Ông phú hộ bảo nếu muốn ăn thức ăn có hương vị thơm ngon này hãy là người đầy tớ cho ta trong ba năm thì sẽ được ăn những món ăn như thế này, có những mùi thơm như thế này.
Thế là cậu ta đã chấp nhận làm đầy tớ cho ông phú hộ ba năm để được ăn một thức ăn trị giá một trăm ngàn đồng tiền có một mùi thơm rất đặc biệt và quyến rũ. Nhưng sau ba năm làm đầy tớ, trong lúc chuẩn bị ăn thức ăn ngon lành đó, có một đức Phật độc giác đến để đi trì bình khất thực. Do sự hiểu biết và một phần huân tập ba la mật ở trong quá khứ cho nên cậu ta mới quán sát rằng nếu như ta dâng vật thực này đến cho đức Phật độc giác thì ta sẽ thoát khỏi cảnh khổ không những kiếp này mà còn ở những kiếp sau nữa. Cho nên khi cúng dường đến đức Phật độc giác cậu ta mới phát nguyện rằng nhờ phước báu cúng dường vật thực ngon lành này mà con đã làm đầy tớ suốt ba năm, mong phước báu này khiến cho những kiếp sống sau này con không bao giờ nghe đến chữ khổ nữa. Đúng y như vậy vào thời đức Phật Gotama của chúng ta ở trong hiện tại, cậu thanh niên đó đã trở thành người thanh niên có tên là Sukha và sau này trở thành một bậc thánh A ra hán ở trong giáo pháp của đức Phật Gotama khi còn là một Sa di rất được nhiều người biết đến với tên Sa di Sukha
Trên đây là câu chuyện liên quan đến câu chuyện dục tham thiêu đốt liên quan đến mùi. Và ở trong kinh cũng có một câu chuyện khác bị dục tham thiêu đốt liên quan đến lưỡi hay là liên quan đến vị. Đó là có một vị vua khi còn trị vì đã dùng thức ăn do một đầu bếp hàng ngày hiến cúng đặc biệt là những loại thịt. Vào một ngày nọ người đầu bếp đã chuẩn bị những món thịt cho nhà vua nhưng bị những con chó đã tha đi và ăn hết. Cho nên người đầu bếp đã đi tìm những loại thịt khác nhưng không còn nữa, người đầu bếp đã đi qua một nghĩa trang và thấy những xác chết vẫn còn tươi. Người đầu bếp đã cắt những miếng thịt ở nghĩa trang đem về để làm thức ăn hiến cúng đến nhà vua. Sau khi nhà vua ăn những miếng thịt do người đầu bếp hiến cúng đó, nhà vua đã say mê cái vị của món thịt đó. Từ đó về sau ông ta chỉ muốn ăn loại thịt đó mà thôi. Cho nên người đầu bếp mỗi ngày đều phải chuẩn bị món thịt như vậy. Nhưng ngoài nghĩa trang không còn xác chết còn tươi nữa nên ông ta đã nghĩ cách và trình lên nhà vua dùng những thịt của các tử tù để nấu cho nhà vua ăn. Đến khi hết tử tù rồi, do lửa tham dục ham những vị của món thịt đó, do đó nhà vua đã sai người thợ săn đi giết những người khác ở trong thành
Vào một ngày nọ những người dân ở trong thành biết được nhà vua của mình ăn thịt người và sai người giết những người ở trong thành. Cho nên người dân ở trong thành mới lập ra mưu kế bắt nhà vua và tống khứ nhà vua đi chỗ khác. Khi bị tống khứ đi nơi khác, nhà vua đã sống ở trong rừng và rình bắt những thợ săn hay là những người đi tìm củi ở trong rừng. Và cứ mỗi ngày như vậy, ông ta đã bị lửa tham dục bởi những cái vị của thức ăn thiêu đốt
Và thời nay chúng ta cũng biết một số người do lửa dục tham đối với vị của thức ăn thiêu đốt cho nên đã làm hại chúng sinh khác để có thể ăn những món ăn như là ăn gỏi, ăn sống khiến cho những chúng sinh khác đau khổ. Chính vì vậy đức Phật khuyên mỗi người chúng ta khi thọ dụng những thức ăn phải thường hay quán chiếu với sự hiểu biết và chánh niệm để không còn bị dục tham bởi vị của thức ăn thiêu đốt. Cho nên khi chúng ta khi thọ thực, dùng thức ăn kể cả thức ăn rau củ quả hay là những thức ăn thịt cá đúng pháp, đúng luật. Chúng ta nên quan sát theo Vi diệu pháp những thức ăn này là tứ đại, và thân chúng ta đây cũng chỉ là tứ đại. Ta chỉ lấy tứ đại này để nuôi tứ đại này. Khi mà quan sát đúng đắn có trí tuệ như vậy, dục tham liên quan đến vị thức ăn, nó không còn thiêu đốt
Và đây là sự thiêu đốt bởi dục tham liên quan đến sự xúc chạm. Có một câu chuyện được đề cập ở trong chú giải. Đó là có cô con gái tên là Pañcapāpī và nhà vua tên Makka. Vào một ngày nọ nhà vua Makka đã đi vi hành và đến một ngôi làng nọ có một nhóm trẻ em và người lớn trong đó có cô gái Pañcapāpī đang chơi trò bịt mắt. Cô con gái Pañcapāpī không thấy nhà vua vì đang chơi trò bịt mắt cho nên đã xúc chạm tay của mình rờ trúng nhà vua và nhà vua cũng xúc chạm bàn tay của cô con gái tên Pañcapāpī. Và khi mà vua tiếp xúc với bàn tay của cô gái tên Pañcapāpī đã khởi sinh lên sự xúc chạm mà nhà vua cảm thấy rất tham đắm. Cho nên từ đó về sau nhà vua đã luôn nhớ về sự xúc chạm đó.
Tên cô con gái Pañcapāpī có nghĩa là Pañca có nghĩa là năm. Năm ở đây có nghĩa là năm bộ phận ở trên cơ thể đó là hai tay, hai tai, hai mắt và gương mặt; pāpī có nghĩa xấu xí. Một cô con gái có năm bộ phận đó là hai tay, hai tai, hai mắt và gương mặt xấu xí, cho nên gọi là Pañcapāpī
Thường người ta thường có những cái xấu nhưng cũng có những cái tốt. Cô con gái Pañcapāpī này mặc dù có 5 bộ phận trên cơ thể xấu xí như vậy nhưng đối với sự xúc chạm của cô con gái như vậy khiến cho những người khác cảm thấy mê ly và không thể nào quên được. Đó là tính chất của người con gái tên là Pañcapāpī
Sở dĩ mà cô gái tên Pañcapāpī có những đặc tính như vậy, bởi vì vào một kiếp ở trong quá khứ cô ta đã có sự xúc phạm đến một vị Phật độc giác. Những người chúng ta ai đã từng đi đến India để chiêm bái Thánh tính, khi qua những ngôi làng sẽ thấy những ngôi nhà người ta làm bằng đất sét. Người ta thường hay làm nhuyễn đất sét rồi trộn thêm những vật chất khác để trét lên tường nhà. Và vào thời đức Phật độc giác gặp cô con gái tiền thân của Pañcapāpī cũng vậy, đức Phật độc giác đã đi tìm kiếm những đất có thể làm nhuyễn để trét lên tường cái cốc của mình. Cho nên Ngài đã đi bát đất sét nghĩa là mang bình bát của mình đi xin đất sét. Đến ngôi nhà của cô con gái mà tiền thân của Pañcapāpī này, cô ta đã nhìn đức Phật độc giác với thái độ bực tức, trong tâm nghĩ rằng không những đi khất thực thức ăn mà còn đi khất thực đất sét nữa. Tuy đức Phật độc giác biết được điều đó nhưng Ngài vẫn nhẫn nại và rải tâm từ đến cho cô con gái. Một lúc sau cô con gái cũng đã đổi ý và lấy một ít đất sét nhồi nhuyễn cúng dường đến đức Phật độc giác
Đối với những người phàm, tâm sinh khởi rất là nhanh, khi thì tâm thiện, khi thì tâm bất thiện, nó sinh khởi liên tục, nó thay đổi rất nhanh. Và mỗi khi tâm bất thiện sinh khởi thì cũng cho những quả bất thiện, khi những tâm thiện sinh khởi cũng cho những quả thiện. Bởi vì chỉ cần khởi sinh lên một tâm thì cũng đã tạo nghiệp rồi. Đối với cô con gái là tiền thân của Pañcapāpī này vì nhìn đức Phật độc giác bằng con mắt bực tức và thái độ không có đúng mực như vậy cho nên cô ta đã sinh ra làm người có năm bộ tay chân mắt tai và khuôn mặt không có được đẹp đẽ. Nhưng mà khi cúng dường đức Phật đất sét để nhồi nhuyễn với một tâm hoan hỷ. Cho nên cũng trong kiếp đó mặc dù làm cô con gái xấu xí nhưng mà đã có những da dẻ mịn màng và sự xúc chạm khiến cho người khác không thể quên được.
Và chính vì vậy mà nhà vua Makkha chỉ xúc chạm cô Pañcapāpī một lần thôi, nhà vua đã không quên được và cuối cùng nhà vua đã tìm cách đưa cô con gái Pañcapāpī này về để làm hoàng hậu. Nhưng mà những người ở trong cung đã quyết liệt phản đối, nghĩ rằng đưa một cô con gái xấu như quỷ về là một điềm xấu đối với hoàng tộc và đối với đất nước. Cho nên họ đã bày mưu tính kế đưa cô con gái ra khỏi thành và chôn cô con gái ở một nơi người khác không biết được
Và khi cô gái Pañcapāpī bị đưa ra ngoài thành với một chiếc xe. Và ở ngoài thành lại gặp một vị vua khác và vị vua đó cũng đã xúc chạm cô Pañcapāpī và cũng có một sự thích thú và không bao giờ quên giống vua Makkha. Và khi mà nghe tin nhà vua ở bên kia đã có cô gái Pañcapāpī thì nhà vua Makkha đã cảm thấy rất là tức giận đến nối có thể kéo quân đi đánh để cướp lại cô Pañcapāpī. Nhưng cuối cùng được sự khuyên bảo của các quan đại thần cho nên đã đi đến một thống nhất, hai bên có thể tiếp cận cô gái Pañcapāpī cứ sáu tháng một lần. Câu chuyện ở đây có nghĩa rằng cái sự xúc chạm đối với cô gái Pañcapāpī có thể khiến dục tham của hai nhà vua có thể bốc cháy một cách dữ dội đến nỗi có thể xảy ra chiến tranh giữa hai đất nước.
Đó là một câu chuyện có thật được ghi chép lại trong kinh ở trong quá khứ và ở trong thời hiện đại của chúng ta cũng có những trường hợp như vậy. Khi mà hai người thương yêu nhau họ có thể chết sống với nhau dù cho gia đình hai bên có ngăn cản gì đi nữa, họ vẫn muốn tìm đến nhau là vì sao là vì dục tham đang thiêu đốt họ. Nhưng nếu như chúng ta thực hành quan sát để thấy rằng sáu giác quan đặc biệt là năm giác quan đầu tiên đó là tai mắt mũi lưỡi và thân liên quan đến vật chất đó chỉ là pháp được cấu tạo bởi đất nước lửa gió. Cũng tương tự như vậy năm trần cảnh tương ứng với năm giác quan này đó là sắc thanh hương vị xúc cũng là vật chất hợp thành bởi đất nước lửa và gió. Nếu như thấy rõ như vậy mà không có thấy một cách sai lầm rằng đó là người đàn ông, người đàn bà để cho dục tham nó sinh khởi. Nếu như thấy rõ, quan sát rõ năm giác quan cũng như năm trần cảnh ở bên ngoài là những vật chất được cấu tạo bởi tứ đại đất nước lửa gió thì những sát na nào, khoảnh khắc nào có sự hiểu biết đúng đắn như vậy thì lửa dục tham sẽ tạm thời biến mất
Và sau đây Ngài tam tạng sẽ giải thích thêm về sự bốc cháy của dục tham của sân hận và của si mê được trình bày trong bộ sách gọi là Dipani của ngài Ledi Sayadaw – là một vị tăng ở bên Myanmar cách đây khoảng 100 năm rất là lỗi lạc, rất là uyên thâm phật pháp
Đối nghịch của dục tham là vô tham. Vô tham được biểu hiện qua những hành động như là bố thí những vật thực, thức ăn, nước uống, thuốc men, những thứ cần thiết trong đại dịch này hay là sự cúng dường đối với chư Tăng những món vật dụng như là y phục, dược phẩm, thực phẩm và chỗ ở. Đó là những hành động biểu hiện qua tâm sở vô tham
Kết quả của những hành động vô tham đó được biểu hiện thông qua sự an lạc trong kiếp hiện tại cũng như là sự an lạc ở những cõi trời cõi người như là tái sinh vào những gia đình giàu có, sung túc hay làm những vị thiên có đầy đủ phước báu. Cho nên nếu như một người mà được những quả phước thông qua sự thực hành vô tham như bố thí trì giới hành thiền sẽ tái sinh vào người, vào cõi trời. Và nếu như khi có những quả phước đó rồi mà để những tâm tham dục nó sinh khởi, tâm tham dục đó có thể thiêu đốt những quả phước đó giống như trường hợp của một vị thiên tên là Subrahmā sau khi thực hành những thiện pháp thông qua tâm sở vô tham đã tái sinh vào cung điện có năm trăm thiên nữ với đầy đủ những thứ thiên lạc nhưng vì tham đắm trong những thiên lạc đó khiến cho vị thiên Subrahmā sau khi chết đã đọa vào địa ngục. Như vậy chính lửa tham dục nó đã thiêu đốt những quả phước được tạo ra bởi những hành động do tâm sở vô tham
Trong quá khứ có một câu chuyện tiền thân của đức Phật Gotama đó là khi Ngài là một vị bồ tát có tên là Mantadu, Mantadu là một vị vua có rất nhiều phước báu, không những là những phước báu ở cõi người mà còn có những phước báu ở cõi trời. Mặc dù trị vì ở cõi người nhưng có thể đi đến cõi trời bất cứ khi nào nhà vua muốn đến nỗi mà có thể lên cõi trời tam thập tam thiên để trị vì ở cõi trời đó cùng vua trời Sakka, và một ngày nọ do tâm tham dục, do lửa tham dục nó làm duyên mà khiến cho nhà vua Mantadu đã khởi lên ác ý muốn sát hại vua trời Đế thích để trị vì toàn cõi Tam thập tam luôn chứ không còn là trị vì nửa cõi tam thập tam nữa. Chính vì tâm khởi lên muốn giết hại vua trời Sakka như vậy cho nên khiến cho nhà vua Mantudu rơi từ trên cõi trời xuống cõi người. Điều đó nói lên rằng những lửa tham dục, lửa của sân hận có thể thiêu đốt những thành quả những quả phước đã tạo do hành động bởi tâm sở vô tham
Và không những ở trong quá khứ mà ở trong hiện tại, trong thời đại bây giờ chúng ta có thể thấy những người do quả phước quá khứ, nhờ thực hành hạnh vô tham bằng cách bố thí, trì giới, hành thiền, đặc biệt là bố thí, khi sinh vào kiếp này đã có nhiều sự thuận lợi trong việc làm ăn kinh tế, họ có thể làm chủ cả công ty, làm chủ cả doanh nghiệp. Nhưng nếu họ không có thu thúc bởi giới, bởi chánh niệm tỉnh giác trong kiếp hiện tại họ có thể bị tham dục thiêu đốt. Vì tham dục thiêu đốt họ có thể có những hành động bất chánh như là lấy tiền để xâm hại gia đình người khác, họ làm những công việc tà mạng như là buôn bán rượu bia,.. Chính những hành động bất thiện thông qua lửa tham dục khiến họ có thể bị cầm tù ở trong kiếp này, có thể mang tiếng xấu ở trong kiếp này và không những thế ở trong kiếp sau họ có thể đọa vào bốn đường ác đạo. Cho nên đó là một sự thiêu đốt bởi lửa tham dục thiêu đốt những thành quả, quả phước của quá khứ. Đây chúng ta nên hiểu rằng những lửa tham dục đó có thể chứ không phải là chắc chắn 100% mà là có thể thiêu đốt những thành quả của thiện nghiệp ở trong quá khứ.
Đối với những người vô sân thường họ có sức khỏe tốt, có hình tướng đẹp đẽ. Những yếu tố hình tướng đẹp đẽ, sức khỏe,… là nhờ sự thực hành vô sân. Và lửa sân có thể thiêu đốt những quả phước, những thành quả của vô sân. Có những người sinh ra rất đẹp đẽ, có sức khỏe tốt, có thể đến giai đoạn thứ ba của cuộc đời đó là ngoài 50 nhưng sức khỏe vẫn còn tốt, vẫn đẹp đẽ. Đó là quả phước của vô sân. Nhưng mà có những người nếu dựa vào thành quả, quả phước của tâm sở vô sân đó để làm những điều bất thiện như chúng ta có thể thấy ở trên đời, có những người dùng sắc đẹp của mình để tự hủy hoại mình và hủy hoại người khác. Và thấy người khác xinh đẹp cho nên khởi sinh lên tâm ganh tỵ bực tức. Chính tâm ganh tỵ, bực tức hay là những hành động xấu có thể thiêu đốt, có thể đốt cháy những thành quả, những quả phước của quá khứ do vô sân mang lại
Tâm sở vô sân ở đây tương đồng với tâm từ. Có những hành giả khi thực hành tâm từ có thể đắc được những tầng thiền định và không những thế, thông qua sự thực hành thiền định, có những hành giả có thể đạt đến thần thông. Trong kinh cũng có những câu chuyện liên quan đến việc đắc được thần thông và có thể bay ở trên hư không, tìm những nơi, tìm cảnh đẹp. Và có những người khi bay ở trên hư không nhìn thấy những cô con gái hay nhìn thấy cảnh đẹp khởi sinh lên tâm tham đắm. Vì tâm tham đắm đó có thể đốt cháy tâm thiền của người đó và có thể khiến người đó từ trên hư không rơi xuống là bởi vì chính lửa tham dục, lửa sân hận có thể thiêu đốt những công đức, phước báu, những quả báu ở trong quá khứ.
Như là trường hợp của phạm thiên Baka là một vị phạm thiên mà những người học phật đọc kinh sách cũng có thể biết được phạm thiên này. Là một vị phạm thiên có tà kiến nghĩ rằng ông ta đã tạo ra thế giới. Đức Phật biết được điều đó cho nên đã ngự lên cõi Phạm thiên để giáo hóa ông ta. Mặc dù đức Phật xuất hiện nhưng do tâm tham dục đối với tà kiến của mình khiến cho ông ta đã không công nhận đức Phật là một vị Phật mà vẫn cố chấp cho rằng mình là người đã tạo ra thế giới chứ không ai khác tạo ra thế giới. Nhưng với trí tuệ của đức Phật, đức Phật đã giáo hóa Phạm thiện Baka. Nhờ vậy thay vì phạm thiên Baka có thể đọa vào bốn đường ác đạo vì tà kiến sai lầm đó, đức Phật đã chỉ ra sự sai lầm và ông ta đã có sự hiểu biết đúng đắn. Nhờ vậy mà thoát khỏi sự đọa vào bốn đường ác đạo
Và cũng tương tự lửa tham dục, lửa sân hận, lửa si mê moha cũng có thể thiêu đốt quả phước ở trong quá khứ do tấm sở vô si mang lại. Và ở trên đời có những người thông minh như là những sinh viên hay là những học sinh luôn thi đạt điểm cao, hay là có thể vượt qua những kỳ phỏng vấn rất là dễ dàng nhờ sự thông minh và trí tuệ của người đó. Sự thông minh và trí tuệ đó là nhờ những sự cố gắng nỗ lực thông qua tâm sở vô si ở trong hiện tại mà còn thông qua hành động bởi tâm sở vô si ở trong quá khứ.
Nếu sử dụng sự thông minh và trí tuệ để phát minh ra những thứ có thể mang lại lợi ích cho xã hội cho đất nước thì điều đó rất tốt, nhưng nếu sử dụng sự thông minh để đi lừa gạt người khác, đi lừa dối niềm tin của người khác thì chính những hành động si mê đó có thể thiêu đốt những thành quả vô si ở trong quá khứ của mình
Như trường hợp bà là môn Sācakka là một vị bà la môn có trí tuệ nhờ sự học hỏi ở trong hiện tại cho nên đã thông thuộc kinh Vệ đà và được sự cung phụng của các hoàng tử thời bấy giờ ở thành Sāvatthi nhưng mà do tâm ngã mạn với si mê ông ta đã cho rằng ông ta đã có sự hiểu biết không ai bằng. Chính sự ngã mạn do si mê đó khiến cho ông ta bị thiêu đốt những thành quả mà ông ta đã có được
Cũng giống như một người làm vườn khi đã gieo những hạt nảy mầm và lên những cây non, nếu như người làm vườn không có tưới nước, không có bón phân thì những cây con đó có thể chết đi thay vì lớn mạnh, đâm hoa, ra hoa, trổ quả. Cũng tương tự như vậy, một phàm nhân nhờ vô tham, vô sân, vô si ở trong quá khứ cho nên được sinh vào những gia đình giàu có đủ điều kiện, sinh ra là một người khỏe mạnh xinh đẹp và có sự thông minh nhưng nếu dừng lại ở đó mà không có tiếp tục chăm bón những thành quả đó với chánh niệm, với trí tuệ thì cũng giống như người làm vườn tuy đã làm cho hạt giống nảy mầm lên cây non nhưng không có bón phân, không tưới nước thì những cây con đó cũng sẽ chết đi
Nếu như người làm vườn khi mà gieo hạt nảy mầm rồi lên cây non, người làm vườn không có tưới nước, không có bón phân để cho cây non chết đi, người làm vườn lại tiếp tục gieo hạt lên cây non, nhưng không có tưới nước, không có bón phân để cho cây non chết đi và cứ lặp đi lặp lại như vậy thì cũng giống như đang bị trôi lăn ở trong sinh tử luân hồi của một người phàm. Đối với một người phàm khi tạo những công đức nhờ vô tham, vô sân, vô si, sinh ra để làm những người giàu sang, có điều kiện, đầy đủ sức khỏe, xinh đẹp có sự thông minh nhưng không tiếp tục thực hành chánh niệm, tiếp tục phát triển trí tuệ để thấy rõ đây là danh pháp, đây là sắc pháp, để thấy rõ bản chất thực vô thường, khổ và vô ngã của danh pháp và sắc pháp cho đến đạt đến Thánh đạo Thánh quả Nhập lưu là giai đoạn mà có thể gọi là ra hoa và kết trái thì những phàm nhân đó cứ bị những lửa tham dục, lửa sân hận và si mê thiêu đốt những thành quả những công đức đã tạo được mà không có tiếp tục phát triển và vun bồi với chánh niệm và trí tuệ thì cứ vậy mà trôi lăn ở trong sinh tử luân hồi. Hễ khi có công đức, khi tạo được công đức có những quả phước ở cõi người, cõi trời rồi người đó lại bị lửa tham dục, sân hận và si mê thiêu đốt rồi lại bắt đầu tạo công đức rồi lại bị lửa tham dục, sân hận và si mê thiêu đốt. Và cứ như vậy lặp đi lặp lại như là trô lăn ở trong sinh tử luân hồi vậy
Đó là ba loại lửa phiền não tham dục sân hận và si mê. Loại lửa thứ tư gọi là lửa sinh jāti. Lửa sinh ở đây chúng ta cần phân biệt được sinh và lửa như thế nào. Đây là hai thứ khác nhau sinh và lửa hợp thành lửa sinh
Trước hết chúng ta cần phải hiểu jāti ở đây có nghĩa là khởi sinh hay là nói ngắn gọn là sinh. Sinh ở đây có ba loại. Thứ nhất là sinh vào thời, một quãng đầu của kiếp sống có nghĩa là sự bắt đầu của một kiếp sống. Loại sinh thứ hai gọi là sự tiếp tục, hay là sự tiếp nối. Ở trong đời người có những giai đoạn tiếp nối chẳng hạn như chia ra làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 25 tuổi đầu, 25 tuổi giữa và giai đoạn 25 tuổi cuối cùng đối với một người có tuổi thọ là 75 tuổi. Hay là sự tiếp nối của năm này với năm kia, tháng này với tháng kia, tuần này với tuần kia, ngày này với ngày kia thậm chí là của mỗi lần ngồi, mỗi lần đứng, mỗi lần đi. Tất cả sự tiếp nối đó gọi là sinh tiếp nối. Loại sinh thứ ba đó là sinh sát na có nghĩa là trong ngũ uẩn của mỗi người, hay trong danh sắc của mỗi người luôn luôn có sự sinh diệt từng sát na, từng phút giây rất là ngắn. Sự sinh liên tục đó gọi là sinh sát na
Trong bộ sách dhātukathā bộ sách thứ ba của tạng vi diệu pháp phân biệt sự sinh có 2 khía cạnh. Đó là sự sinh của sắc pháp và sự sinh của danh pháp.
Đối với các chúng sinh thường lo lắng về sự sinh của mình. Bởi vì sao, bởi vì hầu hết các chúng sinh đều không biết sau khi chết mình có thể sinh vào đâu. Cũng giống như những cái lá ở trên cây, không biết mình sẽ rơi vào chỗ nào ở phía dưới gốc cây, cho nên những chúng sinh thường hay lo lắng trước khi chết. Chính sự lo lắng đó gọi là lửa sinh. Bởi vì sự lo lắng đối với sự tái sinh của mình, không biết mình sinh vào đâu. Sự lo lắng đối với sự tái sinh gọi là lửa sinh
Như là trường hợp của tỳ khưu Devadatta trước khi bị đất rút, vị tỳ khưu đó đã có hành động bất thiện đối với đức Phật nhưng mà khi bị đất rút đã cảm thấy rất là sợ hãi lo lắng vì biết rằng mình có sự tái sinh không tốt. Cho nên đã khởi sinh lên một tâm lo lắng. Sự lo lắng về sự tái sinh đó gọi là lửa sinh
Và ở trên đời chúng ta cũng có thể thấy hay là nghe lại: đối với một số người trước khi chết họ chết với một tâm lo lắng, sợ hãi xuất hiện trên khuôn mặt. Nhưng cũng có một số người chết với một cái tâm an lạc, nhẹ nhàng và cũng được biểu hiện trên khuôn mặt. Hay là có những trường hợp như đề cập ở trong những tích truyện tiền thân của đức Phật. Đó là có những người trước khi chết họ chảy nước mắt, cảm thấy rất là sợ hãi. Bởi vì sao, bởi vì họ đã nhìn thấy những hiện tượng không tốt xuất hiện trong tâm của họ như có người thấy những con chó đuổi theo họ để cắn hay là họ thấy những ngọn lửa đang bốc cháy dữ dội, cho nên khiến cho tâm của họ rất là lo lắng, sợ hãi
Đó là lửa sinh là sự lo lắng đối với sự tái sinh. Và cũng có những người khi họ chết họ có tâm dính mắc đối với thân quyến của mình, đối với tài sản của mình. Họ không có muốn chết, họ rất là sợ chết thì chính cái sợ chết đó đang thiêu đốt họ và sự sợ hãi trước khi chết gọi là lửa chết
Và đó là lửa sinh của sự khởi đầu của một kiếp sống. Và sau đây là lửa sinh gọi là sinh tiếp nối nghĩa là khi một hành giả hành thiền trong vòng một tiếng đồng hồ, hai tiếng đồng hồ khởi sinh lên một sự nóng nảy hay là có những cảm giác đau nhức và tâm phản ứng đối với những cảm giác đau nhức hay là những sự nóng nảy đó và cảm thẩy rất bất an. Chính sự bất an đó đã trở thành ngọn lửa để khiến cho hành giả cảm thấy nóng hơn và điều đó gọi là lửa sinh tiếp nối, vì sự đốt cháy thông qua sự bất an đối với một khoảng thời gian ngồi thiền hay là khoảng thời gian làm điều gì đó làm cho tâm bất an, không có an lạc. Điều đó gọi là lửa sinh tiếp nối
Đối với lửa sinh sát na là thế nào. Trước hết chúng ta hiểu rằng sinh sát na là đối với hành giả thực hành thiền vipassana có thể thấy được sự khởi sinh lên của danh pháp hay sắc pháp đồng thời cũng thấy được sự diệt của danh pháp và sắc pháp. Sự sinh của danh pháp và sắc pháp gọi là sinh sát na, sự diệt của danh pháp và sắc pháp gọi là chết sát na hay là tử sát na. Nếu như với sự hiểu biết trí tuệ thấy rõ sự sinh diệt như vậy mà không có phản ứng hay là không có sự bất an thì không có lửa sinh sát na. Nhưng nếu không có thấy rõ như vậy mà có sự phản ứng bất an thì đã là khởi sinh lên ngọn lửa sinh sát na
Và ngọn lửa tiếp theo đó là lửa già, đó là giai đoạn của một kiếp người khi mới sinh ra lớn lên rồi tóc bạc, da nhăn, lưng còng. Những biểu hiện đó là do lửa già cho nên người ta mới có những biểu hiện như là tóc bạc, da nhăn, lưng còng rồi sinh những loại bệnh khác nhau. Những cái đó là sự biểu hiện của lửa già
Khi mà nhìn vào thế giới bên ngoài vi mô hay vĩ mô cũng đều như vậy, nếu như có sự quan sát và hiểu biết, thấy mọi thứ đều sinh ra và mất đi, đều bị định luật vô thường chi phối. Cho nên đối với các thế giới, các vũ trụ ở bên ngoài cũng vậy, cũng có sinh và có diệt cho nên chúng ta thường hay nghe thế giới tồn tại một thời gian đều sẽ đi đến hoại diệt. Tất cả những biểu hiện sinh diệt đó là những biểu hiện của lửa già và lửa chết. Và nếu như không có lửa già và lửa chết, thế giới và vũ trụ sẽ không có đi đến hoại diệt thành trụ hoại và không. Cho nên bao giờ chúng ta còn trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi, chúng ta vẫn là nhiên liệu để cho lửa tham, lửa sân, lửa si bốc cháy. Chính vì vậy mà ta phải tinh tấn thực hành để thoát ra khỏi vòng sinh tử luân hồi, thì mới không phải là những nhiên liệu để cho lửa tham, lửa sân, lửa si bốc cháy
Và theo Vi diệu pháp bộ dhātukathā thì sự già chính là sự lớn dần và già đi của danh pháp và sắc pháp, còn sự chết là sự hoại diệt của danh pháp và sắc pháp. Trong chú giải có cho ví dụ để giải thích về sanh già bệnh chết. Có ba người muốn sát hại một người khác thì ba người đó đã hội ý với nhau để chia công việc liên quan đến sự sát hại. Người đầu tiên được phân công gọi người sẽ bị sát hại. Người thứ hai có trách nhiệm làm cho người sẽ bị sát hại mất đi sức lực. Người thứ ba sẽ giết người đó. Trong ba sát thủ đó sát thủ đầu tiên được so sánh ví dụ như là sinh. Bởi vì sao, bởi vì sinh là yếu tố khiến cho một chúng sinh tái sinh trở lại, có hình hài mới, có ngũ uẩn mới. Sát thủ thứ hai được so sánh ví dụ như là già. Bởi vì sao, bởi vì chính sự già khiến cho một chúng sinh sau khi sinh ra rồi bị sốt, bị bệnh tật, bị tóc bạc, bị răng long, bị lưng còng,.. Những biểu hiện già nua đó chính là lửa già. Sát thủ thứ ba được ví như là lửa chết bởi vì sau khi một chúng sinh bị già nua, bị bệnh tật thì không còn sức lực nữa. Và sát thủ thứ ba là lửa chết sẽ thực hiện công việc của mình
Cho nên là một hành giả chúng ta nên suy xét và hiểu biết rằng trong đời sống hàng ngày, chính vì có ngũ uẩn này mà đã bị ngọn lửa tham, lửa sân, lửa si thiêu đốt. Và khi suy nghĩ như vậy mới có sự tinh tấn và kinh cảm để thực hành thiện pháp, đặc biệt là thực hành con đường để giải thoát khỏi sinh tử luân hồi
Cho nên chúng ta hãy là người làm vườn có sự siêng năng và trí tuệ, không những gieo những hạt giống nảy mầm lên cây con mà còn phải cần tưới nước bón phân để cho cây có thể lớn lên và ra hoa kết cái. Thì cũng tương tự như vậy, chúng ta sinh ra ở trên đời, làm người có những điều kiện tốt nhờ vô tham, vô sân, vô si thì trong kiếp hiện tại ta cần phải tinh tấn thực hành với chánh niệm và trí tuệ để có thể làm cho những lửa tham, lửa sân, lửa si, lửa sinh, già và chết nó không có cơ hội để bộc phát, để bốc cháy.
Và khi có sự tinh tấn hiểu biết để thấy rõ đây là danh pháp đây là sắc pháp, thấy rõ đặc tính chung vô thường, khổ não và vô ngã của danh pháp và sắc pháp giống như một người làm vườn thường hay tưới nước và bón phân, những hành giả cũng phải thường hay quan sát để thấy rõ những thực tính pháp và có thể phát triển được những tầng trí tuệ cao hơn
Cũng giống như người làm vườn chăm bón cho một cây con đến khi nó ra hoa thì hành giả khi thực hành với sự chánh niệm, tinh tấn và tỉnh giác có thể đạt đến tầng tuệ thuần thứ anulomañāṇa
Và khi có thể vượt qua được trí tuệ thuận thứ anulomañāṇa thì hảnh giả nếu như có ba la mật ở trong quá khứ có thể đạt đến Thánh đạo tuệ Nhập lưu và Thánh quả tuệ Nhập lưu giống như một người làm vườn đã chăm bón cây để cho cây ra hoa và cuối cùng kết trái thì Thánh đạo Thánh quả tuệ Nhập lưu được ví như cây đã kết trái
Khi người làm vườn đã có cây ra hoa kết trái, khi trái chin có thể thưởng thức trái đó, cũng giống như vậy khi hành giả đạt đến Thánh đạo tuệ Nhập lưu ngay sau đó Thánh quả tuệ Nhập lưu sẽ sinh khởi, hành giả đó có thể an trú vào thánh quả Nhập lưu. Sự an trú vào Thánh quả Nhập lưu là một trong những chánh kiến mà không có thể bị hủy hoại bởi bất cứ gì ở trên đời
Cho nên những hành giả trước hết cần phát triển chánh kiến vô si. Khi có sự phát triển chánh kiến vô si rồi khi đó ta có thể thực hành những đề mục thiền thích hợp và chúng ta thường thực hành đề mục thiền chánh niệm ở trên hơi thở vào và hơi thở ra để phát triển những tầng chánh kiến cao hơn và có thể hưởng những quả vị ngọt ngào như là thánh đạo thánh quả tuệ
Và như vậy chúng ta sẽ bắt đầu thực hành chánh niệm ở trên hơi thở vào, hơi thở ra. Như mọi khi chúng ta có thể ngồi trên ghế hoặc là ở trên sàn, ở nơi thích hợp, giữ lưng và cổ thẳng đứng một cách tự nhiên, thoải mái, không có gồng mình. Hai tay có thể đặt trên hai đầu gối hoặc chân của mình, nhắm mắt, ngậm miệng và chú ý đến hơi thở vào, hơi thở ra. Chúng ta quan sát hơi thở vào hơi thở ra ở điểm tiếp xúc của hơi thở và lỗ mũi. Khi hơi thở đi vào chúng ta biết rõ hơi thở đi vào, khi hơi thở đi ra chúng ta biết rõ hơi thở đi ra ở ngay điểm tiếp xúc hơi thở ở lỗ mũi. Thở một cách bình thường và quan sát từ đầu đến cuối hơi thở ở điểm tiếp xúc.
Sau đây ngài sẽ đọc kinh ân đức Tam Bảo cũng như một bài kệ để cầu chúc cho tất cả các phật tử hiện diện ở trong zoom cũng như là những phật tử do điều kiện không thích hợp không có hiện diện ở đây cũng như đối với những thân quyến và tất cả những người, những chúng sinh ở Việt Nam cũng như trên thế giới thoát khỏi mọi bệnh tật, luôn khỏe mạnh và thuận duyên, đặc biệt có thể thoát khỏi lửa tham, lửa sân, lửa si, lửa sinh già chết để có thể đạt được Niết bàn là sự an lạc tuyệt đối
Và để kết thúc bài pháp thoại hôm nay chúng ta cùng nhau phát nguyện cho phật pháp được trường tồn bằng câu pali
Buddhasāsanaṃ ciraṃ tiṭṭhatu. (Nguyện Phật giáo trường tồn) (3 lần)
Sādhu! Sādhu! Sādhu! Lành thay!
Bài pháp do Ngài Tam Tạng 10 thuyết ngày 19/12/2021, Sư Thiện Đức hỗ trợ dịch Việt, bản text được bạn Đào Duy Thắng tốc ký