Đi Tìm Pháp Bất Tử Và Tìm Hiểu Về Cuộc Đối Thoại Đưa Đến Trị Tuệ Của 2 Bậc Thánh – Ngài Tam Tạng 10 Thuyết
- 0:00 Tác bạch và đảnh lễ Phật
- 7:38 Câu hỏi và câu trả lời giữa ông cư sĩ Visākha và cô Dhammadinnā về các loại cảm giác và cách đoạn trừ tùy miên, phiền não ngủ ngầm (tham, sân, vô minh)
- 19:19 Câu hỏi và câu trả lời giữa ông cư sĩ Visākha và cô Dhammadinnā về sự liên quan giữa các loại cảm thọ, minh, vô minh và Niết bàn
- 31:00 Tóm lược lại sự liên hệ giữa 3 nhóm người cách đây 92 đại kiếp Trái đất thời Đức Phật Phussa với kiếp hiện tại thời Đức Phật Gotama và bài học cho hàng cư sĩ tại gia
- 37:24 Dẫn nhập sự tìm kiếm pháp bất tử của Ngài Sāriputta
- 46:25 Giảng giải về tên gọi của hai ngài Sāriputta và Moggalāna
- 54:24 Sự suy tư về pháp bất tử khi đi xem hội của hai ngài Sāriputta và Moggalāna
- 1:00:23 Sự tìm kiếm pháp bất tử của hai ngài Sāriputta và Moggalāna nơi người thầy Sanjaya
- 1:06:47 Sự tìm thấy pháp bất tử của ngài Sāriputta và giảng giải bài kệ Ngài Assaji đã thuyết cho ngài Sāriputta và giúp Ngài chứng Thánh quả Nhập Lưu
- 1:35:44 Câu chuyện ngài Sāriputta và Moggalāna quay lại tìm 250 người bạn và người thầy cũ Sanjaya
- 1:38:10 Câu chuyện 250 người bạn của ngài Sāriputta và Moggalāna chứng Thánh quả A ra hán và sự giải thích về sự tái sinh đối với các bậc Thánh trong Phật giáo
- 1:53:02 Hướng dẫn và thực hành thiền chánh niệm trên hơi thở vào, hơi thở ra
- 2:09:05 Lời chúc phúc của Ngài tam tạng
- 2:12:45 Chia phước và hồi hướng
Hôm nay là ngày 20 tháng 2 năm 2020 cũng nhằm ngày 20 tháng giêng theo âm lịch năm Nhâm Dần (tính theo lịch Việt Nam), Ngài Tam tạng 10 sẽ tiếp tục cho chúng ta những bài pháp thoại. Dưới sự thỉnh cầu của ban tổ chức cùng với sự trợ giúp và đồng ý của Ngài Tam tạng 10, Ngài đã cho chúng ta nhiều bài pháp trong thời gian qua và hôm nay Ngài sẽ tiếp tục giảng bài pháp của tuần trước để giúp cho Phật tử Việt Nam chúng ta có thêm sự hiểu biết về Phật pháp và cũng đồng thời để chúng ta có thể phát triển thêm thiện pháp để tu tập ở trong giáo pháp của Đức Thế tôn
Bài pháp hôm nay Ngài sẽ thuyết tiếp phần còn lại của bài kinh Cūḷavedalla Sutta là bài kinh liên quan đến cuộc luận đạo giữa ông cư sĩ Visākha với cô Dhammadinnā và phần sau Ngài Tam tạng sẽ chia sẻ với chúng ta sự tìm kiếm pháp bất tử của Ngài Sāriputta cũng như là một đề tài có sự liên hệ đến cuộc đời của Đức Phật trong giai đoạn đầu tiên sau khi Ngài mới giác ngộ
Bây giờ mời đại chúng cùng nhau niệm Phật.
Namo Tassa Bhavagato Arahato Sammāsambuddhassa (03 lần)
Trong bài kinh Cūḷavedalla Sutta Ngài Tam tạng sẽ thuyết tiếp phần sau bài kinh liên quan đến các cảm giác cảm thọ mà ông cư sĩ Visākha đã tự mình quán sát và muốn hỏi cô Dhammadinnā về cảm giác đó. Đó là cảm giác khổ, cảm giác lạc và cảm giác trung tính upekhā vedanā và trong những cảm giác này thì tùy miên nào anusaya phiền não ngủ ngầm nào được đoạn trừ. Đó là câu hỏi mà ông cư Visākha sĩ hỏi cô Dhammadinnā
Và câu trả lời của cô Dhammadinnā là ở trong cảm giác lạc, tùy miên tham có thể đoạn trừ, trong cảm giác khổ tùy miên sân paṭigha anusaya có thể được đoạn trừ và ở trong cảm giác xả upekhā vedanā vô minh tùy miên avijjā anusaya có thể đoạn trừ
Sở dĩ được nói rằng ở trong cảm giác lạc raga anusaya – tham tùy miên có thể được đoạn trừ bởi vì ở trong cảm giác lạc, có sự hiện hữu của tham tùy miên, trong cảm giác khổ có sự hiện hữu của sân tùy miên, ở trong cảm giác xả có vô minh tùy miên hiện hữu. Cho nên phương pháp để đoạn trừ tham tùy miên, sân tùy miên và vô minh tùy miên, trước hết hành giả phải tu tập các đề mục thiền định và khi chứng đắc nhất thiền, khi đó có thể đoạn trừ được tham tùy miên. Sự doạn trừ tham tùy miên của thiền định chỉ là sự đoạn trừ tạm thời mà thôi, chứ không phải sự đoạn trừ vĩnh viễn, vì khi hành giả an trú và nhập vào nhất thiền thì tham tùy miên không có hiện hữu, không có mặt. Nhưng khi xuất ra khỏi nhất thiền tham tùy miên có thể xuất hiện trở lại. Cho nên sự đoạn trừ vĩnh viễn của tham tùy miên là sau khi hành giả xuất ra khỏi nhất thiền, quán sát các chi thiền của nhất thiền đó để phát triển các trí tuệ của thiền tuệ và cuối cùng có thể chứng đắc Thánh đạo Thán quả thì Thánh đạo Thánh quả đặc biệt Thánh đạo cao nhất là A ra hán có thể đoạn trừ tham tùy miên
Đối với sân tùy miên paṭigha anusaya ở trong cảm giác khổ thì phải đoạn trừ như thế nào. Phương pháp để đoạn trừ sân tùy miên paṭigha anusaya ở trong cảm giác khổ đó là hành giả phải tu tập những đề mục thiền và sau khi chứng đắc những đề mục thiền. Sau khi chứng đắc những đề mục thiền hành giả quan sát những chi thiền và trong thời gian quan sát những chi thiền đó hành giả có thể loại trừ sân tùy miên ở trong cảm giác khổ. Nhưng đó chỉ là sự đoạn trừ tạm thời, đoạn trừ bằng cách thay thế chứ không phải là sự đoạn trừ vĩnh viễn. Chỉ khi nào hành giả có thể đạt được Thánh đạo A ra hán mới có thể đoạn trừ vĩnh viễn sân tùy miên
Làm như thế nào có thể đoạn trừ được vô minh tùy miên ở trong thọ xả. Để đoạn trừ được vô minh tùy miên ở trong thọ xả, hành giả phát triển các tầng thiền trên các đề mục của thiền định và đạt đến tứ thiền. Trong tứ thiền hành giả có thể đoạn trừ được vô minh tùy miên một cách tạm thời và sau đó hành giả xuất ra khỏi tứ thiền và xuất ra khỏi tứ thiền và phát triển thiền tuệ, phát triển được những trí tuệ của thiền tuệ và đến Thánh đạo Thánh quả A ra hán thì có thể đoạn trừ được vô minh tùy miên
Sau đó ông cư sĩ Visākha đã hỏi cô Dhammadinnā về những cảm thọ đó có sự liên hệ như thế nào. Ông ta hỏi rằng: Dạ thưa cô, lạc thọ có giống như khổ thọ hay không và sự đối trọi của khổ thọ, lạc thọ là gì. Cô Dhammadinnā đã trả lời rằng: Lạc thọ không giống khổ thọ, và sự đối trọi, đối nghịch của lạc thọ chính là khổ thọ.
Và ông Visākha tiếp tục hỏi rằng xả thọ có giống vô minh hay không bởi vì vừa nãy ở trong xả thọ có vô minh tùy miên, cho nên ông ta mới hỏi rằng xả thọ có giống với vô minh hay không, và sự đối nghịch với vô minh là gì. Cô Dhammadinnā mới trả lời rằng xả thọ không có giống vô minh có nghĩa xả thọ là một pháp và vô minh là pháp khác. Sự đối trọi, đối nghịch của vô minh chính là minh
Và sau đó ông Visākha hỏi rằng như vậy minh có sự giống nhau với vimutti – giải thoát hay không. Và vimutti có giống với Niết Bàn hay không. Cô Dhammadinnā mới trả lời rằng vijjā là một phần của vimutti nghĩa rằng minh là một phần của giải thoát và giải thoát chính là Niết bàn, vimutti là nibbana
Và sau đó ông cư sĩ Visākha mới hỏi rằng: Dạ thưa cô, Niết bàn là một pháp, có pháp nào ngang bằng hay không. Cô Dhammadinnā mới trả lời rằng: Này cư sĩ Visākha Niết bàn không có một pháp nào ngang bằng và nếu như ông không có đồng ý với câu trả lời này, ông có thể tìm đến Đức Thế tôn và hỏi Đức Thế tôn
Sau đó ông cư sĩ Visākha đã tìm đến Đức Thế tôn và ông ta đã tự mình kể lại cuộc đàm thoại giữa ông với cô Dhammadinnā từ câu hỏi Sakkāya là gì cho đến Niết bàn. Ông đã tường thuật lại câu hỏi và câu trả lời, và Đức Phật Ngài đã trả lời rằng: Này Visākha nếu như những câu hỏi này được đặt đến Như Lai thì Như Lai cũng trả lời y như cô Dhammadinnā vậy. Bởi vì Đức Phật trả lời như vậy, nên Ngài đã khen cô Dhammadinnā vì cô đã trả lời như vậy. Chính vì câu nói của Đức Phật là nếu như Như Lai trả lời, Như Lai cũng sẽ trả lời như vậy. Cho nên trong lần kết tập Tam tạng thứ nhất, các Ngài Đại trưởng lão đã liệt kê cuộc đàm thoại này và xem như là lời dạy của Đức Phật, cho nên đã liệt kê vào trong Tam tạng kinh điển, gọi là những lời dạy của Đức Phật.
Và vì ông cư sĩ Visākha vốn là người chồng khi cô Dhammadinnā còn là một cư sĩ nữ, cho nên khi nghe cô Dhammadinnā trả lời như vậy và Đức Phật cũng đã tán thán những câu trả lời của cô Dhammadinnā cho nên ông Visākha cảm thấy rất hoan hỷ và sự hiểu biết cũng tăng trưởng qua cuộc đàm luận pháp này cho nên bài kinh này được gọi là vedalla. Vedalla nghĩa là sự hiểu biết, trí tuệ và sự hoan hỷ. la nghĩa là có được. Cho nên bài kinh mà dẫn đến sự có được trí tuệ và hoan hỷ gọi là Vedalla Sutta
Cho nên qua những câu chuyện mà Ngài đã kể ở trong những bài pháp thoại vừa qua, đặc biệt là những câu chuyện liên quan đến ba nhóm người. Và trong đó có gia đình của ông Visākha và cô Dhammadinnā. Qua những câu chuyện đó chúng ta là những cư sĩ có thể học hỏi những bài học đáng giá ở trong những câu chuyện này. Và ngài nhắc lại cách đây 92 kiếp Trái đất, vào thời Đức Phật Phussa có ba nhóm người
- Nhóm người đầu tiên là nhóm người của ba vị hoàng tử cùng với đoàn tùy tùng của mình. Nhóm người đó vào thời Đức Phật Gotama hiện tại chính là nhóm người của ba anh em đạo sĩ Uruvelā Kassapa cùng với 1000 đệ tử tùy tùng của mình. Để độ nhóm người này Đức Phật đã thuyết bài kinh Ādittapariyāya Sutta – Bài kinh bốc cháy mà chúng ta đã nghe trong những bài pháp thoại trước
- Nhóm người thứ hai đó là nhóm người của ông quan đại thần lo về những công việc trong cung, gọi là quan đại thần nội vụ và nhóm người thân quyến của ông. Nhóm người đó vào thời Đức Phật Phussa, nhóm thân quyến của ông quan nội vụ vì những bất thiện pháp đặc biệt là những tâm bỏn xẻn, tham lam, đố kỵ đã trộm cắp những vật dụng dâng cúng đến Đức Phật và Chư tăng thời bấy giờ, cho nên những kiếp sau đó họ đã tái sinh vào những cõi khổ cho đến khi Đức Phật Gotama hiện tại xuất hiện trên thế gian, nhóm người đó chính là nhóm ngã quỷ đi theo ông vua Bimbisāra. Vua Bimbisāra chính là tiền thân của vị quan nội vụ cách đây 92 kiếp Trái đất. Và để giáo hóa vua Bimbisāra và giúp đỡ những ngạ quỷ là thân quyến của vua Bimbisāra, Đức Phật Ngài đã độ cho vua Bimbisāra trở thành một vị Thánh Nhập Lưu sau đó đã dạy vua Bimbisāra cách hồi hướng phước đến thân bằng quyến thuộc. Và nhóm ngã quỷ là thân bằng quyến thuộc đó cũng đã hưởng được phước và thoát khỏi cảnh khổ
- Nhóm người thứ ba cách đây 92 kiếp Trái đất là vợ chồng của quan ngân khố vốn là những người có đức tin nơi Phật Pháp Tăng và là những người có tấm lòng rộng lớn, cho nên sau kiếp thời bấy giờ vào thời Đức Phật Phussa họ đã tái sinh vào những cảnh giới an lạc cho đến khi kiếp Trái đất hiện tại vào thời Đức Phật Gotama họ đã tái sinh ở cõi người trở thành ông Visākha và cô Dhammadinnā. Đức Phật đã độ hai người này. Qua cuộc đàm luận pháp giữa ông Visākha và cô Dhammadinnā, ông Visākha đã có sự hiểu biết và sự hoan hỷ, cho nên bài kinh này được đặt tên là Vedalla sutta.
Và đặc biệt đối với câu chuyện của gia đình ông Visākha và cô Dhammadinnā chúng ta là những cư sĩ có thể học rất nhiều điều. Thứ nhất là cư sĩ nhưng nếu chúng ta luôn thực hành và sống có chánh mạng, có đức tin nơi Tam bảo, tinh tấn thực hành những pháp hành thiền định và thiền tuệ. Mặc dù khi còn là một phàm nhân vẫn có thể tái sinh vào cảnh giới an lành, gặp được Phật pháp và luôn tu tập ở trong Chánh pháp cho đến khi đạt đến sự giác ngộ, giải thoát
Và bây giờ Ngài sẽ tiếp tục chia sẻ đến chúng ta về Ngài Sāriputta, cuộc đời của Ngài Sāriputta với đề tài đó là Sự tìm kiếm pháp bất tử của Ngài Sāriputta
Sau khi Đức Phật giác ngộ ở dưới cội cây Bồ đề khoảng 9 tháng, Ngài đã ngự đến thành Rājagaha – thành Vương Xá của vua Bimbisāra và vào tháng giêng, Đức Phật gặp Ngài Sāriputta. Để bắt đầu câu chuyện này, Ngài Tam tạng sẽ nói thêm về sự tìm kiếm bất tử của Ngài Sāriputta như thế nào trước khi gặp Đức Phật
Trước hết pháp bất tử là gì. Từ Pali gọi là Amata. A có nghĩa là không, mata có nghĩa là chết hay tử. Amata có nghĩa là không chết hay là bất tử. Pháp bất tử nghĩa là ở trong pháp đó không có sự sanh, sự già và sự chết. Và chính vì không có sự sanh, sự già, sự chết nên gọi là pháp bất tử, và pháp đó cũng gọi là Niết bàn
Sở dĩ gọi pháp bất tử là Niết bàn vì trong Pháp cú kinh có một câu kệ đó là Appamādo amatapadaṃ Niết bàn gọi là amatapadaṃ – Pháp bất tử bởi vì ở trong Niết bàn không có sự tái sinh, và vì không có sự tái sinh nên cũng không có sự già và sự chết. Chính vì không có sự tái sinh, không có sự già và sự chết cho nên gọi Niết bàn là pháp bất tử
Ở trên thế gian hầu hết tất cả chúng sinh đều sợ chết, chỉ có bậc Thánh A ra hán mới không sợ chết mà thôi. Mặc dù hầu hết chúng sinh sợ chết nhưng mà không có chịu đi tìm pháp không có chết, pháp bất tử. Chính vì vậy mà chỉ có Đức Phật mới là người tìm kiếm được pháp bất tử mà thôi
Đặc biệt là những người có nhiều ba la mật tu tập ở trong quá khứ cũng có thể luôn hướng tâm để tìm pháp bất tử, chính vì vậy Ngài Sāriputta mặc dù sinh vào trong thời đại, thời gian chưa biết một vị Phật ra đời nhưng Ngài vẫn có sự hướng tâm đi tìm pháp bất tử. Đó là nhờ những pháp ba la mật ngài đã tu tập ở trong quá khứ. Và ở đây Ngài Moggalāna là bạn của ngài Sāriputta cũng đi tìm pháp bất tử, nhưng vì Ngài Sāriputta là người dẫn đầu, là người chủ động hơn Ngài Moggalāna cho nên tiêu đề thì chỉ liên quan đến Ngài Sāriputta mà thôi. Đó là tiêu đề Ngài Sāriputta là người đi tìm pháp bất tử. Nhưng thực ra Ngài Moggalāna cũng đi tìm pháp bất tử.
Vào thời Đức Phật, trước khi Đức Phật đến thành Rājagaha có một gia đình và gia đình này sống trong một ngôi làng gọi là ngôi làng Upatissa, người đứng đầu ngôi làng, thôn làng Upatissa chính là cha của ngài Sāriputta. Cho nên Ngài Sāriputta được đặt tên với cái tên thôn làng của mình là Upatissa. Trong thời gian hiện tại ở bên Ấn Độ có trường đại học Phật giáo rất lâu đời, có thể nói là trường đại học lâu nhất trên thế giới, đó là trường đại học Nalanda. Sở dĩ trường đại học Nalanda được thành lập tại địa điểm mà ngài Sāriputta sinh ra là để tưởng niệm Ngài Sāriputta. Cho nên ngôi trường đại học này được xây dựng ở ngôi làng của Ngài Sāriputta. Và những ai đã sang Ấn Độ để chiêm bái Thánh tính cũng có thể biết trường đại học Nalanda này. Bây giờ chỉ là những phế tích còn lại, những nền gạch nhưng mà rất đồ sộ. Cách đây mấy năm Ngài Tam tạng cùng với đoàn Phật tử Việt Nam cũng đã sang viếng thăm.
Và ở gần ngôi làng này cũng có ngôi làng tên là Kolita và ở ngôi làng Kolita, Ngài Moggalāna được sinh ra và cha của Ngài Moggalāna là một vị thôn trưởng cho nên cũng lấy tên làng của mình đặt tên cho Ngài Moggalāna là Kolita còn ngài Sāriputta thì cha của Ngài cũng là một vị trưởng thôn của Upatissa, cho nên Ngài Sāriputta khi còn nhỏ được đặt tên là Upatissa. Đây là 2 người bạn rất thân thiết từ khi còn nhỏ. Một người tên là Upatissa là ngài Sāriputta sau này, và một người tên là Kolita là Ngài Moggalāna sau này sau khi xuất gia ở trong giáo pháp của Đức Phật. Sở dĩ gọi là Sāriputta vì mẹ của Ngài tên là Rūpasārī và chỉ lấy phần phía sau của tên đó là Sāri còn putta có nghĩa là con. Sāriputta nghĩa là con của bà Sāri. Chính vì vậy sau khi xuất gia, người tên là Upatisa được gọi là Sāriputta con của bà Sāri. Còn Moggalāna cũng vậy, Ngài là con của bà Moggalī cho nên khi xuất gia ở trong giáo pháp của Đức Phật thì Ngài Moggalāna được gọi như vậy nghĩa là con của bà Moggalī. Như vậy sau khi xuất gia Upatissa được gọi là Sāriputta – con của bà Sāri , còn Kolita được gọi là Moggalāna – con của bà Moggalī.
Bởi vì hai gia đình có sự thân tình, trải qua nhiều đời, từ đời ông, đời cố cho đến đời cha. Nay hai gia đình này vẫn thân tình như vậy. Cho nên Ngài Upatissa tức Ngài Sāriputta, Ngài Kolita tức Ngài Moggalāna đã trở thành những người bạn thân, và hai người bạn thân này cũng có 250 người bạn thân thiết khác ở trong làng đi theo hai vị này.
Và theo tập tục của Ấn Độ thời bấy giờ, hàng năm người ta thường có những lễ hội, và những lễ hội thường tổ chức ở trên các đỉnh đồi, các đỉnh núi. Giống như thời nay ở bên Myanmar hang năm đều có những lễ hội tổ chức ở những chùa nằm trên những đồi cao. Cũng giống như lễ hội dâng y Kathina ở bên Myanmar hay những lễ hội khác, bên Ấn Độ họ cũng có những lễ hội tổ chức hàng năm ở trên đỉnh đồi và hai người bạn thân Upatissa và Kolita cùng nhau đi xem
Vào một lần nọ, hai người bạn thân Upatissa và Kolita đã đi chơi trong một lễ hội ở trên đỉnh đồi. Tại nơi đó Ngài Upatissa đã quan sát những nhóm người đang vui chơi trong lễ hội, Ngài đã có sự suy nghĩ rằng họ vui chơi giống như là họ sống mãi mãi, họ không biết mình sẽ chết. Dù một người có sống một trăm năm rồi cũng sẽ chết, có người sống tám mươi năm, bảy mươi năm, sáu mươi năm rồi cũng sẽ chết. Thậm chí có người đã chết khi còn rất trẻ hoặc là mới sinh ra hoặc là khi chưa sinh ra đã chết. Và bây giờ ta phải đi tìm sự bất tử, vì hễ có tử phải có sự bất tử, giống như trên đời có nam phải có nữ, có xấu phải có tốt, luôn có những pháp đối nghịch nên khi có tử chắc chắn phải có pháp bất tử. Vậy ta hãy đi tìm pháp bất tử
Khi đó Ngài Kolita đã đi đến và thấy bạn của mình có sự suy tư đăm chiêu, đã hỏi rằng: Này bạn thân, bạn đang nghĩ gì vậy. Khi đó Ngài Upatissa đã trả lời rằng tôi đang suy tư về tự tìm kiếm pháp bất tử. Ở trên đời có tử tức phải có pháp bất tử, cho nên tôi đang suy tư về sự tìm kiếm pháp bất tử. Khi nghe như vậy Ngài Kolita cũng có cùng quan điểm và nói rằng tôi cũng có cùng suy nghĩ như bạn, vậy thì chúng ta hãy cùng nhau để đi tìm pháp bất tử
Khi có cùng sự suy nghĩ như vậy hai người bạn Upatissa và Kolita đã đi tìm ở nhiều nơi và khi nghe ở thành Rājagaha có vị đạo sư là một trong sáu vị đạo sư tà kiến thời bấy giờ. Vị đạo sư mà hai người bạn Upatissa và Kolita đi đến để nương nhờ đó là ông Sanjaya. Hai người cùng với 250 người bạn đã đến nương nhờ ông Sanjaya và cùng nhau học tập dưới sự hướng dẫn của ông Sanjaya
Vị đạo sư Sanjaya là một người luôn thuyết về quan điểm gọi là amarāvikkhepa nghĩa là thuyết trườn như con lươn nghĩa rằng ông không có chấp nhận một quan điểm nào hết, ông luôn luôn trả lời những câu hỏi bằng cách luồn lách để cho người ta không có bắt lý bắt lẽ được. Cho nên khi nhóm người Upatissa và Kolita đến để nương nhờ học hỏi, chỉ trong hai ba ngày là có thể học tất cả giáo lý của ông Sanjaya vì Upatissa và Kolita là những người đại trí tuệ có thể học rất là nhanh. Sau khi học hết thuyết của ông Sanjaya mới thưa rằng: Thưa thầy, chúng con đã học hết những giáo lý của thầy rồi, thầy có thể dạy thêm được không. Ông Sanjaya mới nói rằng đó là tất cả những gì mà ta biết được, ta đã dạy cho các con rồi
Sau khi học hỏi giáo lý từ ông Sanjaya hai người bạn Upatissa và Kolita đã suy tư về những giáo lý đó, suy tư theo chiều xuôi và chiều ngược. Sau khi suy tư một cách tường tận, họ đã đi đến kết luận trong giáo pháp này của ông thầy mình tên là Sanjaya không có pháp nào gọi là pháp bất tử. Sau khi họ đi đến kết luận như vậy, họ đã để 250 người bạn tại chỗ của ông Sanjaya và hai người đã đi ra khỏi chỗ của ông Sanjaya để đi tìm pháp bất tử. Trước khi tìm kiếm pháp bất tử, họ đã cùng nhau đưa ra một lời giao ước đó là nếu một người nào ở trong hai người tìm thấy pháp bất tử, ngay lập tức phải thông báo cho người còn lại. Đó là sự giao ước mà hai người đã thiết lập trước khi xa rời nhau để đi tìm pháp bất tử
Và hai người bạn đã đi tìm kiếm pháp bất tử khắp nơi ở xứ Diêm Phù Đề Champudipa tức là Ấn Độ bấy giờ. Mặc dù đi tìm kiếm khắp nơi nhưng chưa gặp được Đức Phật bởi vì trong 8 tháng đầu tiên sau khi giác ngộ, Ngài chỉ ở Bārāṇasī ở vườn nai, rồi sau đó đến khu rừng Uruvelā rồi sau đó đến kinh thành Rājagaha. Đây là những địa điểm mà Đức Phật trong 8 tháng sau khi Ngài giác ngộ mà Ngài đã ngự đến. Cho nên hai người bạn Upatissa và Kolita đã chưa gặp được Đức Phật dù đã đi khắp nơi xứ Champudipa tức là Ấn Độ bấy giờ.
Cuối cùng hai người bạn đã quay về thành Rājagaha cũng là thời gian mà Đức Phật ngự ở thành Rājagaha. Và như vậy Đức Phật đã ngự đến thành Rājagaha. Từ ngày 15 đến ngày 30 tháng 12 là thời gian mà Đức Phật đã hóa độ cho vua Bimbisāra. Vào ngày mùng 1 tháng giêng, du sĩ Upatissa đã đi vào thành Rājagaha. Và chính vào buổi sáng ngày 1 tháng giêng ở trong thành Rājagaha, Upatissa đã gặp được Ngài Assaji. Ngài Assaji là người trẻ nhất trong nhóm 5 anh em Kondañña – Kiều Trần Như. Khi Upatissa thấy Ngài Assaji đang đi khất thực ở trong thành Rājagaha với tư cách rất khác thường, Ngài đi rất là chậm, mỗi bước chân đều có sự chánh niệm tỉnh giác, đó là sự ấn tượng đầu tiên đối với Upatissa.
Bởi vì Ngài Assaji đang đi khất thực nên dù Upatissa rất ấn tượng với phong thái của Ngài Assaji rất an tịnh, tĩnh lặng. Đối với một người an tịnh tĩnh lặng như vậy nên sẽ có những pháp cũng an tịnh, tĩnh lặng. Nhưng mà biết Ngài Assaji đang đi khất thực nên Upatissa vẫn đi sau và dõi theo hình bóng của Ngài Assaji cho đến khi Ngài Assaji khất thực xong, đến một nơi dưới gốc cây để thọ thực. Khi đó Upatissa đã đi đến chào hỏi Ngài Assaji
Và ở trong Mahāvagga – Đại phẩm thuộc Tạng luật có đề cập rất là rõ cuộc đàm thoại giữa Ngài Assaji với du sĩ Upatissa là Ngài Sāriputta sau này. Upatissa sau khi đến và chào hỏi xong, đã hỏi rằng thưa tôn giả, Ngài xuất gia phạm hạnh với ai, ai là thầy của Ngài, và thầy của Ngài dạy những pháp gì, xin Ngài hãy trình bày để cho con được rõ
Và khi đó Ngài Assaji trả lời rằng Bần sư xuất gia với Đức Thế tôn, là người xuất thân từ dòng tộc Sakya Thích ca. Vị đó chính là thầy của bần sư, và bần sư tu theo pháp chỉ dẫn của vị đó
Và Upatissa đã thưa với Ngài Assaji rằng vậy thì xin Ngài hãy thuyết pháp những gì mà Đức Thế tôn ấy đã thuyết cho Ngài. Ngài Assaji đã trả lời rằng này du sĩ, bần sư mới sinh ra ở trong giáo pháp này không lâu lắm, cho nên không thể thuyết pháp đầy đủ cho bạn nghe được. Khi đó Upatissa đã thưa rằng, dù ít dù nhiều xin Ngài hãy thuyết cho con được biết về giáo pháp đó
Khi đó Ngài Assaji đã thuyết một bài kệ chỉ có 34 âm mà thôi, và bài kệ đó, câu kệ thứ nhất là Ye dhammā hetuppabhavā nghĩa rằng là những pháp nào được khởi lên từ nguyên nhân. Ở đây Ngài Assaji thuyết về khổ đế – sự thật đầu tiên đó là khổ. Những pháp nào mà phát sinh lên từ nguyên nhân từ nhân duyên cấu tạo thành gọi là khổ đế. Đó là câu kệ đầu tiên tóm tắt về sự thật khổ đế
Câu kệ thứ hai của bài kệ đó là tesaṃ hetuṃ tathāgato āha tức Như Lai nói về nguyên nhân của những pháp ấy. Ở đây Ngài Assaji tóm tắt sự thật thứ hai đó là nguyên nhân sanh khổ. Nghĩa rằng là những pháp mà được khởi sinh lên từ nhân duyên, những pháp đó là danh sắc là ngũ uẩn, và nguyên nhân làm khởi sinh lên danh sắc và ngũ uẩn chính là sự thật thứ hai đó là tập đế. Đây là câu kệ tóm tắt sự thật thứ hai về nguyên nhân làm phát sinh khổ, làm phát sinh ngũ uẩn danh sắc và đời sống của mỗi chúng sinh
Câu kệ thứ ba của bài kệ đó là Tesañca yo nirodho nghĩa là sự diệt của những pháp được tạo ra bởi nhân duyên và sự diệt của những nhân duyên đó Đức Phật cũng đã thuyết về sự diệt đó. Câu kệ thứ ba này tóm tắt sự thật thứ ba đó là sự thật về diệt khổ, sự diệt khổ hay còn gọi là nirodha sacca. Chữ Pali nirodha ở đây có nghĩa là diệt. Pháp mà diệt có nghĩa là pháp mà nơi không có sự sinh, sự bệnh, sự già và sự chết. Những ai học Vi diệu pháp biết rằng trong tam giới có những cảnh giới chỉ có sắc mà thôi, có những cảnh giới chỉ có danh mà thôi, có nghĩa chỉ có tâm mà thôi. Và có những cảnh giới vừa có sắc vừa có danh, nghĩa là vừa có vật chất vừa có tâm, ở trong 31 cảnh giới hay trong tam giới không có pháp gọi là nirodha. Cho nên nirodha nghĩa là sự diệt khổ, chỉ nằm ngoài tam giới đó chính là Niết bàn
Cho nên ở trong Sīlakkhandhavagga là một bộ kinh thuộc Trường bộ, Đức Phật trực tiếp thuyết rằng: Ethe rupa (1:23:33) nghĩa là Niết Bàn là nơi danh sắc đều chấm dứt, hay nơi không có sự hiện hữu của danh và sắc, hay là nơi không có sự hiện hữu của vật chất và tâm. Cho nên nirodha có nghĩa là pháp bất tử, không có sự sanh già bệnh chết của danh và sắc. Khi nghe đến câu kệ này Upatissa đã hiểu rằng đây chính là pháp bất tử
Và ở trong bài kệ này Ngài Assaji không có đề cập đến đạo đế tức là con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ. Ở trong chú giải giải thích rằng, khi nói đến nirodha sự chấm dứt khổ thì cũng đã bao gồm con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ rồi. Vì nếu như không có con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ sẽ không có sự chấm dứt khổ. Chính vì vậy ở trong chú giải giải thích rằng đạo đế hay con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ đã bao gồm ở trong câu kệ thứ ba
Các Ngài đại trưởng lão cũng giải thích thêm ở trong chú giải rằng pháp diệt nirodha là pháp kết quả. Khi nói đến kết quả là đã nói đến nguyên nhân tức con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ. Đây là một biện pháp tu từ mà được sử dụng ở trong ngôn ngữ Pali cũng như trong ngôn ngữ khác. Biện pháp tu từ này là dùng danh từ chỉ kết quả để nói về nguyên nhân. Palu…(1:27:59) nghĩa là dùng danh từ chỉ kết quả để nói về nguyên nhân, ví dụ một người nấu cơm, thường hay nói rằng ta đi nấu cơm. Nấu cơm nghĩa là nấu gạo chứ không phải là nấu cơm, vì đã là cơm rồi thì đâu cần phải nấu nữa. Mặc dù nói nấu cơm những ai cũng hiểu là đi lấy gạo để nấu. Chứ người ta không có nói là đi nấu gạo mà nói là đi nấu cơm, ở đây cũng là cách dung biện pháp tu từ, dùng danh từ chỉ kết quả để nói về nguyên nhân. Cũng tương tự như vậy khi nói về nirodha nghĩa là diệt đế, cũng đã bao gồm nói về nguyên nhân dẫn đến sự diệt đế. Nghĩa rằng nói về diệt đế nhưng đạo đế cũng bao gồm ở trong đó
Câu kệ thứ tư là câu kệ cuối cùng ở trong bài kệ này đó là evaṃvādī mahāsamaṇo bậc Đại sa môn đã nói như vậy. Đây là một bài kệ rất là ngắn chỉ bao gồm 34 âm mà thôi, tóm tắt toàn bộ giáo lý Tứ diệu đế
Đối với Upatissa là một người có trí tuệ cực kỳ sắc bén, cho nên chỉ trong một hai ngày dưới sự hướng dẫn của thầy Sanjaya Ngài đã hiểu được toàn bộ giáo lý của vị thầy đó, cho nên Upatissa khi nghe hai câu kệ đầu tiên của bài kệ này tóm tắt về sự thật về khổ, nguyên nhân dẫn đến khổ, Upatissa đã chứng Thánh đạo, Thánh quả Nhập Lưu
Và với tâm hoan hỷ của mình Upatissa đã đưa với Ngài Assaji rằng đây là pháp mà con đã đi tìm kiếm trong thời gian rất là nhiều đời nhiều kiếp, và pháp này các Ngài đã thấu hiểu, nay con đã thấu hiểu pháp bất tử này.
Upatissa mới hỏi Ngài Assaji Thưa tôn giả, Đức Thế tôn ấy đang ngự ở đâu, Ngài Assaji mới trả lời rằng Đức Thế tôn đang ngự ở Trúc Lâm tịnh xá gần thành Rājagaha. Upatissa mới thưa rằng Thưa tôn giả con sẽ đi đến gặp Đức Thế tôn, và trước khi đến gặp Đức Thế tôn con có người bạn tên là Kolita và con sẽ đi đến người bạn và cùng nhau đi đến Đức Thế tôn, vậy con xin từ biệt Ngài
Và Upatissa đã đi đến gặp người bạn thân của mình là Kolita và đã thuật lại câu chuyện gặp Ngài Assaji từ đầu đến cuối. Và khi tường thuật đến câu kệ mà Ngài Assaji đã thuyết đó là Ye dhammā hetuppabhavā, tesaṃ hetuṃ tathāgato āha, cũng như vậy, khi tường thuật đến câu kệ thứ hai Kolita cũng chứng được Thánh đạo Thánh quả Nhập lưu giống như người bạn của mình
Sau đó người bạn Upatissa và Kolita đã đi đến 250 người bạn của mình cũng là giống như những người học trò của mình để thuyết phục đi theo Đức Phật, và sau đó đã đi đến đạo sư Sanjaya để thuyết phục ông đi theo Đức Phật
Khi được hai vị học trò là Upatissa và Kolita tới thuyết phục đi theo Đức Phật, ông Sanjaya mới hỏi rằng Ở trên đời người ngu nhiều hay người trí nhiều. Khi được trả lời rằng người ngu. Ông Sanjaya mới trả lời rằng hãy để người ngu đến với ta, còn những người trí đi theo Sa môn Gotama. Khi nói như vậy ông nói tiếp rằng, ta đã làm thầy rồi thì không thể làm học trò được nữa nên các ông hãy đi đi
Khi thuyết phục thầy Sanjaya bất thành, Upatissa đã cùng với người bạn thân của mình là Kolita cùng với 250 tùy tùng của mình đi đến Trúc Lâm gặp Đức Phật để xin làm đệ tử của Đức Thế tôn. Khi đi đến gặp Đức Thế tôn, Đức Thế tôn đang thuyết pháp và cuối thời pháp 250 tùy tùng của Upatissa và Kolita đã chứng Thánh đạo Thánh quả A ra hán, trở thành những bậc Thánh A ra hán ở trong giáo pháp của Đức Phật, còn Upatissa và Kolita vốn là những người sẽ trở thành hai đệ tử thượng thủ của Đức Phật cho nên cần thêm thời gian, chính vì vậy Upatissa và Kolita đã không có chứng đắc thêm 3 tầng Thánh đạo Thánh quả tiếp theo Nhất lai, Bất lai và A ra hán mà vẫn là bậc thánh Nhập Lưu mà thôi.
Sau khi bài pháp thoại chấm dứt Upatissa và Kolita cùng với 250 người bạn tùy tùng đã xin Đức Phật xuất gia ở trong giáo pháp của Ngài, và khi đó Đức Phật đã cho xuất gia theo cách Ehi Bikkhu. Đức Phật chỉ gọi này đến đây các tỳ khưu, tất cả những vị đó Upatissa, Kolita cùng với 250 người bạn trở thành những vị tỳ khưu có đầy đủ y bát và những vật dụng cần thiết. Đây là một cách xuất gia vào thời đầu tiên trong giáo pháp của Đức Phật và chỉ có Đức Phật mới cho xuất gia theo cách này mà thôi, không giống như bây giờ để trở thành một vị tỳ khưu phải có Sima nghĩa là phải có giới đường, có một ranh giới giữa chư Tăng là những vị tỳ khưu và những người không phải là tỳ khưu, và phải đọc tụng tuyên ngôn tăng sự mới có thể trở thành những vị tỳ khưu. Nhưng mà vào thời gian đầu của giáo pháp Đức Phật đã cho xuất gia theo cách Ehi Bikkhu này, và chỉ có những người đặc biệt, có đầy đủ ba la mật ở trong quá khứ đặc biệt là ba la mật dâng cúng y phục đến Đức Phật và chư Tăng thì mới được xuất gia theo cách Ehi Bikkhu này mà thôi
Và như vậy Upatissa và Kolita đã tìm thấy pháp bất tử, pháp bất tử ở đây là Niết bàn là nơi chấm dứt khổ. Còn đối với bậc Thánh Nhập lưu bốn cảnh giới đau khổ đó là ngạ quỷ, địa ngục, súc sanh và a tu la đã đóng lại. Nghĩa là những bậc Thánh Nhập lưu sẽ không bao giờ đọa vào bốn cảnh giới khổ nữa. Và như vậy tại bốn cảnh khổ này đối với hai vị Upatissa và Kolita đã không có phải là cái nơi để cho hai vị này đi đến bởi vì cánh cửa đi vào bốn cánh cửa đã đóng lại đối với hai vị
Cho nên Upatissa và Kolita tại bốn cõi khổ là không có sự chết nữa, còn đối với những vị như Nhất lai thì Thánh đạo tuệ Nhất lai chỉ làm yếu đi phiền não dục tham với sân chứ không có hoàn toàn đoạn trừ một phiền não nào mà chỉ làm giảm bớt đi dục tham và phiền não sân mà thôi. Đối với những vị Bất lai không còn dục tham và sân nữa, nghĩa là Thánh đạo và tuệ Bất lai đoạn trừ vĩnh viễn dục tham và sân. Và khi mà đoạn trừ dục tham và sân, những vị Bất lai không còn tái sinh vào những cảnh giới thuộc về Dục giới nữa. Như vậy ở những cảnh Dục giới đối với những vị Bất lai không còn tái sinh nữa, không còn sự sinh và sự chết tại Dục giới nữa
Còn đối với một bậc thánh A ra hán đã đoạn trừ những tham ở sắc giới và vô sắc giới cũng như những phiền não như là mạn, vô minh và rã rượi, buồn ngủ. Đây là những pháp dẫn tới tái sinh vào sắc giới và vô sắc giới. Đối với một bậc Thánh A ra hán đã đoạn trừ những phiền não này rồi, cho nên các Ngài không còn sự sinh và sự chết ở trong Tam giới nữa.
Và như vậy đối với Upatissa và Kolita là những bậc thánh Nhập Lưu. Hai vị này đã trở thành bậc Thánh Nhập lưu vào ngày 1 tháng giêng rồi xuất gia và kể từ ngày mùng 2 đến ngày mùng 7 tháng giêng, Ngài Moggalāna (Ngài Kolita), Đức Phật Ngài thuyết một bài kinh để giúp cho Ngài Moggalāna thành tựu Thánh đạo Thánh quả A ra hán. Còn đối với Ngài Sāriputta (Ngài Upatissa) 7 ngày sau tức là vào ngày rằm tháng giêng, Đức Phật cũng thuyết bài kinh khác để hỗ trợ Ngài Sāriputta thành tựu Thánh đạo Thánh quả A ra hán, trở thành những bậc Thánh A ra hán có đầy đủ trí tuệ phân tích và lục thông. Sau đó Đức Phật đã tuyên bố hai vị này chính là hai vị Thanh Văn Thượng Thủ đệ tử của Đức Thế tôn. Và hai bài kinh này, Ngài tam tạng sẽ thuyết vào tuần sau, chia sẻ với chúng ta hai bài kinh này vào tuần sau. Nếu như không xong sẽ vào tuần sau nữa
Như vậy đối với Upatissa và Kolita cũng như những chúng sinh khác vì có sự sợ hãi đối với sự sinh và sự chết cho nên đã đi tìm kiếm pháp bất tử. Đức Phật cũng dạy rằng Này các tỳ khưu, để thấy pháp bất tử các con hãy thực hành những đề mục như chánh niệm trên hơi thở vào hơi thở ra và thân hành niệm kāyagatāsati. Cho nên những phương pháp thực hành, những đề mục như hơi thở, thân hành niệm chính là những phương thuốc để dẫn đến sự bất tử.
Và như vậy để có được pháp bất tử chúng ta sẽ bắt đầu thực hành chánh niệm ở trên hơi thở vào, hơi thở ra để thấy rõ bản chất thực của hơi thở cũng như những pháp khác là danh pháp và sắc pháp ở trong mỗi người, thấy rõ những bản chất thật của chúng thì mới có thể thấy được những pháp bất tử.
Và như thường lệ chúng ta hãy ngồi với tư thế thoải mái, thư giãn, không gồng mình, có thể ngồi sếp bằng theo kiểu bán già nghĩa là chân trước chân sau, chân này đặt lên chân kia hoặc ngồi kiết gì nếu có thế nghĩa là ngồi hai chân đan chéo vào nhau. Hoặc có thể ngồi trên ghế với tư thế thoải mái, giữ lưng và cổ thẳng. Hai tay để trên hai chân hoặc trên đầu gối của mình. Nhắm mắt ngậm miệng, thư giãn toàn thân, chú ý đến trước mặt. Tại điểm tiếp xúc của lỗi mũi quan sát hơi thở vào, hơi thở ra tại điểm tiếp xúc đó. Khi hơi thở vào biết rõ hơi thở đi vào, khi hơi thở đi ra biết rõ hơi thở đi từ đầu đến cuối hơi thở. Nếu nghe một âm thanh hay có cảm giác ngứa trên thân hay cảm giác nào đó hoặc là những đối tượng tiếp xúc qua sáu giác quan tai mắt mũi lưỡi thân và ý hãy đừng quan tâm đến những đối tượng đó bởi vì chúng ta đang cố gắng thực tập để phát triển định tâm ở trên hơi thở. Vì vậy hãy cố gắng và duy trì sự chú ý và quan sát trên đối tượng hơi thở mà thôi.
Sau đây Ngài sẽ đọc một bài kinh ngắn để chúc phúc, cầu nguyện cho chúng ta cũng như thân quyến của chúng ta tránh được khỏi những điều rủi rõ tai hại, các bệnh tật kể cả bệnh Covid cũng như là để cho chúng ta có được sự an lạc bên người thân bên gia đình. Và đặc biệt Ngài cũng cầu chúc cho tất cả chúng ta sớm tìm thấy được pháp bất tử
Và bây giờ tất cả chúng ta cùng nhau phát nguyện Phật Pháp được trường tồn
Buddasasanam ciram titthatu (3 lần)
Bài Pháp Ngài Đại Trưởng Lão Tam Tạng 10 Sundara Tipitaka Sayadaw thuyết ngày 20/02/2022, Sư Thiện Đức dịch Việt, bản text được bạn Đào Duy Thắng tốc ký (có 2 đoạn 1:23:33 và 1:27:59 chưa đánh được text Pali).