Cũng Là Người Nhưng Nào Có Giống Nhau – Nghiệp Hiện Tại, Ngài Tam Tạng 10 Thuyết Pháp

Để tạo duyên cho quý Phật tử, tạo duyên cho sự tu tập và duyên lành trong cuộc sống, cũng như để cầu chúc cho tật bệnh sớm chấm dứt, Ngài đã có những bài pháp thoại chia sẻ với đại chúng. Hôm nay cũng vậy. Trước hết, Ngài sẽ đọc 1 bài kệ bằng tiếng Pāli để chúc phúc đến tất cả Phật tử có mặt trong hội chúng chiều nay.

 

Bài pháp thoại hôm nay có tiêu đề giống ngày hôm qua “cũng là người nhưng nào có giống nhau”, bởi vì nghiệp quả của mỗi người đều khác nhau. Ngày hôm nay Ngài sẽ chia sẻ với chúng ta thêm về đề tài này để cho mỗi người hiểu thêm về sự vận hành của nghiệp, qua đó để cho mỗi người có thể phát khởi đức tin trong sự tu tập, mang lại lợi lạc cho bản thân, gia đình và xã hội nói chung.

Hôm nay Ngài chú trọng vào vấn đề nghiệp ở trong hiện tại. Như hôm qua Ngài cũng đề cập về 4 nhân tố căn bản là nghiệp (kamma), trí tuệ (ñāṇa), tinh tấn (vīriya), sự thực hành (payoga); 4 nhân tố này đóng vai trò rất lớn trong việc tu tập, đặc biệt tạo những nghiệp thiện lành trong đời sống của mỗi người. Và đề tài mà Ngài chia sẻ chiều nay liên quan đến bài kinh Siṅgālovāda-sutta – Kinh giáo hóa thanh niên Siṅgālaka – ở trong Trường Bộ Kinh (Dīgha-nikāya), bài kinh số 31.

Vào thời Đức Phật, khi Ngài trú ở Veḷuvana (Trúc Lâm Tịnh Xá) gần thành Rājagaha (Vương Xá), Ngài đã thuyết bài kinh này. Như 1 số Phật tử đã từng sang Ấn Độ chiêm bái Phật tích, chắc chắn đã đến thành Vương Xá (Rājagaha) này. Hiện tại Vương Xá thuộc bang Bihar, vẫn có 5 ngọn núi bao bọc xung quanh thành Vương Xá này như vào thời Đức Phật vậy. Trúc Lâm Tịnh Xá là nơi chúng ta có thể đến thăm, Ngài (Tam Tạng) và Sư cũng có duyên lành đến đó viếng thăm nơi Đức Phật đã trú ngụ và thuyết bài kinh Siṅgālovāda-sutta này.

Vào thời bấy giờ ở thành Vương Xá này, có 1 ông triệu phú giàu có, ông có 1 người con trai. Người con trai vốn sống trong 1 gia đình giàu có nên không quan tâm đến việc thực hành tôn giáo, đặc biệt là không thực hành những lời dạy của Đức Phật, nên không hiểu về nghiệp, quả của nghiệp, không có niềm tin với Tam Bảo. Nhưng đến khi vị triệu phú sắp lâm chung muốn dạy cho con 1 điều gì đó tốt đẹp, nên ông căn dặn, sau khi ông mất, “con hãy đảnh lễ 6 hướng”, với niềm tin rằng nếu con mình làm như vậy thì sẽ gặp được Đức Phật, Đức Phật sẽ giảng dạy 6 hướng là gì, và cách đảnh lễ 6 hướng cho được lợi ích.

Mặc dù chàng thanh niên là 1 người khó dạy, nhưng sau khi cha mình lâm chung chàng vẫn làm theo di huấn của cha. Mỗi sáng chàng thanh niên đi ra bờ sông, đảnh lễ 6 hướng, mỗi ngày đều làm như vậy. 1 ngày nọ Đức Phật thấy đủ nhân duyên, trên đường đi khất thực Ngài đã đến gặp chàng thanh niên Siṅgālaka và nói, “Này Siṅgālaka, tại sao con lạy 6 hướng như vậy?”. Chàng mới kể lại rằng “trước khi cha con lâm chung đã dạy con như vậy”. Đức Phật dạy rằng: “Này Siṅgālaka, cha của con vốn là 1 bậc Thánh Thanh Văn, thì 1 vị Thánh không có nói 6 hướng giống như con nghĩ, mà 6 hướng ở đây có ý nghĩa khác”.

Chàng thanh niên đã thỉnh cầu Đức Phật giảng về ý nghĩa thật sự của 6 hướng trong Pháp và Luật của bậc Thánh là gì. Và để trả lời chàng thanh niên, cũng như để mang lại sự lợi lạc cho chàng thanh niên nói riêng và nhũng người hữu duyên nói chung, Ngài đã không những chỉ nói ý nghĩa của 6 hướng 1 cách đúng đắn, mà Ngài còn dạy từ bỏ 4 nghiệp phiền não, 6 nguyên nhân khiến phung phí tài sản, cũng như 14 ác pháp của 1 người, nhất là 1 cư sĩ tại gia phải loại trừ để mang lại lợi lạc, an vui trong đời sống hiện tại cũng như đời sống tương lai.

NGAI TAM TANG 10 VA SU THIEN DUC 1

Trước hết Đức Phật đã giải thích 4 nghiệp phiền não, đó là sát sanh, trộm cắp, tà hạnh và nói dối. Đây là 4 nghiệp phiền não mà 1 cư sĩ phải đoạn trừ và xa lánh. Ngoài ra, Ngài cũng giải thích về 4 điều xấu ác là: những hành động do tham, những hành động do sân, những hành động do si, những hành động do sợ hãi. Những hành động xấu ác do 4 điều này (tham, sân, si, sợ hãi) cũng phải xa lánh, đoạn trừ.

Đức Phật cũng dạy thêm 6 nguyên nhân khiến phung phí tài sản đối với 1 cư sĩ, đó là: (1) đam mê các loại rượu men, rượu nấu, (2) du hành đường phố phi thời, (3) la cà đình đám, kỹ viện là những nơi không đáng lui tới, (4) đam mê cờ bạc, (5) giao du ác hữu, (6) quen thói lười biếng. Đó là 6 nguyên nhân dẫn đến phung phí tài sản, khiến tài sản có được bị mất đi.

Trong 6 nguyên nhân đó, Đức Phật đặc biệt chú trọng giải thích vì sao phải xa lánh các loại rượu men, rượu nấu. Vì: (1) có thể khiến cho các bệnh tật sinh khởi, (2) làm cho sự xấu hổ được bộc lộ ra bên ngoài, đó là khi 1 người bị rượu men, rượu nấu chi phối không làm chủ được mình nữa, (3) người đó giảm thiểu trí nhớ, quên mình…

Đức Phật cũng giải thích vì sao không nên đi ra ngoài vào những lúc không hợp thời. Do là: những tài sản mình không được bảo vệ, những người thân yêu mình không được bảo vệ, những công việc của mình không được thực hiện, có thể khiến cho những điều bất trắc xảy ra khi ra ngoài không hợp thời…

Đức Phật giải thích vì sao không la cà các kỹ viện, vì 1 người la cà kỹ viện thì tâm sẽ bị phân tán bởi những ý tưởng không được lành mạnh như tâm luôn suy nghĩ nơi nào có những buổi ca, múa, hát, những nơi nào khiến cho tâm mình vui hơn nhưng chính những ý tưởng đó đã làm mất đi sự tự chủ của mình… Vì vậy, Đức Phật khuyên không nên la cà các kỹ viện.

Đức Phật đã giải thích không nên đam mê trong việc đánh cờ bạc. Bởi vì 1 người đam mê cờ bạc, người đó sẽ không có được niềm tin ở nơi người khác, những tài sản sẽ vơi cạn dần, người thân của họ cũng không có niềm tin vào họ, không có khả năng lo cho những người thân của mình với những vật dụng cần thiết hàng ngày. Vì 1 người đam mê cờ bạc không có tài sản 1 cách ổn định, cho nên là 1 người cư sĩ thì không nên đam mê cờ bạc.

Đức Phật dạy thêm rằng, là 1 người cư sĩ không nên giao du với các ác hữu, những người bạn không tốt, vì sẽ mang lại những điều bất lợi cho mình.

Đức Phật dạy rằng, 1 cư sĩ cũng không nên có thói quen lười biếng, không vì lạnh mà lười biếng, không vì nóng mà lười biếng, không vì no quá mà lười biếng, không vì đói quá mà lười biếng. Vì lười biếng như vậy, hiện tại không làm ra tài sản, và trong tương lai những tài sản đã được làm ra cũng không tồn tại lâu dài.

Ngoài ra, Đức Phật cũng dạy chàng thanh niên Siṅgālaka 16 loại bạn mà không phải bạn thật sự, và 16 loại bạn là bạn thật sự. Trong đó, 16 loại bạn mà không phải bạn thật sự, đó là: bạn nhưng vật gì cũng lấy, chỉ nói giỏi, không biết giúp đỡ bạn, khéo nịnh hót, chỉ biết tiêu pha xa xỉ, không biết bảo vệ tài sản của bạn mình… Và như Ngài (Tam Tạng) biết đã có 1 bản dịch bằng tiếng Việt của bài kinh này, quý Phật tử muốn tìm hiểu sâu hơn thì có thể đọc bài kinh này bằng tiếng Việt, bài kinh số 31 trong Trường Bộ Kinh, để có thể tránh xa 16 loại bạn không phải là bạn thật sự.

(Link bài kinh: https://theravada.vn/31-kinh-giao-tho-thi-ca-la-viet-kinh-truong-bo/)

Ngai Tam Tang 10 Thuyet Phap 25 09 1

Còn đối với 16 loại bạn là bạn thật sự là những người bạn biết ơn (người bạn khi được làm 1 điều gì đó thì người đó biết nhớ ơn), những người bạn biết chăm lo tài sản của bạn mình, chăm lo tinh thần cho bạn mình… Chúng ta cũng có thể tự tìm hiểu thêm trong bài kinh đó về 16 loại bạn là bạn thật sự để biết mà thân cận và nương nhờ tu tập.

Sau khi Đức Phật thuyết những điều cơ bản mang lại lợi ích cho chàng thanh niên, cũng như những người khác nói chung, Ngài trở lại đề tài ban đầu về 6 hướng mà chàng thanh niên Siṅgālaka đảnh lễ vào mỗi sáng. Đức Phật dạy rằng trong Pháp và Luật của bậc Thánh, (6 hướng) có ý nghĩa khác với chàng Siṅgālaka nghĩ. Đức Phật dạy rằng, hướng Đông tượng trưng cho cha mẹ mình; nếu đảnh lễ hướng Đông thì hãy hiếu thuận, giúp đỡ, vâng lời cha mẹ. Hướng Nam tượng trưng cho thầy cô, những người dạy bảo mình; đảnh lễ hướng Nam nghĩa là vâng lời thầy cô, những người lớn từng dạy bảo mình; hãy cung kính những người đó, tôn trọng giúp đỡ trong khả năng có thể. Hướng Tây tượng trưng cho vợ và con; 1 người đảnh lễ hướng Tây là luôn giúp đỡ vợ con, mang lại những hạnh phúc an vui cho vợ con mình. Hướng Bắc tượng trưng cho những người bạn, người thân của mình; đảnh lễ hướng Bắc là đối xử tốt với người bạn, người thân mình, giúp đỡ trong khả năng có thể. Hướng dưới tượng trưng cho những người làm thuê, dưới quyền mình; khi đảnh lễ hướng dưới là luôn đối xử tốt với những người thấp hơn mình, những người làm thuê cho mình. Hướng trên tượng trưng cho các Sa-môn, Bà-la-môn, các vị có giới đức, định đức, tuệ đức; đảnh lễ hướng trên là đảnh lễ, cúng dường, học hỏi từ các bậc Sa-môn, Bà-la-môn. Làm được như vậy mới đúng là đảnh lễ 6 hướng trong Pháp và Luật của bậc Thánh.

Trong 6 sự đảnh lễ như được đề cập trên, Ngài sẽ giải thích thêm về sự đảnh lễ hướng Đông, tức là sự đảnh lễ cha mẹ là những bậc sinh thành của mình, và sự đảnh lễ hướng trên, tức là sự đảnh lễ các bậc Sa-môn và Bà-la-môn. Đức Phật dạy vì sao phải đảnh lễ cha mẹ, đảnh lễ đúng nghĩa là như thế nào? Đức Phật dạy, (1) là 1 người con phải luôn có tâm niệm rằng cha mẹ là những người sinh ra mình, đã nuôi mình khôn lớn; khi cha mẹ về già mình phải luôn phụng sự cha mẹ. (2) Những công việc cha mẹ mình đã làm, mình phải tiếp nối làm công việc đó để duy trì đời sống cho mình và gia đình mình. (3) Phải luôn bảo vệ và phát triển tài sản của cha mẹ để lại. (4) Phải luôn duy trì những công việc, những thiện pháp mà cha mẹ đã từng làm khi còn sinh tiền. (5) Sau khi cha mẹ mất, là 1 người con hiếu thảo phải làm những thiện pháp để hồi hướng những phước thiện đó cho cha mẹ quá cố. Đó là sự đảnh lễ cung kính cha mẹ thông qua những việc làm có ý nghĩa.

Bởi vì những người làm cha, làm mẹ luôn tâm niệm lo cho con mình từ khi mới sinh ra đến khi trưởng thành, thứ nhất là luôn có tâm niệm nuôi con mình khôn lớn, dạy bảo những điều tốt đẹp, giúp con mình tránh xa những điều ác. Đến khi hợp thời, những người làm cha mẹ trao lại tài sản mình làm ra. Đến khi con khôn lớn và hợp thời, cha mẹ lo lập gia đình cho con cái. Đó là tâm niệm của những người làm cha mẹ đối với con cái.

Ý nghĩa đối với sự đảnh lễ, cúng dường đối với hướng trên, tức là đảnh lễ các bậc Sa môn, Bà la môn, các bậc có giới đức, định đức, tuệ đức. Khi đảnh lễ các vị có giới, định, tuệ thì làm sao cho ý nghĩa? Thứ nhất, luôn có hành động thân, khẩu, ý đi đôi với tâm từ, đối xử tốt với các bậc Sa-môn, Bà-la-môn, khi có điều kiện thích hợp thì thỉnh các vị đó đến nhà cúng dường vật thực, hộ độ những món vật dụng cần thiết cho các vị đó có điều kiện tu tập. Qua sự thực hành đảnh lễ, cúng dường như vậy, 1 người cư sĩ phải biết học hỏi những điều tốt, những điều nào là điều thiện nên làm, điều nào là bất thiện không nên làm, phải biết học hỏi từ các bậc Sa-môn, Bà-la-môn đó để tự mình biết cách tu tập, mang lại lợi lạc cho bản thân. Đây là những việc cần làm để có sự cúng dường, đảnh lễ đúng nghĩa.

Bởi khi 1 cư sĩ đảnh lễ hướng trên đúng nghĩa như vậy, các bậc Sa-môn, Bà-la-môn luôn có trách nhiệm, có tâm từ với những người đã đảnh lễ đến mình, luôn khuyên những người cư sĩ tránh xa điều ác, khuyến khích làm điều thiện; họ luôn phát triển tâm từ của mình đến các thí chủ cư sĩ, luôn giải thích những điều mà các vị thí chủ cư sĩ chưa biết, giải thích rõ hơn và làm sáng tỏ hơn những điều mà thí chủ cư sĩ đã nghe đã biết. Họ hướng dẫn các vị thí chủ cư sĩ theo còn đường đưa đến nhân thiên và giải thoát giác ngộ. Đó là những điều mà các vị Sa-môn, Bà-la-môn luôn tâm niệm đến các vị thí chủ cư sĩ.

Tóm tắt lại bài kinh Siṅgālovāda-sutta này: có những điều cần phải tránh, những điều cần phải thực hiện, và đảnh lễ 6 hướng 1 cách đúng đắn. Vào thời xưa, đối với bài kinh này nó mang ý nghĩa rất quan trọng trong việc giúp các cư sĩ có đời sống thánh thiện, nên còn có tên khác là Gihivinaya-sutta, kinh giúp những vị cư sĩ có sự thực hành đúng đắn trong xã hội.

Qua nội dung bài kinh này, chúng ta thấy rằng những người làm bố mẹ quan tâm lo lắng đối với con cái mình như thế nào, và chàng thanh niên Siṅgālaka sau khi nghe Đức Phật thuyết pháp như vậy, đã thấu hiểu, có sự kính tín đối với Tam Bảo, và trở thành 1 cư sĩ thiện lành trong Phật giáo. Bởi vì những người làm cha mẹ của chàng thanh niên muốn con mình tốt hơn nên mới khuyên con mình làm như vậy để gặp Đức Phật, qua đó Đức Phật giáo hóa con mình.

Vào thời Đức Phật, có 1 người cha mẹ khác đó là ông Cấp Cô Độc – là 1 phú hộ có công rất lớn trong việc hộ độ Phật giáo. Chùa Jetavana (Kỳ Viên) là do ông Cấp Cô Độc cúng dường, ông có 1 số người con, trong đó có 1 người con trai thường hay uống rượu. Để giúp con trai mình, ông mới bảo con mình thường đến Đức Phật nghe pháp; và ông trả mấy đồng tiền vàng nếu con ông nghe Đức Phật thuyết pháp; nghe xong nhớ được câu Phật ngôn nào thì ông sẽ thưởng thêm nữa. Thời gian sau người con này đã bỏ được rượu, trở thành bậc Thánh Tu Đà Hoàn. Đó là những cách mà người làm cha mẹ muốn con mình tốt hơn. Không những thời nay mà ngày xưa cũng đã vậy rồi, cha mẹ luôn muốn con mình tốt đẹp hơn, nên có những cách thiện xảo như vậy.

Chúng ta nên nhớ rằng, Đức Phật là 1 vị Phật Toàn Giác, Ngài thuyết 1 bài pháp nào cho 1 người nào đó, thì Ngài dùng trí tuệ của mình để quán sát xem điều gì thích hợp cho người lắng nghe. Nên bài kinh Subha-sutta trên đây Ngài đã giải thích về nghiệp quá khứ, trong bài kinh này Ngài giải thích về nghiệp hiện tại. Đối với 1 người, nếu chỉ có nghiệp hiện tại mà không có nghiệp quá khứ thì những công việc sinh nhai, hay việc tu tập của mình cũng khó tiến bộ. 1 người dù có thiện nghiệp quá khứ nhưng không có thiện nghiệp hiện tại thì cũng không đi đến đâu, vì nếu như có những tài sản, những phước báu trong quá khứ rồi mà không làm gì, chỉ ngồi hưởng thôi thì tài sản cũng hết. Nên phải có đầy đủ nhân tố cơ bản mà lần trước Ngài (Tam Tạng) đã giải thích, đó là nghiệp – nghiệp quá khứ và nghiệp hiện tại. Phải có trí tuệ (sự hiểu biết), tinh tấn (siêng năng) và sự thực hành.

NGAI TAM TANG 10 THUYET PHAP 2

Đây là 4 nhân tố cơ bản để 1 người có thể duy trì đời sống của mình 1 cách thiện lành, trong tu tập cũng vậy, cũng cần 4 yếu tố này thì mới tu tập tiến triển tốt đẹp.

Đối với trí tuệ của Đức Phật, Ngài thấy tâm tính cũng như những nhân duyên trong tiền kiếp của 1 người, qua đó Ngài giảng pháp, hóa độ cho chúng sinh. Với 1 người bình thường không có hiểu biết đúng đắn, có thể có những quan điểm sai lầm. Trong kinh Aṅguttara Nikāya, Chương 3 Pháp, Đức Phật đề cập đến 3 nguyên nhân khiến 1 người có quan điểm sai lầm, thấy biết không đúng.

Nguyên nhân thứ nhất khiến 1 người có quan điểm sai lầm, không đúng, đó là 1 số người trải nghiệm những cảm giác, cảm thọ – khổ, lạc và trung tính khác nhau. Họ cho rằng tất cả cảm giác, cảm thọ đó là do tiền nghiệp quá khứ, nên chúng là kết quả của nghiệp quá khứ đó, mà họ không quan tâm đến những hành động, nghiệp hiện tại. Quan điểm người đó là chỉ nghĩ về nghiệp quá khứ mà bỏ qua nghiệp hiện tại; những người như vậy có quan điểm định mệnh, họ đổ thừa cho quá khứ mà không nghĩ đến những nghiệp, hành động trong hiện tại tác động như thế nào. Những người chấp vào quan điểm như vậy gọi là pubbekatahetu-diṭṭhi – tà kiến định mệnh.

Thứ hai, có 1 số người cho rằng, tất cả những trải nghiệm sướng khổ trên đời đều do 1 đấng tạo hóa, 1 sáng tạo chủ, 1 đấng tối cao nào đó tạo ra, mà không phải do những hành động của họ. Nên với những người này, họ theo quan điểm gọi là issaranimmānahetu-diṭṭhi – những người theo thuyết đấng tạo hóa.

Thứ ba, 1 số người cho rằng tất cả sướng khổ trên đời mà họ đã trải nghiệm, đang trải nghiệm là 1 sự ngẫu nhiên, không do 1 hành động quá khứ cũng như hành động hiện tại nào cả, không do 1 nhân duyên nào cả, mà chỉ là 1 sự ngẫu nhiên. Những người này theo quan điểm vô nhân kiến (ahetuka-diṭṭhi), họ không tin vào nhân và duyên, họ chỉ tin vào sự ngẫu nhiên.
Trong 3 hạng người vừa mới đề cập, hạng người thứ nhất tin rằng tất cả sướng khổ trên đời đều do tiền nghiệp, do định mệnh, với những người này họ từ chối những hành động hiện tại, những nghiệp hiện tại. Với hạng người thứ 2, họ tin rằng sướng khổ trên đời là do 1 đấng tạo hóa tạo ra; với hạng người này, họ từ chối cả nghiệp quá khứ và nghiệp hiện tại. Với hạng thứ 3, họ không tin nhân quả, họ chỉ tin vào sự ngẫu nhiên, họ không tin sướng khổ trên đời là do nhân duyên, nghiệp lực tạo ra – hạng người này gọi là hạng người có tà kiến tồi tệ nhất trong những người có tà kiến.

Cho nên đối với 1 người, nghiệp quá khứ và nghiệp hiện tại rất quan trọng, cả 2 loại nghiệp này đều quan trọng. Đối với Tỳ-kheo Devadatta chẳng hạn, nghiệp quá khứ rất tốt nên ông mới sinh vào gia đình hoàng tộc, gặp được Đức Phật, xuất gia trong giáo pháp Đức Phật, chứng đắc thiền định và thần thông; nhưng đối với vị Tỳ-kheo này, nghiệp hiện tại đã có những hành động, suy nghĩ không tốt đối với Đức Phật, muốn lãnh đạo Tăng Đoàn nên có ý định giết hại Đức Phật, đã làm Đức Phật bầm máu, chính vì vậy những thần thông, thiền định người này do tu tập có được mất đi hết. Bởi vì những nghiệp hiện tại đã phá vỡ những quả thiện của thiện nghiệp quá khứ. Chính nghiệp hiện tại khiến Devadatta bị đất rút, bị đọa vào địa ngục A-tỳ.

Vào thời Đức Phật cũng có 1 thanh niên ở thành Vương Xá (Rājagaha) được thừa hưởng của cải tài sản của bố mẹ, rất giàu có, nghĩ rằng những của cải này không thể hết được. Nên chàng thanh niên chỉ ăn chơi và hưởng thụ tài sản đó, không dùng sự siêng năng, trí tuệ, hành động trong công việc. Thời gian sau do chơi bời phung phí như vậy, tài sản cạn kiệt, những thửa ruộng, mảnh vườn cũng bán đi, cuối cùng đã trở thành 1 người ăn xin. Điều đó cho thấy nghiệp hiện tại quan trọng như thế nào, nếu chỉ dựa vào nghiệp quá khứ mà không dùng nghiệp hiện tại, sẽ dẫn đến sự bất hạnh, cũng như những điều khiếm khuyết khác.
Nghiệp quá khứ đã qua rồi, không chắc chắn để dựa vào nghiệp quá khứ. Nghiệp hiện tại đặc biệt là 4 nhân tố nghiệp (kamma), trí tuệ (ñāṇa), tinh tấn (vīriya), thực hành (payoga) – đó là 4 nhân tố trong hiện tại mỗi người cần thực hành. Trong lịch sử Myanmar, có 1 vị vua xuất thân từ 1 nông dân. Nhờ sự cố gắng, trí tuệ và hành động trong hiện tại ông đã trở thành 1 vị vua.

Với những người khác cũng vậy, dù làm công việc trong 1 công ty, nhà máy dưới 1 quyền của người khác, nhưng với sự siêng năng, hiểu biết, cố gắng của mình, qua những hành động của mình với sự hiểu biết đó, có thể trở thành những người chủ thành công trong cuộc sống. Nên nghiệp hiện tại rất quan trọng; nghiệp hiện tại tốt đẹp mới có 1 tương lai tốt đẹp, và trong tương lai những nghiệp hiện tại trở thành nghiệp quá khứ tốt đẹp. Nên nghiệp hiện tại giữ vai trò quan trọng trong đời sống mỗi người.
Để 4 nhân tố hiện tại, đó là nghiệp, trí tuệ, tinh tấn và sự thực hành, được tốt đẹp, cần phải có minh sư thiện hữu. Giống như 1 người khi qua sông với 1 con thuyền, để con thuyền đi thẳng, người đó phải có 1 sự quân bình trong việc lái chiếc đò đó. Cũng vậy, trong sự tu tập của mình, để có được sự tu tập tốt đẹp cần có minh sư thiện hữu, và với sự thận trọng, quan sát, chánh niệm, trí tuệ để con thuyền của mình đến bờ bên kia.

Trong đời sống hiện tại, để có điều kiện tốt đẹp ngoài minh sư thiện hữu ra, mỗi người phải tự mình thực hiện những công việc chính đáng. Trong đời sống hàng ngày, Ngài (Tam Tạng) đã đề cập 4 yếu tố giúp cuộc sống hiện tại được tốt đẹp (siêng năng, giữ gìn tài sản, thiện hữu và cân bằng thu chi); và để tương lai tốt đẹp, có 4 điều kiện, đó là sīla (giới hạnh), danā (bố thí), samādhi (định tâm) và paññā (trí tuệ). Đây là 4 điều kiện rất quan trọng trong đời sống tương lai. Ngài sẽ giảng thêm về 4 điều kiện này. Còn điều kiện để hỗ trợ đời sống kinh tế, công việc, thì là 1 cư sĩ ai cũng biết rồi. Bây giờ, Ngài giải thích 4 điều kiện giúp 1 người hướng đến sự tu tập tốt đẹp trong tương lai.

Với bố thí, quý Phật tử đã nghe và thực hành nhiều rồi. Ngài tin là vậy, bởi trong những hoàn cảnh, như trong đại dịch này, có người tùy theo khả năng của mình chia sẻ của cải tài sản, nhu yếu phẩm với người khó khăn, đó là 1 dạng bố thí. Hay 1 Phật tử cúng dường, hộ độ đến chư Tăng Ni, các thiền sinh tu tập, các khóa tu, cũng là 1 cách bố thí cúng dường. Thứ 2 là giới, 1 cư sĩ cần có ngũ giới là thường giới, nên luôn cố gắng giữ ngũ giới trong sạch. Nếu có điều kiện vào những ngày bát quan (uposatha) thì giữ bát quan trai giới (ngũ giới cộng thêm ‘không ăn phi thời, không nghe đàn ca, múa hát… và không nằm ngồi nơi cao sang). Thực hành giới như vậy mỗi ngày để cho giới được trong sạch. Là 1 cư sĩ thì ngũ giới là thường giới, nên giữ như vậy trong suốt cuộc đời mình. Định – là 1 cư sĩ, đặc biệt là cư sĩ tìm cầu sự an lạc, nên thực hành đề mục thiền ānāpānassati (quan sát hơi thở vào hơi thở ra), là đề mục mà chư Phật trong quá khứ, hiện tại và tương lai cũng thực hành. Với đề mục này chúng ta có thể thực hành mỗi ngày 20 phút hoặc 30 phút để an trú tâm trên hơi thở, để tâm được quân bình, an tịnh. Đây là thực hành định trong đời sống của 1 cư sĩ.

Đối với bố thí, trì giới hay thiền định thì không chỉ trong Phật giáo mà ngoài Phật giáo cũng có. Nên 1 người không theo Phật giáo cũng có thể thực hành bố thí, trì giới và thiền định. Bởi vậy, đối với 1 Phật tử, yếu tố thứ 4 là paññā (trí tuệ) rất quan trọng, chỉ có trong Phật giáo, tức là sammādiṭṭhi – 1 chi phần trí tuệ ở trong tam học Giới-Định-Tuệ. Chỉ có Thiền Tuệ (vipassanā) mới có trong Phật giáo. Ngài sẽ giải thích thêm về trí tuệ này. Trí tuệ (paññā) hay chánh kiến (sammādiṭṭhi) có 5 loại: thứ nhất là sự hiểu biết đúng về nghiệp và quả của nghiệp (kammassakatā sammādiṭṭhi), hiểu biết rằng những hành động đúng dẫn đến kết quả tốt, hành động xấu dẫn đến kết quả xấu. Đây là sự hiểu biết đầu tiên, là chi phần chánh kiến thứ nhất.
Đối với 1 người có chánh kiến thứ nhất – đó là hiểu biết về nghiệp và quả của nghiệp, thì khi thực hành bố thí, trì giới, thiền định sẽ có sự hỗ trợ rất lớn, giúp những việc đó hiệu quả và đúng đắn hơn.

Chánh kiến thứ 2 là nāmarūpa sammādiṭṭhi, sự hiểu biết đúng đắn về danh pháp và sắc pháp; có 1 từ Pāli khác là nāmarūpa-pariggaha-ñāṇa, sự hiểu biết phân tích về danh pháp và sắc pháp. Với 1 người thực hành thiền ānāpānassati, sau một lúc quan sát hơi thở vào và hơi thở ra, khi tâm có sự ổn định, hành giả có thể chuyển qua thiền Minh Sát Tuệ (vipassanā), đó là quan sát những cảm giác, cảm thọ khởi sinh trong thân tâm mình. Ví dụ khi thân mình xúc chạm với sàn nhà, phát sinh lên 1 cảm giác cảm thọ, hay qua sự xúc chạm 2 chân với nhau khi hành giả ngồi có thể khởi sinh 1 cảm giác cảm thọ. Cảm giác, cảm thọ thuộc về tâm (danh pháp), còn chân hay thân tiếp xúc sàn nhà là sắc pháp. Để phân biệt danh pháp và sắc pháp, ngày xưa các vị Trưởng lão có 1 thí dụ rất hay. Khi mưa rơi xuống hồ nước, mặt nước hồ giống như thân của mình, nước mưa rơi trên mặt hồ giống như đối tượng bên ngoài mà thân mình tiếp xúc (như sàn nhà, hay chân này tiếp xúc chân kia). Khi nước mưa rơi trên mặt nước sẽ tạo những bọt nước trắng; những bọt nước này được ví như cảm giác, cảm thọ. Những bọt nước này khi sờ tay vào sẽ vỡ ra và biến mất. Tương tự vậy, cảm giác cảm thọ là những vật tuy không thể sờ mó được, nhưng nó khởi sinh và biến mất rất nhanh. Sự hiểu biết đúng đắn, rõ ràng, phân biệt được thân (sắc pháp) và cảm giác (danh pháp); nói cách khác, sắc pháp và danh pháp được phân biệt rõ ràng qua sự thấy biết trực tiếp như vậy gọi là sự hiểu biết về danh pháp và sắc pháp. Đây là một ví dụ điển hình, còn danh pháp và sắc pháp thì rất nhiều. Khi thực hành cũng cần phân biệt danh pháp và sắc pháp tương tự như vậy. Đây là trí tuệ về danh pháp và sắc pháp trực tiếp qua sự thực hành, chứ không phải là sự hiểu biết qua sách vở hay qua người khác nói; nó chính là sự hiểu biết của hành giả trên mỗi hiện tượng đúng như nó đang xảy ra.

Trở lại ví dụ nước mưa ở trên, khi nước mưa tiếp xúc với mặt nước của hồ, nó tạo ra những bọt nước trắng. Ở đây có 3 yếu tố để tạo ra bọt nước, thứ nhất là nước mưa từ trên rơi xuống, thứ 2 là mặt nước của hồ, và thứ 3 là sự tiếp xúc giữa nước mưa và mặt hồ. Khi nước mưa rơi xuống tiếp xúc với mặt hồ thì tạo ra bọt nước. Tương tự như vậy, khi thân mình tiếp xúc với sàn nhà, thì thân là 1 yếu tố, sàn nhà là yếu tố thứ 2, và sự tiếp xúc là yếu tố thứ 3. Nên khi hội đủ 3 yếu tố này thì sẽ tạo ra cảm giác, cảm thọ. Nếu như những vật dễ chịu tiếp xúc thân mình thì tạo ra cảm giác dễ chịu; khi vật cứng, thô ráp tiếp xúc thân mình sẽ tạo cảm giác khó chịu. Cảm giác dễ chịu và khó chịu là kết quả của 3 yếu tố: thân mình, vật bên ngoài và sự tiếp xúc. 3 yếu tố này là nhân, là duyên, còn cảm giác dễ chịu và khó chịu là kết quả. 1 người hiểu biết nhân quả như vậy 1 cách trực tiếp, gọi là sự hiểu biết đúng về nhân duyên của sắc pháp và danh pháp, tiếng Pāli gọi là Paccaya-pariggaha-ñāṇa hay paccaya-pariggaha-sammādiṭṭhi, sự hiểu biết đúng hay chánh kiến về nguyên nhân của danh pháp và sắc pháp. Đây chỉ là 1 ví dụ điển hình về nguyên nhân của danh pháp và sắc pháp. Trong sự thực tập trên thân tâm của mình cũng như bên ngoài cuộc sống thì có vô số sự sinh khởi của danh pháp sắc pháp và nguyên nhân của danh pháp sắc pháp theo cách Ngài đã giải thích. Khi có giác quan và đối tượng bên ngoài – 2 cái này tiếp xúc với nhau thì tạo cảm giác cảm thọ; giác quan và đối tượng là nhân, cảm giác cảm thọ là quả.

Cũng giống như bọt nước, khi lấy tay chạm vào, hoặc không cần lấy tay chạm vào, cũng có thể vỡ ra. Tương tự vậy, cảm giác cảm thọ khởi sinh lên và mất đi 1 cách rất nhanh chóng. Hành giả quan sát cảm giác cảm thọ và sự sinh lên rồi mất đi của cảm giác cảm thọ đó, dù là dễ chịu hay khó chịu, nó chỉ khởi sinh lên rồi mất đi thôi. Khi cảm giác cảm thọ khởi sinh lên gọi là sinh, khi mất đi gọi là diệt. Nhân duyên tạo ra cảm giác cảm thọ đó cũng không còn nữa. Sự hiểu biết sinh diệt của cảm giác cảm thọ và nhân duyên của cảm giác cảm thọ như vậy, trong tiếng Pāli gọi là Udayabbaya-ñāṇa – sự hiểu biết về sinh diệt của danh pháp sắc pháp. Đây cũng chỉ là 1 ví dụ điển hình. Những danh pháp sắc pháp nào khởi sinh thông qua sự tiếp xúc của 6 giác quan với 6 trần cảnh cũng được thấy biết tương tự như vậy. Khi hành giả thấy biết được sự sinh lên và mất đi của cảm giác cảm thọ cũng như sự sinh lên và mất đi của những nhân duyên làm khởi sinh lên cảm giác cảm thọ ấy, sự thấy biết đó gọi là sự thấy biết về tướng trạng của danh pháp sắc pháp. Quan sát sự sinh diệt liên tục như vậy, tâm hành giả sẽ trở nên nhàm chán và sợ hãi đối với danh pháp sắc pháp vì chúng sinh diệt quá nhanh. Hành giả không muốn bám víu vào danh pháp sắc pháp nữa. Đây là tiến trình chuyển hoá tâm linh của 1 người thực hành Thiền Minh Sát, và tiến trình đó được gọi là trí tuệ Thiền Tuệ (Vipassanā-ñāṇa). 1 người có được trí tuệ Thiền Tuệ thì người đó có được Vipassanā sammādiṭṭhi – Chánh kiến của Tuệ Minh Sát – đây là chánh kiến thứ 4.

Khi hành giả duy trì sự thực hành liên tục trong việc quan sát danh pháp sắc pháp, theo tuần tự đạt đến những sự hiểu biết trong thiền tuệ. Trong quá trình thực hành như thế, hành giả cũng phát triển 5 Căn và 5 Lực (Indriya Bala) là tín, tấn, niệm, định và tuệ. Nói cách khác, trong quá trình thực hành như vậy, hành giả cũng đang làm sung mãn 8 chi phần của Bát Chánh Đạo. Nếu ba-la-mật đầy đủ, hành giả sẽ đạt đến trí tuệ Thuận Thứ (Anuloma-ñāṇa), rồi đến trí tuệ Chuyển Tánh (Gotrabhū-ñāṇa), và sau đó đạt đến trí tuệ Thánh Đạo và Thánh Quả. Khi đó, hành giả có Maggaphalasammādiṭṭhi – Chánh kiến Thánh Đạo Thánh Quả.

Sau khi trí tuệ Thánh Đạo khởi sinh thì trí tuệ Thánh Quả khởi sinh tiếp theo đó. Trí tuệ Thánh Đạo và trí tuệ Thánh Quả cũng được gọi chung là Lokuttara-sammādiṭṭhi – Chánh kiến siêu thế gian.

Đối với 4 loại chánh kiến đầu tiên là chánh kiến thế gian (Lokiya-sammādiṭṭhi) – chánh kiến về nghiệp, chánh kiến về danh pháp sắc pháp, chánh kiến về nguyên nhân của danh pháp sắc pháp, và chánh kiến về trí tuệ Thiền Tuệ – còn được gọi là trí tuệ hiệp thế (Lokiya-ñāṇa); trí tuệ Thánh Đạo và Thánh Quả là trí tuệ siêu thế (Lokuttara-ñāṇa).

Đối với 1 hành giả, qua sự thực hành 4 yếu tố căn bản: nghiệp, trí tuệ, tinh tấn, sự thực hành, thì sẽ đạt được những điều mà mình hướng tới. Vào thời Đức Phật, có những vị đệ tử chỉ cần nghe 1 thời pháp đã có thể đắc Thánh Đạo, Thánh Quả. Có những vị đệ tử cần phải thực hành mới chứng đắc Thánh Đạo Thánh Quả, khi đó những tà kiến và phiền não dẫn đến tái sinh ở cảnh khổ mới được đoạn trừ. Qua sự đạt được Thánh Đạo Thánh Quả thì cánh cửa đi vào 4 đường ác đạo được đóng lại. Vào thời Đức Phật có những đệ tử như Ngài Bāhiya chỉ nghe 1 bài pháp ngắn thì chứng đắc Thánh Đạo Thánh Quả; Ngài Mục Kiền Liên (Moggallāna) sau khi nghe pháp, cần 1 tuần thực hành mới chứng đắc Thánh Đạo Thánh Quả; Ngài Xá Lợi Phất (Sāriputta) cần 2 tuần thực hành mới chứng đắc Thánh Đạo Thánh Quả.

Mỗi người có Ba-la-mật khác nhau và qua Ba-la-mật đó mà sự tu tập cũng khác nhau; lại nữa, phụ thuộc vào hạnh nguyện của mỗi người mà sự tu tập nhanh hay chậm. Quan trọng ở chỗ thực hành 4 điều cơ bản: nghiệp (thiện nghiệp), trí tuệ, tinh tấn, thực tập. Không những ở thế gian 4 pháp này hữu ích đối với công việc và cuộc sống của mình, mà trong lĩnh vực xuất thế gian 4 pháp này cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Nếu không có 4 pháp này thì con đường tu tập sẽ không đạt đến đích cuối cùng được. Nên qua bài pháp này, Ngài chúc cho quý Phật tử luôn tinh tấn, thực hành thiện nghiệp cùng với trí tuệ để mang lại lợi ích trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong việc tu tập giải thoát giác ngộ trong giáo pháp của Đức Thế Tôn.

Ngai Tam Tang 10 33

Thực hành thiền:

Bây giờ, để phát triển Lokuttara-sammādiṭṭhi, để hướng tới chánh kiến siêu thế, chúng ta sẽ bắt đầu thực hành thiền quan sát hơi thở vào và hơi thở ra. Chúng ta ngồi với tư thế lưng thẳng đứng, cổ thẳng đứng 1 cách tự nhiên, thư giãn thoải mái, nhắm mắt ngậm miệng, chú ý đến hơi thở vào và hơi thở ra ở điểm tiếp xúc của hơi thở với lỗ mũi. Khi hơi thở đi vào biết rõ hơi thở đang đi vào, khi hơi thở đi ra biết rõ hơi thở đang đi ra, biết rõ từ đầu đến cuối hơi thở ở điểm tiếp xúc của hơi thở với lỗ mũi.

Nếu có 1 đối tượng nào khởi sinh lên qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý thì đừng quan tâm. Chẳng hạn, khi nghe 1 âm thanh, hay có 1 cảm giác nhức mỏi, ngứa ngáy, khó chịu hoặc dễ chịu ở thân; hay có 1 suy nghĩ nào đó khởi sinh trong tâm, 1 hình ảnh nào đó xuất hiện trong tâm, thì cũng đừng quan tâm. Hãy quay trở lại hơi thở vào và hơi thở ra ở điểm tiếp xúc, và tiếp tục quan sát.
Thở 1 cách tự nhiên và quan sát hơi thở thật cẩn thận nhưng thư giãn. Không chú ý đến đối tượng khác. Không suy nghĩ về đối tượng quá khứ, không suy nghĩ về những chuyện tương lai, chỉ chú ý quan sát hơi thở vào và hơi thở ra. Nếu như khó nhận biết hơi thở hay tâm bị tán loạn, thì có thể thực hành đếm hơi thở. Khi hơi thở đi vào và hơi thở đi ra hãy đếm 1, hơi thở vào hơi thở ra đếm 2, đếm đến 7 hoặc 8, rồi quay lại đếm từ 1. Mặc dù đếm số nhưng vẫn quan sát hơi thở vào ra ở điểm tiếp xúc của hơi thở với lỗ mũi.

Sau khi thiền 10, 15 phút thì hành giả có thể chánh niệm ổn định trên hơi thở vào ra, và có thể chuyển qua thiền quán. Tuy nhiên, hành giả được khuyên rằng khi tâm chưa an trú trên hơi thở thì nên tiếp tục thực hành quan sát hơi thở vào và hơi thở ra cho đến khi tâm định tĩnh, không bị tán loạn, rồi mới chuyển qua thiền quán để quan sát cảm giác cảm thọ nào nổi trội trong thân mình. Nếu tâm chưa được an trú mà vội vàng quan sát cảm giác cảm thọ thì tâm sẽ dễ bị tán loạn và khó quan sát cảm giác cảm thọ. Thế nên, hành giả được khuyên rằng nên quan sát hơi thở 1 thời gian cho tâm an trú rồi mới qua thực hành quan sát cảm giác cảm thọ. Ngài đã giải thích về kỹ thuật, nguyên lý 1 cách tóm tắt để chúng ta có thể hiểu, ghi nhớ và thực hành, nhưng khi thực hành thì phải theo tuần tự từng bước vững chãi, không nên nóng vội đi nhanh, thì kết quả mới tốt đẹp như ý muốn.

Thời thiền đã xong. Bây giờ Ngài sẽ chúc phúc cho những người trong thời pháp này, cũng như cho những người ở Việt Nam và trên thế giới nói chung, cầu chúc cho tất cả tránh khỏi những điều rủi ro tai hại để tu tập và mang lại lợi ích cho mình, cho tha nhân. Ngài sẽ đọc câu Phật ngôn Pāli để cầu nguyện, ý nghĩa câu Phật ngôn là : “Đức Phật không bao giờ bị 1 ai có thể hãm hại; chư Phật tự mình tịch diệt Niết bàn. Do nhờ oai lực của chân ngôn này, cầu chúc cho chúng ta được nhiều an vui, hạnh phúc và tránh khỏi những điều rủi ro tai hại.”

VIDEOS CÁC NGÀI TAM TẠNG & NƠI KẾT TẬP TAM TẠNG TẠI MIẾN ĐIỆN

Phát Nguyện và Hồi Hướng:

Những phước thiện mà chúng con đã làm – phước thiện chắp tay lễ bái, cung kính đảnh lễ chư đại đức Tăng; phước thiện thọ trì Tam Quy và Ngũ giới; phước thiện nghe Kinh thính Pháp; phước thiện hành thiền, và những phước thiện khác mà chúng con đã làm – nguyện sẽ là duyên lành hỗ trợ chúng con, thành tựu những quả phước thế gian như sống lâu, sắc tốt, an vui, sức khoẻ và có trí tuệ, cũng như những quả phước xuất thế gian, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết Bàn, đoạn tận khổ ưu luân hồi trong tam giới.

Chúng con xin thành tâm hồi hướng tất cả những phước thiện này, đến cửu huyền thất tổ, ông bà cha mẹ, thầy tổ bạn hữu, cùng tất cả thân quyến hiện tiền cũng như đã quá vãng, và đến tất cả chúng sinh, nhất là Chư thiên hộ trì mỗi chúng con, Chư thiên hộ trì tư gia của chúng con, Chư thiên hộ trì Phật Giáo, Chư thiên và Phạm thiên ở trong tam giới. Nguyện mong tất cả hoan hỉ những phần phước thiện này, để an lạc, tiến hoá và lợi ích lâu dài; và cầu mong Quý vị hoan hỉ mách bảo cho tất cả thân quyến của chúng con đã quá vãng trong nhiều đời nhiều kiếp quá khứ cho đến kiếp hiện tại, và đặc biệt đến tất cả bệnh nhân tử vong vì Covid, hay biết, hoan hỉ và thọ nhận những phần phước thiện này rồi, được thoát khỏi mọi cảnh khổ và được an lạc lâu dài. Và cầu mong Quý vị hoan hỉ hộ trì cho tất cả chúng con cũng như thân quyến của chúng con, tránh khỏi mọi điều rủi ro tai hại, để thành tựu mọi hạnh phúc ở cõi người, hạnh phúc ở cõi trời và hạnh phúc cao thượng Niết Bàn cho được như ý nguyện.

Cầu mong tất cả hoan hỷ những phước thiện này, đồng đều nhau cả thảy. Sādhu, Sādhu, Lành thay!

 

(Bản text do anh Vũ Thái Bình tốc ký, Sư Thiện Đức kiểm duyệt và chỉnh sửa.)

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. Nhận thấy những lợi lạc vô cùng quý báu của Dhamma mà Bậc Giác Ngộ chỉ dạy, khoảng Rằm tháng 4 âm lịch năm 2020, con Dhamma Nanda và các bạn hữu Dhamma đã có tác ý phát triển trang Theravada.vn và hệ thống Phật Giáo Theravāda, nhằm tổng hợp lại các tài liệu Dhamma quý báu mà các Bậc Trưởng Lão và các Bậc Thiện Trí đã dày công lưu giữ và truyền dạy, nhằm đem lại lợi lạc đến nhiều người, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam.

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app